person writing on notebook

Trong bài viết này, mình sẽ viết về cách mình xin Financial Aid trên Coursera để học các khóa học trực tuyến lấy chứng chỉ. Với Financial Aid, mình thu lượm được rất nhiều kiến thức trong khi không mất một khoản học phí nào cả. Financial Aid là khoản hỗ trợ với mục đích lan tỏa kiến thức. Nó không hề canh tranh hay phức tạp như việc apply học bổng đâu. Do đó, tỉ lệ trúng là 99.99%. Mình apply Financial Aid trên Coursera chục lần mà chưa bao giờ bị từ chối cả.

Financial Aid là cách mình thấy đơn giản, hiệu quả cho tất cả người học. Coursera có liên kết với một số trường đại học để sinh viên bổ sung kiến thức kỹ năng bằng các khóa học trực tuyến miễn phí. Tuy nhiên, hồi mình học bên UK, tài khoản sinh viên của mình chỉ truy cập được một số khóa học.

Dưới đây là một số Certificate của mình. Mình đưa ví dụ ra đây để minh chứng cho những chia sẻ dưới đây là hoàn từ kinh nghiệm thật của mình chứ không khoe thành tích học nhiều đâu nhé. Từ năm 2016, mình thường học dưới dạng Audit, chỉ xem video, không kiểm tra và không cần chứng chỉ. IBM data science professional certificate là những khóa học đầu tiên mình học với Financial Aid trên Coursera từ năm 2019. Certificate của mình đã hoàn thành 9 khóa học của IBM qua nền tảng Coursera. Sau mỗi khóa học bạn sẽ có 1 Certificate riêng nên không cần học hết. Nếu bạn học đủ tất cả các khóa trong Specialization thì bạn sẽ được một giấy chứng nhận chung thế này.

Coursera2

Giới thiệu về Coursera

Coursera là nền tảng học trực tuyến uy tín được thành lập từ năm 2012 bởi Andrew Ng và Dapjne Koller, hai giáo sư về khoa học máy tính đại học Standford. Nếu bạn muốn tìm hiểu về Machine Learning thì đừng bỏ qua khóa Machine Learning của thầy Andrew Ng nhé. Coursera là một trong những MOOCs website (Massive Open Online Course: khóa học trực tuyến cho đại chúng) hàng đầu thế giới. Bạn có thể tìm thấy ở đây kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực như kinh tế, kinh doanh, quản lý, khoa học dữ liệu và machine Learning (khóa được học nhiều nhất), khoa học máy tính, toán, ngoại ngữ, y khoa, âm nhạc, nhân văn, lịch sử, kỹ năng mềm….

Coursera có hơn 200 đối tác là các trường đại học hàng đầu khắp nơi trên thế giới như Harvard, Yale, Michigan, Pennsylvania, các trường ở Châu Âu có Imperial College London, UCL, HEC Paris, và nhiều trưởng ở Châu Á khác. Ngoài các trường đại học, Cousera còn cung cấp các chương trình đào tạo liên kết với các công ty lớn như IBM, Google, PwC, cung cấp kỹ năng và kiến thức cho hơn 92 triệu học viên, các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ.  

Các khóa học trên Coursera

Với nội dung kiến thức đa dạng, Coursera cung cấp các chương trình học bao gồm:

  • Course: Các khóa học bao gồm các bài giảng video và các diễn đàn thảo luận, bài tập, quiz, test trắc nghiệm và peer-review assignment.
  •  Specialization: Một chuỗi nhiều khóa học cung cấp kiến thức cụ thể.
  • Professional Certificate: Đây giống như một chứng chỉ nghề nghiệp. Chương trình này cũng bao gồm nhiều Courses, và Capstone project để thực hành.

Đây là 3 chương trình bạn có thể apply Financial Aid. Nếu không đóng phí hoặc không có Financial Aid, bạn vẫn có thể xem các video bài giảng, đọc tài liệu và làm bài kiểm ra tự đánh giá. Còn Quiz, test, assignment sẽ bị khóa.

  • Guided Project: Học một kỹ năng trong vòng 2 tiếng. Giáo viên là các chuyên gia sẽ chỉ cho bạn từng bước cụ thể.
  • MasterTrack Certificate: Một phần của khóa học Master tại một số trường đại học đối tác được dạy trực tuyến. Sinh viên hoàn thành khóa học và được tính tín chỉ như một môn học ở trường.
  • Degree: Ngoài ra Coursera cũng cho phép các môn để lấy bằng đại học. Tuy nhiên, thủ tục và yêu cầu để đăng ký Degree và Master Track sẽ nghiêm ngặt hơn.

Ba chương trình này không apply được Financial Aid.

Coursera

Tại sao nên apply Financial Aid

Kỹ năng và kiến thức mà bạn sở hữu, dùng thành thạo quan trọng hơn Certificate rất nhiều. Certificate có thể đem lại cho mình một vài like trên LinkedIn sau một caption “chăm chỉ vượt khó”. Tuy nhiên, mình hiểu việc được Certificate khóa online của Harvard nó hoàn toàn khác với việc bạn tốt nghiệp đại học ở Harvard nên mình không đánh giá cao việc show bộ sưu tập Certificate cho lắm. Mình thấy việc nhận Certificate sau khóa học chưa có ý nghĩa gì cho sự nghiệp của mình cả. Khi mình học khóa Healing with Art của đại học Florida thì Certificate đó mình nghĩ cho vào CV cũng không có tác dụng gì. Tuy nhiên, mình rất thích khóa học này, bạn có thể tham khảo review ở Blog dưới đây, khóa học duy nhất mình viết review trên Blog vì nó rất hay.

Theo mình ý nghĩa lớn nhất của việc được tiếp cận toàn bộ khóa học là bài kiểm tra. Xem toàn bộ video bài giảng cũng chưa chắc mình đã nắm hết được kiến thức. Bởi vậy, bài kiểm tra như một lần để mình review những gì đã vào đầu. Mình cũng thi trượt nhiều rồi, phải xem lại video bài giảng nhiều lần. Mình nhớ khi mình học một khóa về Toán, lúc giảng thầy nói đơn giản lắm, nghe gì cũng hiểu. Tuy nhiên, lúc mở bài kiểm tra ra lại thêm một loạt công thức mới. Khi đã đặt bút xuống để nháp, và suy nghĩ cho bài kiểm tra và hoàn thành assignment mới là lúc mình thấy mình đã học được rất nhiều. Ai đó từng nói việc học của chúng ta đi từ bàn tay, đến cánh tay rồi đến não.

Mình thấy, rất nhiều các khóa học về Data Science (Khoa học dữ liệu) ở Việt Nam, lấy nguyên chương trình của IBM về dạy với mức giá vài chục triệu đồng. Bạn có thể so sánh Sylabus để xem bạn sẽ được học những gì. Tất nhiên là việc học trực tiếp, có thầy để hỏi và bạn bè ngồi cạnh tâm sự có nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ tìm hiểu bước đầu xem kiến thức đó có gì, liệu mình có hợp không thì chi phí vậy là quá cao. Vậy nên, mình nghĩ bạn hãy học trực tuyến trước để biết sơ bộ kiến thức, xem bản thân có thực sự hứng thú không trước khi bỏ tiền đi học.

Nếu bạn chỉ cần Certificate để làm đẹp hồ sơ thì chứng chỉ từ trường đại học hàng đầu như Harvard chỉ cách bạn 4 bước. Ngoài chứng chỉ từ tổ chức uy tín, bạn có thể hiện bản thân có một kỹ năng cực kỳ quan trọng đó là “Tự học”.

Các bước Apply Financial Aid

  • Bước 1: Vào trang Coursera.org. Search từ khóa nội dung bạn muốn học. Chọn khóa học bạn cần. Đ và hứng thú. Xem khóa học có chữ “Financial Aid Available” hay không? 
  • Bước 2: Nếu có chữ “Financial Aid Available”, bạn nhấp vào để nộp hỗ trợ tài chính. Sau đó bạn làm theo hướng dẫn. 
  • Bước 3: Trả lời từng câu hỏi của Coursera theo form. 
  • Bước 4: Ngay sau khi nộp đơn bạn có thể vào xem video bài giảng. Kết quả Financial Aid sẽ có sau 15 ngày. Kết quả nếu đậu thì bạn sẽ được truy cập toàn bộ bài kiểm tra để hoàn thành khóa học, nhận chứng chỉ. Nếu không được duyệt, Coursera sẽ đưa ra lý do giúp bạn cải thiện hơn trong quá trình nộp đơn sau. Tuy nhiên, nếu bạn trả lời 3 câu hỏi cẩn thận, mình thấy không thể bị từ chối được.
Financial Aid
Financial Aid Available ở cạnh ô Enroll for free

Trả lời câu hỏi để nhận Financial Aid

Form Financial Aid của Coursera có 2 câu chính. Mỗi câu trả lời phải trên 150 từ bằng Tiếng Anh.

  • Câu 1: Why are you applying for Financial Aid?
  • Câu 2: How will taking this course help you achieve your career?

Ngoài ra, câu hỏi nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến kết quả mà chỉ để cung cấp thêm thông tin để Coursera thu thập data.

  • Câu 3: Would you consider using a low-interest loan to pay for your courses? Yes/ No. If you answered no, please help us understand why?

Kinh nghiệm của mình là bạn hãy trả lời thành thật và thể hiện việc mong muốn chân thành của bạn đối với việc học. Mình cần Financial Aid vì mình muốn học thêm kiến thức nhưng thu nhập của mình không cao và mình cần lo cho các nhu cầu khác. Khóa học này sẽ giúp mình nâng cao kiến thức và kỹ năng hoặc làm việc tốt hơn hoặc để chuyển sang công việc mới. Cụ thể, mình muốn tìm hiểu thêm các phương pháp phân tích khách hàng để có thể đưa ra những dịch vụ tốt hơn. Mình muốn học thêm về Healing, tâm lý, quản trị cảm xúc để giúp bản thân bớt căng thẳng hơn sau những ngày làm việc căng thẳng, tái tạo sức lao động để khỏe mạnh, minh mẫn và sáng tạo hơn. Bạn có thể dùng lại câu trả lời cũ cho khóa mới nếu kiến thức tương tự nhau hoặc các khóa trong cùng 1 Specialization.

Sau khi nhận Financial Aid, bạn phải cam kết sẽ hoàn thành khóa học. Mình cũng không biết nếu không hoàn thành sẽ bị phạt gì. Mình có chậm deadlie (thường xuyên), có thi trượt nhưng chưa bao giờ bỏ ngang cả.

Financial Aid

Cách mình học trên Coursera

Không phải khóa học nào mình cũng xin Financial Aid. Những khóa học xem để biết và thưởng thức kiến thức như về lý thuyết âm nhạc, lịch sử, mình xem video bài giảng như xem video trên Youtube thôi. Còn những khóa học mà mình cần thực hành mình mới xin Financial Aid.

Ngoài ra, mình tự nhận thấy mình đọc sẽ dễ vào hơn là nghe bài giảng. Vậy nên, có những khóa mình chỉ xem phần Reading, xem họ gợi ý đọc sách gì và không xem video bài giảng.

Khối lượng học

Bạn có thể xin Financial Aid cho nhiều khóa cùng lúc, nhưng mình thường không làm vậy vì không đủ sức học hết. Mình thường chỉ học tối đa 2 khóa cùng lúc, phần lớn chỉ học 1. Nếu là 2 khóa thì sẽ là một khóa học hành thi cử, làm assignment đàng hoàng còn một khóa học thưởng thức, xem cho biết không cần Financial Aid. Ngoài ra, 2 khóa cùng lúc phải khác nhau hoàn toàn. Ví dụ 1 khóa văn, 1 khóa toán đến tránh “loạn chữ”.

Theo mình nghĩ, việc bạn học hết các kiến thức từ một nguồn sẽ tốt hơn là học mỗi nơi một ít vì nó có hệ thống hơn. Vì thế, mình thường học Professional Certificate hoặc Specialization. Mình thấy như vậy sẽ chuyên sâu và đầy đủ kiến thức hơn. Mỗi chương trình học được thiết kế, sắp xếp là có chủ ý. Việc học mỗi nơi một ít, mình thấy tốn thời gian (đi search khóa tiếp theo) mà đôi khi còn phải học lại những cái mình đã học rồi. Do đó, chọn khóa học mình thực sự thích rất qua trọng. Mỗi khóa sẽ apply Financial Aid riêng, không thể apply cho cả Specialization.

Chọn khóa học mình thực sự thích

Khi tìm khóa học, mình sẽ học đọc kỹ phần giới thiệu và syllabus (các phần học) để so sánh vì có nhiều khóa học từ các trường đại học khác nhau cung cấp cùng một nội dung kiến thức. Sau đó mình sẽ học thử Audit (chỉ xem video bài giảng) để xem giáo viên nói có hay không. Phần này khá quan trọng, bởi thực sự có một số video rất buồn ngủ. Thậm chí một số video còn không có người nói mà là giọng máy tính đều đều. Nếu xem 1-3 video mà không thấy thích, mình sẽ unenrolled (hủy đăng ký) để tìm khóa khác.

Nếu thấy hợp mình sẽ xin Financial Aid. Trong vòng 15 ngày đợi kết quả mình sẽ tiếp tục xem video bài giảng và đọc các tài liệu của khóa học. Sau đó có được duyệt Financial Aid thì sẽ làm bài test, quiz và assignment. Một khóa học thường kéo dài 4-6 tuần, có khóa đến 10 tuần. Cousera sẽ add các deadline vào Google Calendar để để học viên theo dõi. Tuy nhiên nếu quá deadline, bạn vẫn có thể reset để học tiếp. Để tự học, mình nghĩ, chúng ta cần nhiều kỹ luật và tự giác cũng như mục tiêu rõ ràng.

Học thường xuyên và liên tục, mỗi ngày một ít

Khóa học đầu tiên mình học trên Coursera là Learning How to learn: Powerful mental tools to help you master tough subjects của Dr. Barbara Oakley và Dr. Terry Sejnowski. Đây là khóa học kinh điển có lượng học viên nhiều nhất trên Coursera.  Dựa trên các nghiên cứu về não bộ, tác giả đưa ra những phương pháp học tập hiệu quả. Khóa học này cũng có Vietsub.  Sách tham khảo của khóa học là:

Điều mình nhớ nhất sau khóa học này là mỗi ngày học một ít sẽ hiệu quả hơn là nhồi nhét tất cả cùng lúc. Bởi vậy, dù có những khóa học trên Coursera rất ngắn nhưng đừng chạy đua lấy thành thích. Bạn có thể dành khoảng 20 phút xem bài giảng, rồi làm quiz (5 câu) là xong chương trình 1 tuần. Vậy khoảng hơn 1 tiếng bạn có thể hoàn thành khóa học. Tuy vậy, những gì bạn thu lại được cũng trôi nhanh như thời gian công sức bạn bỏ ra vậy đó. Những điều tốt đẹp không đến dễ dàng.

IMG_8595

Những điều mình đã học được từ Coursera

Mình hài lòng về Coursera về chất lượng các video, có cả phụ đề, thậm chí còn có dịch sang Tiếng Việt nữa. Ngoài các bài quiz dạng trắc nghiệm, mình thích các bài peer review assignment. Khi đó 3 bạn học sẽ chấm bài cho mình và mình sẽ review bài của 3 bạn khác. Vì học trực tuyến nên không thể có thầy giáo chấm bài được. Nhưng chúng ta có thể thảo luận với người phụ trách trong forum.

Vì kiến thức là vô cùng, mỗi người một mối quan tâm khác nhau nên ở đây mình sẽ không nói cụ thể về kiến thức, kỹ năng, khóa học gì mình học qua Coursera. Mình sẽ nói về mindset mà mình xây dựng được qua những khóa học.

Tận hưởng quá trình

Hãy trân trọng quá trình thay vì trông ngóng kết quả. Mình nhận ra rằng, khi học, nếu như mình cứ xem trước rồi đếm xem còn bao nhiêu video nữa thì sẽ xong thì sẽ rất oải, đặc biệt là những khóa học kéo dài đến 10 tuần, và những Specialization kéo dài tận 9-10 khóa.  Nếu cứ ngồi nhìn tương lai than thở đường còn dài như vậy, mình sẽ chỉ thấy mệt mỏi và chẳng làm gì cả. Thay vào đó, mỗi ngày một chút một, xem video lần lượt, đọc tài liệu tham khảo, đến test thì hoàn thành, thi trượt thì thi lại… Mỗi ngày chỉ cần 5 – 10 phút. Chúng ta đều biết rằng mỗi hành trình cũng chỉ bắt đầu và hình thành nên từ bước những chân nhỏ bé. Trân trọng mỗi bước đi trên hành trình cũng giúp mình kiên nhẫn và bình tĩnh hơn.

Tự giác, kỷ luật và mục tiêu rõ ràng

Việc tự học cùng rèn luyện cho mình tính tự giác và kỷ luật. Về bản chất, mình học vì mình thực sự muốn học, không vì ai bắt ép cả, không có thầy cô nào gõ đầu hay phạt khi mình lười. Mình luôn thích việc làm mọi việc với một trái tim chân phương, làm với một niềm vui thuần khiết và thu lượm kiến thức với tất cả sự tò mò và trái tim rộng mở. Mình không học để khẳng định điều gì, không phải ganh đua, bởi người duy nhất mình muốn đua là chính bản thân mình ngày hôm qua. Mình học với một mục tiêu rõ ràng để thực hành, làm việc và để sống.

Trong suốt quá trình tự học ấy, mình thấy bản thân mình tự tin hơn. Hồi đại học có môn mình học rất kém. Nhưng đến giờ, khi cố gắng học, suy nghĩ, và nhìn nhận lại, mình đã không còn “dằn vặt” bản thân và nghĩ mình kém cỏi, không làm được nữa. Cảm giác như chỉ cần chăm chỉ, kỷ luật, mình có thể học tất cả những gì mình muốn.

Chuyện tự học của mình, bạn có thể xem thêm blog dưới này và tham khảo xuốn sách của tác giả Nguyễn Duy Cần nhé.

Các trang học trực tuyến khác

Vì Coursera cho mình rất nhiều kiến thức, kỹ năng mà mình còn học miễn phí nên mình nghĩ bản thân mình cũng không có lý do phải phàn nàn về Coursera cả. Nếu phàn nàn hay tìm thấy một nền tảng nào tốt hơn thì mình đã không học ở đây lâu thế và viết cả bài blog dài “quảng cáo” thế này.

Ngoài Coursera bạn cũng có thể học trên các nền tảng khác. Một số nền tảng phổ biến là:

  • Classcentral: Đây giống như nền tảng trung gian của các khóa trực tuyến. Classcentral không trực tiếp xây dựng và cung cấp khóa học, mà bạn tìm khóa học trên này rồi sẽ được redirect đến các nền tảng khác để vào lớp học.
  • EdX: Nền tảng này do hai trường đại học danh tiếng của Mỹ là MIT và Harvard đồng sáng lập vào năm 2012. Trên này rất nhiều khóa học của các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Khác với Coursera là mình chưa tìm thấy nút “Financial Aid” ở đâu trên EdX cả, nhưng bù lại thì rất hay được giảm giá.
  • MITs: MIT là trường đại học đầu tiên xây dựng hệ thống học trực tuyến cho sinh viên và đại chúng. Trên này bạn sẽ thấy các video bài giảng, slide, tài liệu tham khảo và bài kiếm tra của sinh viên MIT. Các môn học trên này chủ yếu là STEM và kỹ thuật, công nghệ.  
  • Khan Academy: Chuyên cung cấp kiến thức cơ bản về toán, kinh tế cơ bản và Life skills, có những khóa học phù hợp với các bạn cấp 2, cấp 3.
  • Future Learn: Do Đại học Open University của Anh sáng lập năm 2012. Một số khóa học trên này miễn phí. Khóa học ở đây thường ngắn, cung cấp kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cùng các kỹ năng như làm thế nào để viết CV, lãnh đạo team… Mình có học trên Future learn một vài khóa nhưng mình thấy phần kiểm tra, đánh giá hơi ít nên mình không thích nền tảng này lắm.
  • Udacity: Đây là công ty startup unicorn có giá trị trên 1 tỷ USD của Mỹ. Nền tảng này tập trung vào kiến thức công nghệ, khoa học máy tính.
  • Masterclass: Đây là một kiểu học trực tuyến khác, không phải từ các trường đại học hay doanh nghiệp mà từ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cụ thể. Bạn có thể học Nấu ăn từ Gordon Ramsay, học diễn xuất từ Natalie Portman, học viết văn với Margaret Atwood… Ở đây có người thật việc thật.
  • Domestika: Nền tảng này chuyên về các khóa về sáng tạo ứng dụng như thiết kế, nhiếp ảnh, vẽ, calligraphy, thời trang, kiến trúc, thủ công…

Trên đây là kinh nghiệm tự học online của mình. Hi vọng chia sẻ này sẽ giúp bạn phần nào đó trên con đường tự học và phát triển bản thân.


Cám ơn bạn đã ghé qua Blog. Hãy subcribe qua email để mình gửi email cho bạn khi có bài viết mới:

Theo dõi Blog qua Email