Ngày 15/9/2018

Thư đến London và tôi chính thức được vào nhà. Tôi với Thư quen nhau chắc chỉ khoảng 1 tuần trước khi hai đứa quyết định ở chung để chia tiền phòng trong cuộc sống đắt đỏ London. Thư cũng là người tìm thấy ngôi nhà này qua những người bạn đang học tại Anh. Hồi đó, tìm nhà ở London vất vả, Thư lo lắng mấy tuần liền. Ban đầu, hai đứa định ở International Student House (ISH) là một nhà sinh viên liên kết với nhiều trường đại học ở London, lại còn ngay trung tâm cách trường tôi và trường Thư chỉ khoảng 500m, đối diện công viên Regent Park. Ban đầu, nhìn ảnh giường tầng tôi cũng hơi lo lắng, nhưng hỏi mãi chẳng biết tìm nhà ra sao, tôi đành chấp nhận, Thư thích ở tầng 1 thì tôi ngủ giường tầng 2 (dù cũng sợ leo trèo). Chúng tôi cũng tìm được vài ngôi nhà khác, nhưng không chỗ nào thực sự ưng ý. Đến một ngày, Thư nhắn cho tôi:

  • Chị ơi, em tìm được nhà rồi. Nhà có cả đàn Piano cho chị luyện tập nhé.

Tôi vào trang web, thấy những căn phòng màu sắc tươi sáng và ảnh một cây Piano Upright Kawai đen nhánh, tôi thích mê rồi ngồi cả sáng làm đơn đăng ký. Để dành học bổng đi học tôi viết 4 bài luận thì để đăng ký vào ngôi nhà này, tôi viết 3 bài, thậm chí Thư còn phải xin thư giới thiệu để làm ddownd đăng ký nhà ở. Điều đó cũng khiến tôi khá yên tâm bởi những người sẽ cùng sống với tôi cũng đã được chọn lựa lỹ lưỡng.

Sáng sớm, háo hức ngày được vào nhà, tôi bắt xe từ khách sạn khu Bayswater về Bloomsbury. Xe bắt đầu khi vào con phố vắng với những ngôi nhà gạch đỏ cổ kính. Vào đến cửa nhà số 30 đường Thanet, tôi đã thấy Thư ở quầy lễ tân với một đống hành lý. Cậu bạn người Ấn giúp chúng tôi làm thủ tục, hướng dẫn các quy định cần thiết và giúp chúng tôi kéo đồ lên phòng. Phòng chúng tôi ở tầng 5 nhà Eding nhưng thang máy chỉ có đến tầng 4, hai đứa con gái và cậu bạn người Ấn kéo đồ lên cầu thang mệt rã rời. Cuối cùng chúng tôi cũng lên được phòng, hai đứa ngồi thở hổn hển. Cậu ấy cũng không quên dặn:

  • Hôm nay thứ 7, các cậu đến sớm quá, mình vừa ngủ dậy, nên nếu mình quên và nói thiếu ý nào cũng thông cảm nhé.

 Phòng của chúng tôi màu da cam. Tôi cũng hơi thất vọng vì xem trên web là màu xanh lá cây tươi sáng hơn. Trung tâm chỉ có 2 phòng đôi, một phòng ở tầng 4 màu xanh lá cây đã có 2 cô bạn người Trung Quốc ở và phòng của chúng tôi. Nhưng ở lâu rồi, tôi lại thích màu da cam, bởi nó mang lại cảm giác ấm áp.

ILSC (2)
Một số góc trong nhà
My room
Phòng của chúng tôi

Chúng tôi kiểm tra các vật dụng trong phòng rồi sắp xếp đồ đạc. Trước khi nhận phòng, chúng tôi có một tờ xác nhận kiểm tra tình trạng và số lượng đồ đạc trong phòng gồm giường, tủ, đệm, ga trải giường. Dù tiếng Anh của hai đứa cũng không đến nỗi tệ, nhưng nhìn danh sách đồ đạc, ga, vỏ ga, vỏ gối, tấm nệm, các thể loại cũng tôi cũng hoa cả mắt. Chúng tôi dỡ đồ mang sang. Đồ ăn cầm sang tôi xếp vào tủ ở bếp, còn lại cho những chiếc vali to lên nóc tủ. Theo đúng lời dặn dò từ các tiền bối, tôi mang 2 vali, trong đó 1 vali lớn để toàn đồ ăn, còn vali nhỏ để quần áo. Lúc tôi xếp quần áo vào trong tủ, nhìn tủ vẫn như trống không chỉ có 2 cái áo khoác mỏng phất phơ trong tủ. Thư ngạc nhiên hỏi:

  • Quần áo chị chỉ mang có thể thôi hả?

Tôi cũng thấy hơi lo lắng, vì thực ra, chiếc vali nhỏ này tôi thường dùng để đựng đồ trong những chuyến đi 4 đến 5 ngày.

Đến chiều, hai đứa đi loanh quanh khu quanh nhà để tìm siêu thị và mua những đồ dùng cần thiết và bắt đầu khám phá Bloomsbury.

Kitchen
Căn bếp chung, nơi chúng tôi ăn sáng mỗi ngày

Nhà của chúng tôi tên là International Lutheran Student Center (ILSC), nằm trong khu Bloomsbury, giữa hai con đường lớn là Euston Road và Holborn, ở rìa phía Đông khu vực zone 1, khu vực trung tâm của London. Mấy ngày đầu đến tôi đã thắc mắc, tại sao thủ đô London mà vắng vẻ đến vậy, như khi tôi ở trong Marylebone Village và giờ đến Bloomsbury. Chiều chúng tôi đi dạo qua khu Bloomsbury square mà chẳng thấy người, chỉ thấy một khu những ghế đá trống trơn giữa một khu vườn đầy cây xanh và bình lặng. Bloomsbury là khu vực của các nhà thơ, nhà văn và giới tri thức. Xung quanh nơi chúng tôi sống là những khu học xá của trường đại học London, viện bảo tàng Anh Quốc (British Museum), thư viện quốc gia (British Library), nhà ga St Pancras tráng lệ mang nét kiến trúc Gothic cổ kính xây dựng từ thời Victoria, ga King Cross với bến tàu 9 ¾ nhiệm màu trong Harry Potter… Từ xưa, Bloomsbury nổi tiếng là một trung tâm mua bán sách truyền thống, một đứa thích đọc sách như tôi thích mê mỗi lần đi qua những cửa hàng sách cũ, và cả cửa hàng Waterstone với những giá sách nâu trầm bóng loáng được bày biện đẹp đến nỗi bạn chỉ muốn lạc trong đó cả ngày. Tôi mua được một cuốn sách viết về nhạc cổ điển trong cửa hàng sách cũ. Tôi đã tìm một cuốn sách như thế này từ rất rất lâu, từ hồi đại học khi bắt đầu đi nghe hòa nhạc ở Hà Nội, nhưng sách về âm nhạc tôi tìm thấy trong các hiệu sách ở Việt Nam chỉ có các tuyển tập bản nhạc mà không hề có sách phân tích, hay giới thiếu các vấn đề căn bản về âm nhạc hàn lâm. Giờ đây, tôi đã tìm thấy “kho báu” của mình với giá 1 bảng. Còn có rất nhiều sách về nghệ thuật, phim ảnh, những bộ sưu tập công thức nấu ăn của Golden Ramsey nhìn chỉ muốn ôm hết. Sống ở Bloomsbury, chúng tôi cũng là “hàng xóm” của khá nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có nhà văn Charles Dicken (sống ở đây từ năm 1837 đến năm 1839), tác giả thuyết tiền hóa Charles Darwin (từ năm 1838 đến năm 1842), nhà lãnh đạo Lenin (năm 1902 – 1908) và còn ngay gần Russel square – nơi ở cảu gia đình Sedley trong tiểu thuyết “Hội chợ phù hoa” của nhà văn William Makepeace Thackeray.

Chales Dicken
Bảo tàng Charles Dicken

Vẫn còn đang chênh lệch múi giờ, ngày đầu tiên, cả hai chị em đều thức dậy lúc 5h sáng. Nhà chúng tôi có phục vụ bữa sáng nhưng cuối tuần 8h30 bữa sáng mới bắt đầu, ngày thường là 7h30. Cà hai đứa bụng đói meo, đếm từng phút để xuống ăn. Ngày chủ nhật, thực đơn bữa sáng gồm có bánh Croissant, các loại cheese, cháo yến mạch ăn kèm với hạnh nhân, và mứt quả, sữa chua với hoa quả tươi, nước quả và sữa đậu nành, trà, cà phê và socola. Sau này, ngày chủ nhật trở thành ngày ăn sáng yêu thích nhất của chúng tôi, vì bánh Croissant các cô nướng rất ngon, vỏ giòn còn bên trong rất mềm, thơm mùi bơ. Tôi cũng bắt đầu quen dần với món cháo yến mạch, món baked bean, sữa chua Hi Lạp không đường, và pho mai Cheddar – loại pho mai phổ biến nhất nước Anh. Những ngày sau đấy, mỗi sáng, cả hai đứa đều dậy đúng giờ là người đầu tiên chạy xuống phòng ăn, tươi cười chào các cô làm bếp “Good morning” và háo hức xem bàn ăn sáng có món gì. Các cô sẽ chào lại chúng tôi bằng nụ cười và giọng nói trầm ấm “Good morning, my dear”. Hai đứa còn vẽ hẳn một bảng thực đơn ăn sáng để trong phòng, ở lâu trong nhà dù cũng quen với thực đơn bứa sáng nhưng chẳng hiểu sao mỗi ngày mới với tôi đều thấy háo hức.

20190118_074510
Bứa sáng ngày thứ 6 là bữa no đủ nhất với British Full Breakfast

Khu nhà của chúng tôi có tất cả 80 sinh viên, đều là sinh viên quốc tế đến London học thạc sĩ hay tiến sĩ. Bữa sáng là khoảng thời gian mọi người giao lưu. Mỗi tầng chúng tôi ở là một gia đình nhỏ có 10 thành viên gồm cả nam và cả nữ với nhiều quốc tịch khác nhau. Vì là một gia đình nhỏ, nên chúng tôi biết mặt và thân nhau khá nhanh. Đầu tháng 10, trung tâm tổ chức một buổi dã ngoại cuối tuần cho tất cả các thành viên trong gia đình. Đó là ngày tôi tiếc nhất khi không được đi vì lớp tôi có bài kiểm tra. Thư bị vướng deadline bài luận ở trường. Sáng hôm ấy, trước khi xe khởi hành chú quản lý lên từng phòng gõ cửa xem còn đứa nào bị bỏ lại lại không. Tầng tôi thì còn sót lại tôi, Thư và cậu bạn người Trung Quốc. Nhưng gia đình là nơi không ai bị bỏ rơi. Buổi tối, mấy cô cậu không thể lên chuyến xe đi dã ngoại cùng gia đình lại tổ chức ăn uống dưới phòng Game room. Đó là lần đầu tiên chúng tôi biết đến bữa tiệc kiểu potluck. Mỗi người sẽ mang đến góp một món để có một bữa tối thịnh soạn.

20181006_212912

Ngoài ra, bởi phần lớn các bạn đều là người Công giáo nên sẽ có cầu nguyện và các Service vào cuối tuần hoặc một số ngày cố định trong tuần ở nhà thời nhỏ dưới tầng hầm. Còn tôi thường đợi những lúc nhà thời không có ai để xuống tập đàn Piano. Sự kiện trọng đại được chờ đợi nhất trong năm đó là International Dinner. Đó là bữa tiệc mà 80 thành viên trong gia đình từ khắp nơi trên thế giới đều tham gia. Chúng tôi làm những món ăn truyền thống, cùng trò chuyện, cùng nhảy múa đến tận khuya. Ở trong một môi trường đa dạng, tôi cũng bắt đầu làm quen với sự cẩn thận. Ví dụ, có những bạn Vegetarian hay thậm chí Vegan thì sẽ không ăn đồ thịt, có những bạn dị ứng hành/ nầm, có bạn dị ứng hải sản, có bạn dị ứng Gluten… Bởi vậy, mỗi món ăn đều phải ghi rõ thành phần, và giới thiệu về cách chế biến.

ILSC 3

Tầng (flat) tôi ở có màu cam, cả thảm, tất cả cửa, rèm của các phòng đều màu cam. Tầng có 10 người, dùng chung nhà vệ sinh, nhà tắm, bếp. Lúc mới đến, cô Miram (quản lý nhà) hẹn chúng tôi vào 1 buổi sáng để họp tầng, cô không quên mang theo 1 hộp kẹo socola. Anh bạn trưởng tầng học Tiến sĩ người Đức, một cô bạn học trường nhạc người Đức, một cậu bạn học làm phim người Trung Quốc, 2 cô bạn học y tế cộng đồng người Hàn Quốc và Ấn Độ, một cô bạn học lịch sử người Mỹ, một bạn người Paraguay, và một anh chàng nhỏ tuổi nhất người Pháp. Cô Miram cũng luôn tạo điều kiện để chúng tôi tụ tập, ngoài hôm dã ngoại, chúng tôi còn có những tối Floor Dinner ăn cơm chung với nhau. Cô Miram sẽ tặng chúng tôi rượu và nước ngọt. Những ngày như vậy, chúng tôi thường nấu đồ Việt Nam, bánh trôi, chè đậu xanh và nem.

Điều duy nhất tôi thấy hơi khó khi ở flat là chúng tôi khá giữ ý với nhau. Tôi luôn cố gắng không muốn làm phiền các bạn. Ví dụ, ngày đầu tiên tôi mới đến, nấu bữa tối, đúng ngày cậu bạn dẫn bạn gái về ăn một bữa tối lãng mạn, tôi không muốn làm kỳ đà chút nào, nên bê đĩa thức ăn của mình về phòng. Hay dù có ai đó rửa bát đũa dùng chung không sạch, mọi người cũng vẫn rất vui vẻ đi rửa lại. Và vì ai cũng hiền, cũng nhã nhặn như vậy, nên cuộc sống của chúng tôi rất hòa thuận, êm đềm. Nhà của chúng tôi lúc nào cũng đầy màu sắc và tràn ngập tiếng cười, các cô quản lý luôn quan tâm. Cứ mỗi tháng, anh bạn trưởng tầng người Đức lại nhắn hỏi xem chúng tôi có ý kiến, góp ý nào không để cậu báo xuống với ban quản lý. Tất cả chúng tôi thường đều chẳng có ý kiến gì, nếu có ý kiến có lẽ cũng chỉ toàn lời khen. Và cứ mỗi lần đi chơi xa, được 4 ngày, tôi với Thư lại mong ngóng quay lại ngôi nhà màu cam, nơi chúng tôi cảm thấy an toàn, bình yên và được yêu thương.


Lúc mới sang, chúng tôi vẫn cần phải đi mua sắm thêm một ít đồ đạc, trước hết là mắc áo, giá phơi quần áo và móc treo quần áo cùng với thức ăn trong một tuần tới.  Thư ngồi tìm các chương trình khuyến mại, giảm giá dành cho sinh viên. Từ các trang web học trực tuyến, lập tài khoản Amazon Student Prime để mua đồ được miễn phí vận chuyển, xem phim, nghe nhạc miễn phí mà chúng tôi có thể đăng nhập bằng tài khoản sinh viên ở trường. Chính điều đấy mà tôi cảm thấy tấm thẻ sinh viên ở Anh thật “quyền lực”.

Ngoài đi chơi đến những địa điểm nối tiếng, háo hức khám phá London bằng đôi mắt đầy tò mò, chúng tôi còn có những niềm nhỏ bé mỗi ngày đó là xuống hòm thư và xem mình có thư gửi đến không. Mấy ngày đầu chúng tôi chỉ nhận được toàn thẻ ngân hàng, thẻ tích điểm siêu thị. Một niềm vui khác là đi dạo trong siêu thị, đặc biệt là siêu thị Waitrose trong khu Brunwick với những dãy hàng được sắp xếp bắt mắt. Cứ mỗi lần đi siêu thị như thế, hai chúng tôi lại nghĩ ra rất nhiều kế hoạch, bao món ăn muốn nấu. Nhà chúng tôi gần Waitrose, nhưng thường chúng tôi chỉ vào Waitrose để ngắm vì đồ trong đó rất đẹp nhưng đắt hoặc tôi mua 1 món duy nhất trong đó là Cam (đồ rất tươi, mua 2 tặng 1), và lấy những tờ công thức nấu ăn, xếp đầy nhà nhưng cuối cùng chúng tôi chẳng nấu món nào.

Đi siêu thị cũng là cách chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của người Anh qua những thực phẩm, những món đồ họ mua hàng ngày. Hệ thống siêu thị ở Ảnh rất đa dạng. Siêu thị cao cấp nhất tôi thấy là Waitrose và Mark&Spencer. Phổ thông và phổ biến hơn sẽ có Saintbury và Tesco. Còn đồ rẻ nhất phải kể đến Aldi và Lidle nhưng hệ thống siêu thị giá rẻ này tập trung nhiều hơn ở khu vực xa trung tâm. Còn đồ châu Á có thể mua ở China Town (có 2 cửa hàng, cửa hàng màu đỏ bán đồ kiểu Trung Quốc, còn cửa hàng màu xanh da trời bán đồ của Thái). Cửa hàng Việt Nam có thể mua ở Long Dan hoặc Lý Trang. Nhìn chung, đi chợ ở London không đắt. Tuần nào chăm chỉ, hai chúng tôi sẽ đi bộ ra khu Camden để đi Lidle (khoảng 20 phút) còn bình thường chúng tôi đi Tesco Metro (Metro là siêu thị cỡ trung, còn siêu thị nhỏ là Tesco Express giống như cửa hàng tiện lợi giá đắt hơn, còn đại siêu thị là Tesco Extra có tất cả những gì bạn cần trên đời giá sẽ tốt hơn). Mỗi tuần, tôi đi chợ một lần vào chiều chủ nhật, tôi bỏ đầy chiếc túi tote đi chợ của mình là đã mua đủ rau, hoa quả, thịt, đồ khô cho 1 tuần. Chi phí một tuần đi chợ của tôi chỉ từ 6-8 bảng, hôm nào sang lên hay mua xà phòng, gạo thì mới lên 10 bảng. Như vậy mỗi tháng tiền đi chợ của tôi chỉ khoảng 50 bảng cho bữa tối và bữa trưa mang đi học (bữa sáng của chúng tôi được các cô chuẩn bị mỗi ngày). Tôi để budget 100 bảng tiền ăn/ tháng là cũng đã chi kha khá cho những ngày ăn ngoài, tụ tập bạn bè.

ILSC 3 (1)
Trên đường hai đứa đi chợ đi qua nhà thở cổ St Pancras
Neighborhood
Bloomsbury square

Hai đứa ổn định cuộc sống trước khi đến ngày nhập học chính thức. Chúng tôi đều có thể đi bộ tới trường. Thư đi chỉ mất 15 phút, còn tôi thì mất 30 phút nhưng đường đi của tôi rất thằng, từ nhà đến trường chỉ cần đi 1 trục đường chính Euston Road. Tôi cũng đã tính toán, nếu đi tàu underground, tôi sẽ phải vòng lại ga St Pancras một đoạn, và còn mất thời gian đợi tàu, nhà ga trật trội buổi sáng. Còn nếu bắt xe bus, tôi cũng mất 30 phút và mất thêm 1,5 bảng tiền xe. Vậy là tôi chọn đi bộ. Tôi thích những buổi sáng đi bộ và ngắm nhìn thành phố khi ngày mới đến và lắng nghe ca khúc “Street of London” của Ralph McTell. Tôi đi bộ qua ga Euston, qua bệnh viện UCH, công viên Regent park và khi đi qua tháp BT Tower, tôi thấy hàng chữ chạy quanh đỉnh tháp “Good Morning, London”, tôi như thấy mình là một phần của nơi đây. Cuộc sống du học sinh chính thức bắt đầu trong ngôi nhà màu da cam ấm áp và luôn tràn ngập tiếng cười trong góc phố yên bình của London.

20190131_225812

Những bài viết khác trong hành trình khám phá nước Anh:

Nhật ký 444 ngày ở UK

Further reading: 10 reasons why Bloomsbury is the coolest place in London