Những năm học cấp 2, khi ấy mình là lớp trưởng và luôn cố gắng giữ cho mình một “lý lịch hoàn hảo”. Mình vẫn nhớ ánh mắt giận dữ và thất vọng của cô giáo cùng nụ cười hả hê của những người bạn cùng lớp khi lần đầu tiên thấy lớp trưởng thiếu bài, lần đầu tiên thấy học sinh ngoan hiền nhất lỡ mồm chửi thề trước mặt bạn bè. Mình không biết cảm giác của một học sinh bình thường, được phép lười học, dám chửi bậy và dám xông vào đánh người mà mình ghét thì các bạn ấy có thấy tội lỗi hay xấu hổ như mình không. Nhưng mình biết rõ một điều rằng sự hoản hảo mà mình đã cố gắng tạo ra là một cảm giác thật đáng sợ. Đến nỗi khi đó mình đã từng ước mình là một học sinh bình thường thôi, để mình sẽ được gia đình thưởng mỗi học kỳ được danh hiệu học sinh giỏi thay vì bị trách móc nếu mình đứng vị trí thứ 2, để được cô giáo khen mỗi lần được điểm 8 thay vì nghe phàn nàn mỗi lúc mình nhầm một phép tính rồi nhận điểm 9, để mình có thể chửi thẳng vào mặt những đứa mình ghét thay vị im lặng và nhẫn nhịn.

Để đạt được một vị trí nào đó cần sự nỗ lực, nhưng để giữ được vị trí đó cũng áp lực không kém. Mình không biết kỳ vọng hoàn hảo ấy là do mình tự đặt cho chính mình hay mình luôn sợ ánh mắt thất vọng và những lời bàn tán từ mọi người xung quanh. Ít nhất, để một đứa học cấp 2 mà phải hiểu sự đời, nhẫn nhịn, chấp nhận, không suy nghĩ nhiều thì là điều không thể. Đến một lúc nào đó, mình biết mình không đủ sức để giữ được “sự kỳ vọng hoàn hảo” ấy nữa. Sự trưởng thành với mình là một chuỗi những khủng hoảng, chữa lành rồi lại khủng hoảng, và là sự chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân.

Hiện nội dung này đã có trên Podcast, mời bạn lắng nghe.

Năm đầu đại học, mình đọc Rừng Nauy của Haruki Murakami. Mãi đến về sau, với mình Rừng Nauy vẫn là một câu chuyện thật khó hiểu. Mình chưa thể hiểu nổi những bi ai, mất mát, hỗn loạn, sự sở hãi, những vết thương vô hình của sự trưởng thành. Khi ấy, mình không hiểu tại sao một người xuất sắc như Watanabe lại có thể từ bỏ cuộc sống của mình. Sau này mình chẳng bao giờ đọc lại Rừng Nauy, và mình cũng không thích chất văn có phần u tối của Haruki Murakami, nhưng càng ngày mình càng hiểu về những nhân vật trong truyện, hiểu về những cảm xúc họ trải qua. Hóa ra, trong hành trình trưởng thành, mình cũng vô tình đi qua “vùng u tối” mà các nhân vật từng đi qua.

Thế giời mình tự hỏi, nếu bản thân mình đầy những khiếm khuyết có sao không?

“Tất cả chúng ta (tôi muốn nói là tất cả chúng ta ấy, cả bình thường lẫn không bình thường) đều là những con người bất toàn trong một thế giới bất toàn. Chúng ta không sống với sự chính xác cơ khí của một chương mục ngân hàng hoặc bằng cách tuân theo quy tắc chặt chẽ, mà chúng ta sống với sự tạm thời và mờ nhạt của cuộc sống hàng ngày, với những thử thách và sự khắc nghiệt của nó, với sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi, và với những khát khao và giấc mơ của chúng ta.”

Viktor FranklMan’s Search for Meaning

IMG_2235-01

Tiêu chuẩn và chuẩn mực

Thế giới ngày nay, chúng ta có rất nhiều hình mẫu, idol, và rất dễ dàng để chúng ta nhìn thấy những điều đẹp đẽ của người khác. Chúng ta bị ảm ảnh bởi việc tìm kiếm hạnh phúc, vẻ đẹp, sự giàu có.  Việc theo đuổi sự hoàn hảo đã trở thành tiêu chuẩn trong thế giới ngày nay, đưa chúng ta sự bất mãn, kiệt sức, trầm cảm và lo lắng. Chúng ta đã đặt mình vào những tiêu chuẩn phi thực tế và theo đuổi một cách khắt khe một lý tưởng không thể đạt được.

Chúng ta thường so sánh hậu trường của đời mình với trailer của người khác. Tất cả những gì xem trên mạng xã hội chẳng phải đều đã được chỉnh sửa, cắt ghép kỹ càng, và chọn những gì hào nhoáng nhất rồi hay sao? Chúng ta xem trên quảng cáo, , trên mạng xã hội những gương mặt không tì vết, những chuyến du lịch vòng quanh tế giới, và ngay cả cuộc sống đời thường của họ cũng đẹp đẽ, thư thái, với căn phòng được trang trí tỉ mỉ. Hình ảnh về những hình mẫu hoàn hảo này hét vào mặt chúng ta rằng: “Đời bạn nên như thế này. Bạn phải sống như thế này”. Và vì vậy, chúng mình cố gắng bắt chước, theo đuổi lý tưởng sống của họ.

Mình cũng đã từng đọc khá nhiều sách và những bài viết về “Làm thế nào để hạnh phúc”, “những điều phải làm trước tuổi 30″… nhưng rồi mình nhận ra, điều đó không giúp gì được cho mình. Thậm chí, khi mình làm theo những lời khuyên đó, mà không thấy khá hơn, mình lại càng lún sâu thêm vào những chán nản, lại càng nghĩ mình kém cỏi hơi “Tại sao người khác làm được mà mình lại không?”. Cơ bản thì, những lời khuyên ấy dựa trên kinh nghiệm của một (hoặc một số người) trong một hoàn cảnh và điều kiện nhất định, và không thể đúng cho tất cả. Bạn không cần thiết phải đọc hết danh sách “những cuốn sách phải đọc” mà một blogger nào đó gợi ý, bạn không cần phải làm theo những thói quen “thay đổi cuộc đời” ai đó từng làm, bạn cũng không cần phải có 5 sở thích “một cái giúp bạn kiếm tiền, một cái giúp bạn có thân hình cân đối, một cái giúp bạn trở nên sáng tạo, một cái giúp bạn có thêm kiến thức…” mà suốt một thời gian các KOL bắt trend tik tok cứ xào đi xào lại.  Bạn chỉ cần là chính mình và làm những điều thực sự phù hợp với mình, khiến mình thấy thoải mái, vui vẻ và hành phúc thôi.

Đôi khi để ý kỹ, bạn cũng có thể nhận ra, những điều phía sau sự hoàn hảo trên mạng xã hội, đơn giản nó chỉ là một tấm áo choàng được nhiều người mặc lại, những nội dung được xào đi xào lại không hề xuất phát từ chính lối sống của họ, rồi sẽ thấy chúng đầy sự mâu thuẫn. Ví dụ, về chuyện ngoại hình có lần tình cờ lên Youtube lướt linh tinh, mình thấy 1 bạn chia sẻ tại sao không còn chi tiền cho mỹ phẩm. Nghe cũng đúng đúng. Ui, hồi mới đi làm, mình như trang giấy trắng, ai bảo dùng cái gì tốt cũng mua, kết quả là mặt mụn tùm lum. Lại còn đi Spa, xong mấy chị đẹp ở Spa quảng cáo em nên dùng hết cái nọ cái kia, nhưng chả đỡ hơn tẹo nào. Bạn ấy kể chuyện nghe giống mình thế không biết. Sau đó bạn ấy nói về việc không dùng các sản phẩm dưỡng da, thậm chí sữa rửa mặt, kem chống nắng nữa. Đại loại luận điểm là các công ty mỹ phẩm chi nhiều tiền quảng cáo, để phái đẹp phát cuồng lên phải bôi hết thứ này thứ nọ. Mình là đứa sống tiết kiệm, tự nhiên nghe thấy mình có thể tiết kiệm được kha khá tiền thấy cũng xuôi xuôi. Kiểu như lỗ chân lông to có vấn đề gì đâu mà các mẹ phải bỏ cả đống tiền ra đổ cả acid lên mặt. Nhìn mặt mình lỗ chân lông to thật và cũng đang định mua lọ acid chứ. Mình lại thấy cũng đúng đúng, chúng ta nên ăn uống lành mạnh, sống vui vẻ, khỏe đẹp từ bên trong, tự tin, yêu đời thay vì cứ chạy theo quảng cáo, xu hướng làm đẹp nọ kia. Và nó sẽ chẳng có vấn đề gì nếu mình không xem các chia sẻ khác trên kênh. Bạn ấy chia sẻ các bài tập thể dục, đồ ăn thức uống, đồ tập và có vẻ tập trung vào vòng 3. Và mình tự nghĩ, nếu như lỗ chân lông to, da ngăm là bình thường thì mông lép cũng nên là cái bình thường chứ nhỉ? Có nghiên cứu chỉ ra là mông càng to hàng hạnh phúc à? Nếu đã không nên phán xét ngoại hình theo tiêu chuẩn nào đó thì đừng phán xét cả phần trên lẫn phần dưới. Bởi thế, mình nghĩ họ chỉ đang thầm nói với bạn rằng “Hãy sống như tôi, mua sản phảm của tôi” thế thôi. Vì thế hãy đặt câu hỏi trước bất cứ thông tin nào bạn nhận được (Ngay cả bài viết này). Còn quan điểm của mình thì sau nhiều kinh nghiệm đau thương, kem chống nắng là cái cần thiết.

IMG_2241-01

Sự hoàn hảo là những gì chúng ta cần đạt được: một khuôn mặt cân đối cùng làn da láng mịn, lỗ chân lông se khít, một thân hình hoàn hảo bụng nổi cơ hông trái đào, xương quai xanh, và rồi đến danh sách tài sản, số lượng chuyến du lịch trong năm, hay tóm lại: một sự tồn tại không có lỗi lầm?

Con người không phải một chiếc máy tính để gia đình, xã hội và nền giáo dục lập trình: đủ hệ điều hành 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, cài thêm các phần mềm kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian; cài thêm bộ phần mềm nâng cao những thói quen tốt để thành công, và thậm chí còn lập trình cả cách người ta tư duy để cảm thấy hạnh phúc nữa. Và rồi được đánh bóng, quét sơn, với vẻ ngoài lấp lánh. Mình chẳng thấy chiếc máy tính nào hoàn hảo. Phần mềm thì phải liên tục update. Có phần mềm ổn định, nhưng có những phần mềm lỗi, chạy một hệ điều hành cũ kỹ và máy tính của bạn bị đơ, bị treo, bị nóng. Điều hiển nhiên là con người không phải là cái máy tính, mỗi người một cá tính, một loại tính cách khác nhau, không thể có một công thức chung hay một bộ phần mềm cho hạnh phúc. Và tất cả chúng ta đều có những khiếm khuyết, một điều khiến con người thực sự là con người.

Wabi sabi

Wabi-sabi là một triết lý tao nhã của người Nhật biểu thị một lối sống mà chúng ta kết nối sâu sắc với thiên nhiên, và do đó, kết nối tốt hơn với nội tâm chân thật nhất của chúng ta.Wabi-sabi là một khái niệm thúc đẩy chúng ta không ngừng tìm kiếm vẻ đẹp từ mọi điều xung quanh và chấp nhận chu kỳ tự nhiên hơn của cuộc sống. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi thứ bao gồm chúng ta và cuộc sống, là vô thường và đều không hoàn hảo nên hãy trân trọng sự không hoàn hảo đó (perfectly imperfection).

Sự ra đời của Wabi-sabi: Vào thế kỷ 15, tầng lời thống trị Nhật Bản thích phô bày sự giàu có và thích uống trà trên những bộ chén tinh xảo của Trung Hoa và phải vào đúng ngày trăng tròn. Một thiền sư tên là Marata Shuko đã thay đổi nghi lễ xa hoa của giới thượng lưu này để nó trở nên tao nhã hơn, sử dụng những sản phẩm do người Nhật làm. Hậu duệ của Shuko đã cải tiến trà đạo xa hơn nữa, bằng việc đơn giản hóa các nghi thức và đồ dùng sử dụng, hòa hợp với bản chất vô thường của tự nhiên. Ví dụ, họ sử dụng những chén trà cũ thay vì những bộ chén Trung Hoa cầu kỳ, đắt tiền, thay vì uống trà vào đem trăng tròn họ uống trà dù ngày đó có trăng khuyết. Từ đó trà đạo trở thành một sự tôn vinh cho sự đơn giản vô thường và không hoàn hảo.

Chúng ta cũng không hề có một định nghĩa “hoàn hảo” cho “Wabi sabi” và cách hiểu về thay đổi theo thời gian. “Wabi” được hiểu là vẻ đẹp của sự đơn giản. Nó gợi chúng ta mở rộng trái tim và tách khỏi sự phù phiến của chủ nghĩa vật chất để trải nghiệm sự phong phù về tinh thần. “Sabi” ám chỉ về dấu vết thời gian để lại trên các đồ vật, gợi ý những vẻ đẹp của thời gian ẩn sau bề mặt những gì chúng ta thực sự nhìn thấy, ngay cả trong những gì ban đầu chúng ta cho là bị hỏng.

IMG_2245-01

Vậy là chúng ta không cần cố gắng gì nữa sao?

Đến đây có vẻ hơi mâu thuẫn với những gì mình vẫn chia sẻ rằng chúng ta cần cải thiện bản thân và thực hiện ước mơ. “Sự hoàn hảo”, “sự tốt đẹp”, “sự xuất sắc” là những từ khác nhau. Trân trọng sự không hoàn hảo không có nghĩa là chúng ta ngừng cố gắng. Phát triển bản thân mỗi ngày là việc cần thiết miễn là bạn có một lý do tốt đẹp, mang lại niềm vui hạnh phúc, sự thoải mái cho bản thân chứ không phải đặt mình trong áp lực của lý tưởng hoàn hảo phi thực tế.

Có những vấn đề tưởng chừng như là một nhưng thực ra nó rất khác nhau, thậm chí trái ngược.Ví dụ việc sống nghiện ngập, buông thả ngừng cố gắng không phải wabi sabi mà đó là kết quả của sự bất lực trước những khiếm khuyết và nỗi đau trong cuộc sống, do đó người ta dùng phương pháp cực đoan tuyệt vọng để trốn tránh những nỗi đau và khó khăn mà bản thân cần đối mặt để trường thành.  Chúng ta có thể nói rằng, việc trốn tránh thực tại bằng những phương pháp cực đoạn cũng là đang đi tìm một sự hoàn hảo bất khả thi: cụ thể là tìm kiếm một ”Cuộc sống không có khó khăn hay đau khổ”. Việc ngừng cố gắng và trong chờ vào “bùa phép”, về bản chất cũng đang trong cậy vào sự hoàn hảo vất khả thi là “chúng ta muốn tận hưởng hết khoái lạc trên đời này cùng một lúc và không cần làm gì nhưng mọi thứ có sẵn”.

Chỉ có cách bỏ đi những ảo tưởng mơ hồ về sự hoàn hảo, chúng ta mới có thể giải thoát bản thân khỏi sự khổ đau, và tìm thấy động lực thực sự trong cuộc sống. Sự tồn tại không có tiêu chuẩn. Không có 2 bông tuyết giống hệt nhau, bông hoa cúc nhỏ bé hay đóa hướng dương rực rỡ cũng đều là hoa. Wabi sabi nhắc chúng ta về bản chất của vạn vật chứ không phải là chỉ ra chúng nên trở thành ra sao. Wabi sabi là chúng ta làm những gì mình có thể làm thật tốt, theo cách của riêng mình, thay vì phải theo cách của người khác, phải trở thành con người khác.

Những vết sẹo

Một loại hình nghệ thuật cổ xưa bắt nguồn từ wabi-sabi, theo đó bạn có thể hàn gắn những đồ vật bị vỡ bằng chất liệu vàng, tạo cho chúng những “vết sẹo vàng”. Nó được gọi là Kintsugi. Kintsugi nhắc nhở chúng ta rằng có vẻ đẹp tuyệt vời trong những thứ bị hỏng vì những vết sẹo kể một câu chuyện. Chúng thể hiện sự dũng cảm, trí tuệ và khả năng phục hồi, có được qua thời gian.

kintsugi-creating-art-or-wabisabi-out-of-things-broken-theflyingtortoise

Chúng ta cũng vậy, chúng ta đối mặt với vô số những thất bại, đổ vỡ, khó khăn, buồn đau một cách thường xuyên. Có những sự sự kiện để lại cho bạn những sự tổn thương, và những “vết sẹo” tinh thần hoặc thể chất. Mình cũng có những sai lầm mà đôi khi mình nghĩ về nó như “vết nhơ trong lý lịch mà mình muốn tẩy” nhưng càng tẩy trong giấy trắng lại càng lấm lem. Chúng ta đâu có thể thay đổi được quá khứ, hãy để những vết sẹo đó được vẽ lại bằng vàng và viết tiếp những câu chuyện của mình bằng những bài học mình học được từ những những thất bại, đổ vỡ, khó khăn, nỗi buồn ấy.

Trong một bức hình sẽ luôn cần có màu đen, xám. Bởi nhờ có những khoảng tối đó bên cạnh màu vàng rực rỡ của nắng mai, những sự vật trong tranh sẽ có bóng, có chiều sâu, và chúng trở nên thật hơn. Những nỗi buồn cũng vậy, nếu cuộc sống nào mà chỉ có niềm vui, rồi ta cũng sẽ thấy nhàm chán với những điều trở nên hiển nhiên đó. Phải có một chút khó khăn chúng ta mới trân trọng những hạnh phúc. Phải trải qua những ngày mưa chúng ta mới yêu thêm những ngày nắng. Những khoảng tối trong bức tranh, khiến sự vật trở nên sống động, còn những nỗi buồn khiến ta nâng niu những niềm vui dù nhỏ bé. Mình nhận ra rằng, khi còn căng thẳng nghĩa là mình vẫn còn đang cố gắng để đạt được những điều tốt đẹp hơn. Còn thất bại nghĩa là mình có đang thử sức để nâng cấp khả năng của mình. Và khi vẫn thấy buồn, vẫn biết ghét vẫn khó chịu nghĩa là trong mình vẫn còn đang có một phần rất con người đó là cảm xúc điều mà không một máy tính hiện đại nào có thể thay thế. Sự thật là, nỗi ám ảnh của chúng ta về việc tìm kiếm hạnh phúc đã khiến chúng ta mù quáng trước hạnh phúc thực sự là gì: hạnh phúc thực sự là cảm xúc và cảm nhận cuộc sống bằng các giác quan.

IMG_2240-01

Câu chuyện khi mình tưởng ai cũng hoàn hảo

Có một lần, mình chia sẻ là mình thường xuyên gặp giấc mơ ngồi trong phòng thi mà không làm được bài. Cái cảm giác sợ hãi đó rất thật. Theo nghiên cứu tâm lý, những người hay gặp giấc mơ này là những người sợ bị người khác đánh giá. Anh bạn mình bảo anh cũng hay mơ như thế. Bình thường anh ấy là người vui vẻ, hài hước và cũng là một người rất xuất sắc nữa. Mình mới bảo “Em thấy anh lúc nào cũng tưng tửng thế mà sợ bị đánh giá à? Mà ai đánh giá anh chắc cũng toàn đánh giá tốt”. Anh ấy bảo “Ai mà chẳng sợ cái đó, chỉ là ít hay nhiều”. Vậy là không chỉ trên mạng, mà người thật, nhìn bên ngoài mình còn chẳng nhìn hết được con người họ.

Thầy mình có lần nhắc mình về sự so sánh với người khác, rằng những người chúng ta cho là thông minh, tài giỏi, thành công xuất chúng cũng đều có khiếm khuyết của họ, thế nên đừng nhìn vào sự hoàn hảo bên ngoài mà thấy tự ti về bản thân.

Mình sẽ kết lại bài này bằng 1 câu trong cuốn sách “Wabi Sabi, a Japanese Wisdom for a Perfect Imperfect Life” của tác giả Beth Kempton

“Nói một cách đơn giản, wabi sabi cho phép bạn được là chính mình. Nó khuyến khích bạn cố gắng hết sức nhưng không khiến bản thân chán nản khi theo đuổi mục tiêu hoàn hảo không thể đạt được. Nó nhẹ nhàng thúc đẩy bạn thư giãn, sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống. Và nó cho bạn thấy rằng vẻ đẹp có thể được tìm thấy ở những nơi khó có thể xảy ra nhất, biến mỗi ngày thành một ô cửa đầy thú vị.”

Bạn có thể mua sách trên Tiki: https://shorten.asia/u7k3AGxk | Shopee: https://shorten.asia/urfFXFD6  


 Cám ơn bạn đã đọc đến đây, đừng quên theo dõi qua email để nhận được thông báo khi có bài viết mới.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Tham khảo: