Năm năm sau ngày tốt nghiệp, có lẽ cũng nhiều lần mình nói với bản thân “Ước gì mình biết sớm hơn”, “Ước gì mình đã làm điều này từ khi học đại học”, “Sao có nhiều hoạt động ngoại khóa hay thế này mà mình không biết?”.  Nhưng rồi mình lại nghĩ, mình hiểu nếu ngày đó nếu như có ai đó nói cho mình những điều này, có lẽ mình cũng không nghe đâu. Bởi vì có những điều mình người ta phải tự trải nghiệm mới có thể thấm thía.

Lời mở đầu

Hồi năm nhất đại học, cuốn sách về kỹ năng đầu tiên mình đọc là “Nếu tôi biết được khi còn 20” của Tina Seelig. Đây cũng là cuốn sách mình dành tặng rất nhiều người bạn nhân dịp sinh nhật, và họ đều rất tâm đắc. Cuốn sách cung cấp cho những người mới bước vào ngưỡng cửa đại học những bài học về tư duy, sự sáng tạo thoát khỏi những lối mòn, xây dựng mối quan hệ… Tuy vậy, theo mình, đây không phải là một cuốn sách hoàn hảo cho sinh viên Việt Nam. Sách viết về môi trường học tập tại Mỹ và có thiên hướng dành cho những người có mong muốn làm kinh doanh và khởi nghiệp. Nhưng kinh doanh hay khởi nghiệp cũng chỉ là một trong vô số những lựa chọn mà tuổi trẻ có thể lựa chọn.

Một vài nét về mình, mình không phải một người xuất sắc mà các bạn thấy trên báo với những thành tích đáng nể. Tuy vậy, mình cũng có một vài thành tựu nho nhỏ sau thời gian nỗ lực, nỗ lực rất nhiều. Câu chuyện sau vô số những thất lại, một vài thành công, chuyện từng là một học sinh giỏi, cũng sở hữu một bảng điểm muốn giấu, mình thấy rằng, con người ta học được từ thất bại nhiều hơn là thành công. Đôi khi bí quyết để thành công khó có thể áp dụng lần thứ 2, ngay cả cho chính chủ nhân của bí kíp đó hay một người khác. Có thể may mắn sẽ không thể xảy ra lần thứ 2. Trong khí đó, thất bại để lại cho chúng ta những bài học khắc cốt ghi tâm để không bao giờ phạm sai lầm thêm lần nữa.

Dù vẫn luôn yêu thương bản thân của mình hiện tại, mình cũng có vô vàn điều tiếc nuối, nếu hiểu chuyện mình đã có thể làm tốt hơn, và có thể mình đã đạt được nhiều điều hơn, có mọi thứ sớm hơn, và bớt đi thời gian bị lãng phí.

Mình viết series này để nói ra những điều mình ước mình có thể biết sớm hơn như thế, hi vọng có ích cho ai đó. Mình dự định, series này sẽ có 6 phần, nói về các vấn đề trong cuộc sống của sinh viên:

Và sau đây, mình sẽ kể câu chuyện của mình

Phần 1: Hoạt động ngoại khóa

Sinh viên năm nhất

Một vài điều về mình thời điểm năm nhất đại học: sinh viên tỉnh (không phải tỉnh lẻ nhưng cũng chẳng phải phố) từ một trường cấp 3 không chuyên mà nghe nhắc tên bạn bè chẳng ai biết; Vừa bị người yêu đá đúng ngày nhập học và cũng là ngày sinh nhật lần thứ 18; mình học không giỏi, đặc biệt là tiếng Anh của mình rất tệ hại trong khi mình học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; một ngoại hình rất bình thường với kiểu tóc dài buộc đuôi ngựa truyền thống từ hồi cấp 2; một đứa ít nói và có nhiều cái “ngại”; và mình trượt toàn bộ câu lạc bộ mình đăng ký thi tuyển đầu học kỳ 1 năm nhất.

Trên đây là tất cả những điều khiến mình cảm thấy vô cùng vô cùng tự ti về bản thân vào thời điểm đó. Tuy vậy, chính từ sự nhận thức về bản thân một cách trực diện, không hề tô hồng, không hề giấu giếm, mình đã viết một cái Resolution dài ngoằng những việc mình cần phải làm để bẻ từng cái tự ti một. Mình cần thay đổi để trở thành người mà mình mong muốn. Để bớt tự ti mình nghĩ mình phải chứng minh khả năng của bản thân, gặt hái cho mình những thành tích, cải thiện ngoại hình, học ngoại ngữ, tìm kiếm những cơ hội và thử sức để khám phá bản thân mình.

Hoạt động ngoại khóa ở trưởng đại học

Ngày xưa đi học, mọi người bảo nhau phải có hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ xin học bổng. Cái thời đại học ấy mà, khi học Ngoại Thương, khoác trên mình màu áo đồng phục câu lạc bộ là một niềm tự hào. Thi tuyển vào câu lạc bộ có mấy vòng mà tỷ lệ chọi còn căng hơn thi đại học. Những câu lạc bộ lớn, có nhiều hoạt động bề nổi, thì nghe nói thi vào càng khó. Khi mới vào trường, tuần nhập học ở Ngoại Thương sẽ có những buổi giới thiệu về hoạt động của các câu lạc bộ, Đoàn trường, Hội sinh viên, và Ngày hội các câu lạc bộ. Ngay sau đó, đợt thi tuyển thành viên của các câu lạc bộ bắt đầu.

Ngay lúc đó, mình đăng ký thi vào Enastus (trước đây là SIFE, một tổ chức sinh viên quốc tế thực hiện các dự án kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp xã hội), Câu lạc bộ Du học, Câu lạc bộ truyền thông YMC, Câu lạc bộ Sinh viên Nghiên cứu khoa học, Đoàn thanh niên trường, Hội Sinh viên và một số tổ chức sinh viên ngoài trường Ngoại thương khác. Và đến cuối mùa giải, mình đã trượt tất cả những câu lạc bộ mình đăng ký thi. Khi ấy, mình cũng buồn kinh khủng. Dù sao thì đó cũng là một thất bại, và khiến mình hoài nghi về bản thân, mình không đủ tốt, mình không giỏi.

Có một điều mình không thích nhất ở các phần thi là có lẽ người ta luôn chọn người hướng ngoại, còn mình thì không. Và một lần nữa, mình lại cảm thấy “Dường như thế giới không dành cho người hướng nội như mình”. Mình ghét nhất là cái quả làm việc nhóm và các bạn cứ tranh nhau nói (mặc dù là đâu phải nói câu nào cũng đúng). Hai nữa là, mình thấy mình không được thông minh, IQ, EQ thấp  nên khó vượt qua những câu hỏi tình huống.

Mình không tự tin, và mình tự hỏi mình có thể tự tin về điều gì? Nhưng điều quan trọng là cách bạn đối mặt với sự thất bại và những tự ti đó ra sao. Trốn tránh hay đối mặt. Bỏ cuộc hay tiếp tục. Cố chấp hay thay đổi.

Một vài hoạt động ngoại khóa mình tham gia 4 năm đại học

Người ta thường nói “Ba mươi chưa phải là Tết” thì học kỳ 1 năm nhất đại học cũng chưa phải điểm kết thúc. Một số hoạt động Ngoại khóa mình tham gia suốt 4 năm đại học không hề ít.

Ngay sau khi, trượt tất cả các câu lạc bộ ở trường, mình và một bạn mình quen hồi thi trượt, lập team tham gia một cuộc thi tên là Bản Lĩnh tân sinh viên. Dù không được giải gì, dù vượt qua được vòng thi trí tuệ tập thể khó nhằn, nhưng mình học được một số điều về teamwork, các trò  chơi đồng đội đòi hỏi cả vận động lẫn trí tuệ. Đó là lần đầu tiên mình thấy, teamwork không phải là tất cả thành viên đều phải giỏi, không phải tranh nhau ai là nhóm trưởng, mà là tin tưởng nhau, bù đắ những thiếu sót cho nhau. Và đó là hoạt động ngoại khóa đầu tiên mình tham gia.

Học kỳ 2 năm nhất, YMC tuyển thành viên đợt 2, mình trở thành thành viên của ban Kỹ thuật. Học kỳ đầu, tất cả các câu lạc bộ mình đăng ký đều là vào Ban Tổ chức. Lần này, nhờ một vài kiến thức sơ lược về Office Publisher mình đã thiết kế được cái đơn khá “nghệ thuật”, qua được vòng phỏng vấn và được nhận dù khi ấy mình chưa sẵn sàng để hiểu hết vào Ban Kỹ thuật là làm gì. Những điều mình nhận lại được từ YMC thì nhiều lắm. Mình đã học chụp ảnh, thiết kế, Photoshop, làm báo, làm phim, những kiến thức về truyền thông từ xuất phát điểm không biết một cái gì. From Zero to Hero.

Câu lạc bộ không chọn người giỏi mà chọn người phù hợp. Đó là điều mình học được và mình trân trọng ở YMC. Có lần, nói chuyện với cậu một cậu bạn cùng câu lạc bộ, bạn ấy bảo, học kỳ 1, bạn ấy cũng thi trượt các câu lạc bộ. Đến một hôm, khi cậu ấy post một bức tranh do cậu ấy vẽ lên facebook, và chị trưởng ban truyền thông của một câu lạc bộ cậu ấy từng thi trượt ngỏ lời mời cậu ấy làm thành viên. Và cậu ấy từ chối. Đó cũng là lý do mà cậu ấy trân trọng YMC, nơi đã để cậu ấy được học hỏi từ số 0, khi cậu ấy chưa có gì cả thay vì nhận câu ấy vào khi thấy cậu ấy có kỹ năng tốt, đóng góp ngay cho hoạt động của CLB.

3
Tiếp sức mùa thi cùng YMC

Học kỳ 2 năm nhất mình cũng bắt đầu học võ Vovinam ở Học viện ngoại giao và tham gia câu lạc bộ sinh viên của Hội Chữ thập đỏ và đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Truyền thông.

1

Đến khoảng năm 3, năm 4 đại học mình tham gia bắt đầu tham gia các cuộc thi và các Tổ chức ở ngoại trường đại học. Rồi thì tham gia nhiều, cũng quen, mình cũng bớt tự ti. Cũng với cái tính “khá hiếu thắng” và niềm vui đến  từ những thành tích và sự công nhận, khi ấy mình thấy mình khá nhiệt huyết và có đóng góp cho xã hội. Một vài thành tích và hoạt động theo năm để thấy sự tiến bộ từng bước mình đã cố gắng:

  • Năm 2012: Giải khuyến khích cuộc thi “Hành trang kinh tế xanh” do Tổng cục môi trường Việt Nam tổ chức.
  • Năm 2013:
    • Bằng khen TW Hội chữ thập đỏ Việt Nam về đống góp cho hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu.
    • Giải nhất cuộc thi “Green Empowering – dự án môi trường xanh” do Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM) và Live&Learn Vietnam tổ chức. Với phần tài trợ sau cuộc thi này mình trực tiếp thành lập và điều hành dự án “Cẩm nang ngôi nhà xanh cho gia đình thành thị” nhằm cung cấp những kiến thức tiết kiệm năng lượng, tạo không gian xanh cho các gia đình. Từ cuộc thi này, mình cũng được trao cơ hội thực tập tại GreenID Việt Nam, một NGO về năng lượng bền vững.
  • Năm 2014:
    • Giải xuất sắc cuộc thi “Chuyển động 50/50 – phát triển kinh doanh xã hội nâng cao quyền phụ nữ” tổ chức bởi Hội đồng Anh và CSIP.
    • Giải nhất cuộc thi “Mùa hè nước – phát triển dự án bảo vệ nguồn nước” do nhãn hàng Comfort, Unilever Việt Nam và Cục quản lý nước sạch, bộ Tài nguyên môi trường tổ chức. Đây có lẽ là thành tích lớn nhất mình đạt được trong các hoạt động ngoại khóa mình tham gia. Nhờ giải thưởng này, mình nhận được phần tài trợ 60 triệu từ Unilever và Thực hiện và điều hành dự án “Hoa trên đảo” xây dựng hệ thống thu nước mưa phục vụ học sinh và giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, đảo Cát Bà, Hải Phòng. Bạn có thể xem một số thông tin giới thiệu về cuộc thi và dự án “Hoa trên đảo” trên VTV3 và báo chí (Báo tuổi trẻ, AFamily, Cục quản lý tài nguyên nước, Zing News, Kênh 14, VNExpress)
    • Giải ba cuộc thi “Thanh viên với sáng kiến phát triển bền vững” do Tổng cục môi trường tổ chức. Đây vẫn là ý tưởng chòi nghỉ thu nước mưa tham gia cuộc thi trước mình mang đi thi lại thôi.
  • Năm 2015: Lúc này mình đã năm cuối đại học và bắt đầu nghĩ đến việc tìm việc hay xin học bổng đi du học rồi nên hoạt động cũng không nhiều nữa. Ngoài việc hoàn thành dự án “Hoa Trên đảo” ở Cát Bà , mình tham gia nhóm Vietnam Youth Leader do quỹ Hemispheres Foundation Singapore điều phối, thực hiện các dự án giáo dục và môi trường tại Việt Nam và điều hành tổ chức Hội Nghị thanh viên về môi trường tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Mình.
5
2
6
7

Nhìn chung, khi là sinh viên, có vô vàn những hoạt động có thể tham gia, học hỏi và khẳng định bản thân. Mình còn rất ngưỡng mộ các bạn được chọn tham gia các hội thảo, hội nghị, chương trình ở nước ngoài. Mình cũng apply nhưng chẳng bao giờ đỗ cả, một phần thì do không phù hợp với tiêu chí của chương trình và chắc cũng bởi Tiếng Anh mình khi ấy kém.

Hoạt động ngoại khóa và học bổng Thạc sĩ

Đọc đến đoạn thì bạn nên quên hết những gì mình vừa viết ở trên kia đi, vì nó không có ý nghĩa gì cả. Mình không biết hoạt động ngoại khóa có quan trọng khi nộp hồ sơ học bổng bậc đại học không. Nhưng nếu ai hỏi hoạt động Ngoại khóa và các thành tích trên có quan trọng trong quá trình xin học bổng Thạc sĩ không thì mình xin trả lời là KHÔNG. Rất buồn là mình có rất nhiều giấy chứng nhận, giấy khen nhưng khi nộp học bổng Chevening mình không có cơ hội được show cái nào ra cả. Đến lúc đi xin việc, xin học bổng, chẳng ai nhìn đến phần hoạt động ngoại khóa của mình.

Thực sự , 4 năm đại học, mình đã dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa. Và đó chính là một trong những sai lầm khi mình đã không cân bằng được giữa hoạt động ngoại khóa và việc học. Khi apply học bổng, đôi khi, hồ sơ của mình bị loại ngay từ phần đầu tiên “Học vấn”, ngành học, bảng điểm, tức là Ngành học không phù hợp hay GPA không đạt điểm tối thiểu.

Mình cũng giúp một số bạn đọc bài luận xin học bổng. Mình thấy đây cũng là sai lầm của khá nhiều bạn khi quá coi trọng hoạt động ngoại khóa. Ví dụ, như mình mình xin học bổng học ngành Quản trị Hàng không, trong khi như bạn thấy hoạt động ngoại khóa của mình chủ yếu là hoạt động về môi trường. Hai phần này chẳng liên quan gì đến nhau cả, nên hoạt động ngoại khóa của mình không hỗ trợ cho hồ sơ xin học bổng của mình.

Người ta không cho bạn cả tỷ VNĐ để học ngành A vì bạn đang bỏ công bỏ sức để đóng góp cho một lĩnh vực thuộc ngành B không liên quan đến A, chỉ vì bạn yêu đất nước của họ, vì bạn đã cố gắng từ nhỏ trong khi cuộc sống này ai mà chẳng cố gắng ganh đua. Nếu như mình xin học ngành môi trường hay chính sách, và mình đã có những dự án áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, mình nghĩ đó sẽ là một câu chuyện khác.

Lúc mình đi xin việc, cũng không ai quan tâm đến phần hoạt động ngoại khóa cả. Quan trọng là bạn chứng minh được mình làm được việc, qua được các bài test, và qua được những câu hỏi của vòng phỏng vấn. Bởi vậy, nếu bạn nào nghĩ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để làm đẹp CV thì hãy nghĩ lại nhé.

Những hoạt động ngoại khóa ấy cho mình những gì

Xin học bổng không ai hỏi, lúc xin việc cũng chẳng ai đòi. Mình bỏ ra bao thời gian, công sức vào hoạt động ngoại khóa, mình đã nhận lại được gì?

Những người bạn

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, và cũng là điều mình biết ơn nhiều nhất từ nhưng hoạt động ngoại khóa là mình có những người bạn tốt thực sự. Cho đến tận bây giờ, chúng mình vẫn thường cà phê tâm sự, hay khi mình có áp lực hay vấn đề gì trong cuộc sống, người đầu tiên, luôn dành cho mình sự quan tâm, hỏi han là những người bạn mình quen từ YMC. Chúng mình có nhóm Film-mate, Soul-mate, Art-mate, cùng nhau chia sẻ những sở thích.

Mình cũng quen một cô bạn học khác khoa, khác câu lạc bộ, chỉ vì sự tình cờ giới thiệu để lập nhóm đi thi mà chúng mình cũng trở thành bạn thân. Rồi từ nhóm Vietnam Youth Leader mình quen cô bạn thân cùng mình làm bánh, cùng mình apply học bổng.

Các bạn ấy ở cạnh mình từ khi mình còn là một đứa với cả mớ tự ti, chẳng có tiền, chẳng có gì giỏi giang, và là người an ủi mình lúc buồn, bảo vệ mình lúc mình chịu ấm ức, và chúc mừng mình khi mình đạt được những thành tựu dù to hay nhỏ. Trong cuộc sống, không phải một lần, mình thấy bản thân bị người khác coi thường khi mình không đủ xinh, không đủ giỏi, không đủ giàu trong mắt họ. Nhưng khi mình thay đổi kiểu chăm chút ngoại hình hơn hay khi mình có cái gì đó, mình thấy họ lật mặt như bánh tráng. Còn bạn bè thực sự thì không như vậy. Vậy nên, với mình có được và duy trì tình bạn ấy đến tận bây giờ là điều cực kỳ may mắn. Những người bạn thì luôn đi cùng với những kỷ niệm vui ơi là vui.

Kỹ năng

Câu lạc bộ là nơi mình có quyền được sai và chẳng ai trừ lương, đánh giá thấp bạn vì những sai lầm ấy. YMC là nơi mình học thiết kế, chụp ảnh, quay phim, dựng video, và những kiến thức căn bản về truyền thông. Đó là nền tảng để mình tham gia các hoạt động khác. Ví dụ như là lúc nộp hồ sơ tham gia cuộc thi “Mùa hè nước” thay vì trình bày ý tưởng trên tờ giấy A4 như công văn, mình đã thiết kế thành một cuốn tạp san nhỏ, với hình minh họa, bản vẽ thiết kế công trình do bạn cùng team học kiến trúc vẽ.

Cái hay của việc học thiết kế không chỉ nằm ở việc bạn biết sử dụng công cụ, phần mềm mà nằm ở việc bạn hiểu về cái đẹp, sắp xếp bố cục hình ảnh sao cho hợp lý. Hay giờ đây chụp ảnh là trở thành sở thích của mình. Những kỹ năng này không chỉ giúp ích mình trong công việc mà còn mang lại cho mình nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Nhiều bạn trong câu lạc bộ của mình giờ cũng trở thành người thiết kế chuyên nghiệp, có người làm Vblog. Những hoạt động ngoại khóa là một phần quan trọng trong sự nghiệp của các bạn ấy.

Những ngày tự viết đề án, đi thi, làm việc với nhà tài trợ và tự tay thực hiện dự án cho mình một bài học thiết thực về quản trị dự án hay đơn giản chỉ là sức bền, khả năng chịu được áp lực và chịu khổ. Đi tình nguyện là những ngày dạy sớm dù trời rét căm, là những ngày dầm mưa dãi nắng ngoài đường, chạy việc, bê đồ, xách nặng, nhịn cơm, thức đêm… Muôn hình vạn trạng cho sự chịu đựng. Có lẽ điều đó cho mình niềm tự hào rằng mình là đứa được việc, chịu được khổ chứ không phải bánh bèo vô dụng.

Những mối quan hệ

Ngoài bạn bè ra thì những hoạt động ngoại khóa cũng mang đến những mối quan hệ giúp ích cho công việc khác. Ví dụ, có một lần, trên Facebook, một chị bạn cần một tình nguyện viên để giúp chị ấy điều phối một buổi dã ngoại. Chẳng hiểu sao mình nhận lời, cuối tuần đó đi cùng mọi người dù chị bạn ấy là người duy nhất mình quen trong đoàn. Nhưng đến nơi, ôi trời ơi, buổi dã ngoại đó có các anh chị được học bổng Fullbright. Chương trình cũng có một buổi tập huấn kỹ năng dành cho các bạn trong một dự án hướng nghiệp do Đại sứ quán Mỹ tài trợ. Đến cuối chương trình, một anh trong Đoàn nói chuyện với mình và hỏi mình có quan tâm đến cac chương trình học bổng do Đại sứ quán Mỹ tài trợ không. Hãy tưởng tượng, mình khi ấy một đứa sinh viên non choẹt và được nói chuyện với con người “tỏa ánh hào quang” ấy.  

Mình có quen 1 chị rất giỏi (ôi đó đúng là con gái nhà người ta trong truyền thuyết) khi tham gia một dự án, đến khi mình sang Anh, chị ấy cũng giúp đỡ mình rất nhiều.

Những hoạt động ngoại khóa giúp mình quen được với rất nhiều người giỏi, mở rộng mối quan hệ ngoài trường lớp, được tiếp cận với những nguồn thông tin hữu ích. Những điều mình học được còn hay ho hơn cả đọc sách “7 thói quen của người thành đạt”. Bởi vì những người thành đạt chính là đây, đứng trước mặt mình, những con người mình rất ngưỡng mộ.

Cơ hội

Kỹ năng và những mối quan hệ luôn đi cùng với những cơ hội. Cơ hội thường đến bất ngờ những không bao giờ từ trên trời rơi xuống, và bạn chỉ có thể nắm bắt được cơ hội đó khi có kỹ năng. Năm hai đại học, mình được cô giáo (người mình quen không từ bất cứ môn học nào ở FTU cả) giới thiệu cho một công việc dịch thuật ở công ty chứng khoán. Công việc của mình rất nhẹ nhàng là dịch báo từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Mình tự chọn bài trên web của công ty, gửi bao nhiêu bài cũng được, nhưng mình thường cố gắng gửi 4-5 bài/ tuần vì thấy khoản được nhận 2 triệu/ tháng cũng rất nhẹ nhàng khi mình dịch 1 tối là xong.

Rồi khi tham gia cuộc thi về môi trường, mình cũng có cơ hội được thực tập tại một NGO vị trí research Intern, cũng có tiền trợ cấp để mình mua máy ảnh cơ. Ngày xưa mình thích làm ở NGO lắm bởi môi trường rất thoải mái, còn được tham gia trực tiếp vào các hoạt động giúp ích cho cộng đồng.

Và cơ hội này dẫn đến những cơ hội khác.

Niềm tự hào giữ cho riêng mình

Sau 4 năm góp nhặt cho mình những thành tích cũng đáng tự hào, mình không còn là con bé tự ti như hồi năm nhất nữa. Mình đã trưởng thành hơn. Niềm tự hào của mình thực ra không phải vì những tấm giấy khen đâu, mà từ những hoạt động đóng góp cho cộng đồng, khi chứng tỏ với thế rằng ý tưởng của mình không chỉ ở trên giấy mà nó đã được thực hiện hóa, hiện hữu ở đây và khi thấy nụ cười của những người mình đã giúp đỡ.

Nhận thức

Có một sự thật rằng càng đi nhiều, càng biết nhiều, càng gặp nhiều người giỏi mình lại càng thấy bản thân mình thật nhỏ bé và thế giới kia quá rộng lớn, có quá nhiều điều có thể học hỏi. Mình giống như một con ếch được ra khỏi giếng hay một con cá được nhảy khỏi ao ra sông lớn vậy.

Lại nói về dự án Hoa Trên Đảo, thỉnh thoảng mình vẫn quay lại Cát Bà và ghé thăm công trình của tụi mình. Lần đầu tiên được tài trợ một chuyến đi vào Sài Gòn, nhận phần thưởng với ánh đèn sân khấu lấp lánh, được báo chí phỏng vấn, được lên cả VTV3, VTV6 cũng vui. Nhưng điều lớn lao nhất mình nhận được từ dự án này là, nó giúp mình nhận ra mình là một đứa thật kém cỏi và đầy những khuyết điểm, hay nóng nảy, mất bình tĩnh và hiếu thắng. Sau những chuyến tàu sớm mùa đông một mình ra đảo, những lần cãi nhau với tên bạn cùng nhóm ức đến chảy nước mắt, những lần gắt lên với nhà tài trợ, những lần nói chuyện với đội thợ xây dựng, mình chỉ là một đứa với những ước mơ trên trời, thiếu kiên nhẫn và không có kinh nghiệm thực tiễn. Mình lo nghĩ quá nhiều, lo những chuyện viển vông và chuyện đáng ra chẳng có gì nhưng mình luôn tự làm mọi thứ rối tung lên.

8
Công trình của bọn mình

Và khi mình gặp nhiều người, họ kể cho mình nghe thế giới ngoài kia bao la và đẹp đẽ thế nào. Mình tự tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới ấy tốt đẹp, lấp lánh với những điều mà mình tin tưởng và luôn đấu tranh vì những điều mình luôn tin tưởng ấy. Thế giới có những người bạn chân thành và những người mình ngưỡng mộ.

Và đó là một phần để tạo nên con người mình ngày hôm nay

Những hoạt động ngoại khóa lấy đi của mình rất nhiều thời gian, và không trực tiếp tạo ra cho mình nguồn thu nhập nào cả, nên mẹ mình hay bảo mình “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tiền thưởng sau khi được giải cuộc thi ý tưởng chúng mình đề dành để triển khai dự án. Sau khi được giải cuộc thi của Unilever, nhóm mình cũng được 1 năm dùng nước xả Comfort miễn phí, hay có lần nhóm mình cũng được 1 thùng PEPSI chẳng hạn.

Ngồi nghĩ đi nghĩ lại, nếu được quay lại hồi sinh viên, mình nên bỏ hoạt động nào, tham gia thêm hoạt động nào? Mình không biết.

Một cách khôn lỏi và tham lam, nếu như cho mình trở về năm nhất đại học mình sẽ không bỏ hết hoạt động ngoại khóa đi để cày một bảng điểm xuất sắc đâu. Thay vào đó, mình sẽ tham gia một cách chọn lọc. Ví dụ giữ lại YMC, và dự án “Hoa trên đảo chẳng hạn”. Nhưng cuộc đời lại trớ trêu ở chỗ, không có việc này thì sẽ chẳng có việc kia. Không trải qua thất bại thì mình đã chẳng học được những bài học xương máu. Không tham gia hoạt động này thì mình đã chẳng có kỹ năng, mỗi quan hệ, thông tin để dành được những thành tích sau này.

Hồi đại học, mình đã nghĩ một cách chắc chắn mình sẽ làm việc về phát triển bền vững, lĩnh vực liên quan đến môi trường, nhưng ngay thời điểm đi tìm việc mình đã nghĩ lại. Mình xin nghỉ việc ở NGO vì mình nhận ra mình không hề phù hợp, và đó không phải công việc mình thực sự mong muốn. Phải thử, phải làm mình mới có thể biết mình có thực sự thích, có thực sự phù hợp hay không, để đưa ra một lựa chọn mà sau này không bao giờ phải hối tiếc, không bao giờ đứng núi này trông núi nọ.

Những kỹ năng, trải nghiệm trở thành một phần gắn liền với con người mình. Chúng góp phần tạo nên tính cách, đồng hành với mình trong suốt quãng đường trưởng thành, và mình trở thành mình của ngày hôm nay.

Một vài lời dành cho sinh viên

Cuộc sống sinh viên cho bạn rất nhiều cơ hội, và nó thực sự là bước đệm vững chắc cho tương lai. Mình thích tham gia hoạt động ngoại khóa. Dù đôi khi cũng có tiếc vì đã hơi lười học, nhưng những hoạt động ấy để lại cho mình rất nhiều ký ức tốt đẹp, rằng mình đã sống nhiệt huyết và hết mình vì những điều chẳng hề hào nhoáng, chẳng hề đem lại tiền tài nhưng thật ý nghĩa. Mình tin là nhờ có mình mà thế giới tốt hơn một ít.

Đừng tham gia hoạt động ngoại khóa vì tờ Giấy chứng nhận, vì nó không có nhiều cơ hội để show ra đâu.

Đừng tham gia nhiều quá mà bỏ bê chuyện học hành.

Đừng tham gia chỉ vì một áp lực vô hình, rằng bạn phải bằng đứa bạn, đứa hàng xóm.

Đừng tham gia đến “cạn máu” thức đêm.

Và bạn không tham gia hoạt động nào cũng chẳng sao cả. Đó chỉ là sự lựa chọn. Bạn bè mình nhiều người không biết đến hoạt động ngoại khóa nào hồi đại học nhưng cũng giỏi giang thành đạt lắm.

Sẽ tuyệt vời nếu như hoạt động tham gia có ích cho công việc sau này, hoặc có thể áp dụng những lý thuyết đã học trên lớp vào thực tiễn nhưng nếu không thì cũng chẳng sao, miễn là mình vui. Quan trọng là, cố gắng học hỏi, đón nhận những điều mới mẻ với một tinh thần cầu tiến và một trái tim rộng mở, với mục đích thánh thiện. Chúng ta chỉ sống một lần, hãy sống trọn vẹn và hết mình cho hiện tại, vì ai biết trước được tương lai.

Mình sẽ trở lại với phần 2, phần mình nghĩ quan trọng nhất trong suốt thời gian làm sinh viên – Chuyện học hành.

Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog

[jetpack_subscription_form subscribe_placeholder=”Email Address” show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”has-vivid-red-border-color has-background has-vivid-red-background-color” email_field_classes=”has-vivid-red-border-color” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

·  💎Bạn có thể ụng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation

·  📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing

·  🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/

·  📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/

·  📻 Podcast: https://open.spotify.com/show/2LTpgl3ml6rfG9jXw47aY1

·  📽 Movie review: www.phuonganhviolet.com

·  🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog

·  💌Email: phuong.anh.violet@outlook.com

·  📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/