Mình hoàn thành xong khóa học về chữa lành bằng nghệ thuật “Healing with the Arts” by University of Florida trên Coursera từ tháng trước và dưới đây là những gì mình học được từ khóa học này.

Bằng những project nghệ thuật nhỏ như visual art (vẽ tranh, tô màu, cắt dán, làm visual board, vẽ vòng tròn Mandala), nhảy múa, viết, làm thơ và âm nhạc cùng với những bài hướng dẫn thiền ngắn, khóa học thực sự là đưa cho mình những bài tập về chữa lành, thiền điện, kết nối với tâm hồn, inner-self và chữa lành những tổn thương về tinh thần, cảm xúc, tâm hồn.

Healings with the Arts
Đây là Certificate sau khóa học của mình

Tâm học lý học hay trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật mình thấy mới chỉ đang bắt đầu phát triển những bước đầu tại Việt Nam, nhưng mình thấy thực sự rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Mình bắt đầu nhận ra những vấn đề tâm lý cả bản thân từ hồi mình đi du học về. Có rất nhiều lý do, trong đó có việc mình bị “sốc văn hóa ngược”. Tâm lý, có vẻ như nó chẳng đáng sợ như một cơn cảm lạnh, cúm, hắt hơi sổ mũi, vì nhìn bề ngoài bạn chẳng làm sao. Chúng ta bỏ qua, chấp nhận. Uhm thì nó phải thế mà. Uhm thì lâu rồi cũng quen. Rồi thì mọi thứ sẽ qua, hay chúng ta thường huyễn hoặc bản thân bằng một giáo lý “lạc quan độc hại”. Nhưng thực sự nó rất đáng sợ, và nó từng khiến mình nhìn cái gì cũng thấy ghét, làm gì cũng thấy cáu và từng sợ ngày mai lại phải đến. Như một vết thương tưởng là nhẹ được khoét sâu thêm, bị bỏ mặc, rồi nó cũng đến ngày mưng mủ.

Mình đã từng thử rất nhiều cách chữa trị tâm lý khác nhau, trong đó có đi tham vấn tâm lý. Nhưng rồi mình nghĩ, chẳng lẽ mình phải phụ thuộc vào một người khác để hiểu bản thân mình thực sự có vấn đề gì. Sau khi gặp bác sĩ tâm lý và trò chuyện, mình cảm giác mình có thể tự làm được, mình phải làm chứ không phải ai khác và mình bắt đầu thực hiện. Theo mình, việc để hết lo âu, buồn bã, trầm cảm nó không được giải quyết qua một vài chuyến đi du lịch, một vài buổi tiệc tùng quẩy tưng bừng mà nó phải được nhìn thấu khi bạn ngồi lại với chính mình, lắng nghe cơ thể, tâm hồn mình. Trong đó nghệ thuật là một cách chữa lành hiệu quả.

Trong cuốn sách NGHỆ THUẬT CHỮA LÀNH – giảm lo âu, trầm cảm, xoa dịu chấn thương tâm lý bằng liệu pháp nghệ thuật, tác giả Leah Guzman đưa ra “Trị liệu nghệ thuật (Art therapy) là liệu pháp chữa lành hội chứng rối loạn cảm xúc và hành vi theo phương thức trị liệu tâm lý sử dụng nghệ thuật và tâm lý học để cải thiện cuộc sống. Thông qua quá trình sáng tạo nghệ thuật, người tham gia có thể diễn tả cảm xúc và chữa lành tổn thương gây ra bởi sự lo âu, trầm cảm, PTSD – Rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Nghệ thuật đóng vai trò là phương thức giao tiếp của con người. Chúng ta có thể tìm thấy dấu vết nguồn gốc của trị liệu nghệ thuật với các hình vẽ đầu tiên từ ngàn năm về trước trong hang động ở Tây Ban Nha. Trị liệu nghệ thuật là công cụ hiệu quả để hình ảnh hóa thế giới quanh ta và thế giới trong nội tâm, giúp ta thấu hiểu tâm hồn, phát triển khả năng kiểm soát cảm xúc. Các tác phẩm nghệ thuật chính là sự phản chiều cảm xúc và suy nghĩ. Những hình ảnh này có thể giúp ta tìm thấy nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực và từ đó chúng ta thể tìm ra giải pháp từ sự thấu hiểu.”

Trong khóa học “Healing with the Arts”, có bài tập về vẽ tranh. Bạn cầm bút màu và vẽ tất cả những gì có trong đầu suy nghĩ của bạn. Vậy là mình đã hiểu ra, tại sao khi bạn nhìn những tác phẩm tranh vẽ của các họa sĩ nổi  tiêng như Picassco chẳng hạn, chúng ta đôi khi lại chẳng thể hiểu ngài vẽ gì. Hóa ra ngài không vẽ cái hiện hữu trước mắt, mà đang vẽ điều hình dung trong tâm trí, một điều thể hiện sâu sắc nhân sinh quan và những xúc cảm sâu thẳm trong tâm hồn.

Art

Mình thích những video về imagery guide (hướng dẫn thiền). Cô giáo sẽ đọc và mình nhắm mắt lại, để bản thân được thả trôi theo lời dẫn và để  những lo âu cứ thế rời đi.

Trong tất cả các hình thức nghệ thuật được sử dụng, mình tập trung vào visual art, vẽ tranh và tô màu. Thực sự rất kỳ diệu là sau nhiều năm tự nhủ với bản thân là mình sẽ vẽ màu nước, gần 4 năm kể từ ngày cậu bạn thân tặng cho mình hộp màu nước, vở vẽ, bút long mình mới thực sự bỏ ra để vẽ và và hoàn thiện những cuốn sách tô màu bị bỏ xó từ lâu. Mình nhận ra, một trong những vấn đề của mình đó là so sánh và sợ bị đánh giá. Dưới dây là một phần mình viết trong project cuối khóa.

Ngày bé mình thực sự rất thích vẽ. Ước mơ đầu tiên của mình về nghề nghiệp trong tương lai là trở thành nhà thiết kế thời trang hoặc một họa sĩ. Mình vẫn nhớ như in, lần đầu tiên khi người lớn hỏi mình “Ước mơ của cháu là gì?”, mình đã trả lời là “Cháu muốn thành họa sĩ”. Để rồi, lời đáp lại mình nhận được, có lẽ là một phần khiến ước mơ ấy không thành sự thật “Họa sĩ không có tiền đâu”. Khi đó mình mới 4 tuổi, nhưng nếu bạn sinh ra ở một gia đình bình thường, ở một vùng bình thường, nơi bạn thấy bố mẹ bạn đi làm vất vả và bạn vẫn thèm thuồng đủ thứ đứa bạn có mà mình không có, bạn sẽ hiểu cái cảm giác “sợ nghèo”.

Sau đó mình lên cấp 1, cấp 2, vẽ là một môn học, cần phải hoàn thành. Mình không còn vẽ vì mình thích , vì đam mê nữa. Mình học toán, học toán một cách điên cuồng, thậm chí khi nhận ra bản thân mình học tốt văn hơn nhưng mình vẫn huyễn hoặc bản thân là “người giỏi toán thì oai hơn. Mình nghĩ bố là người duy nhất muốn mình vẽ. Bố là người mua cho mình bút chì, bút màu, giấy vẽ. Mình cũng nhớ ánh mắt thất vọng của bố khi mình học cấp 2, bố nhìn thấy mình chép tranh, một bước tranh mà bố mình bảo nó là hình không hề có cảm xúc. Nhưng mình sẽ trả lời lại rằng, mình cần thời gian học môn chính, đâu còn thời gian ngồi để nghĩ ra mình có thể vẽ gì.

Vài năm trước, khi sách tô màu trở nên thình hành trên thị trường. Người người mua những combo sách và màu chì, ai ai post những bức tô màu đẹp đẽ lên facebook. Nhưng trào lưu cũng sớm nở chóng tàn. Mình nghe những câu kêu than “Dành chả buổi chiều chỉ để to được 1 cái đuôi của con bạch tuộc. Để làm gì?”. Đến năm 2020, mình ở nhà, giãn cách do Covid. Vẽ màu nước lại một lần nữa như một làm sóng nổi lên rồi trôi đi mất. Người ta đếm niềm vui bằng số Like nhận được. Tranh hay tô màu dù sao cũng chỉ là cách người ta thể hiện bản thân trên mạng xã hội, một kiểu ganh đua, so sánh.

Có những lúc nhìn những bức ảnh trên Instagram, mình rất thích vẽ, nhưng mình luôn lưỡng lự. Mình bận với hàng tỷ thức việc. Vẽ để làm gì khi mình còn nhiều việc thực sự quan trọng hơn. Có người từng hỏi mình, bỏ cả đống tiền bạc thời gian để học đàn làm gì mà chẳng kiếm được đồng nào.

Cho đến khi tham gia khóa học, mình bắt đầu cầm bút trở lại, ban đầu chỉ là một phần hoàn thành khóa học. Mình vẽ không đẹp chút nào cả nên mình sẽ không share lên đây đâu. Mình thậm chí còn chẳng biết pha màu nước thế nào cho dung. Mình thấy niềm vui từ cảm giác quét chổi màu lên giấy canvas sần sùi, chỉ vẽ những gì trong tâm trí. Giấy trắng và những ô màu rực rỡ kia không phán xét, khi mình giữ những cảm xúc ấy cho riêng mình, mình hiểu mình đang được chữa lành.

Cảm giác như chính con người mình của năm 4 tuổi đang trở về, vẽ vì chính mình, vì đam mê của mình, không phải để so sánh, không phải để kiếm tiền, không phải để thể hiện sự đa nghệ của bản thân, không phải tìm like trên Facebook, mà để xả hết ra những điều chất chứa trong lòng.

paint...

Không phán xét, không lo âu, không sợ hãi, không giấu giễm, không so sánh, không áp lực kiến tiền. Chính nhờ trải nghiệm này mà mình nhận ra rằng, nếu như mình coi nghệ thuật, tất cả những món mình học như Calligraphy, Piano, Violin là một kỹ nghệ để thể hiện thì nó chỉ là một món tốn tiền tốn thời gian như ai kia từng nói. Nhưng nếu nhận ra những giá trị mà nghệ thuật mang đến, giúp mình có thể cân bằng giữa những áp lực từ cuộc sống hàng ngày, mình nghĩ đó là khoản đầu tư thời gian, tiền bạc xứng đáng dành cho bản thân.

Bởi vậy, giữa cuộc sống bộn bề, hãy tìm cho mình một môn nghệ thuật để theo đuổi, dành khoảng thời gian cho riêng mình. Minh tin chắc chắn rằng tâm hồn bạn xứng đáng được thấu hiểu và chữa lành.

Bạn có thể tham khảo thêm cuốn sách NGHỆ THUẬT CHỮA LÀNH – giảm lo âu, trầm cảm, xoa dịu chấn thương tâm lý bằng liệu pháp nghệ thuật, tác giả Leah Guzman. Đây là cuốn sách duy nhất về chữa lành về nghệ thuật được dịch sang tiếng Việt mà mình tìm thấy. Tác giả đưa ra nhiều bài tập trị liệu tâm lý bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau như vẽ tranh, chụp ảnh, công nghệ hình ảnh, sắp đặt, điêu khắc… và giải thích những bài tập đó có ý nghĩa gì. Nhưng mình lại thích tìm hiểu lý thuyết trước hơn. Mình nghĩ nếu bạn muốn thực hành trị liệu tâm lý, chữa lành bằng nghệ thuật trước hết nên tìm hiểu sơ lược về liệu pháp này trước. Tác giả để rất nhiều tài liệu tham khảo ở phía cuối sách bao gồm webiste, blog, sách khoa học. Ngoài ra, sẽ tốt hơn nếu có một hay nhiều người bạn cùng thực hành và thảo luận.

20211010_191533-01

Ngoài ra còn có cuốn CỨ VIẾT ĐI! NUÔI DƯỠNG SÁNG TẠO – CHỮA LÀNH BẢN THÂN tác giả Greta Solomon nhưng tập trung vào viết. Mình sẽ viết về hành trình chữa lành nhờ viết lách của mình trong một bài khác.

20210802_201949-01

Một số nguồn bạn có thể tham khảo:

Đường link khóa học: https://www.coursera.org/learn/healing-with-the-arts

Link mua sách:

  • NGHỆ THUẬT CHỮA LÀNH – giảm lo âu, trầm cảm, xoa dịu chấn thương tâm lý bằng liệu pháp nghệ thuật, tác giả Leah Guzman –

Shopee: https://shorten.asia/BebJ14wB

Lazada: https://shorten.asia/89U97cmX

Tiki: https://shorten.asia/MedzCvEG

  • CỨ VIẾT ĐI! NUÔI DƯỠNG SÁNG TẠO – CHỮA LÀNH BẢN THÂN tác giả Greta Solomon –

Shopee: https://shorten.asia/EdZkp33Q

Lazada: https://shorten.asia/3SF9qhmA

Tiki: https://shorten.asia/BUkCKnny

Theo dõi @vitamin.books để đọc thêm những review ngắn về sách? Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các khóa học trên Coursea đừng ngại đặt câu hỏi nhé, mình là “fan ruột” của Coursera 😀

Covered Photo by Steve Johnson on Unsplash