Ngày đầu điên của tôi ở nước Anh

Ngày 11/9/2018

London từ trên cao nhìn xuống như một biển châu báu với muôn ngàn viên kim cương lấp lánh. Lại một chuyến bay nữa tôi ngồi ở ghế giữa, tôi xin lỗi cô bạn ngồi cạnh vì phải làm phiền cô ấy tránh ra một chút để tôi có thể ghé sát cửa sổ máy bay chụp bức ảnh London trước khi hạ cánh, bức ảnh ảnh đầu tiên tôi chụp ở nước Anh. Chuyến bay CX257 của hãng hàng không Cathay Pacific hạ cánh xuống London lúc 6h30 sáng. Tôi vừa có thêm 6 tiếng đồng hồ vì giờ ở London chậm hơn giờ Hà Nội.

Blog 1

Vượt qua khu vực làm thủ thục Hải quan đông nghẹt, cuối cùng tôi cũng đến khu vực lấy hành lý. Vậy mà nhìn băng chuyền dài vô tận, mọi người lấy hành lý về hết, tôi vẫn không thấy hành lý của mình đâu. Tôi bắt đầu thấy lo bởi chuyến đi công tác châu Âu lần trước, tôi bị thất lạc hành lý, còn bây giờ thì cả “cuộc sống cả một năm phía trước” của tôi đã biến mất trên bằng chuyền. Chẳng lẽ London lại thử thách mình như thế? Đi vòng quanh bằng chuyền hành lý một hồi, tôi nhẹ cả người khi thấy màu xanh da trời của chiếc đai buộc hành lý của tôi khuất khuất trong một góc. Ai đó đã giúp tôi lấy cả 2 chiếc vali tổng hơn 40 ký xuống và xếp gọn gang vào một góc từ lúc nào. Cũng chẳng kịp thắc mắc, tôi cho hành lý lên xe đẩy ra khỏi sân bay.

Trước khi sang London, mẹ tôi có nhờ dì người quen sống ở Anh từ lâu ra đón tôi ở sân bay. Tôi biết mẹ tôi rất lo vì đây là lần đầu tiên tôi xa nhà quá 5 ngày, và theo kế hoạch tôi sẽ xa nhà 15 tháng. Dì không ra sân bay được sáng sớm được nên dì nhờ anh con trai dì có ô tô ra đón tôi. Tôi nhận ra anh và vợ trong đám đông ở sảnh đến. Nhìn anh không khác mấy so với lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi gặp anh trước đây khoảng 10 năm. Anh cũng hỏi tôi:

  • Hồi bé em biết anh không nhỉ?”

và trong ký ước của tôi bỗng hiện về một chàng trai mà người ta miêu tả “hơi nghịch” đến độ “bán trời bán đất”. Anh chỉ giống ngày xưa về khuôn mặt, còn về tính cách thì hoàn toàn trái ngược với những điều tôi từng nghe. Tôi chỉ “Dạ” một tiếng và cười để trốn tránh câu trả lời. Hóa ra nước Anh và thời gian có thể khiến một con người lừng danh ngỗ nghịch thành một người đàn ông điềm đạm, nhẹ nhàng nói chuyện với tôi như lúc này.

Hai vợ chồng giúp tôi kéo hành lý ra xe, anh chị ngồi ghế trước còn tôi ngồi ở ghế phía sau ô tô. Đường vào trung tâm London tấp nạp xe buổi sáng mọi người hối hả đi làm. Ngồi trên xe, anh kể cho tôi về cuộc sống ở Anh, về cộng đồng người Việt ở London, về công việc của anh, về sự khác nhau giữa Việt Nam và nước Anh, và về cả chuyến du lịch châu Âu anh và vợ anh vừa thực hiện. Anh nói, nước Anh không đẹp như Pháp, Ý nhưng có lẽ với tôi bầu trời xanh trong và những hàng cây đang chyển màu vàng đầu thu đã đủ đẹp lắm rồi.  Mãi đến gần 10h trưa chúng tôi mới vào tới khu nhà dì ở zone 2. Về đến nhà, anh giúp tôi xách hành lý lên căn hộ ở trên tầng, rồi hai vợ chồng vội vàng đi làm. Dì mở cửa, vừa nhìn thấy tôi dì thốt lên:

  • Phương Anh đấy à, con giống mẹ con quá.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp dì. Tôi vào căn hộ nhỏ tường màu gạch đỏ đã sờn cũ và có lò sưởi ở phòng khách. Nó rất giống những ngôi nhà kiểu Tây tôi hay thấy trong phim. Dì chuẩn bị cơm trưa và bảo tôi nghỉ ngơi nhưng thực ra tôi cũng không mệt chút nào cả. Dì nấu món Việt Nam với cơm trắng, thịt rang và rau xào, nhưng dì xa Việt Nam lâu rồi, nên hương vị không giống ở Việt Nam lắm. Dì bảo đồ Việt Nam ở Anh không thiếu, có rất nhiều cửa hàng đồ Á ở xung quanh London. Dì cũng mới về Việt Nam, còn mang sang cả mắm tôm, cuối tuần tới tôi qua chơi, dì sẽ làm bún đậu mắm tôm. Tôi nhận ra rằng cuộc sống người Việt ở nước ngoài không hề giống như mọi người ở nhà vẫn nghĩ. Người ta thường nghĩ đi nước ngoài là giàu lắm và thường hi vọng người thân ở nước ngoài gửi nhiều tiền về. Thực ra, ở nước ngoài, người ta cũng sống, lao động, cũng dành dụm chắt chiu, cũng trang trải hàng trăm nhu cầu của cuộc sống. Chi phí sinh hoạt ở một siêu đô thị ở London không phải rẻ. Ở nước ngoài là phải chấp nhận xa gia đình, họ hàng, chấp nhận những sự khác việt về văn hóa, lối sống, chấp nhận cả sự phân biệt đối xử. Nhiều người còn hỏi thế nếu vậy sao không ở nhà cho sướng? Tôi cũng chẳng có câu trả lời nào cho câu hỏi này nhưng tôi chỉ biết cuộc sống là một lựa chọn của mỗi người, cớ sao người ta cứ phán xét.

Xong bữa trưa, tôi xin phép dì về sớm vì buổi chiều tôi muốn đến trường. Nhìn chỗ hành lý và những đường chỉ dẫn màu xanh ngoằn nghoèo trên Google maps, tôi hỏi dì:

  • Con có thể về thế nào hả dì?

Tất nhiên là tôi không thể xách cả đống hành lý này lên xe bus 2 tầng hay xuống tàu địa ngầm. Tôi cũng chẳng dám đi lòng vòng khi ở đây ngày đầu tiên. Tôi cài Uber nhưng cũng không dùng được vì họ không cho dùng tiền mặt mà thẻ của tôi lại không được chấp nhận. Dì tôi cũng chỉ quen đi xe bus, không dùng Uber bao giờ. Hỏi mãi, dì tôi mới tìm cho tôi được số điện thoại của một hãng taxi. Tổng đài taxi nhắn tin xác nhận đặt xe và nhắn số tiền cần thanh toán. Đó là bài học đầu tiên tôi học được ở London, hãy nhớ số điện thoại của một hãng taxi truyền thống bởi phương tiện công cộng, hay công nghệ cao như Uber cũng có lúc trở thành bất khả thi.


Và điều tôi nghĩ về người Anh

Tôi đã thuê được nhà sinh viên nhưng vì bạn cùng phòng của tôi – Thư sang sau mà cô ấy lại là người làm hợp đồng nên phải có cô ấy tôi mới được vào nhà. Vậy mà tôi lại là người sang trước nên tôi đành thuê tạm một căn Airbnb ở gần trường để ở mấy ngày trước khi Thư kịp sang. Ở Anh có một điều rất tiện đó là Postcode, tôi chỉ cần đọc Postcode, người lái xe đã đưa tôi đến chính xác cửa nhà, không cần phải miêu tả ngõ ngách, rẽ trái, rẽ phải gì. Taxi đi vào khung trung tâm thành phố, tôi nhìn ra ngoài phố rồi bất giác thốt lên:

  • Đẹp quá!

Anh tài xế người gốc Ấn cười rồi chỉ cho thêm một vài chỗ hay ho gần khu tôi ở. Xe về đến Marylebone Lane. Tôi đứng trước căn nhà có cửa màu đen, nhỏ bé giữa con phố có những nhà hàng, quán bar sầm uất, rồi gọi điện cho chủ nhà.

Blog 4
Khu phố Marylebone

 Cánh cửa vừa mở ra, tôi gặp Matt, câu đầu tiên ông nói với tôi là:

  • Cô đã đi lạc đúng không?[1]

Matt là người đàn ông da màu, người Pháp giúp Paula – người chủ của căn nhà tiếp các vị khách và dọn dẹp phòng ngủ, bếp. Giọng nói của ông khiến tôi thấy rất dễ gần ngay lần gặp đầu tiên. Ông hay cười và cũng hay khiến người ta cười. Trước lúc sang, tôi đã hẹn Matt là tôi sẽ đến vào buổi sáng để gửi hành lý, tôi sẽ đến trường rồi quay lại nhận phòng, nhưng vì tôi ở nhà dì khá lâu, loay hoay mãi với tìm được xe về, mãi 4h chiều tôi mới về đến nơi. Buổi chiều tôi cũng chẳng kịp đến trường nữa. Matt hướng dẫn tôi sử dụng các thiết bị trong nhà, rồi để tôi lại một mình.

Căn phòng tôi ở tên là Comfy Single Room trong căn hộ có 6 phòng cho thuê của Paula. Paula ở tầng 1. Phòng tôi ở trên tầng 3, nhỏ xinh ngập tràn ánh nắng và luôn ngọt ngào mùi nến thơm. Phòng đơn 1 người nên có 1 chiếc giường nhỏ với ga trải giường màu hồng, một tủ quần áo, bàn gỗ cổ, một giá sách nhỏ xinh cạnh giường và những bức tranh treo tường lớn. Điều tiện lợi nhất là trong phòng có luôn bồn rửa mặt, nên đêm có đánh răng, rửa tay, rửa mặt mình không phải ra ngoài. Bếp và 2 nhà vệ sinh 6 phòng thuê sẽ dung chung. Trước lúc đến London, tôi tưởng tượng ra câu chuyện giống như trong “20 bí mật sành điệu của Madam Chic[2], nhưng khi bước vào nhà, tôi mới choáng váng và nhận ra sự thực là tôi đang ở London và London khác với Paris.

Ngôi nhà này có tường trắng, đôi khi có cảm giác hơi lạnh lẽo. Hành lang rất hẹp và căn nhà không hề có phòng khách, cũng chẳng có một căn bếp thơm lừng mùi bánh mỳ nướng và chắc chắn là không thể có những cuộc trò chuyện thân mật giữa host và khách vào những buổi tối ấm cúng. Tôi còn có cảm giác như tôi sống một mình ở đây, thậm chí còn thấy sợ vì sự yên tĩnh quá mức của nó. Có những lần tôi giật mình bởi tiếng cửa kẽo kẹt phía sau lưng. Có vẻ như đó là tính cách của người Anh mà người ta vẫn gọi là “Phớt Ăng-lê”. Họ lịch sự nhưng lạnh lùng và vô cùng coi trọng sự riêng tư.

Đó là một ngày dài, tối đến, tôi mở điện thoại, viết lên Facebook đã về đến nhà và cập nhật tình hình hiện tại để bố mẹ và mọi người ở nhà yên tâm. Tôi viết dòng nhật ký đầu tiên rồi đi ngủ, mai tôi sẽ đến trường.

Ngày 12/9/2018

Tôi dậy rất sớm, 5h sáng đã mở mắt và không thể ngủ thêm được vì còn chênh lệch múi giờ. Vào bếp nấu đồ ăn sáng là gói miến với soup Miso mà anh bạn mua cho tôi cầm sang từ Việt Nam. Tôi một mình ngắm những hạt mưa trắng xóa trên ô cửa sổ, bật nhạc Aucoustic và nghĩ xem ngày hôm nay sẽ làm những gì. Bên tòa nhà đối diện, có vẻ như có anh bạn nào đó làm việc ca đêm vẫn đang ngồi trước bàn máy tính, còn tôi thì đang cảm thấy thật chill. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác sống chậm như thế. Cuộc sống của tôi ở Hà Nội luôn bận rộn, luôn hối hả. Suốt một năm chuẩn bị hồ sơ, nộp học bổng, tôi vẫn quen với những ngày đi làm về muộn, tối về viết luận, ôn thi Tiếng Anh, làm mấy dự án cá nhân. Rồi lúc nhận được kết quả học bổng, tưởng là đã qua thời gian lo lắng, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều thủ tục, giấy tờ phải chuẩn bị và hoàn thành công việc ở công ty trước khi nghỉ để đi học.  Giờ tôi đã ở xa Hà Nội gần nửa vòng trái đất.

Blog 3
blog 2

Mới đến còn lạ, tôi chưa dám đi nhiều mà chỉ đi bộ đến trường, đi lấy thẻ cư trú và lang thang trong khu phố khu Marylebone. Khu phố Marylebone rất đẹp với những ngôi nhà tường trắng, cửa sẫm màu nằm san sát có những chậu hoa nhỏ xinh trước cửa. Con phố rất nhỏ nên không có đèn xanh đèn đỏ, vậy mà những chiếc xe ô tô luôn dừng lại chờ mỗi khi tôi đứng bên vỉa hè chuẩn bị sang đường. Có lần tôi không để ý, đứng bên đường tra bản đồ, khiến họ phải dừng lại đợi khiến tôi cũng ngại ngùng vì sự vô ý của mình. Tôi thích ngắm nhìn khu phố này mỗi khi chiều xuống. Những cô gái Anh tóc vàng ăn mặc đơn giản nhưng thật sang chảnh với áo khoác cashmere dài đến đầu gối bay nhẹ trong gió chiều. Những người đàn ông để rau quai nón lịch lãm trong bộ vest màu Royal Blue hối hả bước đi trên phố, và nếu tôi có vô tình chắn đường họ, họ sẽ nhếch mép lên cười nhẹ và nói “Sorry” bằng chất giọng trầm ấm rồi lại lạnh lùng vội vã bước đi.

***

Những bài viết khác về UK của mình: Nhật ký 444 ngày ở UK


Chú thích:

[1] “Are you lost?”

[2] Cuốn sách của tác giá Jennifer L. Scott kể về cuộc sống của tác giả sống cùng gia đình Madam Chic trong 1 năm học trao đổi ở Paris. Một năm, tác giả đã học được 20 bài học về phong cách sống thanh lịch của người Paris.