Nếu như Chevening cho tôi 1 năm để khám phá thế giới rộng lớn, thì con đường tôi đến với Chevening còn dài hơn 1 năm. Lý do là vì cho đến khi có đủ câu chuyện để viết 2000 từ cho 4 bài luận trong hồ sơ học bổng, tôi đã phải trải qua một hành trình để gom đủ chiếc hộp trải nghiệm của riêng mình.  Nước Anh với tôi là một hành trình dài nhưng đáng để đi. Chặng đường ấy đã mở cho tôi rất nhiều cơ hội mới. Đó không chỉ cho tôi được ngắm nhìn và khám phá thế giới xung quanh, gặp gỡ nhiều người mà đó còn là hành trình khám phá bản thân, vượt qua những giới hạn và những nỗi sợ hãi cho tôi hiểu hơn về chính bản thân mình. Tôi tin rằng cơ hội ấy dành cho tất cả mọi người.

Đường đến với Chevening

Chuyện apply học bổng Chevening của mình

Mọi người hay nghĩ rằng, để dành được học bổng danh giá thì người đó phải có nhiều thành tích lắm, phải siêu sao lắm. Tôi cũng đã từng thấy choáng ngợp trước những báo với tiêu đề “thành tích khủng” rồi gật gù “con nhà người ta” và lại tự nhìn hỏi “Liệu có đến lượt mình”. Có lần, ngồi tâm sự với những người bạn cùng được học bổng Chevening khác, tôi biết họ cũng từng nghĩ như tôi. Có lần tôi nhắn với cô bạn rằng “Đôi khi tớ thấy mình kém cỏi và không hiểu sao tớ lại được chọn ngay lần đầu tiên nộp”. Rồi tôi lại tự an ủi bản thân mình rằng “Có lẽ trong tôi có một tiềm năng gì đó, mà ban giám khảo nhìn thấy, nhưng tôi chưa nhìn thấy.” Và sao tôi lại nghi ngờ bản thân mình và nghi ngờ ban giám khảo được nhỉ?

20181020_113345

Tôi thấy một điểm chung của những bạn học giả mà tôi được nói chuyện, đó là họ đều có một câu chuyện để kể, một câu chuyện không có người anh hùng, không ly kỳ như tiểu thuyết mà rất đời thường. Họ hay kể cho tôi câu chuyện về những bước ngoặt, những điều bất ngờ để đưa họ đến với nước Anh. Và cứ mỗi lần ngồi với những người bạn ấy, tôi lại như được tiếp thêm năng lượng. Có lẽ còn một điểm chung nào đó nữa mà chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp, cả nhóm rất thân. Hợp nên tôi với Thư mới biết nhau được 1 tuần, chưa nói chuyện mấy mà nhanh chóng quyết định thuê chung phòng, và cả năm chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, mà chỉ có những tối buôn chuyện nhiều quá không học được bài.

192EFD06-2876-4E12-9887-E436C081B138-12397-000002A5C21FA4C1

Tôi cũng giúp nhiều bạn sửa bài luận Chevening và thấy vui vì mình có thể giúp được ai đó. Tôi không thể sửa từng câu chữ, và không thể chắc chắn được bài luận tôi thấy ổn sẽ thành công, bởi học bổng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và tôi không phải ban giảm khảo. Có một cô bạn nói với tôi rằng, sau khi nhấn nút nộp hồ sơ, dù không biết kết quả ra sao nhưng những ngày tháng suy nghĩ về bài luận kế hoạch tương lai, kỹ năng lãnh đạo và tạo dựng các mối quan hệ cũng là một lần bạn ấy nhìn lại bản thân mình và hiểu bản thân mình hơn. Nhưng đôi lúc chẳng hiểu sao tôi thấy hơi chạnh lòng. Bất cứ ai gửi mail dù bận thế nào tôi cũng cố gắng trả lời sớm nhất và làm hết sức có thể. Có những ngày ở UK, vừa thức đêm để nộp bài luận ở trường, tôi lại tiếp tục ngồi tiếp để đọc cho bạn, và năm lần bảy lượt tự nhủ “Mình chắc chắn đang tỉnh táo”. Nhưng khi tôi biết bạn ấy vì một lý do nào đó đã không hoàn thành hồ sơ học bổng, tôi thấy hơi hụt hẫng.

Nếu như ngày ấy, tôi vẫn ngồi yên với gánh nặng tự ti về bản thân mình và chấp nhận mình không có gì xuất sắc để được nhận học bổng, nếu như tôi không bắt đầu từ những dòng đầu tiên trong bài luận và viết một bản nháp nham nhở, nếu ngày hôm ấy cô bạn tôi bảo “Uhm, đừng nộp hồ sơ nữa, mất thời gian” và tôi bỏ cuộc, tôi chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ nhận được học bổng, không bao giờ đến nước Anh và không có những trải nghiệm, cũng chẳng có những dòng này. 

Chạnh lòng nhất là có những bạn nhắn tin cho tôi chỉ để xin lại bài luận mẫu của tôi. Nói thế nào nhỉ? Tôi nghĩ trước khi viết luận, bạn không nên đọc bài luận của người khác. Khi đọc bài luận mẫu của người đã thành công, bạn sẽ đối mặt với hai khả năng. Một là bài luận mẫu quá xuất sắc với nhiều thành tích, người viết tham gia rất nhiều các dự án lớn mà bạn chưa bao giờ tham gia. Khi đó, bạn sẽ tự hỏi làm sao để mình có nhiều thành tích như vậy và bạn sẽ dễ nản lòng. Khả năng thứ hai, bạn sẽ thấy bài luận khá đơn giản và bạn nghĩ rằng “chỉ cần thế này thôi mà đã đỗ rồi”, từ đó và bạn không đào đâu suy nghĩ nữa. Tệ hơn, là bạn sẽ dễ vướng phải đạo văn. Bạn biết đấy, người đi chép luôn là người đi sau. Khi đọc bài luận mẫu, bạn sẽ tự nhốt tư duy và khả năng sáng tạo của mình trong mấy ngàn từ của người khác, bạn cố gắng tìm một ví dụ tương tự và biến nó thành bài luận của mình. Điều đó chỉ khiến quá trình viết hồ sơ của bạn thêm khó khăn. Viết bài luận như kể một câu chuyện về bản thân, đôi khi trong đó có những chuyện rất riêng tư, một câu chuyện mang màu sắc, cá tính của mỗi người.

Đề bài của Chevening qua các năm hầu như không thay đổi, tôi nghĩ điều đó không hề tạo điều kiện để những người đi sau tiếp tục đi trên con đường của những người đi trước, mà đó là tiêu chí để Chevening chọn một ứng viên phù hợp. Chevening hỏi bạn về kế hoạch tương lai sau khi đi học về để bạn nhìn xem bạn muốn trở thành ai. Để trở thành người như bạn muốn thì bạn còn thiếu gì và 1 năm học Thạc sĩ làm thế nào có thể giúp bạn bù đắp việc còn thiếu đó. Thay vì đi hỏi han khắp nơi xin bài luận mẫu, xem ví dụ của người khác ra sao, các bạn nên tập trung vào chính bản thân mình. Để xây một ngôi nhà, bạn phải bắt đầu xây từ cái móng, khó và lâu, đôi khi thời tiết chẳng ủng hộ, nhưng dù thế nào, bạn sẽ chẳng có gì khi không đặt viên gạch đầu tiên mà chỉ mải mê nhìn nhà hàng xóm. Không có một con đường tắt nào cả, bạn luôn nhận được một kết quả xứng đáng với công sức bạn đã bỏ ra. 

Đừng nghĩ học bổng để bạn đi chơi. Bạn biết đấy, mỗi người đi học là một khoản đầu tư rất lớn, nó lấy từ thuế mà những người dân Anh phải đóng. Bạn làm gì để xứng đáng với điều đó. Tôi có quen 1 cô bạn người Ai Cập, thuê nhà của 1 người Anh. Có lần cô ấy vô tư nói chuyện với Host, đến đoạn nói đến cô ấy nhận học bổng Chính phủ Anh và cùng với cô ấy có 1800 học giả ở khắp nơi trên thế giới nữa, sắc mặt Host thay đổi hẳn và ông ấy thốt lên “Oh, Sh*, my money!”. Tôi thấy sẽ thật là bất công nếu người ta không trân trọng, biết ơn một đặc ân lớn lao mà mình nhận được. Khi đã quyết định cho mình một cơ hội để thử, nếu bạn nghiêm túc với thành công thì thành công sẽ “nghiêm túc” với bạn.

Kinh nghiệm apply học bổng Chevening

Hành trang tôi trở về

Một năm ở Anh, hành lý mang về đựng đầy hai vali nặng trĩu, và có quyển album ảnh kỷ niệm những chuyến đi tôi mang về bằng được. Tôi nhận ra mình đã đi được một hành trình khá dài. Trên hành trình ấy, tôi hiểu được những người thực sự yêu thương, thực sự quan tâm đến tôi. Tôi cũng gặp những người bạn mới và thích được nghe những câu chuyện về chính họ để thấy cuộc sống này muôn màu, rộng lớn và có vô sống những điều tôi cần học hỏi. Cuộc sống của tôi cũng tập trung vào chính mình hơn. Tôi bỏ dần được cái điểu yếu chí mạng đó là “bận tâm quá nhiều về chuyện người khác nghĩ gì về mình”.  Điều giá trị nhất tôi làm được cho mình đó là lắng nghe tiếng nói bên trong mình nhiều hơn thay vì bị ảnh hương, hay suy nghĩ, muộn phiền vì những lời nhận xét của người khác. Tôi không còn tự so sánh mình với người khác rồi lại u sầu bởi một gánh tự ti về bản thân mình. Tôi biết mình muốn gì, mình hợp với những gì, buông bỏ những điều không cần thiết và từ đó tôi tự tin hơn, yêu thương bản thân mình. Hơn tất cả tôi hiểu giá trị của sự thay đổi. Thay đổi không đồng nghĩa với việc là sẽ tốt hơn nhưng thật thú vị khi nhìn thấy phiên bản mới của mình mỗi ngày, và thay đổi, bạn cũng cho chính mình một hy vọng về tương lai. Thật tốt nếu như người ta tìm được mục tiêu để hướng tới, nhưng nếu vẫn chưa tìm ra được đích đến của mình, tôi nghĩ điều duy nhất chúng ta có thể làm là thử và tiến bước. Đôi khi, sự thú vị đến từ những điều mơ hồ, bí ẩn.

Tôi học được bài học về hành động. Tôi luôn giữ trong mình một cuốn sổ nhỏ, ghi lại tất cả những điều tôi muốn làm dù đó chỉ là 1 suy nghĩ thoáng qua trong đầu và tôi hứa với bản thân mình rằng, mình sẽ thực hiện tất cả những điều đó. Nếu có khi nào thấy chùn bước, đắn đo vì sợ khó, nản lòng, không biết làm gì tôi sẽ mở cuốn sổ đó ra và đọc. “Mình sẽ làm được, mình sẽ trở thành người khiến Phương Anh của ngày hôm qua tự hào và ngưỡng mộ”. Tôi vẫn nhớ một ngày mưa, ngày thứ 3 tôi ở London, tôi từ trường về, ngủ gục trong phòng mặc cơn mưa lạnh ngoài cửa sổ. Tỉnh dậy, đã 4h chiều, tôi mở cuốn nhật gì ra và tình cờ nhìn lại trang mình viết “Những điều mình sẽ làm khi dành học bổng Chevening”, và tôi tự hỏi “Mình cố gắng nhiều thế chỉ để đến đây ngủ thôi sao”, và chính những thông điệp của quá khứ đã kéo tôi đứng dậy, bước chân ra khu phố muôn màu ở London.

London

Ở nước Anh, tôi luôn tự dặn chính mình rằng:

Hãy ngắm nhìn cuộc sống xung quanh bằng đôi mặt mở to, học hỏi, khám phá bằng tất cả sự tò mò và đón nhận mọi sự mới mẻ bằng trái tim rộng mở. Không phán xét, không định kiến.

Tôi bỏ ngoài tai mọi sự chê bai rằng thời tiết ở Anh mưa nhiều lắm, rằng đồ ăn ở Anh chán lắm, rằng người Anh lạnh lùng lắm, rằng London xô bồ lắm. Người ta bảo, vũ trụ luôn đáp lại chúng ta những gì chúng ta cho đi như một phản lực. Trao yêu thương, bạn sẽ nhận lại yêu thương. Và nước Anh đã yêu thương tôi đến nỗi cho tôi những ngày nắng vàng ươm, cho tôi vị ngọt ngào của bánh Scone và vị thơm béo ngậy của Fish and Chips, cho tôi sự ân cần và trìu mến của những người Anh dù xa lạ mà tôi gặp trên đường và cho một London quá thân thương.

IMG_4774 123

Sau khi về nước, cuộc sống không hản là màu hồng, tôi đối mặt với sốc văn hóa ngược. Nếu bạn chưa từng biết cảm giác đó thì thực sự nó “kinh khủng” hơn tôi từng nghĩ. Cảm giác khi ngồi nhìn lại những bức ảnh mình đã chụp, nghĩ về những chuyến đi, nó giống như một giấc mơ mà giờ tôi phải tỉnh giấc để trở về với thực tại. Nhưng giờ đây, tôi đã đối diện với những chuyện cũ bằng một con người mới. Nước Anh đã dạy tôi không chỉ từ những bài giảng trên lớp mà còn dạy tôi biết mỉm cười khi vừa nhận ra mình vừa bị mất ví ở ga tàu địa ngầm, dạy tôi những nguyên tắc ứng xử một cách điềm đạm và văn minh, sang chảnh và hơn cả dạy tôi biết chăm sóc và yêu thương bản thân mình, dạy tôi cả cái cách “phớt ăng-lê” đôi khi bị cho là kiêu kỳ nhưng giúp tôi biết mặc kệ những chuyện bao đồng để tập trung vào cuộc sống của mình. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng nhưng tôi có quyền được chọn cách mình sống.

Điều quý giá nhất mà tôi biết ơn nhiều nhất đó là tôi vẫn có những người bạn, những người anh chị luôn ủng hộ, khích lệ và động viên chia sẻ với nhau. Đó là những người bạn để tôi luôn tự hào, ngưỡng mộ và luôn cảm thấy mình thật may mắn khi có họ ở bên cạnh.

“Scholar for a year, Chevener for life”

IMG_1866-01

Dù ngày hôm nay xám xịt, mây mù khắp nơi, bạn vẫn sẽ tìm thấy những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày, dù hôm nay mưa vẫn rơi ngoài cửa sổ, chỉ cần bạn luôn giữ một mặt trời nhỏ ở trong tim, nước Anh sẽ yêu thương bạn, như cách tôi đã được yêu thương.

Chúc bạn nhiều may trên con đường mình chọn. Khép lại những dòng nhật ký ở nước Anh, giờ tôi lại tự hỏi chính mình “Sau Chevening sẽ là gì nữa? Tôi là ai?”. Tạm biệt những ký ức đẹp đẽ về nước Anh, giờ tôi sẽ viết những chương mới trong cuốn sách của đời mình.

Cám ơn bạn đã đọc câu chuyện của tôi và hi vọng chúng ta sẽ cùng đồng hành trên những hành trình mới phía trước.

Theo dõi Blog qua Email