Đã hơn 2 tháng kể từ ngày mình nghỉ công việc công sở đang làm để đi học. Thực ra mình đã muốn viết bài này từ rất rất lâu rồi, từ khi mình viết chuỗi bài “Những điều mình ước mình biết khi học đại học”, nhưng giờ mới có thể ngồi xuống khách quan để viết.

Dánh cho các bạn ngại đọc thì đây là số Podcast đầu tiên của mình, cũng là bản audio của Blog này. Hãy theo dõi Podcast mới của mình nhé.

Mình nhớ dạo Covid, công ty đóng cửa hoàn toàn, mọi người làm việc online và chỉ có một số người có giấy vào cổng mới được bảo vệ cho vào công ty. Khi ấy, sau hơn 2 tháng cách ly hoàn toàn, mình thực sự rất nhớ văn phòng. Thậm chị mình cũng xin sếp ký giấy cho mình đến công ty nhưng không được. Khi đó, mình đã rút ra kết luận, mình không thể làm freelancer được. Mình thấy khá kỳ lạ khi giờ đây, cứ khi nhắc đến văn phòng, nhiều người lại nghĩ nó nhàm chán, đầy thị phi, uể oải, mệt mỏi, rồi không tận hưởng tuổi trẻ, phụ thuộc này nọ… Rồi công ty nhà nước thì ì ạch, con ông cháu cha mới được vào… Khi đọc xong bài viết này, mình hi vọng bạn sẽ có cái nhìn khác về công việc văn phòng ở một công ty nhà nước.

Công việc của mình – Công việc mình từng làm

Mình làm ở bộ phần Strategy Division, Vietnam Airlines – VNA. Và như mọi người đều biết là VNA có thuộc quản lý của nhà nước. Điều đầu tiên mình muốn nhấn mạnh (với tất cả sự tự hào) là mình tự thi tuyển vào vị trí này, và cố gắng trong công việc, thăng tiến bằng khả năng của mình. Lúc mới đi làm, rất nhiều bạn bè inbox cho mình hỏi “Mình xin vào đó thế nào?”. Mình nhớ, hôm được nhận chính thức vào VNA, sau kha khá các vòng thi (hồ sơ, test, phỏng vấn, khám sức khỏe, soi lý lịch), mình về nói với mẹ là sắp đi làm, mẹ mình thở dài “May quá không mất đồng nào”. Cả họ mình không ai làm trong ngành hàng không, hay giao thông vận tải cả. Đến lúc mình đi học thạc sĩ ở Anh, gặp cậu bạn người Việt cùng lớp, hắn cũng bảo “Lúc đầu em cứ nghĩ bố chị phải làm sếp to lắm trong đó cơ”. Tóm lại, để vào công ty nhà nước, bạn không cần phải quan hệ hay tiền tệ gì cả, bạn chỉ cần đợi đợt thi tuyển, nộp hồ sơ và xem khả năng của bản thân đến đâu.

20210615_194609-01
Bàn làm việc của mình

Thực sự mình rất tự hào về công việc của mình. Một phần lý do cũng là vì (hình như cái này mình nói rồi), sau khi tốt nghiệp đại học mình rải đến 60 bộ hồ sơ xin việc, và đây là nơi 1 trong 2 nơi gọi mình đi làm. Lúc đầu, mình khá ngại đi,vì mình cũng nghĩ công ty nhà nước thì mình thi vào sao được. Hơn nữa, trụ sở công ty khá xa, bên Gia Lâm, cách nhà mình hơn chục km, ngày nào cũng phải đi qua cầu, mà trình độ đi xe máy của mình rất gà. Lúc đấy bạn bè đi làm hoặc đi du học hết rồi, mình tự ti và thấy mình thấp kém khủng khiếp. Nhưng rồi, vượt qua được cây cầu bắt ngang qua sông Hồng ấy, mình đã bắt đầu một hành trình rất tuyệt vời của vô số những cơ hội, những chuyến đi, những bài học.

VNA với mình là một dream job mình từng ước ao hồi đại học. Một công việc cần nhiều sự nghiên cứu, mình không phải làm marketing, quảng cáo một sản phẩm mình không hài lòng mà mình được xây dựng sản phẩm đó, không động nhiều đến tài chính (vì mình học kém môn này). Hơn nữa, công việc này cho mình niềm vui khi học được điều mới mỗi ngày, những điều mà bạn không thể học qua sách vở, đến google cũng chẳng có, bạn phải làm trong ngành bạn mới biết. Mình được dùng tiếng Anh và đi công tác nước ngoài, và rất nhiều các hội thảo, hội nghị, công tác trong nước. Từ khi vào hàng không, mình cũng đi du lịch một cách thoải mái vì nhân viên có vé máy bay ưu đãi, một năm mình có thể đi 6-7 lần. Hồi học đại học, mình mơ ước đến Nha Trang, nhưng sau khi đi làm, mình đi Nha Trang không biết bao nhiều lần. Điều đặc biệt hơn, công việc này cũng thỏa mãn cái tính “đồng bóng” của mình, là mình muốn làm việc ở một nơi mà khi mình nhắc tên sẽ không ai hỏi thêm “Công ty đó làm gì?’. Mỗi tội, ai cũng nghĩ mình làm tiếp viên hàng không. Thế rồi, chính cái sự hài lòng như thế, cũng có những lúc mình đã nghĩ mình sẽ không đi du học nữa.

20210709_083401-01
Sảnh công ty

Những điều mình học được

Gần đây, mình nói chuyện với cậu bạn cùng lớp PhD, cũng từng làm công việc kinh doanh của gia đình rồi quay lại học, chúng mình cũng điều đồng ý với nhau rằng, khoảng thời gian làm trong doanh nghiệp, có lúc buồn có lúc vui, có cái lý do để chúng mình từ bỏ để đến đây nhưng đó là khoảng thời gian quý báu mình đã học được rất nhiều điều.

Làm việc một cách bài bản và chuyên nghiệp

Ở trong một công ty lớn, tất cả mọi thứ đã đi vào khuôn khổ. Những quy tắc sinh ra đều có lý do của nó, và quy trình công việc là điều đã được nhiều người đi trước đúc kết. Chúng ta luôn được khuyến khích sáng tạo, đổi mới nhưng mình luôn nhớ câu nói mình rất tâm đặc của Jordan Peterson, một trong những tác giả mình yêu thích nhất:

“Các quy tắc đều không tự nhiên mà có. Bạn chỉ được phép phá vỡ chúng nếu bạn là một bậc thầy. Nếu bạn không phải là bậc thầy, đừng nhầm lẫn sự thiếu hiểu biết của bạn với sự sáng tạo hoặc phong cách”

Jordan Peterson

Mình nghĩ, khi chúng ta đã nắm rõ cơ bản rồi thì mới sáng tạo một cách hiệu quả. Khi mới ra trường, với cái tôi hừng hực nhưng mình vẫn hạ mình xuống để học những điều nhỏ nhất: dùng Excel để làm số liệu, viết một văn bản và chỉnh sửa format một cách chuẩn chỉnh, học cách trình bày ý tưởng một cách rõ ràng… Mình học cả những điều tưởng chừng như rất vặt vãnh như biết tìm tài liệu trên hệ thống, cách dùng máy scan, lúc máy in bị kẹt thì mở cái nắp nào hay lúc cần chuyển phát tài liệu thì gọi ai. Từ những việc nhỏ, mình học được kỹ năng giải quyết vấn đề để rồi có thể tự tin xử lý những công việc lớn hơn.

Mình nhớ lúc mới vào, trưởng ban mình khó tính. Mình viết mãi một cái báo cáo trình mấy lần không được ký, do mình làm sai số liệu, rồi viết không rõ ràng, không có cấu trúc logic. Cuối cùng cũng được duyệt để trình lên lãnh đạo cấp cao của công ty. Mình mừng rớt nước mắt. Sau mỗi lần sai, mình đều ghi vào sổ những điều lần sau không được làm, ghi lại các kinh nghiệm, mình học cách sửa để lần sau làm đúng hơn. Thời ngô nghê viết một cái email còn sợ sai xong bị đồng nghiệp ban khác gọi điện mắng té tát vì xử lý lỗi. Đến khi trở thành chuyên viên chính, nhiều khi mình nhìn lại thì mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, tự tin hơn rất nhiều.

Một điều mình và cậu bạn đều đồng ý với nhau là đi làm trong business cũng thấy mình thuyết trình chuyên nghiệp hơn, làm slide đẹp hơn vì mình toàn phải làm những điều khiến người ta muốn xuống tiền sau khi nghe trình bày.

Mình có đọc một bài của chị Lê Diệp Kiều Trang mà mình rất thích, đó là việc làm việc cho công ty lớn giúp chị ấy “bớt ngây thơ” hơn khi khởi nghiệp.  Trước khi bạn thực sự đủ lông đủ cánh để khởi nghiệp ra làm riêng, công sở cũng là một lò rèn luyện tốt. Dưới đây cũng là một số tham khảo lý do tại sao bạn nên cân nhắc đầu quân cho một công ty lớn khi vừa ra trường.

Được là một phần nhỏ bé của những dự án lớn lao

Mình từng hỏi cô bạn thân học Designer đang ở Canada là sao cậu không làm freelancer. Cậu ấy cũng nói về những cái không ổn khi chỉ có một mình, hay thậm chí là khi chuyển từ công ty lớn sang công ty nhỏ. Cô bạn nói, khi ở công ty đầu tiên cậu ấy làm, mỗi dự án đều là thành quả của cả nhóm, mỗi người đều đóng góp với chuyên môn sâu vào, và công ty có đầy đủ nguồn lực để có thể đưa ra sản phẩm giống như bản thiết kế. Còn về công ty nhỏ, đôi khi cái thiết kế đẹp đẽ của bạn tôi khi lên thành phẩm nhìn xiêu vẹo chỉ vì sai một font chữ. Và khi làm một mình, lúc chưa có đủ kinh nghiệm và khả năng, bạn sẽ không thể chạm tới những dự án chuyên nghiệp được.

Với công việc của mình, mình cũng vui mỗi lần xong một dự án lớn mang lại sự thay đổi rõ rệt, dù mình chỉ là một phần trong đó. Dưới dây là bức ảnh công ty chào mừng mở đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ, và mình là người tổng hợp viết đề án. Mình còn được tham gia vào rất nhiều các dự án “nhiều nghìn tỷ” khác và mình nghĩ có đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội đất nước.

20211203_135212

Lại liên quan chút với việc xin học bổng. Một số bạn thường nghĩ học bổng ưu tiên những bạn làm trong nhà nước. Nhưng theo mình, sau khi đọc bài luận của một số bạn, mình nhận ra, khi bạn làm việc cho nhà nước bạn sẽ có thể trả lời câu hỏi “Sau khi học xong có đóng góp lại gì cho đất nước” một cách rất trôi chảy. Một công việc hàng ngày của bạn ấy thôi, cũng thay đổi cả một chính sách, mà chính sách ấy sẽ ảnh hưởng đến bao nhiều người. Học bổng chính phủ hi vọng bạn sẽ đóng góp lại sau khi trở về. Vậy nên đừng nói là các bạn ấy may mắn được ưu tiên. Ở đây may mắn chỉ là khi sự chuẩn bị gặp câu hỏi.

Rèn luyện bản thân qua những áp lực

Trách nhiệm lớn cũng đi đi kèm với nhiều áp lực. Mỗi người có một quan điểm sống khác nhau. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ sự tự do, thoái mái trong công việc mà bạn đòi hỏi chỉ là cách nói mỹ miều của sự trốn tránh trách nhiệm, lười biếng và bế tắc khi không thể vượt qua những áp lực khi đi làm.

Mình nhớ một cảnh trong bộ phim “Yêu nữ mặc đồ Prada” mà mình vẫn xem đi xem lại trên Youtube. Khi ấy, Andy (do Anne Hathaway thủ vai chính), là một sinh viên báo chí bắt đầu nhận công việc làm trợ lý cho tổng biên tập của tạp chí thời trang hàng đầu thế giới Runway. Sau nhiều ngày bị bị sếp khó tính cho ăn hành, Andy nức nở đến gặp Nigel, giám đốc sáng tạo và than thở “tại sao khi tôi làm tốt bà ấy không có một lời khen, còn khi tôi mắc lỗi thì bị mắng thậm tệ”. Nhưng thay vi an ủi Anne như một cô gái đáng thương, Nigel chỉ nói 1 từ “So, Quit”, bởi có hàng triệu cô gái, thực sự mong muốn vị trí này sẵn sàng thay thế vị trí của cô trong 5 phút. Nigel nhắc Andy rằng, cô đang không thực sự cố gắng, cô chỉ đang rên rỉ và đổ lỗi. Hàng ngàn con người đã bỏ công bỏ sức, dành trọn cuộc đời cho niềm đam mê của họ để tạo nên Runway, còn cô sống giữa những điều còn trên cả nghệ thuật ấy mà thậm chí còn chẳng quan tâm đến thời trang. Cô còn hi vọng sếp hôn lên trán cô và cho cô một phiếu bé ngoan sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Andy à, hãy tỉnh giấc đi. Và sau đó suốt hơn 2 phút của bộ phim là sự lột xác của Andy trong những bộ đồ thời trang, và cả sự cố gắng hoàn thành công việc khiến sếp không còn lời nào phàn nàn. Và để nhận được sự công nhận chúng ta buộc phải bỏ công sức vào đó, thậm chí là đánh đổi cuộc sống cá nhân. Nhưng điều mình thích ở Andy là cô ấy biết giới hạn để không đánh mất chính mình giữa những điều hào nhoáng.

Tất nhiên là công sở không đáng sợ như trong phim. Mình nghĩ, điều duy nhất trong cuộc đời này bạn có thể kiểm soát là sự cố gắng của bản thân, và để có những điều bạn mong muốn bạn phải cố gắng, rèn luyện qua khó khăn, thử thách.

Làm việc dưới áp lực không phải điều lãng mạn. Việc 7h tối vẫn ngồi ở công ty hay 11h đêm vẫn bị sếp gọi rồi cuối tuần cũng đang ngồi làm báo cáo, không phải chuyện mình hiếm gặp. Nhưng chính cuộc sống bận rộn ấy, giúp mình buộc phải học cách làm việc năng suất hơn, quản lý thời gian hiệu quả hơn vì mình còn rất nhiều dự án cá nhân mình muốn làm (như cái blog này chẳng hạn). Khi mình apply đi học PhD, mình viết về kỹ năng này trong bài luận với đầy sự tự tin. Áp lực, ở một mức độ nào đó cũng là bài tập để bạn rèn luyện một tâm lý vững chắc, từ đó bạn sẽ có thể vượt qua rất nhiều bài kiểm tra khó hơn trong cuộc sống mà bớt than vãn.

Những điều ngoài chuyên môn và kỹ năng làm việc

Cuộc sống công sở cũng dạy mình rất nhiều, khiến mình trở thành một phiên bản tốt hơn hơn ngày trước.  

Ở công ty, nhìn chị nào cũng xinh đẹp, điều đó cũng gây “áp lực” để mình chăm chút bản thân hơn. Hồi mới đi làm, mình hay đi giày Convert, quần bò, áo hoodie. Có hôm, đối tác nước ngoài đến họp, ngồi trong phòng họp mình rất ngại, và sau đó mình đã lấy lý do về gửi thêm tài liệu cho nhóm và không quay lại nữa. Sau này thì mình luôn ở trong trạng thái sẵn sàng đi họp nên mình đầu tư ngoại hình hơn. Nhưng chính điều đó cũng giúp mình tự tin vào bản thân hơn. Mình không thể là cô sinh viên suốt ngày mặc áo phông, quần bò, đi giày thể thao mãi được. Còn biết dưỡng da, trang điểm nữa. Con gái mà, phải xinh chứ. Mình sẽ viết về thời trang trong một bài review phim “The devil were Prada” mà mình đang rất muốn review.

Mình biết nhiều hơn về cuộc sống, cách đối nhân xử thế. Các chị ở văn phòng hay trò chuyện và dạy mình rất nhiều thứ. Từ chuyện ăn ở đâu thì ngon, chỗ nào có thể mua đồ tốt, cả cách chăm chút cho việc gia đình, cách ăn nói ra sao.

Mình cũng có những người bạn, người đồng nghiệp sắn sàng giúp mình những lúc khó khăn trong cuộc sống. Như hôm ông ngoại mình mất, dù chỉ là câu hỏi han là “Em có cần mọi người đến giúp việc gì không?” mình cũng rất cảm động. Rồi đường xa, gấp gáp mọi người cũng về tận quê mình.

Mình học được cách tạo sự tin tưởng với người khác. Từ việc sếp có thể tin tưởng giao cho bạn dự án lớn đến cô bạn đồng nghiệp tin tưởng kể cho bạn những chuyện buồn vui.

Được đi nhiều nơi, đi công tác cũng giúp mình gặp gỡ nhiều người, học được nhiều điều từ cuộc sống xung quanh.

Mình cũng nhận đầy đủ những đặc quyền của công ty dành cho nhân viên, bảo hiểm sức khỏe, chế độ công đoàn, ngồi điều hòa, văn phòng phẩm dùng thoải mái, sinh nhật, ăn bữa xế. Sự giao tiếp và điều hòa mát lạnh mùa hè là điều vô cùng quý giá của dân văn phòng.

Đi làm mình thấy cả kiến thức học ở trường đại học lẫn kỹ năng đều quan trọng như nhau. Không phải là chỉ cần kỹ năng mềm như mọi người vẫn nói. Yêu cầu công việc ngày càng cao nên mình luôn đọc và học kiến thức mới. Không có công việc nào là ổn định cả, chỉ có kỹ năng và trình độ của bạn là dễ ổn định thôi. Nên để không bị đào thải, mình phải luôn cố gắng.

FB_IMG_1556229482921
Mình đang miệt mài trong chuyến công tác đén Hội Nghị đường bay quốc tế tại Barcelona, 2017.

Bài học về chữ “yêu”

Khi mình viết bài này, cũng đang có một loạt bài của các bạn bị ảnh hưởng bởi Meta Layout. Meta sa thải hàng loại 11 ngàn nhân viên. Mình biết cảm giác khi công ty bạn trong thời kỳ khó khăn. Rất hiểu, vì mình công ty mình cũng vừa bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19. Có một điều mình rất trân trọng là những chia sẻ của những cựu nhân viên dù họ nhận một tin chẳng vui vẻ gì một cách đột ngột nhưng họ vẫn nói những điều tốt đẹp về công ty cũng như những gì họ đã học được suốt thời gian gắn bó.  

Mình rất dị ứng với những người đi rồi nói xấu công ty công khai. Thôi thì nói nhỏ với nhau, trời biết đất biết, bọn mình biết thì chẳng sao, nhưng mà lôi từ cá nhân ông sếp đến cả một tập thể ra chê bai trên mạng rồi tang bốc bản thân, rồi còn tâng bốc công ty mới thì mình không thể chấp nhận được. Nói từ “yêu” cả những lúc khó khăn thì mình nghĩ đó là chân thành, chứ còn lúc sướng thì yêu vô bờ bến, xong rồi thời thế thay đổi lật mặt như bánh tráng thì chữ “yêu” đó cũng rẻ như bảnh tráng mà thôi.

Năm 2020, 2021, trong lúc đầy bất an về sự nghiệp, công ty khủng hoảng, giảm lương, nghỉ không lương, mình cũng được nghe rất nhiều “lời động viên” từ “bạn bè”. (Đúng rồi, mình để trong ngoặc kép đấy). Đại loại là “Ơ thế công ty cậu chưa phá sản à?”, “Bạn tớ nghỉ việc rồi cậu còn chưa nghỉ à?”. Và trong cái giây phút đầy xúc động ấy, mình nghĩ cái tôi kiêu hãnh của mình đã kìm mình lại để mình không bật khóc vì thấy bản thân mình thật kém cỏi. Mình muốn nói “Bạn cậu là ai? Và cậu nghĩ tớ là ai mà phải làm theo bạn cậu?”. Mình có niềm tự hào của riêng mình cơ mà. Những ngày khó khăn ấy, dù chỉ nhận 50% lương, có tháng nhận lương tối thiểu vùng (hơn 4 triệu), mình cũng nghĩ “thử thách mới biết ai là anh hùng”. Mình cũng tự an ủi bản thân rằng mình sẽ cố gắng trở thành “anh hùng” với một “niềm tự hào” là tình yêu của mình cũng có giá của nó, khi mình ở lại công ty lúc khó khăn nhất, bình thường rồi mình có thể làm việc của mình. Lúc đó nhìn lương thấp, mình cũng nghĩ nhiều rồi hỏi mẹ có nên đổi việc không. Mình cũng có khá nhiều cơ hội khác. Mẹ mình chỉ bảo “Bố mẹ từng rất túng thiếu, nhưng giờ đủ đầy rồi có thể lo được cho con. Mẹ không muốn mỗi quyết định con đưa ra cho tương lai lại phải vì tiền”.

Đến bây giờ, mình vẫn luôn tự hào khi là một phần của côny ty. Lúc chia tay, mình đã tự nhủ là mình sẽ không sướt mướt. Vậy mà hôm ấy cứ phải phát biểu, cũng mếu máo dù mình biết nơi này vẫn mở cánh cửa cho mình trở về.

Kết luận

Mình cũng nghĩ về những việc được và mất khi đi làm. Đôi khi công việc văn phòng hề không hào nhoáng. Bạn thấy đấy, nhiều người nhìn vào bạn và nói bạn đang phí hoải tuổi trẻ ở trốn này mà không tự mình làm chủ. Nhưng mình không nghĩ vậy. Mình học được nhiều điều, và vẫn thấy mình tiến lên mỗi ngày. Mình cũng đã và đang cùng đồng nghiệp thực hiện những dự án lớn đóng góp cho xã hội. Liệu đó có phải là phí hoài tuổi trẻ? Không, chúng mình cũng cháy đấy chứ. Đôi khi lương nhận được không cao, nhưng mình nghĩ chúng ta có thể nghĩ một cách rộng lớn hơn, ngoài lương ra bạn còn nhận được gì nữa: bảo hiểm sức khỏe, cơ hội thăng tiến, và bạn học được những gì, bạn có thực sự thấy vui vẻ hay không?

Mình nghĩ mọi điều trong cuộc sống này đều là kết quả của sự lựa chọn, từ việc bạn có muốn dành 8 tiếng mỗi ngày (hoặc hơn) ở nơi này haykhông? Chốn công sở cũng có thị phi, mình không phủ nhận, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn tham gia vào thị phi đó hay không. Đi làm ngày nào cũng như ngày nào, nhưng bạn có thể chọn thái độ làm việc của mình, sẵn sàng thử thách cái mới hay thu mình vào những điều quen thuộc. Mọi việc đều có sự khó khăn, bạn sẽ chọn đối mặt để trưởng thành hay trốn tránh. Có những người bạn không thích, họ coi thường bạn (mình gặp cũng gặp trường hợp này vì xuất thân của mình cũng không hoành tráng gì), nhưng bạn chọn ngồi một góc để khóc hay cố gắng nỗ lực khẳng định bản thân để không ai còn dám coi thường bạn nữa. Bạn chọn bỏ thời gian công sức cống hiến hay an phận thủ thường đợi cho đủ giờ xong về. Bạn cũng có thể chọn tiếp tục gắn bó hay đã sẵn sàng đi con đường riêng. Nhưng dù lựa chọn thế nào, mình mong bạn cũng sẽ hoàn toàn vui vẻ, thoải mái, tự do với lựa chọn đó.

Công việc nào cũng có ý nghĩa của nó, cũng đáng được trân trọng. Công việc công sở cũng nhiều cái hay ho. Mình trân trọng những điều mình học được, một phần quan trọng để trở thành mình ngày hôm nay. Do đó, đừng chỉ đứng về phe nói xấu chốn công sở nhé.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây.

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]
IMG_4925
Cà phê Sweden nè