Ở University of Westminster có một chương trình mang tên “Career Mentoring Scheme” dành cho sinh viên sắp hoặc đã tốt nghiệp. Chương trình sẽ xem nhu cầu nghề nghiệp của sinh viên (mentee) thế nào. Sau đó, họ kết nối sinh viên với một mentor là alumni hoặc giáo viên trong trường, người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực, công việc đó để tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp mentee chuẩn bị hồ sơ xin việc… Mình đăng ký tham gia chương trình và mong muốn tìm mentor là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hàng không và giúp mình apply PhD. Cuối cùng, mentor của mình chính là 1 thầy giáo dạy trong khoa. Thầy lại dậy đúng môn mà mình điểm kém nhất.

Sau 6 tháng, thầy không chỉ giúp mình đọc và sửa research proposal, CV, LinkedIn profile, cho mình một số cơ hội đang tìm ứng viên, mà điều quan trọng hơn thầy cho mình hiểu hơn về con đường của một researcher. Đó là một con đường không thẳng như mình vẫn nghĩ.

Một profile chơi vơi

Sau khi học xong thạc sĩ quản trị hàng không, cùng với kinh nghiệm làm việc, mình muốn tiếp tục nghiên cứu liên quan hàng không khi học PhD. Khó khăn khi tìm học bổng lúc ấy không chỉ là năm Covid, cả ngành hàng không điều đứng, các nghiên cứu bị cắt funding. Mình đọc các thông tin trên diễn đàn “Hiện nay các nguồn quỹ sẽ ưu tiên cho các ngành STEM – khoa học, công nghệ, toán, AI, Data. Học bổng các ngành Social Sicience hạn chế hơn”, điều này khó khăn cho cả sinh viên bản địa chứ không nói gì sinh viên quốc tế. Ngoài ra, khó khăn còn ở chính bản thân mình. Nhìn đâu cũng thấy cửa hẹp và nó dẫn đến câu chuyện chọn ngành chọn đề tài lắt léo.

Dream school đầu tiên, ở MIT, mình theo dõi 1 thầy từ hồi đi làm vì thầy là tác giả cuốn sách mình đọc từ lúc mới nhập ngành. Mình gửi email cho thầy và bị từ chối nhẹ nhưng mình vẫn quyết tâm apply. Đến lúc mình nhờ bạn review bài luận (Personal Statement), nó tá hỏa gọi cho mình sau khi đọc giới thiệu trường:

  • Bà ơi, bà có chắc không, đó là School of Engineering, tại sao không apply vào School of Management?

Mình tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương và đang làm việc về chiến lược kinh doanh. Thực sự mình đã đọc kỹ và tìm hiểu 13 lĩnh vực nghiên cứu hàng không của trường. Trong đó, có 1 lĩnh vực phù hợp với mình là Airlines management. Lĩnh vực này đúng với công việc mình làm và chương trình học Master. Và mình mình trượt. Mình còn tìm profile của các sinh viên tốt nghiệp trong khoa và các giáo viên, phần lớn họ có background mạnh về Toán, Statistic, Computer Science, Operation Research. Dù mình đã bổ túc kiến thức toán, thống kê, data science nhưng trình đó cũng chỉ như học sinh tiểu học khi so với các bạn học đại học chuyên ngành đó 4 năm đại học.

Sau đó, sang một Business School, mình nghĩ sẽ hợp với mình hơn. Sau khi gửi email cho giáo sư có research interst là airline marketing, mình nhận được câu trả lời “Chúng tôi cần người có Background Social Science mạnh hơn”.

Thế là background của mình học Engineer thì không đủ toán còn học Business thì không đủ Social Science. Cái kiểu mỗi thứ biết một ít mà không chuyên cái gì cũng khó. Mình thấy bản thân mình bị mặc kẹt ở giữa không thuộc về nơi nào.

Chương trình giống nhau nhưng tên khoa khác nhau

Chúng ta đều biết một vấn đề có thể giải quyết bằng nhiều cách khác nhau và một đề tài cũng có thể xếp vào nhiều nhóm ngành khác nhau. Vậy nên xác định đề tài của mình thuộc ngành nào cũng là cả một vấn đề cần cân nhắc, đặc biệt với các đề tài multidipcipline – liên ngành.

Khi đi học master ở University of Westminster, ngành mình học là Air Transport Planning and Management xếp ở School of Architect and Cities, chứ không phải Business School. Khi mình hỏi Mentor của mình, thầy có background Computer Science, và các thầy cô dạy mình ở Westminster cũng phần lớn có bằng đại học là Toán, Statistic. Thế nên mình cũng có muốn apply vào dự án của các thầy ở trường cũ cũng không được.

Một đại học khác ở UK, giáo sư mình liên hệ là Course Leader của một chương trình Quản trị Hàng không khác mình cũng từng apply để học Master. Ở đây, chương trình này lại được đặt ở Khoa Du lịch của trường. Lúc này thì đã có vẻ dễ thở hơn ở School of Engineering, mình cũng đến vòng phỏng vấn, nhưng trượt vì theoritical background yếu.

Sau khi trượt 3 trường, hoang mang đủ kiểu và không còn tìm được trường nào chuyên sâu về hàng không mà mình đủ khả năng qua vòng gửi xe, và có học bổng, mình chuyển hướng apply sang các trường Business School làm về Marketing, Tourism để tận dụng lợi thế kinh nghiệm làm việc. Hướng nghiên cứu của mình về travel behaviour tập trung vào khách đi lại bằng đường hàng không và cố gắng làm cho nó liên quan đến đề tài mình thực hiện khi làm luận văn Thạc sĩ.

Làm nghiên cứu có phải con đường thẳng?

Trong ngay buổi mentoring đầu tiên mình, mình bày tỏ nỗi lo lắng về tìm ngành của mình cũng như liệu mình có bắt đầu làm PhD quá muộn. Thực sự là mình thấy lo lắng khi phần lớn các bạn khác sẽ học PhD thẳng từ đại học. Các bạn ấy chỉ học 1 ngành nên có background rất chắc, còn mình thì mung lung.

Thầy kể cho mình những câu chuyện để mình hiểu hóa ra con đường làm nghiên cứu nó không thẳng tuột như mình nghĩ.

  • Thầy hỏi mình có nhớ giáo sư A, trưởng nhóm nghiên cứu Air Traffic của trường không? Mình làm sao có thể quên được một người vô cùng lạnh lùng, học Oxford từ A-level đến hết PhD. Nhưng vấn đề ở đây là, có thể sự nghiệp học tập, nghiên cứu của giáo sư A chỉ thẳng cho đến khi học PhD thôi, và thầy ấy làm PhD Hóa học. Nếu là Vật lý thì chắc mình cũng cố tìm sự liên quan tới hàng không nhưng Hóa học thì, tại sao thầy có thể nhảy như thế. Và chuyện ấy vẫn xảy ra. Thầy A, tiến sĩ Hóa học đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về Air Traffic.
  • Thầy mentor của mình học đại và master học ngành Computer Science. Lẽ ra cuộc đời sẽ đi lập trình, gắn bó với máy tính. Nhưng đến khi thầy tìm cơ hội làm PhD thì có dự án nghiên cứu về Air Traffic, và cuộc đời thầy gắn bó với hàng không mà không hề được chuẩn bị trước.

Và còn rất nhiều những người bạn khác của thầy mentor, cho mình hiểu, làm PhD không phải minh sẽ gắn bó với 1 đề tài đó cả đời mà đó là sự đào tạo về khả năng nghiên cứu. Thầy cũng nói cho mình về những khía cạnh là điểm mạnh mà mình có thể nhấn mạnh trong hồ sơ. Từ đó, mình thấy tự tin hơn rất nhiều.

Khoe một chút là sau 6 tháng làm việc chăm chỉ, mình đã được vào top 7 Finalist của Mentee of the Year của chương trình 😀

Sector, discipline, Skill – Hóa ra không chỉ có mình nhầm

Mình từng thấy một bạn nhắn trên Group học bổng là muốn tìm chương trình PhD in Business, nhưng bên dưới bình luận cứ gợi ý cho bạn ấy đọc sách Nghiên cứu kinh tế (Econonics). Business và Economics là hai ngành hoàn toàn khác nhau. Mình thấy rất nhiều người nhầm lẫn giữa các khái niệm. 

Sau thời gian đau đầu về chủ đề này thì mình thấy có các khái niệm dễ nhầm lần: Sector, discipline và Skill. Lấy ví dụ về Ngành Hàng không (ở đây Hàng không là một Sector). Những người làm việc trong ngành này có chuyên môn khác nhau (gọi là discipline) như Tài chính, marketing, kỹ thuật, phi công, điều hành khai thác. Vậy nên, nếu trong cùng công ty mình, cùng làm trong ngành hàng không có người học các trường, các khoa khác nhau. Thường thì tên các khoa sẽ xếp theo Discipline “Marketing Department”. Vậy nên, khi có bạn hỏi “Sao mình làm hàng không, học master hàng không mà apply PhD Marketing. Bỏ ngành à?”, mình giải thích khá là mệt.

Ngoài ra, mỗi người có những kỹ năng – skill để giải quyết công việc của mình. Ví dụ nhân viên tài chính, marketer, hay chuyên viên phân tích, báo cáo, cùng đi học data analysis cũng không có gì lạ vì phân tích dữ liệu là kỹ năng chung phục vụ cho công việc. Data analysis, mình nghi, chỉ là một kỹ năng (Skills), nên bạn học thêm data analystic để hỗ trợ cho công việc chính cũng là điều nên làm, chẳng phải bỏ ngành bỏ nghề gì.

Vậy nên cách mình giải quyết khi tìm học bổng appply là là, thay vì tìm khoa, mình tìm thầy/supervisor. Mình đọc qua đọc sách, đọc tài liệu nghiên cứu, đề tài trọng tâm của các nhóm nghiên cứu trong trường từ đó tìm potential supervisors. Sau đó liên hệ với supervisor để xem liệu bạn có phù hợp với chương trình không. Mình sẽ viết về cách mình liên hệ với supervisor trong bài post sau.  

Đường không thẳng thì làm sao?

Nếu bạn học đại học, master một ngành còn học PhD ngành khác có được không? Theo mình là được. Mình như vậy đây. Khi được hỏi mình học PhD ngành gì, hiện tại Offer của mình đang ghi là Compueter Science, nghe khá lắt léo và nhiều người dễ nghĩ mình học PhD mà không cần background từ đại học. Mình sẽ giới thiệu chương trình PhD của mình ở post sau.

Đôi khi mình thấy thực sự ghen tị với các bạn có định hướng nghề nghiệp từ nhỏ. Các bạn có thể viết vào Personal Statement rằng, ví dụ, từ nhỏ bạn ước mơ mặc áo Blue trắng cứu người, sau đó cấp 3 học chuyên Hóa chuyên Sinh, lên đại học Y và cống hiến cả cuộc đời vì sức khỏe nhân loại. Tức là các bạn đã luôn có một mục tiêu từ trước, và hết mình vì mục tiêu đó rồi cứ thẳng tiến.

Nhưng thường thì chúng ta không như vậy. Mình của năm 18 tuổi quá non để biết đời mình 10 năm nữa sẽ ra sao. Thực ra kế hoạch mình đặt ra cũng chỉ gói gọn trong tầm hiểu biết của mình tại thời điểm đó, nên tầm nhìn thay đổi, kế hoạch thay đổi cũng dễ hiểu. Hết cấp 3 mình tung sấp ngửa để quyết định thi trường nào. Suốt 4 năm đại học mình luôn tự hỏi “Mình xuống trái đất để làm gì?”. Hết đại học mình mất 6 tháng để nộp hồ sơ vào tất cả các vị trí mình nghĩ mình có thể làm được. Rồi đến lúc suy nghĩ liệu mình có muốn làm PhD thì mình lại kiểu “Ôi giá như ngày xưa học đại học ngành này”.

Rất nhiều người trong chúng ta đều muốn đi du học, học Master, làm PhD hay đều mong một cuộc đời như ý, nhưng không phải ai cũng có thể rõ ràng, biết mình thích gì, hợp gì, học gì, ở đâu, và như thế nào để có sự chuẩn bị từ sớm. Nhưng thôi, biết trước đã giàu, ai mà chẳng đứng núi này trông núi nọ thấy có vẻ đằng ấy tươi đẹp hơn, thấy ngành này nhiều cơ hội hơn, thấy nhà bên hạnh phúc hơn. Thế mới có câu “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát”. Thay vì mất thời gian để tiếc, mình cứ đi tiếp, mò mẫm để tìm con đường của mình thôi..

Mình không hồi hận vì con đường dài mình đã đi. Các chương trình học, kinh nghiệm đi làm, hay thậm chí là kinh nghiệm nghiên cứu khi làm cho NGOs của mình đều hỗ trợ cho nhau, bồi đắp thêm. Mình nghĩ, chúng ta không học và tích lũy kinh nghiệm để thành thạo một việc nào đó mà điều quan trọng là học được kỹ năng để có thể giải quyết cả những tình huống chưa gặp bao giờ vì cuộc sống này toàn rẽ lắt léo và khó mà chuẩn bị trước.

Thực ra, mình rất ngưỡng mộ những bạn có thể quay lại học lại đại học. Như cô bạn mình, sau khi tốt nghiệp Quản trị kinh doanh đi làm mấy năm, có thể quay lại trường đại học để học làm Y tá. Không có gì là quá muộn cả. Mỗi người chúng ta có một đồng hồ khác nhau, đừng so sánh. Mình chỉ cần tập trung và đúng con đường dẫn đến đích của riêng minh là thôi.

Chúc bạn tìm thấy con đường của riêng mình.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để nhận được thông báo khi có bài viết mới (nhớ quay lại email để confirm nhận tin nhé).

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Photo by Tim Mossholder on Unsplash