Host UK

Host UK là chương trình dành cho sinh viên quốc tế có cơ hội dành thời gian cuối tuần hoặc các ngày lễ với gia đình người Anh bản địa, trao đổi về văn hóa, lối sống. Tham gia Host UK có trong lịch trình của chúng tôi từ khi chưa sang Anh. Bình thường, các bạn sinh viên sẽ trả một khoản phí nho nhỏ khoảng một vài chục bảng để hỗ trợ dự án Host UK bởi Host UK là dự án phi lợi nhuận, những người phụ trách chương trình cũng là các tình nguyện viên. Tùy vào trường bạn học, mức phí sẽ có chút khác nhau bởi chương trình cũng được hỗ trợ bởi các trường đại học nữa. Như được giới thiệu, đại học Westminster nơi tôi học sẽ trả toàn bộ chi phí tham gia chương trình cho sinh viên. Ngoài ra, Chevening cũng tài trợ các học giả khoản phí này. Chúng tôi chỉ cần trả tiền tàu đi lại đến nhà Host.

Trang tin chính thức của Host UK: https://www.hostuk.org/

Ngày 7/6/2019

Sau hàng loạt kế hoạch, lịch trình đi học, kiểm tra, bài tập, lịch đi du lịch châu Âu, mãi đến tháng 6, hai chúng tôi mới chính thức đăng ký tham gia Host UK. Tôi đăng ký luôn cho cả tôi và Thư đi cùng nhau. Sau khi đăng ký trên trang web của Host UK, tôi nhận được trả lời của Katherin, bạn tình nguyện viên của Host UK phụ trách khu vực London. Katherin nói chúng tôi nhận được lời mời đến thăm từ gia đình host sống tại một ngôi làng nhỏ tại Greatham, gần một thị trấn tên là Liss.

Thực ra, ban đầu chúng tôi cũng hơi thất vọng bởi chưa bao giờ nghe đến địa danh này bao giờ. Chúng tôi cũng kỳ vọng, với khoản tiền đi tàu như vậy, chúng tôi có thể đến những thành phố lân cận London nhưng cũng là khu du lịch nổi tiếng, ví dụ như là thành phố Cantebury ở Kent, hay Cambridge chẳng hạn. Tuy vậy, từ chối cũng ngại, chúng tôi vẫn nhận lời mời của Host và trả lời Katherin. Biết đâu đấy, những điều không nằm trong kế hoạch luôn lại là điều thú vị.

Katherin cho tôi địa chỉ liên lạc của gia đình host là Mrs. Claire và Mr. Andy. Tôi gửi cho Mrs. Claire bức ảnh của tôi và Thư chụp ở Scotland để cô có thể nhận ra chúng tôi khi đón chúng tôi ở ga Liss. Qua trao đổi email, tôi đã thấy Mrs. Claire rất dễ mến. Cô hỏi tôi rất kỹ về thói quen sinh hoạt để có thể sắp xếp phòng cho tôi và Thư. Cô còn hỏi chúng tôi có cần ở phòng riêng không, nhưng hai chúng tôi đã quen ở phòng đôi, với lại chúng tôi cũng không muốn làm phiền gia đình qua nhiều nên quyết định vẫn ở cùng một phòng.

Chúng tôi sẽ ở nhà Host từ thứ 6 đến chủ nhật. Sáng thứ 6, tôi đến thư viện, cố gắng hoàn thành bảng câu hỏi khảo sát cho luận văn, rồi hẹn Thư về nhà ăn cơm. Chúng tôi lên tàu từ ga Euston lúc 15h00. Liss chỉ cách London 45 phút đi tàu. London lùi dần phía sau và những cánh đồng xanh mượt dưới bầu trời mùa hè xanh ngắt vút qua cửa sổ tàu. Vừa đến ga Liss, trời mưa nhẹ. Chúng tôi đứng nép vào mái hiên nhìn theo đoàn tàu tiếp tục hành trình bỏ lại chúng tôi giữa nhà ga nhỏ bé, vắng lặng.

20190609_162626

Tôi gọi điện cho Mrs. Claire, nhưng cô chưa nhấc máy tôi đã thấy một chiếc ô tô màu đỏ tiến vào sân ga, và người phụ nữ ở trong xe vẫy tay chào chúng tôi. Mrs. Claire chạy ra khỏi xe, vội vã xin lỗi chúng tôi vì đến hơi muộn do đoạn đường vừa bị chặn để tàu chạy qua. Nhưng thực ra cô chỉ đến sau giờ tàu dừng bến có 2 phút. Cô có dáng người cao dong dỏng, mái tóc nâu nhạt, xoăn ngắn ôm lấy khuôn mặt gầy và cô có một nụ cười rất tươi. Cô ngạc nhiên nhìn tôi xách túi hành lý:

  • Cháu có quên đồ gì không? Hành lý của hai cháu chỉ có thể này thôi à?

Đi chơi 3 ngày 2 đêm, cả hai chúng tôi mang chung một chiếc túi du lịch xách tay. Sau vài chuyến bay tiết kiệm đến những đất nước châu Âu bằng máy bay giá rẻ, chúng tôi đã quen với những chuyến đi với hành lý gọn nhẹ. Mỗi lần đi chơi đến 4 ngày, chúng tôi cũng chỉ mang mỗi đứa 1 balo, hoặc hai đứa chung 1 cái vali. Trưa nay về sắp đồ, tôi còn thấy mình mang hơi nhiều. Khi chúng tôi lên xe, cả hai chúng tôi đều ngồi ở ghế phía sau. Mrs. Claire lại bảo:

  • Cả cháu đều ngồi ghế sau như vậy khiến cô có cảm giác như mình là tài xế taxi vậy.

Lúc đầu mới gặp đúng là có chút hơi gượng gạo, không biết mở đầu câu chuyện thế nào. Mrs. Claire đưa chúng tôi về nhà. Trung tâm thành phố Liss rất nhỏ với những ngôi nhà sơn tường màu trắng có mái dốc màu xám. Qua trung tâm thị trấn, những con phố với những ngôi nhà san sát xa dần, thay và đó là những cánh đồng rồi rừng xanh biếc còn ẩm ướt sau cơn mưa. Xe bắt đầu vào ngôi làng, nơi cô Claire sinh sống, tôi thấy những ngôi nhà thấp, có sân rộng và vườn hoa đủ màu sắc. Nhà cô của Claire màu đỏ gạch, mái dốc, sân đầy sỏi vàng và có một vườn vườn hoa um tùng trước cửa nhà.

20190608_105938

Về đến nhà, chúng tôi gặp chú Andy – partner của cô Claire. Chú Andy có mái tóc màu trắng cước, mở cửa cho chúng tôi với nụ cười hiếu khách và giọng nói ấm áp, đậm chất Anh. Ấn tượng đặc biệt của chú Andy là nụ cười, và gương mặt luôn tươi cười. Căn nhà rất ấm cúng, sáng lên bởi ánh nắng chiều vàng ruộm. Chú dẫn chúng tôi qua cầu thang hẹp, phủ thảm xám lên phòng để nghỉ ngơi, và vẫn không quên dặn:

  • Nếu hai cháu muốn ở phòng riêng thì nhà vẫn còn một phòng trống nữa. Cô chú sẽ dọn cho các cháu.

Chúng tôi từ chối, bởi căn phòng chúng tôi đang đứng đã quá xinh xắn rồi. Phòng có 1 cửa sổ nhỏ nhìn ra khu vườn ở sân trước, một chiếc giường đôi, tủ đầu giường một lò sưởi nhỏ cũng một vài tranh ảnh, tượng trang trí. Chúng tôi chỉ cất đồ, rửa chân tay rồi xuống nhà nói chuyện với cô chú.

20190608_083728

Chúng tôi có mang theo một gói cà phê chồn, một món đặc trưng của Việt Nam để làm quà. Cô chú kể cùng vừa đến thăm Hà Nội, Hà Long, thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 3 và rất thích Việt Nam. Cô chú cũng kể về công việc và cuộc sống của mình. Khi ấy, tôi có duy nhất một cảm xúc đó là “sự ngưỡng mộ”. Đó là cuộc sống mà tôi không dưới 1 lần từng ao ước. Chú Andy điều hành công ty, còn cô Claire làm trong lĩnh vực phát triển cộng đồng. Hai cô chú làm việc tại nhà. Mỗi năm, họ đều dành thời gian đi du lịch dài ngày, và đón 2 đợt sinh viên quốc tế đến thăm vào mùa đông và mùa hè. Có lẽ, vì làm công việc cộng đồng nên cô Claire rất dễ gần. Cô chú cho chúng tôi xem những cuốn album ghi lại kỷ niệm cho họ theo từng năm. Tôi thích nhất là cuốn lịch bàn ghi lại hình ảnh quá trình họ tự tay xây ngôi nhà đang ở. Thật là kỳ diệu. Chú Andy đã mở rộng thêm phòng khách, còn cô Claire đã làm một vườn hoa trước sân, còn một vườn rau sau nhà. Chúng tôi ngồi nói chuyện rất lâu trong căn bếp ngập tràn nắng chiều mỗi lúc một vàng suộm. Ngôi nhà và không gian này quá đỗi dễ thương, và mọi thứ cứ bình yên, nhẹ nhàng đến kỳ diệu.

20190608_205445

Chiều dẫn xuống, cô Claire hỏi chúng tôi thích ăn gì cho bữa tối. Tôi muốn làm một món ăn Việt Nam mời cô chú, nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định nấu phở gà. Tôi chắc chắn rằng, sẽ không giống lắm vì không có có đủ nguyên liệu, cũng không có nhiều thời gian. Nhưng cách nấu ăn của tôi thì khá đơn giản, tôi chỉ cần những nguyên liệu chính. Chúng tôi bắt đầu xem trong tủ lạnh, ngăn kéo xem đã có những nguyên liệu gì. Cô Claire mở tủ lạnh đầy rau, và thịt. Còn chú Andy chỉ cho tôi ngăn kéo với đầy các hộp gia vị nhỏ. Có những loại gia vị bao gồm cả hạt và lá tôi chưa từng nghe đến bao giờ. Chú Andy đưa tôi ngửi thử từng loại xem có phải thứ tôi cần không. Tổng hợp tất cả nhừng đồ cần mua, chúng tôi lên xe để đi chợ.

Khác với cuộc sống ở London, chúng tôi có thể đi bộ đi siêu thị, hay cũng có thể bắt xe bus, ở làng quê như Greatham, phần lớn mọi người đều có ô tô. Đi siêu thị rất xa, chúng tôi phải đi từ thị trấn này sang thị trấn khác. Kế hoạch đạp xe giữa đồng quê của tôi từ đó mà cũng phá sản. Nắng tắt, bầu trời trở về màu xám bạc đặc trưng của UK, tối dần và bắt đầu mưa. Phải đi đến siêu thị thứ 2, chúng tôi mới tìm được bánh phở. Tôi tự thấy tội lỗi khi chỉ vì cái sợ thích nấu ăn của mình mà chú Andy phải lái xe đi xa như vậy. Nhìn thấy gói phở giữa vô vàn đồ đóng gói trong siêu thị Waitrose rộng lớn, tôi thấy vui và cũng thấy nhẹ cả người. Nếu không có, có lẽ chú Andy và cô Claire sẽ thấy thất vọng. Chúng tôi mua bánh phở, hành tây, rau mùi.

Căn bếp rất ấm cúng khi ngoài kia trời vẫn mưa. Tôi nấu nước dùng với thịt gà, quế, hồi, hành tây, dẫu biết đó không phải một phiên bản phở Hà Nội chuẩn chỉnh nhưng mùi quế hồi hạt tiêu thơm lừng cũng đủ làm dậy lên hương vị quen thuộc của quê nhà. Tôi với Thư chuẩn bị bữa tối, tôi muốn để hai cô chú nghỉ ngơi. Điều này cũng không giống văn hóa của người Anh cho lắm, bởi thường thì họ sẽ không để khách nấu ăn như vậy. Nhưng với tôi thì việc nấu ăn là sở thích, mà làm việc để người lớn nghỉ ngơi cũng là điều nên làm. Cô Claire giúp tôi chuẩn bị những chiếc bát sứ màu xanh chỉ được dùng khi có khách đến nhà và những đôi đũa cô chú mua từ chuyến du lịch Việt Nam đầu năm. Khoảng hơn 1 tiếng sau, chúng tôi ngồi vào bàn ăn bên ánh đèn vàng lấp lánh. Ăn phở nóng khi trời lanh quả là một niềm sung sướng.

IMG-20190609-WA0010
Tôi và công đoạn nấu phở gà

Cô chú rất bất ngờ với hương vị của rau mùi khi ăn với nước phở. Tôi cũng thích vị rau mùi vì dường như bất cứ món gì ăn cùng rau mùi cũng ngon hơn, và cảm giác Việt Nam hơn. Chú Andy gặp chút khó khăn khi sử dụng đũa gắp sợi phở. Dùng đũa là kỹ năng điêu luyện của người châu Á. Thư gợi ý cách dùng đũa gắp sợi phở một cách hiệu quả nhất là dùng đầu đũa xoay tròn trước khi đưa lên miệng. Trong bữa ấy, chúng tôi cũng học được rằng người Anh thật lịch sự và tế nhị trong cách ăn uống. Cô chú uống hết nước dùng trong bát, và mỗi lần dùng thìa sứ để lấy không để phát ra bất cứ tiếng ồn nào. Hai chúng tôi nhìn nhau, cố gắng ăn một cách từ tốn. Tôi không thể bê cả bát tô lên để uống nước phở như vẫn làm mà phải nhẹ nhàng lấy thìa sứ ăn từng chút một. Chúng tôi cũng không nói chuyện nhiều trong suốt bữa ăn, hay nếu có chỉ một vài câu bình luận về món ăn.

IMG_7402

Xong bữa tối, chúng tôi ngồi uống trà trong phòng khách. Căn phòng rộng và thoáng, có cửa kính nhìn ra sau vườn đã sáng đèn. Tôi vẫn thường ao ước có một căn phòng đủ rộng, có ghế sô pha mềm để đọc sách, cùng đàn Piano và giờ thì tôi đang uống trà giữa căn phòng ấy. Cô Claire dạy Thư chơi một bản nhạc Piano đơn giản, rồi khi tôi chơi tặng cô chú bản Canon in D, cô Claire hòa theo với tiếng đàn phong cầm du dương. Cô Claire cũng chơi đàn trong một nhóm tình nguyện ở địa phương. Cô còn có một bộ sưu tập những trò chơi board game, cô thường chơi với những đứa cháu mỗi khi chúng có dịp đến chơi. Chúng tôi ở đó đến đêm muộn. Cô chú bảo chúng tôi lên phòng nghỉ ngơi, để cô chú dọn dẹp nhà bếp bởi đây là văn hóa người Anh, cô chú sẽ không để hai vị khách của mình dọn dẹp bữa tối. Vậy là cuộc sống của một gia đình ngoài London nước Anh là như vậy, nhưng vẫn còn nhiều điều đang đợi chúng tôi ớ phía trước. Đây mới là ngày đầu tiên.

Ngày 8/6/2019

Lâu lắm rồi tôi mới được tỉnh giấc bằng tiếng chim hót líu lo. Nắng sớm rực rỡ chiếu vào phòng qua khung cửa nhỏ. Một cảm giác bình yên diệu kỳ, trong lành và thư thái khiến tôi chẳng lỡ ngủ nướng mà phí hoài một ngày đẹp trời. Chúng tôi xuống phòng bếp, hai cô chú đang chuẩn bị đồ ăn sáng. Một bữa sáng kiểu Anh kinh điển với bánh mỳ nướng, bơ, mứt và sữa tươi. Tôi gợi ý:

  • Cô chú có muốn dùng thử cà phê Việt Nam không? Cháu pha bằng phin đậm chất Việt Nam.

Tôi rất hài lòng khi mua được gói quà này. Trước lúc sang đây, tôi cũng ngẫm đi ngẫm lại, không biết mua quà gì cho vừa đặc trưng cho văn hóa Việt Nam, vừa hữu dụng mà mọi người sẽ thích. Tôi với Quỳnh Anh, cô bạn cũng chuẩn bị sang Nhật du học bàn đi bàn lại. Đến hôm đi siêu thị mua được hộp cà phê chồn Đà Lạt có kèm phin pha cà phê và cả hướng dẫn bằng tiếng Anh nữa, tôi mừng quýnh (dẫu thấy là cà phê Đà Lạt cũng không thật sự ngon như cà phê Buôn Mê). Cái hay ở đây là người châu Âu cũng thích uống cà phê, mà cà phê Việt Nam lại thơm ngon nổi tiếng, cà phê chồn thì lại càng hảo hạng. Nếu như người phương Tây pha cà phê bằng những chiếc máy, cà phê trở thành một thứ đồ uống nhanh phục vụ trong cuốc giấy giữa đời sống hối hả, thì người văn hóa cà phê phin của người Việt lại trái ngược. Còn nếu như người Phương Tây ngồi trong quán hay uống cà phê trong tách sứ trắng, cà phê phin Việt Nam thường được phục vụ trong ly thủy tinh nhỏ có sẵn chút sữa đặc. Cà phê phin không chỉ là một đồ uống, mà nó dường như trở thành một văn hóa cũng sự nhâm nhi, suy tưởng, một nốt trầm giữa những ồn ào của của thành phố. Người ta có đủ kiên nhẫn để đợi bột cà phê rang xay thơm lừng, nở và ngấm tinh túy vào nước sôi, chầm chậm chảy từng giọt sóng sánh qua những lỗ nhỏ của phin nhôm. Vị cà phê Việt Nam đặc trưng đậm đà, đắng nhưng ngọt dần về sau và thơm lừng.

Tôi cố giải thích cho cho cô chú hiểu về cà phê chồn bằng tất cả những gì tôi từng nghe trước đó, từ khi con chồn ăn cà phê, đến khi người ta thu hoạch và xử lý hạt cà phê thế nào, rồi cho cà phê vào phin, đổ nước sôi, đợi những hạt cà phê vụn nở ra, ngấm nước. Tôi hồi hộp đợi từng giọt cà phê từ từ chảy xuống cốc.  Thực ra đây cũng là lần đầu tiên tôi pha cà phê bằng phin, cũng là lần đầu tiên tôi thử cà phê chồn. Cà phê ngon, chỉ tiếc rằng nếu có sữa đặc sẽ đúng chuẩn kiểu Việt Nam hơn. Cô Claire giúp chúng tôi nướng bánh mỳ, còn chú Andy vừa uống cà phê vừa đọc báo buổi sáng. Cà phê Việt Nam thường mạnh và đậm đà hơn cà phê ở châu Âu, nhưng chú Andy thích cà phê mạnh nên rất thích loại cà phê chồn này.

Ngồi trong bàn ăn, nhìn ra phía ngoài sương mù trắng xóa trên bãi cỏ rộng sau nhà như một cái nồi hơi khổng lồ đang nghi ngút khói. Mây trắng trên đồng cỏ là đặc trưng của xứ sở sương mù, mà tôi không bao giờ thấy ở Việt Nam. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy thấp thoáng một chú hươu chạy ngang qua. Cô Claire hỏi chúng tôi về lịch trình cho ngày hôm nay. Trời đang nắng chúng tôi có thể ra ngoài chơi, nhưng nếu trời mưa chúng tôi có thể ở nhà nấu mứt dâu tây. Suy đi tính lại, chúng tôi quyết định đến thăm căn nhà của nhà văn Jane Austen, rồi buổi trưa sẽ đến nhà con trai của chú Andy cùng vợ chưa cưới của cậu ấy để dùng bữa. Cô chú chuẩn bị một ít salad, cùng nhiều đồ đạc cho vào túi lớn để mang theo.

20190608_205453

Vừa ra khỏi nhà, chúng tôi ghé qua ngôi nhà thờ của thị trấn. Nhà thời rất nhỏ, tĩnh lặng nằm giữa một cánh đồng xanh thẳm và có cổng bằng gỗ. Cô Claire chỉ cho chúng tôi xem những chiếc gối thêu nhiều hình trang trí rực rỡ đặt phía sau mỗi hàng ghế và chiếc lư bằng đá mà mỗi đứa trẻ của ngôi làng khi sinh ra sẽ được Cha rửa tội ở trong đó. Tự nhiên tôi cảm thấy mình bé lại, như một đứa trẻ tò mò về mọi thứ xung quanh cùng ông bà, bố mẹ, và điều gì mới được học cũng mới lạ, cũng đáng yêu, cũng đầy kỳ diệu.

Ra khỏi nhà thờ, mây đen kéo đến, trời hơi mưa nhẹ. Xe dừng lại trước cửa một trang trại hoa oải hương, bán những sản phẩm handmade từ hoa như tinh dầu, xà phòng, hoa khô, thiệp, khăn thêu. Chú Andy còn giới thiệu cho tôi loại bánh hoa oải hương, kem hoa oải hương trước sự tò mò của tôi, liệu ăn có giống như ăn cục xà phòng.

Sau đó. chú Andy lái xe đưa chúng tôi đến thăm nhà của Jane Austen. Hồi ở Việt Nam, tôi đọc cuốn Kiêu hãnh và Định kiến mà chưa thể cảm thụ được. Kiểu gì mà mỗi câu tỏ tình người ta nói 3 chữ, đây nhân vật nói đến cả trang. Tôi còn đọc bản tiếng Anh với đầy tiếng Anh cổ, chẳng thể hiểu hết. Người ta chỉ có thể yêu những gì mà mình có thể hiểu. Đến khi sang Anh, có phải vì không khí nước Anh hợp để thưởng thức một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại, và hợp với một câu chuyện tình thuần khiết, trong sáng, tôi đọc lại Kiêu hãnh và Định Kiến, nghe Audiobook, và xem đi xem lại bộ phim bản 2005 đến vài lần vẫn thấy hay tuyệt. Từ đó mà tôi trở thành Fan của Jane Austen. Hàng trăm năm trước, người phụ nữ đã có những tư tưởng tiến bộ, có những ước mơ và nghị lực để vượt lên mọi rào cản để đi tìm hạnh phục của mình. Sức mạnh của nữ quyền nằm ở mỗi người phụ nữ, dù ở bất kỳ thời điểm nào, chỉ là họ có dám đứng lên, dám đấu tranh vì hạnh phúc mình thực sự mong muốn hay không.

Jane Austen
Tôi trong trang phục từ thời Jane Austen
20190608_123448

Đây là một trong những ngôi nhà Jane Austen từng sống trong thời gian bà ở Hampshire và xuất nhiều cuốn tiểu thuyết thành công vang dội trong sự nghiệp của mình, trong đó có Kiêu hãnh và Định kiến. Ngôi nhà trở thành bảo tàng và mở cửa cho công chúng đến thăm quan từ năm 1949. Mỗi năm, nơi đây tiếp đón hơn 20 ngàn vị khách từ khắp nơi trên thế giới. Khuôn viên ngôi nhà có sân, khu vườn nhỏ có hoa, và những căn nhà tường màu đỏ có dàn hoa hồng leo trước cửa. Trong căn nhà, những đồ vật bằng gỗ đã sờn cũ, nồng nàn mùi hoa oải hương, bên tai văng vẳng tiếng đàn dương cầm du dương, mượt mà của người phụ trách trông nom căn phòng. Tôi tưởng tượng ra cảnh mỗi sáng sớm, Jane Austen lướt tay trên những phím đàn Piano như trong cảnh phim Becoming Jane (2007). Trong chính căn phòng Drawing room này, tôi như đứng giữa câu chuyện lãng mạn của nước Anh thế kỷ 18, 19. Chúng tôi bước vào căn phòng dành để chiếu bộ phim về cuộc đời Jane Austen. Qua những cô gái trong những tác phẩm của mình như Liz của Kiểu hãnh và Định kiến, Emma hay Marianne trong Lý trí và Tình cảm, Jane Austen muốn thể hiện một phần tính cách, suy nghĩ, và ước mơ của mình. Những người phụ nữ có tri thức, kiên cường, có chính kiến trong tình yêu, dám đấu tranh để dành được hạnh phúc.

Trong khu phòng ngủ, một người phụ nữ chỉ cho chúng tôi về nghệ thuật đan truyền thống, bằng những sợi chỉ màu và những chiếc tăm nhỏ. Trước đây, bà Austen, mẹ của nữ nhà văn cùng các con gái cũng thường cùng nhau đan trong chính căn phòng này. Đến khu nhà bếp, chúng tôi được học làm túi thơm từ hoa oải hương khô. Đến bây giờ tôi vẫn giữ túi hoa khô đó trong chiếc hộp may mắn và luôn mang đó bên mình. Trong một căn phòng, cả bốn người chúng tôi cùng hóa trang thành những nhân vật trong tiểu thuyết với phục trang đặc trưng để cùng chụp ảnh.

IMG-20190609-WA0006

Khi đến tham quan một thành phố, tôi thường mua một chiếc nam châm làm kỷ niệm, nhưng đến đây tôi quyết định mua một bộ viết gồm bút mực, lọ mực và cây bút chì nhỏ. Tôi còn tự hứa với bản thân mình rằng, có thể mình sẽ trở thành một nhà văn như Jane Austen và nghĩ đến việc viết một cuốn sách. Dù khó có thể trở nên vĩ đại nhưng tôi muốn viết những gì mình suy nghĩ, tin tưởng và muốn sẻ chia. Sau này, tôi cũng bắt đầu tập viết Calligraphy – Thư pháp phương Tây từ bộ bút đó. Cũng dễ hiểu tại sao ngôi nhà này khiến tôi mê mẩn. Bởi tôi tìm thấy ở trong đó tất cả những gì tôi vốn đã thích: tiểu thuyết lãng mạn, tiếng đàn piano du dương, hoa hồng, một làng quê quá đỗi bình yên, ngôi nhà nhỏ rực rỡ sắc hoa sau vườn. Nếu không quá vội để kịp bữa trưa, tôi vẫn muốn nán lại thêm một chút, để tôi được ở trong câu chuyện lãng mạn này lâu hơn một chút.

20190609_212314

Chúng tôi đến nhà người con trai Tony của chú Andy cùng vợ chưa cưới Anna để dùng bữa trưa. Anna là người Ireland, hôm nay là sinh nhật cô nên cả bố mẹ cô cũng tới chúc mừng. Tôi và Thư cũng hơi ngại, bởi trong một buổi sáng, chúng tôi gặp khá nhiều người mới. Tony và Anna tươi cười chào chúng tôi, nhìn hai người thật hạnh phúc vì họ đang chuẩn bị cho đám cưới. Đây cũng là căn nhà mới mà cặp vợ chồng đang tiếp tục hoàn thiện nốt phần trang trí, nội thất. Giờ tôi mới để ý đến món Salad mà Mrs. Claire chuẩn bị sáng nay. Ở Anh, mỗi khi tổ chức bữa tiệc, mỗi người tham gia sẽ mang một món ăn tới kiểu Port-luck. Tôi thấy điều này vừa vui vẻ, vừa giảm nhẹ việc cho người tổ chức. Một lát sau, cô Lucy, em gái của chú Tony cũng đến, mang theo một bó hoa tươi. Tony và Anna cũng đã chuẩn bị rất nhiều món ăn gồm khoai tây bỏ lò, thịt bò, salad thịt gà. Chúng tôi lấy đồ từ nhà bếp, ăn trong phòng khách và nói chuyện. Dù không biết nên nói chuyện gì trong một buổi sum họp gia đình, nhưng tôi cũng không hề thấy mình lạc lõng. Mọi người cũng hỏi tôi và Thư về cuộc sống ở London, về những chuyến đi của chúng tôi. Đến khi Tony nói cậu chưa từng đến Scotland, mọi người mới ngạc nhiên:

  • Đó quả là một thiếu xót, bởi Scotland là một vùng đất tuyệt vời.

Tony nói:

  • Các bạn biết về những thành phố ở Anh chắc còn nhiều hơn cả một người Anh rồi đấy.

Bố mẹ của Anna hỏi chúng tôi về Việt Nam, cô chú cũng đã từng đến Hà Nội và rất thích trải nghiệm đó. Cô chú hỏi thêm về gia đình của tôi rồi bất giác xin lỗi:

  • Ôi, cô xin lỗi, cô tò mò quá. Cô vừa hỏi những chuyện riêng tư quá phải không?

Lúc đó tôi thấy ngạc nhiên, đáp lại:

  • Dạ không có gì đâu ạ. Cháu vui vì cô thích Việt Nam như vậy.

Ở đây, những câu hỏi như nhà tôi có mấy anh chị em, bố mẹ tôi làm nghề gì cũng được tính vào chuyện quá riêng tư còn tôi thì đã quen với những câu hỏi kiểu “Có người yêu chưa”, “Bao giờ tôi lấy chồng” và thường ai cũng muốn hỏi. Ngồi quan sát cách mọi người nói chuyện tối mới hiểu được cách họ tôn trọng cuộc sống riêng tư của mọi người thế nào, và những câu chuyện đầy lạc quan được sẻ chia. Họ cũng nói về những người không có mặt ở đây nhưng phải là người mà tất cả mọi người đều biết và toàn nói những câu chuyện vui. Ví dụ như câu chuyện về cậu cháu trai mới 7 tuổi đã tự mình bán nhứng sản phẩm đồ chơi cho thú cưng handmade. Anna cũng mua cho chú cún của mình 2 chiếc nơ đeo cổ, rồi cô mang ra khoe với chúng tôi. Chú cún của Anna màu trắng, rất lém lỉnh, và lúc nào cũng nhìn tôi và Thư như muốn lấy lòng.

Đến chiều, trời bắt đầu nắng, mọi người cùng nhau ra khu vườn phía sau. Khu vườn giờ vẫn là một khu đất gồ ghề với cỏ xanh, chưa được cải tạo. Tony và Anna vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để hoàn thiện ngôi nhà này. Một vài bức tường cần sơn lại, cần thêm một vài đồ đạc mới, và cần thời gian để mang những khóm hoa những cây rau đến khu vườn sau nhà. Nhìn ánh mắt khi Anna háo hức nói về kế hoạch cho khu vườn và ngôi nhà, tôi chỉ thấy cô hân hoan, tràn đầy những hi vọng, niềm hạnh phúc về một cuộc sống mới, một gia đình nhỏ đang được vun đắp.

Tạm biệt Tony và Anna, chúng tôi cùng cô Lucy về nhà. Trước khi về, chúng tôi ghé qua khu rừng để đi dạo. Không khí miền quê thật thanh bình và trong lành. Con đường vào trong rừng và những tán lá xanh còn ẩm ướt sau cơn mưa. Đi một đoạn tôi thấy phía chân trời ánh lên một cầu vòng rực rỡ vắt qua sườn núi. Tôi nhìn cho đến khi bảy màu tan dần vào không gian.

Rainbow in Countryside

Tối đến, cô Lucy ở lại chơi qua đêm, cô Claire nấu món súp đậu xanh. Bữa hôm đó, chúng tôi lại phải cẩn thận nhẹ nhàng lắm để dùng thìa và bát sứ ăn món súp mà không được phát ra tiếng động leng keng. Hẳn là một thử thách khiến tôi nhận ra sự thiếu sót trong cách ăn uống của mình. Sau bữa ăn, cả nhà ngồi bên bàn ăn nói chuyện. Chủ đề cứ chuyển từ chuyện này sang chuyện khác rồi đến chuyện ngôn ngữ Anh. Cô Claire có một cuốn từ điển các từ lóng không mấy phổ biến, rồi chúng tôi cùng nhau tra, hiểu nghĩa từ. Cô nói, bây giờ người ta thường dùng từ điển trên máy tính, nhưng cô vẫn thích cách truyền thống này hơn. Đó là giờ học tiếng Anh chuẩn kiểu Anh. Nghe giọng Anh – Anh của cô Lucy khi cô đọc định nghĩa của từ, chất giọng khiến tôi mê mẩn mà bao lâu tôi cố gắng để nói được chất giọng ấy nhưng bất thành.

Ngày hôm này là một ngày có những trải nghiệm đậm chất Anh với nhà thờ, văn học Anh, cuộc sum vầy của một gia đình Anh và học những từng lóng Tiếng Anh nữa.

Ngày 9/6/2019

Tôi dậy sớm chạy xuống nhà bếp. Cô Claire đang chuẩn bị bữa sáng với bánh mỳ nướng. Cô cũng chuẩn bị một phần bánh mỳ nướng không có Gluten cho cô Lucy. Đến bữa ăn, cô Claire hỏi chúng tôi có muốn ra bờ biển chơi, tôi đồng ý luôn rồi cô giục chúng tôi mau chạy lên nhà để chuẩn bị đồ.

IMG-20190609-WA0007
Chúng tôi và cô Lucy trước cửa nhà chuẩn bị tiến ra biển

Ngày chủ nhật, trời nắng đẹp. Chúng tôi đi qua những đồng có xanh, tôi thấy những hàng dài ô tô của các gia đình đi picnic cuối tuần. Có rất nhiều địa điểm mà trên đường chú Andy nhắc đến nhưng giờ tôi chẳng nhớ hết. Chúng tôi dừng lại ở một khu đất trống rộng lớn mà đứng trên đó tôi có thể nhìn thấy những ngôi nhà tí hon ở phía xa. Ở đó có những cây hoa Else, màu trắng nhỏ như hoa sữa, thơm ngọt. Có một lần vào pub uống nước, tôi cũng gọi loại nước ngọt làm từ loại hoa này, nhưng tôi thấy nghe lạ nên gọi thử, nước có vị ngọt dịu và thơm lừng. Chú Andy nói cô chú có thể pha trà bằng loại hoa này, nên chúng tôi cùng nhau hái hoa bỏ vào túi mang về. Tôi cố gắng chọn những chùm hoa còn tươi mới, không có sâu, và cũng cố gắng để không hái nhầm sang loại hoa dại màu trắng nào khác. Hái đầy một túi, bàn tay tôi thơm dịu hương hoa. 

20190609_103311
Else flower

Xe hướng về phía biển. Biển ở đây có nhiều những viên sỏi đen thay vì một bãi cát mịn trắng phau thoai thoải như tôi vẫn thấy ở Việt Nam. Dọc bờ biển là những ngôi nhà gỗ đủ màu sắc. Đến mùa hè, những ngôi nhà này sẽ mở cửa như một nhà nghỉ nhỏ hay những cửa hàng phục vụ khách du lịch, còn bây giờ những cánh cửa gỗ vấn đóng im lìm, chờ ngày bãi biển tỉnh giấc khi mùa hè đến mang theo nắng ấm. Nắng bắt đầu lên nhưng không chói chang, chỉ đủ làm sáng lên màu xanh làm trong veo của nước và của bầu trời. Tôi bắt đầu thấy nhiều gia đình đi dã ngoại hơn. Có những cặp vợ chồng đẩy chiếc xe nôi đi dạo bãi biển, hay những bố mẹ thoải mái ngắm nhìn những đứa bé chập chững đi, ngồi nghịch cát với xẻng và xô. Ở Việt Nam, người ta che chắn đủ kiểu, tôi cũng sợ nắng vì cứ mỗi lần đi biển, da tôi lại đỏ rát mấy tuần mới hết, còn ở Anh đất nước của mưa, của gió và sương mù, người Anh rất trân trọng những ngày nắng.

20190609_113201
IMG_7488

Trưa đến, chúng tôi ngồi ăn trưa trong vườn tại một quán ăn nhỏ. Tôi chọn món ăn có cái tên rất buồn cười “Jacket Potato” – Củ khoai tây mặc áo khoác. Cô Lucy bảo, đây là món rất phổ biến ở Anh. Đến lúc nhìn thấy bữa trưa của mình, tôi mới “Ồ, ra thế”. Khoai tây giữ nguyên vỏ, nướng trong lò với dầu olive và kem cho đến khi lớp vỏ khô, giòn, còn khoai tây bên trong mềm, vàng óng.  Khoai tây được ăn kèm với Cheddar Cheese nóng chảy mềm, một ít thịt lợn muỗi, hành vòng chiên và salad. Cô Lucy cũng gọi món này, vừa ăn tôi vừa lén quan sát cách cô sử dụng dao dĩa, cuộn những miễng khoai tây trong dây phomai dẻo, đưa lên miệng rất nhẹ nhàng, và đĩa thức ăn nhìn rất gọn gàng nữa. Còn tôi thì hơi khó khăn vì khoai tây khả bở, tôi chưa quen dùng dĩa. Cuối tuần này, tôi đến bối rối vì chuyện ngồi ăn sao cho thật tinh tế, sang trọng như những người Anh.

Coast

Ăn xong, chúng tôi lại bắt đầu “Giờ học tiếng Anh” về chủ để các loại cây. Chuyện bắt đầu là, cô Claire khen tôi có chiếc dây chuyền hình cỏ bốn lá rất dễ thương. Đó là chiếc dây chuyền bố mẹ tôi tặng từ hồi tôi học lớp 11. Tôi thích nó không chỉ vì nó đẹp mà cỏ bốn lá còn mang đến những điều may mắn. Nhưng chú Andy lại nói:

  • Chú nghĩ cỏ 4 lá là truyền thuyết, vì chú chỉ thấy cỏ 3 lá thôi, chưa bao giờ thấy 4 lá cả.

Thực ra tôi cũng chưa bao giờ thấy cỏ 4 lá, chắc hàng trăm nhánh cỏ 3 lá sẽ có một bông cỏ 4 lá thật đặc biệt, và đã là đặc biệt thì đâu dễ dàng tìm kiếm. Chúng tôi ngồi ăn dưới tán thông, cô Claire lại chỉ cho chúng tôi các từ khác nhau để chỉ cây thông giáng sinh, hay cây thông lá kim, tán rộng như trong rừng thông. Bài học tiếng Anh về các loại cây cứ thế tiếp diễn, cho đến khi chúng tôi đứng dậy chuẩn bị đi về. Trước khi về nhà, chú Andy lại lái xe cho chúng tôi tham quan một vườn hoa ở gần đó. Tôi hỏi cô Claire về loài hoa Poppy, một loại hoa người Anh thường dùng để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Hoa Poppy không chỉ có màu đỏ tươi như tôi thường thấy ở những vòng hoa đặt trên các khu tưởng niệm ở London mà còn có màu tím, màu vàng. Người ta kể rằng, hồi chiến tranh thế giới thứ nhất, có những người lính ngã xuống, chỉ được chôn vội ở chiến trường. Nhưng sau này, người ta thấy trên những ngôi mộ đó, hoa Poppy nở đỏ rực. Bởi vậy, hoa Poppy trở thành biểu tượng, tưởng nhớ về những người lính đã ngã xuống.

20190608_122706
20190609_151531

Chúng tôi vội về để kịp chuyến tàu về London. Đi lâu ngoài trời nắng khiến tôi mệt ngủ gục trong xe. Về đến nhà, chỉ còn 20 phút nữa là tàu chạy, chúng tôi chạy vội lên phòng lấy đồ rồi xuống nhà. Cô Claire sẽ ở nhà để chú Andy và cô Lucy đưa hai chúng tôi ra bền tàu. Tôi nhìn lại ngôi nhà đáng yêu này một lần trước khi rời đi mà không biết liệu tôi còn có cơ hội quay lại. Tôi bảo với cô Claire rằng:

  • Cháu cám ơn cô chú vì đây là trải nghiệm đậm chất Anh nhất cháu từng được trải nghiệm.

Cô Claire ôm chúng tôi, chúc chúng tôi nhiều điều trong những hành trình sắp tới rồi đến lúc chúng tôi phải đi. Đi xa khỏi London, sống giữa một làng quê yên bình, sống cùng những người Anh, ăn một bữa cơm sum vầy với gia đình người Anh, tôi mới hiểu hóa ra nước Anh không chỉ có tháp Big Ben, cầu Tháp, xe bus hai tầng và những bốt điện thoại đỏ tươi. Nước Anh trong tôi có những điều không hữu hình để có thể gọi thành tên mà chỉ là những cảm nhận mà tôi cố gắng ghi nhớ và cất giữ trong tâm trí.

Chú Andy và cô Lucy đợi cùng chúng tôi cho đến khi tàu đến. Cô Lucy cũng không quên dặn chúng tôi nhớ ghé thăm một vài thành phố trong danh sách ưa thích của cô trong thời gian chúng tôi ở Anh như là Brighton, rồi hai cô chú ôm chúng tôi trước khi chúng tôi lên tàu.

Có 3 ngày cuối tuần, mà tôi cảm giác như mình gắn bó với gia đình nhỏ này lắm. Lúc biết đến Host UK và dự định đăng ký, tôi đã tưởng tượng ra một trải nghiệm kiểu khác. Tôi từng kỳ vọng một chuyến du lịch kiểu như thức dậy giữa lâu đài cổ chẳng hạn. Mới tuần trước, tôi còn nghi ngờ hỏi liệu Liss có gì thú vị, nơi có lẽ nếu là một khách du lịch tôi sẽ chẳng bao giờ đến, thậm chí còn chẳng xuất hiện trong cuốn sách du lịch Anh của tôi. Nhưng cuộc sống này thú vị chính bởi những điều bất ngờ mà người ta không thể biết trước được và những trải nghiệm không theo đúng kế hoạch.

20190609_151219

Tháng 6/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng sinh viên quốc tế giạm mạnh cùng những chính sách giãn cách, khuyến khích ở trong nhà khiến cho hoạt động của Host UK ảnh hưởng nghiệm trọng. Host UK kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để đưa tổ chức vượt qua được khó khăn. Tôi vét nốt những đồng Bảng cuối cùng trong tấm thẻ Debit dùng ở UK, với hi vọng mọi khó khăn sẽ qua và điều tốt đẹp vẫn luôn giữ gìn. Tôi cũng vấn giữ liên lạc với cô Claire qua mail và Facebook. Cô chú vẫn luôn vui vẻ với cuộc sống bình yên và thực hiện những điều tích cực.

Những bài viết khác về trải nghiệm ở UK của tôi: 444 days in the UK

Những tấm ảnh ở Host UK: Flickr Phuong Anh Violet