Cotswold

Buổi tối đầu tiên khi tôi vừa đặt chân xuống London, còn lạ chẳng dám lang thang, tôi đành ngồi trong phòng trọ một mình. Thư nhắn tin nhờ tôi đặt tour cho 3 chị em, có tôi, Thư và chị Nhã đi Cotswold. Tôi mở đường link Thư gửi, vào trang của Groupon.com, thấy hình ảnh một ngôi làng với những ngôi nhà đá ong, mái vàng nâu nhỏ xinh như ngôi nhà của Bảy chú lùn trong truyện Nàng Bạch tuyết, trước cửa là một vườn hoa rực rỡ khoe sắc dưới ánh nắng vàng tươi. Một vẻ đẹp mà trước đó tôi nghĩ chỉ có trong truyện cổ tích. Giá tour trên trang Groupon được giảm tận 60% từ hơn 120 bảng chỉ còn 44 bảng cho một người, đã bao gồm cả xe và bữa trưa.

Thực ra với tôi khi đó, chưa thông thạo mức sinh hoạt ở London, tưởng thành phố này phải đắt lắm nên thấy giá đó cũng hợp lý, tôi vội đặt luôn 3 vé cho 3 người vào cuối tháng 9. Sau này, ở London một thời gian, tôi chi tiêu dè dặt hơn và suy nghĩ nhiều hơn trước khi nhập thông tin thanh toán. Đến hôm gặp anh Sang – một người bạn hồi đại học của Thư, anh muốn đi cùng mấy chị em, nên chúng tôi quyết định dời lại lịch sang tháng 10 để anh Sang có thể đi cùng. Bên tour hỗ trợ đổi ngày qua mail rất nhiệt tình, khiến tôi rất hài lòng. Vào buổi sáng tháng 10 ấy, lại một việc xảy đến thay đổi một thói quen của tôi mãi mãi.

Ngày 14/10/2018

Chúng tôi phải rời khỏi nhà từ 6h30 để kịp đến bến xe Victoria Coach để lên xe cùng đoàn du lịch. Sáng sớm, trời mưa rất nặng hạt, chúng tôi gọi điện cho nhau hỏi không biết có đi được không, nhưng cuỗi cùng vẫn quyết đi. Hôm đó, tôi sơ ý chỉ mặc một áo phông và một áo khoác mỏng, ra khỏi nhà, thoát khỏi lò sưởi, đi bộ một lúc dưới mưa tôi thấy vai mình lạnh cóng. Rời Underground, chúng tôi bước lên thang cuốn dài trở lại mặt đất, rồi đi bộ thêm một đoạn đến bến xe khách. Chúng tôi gặp chị Nhã và anh Sang ở cửa số 8, chỗ đợi hướng dẫn viên, mọi người đang xếp hàng lên xe. Thư nói với tôi:

  • Chị ơi, chị quên chưa đóng khóa cặp này, để em đóng cho.

Tôi giật mình, nhìn vào trong chiếc ba lô màu vàng có hộp bánh sandwich tôi chuẩn bị để ăn sáng, có chiếc máy ảnh của của tôi, và tôi chợt nhận ra chiếc ví da của mình đã biến mất. Tôi chắc chắn rằng, sáng nay chính tay tôi đưa chiếc ví vào cặp rồi cho điện thoại vào túi áo, không thể nhầm lẫn được. Mọi người hốt hoảng nhìn tôi, lo lắng, đúng lúc hướng dẫn viên gọi đoàn. Ba người kéo tôi lên xe khi tôi còn đang rối loạn chẳng biết làm gì.

Theo lời hướng dẫn khi tôi nhận thẻ thanh toán do học bổng cấp, khi có bất cứ vấn đề gì, tôi gọi điện cho số máy hỗ trợ. Tôi rất mất bình tĩnh. Tôi run đến nỗi, tôi không thể nghe được tổng đài viên nói gì. Tại sao chuyện này có thể xảy đến với tôi được nhỉ? Tôi luôn là đứa may mắn nhất trên đời, như kiểu xui xẻo luôn tránh tôi ra, nhưng lần này thì lại khác. Chị Nhã giúp tôi gọi điện, chị nói với tổng đài viên là người mất thẻ đang ngồi cạnh, xác nhận xong thông tin để khóa thẻ, chị đưa lại điện thoại cho tôi. Bạn tổng đài viên xác nhận lại giao dịch cuối cùng của tôi, rồi nhắn tôi yên tâm, bạn ấy sẽ liên hệ với bên học bổng cấp cho tôi một thẻ mới.

Tôi mở điện thoại, đăng nhập vào tài khoản thẻ tiền học bổng, thẻ tên là Passport. Anh Sang nhìn thấy chữ Passport trên màn hình, hoảng hốt hỏi tôi:

  • Em mất cả passport đấy hả?

Thực ra, từ hồi ở nhà, tôi đã có 1 thói quen “Không bao giờ cho trứng vào một giỏ”. Tôi luôn dùng 2 ví, một ví đựng tiền và một ví đựng giấy tờ, để nhỡ có mấy ví tiền tôi có thể tự an ủi mình “May không mấy giấy tờ gì”, còn nếu mất giấy tờ tôi vẫn còn số tiền trong túi an ủi đợi đến ngày đi làm giấy tờ mới.

Thư quay lại hỏi:

  • Hôm qua chị đưa hết tiền mặt cho em đóng tiền nhà rồi phải không?
  • Thực ra, hôm qua chị rút 500 bảng, đưa em 400 bảng thôi còn 100 bảng chị giữ lại, và để trong ví đó.

Tôi nói mà thấy lòng mình trống rỗng như chỗ tiền tôi đang có trong tay vậy. Chính thức là tôi vừa mất hơn 100 bảng, thẻ tiền học bổng gồm khoản tiền tiêu tháng đầu cùng tiền hỗ trợ lúc mới sang, hai thẻ ngân hàng của Anh tôi vừa mới làm để tiêu tiền những tháng sau, thẻ đi siêu thị tôi mới nhận, chiếc ví da đã theo tôi từ hồi cấp 3 và trong ví có một hình thần tình yêu Cupid mạ vàng, quà của bố từ hồi tôi còn bé. Tất cả đã ra đi, từ lúc nào đó, có lẽ là lúc tôi đứng trên thang máy ở ga, mà tôi không hề biết. Anh Sang bảo tôi:

  • Ở London mà em mang gì tận 100 bảng trong ví vậy? Anh cũng quên dặn em là cái ga Victoria đó nhiều trộm cắp lắm.
  • Em cũng đâu biết là một tháng ở Anh, hoàng tử em chưa gặp mà lại gặp ngay tên ăn cướp. Thôi, em hôm nay vô sản rồi, nhờ mọi người chăm sóc hết tuần tới, có thẻ ngân hàng mới em xin hậu tạ.

Dù thế nào thì hôm nay cũng là một ngày đi chơi. Tôi tắt điện thoại và bắt đầu chú ý vào lời hướng dẫn viên nói phía trên xe. Cotswold là một vùng đất nằm ở phía Nam nước Anh, trải mình trên địa phận của 6 hạt Gloucestershire, Oxfordshire, Wiltshire, Worrouershire, Warwickshire và Somerset. Đây từng là một trung tâm cung cấp lông cừu và len cho toàn thị trường châu Âu từ thời La Mã cổ đại. Trong tour tham quan này, chúng tôi sẽ được tham quan một số ngôi làng cổ ở Cotswold.

Điểm đầu tiên trong tour khám khá Cotswold, xe dừng ở con phố trong làng Castle Comb, ngôi làng thuộc hạt Wilshire, với dân số chỉ khoảng 400 người, nơi được mệnh danh là “prettiest village of England” – Ngôi làng xinh đẹp nhất nước Anh. Trời mưa tầm tã, và tôi lạnh run rẩy vì chỉ mặc một áo ngắn tay bên trong áo gió, và trời lạnh 10 độ. Bốn đứa nhìn nhau:

  • Chúng ta thật biết chọn ngày.

Sau này có chuyện chúng tôi cũng chẳng hiểu tại sao, mỗi lần gặp anh Sang, trời lại mưa. Dù lúc ra khỏi nhà trời đang đẹp, xuống tàu gần đến nơi mây đen lại kéo đến.

IMG_4959 edited
IMG_4964 edited
IMG_4982
IMG_4972

Castle Comb nhỏ xinh với những ngôi nhà đá vàng vàng như mật ong, và những khung cửa e ấp sau những dàn dây leo yêu kiều. Có một điều tôi rất thích đây đó là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, hay những quán trà, pubs, nhà hàng đều chỉ treo một tấm biển nhỏ bằng gỗ, không quá phô trương hòa vào bức tranh nên thơ của ngôi làng. Chúng tôi đi bộ dưới cơn mưa rả rich cuối thu, đến cuối đường đến cổng phia sau nhà thờ St. Andrew có lịch sử từ thời Trung Cổ, nhưng bởi thời gian tour không cho phép, chúng tôi phải quay lại xe để kịp giờ di chuyển sang địa điểm khác, nên không kịp vào thăm quan.

IMG_4987
20181014_102807 edited

Xe tiếp tục đưa chúng tôi đến ngôi làng có tên Bibury. Khi tôi xuống xe, mưa đã ngớt nhưng vẫn để lại con đường đất ẩm ướt. Theo hướng dẫn, chúng tôi sẽ đi bộ từ điểm dừng chân vào thăm quan làng Bibury, rồi men theo con đường mòn, qua một cây cầu dẫn đến nhà hàng Swan để dùng bữa trưa.

Đang co ro vì lạnh, cho đến khi hình ảnh ngôi làng Bibury hiện lên trước mắt, cả bốn đứa sững sờ vì quá đẹp. Người ta nói Bibury là ngôi làng đẹp nhất nước Anh – “The most beautiful village in England” và vẻ đẹp của nó đã được chính phủ Anh in lên mặt trong của tấm hộ chiếu cho công dân nước này. Đó chính là khung cảnh tôi nhìn thấy trong bức hình quảng cáo khi đặt tour đi Cotswold, nhưng giờ nó không còn trong máy tính nữa mà ở trước mặt tôi, hiện hữu, đó là thực không phải trong cổ tích.

Tôi đang đứng trước con đường này tên là Arlington Row. Đây có lẽ là nơi tôi nhìn thấy nhiều nhất trên Instagram từ khi tới Anh đến giờ. Con đường nhỏ, dọc theo một con kênh, một bên là những ngôi nhà san sát, nhỏ bé, xây bằng đá sa thạchvàng từ thế kỷ 17 cho những người thợ dệt vải, trong đó có gác mái là nơi họ ngồi dệt. Chúng tôi cố gắng đứng đợi cho những vị khách khách đi qua hết rồi mới chụp ảnh. Trước cửa nhà có để những tấm biển “Chú ý không làm phiền người dân địa phương”.

5005
IMG_4993
IMG_5018

Mỗi ngôi làng ở Cotswold có một vẻ đẹp riêng. Nếu Castle Combe giống như một đô thị thời Trung Cổ thì Bibury đúng là một làng quê yên bình được bao phủ bằng một màu vàng nâu giản dị của những căn nhà có cửa sổ bé xíu, mang đầy vẻ cổ xưa thâm trầm tồn tại hàng trăm năm. Dòng sông Coln hiền hòa, uốn mình len qua từng ngóc ngách, hòa với cây cỏ hoa lá, tạo nên một bức tranh quá đỗi nên thơ.

Nếu được đến đây vào mùa hạ, tôi sẽ thấy những tia nắng vàng ươm và bầu trời trong xanh. Nếu đến đây vào mùa xuân, có lẽ tôi sẽ thấy những dàn hoa leo kiều diễm khoe sắc trước cửa nhà. Còn giữa một ngày mưa cuối thu, trước mắt tôi, màu của đất, của lá và cỏ khô ẩm ướt sau cơn mưa nhuộm đỏ ngôi làng.

Chúng tôi tiếp tục đi men theo hàng rào gỗ để đến nhà hàng. Cuối cùng thì tôi cũng được vào trong nhà có lò sưởi khi đang thấy quá lạnh. Bữa trưa của chúng tôi có bánh mỳ với bơ, món chính có cá hương (trout) – một loại cá đặc sản của Cotsword nấu với khoai tây, cà rốt cùng sốt pho mai. Món tráng miệng, có kem vani, bên dưới kem có vụn bánh quy phủ lên mứt dâu còn nóng hổi. Kem vani lạnh, béo ngậy, bánh quy ngọt quyện mứt dâu nóng dẻo tạo nên hương vị rất hài hòa.

IMG_5027
IMG_5021

Chúng tôi dùng xong bữa trưa, trời cũng hết mưa. Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Bourton on the water, nơi được mệnh danh là “Venice của Cotswold”, nằm bên dòng sống Windrush. Vẫn những ngôi nhà nhà xây bằng đá sa thạch màu vàng như mật ong đặc trưng ở Cotsword, nhưng Bourton on the water lại có nét riêng biệt bởi những cây cầu cong cong, những ngôi nhà nổi trên mặt nước.

Đi dạo quanh một vòng thị trấn, chúng tôi quyết định chọn một quán trà để thưởng thức trà chiều với bánh Scone. Ở một vùng đất cổ kính, đặc trưng của nước Anh thế này, cũng phải nên thử đặc sản Anh Quốc. Khác với trà chiều hôm thưởng thức ở Oxford, bánh Scone ở đây được làm sẵn, bày trong tủ kính, còn mứt và kem được đựng trong hộp nhựa, đưa từ tủ lạnh ra chứ không phải cửa hàng tự làm và đựng trong cốc sứ. Thế mới thấy, trà chiều là một món bình dân mà đến bất cứ nơi nào ở nước Anh tôi cũng có thể thưởng thức, chứ không phải một nghi thức quý tộc. Anh Sang đố chúng tôi:

  • Khi ăn bánh Scone cho mứt trước hay cho clotted cream trước. Làm sai là người ta nhìn vào sẽ cười đó nha.

Anh Sang thì đúng là con người của nguyên tắc, anh nói tiếng Anh cũng phải chuẩn giọng Anh – Anh. Hôm trước đến chơi, anh còn đưa tôi một quyển sách về nghi lễ của người Anh, rằng phải đi lại, ăn uống, đón khách đến chơi nhà thế nào, rất nhiều điều cần phải học. Tôi theo đúng logic, kem dẻo hơn thì quệt lên bánh trước, còn mứt thì lỏng hơn, lại còn màu đỏ tươi, phết mứt lên sau vữa dễ dàng lại vừa đẹp. Tôi trả lời như vậy, và thực ra cũng chẳng có một đáp án cụ thể, đó là thói quen tùy thuộc vùng miền. Có nơi người ta phết kem lên trước, nhưng lại có vùng người ta lại cho mứt lên trước.

IMG_5046
IMG_5042

Điểm đến cuối cùng trong tour Cotswold của chúng tôi là Stow-on-the-Wold, một thị trấn khá sầm uất với những cửa hàng, siêu thị, quán cà phê, những khách sạn, nhà hàng tập trung tại khu vực quảng trường Market Square. Đây có lẽ là nơi “hiện đại” nhất trong những nơi hôm nay chúng tôi được ghé thăm ở Cotswold. Vẫn màu vàng mật ong đặc trưng nhưng những ngôi nhà cao tầng đã thay thế cho những ngôi nhà mái ngói thấp.

Chúng tôi đi dạo quanh thị trấn khi trời đã về cuối chiều, đường bắt đầu vắng, những cửa hàng cũng bắt đầu đóng cửa. Tôi còn tìm thấy một cửa hàng đồ Việt Nam, nép mình trong một con ngõ nhỏ. Chúng tôi cứ đi mà không có một điểm đến cố định. Đâu phải con đường nào cũng cần có điểm đến. Nếu cứ bước đi mà không biết điều gì đang chờ mình ở phía trước, sự thú vị sẽ đến từ những điều mơ hồ, khó đoán. Chúng tôi ghé nhà thờ St. Edward’s Church, rồi vào một cửa hàng bán đồ cổ. Trong cửa hàng, có những bức tranh vẽ màu nước về những địa điểm nổi bật nhất ở Cotswold. Thực ra, Cotswold ở trong tranh và Cotswold ở ngoài đời cũng không khác nhau là mấy.

IMG_5054
IMG_5059
IMG_5062
IMG_5072
IMG_5075

Xe rời Cotswold đưa chúng tôi quay lại London khi phố đã lên đèn, kết thúc một ngày dài. Mọi người ngồi trên xe, gật gù bảo:

  • Cotswold cũng bõ 44 bảng, quá hài lòng, ngoài việc trời mưa.
  • Không phải 44 mà là 144 bảng. – Tôi “than vãn vì mình phải trả một mức giá khác”.

Rồi cả bốn người ngồi cười với nhau, nhưng nếu giá đó là 144 bảng, tôi cũng cam lòng, bởi tôi thích chuyến đi này, thích cảm giác bình yên ở Cotswold, và tôi đã có một bài học để đời cho những ngày tháng sau ở London.


Tối về, Thư kiểm tra lại tiền hôm trước chúng tôi vừa đóng tiền nhà, rồi đưa lại cho tôi 22 bảng tiền còn thừa. Cũng may là tôi đã đi chợ mua thức ăn bỏ đầy tủ lạnh nên cũng không cần nhiều tiền trong mấy ngày tới. Tôi cất chiếc ba lô màu vàng tươi vào tủ và không dùng nó lần nào nữa. Chiếc ba lô chụp rất ăn hình nhưng rất tiếc khóa hơi lỏng và không có phần che khóa nên rất dễ bị mở.

Chuyện không may đầu tiên ở London nhưng dù thế nào, dù nắng hay mưa, dù mây mù hay nắng rực rỡ, London trong mắt tôi vẫn đẹp. Chỉ khác là, nó không xa vời như một giấc mơ khi tôi còn ngồi xem những bức ảnh của London trên Pinterest và mơ mộng, mà giờ là một vẻ đẹp rất đời thường, thân quen và thực tế hơn rất nhiều.

Hai ngày sau, toàn bộ thẻ ngân hàng, thẻ tiền học bổng, thẻ đi siêu thị mới của tôi đã được gửi về nhà, nguyên vẹn, không bị trừ bất cứ một khoản phí nào. Buổi sáng hôm sau đến trường, tôi ghé qua cửa Accessorizes cạnh ga Baker Street mua một chiếc ví đựng thẻ (cardholder) màu hồng ánh kinh óng ánh. Từ sau đó trở đi, đi đâu tôi cũng chỉ dùng thẻ ngân hàng, dù chỉ mua một cái bánh trong siêu thị. Vậy nên, mãi cho đến khi về nước, tôi vẫn không phân biệt được những đồng tiền xu của nước Anh.

Những bài viết khác trong hành trình khám phá nước Anh của mình

Nhật ký 444 ngày ở UK

Link đặt vé Tour đi Cotswolds: Groupon.co.uk

IMG_5078