Hôm trước, qua một cuộc “tâm sự với người lạ”, mình nhận ngay 1 câu là “Thì đi học Thạc sĩ ở Anh về cũng vẫn làm nhân viên đó thôi”

Oops! Thực ra cũng hơi “tủi thân” đấy, nên lúc đó mình chỉ “Uhm” và chẳng nói gì nữa. Nhưng nghĩ kỹ thì nếu bình tĩnh, lúc nghe câu đó mình nên nói lại là “Ủa? Thế ông nghĩ học Thạc sĩ nước ngoài về là thành giám đốc ngay hả?”. Lúc mình đi học về, câu hỏi khiến mình đau đầu nhất khi gặp họ hàng, bạn bè, người quen (ngoài câu “Có người yêu chưa?“) là “Về công ty cũ có được tăng lương không?”. Tóm lại, lại câu trả lời của mình là “Đi học về mình vẫn là nhân viên, không được tăng lương, và đi Tây cũng chẳng kiếm được anh Tây nào”.

Vậy đi học Thạc sĩ để làm gì?

Nếu bạn hỏi mình học ngành gì thì mình học “Quản trị hàng không” nhé

Một lần nữa đây là câu hỏi với riêng trường hợp của mình thôi nhé, có thể bạn thấy thân quen, có thể bạn thấy không đúng với bạn, nhưng câu chuyện của mình thì thế này. Con đường đi học Thạc sĩ của mình khá là “lằng nhằng”. Nếu bạn từng đọc bài “Chuyện Apply học bổng Chevening 2018/2019 của mình” thì bạn cũng hiểu qua để được học bổng đi học ở UK mình đã cố gắng và kiên trì đến thế nào. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện cho sự học của mình.

Trước khi sang UK

Ngay sau khi nộp xong hồ sơ học bổng Chevening vào tháng 11/2018, cũng là lúc mình bắt đầu học một chương trình MBA liên kết tại Hà Nội. Lý do lúc đó đơn giản là mẹ mình giục đi học. Với nhiều người (như các phụ huynh), thạc sĩ chỉ là một tấm bằng cho đủ bởi vì người khác có nên mình cũng nên có, và chỉ cần có bằng, không cần biết học gì? Khi ấy, mình là đứa không bao giờ cãi phụ huynh, và mình cũng không chắc chắn về việc đỗ học bổng đi du học của mình nên mình đã đi học. Thế rồi, mình lại bước vào giai đoạn bận điên cuồng: thứ 6, 5h chiều phóng xe từ công ty (Gia Lâm) về đến đại học Quốc Gia ở Xuân Thủy, đi hết chiều rộng thành phố qua làn xe tắc nghẽn, vừa kịp chạy vào lớp lúc 6h30, học đến 9h30, rồi lại tiếp tục cả ngày thứ 7, chủ nhật từ 9h sáng đến 5h30 chiều. Chưa kể, về nhà cũng phải làm bài tập, làm bài tập nhóm, chuẩn bị thuyết trình, ôn thi mỗi tháng 1 môn.

Mình học xong 6 môn, rồi nhận được tin đỗ học bổng, bảo lưu, nhưng đến lúc về, chương trình không tổ chức nữa nên mình đã không thể hoàn thành chương trình học MBA của mình. Nói như vậy là mình đã phí tiền, thời gian, công sức học nửa chương trình đó?

Thực ra không phải như vậy? Khi đi học MBA, mình thực sự không thích, đi chỉ vì “hoàn thành nghĩ vụ với gia đình”, nhưng đến hôm chia tay mọi người, mình đã khóc như mưa. Tất cả mọi chuyện đều có thể thay đổi và cả tình cảm của con người cũng vậy. Một nơi mình từng không hề thích nhưng chia tay vẫn thấy buồn. Có lẽ, nếu so sánh giữa một nơi mình từng yêu từ cái nhìn đầu tiên và nơi mình từng mong mỏi sớm thoát khỏi đó, mình lại thấy buồn và nhớ nơi mình từng ghét hơn. Bởi vì, ở nơi đó, mọi người vẫn dành cho mình những điều tốt đẹp mà chẳng cần mình đáp lại. Mình sẽ nhớ với sự nuối tiếc vì đã không biết mở lòng để đón nhận sớm hơn.

Vậy lớp MBA dang dở đã cho mình những gì mà mình trân trọng đến vậy?

1. Điều quan trọng nhất là những mối quan hệ

Ngày đầu tiên bước vào lớp với toàn các anh chị là quản lý của các công ty lớn, thậm chí các chủ doanh nghiệp, mình đã choáng váng. Hồi đó, mình ngồi cạnh một anh làm quản lý trong một công ty phần mềm của nước ngoài, chức danh Trưởng phòng. Mình hỏi thăm anh hiện quản lý bao nhiêu người, anh trả lời “11 người, còn 11 bạn đó quản lý tổng cộng 500 người nữa”. Mình mắt chữ O, mồm chữ A bởi nguyên cả Ban mình chỉ có hơn 100 người. Đó chỉ là một trọng những ông “sếp” bạn học cùng lớp mình, nhưng mọi người đều rất dễ thương, hài hước.

Đi học khác hẳn với đi làm. Lớp mình lúc nào cũng vui vẻ, mọi người giúp đỡ nhau cả trong công việc lẫn cuộc sống. Mình cũng học được rất nhiều điều từ các anh chị cùng lớp, về kinh nghiệm làm việc, làm thế nào để tự tin hơn, giải quyết các mâu thuẫn ở công ty, và học ở các chị cách cân bằng giữ gia đình, công việc. Nhìn những người bạn cùng lớp ấy, mình thấy rất ngưỡng mộ.

2. Lâu lắm rồi, từ khi tốt nghiệp cấp 3, mình thấy mình là một “Học sinh giỏi”

Đấy là lần đầu tiên trong đời mình hiểu được các mô hình thống kê, áp dụng các lý thuyết kinh tế vĩ mô để giải thích nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế 1997, 2008. Những kiến thức đó mình đã từng nghe hồi đại học. Hóa ra, hồi đại học, mình không học dốt, chỉ là không chịu học và không ôn thi tử tế thôi. Vậy mà mình cũng chẳng hiểu nổi, lý do gì, khi học đại học mình học hành phất phơ mà lúc học MBA, bận bù đầu, cả tuần đi làm, cuối tuần đi học mà mình lại học được, hiểu bài, áp dụng, và đi giúp các bạn cùng lớp học bài. Đôi khi mình vẫn thắc mắc, học sinh học kém là do “đầu óc chậm phát triển” hay do “không cùng tần số với giáo viên”. Mình cũng chẳng có đủ lý lẽ để trả lời câu hỏi này.

3. Và cũng có thể mình đã chẳng vượt qua vòng phỏng vấn học bổng nếu không có những gì mình học được từ lớp MBA đó

Có một môn chúng mình được học trong chương trình đó là môn “Leadership và đạo đức kinh doanh”. Hôm đó, cô giáo hỏi mình “Em có phải lãnh đạo doanh nghiệp không?” – Tất nhiên là không vì mình là nhân viên quèn thôi. Nhưng cô đã dạy mình thế nào là Leadership thực sự, nó hoàn toàn khác so với những gì mình nghĩ về việc “chỉ tay 5 ngón” trước đây. Xây dựng những mối quan hệ, bài học về Leadership và sự tự tin, mình nghĩ đó là những gì đã giúp mình bớt lơ ngơ hơn để vượt qua vòng phỏng vấn học bổng.

Khi sang UK

Mình không nghĩ rằng ai đi học nước ngoài về cũng giỏi hơn người học trong nước. Nói nôm na là đi du học cũng có this có that. Hồi ngồi nghe mấy chuyện bao đồng, các bác chê trường đại học Việt Nam dạy toàn lý thuyết, phải đi Tây mới là giỏi mình thấy nhiều quan điểm cực đoan nhưng mình cũng chả buồn góp ý, bởi mình biết một đứa thấp cổ bé họng chưa học ở Tây bao giờ như mình hồi ấy, nói ra cũng chẳng thể thay đổi được những quan điểm khó lòng lay chuyển của những người khác.

Sự thực ấy, dù mình là một đứa hồi đại học không mấy chăm chỉ, nhưng 4 năm đại học dạy mình nhiều hơn những lý thuyết. Và khi nhắc đến Ngoại Thương, điều bạn nhớ đến chắc không phải là môn học “Xuất nhập khẩu” mà … vô vàn các hoạt động ngoại khóa, bay nhảy. Bạn bè mình cũng có người giỏi giang, làm việc cho những công ty nước ngoài, làm việc tại Singapore, Châu Âu dù trong tay có một tấm bằng thuần Việt. Mình cũng thấy thật bất công khi chúng mình đã cố gắng để thi đậu đại học chính quy (không phải điểm thấp) và chúng mình cũng phấn đấu nhưng không được đánh giá cao bằng nhiều người vì những định kiến “sính ngoại”.

Tuy nhiên, mình cũng không đồng ý với những câu mỉa “Đi Tây làm gì mà về lương cũng chỉ dăm bảy triệu”. Mình nói trước là với kinh nghiệm của mình, bằng Thạc sĩ của Tây sẽ không đưa bạn lên Sếp ngay đâu, và đó cũng không phải giấy chứng nhận tăng lương. Người đi học nước ngoài về, thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam đâu có thiếu. Và hơn nữa là 1 năm học ở UK cũng không biến bạn trở thành một người khác, nhưng đến ngày tốt nghiệp, khoác áo cử nhân, mình đã nghĩ “Đi du học cũng bõ công mình mơ ước từ khi còn là một đứa trẻ”.

Có một nơi khiến mình muốn học, và muốn đến trường

Nhiều bạn nói với mình rằng, 4 năm học Ngoại Thương chẳng bao giờ lên thư viện. Thực ra, hồi mình học, mình hay lên thư viện, phòng có các khóa luận, luận văn ở các năm trước để ngồi, vì có điều hòa mát, yên tĩnh và hồi đó mình cũng tập tành làm nghiên cứu khoa học nên mình cũng đọc bài nghiên cứu mẫu trong đó. Mãi đến năm 4 đại học, mình mới biết đến phòng đọc mở, tầng 1 trong đó có cả truyện Marc Levy nữa. Nhìn chung thư viện trường rất nhỏ, nhưng vì không nhiều bạn đến đó nên luôn còn chỗ và có điều hòa.

Sang UK, dù trường mình không giống như Hogwart trong Harry Potter, những bãi cỏ rộng hay một dãy phòng nhiều tầng toàn sách, nhưng cũng đủ khiến mình có thể ở trong đó từ sáng tới chiều. Thư viện, có rất nhiều sách (tất nhiên là vậy rồi), ngoài đọc sách chuyên ngành của mình, mình còn hay lượn lờ sang dãy sách ngành khác xem chơi. Thư viện campus của mình nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà và có trần nhà bằng kính, mỗi lần ngồi đó và ngẩng đầu lên ngắm trời xanh, ôi thôi tuyệt vời. Ngoài những dãy bàn, cái mình thích nhất ở thư viện là cái ghế sopha dành cho 1 người. Cứ đến trưa, mình hay lấy ghế, quay vào phía bức tường bằng kính để nghỉ trưa. Ghế đủ cao để mình cảm giác như được nhốt mình trong thế giới riêng, ngắm nhìn mưa rơi qua tường kính trong suốt và làm một bữa giấc trưa ngon lành, có hôm còn quá giờ vào lớp vì kín quá chả ai làm phiền. Ngoài ra trường còn có Student Center (một chỗ ngồi học khác cho sinh viên) và Postgrad suit (phòng học dành riêng cho sinh viên cao học), Study platform (không gian mở ở sảnh thường để vừa ngồi học vừa ăn, thảo luận, có ổ cắm dưới đất để cắm sạc), và tất cả các phòng học còn mở cửa nhưng không có lớp học thì chúng mình đều có thể học ở đó.

Giờ mình cũng hiểu được, học toán để làm gì và học lý thuyết nói chung để làm gì

Mình lại thấy có một xu hướng là người ta hay cổ xúy chuyện “học nhiều làm gì, mấy ông Tiến Sĩ lương lẹt đẹt. Thời nay phải đi làm kinh doanh, Bill Gate có cần học đại học đâu mà vẫn giàu nứt đố đổ vách”. Thực ra đó là quan điểm của những người “hiểu biết chưa đủ”. Với một đứa suốt ngày ngồi văn phòng làm việc, học bài như mình, trước cũng suốt ngày bị chê là “không biết sống”, “tuổi trẻ phải lăn xả”, “làm người phải đi kinh doanh để làm triệu phú”. Xem nào, sẽ hơi khập khiễng nếu phải so sánh Bill Gate và Albert Einstein hay Michael Jackson xem ai giỏi hơn. Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì con cá sẽ phải sống cả đời trong sự ngu dốt”, vậy nên nếu bạn đánh giá một người bằng khả năng kinh doanh thì….

Không ít lần mình nghe thấy những lời khuyên dành cho sinh viên là “Không cần học giỏi ở trường, quan trọng ra trường là kỹ năng mềm”, rồi lại khuyên các em đi kinh doanh làm giàu, hay cực đoan hơn là bán hàng đa cấp. Về việc so sánh kỹ năng mềm và các kiến thức được học trên lớp, (mình tạm gọi là kỹ năng cứng), mình sẽ lấy một ví dụ đơn giản. Mình có một cái điện thoại, Samsung Note 8 lúc mình dùng lúc sang UK thì cũng là loại xịn mịn rồi. Mình cài đủ các phần mềm phục vụ cho cuộc sống, instagram, sửa ảnh, ngân hàng, Uber, Evernote. Nói chung là mình có một cái điện thoại mẫu mã đẹp, có thương hiệu, cài đủ các phần mềm. Mỗi tội, hỏng phần cứng và giờ em nó nằm yên tại chỗ, tiền đi chữa gần bằng tiền mua máy mới. Về câu chuyện của con người, nếu bạn xinh đẹp, giỏi ngoại ngữ, khả năng thuyết trình tuyệt vời, nhưng kiến thức không vững thì bạn định nói cái gì?

Hơn ai hết, mình khá hối hận vì hồi đại học mình không học hành tử tế. Việc này không chỉ khiến mình gặp khó khăn khi đi xin học bổng đâu, mà ngay đến bây giờ, mình ngồi ôn lại toán, những kiến thức ngày xưa mình từng rất khá, những môn đã được học trong trường đại học, và mình thấy rất tiếc vì đã lãng phí quảng thời gian đó. Thế học toán, tích phân, ma trận, statistic để làm gì khi đi làm chẳng bao giờ dùng. Mình đi làm 4 năm ở Vietnam Airlines, mình cũng từng nghĩ mình chỉ cần biết cộng trừ nhân chia để tính doanh thu, chi phí lợi nhuận thôi. Đến một hôm, cuối năm học, bạn bè tìm việc, cô bạn cùng lớp gửi cho mình thông tin tuyển dụng của Singapore Airlines (hãng hàng không quốc gia Singapore và là hãng hàng không hiện đại bậc nhất trên thế giới). Chức danh công việc và nhiệm vụ của công việc đó y hệt vị trí của mình tại Vietnam Airlines – Fleet and Network Planning. Nhưng phần các kỹ năng cho vị trí đó khiến mình suýt rơi cái bánh đang ăn. Họ yêu cầu cao về các kỹ năng phân tích, statistic và thậm chí là phải biết dùng ngôn ngữ lập trình. Với mình lúc đó thì Excel đã là quá đủ và đó là công cụ duy nhất công ty mình có.

Cú sốc thứ 2, một lần tìm sách trong thư viện, mình thấy một cuốn sách màu đen có tiêu đề “Operational Research for Airlines”, mình tò mò đọc thử và khi mở ra, toàn một dãy công thức phương trình, sigma, căn, mũ siêu phức tạp. Đi làm thì đâu cần một bộ não tiến sĩ cao siêu phức tạp đến vậy, nhưng không phải, càng tìm hiểu mình lại càng thấy, mình đã đi sau thời đại quá nhiều. Operational Research – OR (tiếng Việt là Vận trù học) là một nhánh liên ngành của toán học ứng dụng và khoa học hình thức, sử dụng các phương pháp giải tích tiên tiến như mô hình toán học, giải tích thống kê, và tối ưu hóa để tìm ra được lời giải tối ưu hoặc gần tối ưu của những vấn đề ra quyết định phức tạp. Đây là môn khoa học quản lý giúp công ty đưa ra các quyết định, đặc biệt là các bài toán tối ưu chi phí trong điều kiện nguồn lực giới hạn. Trong ngành hàng không, từ những năm 1961, hơn 100 hãng hàng không lớn trên thế giới bao gồm United Airlines của Mỹ, British Airways của UK đã thành lập một tổ chức gọi là “Airlines Group of Operational Research Societies” để ứng dụng OR trong quản trị như kế hoạch đội bay, mạng bay, quản trị doanh thu, sắp xếp nhân phi công, tiếp viên… Khi đọc được điều này, mình đã thấy vô cùng “hổ thẹn”, vì dù có đặt mục tiêu trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không mà một cái vô cùng phổ biến trong ngành ra đời đến 60 năm trước, mình mù tịt. Người ta bảo không cần cái gì cũng phải biết, nhưng cái cần thiết thì nên biết và không thể cái gì cũng mù mờ.

Sang đến một ngành khác, “Data Scientist”, ngành quyến rũ nhất thế kỷ 20. Mình có cuộc nói chuyện với một bạn làm Headhunt trong ngành này giữa mùa Covid khi rất nhiều người mất việc làm, mình bị giảm lương, còn bạn ấy nói với mình rằng “Chị ơi, em tìm một bạn, lương không áp trần, miễn làm được việc mà như mò kim đáy bể”. Nhìn chức danh thế kia thì cũng biết phải học chắc về toán rồi. Mình tự hỏi, hồi đại học, tại sao không ai nói với mình “Học mấy môn toán cao cấp 1, 2, 3 để làm gì?” Mình học chỉ để đủ tín chỉ thôi.

Ở một ví trí của sinh viên, giữa môi trường bao nhiêu hoạt động mà các bạn có thể nhìn thấy ngay lợi ích trước mắt đi làm thêm để kiếm được tiền, tham gia hoạt động ngoại khóa để mở rộng mối quan hệ, lấy certificates để làm đẹp CVs, thi IELTS để lấy chứng chỉ, thậm chí còn có thể đi dạy tiếng Anh kiếm bao tiền thì tại sao sinh viên phải ngồi trong lớp học mấy môn lý thuyết mà chẳng biết học để làm gì. Giá như, thầy giáo chỉ cần nói 1 câu kiến thức này ứng dụng thế nào, hoặc nó là kiến thức căn bản để ra trường em có thể trở thành người mà hàng ngàn công ty trên thế giới đang khao khát và sẵn sàng trả cho em mức lương “không áp trần” thì chuyện đã khác.

Hồi xưa đọc mấy sách Self-help làm giàu, rồi nghe mấy bài diễn văn “Bạn muốn thành công?” mình nghe cũng vào lắm, nhưng giờ thấy nó như cái ngọn cây nhưng chẳng mấy ai nói về cái gốc. Người ta ta bảo “Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công”. Không hề sai, rất nhiều người không cần học đại học vẫn rất thành công, rất giàu. Nhưng quan trọng là họ đã không ngừng học, và tìm ra cách học phù hợp với bản thân. Học gì, học ở đâu tùy vào mỗi người. Mình nghĩ, những lời khuyên kiểu “Không cần học nhiều ở trường vì sau này ra trường chẳng cần áp dụng”, nó giống như một lời biện minh của một số người về sự người ta đã không hiểu hết được tầm quan trọng của việc học và học thế nào, và rồi người ta nói với những người đi sau như thế bản thân đã hiểu rõ cả vũ trụ.

Nếu như có thể quay lại 10 năm trước để nói với chính bản thân mình khi chọn chọn trường đại học, mình sẽ nói đừng chọn ngành gì để nhàn, bởi gì cũng có cái giá của nó. Tuổi trẻ là khi bạn có thể lấy thời gian, công sức ra để bù đắp cho sự thiếu hiểu biết và kém minh mẫn của bản thân. Vũ trụ thay đổi, chỉ trình độ của mình là cố định thôi. Nếu muốn nhàn, thì nhàn cả đời cũng được, chỉ có điều là sẽ hơi đói.

Mình lại kể về một người bạn nữa mà mình quen (một trong những người mà mỗi lần nói chuyện mình lại thấy sự lười học của bản thân tăng thêm vài phần). Bạn ấy hơn mình một tuổi và đã ở vị trí giám đốc của một công ty lớn mà nói tên công ở VN này không ai là không biết. Chắc nhiều người nghĩ, giám đốc rồi, làm gì phải bỏ 2 năm sự nghiệp đi học. Thỉnh thoảng gọi điện, chênh lệch múi giờ, giờ bên mình 8h thì bên đó đã 11h đêm, cuộc điện thoại thường kết thúc bằng câu “Em ăn cơm đi, anh học nốt mấy cái nữa”. – Ôi trời ơi, sao có người chăm đến độ đó. Nếu chỉ là một người bình thường (không có dựa được vào núi nào) thì có lẽ người ta chỉ biết học không ngừng cố gắng để có những gì mình muốn.

Và rất khó để người ta có thể hiểu được chữ “Đủ”

Vì bạn học cùng lớp mình phần lớn đều có background là kỹ sư, nên những kiến thức toán với các bạn ấy nó rất thân thuộc, đơn giản, riêng mình cả mùa hè ngồi đọc lại từng công thức toán, học sử dụng các công cụ phân tích để hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

Cho đến hết học kỳ 2, mình vẫn trung thành với công cụ cơ bản và nghĩ học Excel là đã quá đủ cho đời mình. Hồi học MBA, thầy giáo dạy Statistic còn cho bọn mình một công cụ Add-in vào Excel để mở rộng chức năng, làm các thuật toán Statistic, mình đã thấy quá ổn rồi ấy. Nhưng cho đến một ngày, Excel không đủ để phân tích hệ thống dữ liệu lớn cho môn học của mình, và khi làm luận văn, mình không chạy được mô hình như thầy giáo yêu cầu. Mình học SPSS nhưng phần mềm đó phải trả phí, và nếu không nối mạng eduroam của trường, mình không truy cập bản mà trường đã mua được. Vậy nên, 4 tuần trước khi đến deadline nộp luận văn, mình bắt đầu đi học ngôn ngữ lập trình R. Hãy tưởng tượng, nếu như bạn không nấu ăn ở nhà, nhà bạn chỉ cần 1 con dao để gọt hoa quả. Nhưng đến một ngày, bạn thích nấu ăn, và bạn sẽ nhận ra con dao gọt hoa quả, không thể thái thịt được, và chẳng còn cách nào khác, bạn phải chọn, hoặc không nấu ăn nữa hoặc đi mua con dao thái thịt.

Chuyện của mình cũng tương tự như vậy, Excel, SPSS hay ngôn ngữ lập trình R, Python cũng chỉ là công cụ, mỗi công cụ sinh ra để làm tốt nhiệm vụ của nó. Nếu như 1 công cụ có thể làm tốt tất cả mọi nhiệm vụ thì người ta đã chẳng mất công tạo ra những công cụ mới tinh ti hơn làm gì. Với mìn,h Excel và R cũng như con dao gọt hoa quả và dạo thái thịt vậy, dao gọt hoa quả không thái được thịt và dao thái thịt gọt hoa quả được nhưng hơi khó.

Mặt khác, trước đây, mình rất hay “biến thể lý thuyết”. Điều đó mình nghĩ khá phổ biến, ví dụ mình đọc được một cách làm trong sách, nhưng không thể áp dụng được 100% do tài nguyên của mình hạn chế, vậy nên mình đã phải thay đổi một chút cho phù hợp với tình hình thực tế của mình, mô hình thì mình thay biến này bằng biến khác mà mình nghĩ là tương đương vì biến gốc mình không thu thập được. Mình từng nghĩ, đó là đúng, nhưng sau này mình nhận ra là mình không nên làm như vậy trong khi chưa hiểu rõ được bản chất của lý thuyết.

Có một ví dụ trong chuyện nấu ăn, mà mẹ mình đã nhắc đi nhắc lại. Hồi bé, mẹ đi làm trưa về muộn, mình phải tự nấu ăn để đi học chiều, và mình rất hay trộn tất cả những thứ có sẵn trong tủ lạnh vào nồi. Ví dụ, mình có trứng và rau muống, mình sẽ trộn vào rồi rán. Một thời gian sau, mẹ đã phải in cho một tập những nguyên liệu kỵ nhau (ăn cùng sẽ gây đau bụng và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng) để mình học thuộc. Ví dụ, sắn dây không được phép ăn cùng với mật ong. Gần nhà mình đã có một trường hợp khi nấu chè sắn dây, nhà hết đường, và họ đã thay thế mật ong vào để tạo ngọt. Sắn dây rất mát, mật ong có rất nhiều tác dụng, nhưng nó đã dẫn đến tử vong ngay lập tức, thật nguy hiểm. Trong công việc cũng vậy, mình không thể sửa đổi, sang tạo, thêm bớt khi mà chưa hiểu tường thận lý thuyết. Nếu sáng tạo ra cái mới dễ vậy thì mình cũng thành tiến sĩ rồi.

Các Chevening Scholar cũng trường với mình

Rules are there for reason. You are only allowed to break them if you are a master. If you are not a master, do not confuse your ignorance with creativity or style.

Quy tắc sinh ra có lý do của nó. Bạn chỉ được phép phá vỡ chúng nếu bạn là một bậc thầy. Nếu bạn không phải là bậc thầy, đừng nhầm lẫn giữa sự thiếu hiểu biết của bản thân với sự sáng tạo hay phong cách.

Jordan Peterson

Đi để thấy mình thật nhỏ bé giữa thế giới vô cùng rộng lớn

Càng đọc sách, mình càng thấy có quá nhiều cái nên học, muốn học, và cần phải học. Càng đi, càng gặp nhiều người, mình chỉ thấy cái tôi của mình bé lại và biết lắng nghe nhiều hơn, dù trước đây mình vốn đã là đứa ít nói thích nghe. Bạn sẽ ít kể về bản thân mình lại để dành thời gian nghe câu chuyện của người khác, và thực ra nghe chuyện của họ mình thấy mình “chưa là gì”. Không phải vì như vậy mà thấy tự ti đâu, mà mình thấy được truyền cảm hứng và thôi thúc bản thân không ngừng cố gắng. Mình đã gặp những người siêu siêu giỏi nhưng rất khiêm tốn. Họ chẳng bao giờ khoe khoang mà chính mình phải lựa lời “khui chuyện” mãi, tạo một không khí thân mật dễ trải lòng và họ kể.

Một năm đi du học cũng là một năm mình được đi đây đi đó, mình đã được chạm tay vào tuyết rơi, được tận mắt được nhìn thấy Bắc Cực Quang điều mà trước đây mình cứ ngỡ đó là sản phẩm của photoshop, đến nhà ga 9 3/4, thăm nhà của Jane Austen, Charles Dickens, mình đã đặt chân lên đỉnh núi cao nhất nước Anh dù mình là đứa lười tập thể dục, đứng dưới chân tháp Effiel ở Paris, ăn sô cô la Bỉ, đến thăm quê hương của Mozart, thăm thành phố của các vị thần Athens… Ngoài ra, với cuộc sống cá nhân, mình đã biết tự chăm sóc bản thân, tự giác dậy sớm học bài, về nhà nấu cơm, mình thấy mình ăn mặc có phong cách và chỉn chu hơn trước và dù thấy mình vẫn là một con cá nhỏ giữa đại dương rộng lớn, đôi lúc vẫn thấy thật đuối khi cứ phải liên tục bơi, nhưng đó là một con cá tự tin và biết mình cần bơi về hướng nào.

Hà Nội, ngày 21/6/2020

Những bài viết khác về UK của mình: Nhật ký 444 ngày ở UK

Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog

[jetpack_subscription_form subscribe_placeholder=”Email Address” show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”has-text-color has-black-color has-background has-luminous-vivid-amber-background-color” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]