Nếu để nói với bản thân mình khi mới vào đại học 10 năm trước một điều, mình sẽ nói “Hãy chăm chút cho cái bảng điểm của mình”. Bài viết trước mình viết về hoạt động ngoại khóa, nếu như có những tấm giấy chứng nhận hoạt động ngoại khóa mình chẳng bao giờ nhìn lại, thì bảng điểm và bằng tốt nghiệp là tấm giấy mình phải dùng đi dùng lại rất nhiều lần. 

Bài viết này sẽ chia sẻ những suy nghĩ của mình sau 10 năm kể từ ngày học đại học. Mình là một đứa bình thường, với hoàn cảnh bình thường. Khi ra trường phải tự đi xin việc chứ không có cô dì chú bác nào xin vào chỗ nọ chỗ kia. Khi đi du học phải apply học bổng vì bản thân và gia đình không đủ tài chính. Ngoài ra, mình cũng chẳng có năng khiếu gì đặc biệt như ca hát, nhảy múa, đóng phim hay là đủ xinh đẹp để vào showbiz. Hơn 5 năm sau ngày tốt nghiệp đại học, trải qua những ngày chật vật, mình cũng ngẫm ra một vài điều. 

Những điều mình ước mình biết khi học đại học – Phần 1: Hoạt động ngoại khóa.

Tại sao người ta vẫn nói với bạn không cần học nhiều?

Vì sự thật là nhiều bác không có bằng cấp nhưng đi làm giàu nứt đố đổ vách.

Vì người ta bảo Bill Gates bỏ học đại học nhưng chẳng ai nói ông bà Gates là ai và họ đầu tư gì cho con trai họ từ nhỏ. 

Vì người ta hay đánh đồng việc ngồi trong trường lớp, sỡ hữu bằng cấp với việc học.

Vì người nói cũng chả học nhiều. 

Và tại sao nhiều người dễ tin những lời khuyên kiểu trên?

Vì đơn giản, học là một việc mất công mất sức, giữa bỏ công, bỏ sức và bỏ cuộc thì bỏ cuộc dễ dàng hơn rất nhiều.

Bằng đại học và bảng điểm đẹp có lợi gì?

Đừng nói học đại học là một trò vui, trừ khi bạn là Elon Mush. 

Thành tích học tập là yêu cầu có trong tiêu chí của hầu hết các học bổng

Người ta nói, bằng cấp chỉ để lót chuột hay điểm chỉ là những con số nhưng với một số người, 2 tờ giấy đó rất quan trọng, vì đôi khi đó là điều duy nhất người ta có thể nhìn để đánh giá khả năng của bạn. Khi tìm học bổng các trường, mình tin là bạn sẽ đọc được câu này rất nhiều. “Candidates must show evidence of academic excellence”. Khi mới ra trường, người ta đâu có gì để chứng minh “academic excellence” ngoài những điểm A trong bảng điểm.

Thậm chí, khi xem điều kiện apply làm Tiến sĩ, một số trường vẫn yêu cầu cả điểm đại học và điểm Thạc sĩ phải xuất sắc. Vậy nên, đôi khi rất khó để có thể bù đắp được những con số trong bảng điểm đại học. 

Các doanh nghiệp cũng ngắm học sinh giỏi

Hồi học đại học, có nhiều học bổng của các công ty, tập đoàn lớn họ cũng chỉ nhìn bảng điểm của bạn. Nhiều công ty tuyển thẳng sinh viên từ ghế nhà trường cũng nhắm chọn sinh viên top đầu.  Vì họ cũng chẳng biết nhìn vào đâu để giá.

Có một lần lên LinkedIn, mình thấy một bạn chia sẻ hồ sơ trên LinkedIn. Sinh viên bách khoa, điểm cao tận 3.8/4, kỳ nào cũng được học bổng, ngành liên quan đến khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, còn có kinh nghiệm đi thực tập trong lab ngay hồi đại học. Các bạn HR mời gọi dồn dập. 

Người ta cũng hay nói, Việt Nam trọng bằng cấp, điểm số nhưng thực ra không chỉ mỗi Việt Nam đâu. Bạn mình học ở Mỹ, và hồi mình ở UK, một số tập đoàn lớn ưu tiên tuyển sinh viên từ các trường Top. Thậm chí còn có một số job fair mà chỉ sinh viên của một số trường mới được tham dự. Và để vào được trường top, thì điểm học những năm trước của bạn cũng phải cao. Học là một cuộc chạy Marathon dài từ bé đến lúc sắp già và khó quay đầu. 

Điểm số không phải là tất cả nhưng nó là phần quan trọng. Nghĩa là ngay cả việc bạn có một bảng điểm rất đẹp, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được những vị trí mình mong muốn. Nhưng trong nhiều trường hợp, nếu bạn không có bảng điểm đẹp, những điều khác là vô nghĩa. Kinh nghiệm trượt học bổng trường một vài lần của mình cho hay. 

Tóm lại, một bảng điểm đại học thật đẹp sẽ có lợi cho bạn khi: tìm việc làm, tìm cơ hội học cao, cuối các học kỳ hoặc thỉnh thoảng lại có một chương trinh học bổng khuyến học lại có thêm tiền tiêu. 

Những sai lầm trong việc học đại học của mình

Mình không phải một sinh viên chăm chỉ. Và mình có những sai lầm gồm:

  • Không đọc trước bài khi lên lớp
  • Không hiểu bài trên lớp cũng mặc kệ
  • Không đọc lại bài sau khi về nhà
  • Ôn thi trước ngày thi 1 buổi tối
  • Mua sách nhưng không đọc, in slide nhưng chỉ đọc trước khi thi
  • Lập rất nhiều kế hoạch học tập nhưng không làm.
  • Phó mắc cho sự may mắn mà mấy đứa bạn thổi nhau “Chẳng cần học, hên xui cũng điểm cao” – Đây là câu nói dối gian nhất từng nghe luôn. 
  • Và quan trọng mình chẳng biết học mấy môn đó làm gì. 

Mình có thể nhịn ăn nhịn uống thức trắng đêm viết đề án đi thi nhưng chưa bao giờ học chăm thế. 

Ngoài ra, mình không hề có sự chuẩn bị sẵn sàng nên ngay thời điểm tốt nghiệp, khi mà thất nghiệp ở nhà đén 6 tháng mình rất căng thẳng. Chuẩn bị ở đây khác với những mộng mơ và lên kế hoạch trên giấy. Khi còn đi học, mình chỉ nghĩ trong đầu là muốn đi học cao học sau khi tốt nghiệp nhưng mình không hề có trong đầu là học ở đâu, hay chuẩn bị hồ sơ để apply. Trong khi đó bạn bè mình đã thi IELTS từ năm nhất năm 2, năm 3 đã ôn GMAT. Cùng với hỗ trợ tài chính của gia đình hoặc apply các chương trình học bổng không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, chưa nhận bằng tốt nghiệp các bạn ấy đã có thể lên đường. 

Với mục tiêu tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn đã tích lũy kinh nghiệm làm việc từ năm 3, đi thực tập, viết CV và tìm hiểu yêu cầu của nhà tuyển dụng, hay ứng tuyển vào các chương trình Quản trị viên tập sự của các tập đoàn lớn. 

Dù mình cũng có thể đổ lỗi cho việc giáo viên dạy học buồn ngủ, nhà trường thiếu cơ sở vật chất, chương trình học không hay, học không đúng ngành mình thích nhưng nó cũng chẳng là một lý do chính đáng. Nhà tuyển dụng hay người đọc hồ sơ sẽ không quan tâm đến điều đó đâu. 

post24.1

Nếu được quay lại học đại học mình sẽ…?

Học chăm chỉ từ năm nhất

Thường thì sinh viên năm nhất có tâm lý xả hơi, vì câp 3, ôn thi đại học quá vất vả. Đã thế những môn năm nhất là môn đại cương, mà thầy cô lại chả nói học mấy môn đó để làm gì nên chán học là điều dễ hiểu.

Học tốt các môn năm nhất là điều cần thiết. 

Thứ nhất, chăm chỉ từ học kỳ đầu tạo đà cho những kỳ tiếp theo. Học là một cuộc chạy Marathon. Hồi đi học mình thường nói “kỳ sau sẽ học chăm hơn” nhưng theo kinh nghiệm của mình thi kỳ sau vẫn lười vì quen thói lười, cộng thêm cuộc vui thì càng ngày càng nhiều. Rồi đến một ngày mình nhận ra chẳng còn học kỳ sau để cố gắng. 

Thứ 2, những môn đại cương tạo tiền đề cho những môn chuyên ngành. Ví dụ, học toán cap cấp 1, 2 để học tiếp Kinh tế lượng. Mình học tốt Tiếng Anh căn bản để học những môn Tiếng Anh nâng cao. Còn Triết học thực sự rất hay. Đừng chỉ vì 1 thầy cô nào khiến bạn buồn ngủ trong lớp hay cuốn giáo trình không thu hút được sự tò mò của bạn mà đánh giá sai lầm về cả một ngành khoa học. 

Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây 

Tại sao chúng ta cần triết học

Đầu tư cho việc học ngoại ngữ

Tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nào cũng được, nhưng cần thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Có lẽ không cần bàn luận thêm tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập này nữa rồi. Để đi du học chắc chắn bạn phải biết ngoại ngữ. Thành thạo ngoại ngữ (Tiếng Anh) là tiêu chuẩn tuyển dụng của rất nhiều công việc tốt. Hay thậm chí chỉ ngồi ở nhà, biết ngoại ngữ giúp bạn đọc được nhiều sách hay, sách mới xuất bản mà không cần đợi dịch, và xem phim tập trung hơn mà không cần đọc subtittle. Nhiều chương trình trao đổi ngắn hạn, hội thảo tại nước ngoài dành cho sinh viên cũng yêu cầu sinh viên phải thành thạo ngoại ngữ, phổ biến nhất là Tiếng Anh. Cùng với đó, nên thi các cuộc thi chuẩn hóa từ năm nhất, năm 2. Ví dụ, chứng chỉ IELTS có thể giúp bạn có được một công việc làm thêm (đi dạy tiếng Anh, hoặc biên dịch).

Nâng cao kỹ năng tin học

Tin học là một môn đại cương. Học kỹ môn này, cụ thể là Words, Power Point, Excel giúp bạn hàng tỷ thứ trong đời. Bạn sẽ không phải xếp hàng chờ đợi chị ở hàng Photocopy sửa Format bài luận, đặc biệt là mùa luận văn thì đông ngùn ngụt vì bạn có thể sửa ở nhà. Bạn sẽ tự tin để viết một cái đơn dùng trong mọi trường hợp, ví dụ ra phường  xin xác nhận cư trú chẳng hạn. Kỹ năng làm thuyết trình (với Power Point) không chỉ có tác dụng trong mấy bài thuyết trình trên lớp, mà khi đi làm còn giúp sếp bạn đỡ cáu khi nhìn Slide xấu. Tin mình đi, slide đẹp thì khi báo cáo, sếp sẽ dễ tính hơn. Nhiều công việc còn đòi hỏi bạn thành thạo và biết sử dụng một số công cụ khác. 

Đọc sách giáo trình và đọc một cách thông minh

Vấn đề của mình là mình in giáo trình và slide bài giảng rất đầy đủ, nhưng mình khá lưới đọc. Đọc sách giáo trình có thể vớt vát lại kiến thức trên lớp nếu bạn lỡ ngủ gật hay giáo viên giảng không đủ hấp dẫn. 

Lên thư viện nhiều hơn

Ít nhất thì đó là nơi học tập yên tĩnh và miễn phí. Mãi đến năm 3 đại học, mình mới khám phá ra một phòng đọc mở ở trường. Trong đó, còn có cả truyện và rất nhiều sách Tiếng Anh để đọc. Với việc lười đọc giáo trình như mình thì mình có thể vào đó một vài chiều để đọc sách giáo trình bản gốc thay vì in cả quyển dày cộp ra, hết môn còn mới nguyên.  

Ngoài thư viện trường còn có rất nhiều thư viện mở mà người học có thể đăng ký đến tự học ngoại ngữ với nguồn tài liệu phong phú như Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản, Viện Goethe 56-58 Nguyễn Thái Học, Trung tâm giao lưu văn hoá Hàn Quốc – 47 Nguyễn Du, Thư viện Hoa Kỳ – Toà nhà Vườn hồng (Rose Garden), 170 Ngọc Khánh. Thư viện quốc gia – Tràng Thi cũng vô cùng thoáng rộng, nhiều tài liệu tham khảo.

Chuẩn bị sẵn sàng từ sớm

Vấn đề là sự học vô biên mà đời người hữu hạn. Vậy nên, chúng ta luôn cần 1 cái đích để phấn đấu. 

 Rất nhiều bạn hỏi mình về kinh nghiệm xin học bổng đi du học. Mình nghĩ sẽ rất hữu ích nếu ngay từ khi còn đi học, bạn thử tìm hiểu tiêu chí của các học bổng bạn muốn. Hỏi người đi trước hoặc tìm trên mạng cũng được. Đọc xem họ cần tiêu chí gì để bắt đầu xây dựng hồ sơ. Ví dụ bạn muốn đi Mỹ, hoặc một số nước Châu Âu, yêu cầu có GMAT/GRE thì phải dành thời gian ôn từ sớm. Một số học bổng yêu cầu phải có kết quả First-class honor (Tương đương khoảng 3.6/4 GPA Việt Nam) thì buộc lòng mình phải học hành tử tế từ năm nhất. Bên cạnh đó, bạn cần quan hệ tốt với thầy cô để sẵn sàng ít nhất 2 thư giới thiệu

Chuẩn bị sớm không bao giờ thừa. Dưới dây là danh sách một số học bổng mở đơn hàng năm, bạn có thể tham khảo ngay từ bây giờ để chuẩn bị apply khi đủ điều kiện.

Danh sách các học bổng chúng phủ:

Một số học bổng trường.

Nếu bạn mong muốn có được công việc tại các công ty lớn cũng thử xem một thông báo đăng tuyển công việc (trên LinkedIn rất nhiều) xem họ yêu cầu kiến thức và kỹ năng gì để định hướng việc học của mình. Hoặc thử kết nối với 1 người đang làm vị trí bạn mong muốn trên LinkedIn để hỏi họ kinh nghiệm. Dưới đây là bài trình bày về những kỹ năng sinh viên thế kỷ 21 nên chuẩn bị.

21st Century Skills: How can you prepare students for the new Global Economy?

Còn nếu bạn không muốn kiếp đi làm thuê (như mình) thì mình không có kinh nghiệm gì cả. Có rất nhiều bạn nói với mình rằng muốn trở thành doanh nhân. Tuy vậy, ước mơ của nhiều bạn chỉ dừng lại ở câu nói đó thôi khi bạn ấy không thể trả lời được “Sẽ kinh doanh cái gì?”. Đến đây, bài học về 4P trong môn Marketing cần phải ôn lại.

post26.1
Tự học thêm những kỹ năng mà trường lớp không dạy

Có thể một ngày bạn thấy chán việc học ở trường, bạn nhận ra mình không thích ngành mình học, và bạn bước vào khủng hoảng tuổi 20. Đó là cảm giác mà mình và nhiều bạn bè mình gặp phải trong suốt quãng đường sinh viên bởi chúng ta không được định hướng nghề nghiệp và vì thế giới này quá rộng lớn. Điều duy nhất chúng ta có thể làm để tìm ra được đam mê đích thực của mình là thử và tự tìm tòi.

Có rất nhiều các nền tảng học trực tuyến miễn phí hay còn gọi là MOOC (Massive open online course) cung cấp bởi các trường đại học uy tín. Bạn có thể tìm thấy trên đó rất nhiều kiến thức thuộc mọi lĩnh vực (Business, Computer Science, Social Science, Working Skills…). Một số nền tảng phổ biến là: Classcentral, Coursera, EdX, MITs, Yale University, Standford University, Khan Academy (kiến thức cơ bản về toán, kinh tế và Life skills, có những khóa học phù hợp với các bạn cấp 2, cấp 3).

Mình thường học trên Coursera. Ở đây, bạn có thể xem nội dung bài giảng miễn phí, và phải trả phí để làm bài thi và nhận chứng chỉ. Tuy nhiên, bạn có thể apply Financial Aid với cơ hội được approved rất cao để làm bài thi và nhận chứng chỉ.

Có một khóa học mình thấy rất hữu ích đó là Learning How to learn: Powerful mental tools to help you master tough subjects của Dr. Barbara Oakley và Dr. Terry Sejnowski. Đây là khóa học có số lượng người học nhiều nhất trên Coursera. Dựa trên các nghiên cứu về não bộ, tác giả đưa ra những phương pháp học tập hiệu quả. Khóa học này cũng có Vietsub. Hai cuốn sách tham khảo của khóa học là A Mind For Numbers: How to Excel at Math and Science  và Mindshift: Break Through Obstacles to Learning and Discover Your Hidden Potential.

Mình biết những trang này từ hội đại học, nhưng nó cũng chỉ nằm trong kế hoạch không được thực hiện. Giờ mới ngẫm, ước gì mình bắt đầu chủ động học sớm hơn.

post21.6

Lời kết

Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó. Thất bại hay thành công cuối cùng cũng đưa mình đến ngày hôm nay. Có những lúc mình từng thấy chán ghét những ngày đi học, hoang mang và lo lắng về tương lai. Nhưng giờ nghĩ lại đó là những ngày tháng đẹp nhất. Học đại học là khi bạn có thể thử và sai, và tạo tiền đề vững chắc cho tương lai của mình. 

Không phải ai học giỏi cũng nhiều tiền đâu, nhưng mình tin điều tốt đẹp sẽ đến với người không ngừng cố gắng. Mình có một vài điều ngẫm ra từ chuyện đi học, đi làm về những quyết định: 

  • Đừng nghe ai đó nói kiến thưc, lý thuyết không quan trọng, quan trọng là kỹ năng mềm, và những mối quan hệ. Kỹ năng mềm và mối quan hệ rất cần thiết nhưng một chiếc máy tính tốt cần phải tốt cả phần mềm lẫn phần cứng. Trong bất cứ môi trường nào, bạn không thể đi lên chỉ bằng những lời nói hoa mỹ được đâu.
  • Đừng phí hoài những gì mình đã học. Đó là câu chuyện của những quyết định. Mình vẫn luôn nghĩ rằng, đừng chọn an nhàn khi tuổi trẻ là khi bạn có thể dùng thời gian và sức lực để bù đắp cho sự thiết sót về kinh nghiệm và kiến thức. Có một cuốn sách rất hay “Bạn càng mạnh mẽ, thế giới càng yếu mềm”. Tác giả cho bạn biết tại sao bạn nên cố gắng “bon chen” ở những thành phố lớn, tại sao đôi khi lời khuyên của bậc tiền bối không nên nghe theo, cách đối mặt với định kiến, đâu là sự khác nhau giữa kiên trì và cố chấp. 
  • Những kiến thức học đại học đó có cần khi đi làm không? Câu trả lời của mình là có. Điều căn bản nhất là phải có bằng đại học và chứng chỉ Tiếng Anh mới mới xin được việc vào công ty lớn. Có những dự án, phải xây dựng mô hình mình tìm lại sách đọc hết hơi. Hay đơn giản là có những từ ngữ chuyên môn, làm việc với đối tác nước ngoài mà không biết thì khốn khổ. 
  • Làm gì khi nhận ra mình không thích ngành mình học, cách duy nhất là thử và sai. Tuy nhiên, đôi khi ngành bạn nghĩ là đam mê lúc này cũng chưa phải con đường bạn nên đi, cũng như chuyện của mình và ngành môi trường vậy.  Những dự định đôi khi chỉ gói gọn trong tầm hiểu biết của chúng ta nhưng thế giới này rộng lớn vô cùng. Biết đâu đấy, năm 25 tuổi, bạn sẽ tìm ra một niềm đam mê mà ở tuổi 20 bạn chưa hề biết.
  • Điểm số quan trọng thật, nhưng đừng chỉ học vì điểm, hãy học để hiểu và cố gắng ứng dụng những điều đã học.

Chọn ngành là một việc cực kỳ phức tạp. Nếu để bắt một đứa học sinh cấp 3 phải xác định mình theo ngành nào là một điều khó khăn. Bởi vậy, đôi khi giữa 4 năm đại học bạn sẽ thấy nản, thấy mất động lực và không biết mục tiêu. Mình thực sự ngưỡng mộ những bạn đã tìm được hướng đi của mình từ sớm, rồi dành toàn bộ sức lực cho mục tiêu đó. Nhưng đa phần chúng ta sẽ hoang mang trước những ngã rẽ cuộc đời. Tuổi trẻ mà, đó là cơ hội để thử và để sai.

post20

Theo dõi @_smallstepseveryday_ để đọc những mẩu ngắn về phát triển bản thân.