Tôi thích đọc sách, chính xác hơn là thích đọc sách văn học, truyện, tiểu thuyết. Tôi không phải một đứa đọc sách từ sớm. Mãi đến năm lớp 10 tôi mới thoát ra khỏi những chồng sách Toán nâng cao, sách văn mẫu để đọc một cuốn sách không liên quan gì đến chương trình học. Thế giới của những người thích đọc sách cũng chia thành nhiều kiểu. Trong đó, có nhóm “ngôn tình”” mà tôi là hội viên tích cực. Ngoài ra, còn có nhóm hắt hủi ngôn tình nói riêng và truyện, tiểu thuyết nói chung.

Nếu bạn lười đọc, nội dung này đã có trên Podcast. Mời bạn theo dõi và lắng nghe.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác bị “cười cợt” khi mình là một đứa “rảnh rỗi” hay thậm chí bị “hắt hủi” trong hội đọc sách, những “fan cuồng” của Napoleon Hills bởi vì họ nghĩ rằng đọc truyện là trò tốn thời gian và vô bổ. Sau này, tôi cũng đọc thêm nhiều sách Non-fiction, nhưng vẫn “ôm hận” lâu lâu mà chẳng biết giải thích về những giá trị vô hình mà những cuốn tiểu thuyết đem đến cho mình. Cái dễ thấy nhất là chúng khiến tôi thấy vui. Còn lại những giá trị hữu hình (hoặc có thể trở nên hữu hình) như kiểu giúp tôi kiếm được nhiều tiền, thì chắc là không. Tuy vậy, giữa cuộc sống đầy những ảo ảnh mơ hồ, những điều ta không thể đoán trước, những điều không thể mắt thấy tai nghe không phải chúng không tồn tại.

Những người nổi tiếng như các triệu phú cũng khuyến khích việc đọc sách. Warren Buffet dành phần lớn thời gian trong ngày để đọc và khuyên bạn nên đọc 500 trang mỗi ngày. Doanh nhân Mark Cuban nói rằng ông đọc hơn ba giờ mỗi ngày. Elon Musk cũng nói rằng ông đã học cách chế tạo tên lửa bằng cách đọc sách.Tuy vậy, những doanh nhân này hầu hết khuyên chúng ta đọc sách phi hư cấu (Non-fiction). Danh sách 19 cuốn sách nên đọc năm 2019 của Warrant Buffet không có một cuốn fictions nào. Trong 7 năm ròng, Bill Gates giới thiệu 94 đầu sách thì trong đó cũng chỉ có 9 cuốn tiểu thuyết. Điều gì khiến thế giới kỳ ảo của những trang tiểu thuyết lại bị lép vế như vậy?

Nội dung của bài Blog này tôi tổng hợp và dịch từ một số nghiên cứu về thần kinh và tâm lý học. Bạn có thể tham khảo các bài báo nghiên cứu gốc ở phần cuối cùng.

Ý nghĩa của việc đọc truyện, tiểu thuyết

Khi nói đến đọc, chúng ta có thể cho rằng đọc để tìm hiểu kiến ​​thức là lý do tốt nhất để dành hàng giờ cho một cuốn sách. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy đọc tiểu thuyết có thể mang lại những lợi ích quan trọng hơn nhiều so với sách phi hư cấu. Những nghiên cứu về khoa học thần kinh chỉ ra rằng bạn có thể biết được một con người có những kỹ năng và tính cách gì bằng việc nhìn vào giá sách của họ (Tất nhiên là với điều kiện họ thường xuyên đọc những cuốn sách đó thay vì chỉ trưng bày). Đọc sách văn học giúp con người phát triển sự đồng cảm, tâm trí và tư duy phản biện. Khi chúng ta đọc, chúng ta trau dồi và củng cố một số nhận thức khác nhau, có thể nói, đó là gốc rễ của EQ (Trí tuệ cảm xúc). Trong khi đó, đọc sách phi hư cấu (non-fic) thì lại không có tác dụng gì đối với việc phát triển EQ.

125190287_1055734854888959_8704386856357288698_n

Chữa lành tâm trí

Thư viện Theban (“Theban Magical Library”) cổ kính của Pharaoh Ramses II có dòng chữ “Ngôi nhà chữa lành cho linh hồn”, cho thấy sức mạnh chữa lành của việc đọc đã được công nhận từ thời cổ chí kim. Đọc cho phép chúng ta chìm đắm trong trí tưởng tượng, nó tạo ra trạng thái tập trung sâu sắc, tạm thời giải phóng tâm trí khỏi những suy nghĩ hỗn độn, căng thẳng. Từ đó, đọc là một hình thức thư giãn tích cực.

Tuy nhiên, giá trị chữa lành của việc đọc sách vượt xa chủ nghĩa thoát ly (escapism). Những câu chuyện hư cấu có thể giúp người đọc khám phá và học cách đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Câu chuyện thành công, thất bại, thích nghi, sự kiên trì vượt qua thử thách, nghịch cảnh của nhân vật chính hư cấu (hoặc hồi ký của tác giả) là trí tuệ, những bài học kinh nghiệm quý báu và cảm hứng để truyền thêm động lực cho chúng ta đối mặt với cuộc sống của riêng mình. 

Nâng cao nhận thức xã hội, sự thấu hiểu và đồng cảm

Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy rằng khi đọc những câu chuyện hư cấu đòi hỏi người đọc phải hiểu các quan điểm khác nhau của người kể chuyện và nhân vật chính. Do đó, những người đọc nhiều tiểu thuyết có khả năng phát triển cao về khả năng đồng cảm nhận thức. Khi cảm nhận được điểm tương đồng giữa bạn thân và người khác (những nhân vật hư cấu), đọc tiểu thuyết giúp người đọc thấu hiểu và bớt đi những định kiến. Sự chìm đắm, đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật có thể biến sự quan sát, phán xét thành thấu hiểu và đồng cảm, giúp người đọc hiểu hơn về những mối quan hệ nhân quả (Stansfield & Bunce, 2014). Từ đó, đọc tiểu thuyết có thể ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách, thay đổi nhận thức, tầm nhìn và thúc đẩy sự trưởng thành mỗi cá nhân (Djikic, et al., 2009).

Khi bước vào thế giới tưởng tượng, về cơ bản người đọc đang mài giũa khả năng đối mặt với tình huống tương tự trong thực tế. Bằng chứng khoa học cho thấy rằng các vùng não giống nhau hoạt động khi chúng ta nghĩ về người khác và quan điểm của họ, bất kể những cá nhân đó là nhân vật có thật hay hư cấu. Bên cạnh đó, những cuộc đấu tranh và mối quan tâm, niềm vui và hy vọng, các sắc thái và động lực xã hội mở ra cho các nhân vật trong câu chuyện có thể cung cấp cho người đọc những hiểu biết có giá trị về con người và cuộc sống. Người đọc cũng cảm nhận được cảm xúc, nỗi buồn, sự rối bời, ngạc nhiên, thích thú, căng thẳng, bồn chồn, bất an, sợ hãi như nhận vật đã trải qua. Khi đi sâu vào một câu chuyện và tâm trí của các nhân vật, hình dung nó một cách chi tiết, bạn sẽ không chỉ trở nên thấu hiểu và đồng cảm, mà bạn sẽ có xu hướng giúp đỡ người khác khi họ cần (Roberts, 2019).

Để bộ não luôn được “bồi bổ” và khơi sáng

Berns và cộng sự (2013) đã tiến hành nghiên cứu để xác định mức độ ảnh hưởng của việc đọc tiểu thuyết đến kết nối trạng thái nghỉ của bộ não (resting-state connectivity of the brain) và sự ảnh hưởng này kéo dài trong bao lâu. Dựa trên phương pháp thực nghiệm, tiến hành quét não những người tham gia trong 19 ngày liên tục, các nhà nghiên cứu chỉ ra việc đọc tiểu thuyết tác động đến não bộ (khả năng tiếp thu, mức độ tập trung, trực quan, ý thức, khả năng cảm nhận) của người đọc trong cả ngắn và dài hạn. Ví dụ, các vùng não được kích hoạt khi đọc tiểu thuyết vào tối hôm trước sẽ tiếp tục cho đến sáng hôm sau và thậm chí nhiều ngày sau đó.  Sự kích hoạt này sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ (kiểu Alzheimer) khi về già.

Làm việc hiệu quả và thành công hơn trong công việc

Từ những hiểu biết xã hội và một bộ não luôn được kích hoạt trên, đọc tiểu thuyết cũng có thể giúp ích cho công việc của bạn.

Thứ nhất, đọc tiểu thuyết giúp hình thành “ngôn ngữ mới” từ đó hỗ trợ những cuộc thảo luận, khiến những vấn đề khó diễn giải trở nên dễ hiểu hơn. Ví dụ, Ví dụ, chúng ta cũng hay thường nghe đến mọi người hay nhắc đến các nhân vật như Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở để miêu tả những người có đặc điểm tương đồng. Ngoài ra, những người đọc truyện sẵn sàng giải quyết những câu hỏi hóc búa hơn, lắng nghe quan điểm của người khác một cách cẩn trọng hơn. Theo đó, đọc sách văn học giúp phát triển sự nhanh nhẹn và nhạy bén trong nhận thức, phát triển trí tuệ cảm xúc, cùng hàng loạt các đặc tính cần thiết như tính kỷ luật và tự giác, tự nhận thức, giải quyết vấn đề sáng tạo, đồng cảm, dễ tiếp thu, linh hoạt thích ứng, tích cực, phán đoán hợp lý, rộng lượng và tử tế.  (Seifert, 2020).

Nghiên cứu cho thấy rằng đọc tiểu thuyết văn học là một cách hiệu quả để tăng cường khả năng giữ đầu óc cởi mở trong khi xử lý thông tin, một kỹ năng cần thiết để đưa ra quyết định hiệu quả. Sách kinh doanh (non-fic), về bản chất thường đúc kết các vấn đề cho đến khi chúng ở dạng nhị phân: đúng hoặc sai. Ngược lại, sách văn học không có câu trả lời rõ ràng mà chỉ có quan điểm. Đọc sách văn học đòi hỏi chúng ta phải chậm lại, tiếp nhận khối lượng thông tin và sau đó thay đổi tư duy khi đọc. Với tư cách là độc giả, chúng ta dù có thấy người kể chuyện của Lolita là Humbert Humbert thật ngớ ngẩn, nhưng chúng ta buộc phải trải nghiệm cách anh ấy suy nghĩ, một bài tập có giá trị để giảm đi sự phán xét trong mỗi chúng ta (Djikic, et al., 2009). Sách văn học cho phép người đọc có được sự phán đoán, cân nhắc về những giá trị ngang nhau, điều gì cần ưu tiên hơn khi ra quyết định. Nói cách khác, người đọc văn học không giới hạn nhận thức mà có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn, sáng tạo hơn và thoải mái hơn với các câu chuyện mang tính cạnh tranh — tất cả các đặc điểm của EQ cao.

Maryanne Wolf, nhà khoa học nhận thức và là tác giả cuốn sách “Reader, Come Home” lập luận rằng chất lượng đọc là chỉ số xác định chất lượng suy nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta muốn có những người suy nghĩ tốt hơn trong kinh doanh, chúng ta phải xây dựng những độc giả chất lượng.

Với kinh nghiệm của cá nhân thì việc đọc sách giúp tôi có những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, từ việc chia sẻ với nhau cuốn sách hay cả cái bookcare trên tiki cũng khiến người ta trở nên thân thiết.

Little Women

Sách và trải nghiệm của riêng tôi

Sách hư cấu mang đến cơ hội vô tận cho những cuộc phiêu lưu, kết nối và giác ngộ, và xa hơn nữa là sự thoải mái và thoát ly với thực tại để chìm đắm vào một thế giới mới. Nếu ai hỏi đã bao giờ tôi thấy “tội lỗi” bởi thời gian là vàng là bạc trong cuộc sống bận rộn này, có hàng trăm ngàn cuốn sách có thể ứng dụng để hái ra tiền nhưng tôi không đọc mà lại đi đọc những thứ tưởng tượng, hoàn tòa bịa đặt, thì câu trả lời là tôi không bao giờ hối hận. Đến giờ tôi đọc đa dạng thể loại sách cả non-fiction lẫn fiction, tôi thực sự đã suy nghĩ, liệu ngày trước mình đọc những cuốn sách được hội bán hàng đa cấp lăng xê nhiệt tình, thì giờ tôi đã thành triệu phú chưa. Tuy vậy, câu trả lời của tôi là, nếu có thể đọc nhiều sách hơn tôi sẽ dành thời gian với Jane Austen, Charles Dickens, Sherlock Holmes hay là Harry Potter (nói thực là tôi chưa đọc Sherlock Holmes và Harry Potter). Bởi mỗi người có một niềm vui khác nhau, tôi không nghĩ làm những việc mình thích là một tội lỗi. Hơn nữa, đọc sách văn học giúp người đọc trở thành những con người tốt hơn, thậm chí khỏe mạnh hơn. Điều này giống như một khoản đầu tư đáng giá, thay vì một thú vui tốn thời gian.

Tôi học được nhiều về cách đối nhận xử thế từ những câu chuyện mình đọc. Tôi tin rằng người tốt sẽ có một kết thúc tốt đẹp và mụ thủ thủy độc ác sẽ phải chịu báo ứng. Jane Austen và Lusia May Scott khiến tôi tin rằng những cô gái thông minh, bản lĩnh sẽ gặp được một chàng trai xứng đôi. Tôi tin rằng vượt qua những khó khăn thử thách, nhân vật chính luôn tìm thấy ánh sáng huy hoàng của đời mình. Tôi tin rằng những tư tưởng tiến bộ, nhân văn, dù từng bị người đời cười chê nhưng rồi sẽ khai sáng cho xã hội…. Những niềm tin giống như một chỗ dựa để tôi vượt qua những mơ hồ trong cuộc sống. Chúng khiến tôi thấy một niềm vui khi trở thành một người tử tế và luôn tin tưởng vào những điều tốt điệp.

“Tôi có thể cho bạn biết lý do tại sao sách với tôi cũng quan trọng như Oxy để hít thở mỗi ngày. Tôi biết ơn cuộc đời của chính mình, nhưng tôi còn muốn sống thêm hàng ngàn cuộc đời khác”.

Anne Bogel

Chúc bạn một hành trình kỳ diệu bên những trang sách.  

Cuốn truyện nào đáng đọc?

Từ những câu hỏi bạn bè tôi vẫn cần tôi tư vấn “Có cuốn sách gì hay?” và tôi rất thích thú với vai trò này. Sau đây tôi xin để một danh sách top 10 những cuốn fiction mà tôi thích nhất nhất trên đời:

Những cuốn mỏng, nhẹ, dễ đọc

Những cuốn dày hơn một chút khi bạn đã quen với việc đọc

Trên đây đều là những cuốn sách kinh điển. Lúc mới đọc sách, tôi hay đọc Marc Levy, truyện lãng mạn hiện đại, nhưng sau khi đọc những tác phẩm này, tôi mới hiểu lý do tại sao chúng trở thành kinh điển và tồn tại suốt cả trăm năm. Hoặc bạn có thể đọc bất cứ cuốn sách nào bạn thấy tên hay bìa đẹp khi dạo phố Đinh Lễ, hay chỉ một câu chuyện ngắn dễ đọc. Bạn không nhất thiết phải đọc những cuốn sách mà người khác bảo hay, nên đọc. Điều quan trọng của việc đọc là bạn thấy thoải mái với chính mình và thích thú với việc đọc.

Cám ơn bạn đã đọc bài viết này. Bạn có thể tham khảo thêm những cuốn sách tôi đang đọc trên Bookstagram: @vitamin.books

Một số truyện, sách văn học, tiểu thuyết, hư cấu và phim chuyển thể được review tại Blog www.phuonganhviolet.com

Những bài viết khác trên blog: Đọc thêm

Theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới từ blog

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Tham khảo

Berns, G. S., Blaine, K., Prietula, M. J. & Pye, B. E., 2013. Short- and Long-Term Effects of a Novel on Connectivity in the Brain. Brain Connectivity, 3(6).

Caracciolo, M. & Duuren, T. V., 2015. Changed by Literature? A Critical Review of Psychological Research on the Effects of Reading Fiction. Interdisciplinary Literary Studies, 17(4), pp. 517-539.

Djikic, M., Oatley, K., Zoeterman, S. & Peterson, J. B., 2009. On Being Moved by Art: How Reading Fiction Transforms the Self. Creativity Research Journal, 21(1).

Dodell-Feder, D. T. D. I., 2018. Fiction reading has a small positive impact on social cognition: A meta-analysis. Journal of Experimental Psychology: General, 147(11).

Marshall, R., 2020. Reading fiction: the benefits are numerous. British Journal ofGeneralPractice.

Roberts, D. L., 2019. The Real-Life Benefits of Reading Fiction. Media Psychology ~ Informing, Educating and Influencing.

Seifert, C., 2020. The case for reading fiction. [Online]. Available at: https://hbr.org/2020/03/the-case-for-reading-fiction?utm_source=pocket_mylist [Accessed 6 4 2022].

Stansfield, J. & Bunce, L., 2014. The Relationship Between Empathy and Reading Fiction: Separate Roles for Cognitive and Affective Components. Journal of European Psychology Students, 5(3), p. 9–18.