Sau các bài chia sẻ về kinh nghiệm apply, hôm nay mình sẽ nói kỹ hơn về chương trình PhD đã cho mình học bổng và mình sẽ bắt đầu học từ tháng 10/2022. Chương trình mình học mang tên Horizon CDT – Our life in Data.
Ngày 26/4/2022, 14h30 chiều phỏng vấn lần 2 và 19h15 nhận được kết quả. Mình thực sự bất ngờ và phải thú nhận rằng “cuối cùng vũ trụ dẫn mình đến nơi khó tưởng tượng nhất”.

Về Horizon

Horizon CDT- Our Life in Data là chương trình nghiên cứu tại Đại học Nottingham, School of Computer Science, được tài trợ bởi UKRI (UK Research and Innovation), quỹ nghiên cứu của trường Nottingham và các đối tác. Mình đã giới thiệu qua về UKRI tại bài Một số nguồn thông tin học bổng thạc sĩ, Tiến sĩ.

Đây là một innovative research program, tập trung vào các nghiên cứu inter-discipline để đưa ra các giải pháp thực tiễn. Mỗi sinh viên tham gia chương trình sẽ được ghép cặp với 1 industry partner. Với nguồn tài trợ từ UKRI và industry partner nên funding của chương trình cũng dồi dào hơn. Các thầy nhấn mạnh về mức enhanced stipend cao hơn các học bổng PhD tại UK khác. Chương trình đào tạo của Horizon gồm 3 phần: Taught courses, research program và 3 tháng internship tại các đối tác của chương trình.

Học phí cho international student thường cao hơn khoảng 10 ngàn bảng/ năm. Một số chương trình nghiên cứu ở UK phần lớn chỉ chi trả mức Home fee (học phí cho Home students). Một số chương trình trả full và trong đó có Horizon. Bởi mức chênh lệch này, nên hầu hết các học bổng ở UK để có một dấu sao nhỏ xinh với ghi chú là: * A very limited number of international studentships are available. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm apply học bổng từ lúc đi học Master của mình thì 1% vẫn lớn hơn 0% nên vẫn có cơ hội.

Horizon là một chương trình học bổng thường niên và đã hoạt động hơn 10 năm. Mỗi năm, Horizon cấp học bổng cho 10-15 thí sinh. Bạn có thể tham khảo, chuẩn bị apply từ sớm. Trên web cũng có danh sách sinh viên của chương trình qua các năm cùng với đề tài của họ. Mình nghĩ việc chuẩn bị apply không chỉ là chuẩn bị các giấy tờ, và viết luận mà còn cả đi tìm chất liệu cho bài luận và nâng cao các kỹ năng của bản thân. Cách hữu ích trước khi apply vào chương trình là bạn hãy đọc kết quả nghiên cứu của các alumni từ đó để bạn có thêm ý tưởng và nhận ra mình cần học thêm những gì. Càng đọc bạn sẽ càng hiểu phương thức hoạt động của chương trình, và hiểu cách một nghiên cứu interdisciplines được thực hiện như thế nào.  

Mọi thông tin về chương trình học bổng Horizon, bạn có thể tham khảo tại trang web chính thức của chương trình: https://cdt.horizon.ac.uk/.

Interdiscipline là gì?

Một đặc điểm nổi bật mà Horizon luôn nhấn mạnh nghiên cứu liên ngành (interdiscipline – transdiscipline). Để hiểu về interdiscipline và transdiscipline chúng ta cần tìm hiểu các khái niệm giống giống như thế gồm cả intradiscipline, multidiscipline.

Discipline
Nguồn: https://blog.lore.online/2019/08/30/disciplinarities.html

Ưu điểm của interdiscipline là gì? Đây là một trong 4 câu hỏi trong bài luận apply của Horizon, bạn nên tự tìm hiểu nhé. 

Vì tính chất interdiscipline này nên mình cũng khá bối rối khi mọi người hỏi mình học PhD ngành gì. Một kinh nghiệm khi hỏi người làm nghiên cứu là đừng hỏi họ ngiên cứu ngành gì (discipline), mà nếu có thể hãy hỏi chủ đề (theme/topic) hoặc ngành (sector) họ nghiên cứu là gì. Offer Letter của mình và trụ sở của Horizon ghi là Computer Science. Nếu lại hỏi tiếp tại sao mình học đại học Ngoại Thương, đi làm business mà lại có thể học PhD Computer Science thì giải thích lại dài dòng.
Ở Horizon, các ứng viên có background đa dạng như Psychology, Transport, Business, Medicine, robotic, Art… Để thực hiện dự án nghiên cứu interdiscipline, các sinh viên cũng sẽ có ít nhất 2 supervisors là giáo sư của 2 lĩnh vực khác nhau thêm với sự trợ giúp từ industry partner. Và dù đề tài nào thì như tên gọi của chương trình “Our life in data” và dự án nằm trong Khoa Computer Science nên năm đầu sinh viên nào cũng phải học computer science cả.

Cuối năm nhất, sinh viên sẽ có 3 tháng thực tập hè tại Industry partner và hoàn thiện research proposal. Sang đến năm thứ 2, tùy theo lĩnh vực chủ chốt, sinh viên sẽ về phân về khoa/nhóm nghiên cứu của giáo viên hướng dẫn.

Apply vào Horizon CDT như thế nào?

Với mình, apply Horizon khác biệt với tất cả những chương trình khác mình từng apply. Hồ sơ apply vô cùng nhanh gọn nên mình cứ thả một bộ hồ sơ vào như thả một đồng xu xuống hồ nước để cầu may mắn.

Yêu cầu hồ sơ:

  • Personal Statement (4 câu hỏi cho sẵn, viết vào form dài không quá 4 trang)
  • CV
  • IELTS (6.5 minimum)
  • Bằng + Bảng điểm
  • 2 thư giới thiệu (Hệ thống apply sẽ gửi trực tiếp đến email của referee nên chỉ cần nhắc thầy để ý email trước).
  • Apply đúng deadline qua hệ thống portal chung của trường.

Deadline dành cho sinh viên quốc tế tầm cuối tháng 12. Mình chuẩn bị hồ sơ cũng khá nhanh. Tuy nhiên, một phần lý do là trước đó mình đã viết khoảng chục personal statement và research proposal rồi nên quá trình viết luận của mình cũng giống như tóm tắt lại tất cả những gì mình đã từng nghĩ. Bài luận viết ngắn gọn, nhưng các ý đòi hỏi ứng viên suy nghĩ và nghiên cứu khá sâu.

Quy trình ứng tuyển

Nếu qua vòng hồ sơ, ứng viên sẽ đến vòng Academic interview. Trước Academic Interview, ứng viên sẽ nhận được danh sách các đề tài (Themes) của các Industry partners đang muốn thực hiện trong khóa này. Trong buổi phỏng vấn, ứng viên sẽ được hỏi để thảo luận về đề tài mà ứng viên quan tâm.
Qua vòng Academic Interview, ứng viên sẽ được ghép cặp với 1 industry partner dựa trên kết quả vòng trước, khả năng cá nhân và research interest. Nếu partner đồng ý với sự ghép cặp này thì sẽ tiến hành Partner Interview. Và nếu qua vòng Partner interview, được partner đồng ý hỗ trợ bạn. Đồng thời, bạn cũng đồng ý thực hiện dự án với partner này, bạn sẽ nhận được 1 email “Welcome to Horizon”. Còn nếu 1 trong 2 bên không đồng ý, Horizon sẽ tìm cho bạn 1 partner khác để bắt đầu lại phỏng vấn.

Chuyện apply cũng có chút thăng trầm của  mình.

Mình chỉ có 3 ngày để viết hồ sơ (personal statement), mình draft cuối tuần và xin nghỉ làm một ngày để viết tiếp. Còn bằng cấp, IELTS có sẵn rồi chỉ upload lên hệ thống và mình gửi email cho 2 thầy của mình ở Westminster để thông báo thầy sẽ nhận được email từ Nottingham trong vài ngày tới.
Mình apply trước deadline 1 ngày.

Điều kỳ diệu ngày giáng sinh.

Ngày 20/12, mình nhận được 1 email từ Admission của trường với nội dung “The University withdraw your application”.
Sau khi đã bị từ chối cả chục trường thì khi nhận thêm 1 email reject nữa, mình cũng không quá đau xót. Với lại mình chuẩn bị hồ sơ không kỹ lắm. Mình tự ý thức được là Profile của mình không hoành tráng gì, nên mình luôn cố gắng viết research proposal thật tốt nhưng lần này chẳng có research proposal. Tóm lại, lúc nhận email reject từ Nottingham mình cũng không thấy lạ.
Tuy vậy, không biết có phải do vũ trụ nhắc nhở, mình mở email ra đọc lại và thấy cái từ “withdraw” có vấn đề. Mình reply lại email và hỏi Admission Team “I don’t understand the reason for the withdraw. Could you please explain”.
Hơn tiếng sau, bạn ở Admission team xuất hiện và giúp mình tìm ra lý do là “Do hồ sơ nộp sau deadline”.
Mình thấy thật oan uổng vì rõ ràng mình nộp trước deadline hẳn 1 ngày. Mình chụp lại toàn email confirm tự động và màn hình completion sau khi submit và gửi lại để chứng minh mình nộp trước deadline.
Đến ngày 24/12, “thiên thần giáng sinh” của mình lại xuất hiện và gửi email “Tao có tin vui cho mày, hồ sơ của mày đang được review. Giáng sinh vui vẻ”.
Kinh nghiệm: Hãy chụp lại màn hình máy tính sáu khi submit và lưu lại email confirm tự động để tránh lỗi hệ thống.

Sự chờ đợi phần 1

Sau giáng sinh, mình đợi khá lâu. Một ngày đẹp trời,  mình nhận được một email bắt đầu bằng “Thank you for applying…” Theo kinh nghiệm apply của mình thì những email bắt đầu bằng “Thank you for…” thường báo tin chẳng lành.
Đọc tiếp đến câu thứ 2 “Chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ” – lại một dấu hiệu cho cái sự chẳng lành càng thêm chắc chắn.
Đọc đến cuối thư. Hội đồng vẫn đang review hồ sơ và sẽ trả kết quả trong 2 – 4 tuần tới. – Ôi tôi vẫn còn hi vọng.
Ba tuần sau, mình lại nhận được một email bắt đầu bằng “Thank you for.” … và vẫn là “Số lượng hồ sơ quá nhiều” và thời gian review sẽ kéo dài thêm mấy tuần nữa. – Hoàn hồn lần 2.
Mấy tuần tiếp sau, thật may là email này không bắt đầu bằng “Thank you for” mà bằng “I am delighted”. Và ba từ này không cần phải giải thích thêm về nội dung email nữa.

Ngày phỏng vấn academic

Hôm đó mình xin nghỉ ở nhà để chuẩn bị phỏng vấn buổi chiều.
Lần đầu tiên đi phỏng vấn mà mình nhận được sự chào đón nồng nhiệt đến vậy. Chương trình tổ chức Interview Day tại CDT space (trụ sở của Horizon). Các ứng viên đến phỏng vấn sẽ được đến tham quan Jubilee Campus của trường, và có networking lunch cùng với các thầy cô, và các sinh viên của chương trình. Ứng viên ở UK thì sẽ được hỗ trợ tàu xe đến Nottingham, còn mình ở Việt Nam thì chỉ được cho 2 cái link Ms Teams, một link conference và 1 link phỏng vấn.
Chương trình bắt đầu bằng một conference giới thiệu về chương trình và giải đáp thắc mắc. Khi mình bấm vào thì thật bất ngờ, mỗi mặt mình giữa màn hình và mình phát hiện ra mình là đứa duy nhất phỏng vấn Online. Cô phụ trách chương trình cũng không quên giới thiệu mình với cả hội trường “Bạn Violet sẽ tham gia với chúng ta từ Việt Nam. Mọi người chào Violet đi”. Rồi cô ấy quay cái webcam một vòng mình nhìn toàn bộ mọi người. Mình còn nghe thấy tiếng “Hi Violet” vọng lên.
Sau đó, trong toàn bộ conference, có bất cứ một phát biểu, câu hỏi hay ý kiến nào từ dưới khán giả, thầy host chương trình lại giải thích lại một lần cho mình “Violet, vừa rồi Mr X vừa nói là…” mặc dù mình nghe rõ Mr.X vừa nói gì, chỉ là không thấy người. Rồi khi có bạn đặt câu hỏi hay có ý kiến bổ sung, thầy host cũng bảo lên sân khấu nói để Violet còn nghe. Rồi mọi người lên phát biểu lại bắt đầu bằng “Hi Violet, I am…”. Chưa bao giờ thấy tên Violet của mình được nhắc đến nhiều thế.
Đến cuối Conference, thầy nhắc các bạn phỏng vấn xong đi ra khu vực ăn trưa, và cũng không quên “chia buồn” với mình không được tham gia “Em có thể cân nhắc, chia sẻ bữa trưa của mình qua màn hình”. Đi học rồi mới thấy, Horizon hay mời ăn trưa lắm.
Sau Conference, mình thoát để sang link mới vào vòng phỏng vấn chính. Trước khi phỏng vấn mình đã đọc một lượt profile của tất cả supervisor trong chương trình, và từ phần mình trình bày trong personal Statement mình cũng nhắm trước ai sẽ là supervisor phù hợp. Mình đọc các research mới nhất của thầy về chủ đề mình quan tâm và hi vọng thầy trong nhóm phỏng vấn.
Lúc màn hình phỏng vấn hiện lên, mình bàng hoàng “lệch tủ rồi”. Ba thầy cô phỏng vấn mình gồm 1 giáo sư Tâm lý học, 1 giáo sư công nghệ thực phẩm, 1 giáo sư 3M (Manufacture – Material – Mechanic) Engineering, người sau này trở thành 1 trong 2 supervisors của mình. Mình được hỏi giới thiệu về bản thân, các idea nghiên cứu của mình, vấn đề khi làm việc trong một dự án interdisciplines, các vấn đề khi làm việc với data, và thảo luận về chủ đề mình thích tranh danh sách đề tài đã gửi trước…
25 phút trôi qua khá nhanh. Cuối cùng thì thầy cô phỏng vấn vui vẻ nói với mình “Chúng tôi chỉ muốn xem khi nói chuyện với những người khác chuyên môn em sẽ nói thế nào để mọi người cùng hiểu. Nhưng em nói ra rất đúng những gì cô nghĩ. Chúng tôi sẽ gửi kết quả trong vài ngày tới”.
Tối thứ 6, đang ngồi cà phê với tên bạn, mình lại nhận được một email bắt đầu bằng “Thank you for” nhưng sau đó là I am delighted. Từ đó mình không còn tim đập chân run mỗi lần đọc email bắt đầu bằng Thank you for nữa.

Sự chờ đợi phần 2

Mình nhận được kết quả qua vòng Academic interview vào ngày 8/3. Chương trình sẽ bắt đầu ghép cặp ứng viên với partner. Nhưng mãi 1 tháng không thấy cô phụ trách (Program Manager) liên lạc lại. Mình lo là không partner nào nhận phỏng vấn mình. Mình quyết định gửi email để hỏi. Ban đầu mình cũng ngại, vì các chương trình học bổng với nhiều hồ sơ thì họ thường không muốn nhận email hỏi kiểu “Bao giờ có kết quả” vì như vậy sẽ bị quá tải email. Ứng viên nên kiên nhẫn. Đợi hết tuần này sang tuần khác, mình nghĩ đi nghĩ lại, rồi quyết định gửi email hỏi.
Phải nói là cô phụ trách chương trình super nice, trả lời rất nhiệt tình, và còn nói cô đang đợi email confirm của một số người để sắp xếp phỏng vấn. Hai tuần sau, mình nhận được lịch phỏng vấn, nhưng lại bị lùi lịch mấy ngày. Đợi từ ngày 8/3 đến ngày 26/4 mình chính thức được phỏng vấn.

Cơ hội cuối cùng

Trước hôm phỏng vấn, mình cũng đã email hỏi cô phụ trách chương trình rằng, nếu không qua lần phỏng vấn với partner này em còn cơ hội khác không. Cô ấy trả lời cô sẽ tìm partner khác nếu partner này từ chối em hoặc em không thích đề tài này nhưng dù sẽ cố gắng hết sức nhưng không thể chắc chắn là sẽ tìm được partner phù hợp. Mình cũng yên tâm.
Hôm phỏng vấn, mình vào link, cô phụ trách nói chuyện, hỏi han mình một lúc, cô còn chúc mình may mắn trước khi out khỏi màn hình để 2 giám khảo làm nhiệm vụ.
Người phỏng vấn mình gồm cô S, Trưởng cố vấn nghiên cứu của Bộ GTVT UK – người sau này cũng trở thành supervisor của mình và Trưởng bộ phận Data Science của Bộ. Mình chỉ được hỏi 2 câu chính “Introduce yourself” và “Em có câu hỏi gì khác không?” Rồi đến lượt mình hỏi. Lại 20p phỏng vấn nhanh như chớp mắt.
Lúc trao đổi thêm về việc học data science, thầy hỏi mình có biết chạy mô hình không. Mình trả lời là “Em chỉ tự học data qua Coursera thôi, nên em  biết cơ bản nhưng em nghĩ em không tốt như các bạn khác”. Thầy trả lời “Uhm, thầy cũng thích Coursera lắm”. Đến lúc thầy cô chào tạm biệt rồi mình thấy hơi tiếc, chỉ muốn níu kéo “Em cũng từng chạy mấy mô hình mà thầy ơi” nhưng không kịp. Và kết quả cuối cùng thì không cần chờ đợi quá lâu nữa. Đến tối, mình cũng không tiếc vì câu trả lời ban chiều, em đã trả lời rất thật thà.

Có một điều khá hay ho là hồi mình đang viết Research proposal apply trường khác, mình đọc tìm được bài nghiên cứu của cô S làm reference. Sau đó, mình tìm profile của cô ấy trên mạng, rồi biết cô ấy từng là Director của Horizon, đó là lần đầu tiên mình biết Horizon, và mình tìm được đúng lúc chương trình vừa mở đơn. Đến lúc biết cô ấy là người phỏng vấn vòng 2 và sẽ làm supervisor trực tiếp của mình, mình rất bất ngờ. Đó là một người phụ nữ rất đáng ngưỡng mộ. Thầy supervisor 2 của mình cũng là người cho mình nhiều bất ngờ. Thầy ấy rất tốt và nhiều sinh viên khóa trước nói với mình rằng đó là một thầy giáo tuyệt vời. Vũ trụ đã dẫn đường cho mình như vậy đấy.

Welcome to Horizon.

Với mình, quá trình apply Horizon rất nhiều “điều khó tin” và chương trình này rất khác với những chương trình PhD khác, cũng như khác những điều người ta hay “đồn” về việc apply PhD.
Không cần liên hệ với giáo viên hướng dẫn.
Không cần viết research proposal
Không cần publication
Không cần tốt nghiệp Master
Vậy chúng ta cần gì?
Đam mê, khả năng học hỏi và khả năng kết nối các vấn đề để làm việc trong những dự án interdisciplines. Hôm Online conference giới thiệu chương trình, mình cũng đã đặt câu hỏi “Liệu với hồ sơ đơn giản như vậy, chương trình tìm kiếm những ứng viên thực sự thế nào, điều gì khiến ứng viên được chú ý”. Thầy giám đốc chương trình vẫn trả lời đúng những gạch đầu dòng trong thông báo học bổng. Thực sự, đến lúc tất cả thông tin học phí hiện đầy đủ trong hệ thống và CAS mình mới tin là mình được học bổng thật.

Qua thời gian apply, và cố gắng đọc tất cả các nghiên cứu của chương trình, mình cũng phần nào cảm nhận thấy được cái vibe của Horizon dù đôi khi ngôn từ đôi khi vẫn quá ít ỏi để diễn tả. Ở Horizon mỗi ứng viên có một background khác nhau nhưng đều cùng nhau làm việc, nghiên cứu dưới một mái nhà chung. Mình cũng đã gửi email cho 1 bạn sinh viên quốc tế học năm trước và nhận được sự chia sẻ rất nhiệt tình. Cả từ sự hỗ trợ của các thầy cô trong suốt quá trình apply, mình thấy ở Horizon một không khí rất thân thiện. Đó là lý do, khi nhận được 2 học bổng toàn phần, mình đã quyết định lựa chọn Horizon dù tự nhận thấy những tháng ngày học hành tiếp theo sẽ khá vất vả vì mình sẽ phải học 2 lĩnh vực mới đó là Computer Science và Human Factors.

Mình khá lo lắng, nhưng ở Horizon mình được nghe rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng. Có rất nhiều thầy cô và các bạn sẵn sàng học thêm những điều họ chưa từng biết tới trước đây để ứng dụng trong đè tài của mình. Trong cùng chương trình,. sự đa dạng về background và đề tài là chất xúc tác cho những ý tưởng. Thầy program director cũng khuyến khích chúng mình hãy làm những điều dù “điên rồ” vì chúng mình có cơ hội thử và sai. Ở đó, mình đã gặp những người rất đáng ngưỡng mộ và đầy cảm hứng.

Thay vì hồi hộp, mình háo hức cho những trải nghiệm sắp tới, bởi mình tin mọi chuyện xảy đến đều do chữ duyên. Hôm nhập học chính thức, gặp trực tiếp thầy hướng dẫn, mình bày to nỗi bất an, lo lắng liệu mình có ở đúng chỗ. Khi các bạn đều làm về những đề tài rất kỹ thuật, còn background mình thì dường như khá dễ hiểu. Thầy trấn an “You are in the right place. You will learn the new thing.” Thầy cũng không quên bảo mình ổn định cuộc sống mới, và không có gì phải lo lắng cả. Mình cũng hỏi thầy Traning Manager về con đường sự nghiệp của các Alumni. Tuy vậy, trước khi lo lắng những điều xa xôi, làm thế nào để “vượt qua đường chân trời – beyond Horizon”, mình cứ phải tiến về phía trước đã.


Ảnh bìa: Jubilee Campus lấy trên website của trường.

Vậy là mình đã hoàn thành đủ 6 phần trong chuỗi bài “Chuyện apply học bổng PhD của mình“. Mình hi vọng, những bài viết này sẽ hữu ích giúp bạn có thêm động lực apply học bổng tại các nước phát triển.

Các bài viết về học bổng: Chuyên mục Học bổng

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

 Nếu thấy hữu ích, bạn hãy chia sẻ với bạn bè cùng đọc nha. Bạn cũng có thể ủng hộ Blog tại Donation