Bài viết này dựa trên kinh nghiệm du học UK với 4 lần chuyển nhà của mình. Mình đã có rất nhiều đồ quên không cầm sang, có cả những đồ cầm sang nhưng thấy không cần thiết. Có lẽ bài viết sẽ có ích với các bạn nữ chuẩn bị sang du học tại Vương Quốc Anh.

Thứ 7 ngày 8/9/2018, cô bạn hẹn mình ăn một bữa sáng ra trò rồi hai đứa ngồi ở Highland – Đài truyền hình, nơi mà ngày nào mình cũng đi làm qua nhưng chưa một lần bước vào. Đến 11h trưa, mẹ mình gọi điện “Tối mai bay rồi mà còn chưa về mà chuẩn bị đi”. Và lúc đó mình mới bắt đầu về nhà xếp hành lý. Có lẽ với kinh nghiệm đi công tác, mình luôn xếp đồ vào 1 cái vali carbin size ngay trước khi lên máy bay, lần này đi du học mình nghĩ là mình ổn khi có tận 1 ngày để xếp đồ.

Có một vài ý về việc xếp đồ mình thấy như sau:

  • 30kg hay 40kg hành lý ký gửi và 7kg hành lý xách tay hoàn toàn đủ nên các bạn không cần phải lo lắng thiếu cân. (Mình có 40kg và mình còn cầm hộ đồ sang giúp người quen, và rất nhiều đồ ăn mà vẫn nhét được).
  • Hãy cầm những đồ mà bạn chắc chắn sẽ dùng (nếu một chiếc váy mà 1 năm nay bạn không đồng tới thì 1 năm tới bạn cũng không cần nó đâu).
  • Cơ bản thì ở nhà có gì, bên kia đều có.
  • Từ sân bay về đến chỗ ở là cả chặng đường khá dài (xe bus 2 tầng, xuống tàu địa ngầm – nếu bạn không muốn bỏ 40 bảng đi black cab) nên hãy đóng đồ để bạn có thể một mình kéo được.

Những đồ mình nghĩ là cần thiết cho du học sinh:

1. Đồ để đựng những đồ khác

  • 2 vali ký gửi – Cái này tùy theo chính sách của hãng khi bạn mua vé được 30kg hay 40kg để bạn chuẩn bị vali cho phù hợp. Thậm chí còn có hãng được nhiều hành lý hơn cho du học sinh
  • Vali xách tay – Thường đựng đồ 7kg hành lý xách tay. Mình nghĩ bạn nên có vali này. Lúc mình đi mình không có vali nhỏ mà dùng túi xách, và cái túi đó rất nặng. Ra sân bay, mọi người có thể rảnh rang đẩy vali mua Duty Free còn mình xách khệ nệ, đau hết cả tay. Vali này còn dùng để đi du lịch ở bên kia nữa.
  • Balo đựng được laptop, vừa giấy A4 – Cái này bạn để laptop, đồ điện tử và có thể dùng đi học. Vì bạn đeo luôn trên người nên người ta sẽ không tính vào 7kg xách tay. Lúc mình về, đi Emirates, chị tiếp viên xinh đẹp cũng không cân hành lý xách tay của mình luôn.
  • Túi đựng giấy tờ đeo trước ngực (loại tránh trộm cắp). Chiếc túi này mình được bạn tặng trước khi đi dù mọi người bảo UK không nhiều cướp giật đâu nhưng chắc chắn đi Pháp, Ý mình sẽ cần. Mình để hộ chiều, một ít tiền, điện thoại trong này chứ không để trong balo vì hay phải lôi ra lôi vào.
  • Một cái balo nhỏ/ túi xách để bạn dùng hàng ngày đi chơi hoặc đi học những ngày không mang laptop (cái này nhét vào vali lúc đến mới dùng, nếu thấy không cần thiết lắm sang bên kia có thể mua nhưng nói trước là mình thấy ở London túi rất đẹp nhưng hơi đắt.
  • Ngoài ra, bạn có thể mang thêm 1 túi tote canvas để đi chợ vì đi siêu thị ở UK túi mất tiền, mà túi tote các trường phát cho sinh viên hay đồ miễn phí nó không dày dặn và không có khóa, cúc như mình thấy ở Việt Nam. Ở UK mình phải dùng 2 túi tote khác nhau là 1 túi đi chợ (chắc chắn để xách đồ nặng) và 1 túi đựng đồ đi tắm/ giặt (vì nhà mình là phòng tắm chung, túi này loại vải nhẹ mà các trường vẫn phát thì dùng được).

2. Giấy tờ cần phải mang , tiền

Cái này cần phải mang vì ở bên kia không mua được

  • Thứ nhất, bạn cần hộ chiếu, VISA. Sinh viên du học UK 1 năm sẽ có VISA thời hạn 2 tháng, sau đó trong khoảng 10 ngày kể từ khi đến UK, sinh viên cần đến nơi được chỉ định (thường là văn phòng quản lý visa du học sinh của trường) để lấy thẻ cư trú BRP.
  • Giấy chụp phổi – Cái này bạn đã trình khi nộp VISA rồi nhưng cứ mang theo đề phòng hải quan hỏi khi nhập cảnh
  • Giấy tờ nhập học: Bảng điểm, bằng đại học, IELTS bản gốc để đối chiếu hôm nhập học, thư nhập học của trường (mail in ra)
  • Ảnh thẻ – khoảng 1 bìa để sang kia đăng ký làm thẻ, giấy tờ, nhưng mình chỉ dùng 2 tấm trong suốt 1 năm để đăng ký thẻ rail card đi tàu, còn lại nếu cần ảnh như thẻ sinh viên họ sẽ chụp và in lên thẻ luôn.
  • Bằng lái xe quốc tế (nếu có), mình thì thi không đỗ bằng ô tô (rất là buồn) còn ở Châu Âu phương tiện công cộng rất tiện nên nếu bạn mới thi, lái chưa quen hay không có ý định road trip lần nào thì không nên mang.
  • Thẻ VISA/MASTER, tiền: Bạn có thể chuẩn bị, nhưng lưu ý, sau khi làm được thẻ ngân hàng,nên cho tiền vào trong thẻ ngay lập tức, chỉ để lại tầm 10-20 bảng để tiêu chỗ nào không được quẹt thẻ thôi. London thì chỗ nào mình thấy cũng quẹt được thẻ. Khi mới đến, mình bị mất ví. Khi báo mất thẻ với ngân hàng thì 2 ngày sau thẻ mình về đến nhà luôn mà không mất phí gì cả. Thậm chí ngân hàng sẽ hỏi bạn, lần giao dịch cuối cùng của bạn là gì để nếu tên trộm cắp đã lỡ tiêu tiền trong thẻ của bạn, bạn cũng được hoàn lại. Còn nếu là tiền mặt thì … bạn trộm sẽ cám ơn bạn rất nhiều.

Lưu ý: có quy định số tiền mặt tối đa bạn được mang theo người (bạn mình nói là khoảng 5000 EUR). Cái này mình không rõ lắm vì lúc mình đi cũng chả có nhiều tiền mà mang sang. Những giấy tờ như Chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh mình để nhà vì có hộ chiều rồi mà những giấy tờ này mình ở suốt 1 năm cũng không dùng đến.

3. Đồ điện tử máy móc thiết bị

  • Laptop và sạc laptop, chuột. Thực ra thư viện trường cũng có máy tính và cho mượn laptop. Trường mình dịch vụ đó là Macbook Borrow, cho mượn mỗi máy tối đa 24h, được mang về nhà. Nhưng mình thấy đi học làm bài tập, viết luận rất nhiều, đặc biệt là viết luận văn nên sắm riêng một cái tốt hơn. Máy tính mình mang sang mình cũng đã dùng tầm 7 năm rồi, nên nó khá to và nặng, mang đi mang lại đến trường đau hết cả lưng, và đến lúc viết luận văn xong thì hỏng. Nên bạn chú ý trước khi đi kiểm tra máy tính cẩn thận.

Dịch vụ sửa máy tính ở UK rất đắt, cài wind, diệt virus thôi mà chục bảng, nên mình nghĩ nên học sẵn cách cài wind, ghost máy tính trước khi đi.

Ngoài ra, mình không biết các bạn khác xử lý vấn đề này ra sao, mình thì trước khi đi, mình mang máy tính đi cài lại. Hệ điều hành mới bị thoát hết email cũ ra. Sang bên kia đăng nhập vào Gmail hay Outlook, họ yêu cầu gửi mã xác nhận qua điện thoại. Số Việt Nam đã lưu mà mình không dùng roaming nên nhiều mail sang bên kia mình không đăng nhập được. Vậy nên, trước khi mang sang, hãy cố gắng kiểm tra lại toàn bộ email trong máy tính và điện thoại di động và đăng ký roaming sim điện thoại nhé.

  • Điện thoại, sạc điện thoại, tai nghe (Cái này chắc không thể quên nổi rồi)
  • USB, ổ cứng (cái này sang kia mình thấy mua trên Amazon cũng rẻ, đợt máy tính có dấu hiệu chết mình phải mua ổ cứng đẻ cop ảnh ra nhưng so với ở nhà thì không đắt).
  • Pin dự phòng điện thoại (vì bạn sẽ đi du lịch khá nhiều đấy)
  • Chuyển điện đa năng (Adapter) tại vì ổ cắm của các nước khác nhau. Ở UK dùng loại 3 chân, sang Pháp lại 2 chân mà ổ cắm lại nằm sâu trong một cái hình tròn bé xíu nên nhiều cái phíc cắm của mình không thể cắm nổi. Mình thấy tiện nhất là cái Adapter đa năng, có tất cả các loại đầu cắm, nên đi đâu cũng yên tâm.
  • Máy ảnh (rất cần thiết nhé)
  • Giấy bảo hành các đồ điện tử bạn mua. Mình bị hỏng điện thoại Samsung khi đang học. Thực ra khi mang đồ điện tử đi bảo hành họ chỉ cần nhìn cái mã sản phẩm bạn mua thôi (một dãy rất dài trong hóa đơn), mà giờ các cửa hàng dùng bảo hành điện tử rồi, bạn chỉ cần lên mạng tra là được, hoặc yên tâm hơn thì chụp lại toàn bộ giấy bảo hành của bạn. Lần mình bị hỏng, mình mua đồ ở FPT shop, mình chat qua Facebook, các bạn ấy hướng dẫn khá nhiệt tình (mặc dù trả lời hơi lâu vì FPT dùng chatbot không phải người thật, đọi người thật ra mới trả lời được câu mã số bảo hành). Chuyện buồn là, điện thoại mình đã hết bảo hành, và thật là Samsung châu Âu bảo hành 2 năm, riêng máy tại thị trường Việt Nam bảo hành 1 năm, nên phí sửa rất đắt. Nghĩ nó buồn.
  • Ipad và sạc – cái này mình để ở nhà, và một năm mình không có lúc nào cần.
  • Sang UK mình mua Kindle để đọc sách vì muốn mua nhiều cuốn sách mà nhiều đồ, không biết vác về kiểu gì. Sách trong hiệu sách ở London đẹp lắm ấy, nhiều cuốn trong cửa hàng từ thiện, sách cũ chỉ có 1, 2 bảng mà không mua được, tiếc hùi hùi.
  • Nồi cơm điện: Cái này bên kia có nhưng hơi đắt. Mình thấy bạn Hàn Quốc nhà mình dùng cái nồi cơn điện 1 người bằng cái cặp lồng rất tiện. Nó nhìn giống cái hộp mang cơm dùng hơi. Còn mình vác nguyên các nồi cơm Nhật sang, làm các bạn Tây trong nhà mình “ngưỡng mộ” vì công dụng của nó. Mình làm tất cả mọi thứ bằng nồi cơm điện, nấu cơm, cháo, luộc rau, luộc thịt, nấu chè, mà mỗi lần nấu thì chỉ cần cho vào nồi và đi chơi, không phải trông. Đặc biệt là nhờ nồi đó mà hội du học sinh Việt Nam của mình suốt ngày tụ tập ăn lẩu.
  • Máy sấy tóc (hỏi trước chủ nhà xem nhà có không để còn mang)

4. Đồ dùng học tập

Phần này ngoài cái balo đi học là cần cho mọi nhà ra thì còn lại tùy mỗi người. Balo chống nước thì tốt nhất nhé.

Trường mình thi viết tay nên rất cần bút, mà mình quen viết bút mực và bút mực nước nên mình phải mang đồ của mình sang. Mình quen viết bút mực loại ngòi nhỏ của Thiên Long (8K/ chiếc), lúc hết mực tìm ở London không thấy loại tương tự, chỉ có Muji tận 3 bảng/ cây. Còn bút bi (loại bình thường) kiểu gì bạn cũng được phát vài cái hôm nhập học, ở ký túc xá hay đi sang buổi chào đón sinh viên của trường khác để nhặt thêm.

Trước lúc đi, mình cũng ra hiệu sách Cá chép mua stick-note, bút nhấn dòng, bút xóa… Nhưng lúc sang kia vào Poundland mua rẻ hơn cả ở nhà. Ví dụ bộ bút nhớ của Staedtler ở nhà phải chục ngàn 1 chiếc, bên kia mình thấy 1 bảng (30 ngàn) cả bộ 8 chiếc đủ màu. Stick-note thì hay được phát hôm nhập học, vở vào siêu thị mua 1 tập 2 bảng 300 tờ A4 có dòng viết cả năm không hết. Vậy nên đồ dùng học tập, mình nghĩ không cần chuẩn bị nhiều đâu. Nói đến sổ và bút, thì bạn bè công nghệ cao của mình hay dùng Ipad loại có bút viết, cái đấy đúng là xịn xò, bảo vệ môi trường. Nếu bạn có ý định đầu tư Ipad để đi học thì cân nhắc.

5. Quần áo

Lúc mình sắp đồ, mình mỗi vali nhỏ (cabin size) đựng quần áo thôi, còn lại vali to mình toàn đựng giày dép, đồ ăn, nồi cơm điện.

Bố mình bảo mang ít để sang đó mua. Mình công nhận là đồ bên kia đẹp hơn, và tất nhiên là mấy hãng Zara, HM, Newlook bên kia còn rẻ hơn ở Việt Nam. Rẻ nữa thì Primark, 90K một cái áo phông mình mặc cả năm. Mình khá cao (1m70) nên size của mình vừa với bên kia. Nhưng rất rẻ thì mình thấy không vì du học sinh thì cũng nghèo mà 🙁 Tùy bạn cân đối mang hay mua ra sao, nhưng mình thấy đồ không thể thiếu được ở bên UK là:

  • Đồ mặc nhà 4- 7 bộ (Cái này mang sang chứ mua thì hơi đắt)
  • Dép đi trong nhà
  • Áo khoác chống nước vì UK hay mưa, ấm (cái này mình mua 2 cái, và mình mặc nó trong 50% ảnh mình chụp luôn)
  • Áo khoác mỏng (mặc mùa thu, mùa hè). Mình có 1 áo gió và 1 áo trenchcoat dáng dài.
  • Áo cotton giữ nhiệt (Uniqlo heatech là number 1 nhé, nhưng mà Uniqlo ở UK đắt kinh hoàng )
  • Ô dù khá vô dụng vì gió to, áo chống nước cần thiết là vì thế, nhưng mình nghĩ cái này nên sang UK loại Wind-proof, vì ô ở nhà không chịu nổi gió UK đâu.
  • Quần bò (mình có 2 cái)
  • Áo len (2 cái)
  • Váy + tất
  • Khăn len, mũ len, găng tay (găng tay cũng nên loại chống nước ấm một chút vì mình vào Primark mua 1 bảng 1 đôi len mà vẫn buốt như thường)
  • Giày đi bộ (không thể thiếu vì đi bộ rất nhiều, và sự thật là Adidas ở UK rẻ hơn ở Việt Nam)
  • Bốt mùa đông (loại cao cổ, mình có 1 đôi để đi học và 1 đôi để đi chơi)
  • Một hai bộ để mặc mùa hè (vì cũng có lúc gần 40 độ)
  • Ngoài ra còn một bộ để mặc trong lúc cần trang trọng (vest, giày cao gót, áo dài, váy công sở, áo sơ mi…)
  • Đồ lót

Tùy thuộc vào mức độ “visual” và thời trang của bản thân để bạn cân đối giữa mang sang và đi mua sắm. Nhìn trước xem ở gần khu mình ở có trung tâm thương mại nào không nữa, vì một số trường ở ngoại ô, khá xa trung tâm, nên cũng khó mua đồ.

Bạn cũng có thể chuẩn bị một cái gối chữ U để ngồi trên máy bay nếu muốn nhé.

6. Mỹ phẩm

Một lời khuyên rất chân thành là bạn có thể mang đồ bạn đang dùng đi để lúc mới sang có đồ để dùng, còn lại dùng hết xong mua, mỹ phẩm rẻ hơn mua ở nhà rất nhiều. Ví dụ, The Ordinary, mình mua ở store London 6 bảng (180K), về nhà hàng xách tay là 300K, the Body shop rẻ chỉ bằng 1/3 ở Hà Nội vì sinh viên được giảm 25%, cửa hàng đó còn suốt ngày mua 2 tặng 1. Dầu gội sữa tắm siêu thị không đắt , mình mua 2 bảng được 4 cục xà phòng dùng mãi chả hết. Vậy nên, mỹ phẩm đừng mua thêm gì để mang sang cả, vừa đắt lại còn mất công đem đi.

7. Đồ dùng khác

Đồ dùng cá nhân khác thì có:

  • Khẩu trang và cồn rửa tay khô (rất cần nhé, hồi mình đi học chưa có Covid mình đã ngày nào cũng phải dùng rồi)
  • Kim chỉ
  • Thìa, đũa (hỏi trước chủ nhà xem họ có đũa không, mình đi thuê nhà nào thì đồ nhà bếp khá đầy đủ)
  • Hộp cơm mang đi học (Highly Recommend bộ Lock and Lock quay lò vi sóng để có những bữa trưa ngon lành tiết kiệm những ngày đi học nhé. Căng teen trường mình thì có lò vi sóng, dao dĩa thìa để sinh viên mang cơm đi dùng thoải mái). Tuy nhiên, cái này sang bên kia mua cũng được.
  • Thuốc mà bạn hay dùng
  • Gọng kính dự phòng (nếu bạn cận như mình), thỉnh thoảng đặt lịch ở SpecSaver kiểm tra mắt miễn phí nữa nhé. Họ còn có dịch vụ thử lens miễn phí nữa.
  • Kính râm (nếu có)
  • Cắt móng tay, bộ dao đa năng
  • Lược, dây buộc tóc, kẹp càng cua…
  • Bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt, khăn tắm (khăn tắm thường thì chủ nhà sẽ chuẩn bị cho mình nhưng lúc mới sang chưa biết đâu được)
  • Cốc/ bình giữ nhiệt (Cái này thì có thể mua loại có logo trường, mua cà phê còn được giảm giá ấy)
  • Mắc quần áo một vài cái đề phòng lúc sang không có và không đi mua ngay được.

8. Đồ ăn

Mình mang sang miến (vì mình không thích ăn mỳ ăn liền), và các đồ để làm chả nem (món này nhà nhà đều thích, đặc biệt là các bạn nước ngoài). Mẹ mình chuẩn bị cho chanh mật ong, nhưng sang kia mình tự làm được, mật ong và chanh khá rẻ. Còn lại mình thấy, ở London hầu hết gì cũng có (dù vị không giống ở nhà lắm).

  • Nếu bạn thích ăn phở, có gói Knor vị phở mình ăn thấy giống phở lắm. Nên mua mấy gói gia vị (thịt kho, cá kho, riêu cá…) mang sang, còn bánh phở, bún, tương ớt, mắm thì siêu thị có (Chợ Tàu hoặc Long Dan, Lý Trang).
  • Muối ở UK rất … nhạt nên bạn có thể chuẩn bị bột canh iot Hải Châu.

9. Đồ mang đi để tặng

Phần này thì cũng tùy. Trước lúc đi mình có kế hoạch tham gia HostUK (Chương trình đến ở cùng gia đình người Anh dịp lễ, cuối tuần dành riêng cho du học sinh quốc tế), mình cũng muốn tặng quà các cô quản lý nhà, hay có bạn nữa nên mình có chuẩn bị.

Đợt tháng 9 sang là gần Trung thu, ai có kế hoạch đến tặng luôn thì mình tặng 1 set 4 bánh trung thu (2 dẻo 2 nướng) loại đặc sản Hải Phòng vì mình thấy loại đó ngon nhất.

Còn về quà có thể để lâu hơn. Tặng các cô quản lý nhà thì bọn mình tặng cà phê. Tại ở UK cà phê cũng phổ biến nhưng mà cà phê Việt Nam ngon hơn nhiều, mua loại bột hoặc xay. Hồi đi HostUK, mình tặng gia đình 1 set cà phê chồn, trong set có kèm phin luôn. Buổi sáng xuống ăn sáng, pha cà phê bằng phin cho chú Andy và nói chuyện về văn hóa cà phê phin Việt Nam khác với cà phê pha máy ở Tây ra sao cũng khá thú vị. Ngoài ra, trong siêu thị mình còn thấy 1 set có 1 gói cà phê, 1 phin nhôm, và 1 tờ hướng dẫn bằng tiếng Nhật đựng trong hộp giấy cứng rát xịn xò.

Loại đồ ăn Việt Nam ngon mà các bạn nước ngoài săn lùng còn có bánh dừa nướng Quảng Nam, mít sấy.

Thầy giáo mình, trong ngành hàng không thì mọi người hay thích mô hình máy bay của hãng hàng không quốc gia, tặng sau khi kết thúc khóa.

Còn tặng bạn bè thì mình thấy có thiệp xếp (loại mà mở ra xong có hình dựng lên) ở bên kia không có mà nhìn đẹp.

Đây là chút kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi du học của mình. Hi vọng mình những chia sẻ này có ích cho bạn. Chúc bạn có một trải nghiệm thực sự thú vị và đáng nhớ trong quãng thời gian du học.

Những bài viết khác trong “Nhật ký du học ở UK” của mình

Nhật ký 444 ngày ở UK

Cám ơn bạn đã đọc đến đây, hãy theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]