Kinh nghiệm apply học bổng Chevening

Học bổng Chevening mở đơn vào tháng 8 cho đến tháng 11 hàng năm, các bạn hãy nhanh tay apply nhé. Còn dưới đây là câu chuyện apply của mình.

IamChevening

Bài viết sẽ rất dài . Tất nhiên trải nghiệm là của riêng mỗi người, mình đã viết một cách hoàn toàn theo suy nghĩ cá nhân. Nếu bạn chỉ muốn đọc phần kinh nghiệm ứng tuyển hãy chuyển luôn xuống phần 8 nhé.

Mình bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ tháng 6/2017 (từ lúc gửi mail cho thầy giáo ở trường để xin thư giới thiệu) và nhận được kết quả vào tháng 6/2018. Mình vừa đặt chân xuống London, chưa ổn định cuộc sống, vẫn mọi thứ ngổn ngang. Thành phố này quá khác với tưởng tượng của mình. Nó đẹp hơn rất nhiều. 

1. Tại sao chọn học bổng Chevening?

Câu hỏi này sẽ gặp lúc phỏng vấn nhưng mình nghĩ đó là câu hỏi đầu tiên khi bắt đầu tìm hiểu và quyết định apply học bổng.

Từ hồi đại học mình đã follow tất cả các trang thông tin chia sẻ thông tin học bổng qua facebook cũng như email. Trong đó những học bổng chính phủ như học bổng Chevening, Fulbright, DAAD, Erasmus Mundus, AAS …thì mình đã ngắm từ rất lâu và tất cả các anh chị được học bổng danh giá đó mình đều vô cùng vô cùng ngưỡng mộ.

a) Chuyện đi học

Hôm đến trường nhận bằng tốt nghiệp, bạn ở lớp hỏi mình “Cậu có bằng xuất sắc không”. Mình lúc đó chỉ muốn chui ngay xuống gầm bàn.

Suốt 4 năm đại học mình khá là tham lam, tham gia nhiều hoạt động. Hồi sinh viên, mấy đứa vẫn ngồi với nhau nói về ước mơ “cứu thế giới”. Bạn bè hay thấy trên facebook là mình suốt ngày đi thi, với làm dự án, nên chắc các bạn nghĩ mình phải là đứa sinh viên nghiêm túc lắm. Sự thật là điểm mình thấp lẹt đẹt. Mình không hối hận vì 4 năm đại học, cũng không muốn giải thích quá nhiều nhưng lúc tốt nghiệp thực sự buồn. 

Xấu hổ vì kết quả tốt nghiệp, chùn bước không dám apply học bổng đi học tiếp, biết mình chẳng có cơ hội cho các học bổng merit base, không tìm được công việc vừa ý, mọi thứ chông chênh ập đến với một đứa yếu đuối và hay kêu ca.

Mình gọi đó là “khủng hoảng tuổi 22” hay “vô sản”: Không đi học, không việc làm, không có người yêu, nhan sắc tầm thường, tài năng cũng chẳng có lại còn kén chọn. Giờ mới hiểu tại sao Taylor Swift có bài 22 mà ko có bài 20. À, nếu bạn cũng đang “thất nghiệp” hay không hài lòng với công việc thì mình xin chia sẻ thành tích rải CV của mình là “60 bộ hồ sơ” cả Nam cả Bắc. Mình chẳng dám về quê tại cứ thò đầu ra cổng lại gặp người quen “Đi làm chưa cháu?”. (Minh có nên nhân tiện đây để nói rằng xã hội luôn làm khổ nhau bởi những câu hỏi không nhỉ?)

Mình là đứa làm gì cũng có kế hoạch và mục tiêu, đến khi chẳng biết mục tiêu là gì thì mình trở nên mung lung, và mọi thứ trở nên rất đến đáng sợ.

The latter to come is always a better one, at least because it comes with a better “us”.

b) Chuyện đi làm

Mình kết thúc thời gian thất nghiệp vào tháng 12/2015 khi bắt đầu làm việc tại Vietnam Airlines. Thực sự thì mình rất thích công việc của mình. Mình chưa bao giờ từ chối một công việc gì từ những việc nhỏ hay những việc vặt vãnh. Niềm vui trong công việc có thể đến từ những điều bé xíu như lần đầu tiên biết dùng hàm Vlookup, lần đầu tiên chạy Pivot hay lần đầu tiên làm được cái file Excel bảng số loằng ngoằng … Thế là đủ vui rồi và mỗi ngày mình lại được được một cái mới.

Nói chung là mình tìm được công việc đủ để mình thấy hài lòng về cuộc sống hiện tại. Nhiều bạn cũng hỏi mình, liệu mình hài lòng với công việc đó đến như thế thì còn muốn đi du học nữa không?

c) Chuyện thay đổi

Giữa những ngày thực sự bình lặng, vào ngày sinh nhật của mình năm 2016 khi mình nhận tin chuyển phòng. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng lúc nói chuyện với chị trường nhóm xong, mình chạy đi lau nước mắt (cũng tại chị ấy nói mùi mẫn quá đi). Bạn hãy tưởng tượng, mọi người nói phòng mới là “Căn phòng không có ánh sáng mặt trời” bạn có muốn đi không? =)))

Thực ra mình nghĩ sang phòng mới cũng hay, nhưng mình thấy tiếc vì ở phòng cũ đang vui, cũng còn rất điều ở vị trí cũ mình muốn tiếp tục hoàn thiện và giờ sang phòng mới, lại bắt đầu lại từ đầu. Thực sự tâm trạng thì có buồn, có chút lạc lõng, nhưng cũng chẳng còn cách nào ngoài việc đặt niềm tin vào sự thích nghi của bản thân, ở đâu thì mình cũng sẽ ổn.

Và  …

Sự thay đổi đó đã cho mình rất nhiều cơ hội. Sang phòng mới, môi trường mới, mình gặp nhiều bạn mới, được làm nhiều dự án với chuyên môn sâu. Chính đặc thù công việc dài hạn, cần đọc nhiều tài liệu, hay gặp gỡ đối tác nước ngoài mình mới nhận thấy mình cần đi học và phải học ngành hàng không.

Nhân tiện sự thay đổi trong công việc, mình làm luôn một công cuộc thay đổi bản thân, đi học tất cả những gì mình muốn. Mình cũng không còn sợ sự thay đổi nữa mà học cách sẵn sàng hơn với những điều mới mẻ, và đến bây giờ thì nếu môi trường xung quanh không thay đổi mình còn phải tự đổi mới chính mình.

Thay đổi không phải vì mình không tốt, mà mình chỉ muốn mình tốt hơn.

Gần ba năm đi làm, vài lần thay đổi mục tiêu rồi mình trở thành ai đó hơi khác so với tưởng tượng của mình từ nhỏ. Thế mới biết, kế hoạch này sụp là để lập ra một kế hoạch mới.

d) Chuyện tìm đường đi học

Mục tiêu của mình lúc đó là học một khóa học thạc sĩ về quản trị hàng không và mình xác định chỉ đi học khi khóa học đó đúng ngành mình muốn học.

Mình đã dành cả tháng trời chỉ để search các khóa học thạc sĩ về quản trị hàng không, nội dung chương trình, yêu cầu đầu vào, thời gian học, mức học phí, học bổng… Cách search của mình là mở phần Lời mở đầu cuốn sách “Flying off course – Rigas Doganis” (cuốn sách mà hầu như ai làm hàng không cũng đọc), mình thấy tác giả cảm ơn trường Westminster và Cranfield, và đó là 2 trường đầu tiên mình có manh mối về khóa học mình muốn. Sau đó mở tiếp phần tài liệu tham khảo để tìm và gõ tên chính xác của khóa học mình muốn lên google “Air transport management”, paraphrase đi một chút thành “Aviation management” và mình có kết quả. Không liên quan nhưng đúng lúc cần google nhất thì mạng mẽo có vấn đề, quá buồn.

Kết quả mình nhận được thì chương trình học phù hợp với công việc của mình tại công ty chỉ có ở Anh. Mình cũng cân nhắc tới các trường ở Úc với cơ hội học bổng Australia Awards Scholarship (AAS) nhưng chương trình ở Úc khá rộng, không tập trung vào phần mình muốn học, hai là AAS cần quá nhiều giấy tờ thủ tục, xác nhận để apply mà mình thì không thích sự ồn ào. Các chương trình về hàng không cũng có ở Mỹ và các nước Châu Âu, nhưng chủ yếu là cho ngành kỹ thuật, phi công.

Tóm lại tất cả những gì mình có được trong cuốn sổ tay là danh sách 6 trường đại học ở Anh và có thể suy nghĩ thêm 2 trường ở Úc. Cơ hội ở Úc thì mong manh vì ngại khoản giấy tờ. Trong số 6 trường ở Anh có mấy trường yêu cầu những chứng chỉ chuyên ngành (chứng chỉ phi công, kiểm soát không lưu, kỹ thuật…) mình không có nên mục tiêu trở nên hẹp và cụ thể hơn.

Mình quyết định chỉ apply 2 chương trình học bổng là full scholarship for ASEAN students của trường Westminster và học bổng Chevening. Mình nhận được kết quả không đỗ học bổng của Westminster từ tháng 10/2017 (giấc mơ Westminster tan tành lần thứ 2), và tất cả những gì mình có thể cố gắng thời điểm đó là Chevening.

Các bạn của mình cũng khuyên mình hãy mở rộng cơ hội học bổng của mình, apply ngành rộng hơn, nhưng thực sự sẽ rất khó để trả lời câu hỏi tại sao bạn chọn ngành đấy trong SOP nếu mình không thực sự thích. Tính cách của mình, làm gì cũng phải có kế hoạch và mục tiêu và đã vậy đã quyết thì cứng đầu không thể thay đổi. Hai nữa là, đi học khi công việc đã ổn định cũng là một sự đánh đổi, và mình cũng rất sợ khi nghĩ rằng “Thôi đi học tạm 1 ngành, về tính tiếp”.

Mình nhớ hôm phỏng vấn Chevening, khi mình nói “I clearly know the rule that we should not put all eggs on the basket, but I still put all my efforts and hope to become a Chevening Scholar 😀”, 3 thành viên phỏng vấn có các bác đại sứ Anh cười lên thành tiếng =))) Mình nói xong cũng tự thấy buồn cười.

Còn một điều nữa mình thích ở học bổng Chevening là hồ sơ gọn nhẹ, chẳng cần xin dấu ở đâu, không cần nhiều giấy tờ. Vậy nên có những thần thánh chỉ cần 5 tiếng để hoàn thành hồ sơ. Tất cả những gì cần để hội đồng đánh giá vòng hồ sơ là 4 bài luận (500 từ/bài), một số thông tin cá nhân. Thực sự mình thích điểm này bởi họ sẽ đánh giá bạn qua những gì bạn thể hiện chứ không phải qua bảng điểm đại học, hay dấu đỏ của công ty… Bạn sẽ chỉ phải update bằng đại học và 2 thư giới thiệu nếu được vào vòng phỏng vấn và nộp bảng điểm IELTS khi đã qua vòng phỏng vấn. Vậy nên nếu lười thi IELTS thì cũng không sao cả.

Và có lẽ điều không thể bỏ qua cho lý do chọn học bổng Chevening là nước Anh. Sẽ có vẻ hơi sến súa khi mình giải thích vào đây mình thích nước Anh thế nào. Từ hồi đi học, mình hay mua mấy đồ linh tinh (sổ tay, sticker, bút…) có hình London. Mình đã follow rất nhiều các trang của các bloggers viết về cuộc sống London, mình thay hết màn hình điện thoại, màn hình máy tính thành hình tháp Big Ben, London eyes. Mình còn đổi nhạc chuông điện thoại thành bài Salute D’amour (một tác phẩm của nhạc sĩ người Anh Edward Elgar mà mình rất thích) và bài Europe Skies.

Bài này rất hay ấy, các bạn hãy nghe thử 😀

Tóm lại của phần này là mình chọn học bổng Chevening bởi vì:

  • Nước Anh là nơi duy nhất mình tìm được khóa học “Air transport management” phù hợp với định hướng nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của mình.
  • Học bổng Chevening không yêu cầu bạn phải có một bảng điểm xuất sắc (nhiều học bổng trường yêu cầu bạn phải có GPA 3.5/4, hoặc trên 9.0/10 – quá xa với điểm của mình, còn Chevening thì không nói con số cụ thể, nên mình thấy mình không có vấn đề gì về tiêu chuẩn cả).
  • Hồ sơ gọn nhẹ đơn giản, đáng để bạn thử sức.
  • Mình thích nước Anh.
  • Ngoài ra, các anh chị cũng chia sẻ với mình, chương trình thạc sĩ 1 năm là khoảng thời gian vừa đủ. Khi mà bạn đã có sự nghiệp rộng mở, hướng đi rõ ràng hay thậm chí các anh chị đã có gia đình, thì việc gác lại cuộc sống và sự nghiệp để đi học cũng là cả một sự đánh đổi lớn.
  • Và càng tìm hiểu về Học bổng Chevening bạn sẽ thấy Chevening là một cộng đồng tuyệt vời, không chỉ được học khóa học thạc sĩ tại Anh, bạn còn được tham gia rất nhiều hoạt động của Chevening, làm quen nhiều người bạn mới tài năng với nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau.

2. Tại sao sao Chevening chọn bạn?

(Thực ra thì câu này mình cũng không trả lời được đâu) 

Giữa năm 2017, một ngày đọc báo mình thấy đập ngay vào mắt 1 câu.

Ước mơ nào cũng phải có deadline.

Mình lên mạng đọc kỹ yêu cầu trên web chính thức của Học bổng Chevening, mình có thể đánh giá được cơ hội của mình đến đâu:

Chevening offers a unique opportunity for future leaders and influencers from all over the world to develop professionally and academically, network extensively, experience UK culture, and build lasting positive relationships with the UK. → Đoạn này khá là “trừu tượng” nhưng điều Chevening tìm kiếm là “Future Leaders” chứ không phải “Current Leaders” và mình còn thiếu sót nhiều nên mình mới phải đi học và mong muốn tạo nên sự thay đổi tích cực. Vậy nên, apply cũng là một lần thử sức với “cơ hội đổi đời”.

To be eligible for a Chevening Award you must:

  • Be a citizen of a Chevening-eligible country → Việt Nam có trong danh sách này, là người Việt Nam thuần chủng tất nhiên là mình đạt yêu cầu.
  • Return to your country of citizenship for a minimum of two years after your award has ended → Không vấn đề. 
  • Have an undergraduate degree that will enable you to gain entry onto a postgraduate programme at a UK university. This is typically equivalent to an upper second-class 2:1 honours degree in the UK. →  Với Chevening, bạn có thể apply hầu hết chương trình thạc sĩ 1 năm tại Anh, có hàng ngàn lựa chọn. Việc xin admission của trường trong khả năng của bạn (nhưng thực ra mình cũng bị 2 trường từ chối do không đủ chứng chỉ chuyên ngành và năm kinh nghiệm) nên xin được nên bạn nên xin thư nhập học càng sớm càng tốt.
  • Have at least two years’ work experience (this may be up to five years for fellowship programmes, so please refer to your country page for further details) → Cái này nhiều em vừa tốt nghiệp đại học cũng hỏi nhưng thực sự 2 năm kinh nghiệm làm việc rất quan trọng để mình xác định mình thích gì, muốn học gì, và điều đó quyết định bạn có được chọn hay không. Ít ra môi trường đi làm nó giúp mình trường thành và tự tin hơn với cuộc sống tự lập.  Mọi thứ đều có thể thay đổi khi đi làm. Kinh nghiệm của Chevening được tính bằng giờ làm việc nên đó cũng là cơ hội cho nhiều em muốn đi học nếu đã có kinh nghiệm part-time từ hồi đại học.
  • Apply to three different eligible UK university courses and have received an unconditional offer from one of these choices by 12 July 2018 → Mục này  mất thời gian công sức, tốn nơ ron thần kinh nhất. Bạn nên đọc kỹ từng khóa học, chương trình học, hay thậm chí xem môi trường sống xung quanh như thế nào.  Việc đi học, vượt qua những kỳ thi, xa gia đình, có thể không có bạn bè không phải điều dễ dàng, nên hãy chọn thành phố nào bạn thấy mình có thể trở thành 1 phần ở nơi đó. Nhưng cái khó nhất vẫn là giải thích tại sao bạn lại lựa chọn khóa học đó/ trường đó giữa hàng ngàn lựa chọn. 
  • Meet the Chevening English language requirement by 12 July 2018 → Ngày Chevening bắt đầu công bố kết quả là 5/6/2018. Như vậy có nghĩa là Chevening trao cơ hội cho ứng viên khi chưa biết điểm IELTS của họ ra sao.

Nguồn: http://www.chevening.org/apply/eligibility-criteria

Về điều kiện điểm IELTS, nhiều bạn hay nói để được học bổng du học Anh phải điểm IELTS cao lắm, mình chắc chắn không phải nhé. Cao thì tốt nhưng chỉ cần đủ. Có một câu nói mình rất tâm đắc trong cuốn sách “Đường mây qua xứ tuyết” của tác giả người Mỹ Anagarika Govinda, kể về hành trình tác giả qua Tây Tạng để nghiên cứu về đạo Phật nhưng vốn ngôn ngữ Tây Tạng của ông rất hạn chế

Suy cho cùng, ngôn ngữ cũng chỉ là phương tiện để biểu đạt kiến thức và nó dường như quá nhỏ bé để diễn đạt hết sự bao la của kiến thức trong vũ trụ”.

Đường mây lên xứ tuyết

Mặc dù nước Anh là nơi khai sinh ra kỳ thi IELTS, và Chevening là học bổng của chính phủ Anh, điều kiện nhận học bổng Chevening chỉ yêu cầu IELTS 6.5 và không điểm thành phần nào dưới 5.5. Nói như vậy không phải để biện hộ cho việc “lười luyện đề IELTS”, mình cần tiếng Anh tốt để đi học. Nếu IELTS chỉ đủ không cao tầm 8.0 thì cũng đừng tự ti hay bận tâm hay phải đắn đo thi lại để cao hơn làm gì, hãy tập trung vào kiến thức bạn có và diễn đạt nó bằng vốn từ của bạn một cách chân phương và dễ hiểu trong 4 bài luận.

Trong hồ sơ học bổng Chevening, mình đã không cần nộp bất kỳ tờ giấy chứng nhận hoạt động ngoại khóa nào cả, vì Chevening không yêu cầu đến những giấy tờ đó. Mình nghĩ, các hoạt động cộng đồng là trải nghiệm quý giá nhất thời gian sinh viên của mình, nhưng cái quan trọng nhất mình nhận được không phải những tờ giấy chứng nhận mà là kinh nghiệm, những mối quan hệ. Những trải nghiệm đó hình thành nên tính cách của mình và cách mình làm việc sau này.

3. Giữa ước mơ, kế hoạch và thực hiện nó có những khoảng cách rất xa

Mình đã dành từng khoảnh khắc để nghĩ về những ý tưởng sẽ trình bày trong bài luận.. Đi họp có bất cứ một chi tiết gì sếp nhắc tới mình thấy hay hoặc đọc báo có luận điểm hay mình đều note vào. Với thói quen đọc sách mỗi ngày, mình cũng thu thập được rất nhiều kiến thức hay.

Bốn bài luận trong phần đăng ký online Chevening sẽ hỏi bạn:

  1. Chevening is looking for individuals who have a clear post-study career plan. Please outline your immediate plans upon returning home and your longer term career goals. You may wish to consider how these relate to what the UK government is doing in your country.  (minimum word count: 100 words, maximum word count: 500 words)
  2. Outline why you have selected your chosen three university courses, and explain how this relates to your previous academic or professional experience and your plans for the future.*Please do not duplicate the information you have entered on the work experience and education section of this form (minimum word count: 100 words, maximum word count: 500 words)
  3. Chevening is looking for individuals with strong networking skills, who will engage with the Chevening community and influence and lead others in their chosen profession. Explain how you meet this requirement, using clear examples of your networking skills, and outline how you hope to use these skills in the future (minimum word count: 100 words, maximum word count: 500 words)
  4. Chevening is looking for individuals who will be future leaders or influencers in their home countries. Explain how you meet this requirement, using clear examples of your own leadership and influencing skills to support your answer (minimum word count: 100 words, maximum word count: 500 words)

Kinh nghiệm của mình là đưa ra ví dụ, càng nhiều ví dụ càng cụ thể rõ ràng càng tốt, và đừng quên cho thêm chút “cảm xúc” vào bài. Nhìn chung là mình phải đọc rất nhiều sách, thậm chí cả quyển dầy cộp mà tâm đắc được đúng 1 câu. Nhưng cái cảm giác tìm thấy “chân lý” trong 1 cuốn sách mà mình có thể vận dụng thì nó thực sự rất rất sung sướng.

Networking…thực ra với mình đó là câu khó nhất. Mình là người hướng nội, một đứa luôn muốn yên tĩnh một mình, không thích những chỗ ồn ào, mình khá ít nói (bài hát yêu thích của mình You say the best when you say nothing at all :D). Bạn có thể nghĩ điều đó bất lợi cho việc mở rộng mối quan hệ của mình? Mình có những gì: những người bạn với nhiều background khác nhau, những người tri kỷ quen một cách tình cờ, những mối quan hệ mình dày công vun đắp để học hỏi, những tiền bối bạn bè siêu nhân để mình tự hào rằng mình là bạn của những người giỏi thế nào và mỗi khi khó khăn mình luôn có họ bên cạnh. Vậy nên mình nghĩ networking không phải là điểm yếu của người hướng nội.

Chỉ cần hiểu bản thân, bạn sẽ biết cách khai thác những điểm mạnh để thể hiện bản thân mình đúng lúc đúng chỗ.

Viết luận là thời gian rất căng thẳng và chính cái lúc không biết phải viết thế nào, mình thấy chán nản. Một phần là thấy bản thân mình chẳng có gì xuất sắc, một phần vừa trượt học bổng trường mình càng thấy lo ngại về khả năng của mình, cộng với việc mình suy nghĩ quá nhiều, không biết viết thế này đã được chưa, đã ấn tượng chưa, đã có thể vào vòng phỏng vấn chưa, đã thể hiện được hết con người mình chưa… Rồi công việc ở công ty cũng nhiều, mình dành trọn 12 tiếng đồng hồ cơ công ty và về nhà là những việc của một đứa tham lam hám việc khác.

Mình định bỏ cuộc. Suy nghĩ lúc đó: Công việc của mình tốt, mình rất yêu công việc của mình, cuộc sống của mình rất thoải mái, thích lúc nào đặt vé máy bay đi chơi lúc đấy, mẹ đang giục lấy chồng. Mình đang chán nản với bài luận, định bỏ cuộc để bình yên với cuộc sống hiện tại và kể với cô bạn đại học (cũng đang đau đầu vì GMAT) như thế. Mong nhận được lời an ủi đồng cảm, nhưng nó mắng mình xơi xơi cả buổi trưa:

  • Tất cả những gì cô cố gắng suốt 4 năm đại học chỉ có thế thôi à??? ….
  • Cô sẽ không muốn kể cho con cháu nghe về chuyện cô bỏ cuộc vì những lý do lãng xẹt thế nào đâu…

Và mình lại về viết tiếp.

Mình có gửi bài draft một số người bạn đọc và cho ý kiến. Mình nghĩ bài luận quan trọng nhất là sự chân thành, không phải những lời lẽ hoa mỹ. Vậy nên mình đã nhờ những người bạn gần mình nhất, hiểu mình nhất dù họ không có kinh nghiệm viết hồ sơ nhưng mình muốn những gì thể hiện đúng con người mình, cuộc sống của mình, ngay cả có ngây ngô đi nữa.

Vật vã thêm mấy ngày căng mắt ra gõ máy tính.

Và một ngày mình nhận được tin đơn đăng ký online học bổng Chevening gia hạn thời gian viết luận thêm khoảng 1 tuần. Một tuần đó thực sự rất quý, nhưng mình đã đuối mà cũng nên nộp sớm để tránh những lý do rất đen đủi như kiểu nghẽn mạng, đứt cáp quang, hỏng máy tính… Mình nộp trước deadline 2 ngày.

Người ta sẽ hối hận về những gì mình không làm hơn là  đã làm.

Nhìn chung là bài luận của mình viết rất “thô sơ”. Lúc nộp xong mình cũng nghĩ đó là lần thử sức nên chẳng dám hi vọng nhiều (trời ơi, thiếu quá chi là thiếu tự tin …).

4. Không biết làm gì ngoài chờ đợi…

Suốt hơn 2 tháng từ lúc nộp hồ sơ đến gần tết (giữa tháng 2), mình gần như quên hết hi vọng về mình có thể đỗ học bổng Chevening. Đôi lúc trái tim cũng dồn dập khi thấy email Chevening update nói rằng “Hãy chờ đợi thêm đi, chúng tôi vẫn đang xem hồ sơ và sẽ phản hồi bạn sớm thôi”. Hi vọng nhưng thật mong manh.

Mình hơi hối hận, mình đã viết trong To-do-list tháng 1 là chuẩn bị các câu hỏi sẽ có thể được hỏi khi phỏng vấn Chevening nhưng rồi mình đã không làm. LƯỜI (bệnh phổ thông thôi mà)!

Mình nhớ ngày hôm đi làm trước khi nghỉ tết, mình gặp chuyện không vui. Sau khi đã trút hết bực tức với cô bạn, chuẩn bị đi ngủ thì mình thấy Email của Chevening thông báo mình đã được vào vòng phỏng vấn. Lật mặt nhanh hơn bánh tráng, vui sướng cả đêm mất ngủ, rồi lại mở cái mail ra đọc đi đọc lại xem liệu có phải mơ không? .

Screenshot_20180213-232923

Hôm đó là ngày 13/2, nên trong group Chevening mấy bạn còn hẹn nhau năm sau sẽ kỷ niệm valentine bên Anh cùng nhau 🙂  

Và cũng từ đó, lại một chuỗi này chỉ có Chevening trong đầu của mình bắt đầu.

Mình bắt đầu liệt kê các câu hỏi có thể được hỏi trong buổi phỏng vấn. Trong số 30 câu hỏi mình chuẩn bị thì chỉ được hỏi khoảng 10 câu thôi, nhưng đều chuẩn bị rất kỹ. Mình thậm chí còn viết script, ngồi nói một mình nói đi nói lại, sửa tóe loe.

Vấn đề là lúc phỏng vấn thật thì chỉ trúng duy nhất 1 câu “Introduce yourself” =))))

5. Chờ đợi luôn là cảm giác khó chịu

Đến ngày phỏng vấn, mình đến sớm 1 tiếng đồng hồ. Anh bảo vệ ở đại sứ quán Anh nhìn mình một cách khá ngạc nhiên. Mình đợi ở đại sứ quán, ngồi xem tranh ảnh ở giá sách và đợi từ 14h đến 15h. Cậu bạn làm việc ở đại sứ quán Anh dẫn mình lên rồi đưa cho mình cốc nước và thực sự là rất run. Chắc vì thấy mình “đơ” như vậy nên suốt buổi phỏng vấn, bác đại sứ trấn an liên tục “Đừng lo lắng, chúng tôi ở đây để tìm những ưu điểm của bạn”. Tất cả các bạn trong nhóm phỏng vấn Chevening đều phải công nhận rằng, bác ấy siêu siêu siêu dễ gần, từ cách nói rất từ tốn, đến phong thái hiền hòa.

Có một vài câu trả lời mình tự tin, nhưng có một vài câu hỏi mình bị “khấc” :’( Mình thậm chí còn có lúc ngứa tay  bấm bút bi..

Và kết thúc 35 phút.

Mình phỏng vấn khá sớm, ngày 22/3 khi các bạn khác đến tận cuối tháng 4.

Và mình bắt đầu một quá trình mới. Nếu như khi chưa phỏng vấn, mình thấy lo lắng thì bây giờ bất lực vì thực sự không thể làm được gì để cứu application của mình. Nhiều lúc chỉ muốn đập đầu vào gối vì nghĩ ra cả ngàn ý hay ho hơn cho những câu hỏi lúc phỏng vấn.

Tất cả những gì mình có thể làm lúc đó là ĐỢI.

Và sự chờ đợi phải tiếp diễn suốt 2 tháng trời… Phải nói là ứng viên Chevening là những người vô cùng kiên nhẫn, bởi khi những học bổng khác đã có kết quả, thì Chevening vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Trên group Chevening còn chia sẻ nhau là “Nếu tim không tốt thì đừng apply học bổng”. Khi người chờ đợi người ta sẽ phát hiện ra rất nhiều điều vi diệu :D.

Đến tháng 6, khi các nước bắt đầu nhận mail kết quả, cảm giác như cơn bão mang bệnh đau tim đã đi qua địa cầu, quét qua từng khu vực mà mở màn là Châu Phi. Lần lượt các bạn khắp nơi trên thế giới post ảnh chụp màn hình khoe tin vui. Khi các bạn Campuchia nhận được kết quả cũng là lúc bão đã đổ bộ đến Đông Nam Á. Nhưngtự nhiên bão lại quay về Châu Phi =)) chúng mình vẫn phải đợi. Mấy đứa trong Group ngồi đợi cùng nhau, đến 16h thấy inbox lại rôm rả. Đợi đến 12h đêm ko có mail, anh em hò nhau đi ngủ, mai lại đợi tiếp.

Mình rất nhớ khoảng thời gian đó. Mọi người nghĩ ra nhiều trò chơi giết thời gian lúc đợi kết quả, hồi hộp nhưng rất vui.

6. Điều gì đến sẽ đến

Ngày 8/6/2018, buổi tối thứ 6, ngày làm việc cuối trong tuần, hôm đó rôm rả hơn hẳn.

Đang tập thể dục thở đứt cả hơi, 22:05 nghe tiếng “tinh” một phát. Đứng tim. Vậy nên hãy chuẩn bị một trái tim khỏe mạnh để apply học bổng 😀 Mở điện thoại ra thấy người gửi là “Chevening” và đọc 3 từ đầu tiên của mail bắt đầu “We are delighted…” mình  không dám đọc tiếp.Screenshot_20180627-142542_Gmail

Giờ đọc lại mail này cảm xúc vẫn còn “Không thể tin nổi”=))))

Lúc trước mình nghĩ khi đỗ mình sẽ hú hét kinh lắm hoặc là làm gì đó có chút hoành tráng cool ngầu như các bạn được hoa hậu cơ. Nhưng sự thật là khi mình gọi điện cho cô bạn thân, cô bạn mãi không nhấc máy (bạn ấy bảo lúc đó đang đi giặt quần áo hay làm gì đó). Nghe tiếng nhạc chờ quen thuộc “Có lúc tôi gục ngã, nhìn đời trôi hững hờ“… làm nước mắt cứ thế chảy ra. Rồi mình gọi điện cho đứa em họ ở cùng phòng đang đi nghỉ mát với gia đình, mếu máo nói ‘Chị đỗ rồi”. Chắc nó đang đứng ngoài bở biển, tiếng sóng to quá thì phải, nói đến lần thứ 3 “Cái gì cơ?” – “Chị đỗ rồi.” – “Cái gì cơ?” – ….- “Đỗ Chevening rồi”…

Mãi nó mới nghe hiểu mình nói gì. Xong rồi, mình cứ thế co gối ngồi một mình trong phòng và… khóc.

7. Cám ơn ai đó đó ở bên những lúc tâm trạng bất ổn, nhiều bồn chồn lo lắng…

Gần năm trời, mình luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và sự động viên từ những điều nhỏ bé nhất:

Là những lúc trong căn bếp đợi mẻ bánh chín, 2 đứa ngồi nói chuyện về năm 2017 bết bát, những việc phải làm để apply. Mình apply học bổng Chevening còn cô bạn apply học bổng chính phủ Nhật JDS. Năm 2018 phải rực rỡ thay cho năm 2017.

Là lúc vừa nháp xong mấy bài luận, có người ngồi đọc bài, sửa lỗi ngữ pháp, từ ngữ quá chi là chuyên nghiệp :D. Lúc phỏng vấn xong còn an ủi mình, “Theo kinh nghiệm của anh thì những đứa kêu ca nhiều như em hay được lắm” -_-

Là lúc mình thông báo đang chuẩn bị phỏng vấn Chevening, mình đang tìm ý tưởng cho những câu hỏi về văn hóa Anh. Cậu bạn ngồi cùng mình cả chiều ở Chùa Láng, gợi ý mấy bộ phim điển hình nước Anh, cùng mình đi dạo đến hiệu sách Nhã Nam. Khi mình cầm trên tay cuốn sách “Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh” của chị Minh Thi (Học giả Chevening 2013/2014 và cũng học trường Westminster), bạn nói với mình rằng “Mua nó đi, đó là cuốn sách dành cho cậu.”.

Là lúc có hẹn đầu tháng 3 đi chơi, cô bạn lại cho mình một bài “22/3 phỏng vấn rồi mà còn đi chơi, ở nhà chuẩn bị đi”. Cả tháng 3 chẳng đi đâu chơi hết 🙁 .

Là ngày trước vòng phỏng vấn, cô bạn gọi điện cho mình hỏi han đã chuẩn bị phỏng vấn đến đâu. Khi phỏng vấn xong, cô ấy lại cầm điện thoại đến nóng cả máy chỉ để nghe mình kể về 35 phút quyết định cuộc đời vừa trôi qua.

Là khi mình phàn nàn kêu ca, rằng mình lo lắng lắm, căng thẳng lắm, cả ngày chẳng làm được gì. Bạn chỉ nhắn lại một câu đủ khiến mình yên lòng và bình tĩnh lại “Ngày mai gặp sẽ ôm một cái thật chặt nhé”.

Là cậu bạn thân từ cấp 3 đang ở cách mình 5 múi giờ vẫn đều đặn hỏi han và kiên nhẫn lắng nghe bài trường ca kêu ca lo lắng của mình. Mình còn đòi nếu mà không đỗ hắn phải mua cho mình một món quà thật lớn đủ để lấp đi nỗi buồn này. Rồi lúc có kết quả, chuẩn bị đi, hắn viết cho mình một cái note thật dài những điều cần chuẩn bị.

Là đứa em ngủ cùng phòng, suốt mấy tháng dời ngày nào cũng phải nghe mình “cầu nguyện” sáng sớm khi vừa thức dậy và đêm trước khi đi ngủ “Mình chỉ có một điều ước, điều ước duy nhất là đỗ Chevening”. Nhiều hôm nó nghe nhiều đến phát cáu “Trời ơi, cho bà ấy đỗ đi mà, tôi mệt quá à” =)))))) . Hẳn nó mà viết bài chia sẻ “Trải nghiệm có bà chị apply học bổng chắc cũng mùi mẫn lắm” 😀

Là lúc đi hiệu sách, mình tần ngần trước cuốn sách “Cẩm nang du lịch nước Anh”, cậu bạn bảo mua đi, mình do dự đặt xuống bảo “Nếu đỗ mình sẽ mua”. Đến hôm nhận kết quả, mình mới biết cậu ấy đã mua cuốn sách đó từ lúc nào.

Là lúc mình nhắn tin báo tin, tên bạn chúc mừng xong, chào tạm biệt rồi lại nhắn thêm câu nữa “Sao bà được mà tôi thấy hạnh phúc thế nhỉ?” 🙂

Lúc trước mình còn ngồi đoán già đoán non “Thôi xong, phát này bị đuổi việc, đi học về lại quay lại thời kỳ thất nghiệp như xưa”. Rồi mình lại tự an ủi bản thân kiểu cô gái quyết đoán “Đến nước này thì mình đây không còn sợ thất nghiệp nữa rồi”. Xong rồi lại thấy mình chẳng khác gì dở hơi khi tự tạo ra suy nghĩ tiêu cực. Thực tiễn là sếp tươi cười chúc mừng, chẳng sếp nào gây khó dễ gì cho việc nghỉ một thời gian rồi quay lại công ty làm việc tiếp.

“Điều đáng sợ nhất của tuổi trẻ không phải là thất tình hay thất nghiệp mà đáng sợ nhất là sự uể oải trong một vòng luẩn quẩn buồn tẻ và ngày ngày thất vọng về bản thân mình.”

Mình nhớ hồi nhỏ, lúc ông ngoại ốm nằm viện, mình về quê ở với bà cả tháng hè. Mẹ mua cho mình con diều màu đỏ chót. Chiều chiều mình ra sân nhà thả diều, nhưng cánh diều chẳng thể bay được bởi vì trong khoảng sân nhỏ ấy, mình không thể chạy và diều không đủ gió để lên. Mình phải chạy ra ngoài đồng nhưng trời nắng, lại chỉ có một mình, mình không quen mấy đứa trẻ con hàng xóm, mình không dám ra. Vậy đấy, để cánh diều có thể lên được mình phải chịu nắng, chịu bẩn để chạy ra đồng, cũng như để bay xa được mình phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Ngồi yên ở góc sân ấy, làm gì có cơn gió thần nào đưa diều bay lên.

“Càng ngược gió, diều càng bay cao”

8. Chút ít kinh nghiệm mình đúc rút được suốt quá trình apply học bổng Chevening

Tự sự nhiều quá rồi, cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Mình sẽ tóm lại kinh nghiệm của mình như sau. Khi nhận được học bổng Chevening, nhiều bạn hỏi mình rằng, apply có khó không. Chân thật mà nói, giờ đỗ rồi, mình nói khó lắm thì đúng là tự PR bản thân, còn nói dễ thì chắc không những tự cao mà còn đeo kính hồng. Dành được học bổng Chevening, mình nghĩ một phần là nhờ sự may mắn, một phần nhờ biết may mắn ở đâu để tiến tới và nhiều phần nỗ lực để xứng đáng được nhận may mắn đó. Cơ hội thường đến bất ngờ, nhưng không bao giờ từ trên trời rơi xuống.

a) Chuẩn bị tình thần

  • Nếu bạn có dự định giành học bổng đi học, bạn cần có một cái deadline, đừng chần chừ nữa, làm đi. Nếu việc đi du học này không có tác dụng gì cho tương lai của bạn thì đừng bận tâm làm gì, bạn không cần phải đi du học chỉ để giống ai đó. Cuộc đời quá ngắn để sống một cuộc sống của người khác.
  • Mình cũng nhận được câu hỏi là “Biết thông tin học bổng ở đâu?”. Đó là câu hỏi mình không muốn trả lời nhất. Đừng đặt câu hỏi như vậy khi bạn chưa bao giờ gõ hai từ “Học bổng” lên Google. Và khi chưa làm động tác này bao giờ thì có lẽ bạn không cần học bổng chút nào đâu.
  • Nếu như không tự tay làm mà đã nghĩ là khó, đã thấy nản và có những suy nghĩ tiêu cực như kiểu mình ở trên…thì thực ra tất cả những gì bạn làm đều chỉ là đoán mò. Và khi bạn đang hoài phí thanh xuân cho việc đoán mò thì người khác đang nỗ lực.
  • Sẵn sàng đón nhận sự thay đổi và những điều mới mẻ. Biết đâu thay đổi là một cơ hội tốt.
  • Nếu hôm nay gặp chuyện buồn, mất đi thứ gì đó hay bạn cảm thấy mình xui xẻo, thì kệ đi. Có một câu nói đại loại là “Sometimes not getting what you want is a wonderful stroke of luck“. Vậy nên cứ mỗi lần xui xẻo hay không đạt được những thứ mình muốn, mình lại tự nói với bản thân mình là “Chỉ là cuộc đời đang dành cho mình một thứ tốt đẹp hơn ở phía sau” (và mình thề là nó đúng cực). Vậy nên, tất cả những chuyện buồn, không hài lòng hay những tổn thương chỉ là động lực cho mình tiếp tục cố gắng. 
  • Giữ hi vọng, khiêm tốn nhưng tự tin vào bản thân mình nhiều chút. Chuyện phải nghe một vài người nói những điều khiến bạn buồn và nản lòng sẽ rất nhiều. Nếu điều đó không có giá trị để bạn tốt hơn thì bỏ đi. Rồi một ngày bạn bận túi bụi chuẩn bị cả đống thủ tục bắt đầu cuộc sống mới,  thì đâu còn thời gian bận tâm ai nói gì. 

b) Chọn trường chọn ngành

Phần này mình không có gì khác ngoài google cả. Tuy nhiên có nhiều bạn hỏi quá nên mình bổ sung thêm phần này. Nhiều người nói rằng, Chevening cần những ngành độc mới dễ đỗ. Mình cũng không chắc lắm, vì nhiều anh chị vẫn học Tài chính, MBA, Kinh doanh quốc tế cũng toàn ngành khá nhiều người chọn cả.

Với trường hợp của mình, mình học hàng không, một ngành mà khi sang UK nhiều bạn còn nhìn mình với mắt chữ O mồm chữ A vì ít người học. Người học Transport Management thì nhiều nhưng Air Transport Management (một nhánh nhỏ trong Transport Management) thì không nhiều. Nhưng khi đi học thì mình vẫn học quá nhiều. Mình học cả về sân bay, quản trị không lưu, chính sách hàng không. Trong khi đó cái mình muốn học chỉ là quản trị một hãng hàng không, nên nếu có tìm được khóa hẹp hơn kiểu Airlines Management mình apply ngay.

Các bạn sẽ nghĩ là học ngành rộng về dễ xin việc, nhiều cơ hội việc làm hơn. Nhưng theo mình, ngành càng hẹp càng chứng tỏ bạn hiểu rõ bản thân mình cần gì và tương lai bạn sẽ làm gì. Và đó chính là một trong những yêu cầu của Chevening.

Ngành học phù hợp với công việc của bạn đang làm, đóng góp trực tiếp cho kế hoạch tương lai của bạn, điều đó sẽ dễ dàng hơn cho bạn khi trả lời 2 câu hỏi đầu tiên (kế hoạch tương lai, và tại sao bạn chọn 3 trường bạn liệt kê trong hồ sơ).

c) Viết hồ sơ

Phần này quyết định 99,99% sự thành bại của bạn nên hãy đầu tư cho nó với tất cả tâm trí, trái tim và khối óc. Các bước để viết hồ sơ theo kinh nghiệm của mình đại loại là: Bản nháp → Sửa lần 1 → Sửa lần 2 … → Nhờ ai đó đọc và nhận xét → Lại sửa → Sửa tiếp → Sửa lại …… Kinh nghiệm viết hồ sơ mình đã chuẩn bị hồi đại học. Mình đã trượt rất rất rất nhiều lần. Chính xác hơn là từ hồi đại học mình đã apply rất nhiều  các chương trình trao đổi/ hội nghị ở nước ngoài. Kết quả chỉ duy nhất 1 lần đỗ.Vậy nên đừng nản lòng. Nếu bây giờ chưa may mắn, chắc chắn một cơ hội rất lớn đang chờ bạn ở phía trước.

  • Khi bắt đầu viết hồ sơ, bạn sẽ rất hay search hoặc xin bài luận của người đi trước. Theo kinh nghiệm của mình thì đó là sai lầm lớn. Khi đọc bài viết của người khác, bạn sẽ có 1 trong 2 khả năng. Một là bài luận mẫu quá xuất sắc với nhiều thành tích, bạn tự hỏi làm sao mà mình có nhiều thành tích thế. Nó khiến bạn dễ nản lòng. Hai là, bài viết khá đơn giản và bạn nghĩ “ôi chỉ cần thế này thôi”. Và bạn sẽ ko đào sâu suy nghĩ nữa. Và copy là điều tệ hại nhất có thể xảy ra. Khi đọc bài mẫu, bạn sẽ tự nhốt tư duy của mình trong mấy ngàn từ của người khác, tự giới hạn sự sáng tạo của mình. Điều đó chỉ làm bạn thêm khó khăn. Kinh nghiệm suốt ngày đọc văn mẫu hồi đi học của mình cho biết.
  • Viết luận mình thấy rất khó. Mình đã draft những bản đầu tiên dài đến 1000 chữ tạp nham nội dung rồi sửa lại dần dần, cắt gọt dần. Vậy nên mình rất xin lỗi phải từ chối khi có bạn hỏi bài luận của mình. Hay thậm chí có người hơi “cực đoan”. “Đọc xem ý thôi ai copy đâu mà keo kiệt thế?. Mình không thể gửi được. Thực ra thì “cái ý” là cái bạn không nên xem bởi mỗi người là khác nhau. Theo thông tin các bạn Chevening chia sẻ thì có 66.000 hồ sơ và có 2.9% được chọn phỏng vấn. Nên cái cần có là sự khác biệt chứ không phải xem người đỗ có gì để mình làm theo. Hai nữa là, bài luận đôi khi có những cái riêng tư, không tiện chia sẻ. Bạn đừng quan tâm đến người khác viết gì, mà hãy nghĩ xem mình có gì để có thể đưa vào bài. Để xây nhà bạn phải xây từ cái móng. Xây nhà rất khó và lâu nhưng bạn sẽ chẳng có gì nếu không bắt đầu từ viên gạch đầu tiên.
  • Điều bạn cần hơn là một người đọc bài và giúp bạn nhận xét một cách khách quan. Mình đã nhờ bạn thân đọc bài luận mặc dù họ không có kinh nghiệm viết hồ sơ. Tuy nhiên, đó là những người đã ở cạnh mình từ hồi đại học nên hiểu rõ mình như thế nào và cần gì. (Cũng may là mấy đứa apply cùng nhau và đều đỗ :D)  Tìm một ai đó bạn tin tưởng để cùng bạn cố gắng. Ai đó sẽ động viên bạn những lúc nản chí và sẽ ôm bạn thật chặt trước ngày lên đường.
  • Điều quan trọng nhất bạn phải hiểu bản thân mình và có kế hoạch dài hạn cho bản thân. Một điều rất kỳ cục là rất nhiều lần nói về vấn đề kế hoạch tương lai của bản thân, ước mơ, mục tiêu cuộc sống… mình lại nhận được những câu “nói đùa”, thậm chí cười cợt. Buồn cười lắm sao, buồn cười chỗ nào vậy?

“Thiếu vắng những kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai sẽ khiến bạn dễ dàng an phận thỏa hiệp và đánh mất đi lòng quả cảm từng có ngày tươi trẻ… Không cần biết bạn bao nhiêu tuổi, cô gái ngày ấy vẫn luôn ở trong bạn…”

  • Sử dụng 500 từ của bài luận một cách hiệu quả. Hãy nói những điều bạn nghĩ, nói về bản thân bạn, đừng nói những điều lý thuyết hay triết lý xa xôi. Mọi thứ ở sẵn trong người rồi. Hãy nói ra bằng cả sự chân thành không cần dùng lời lẽ hoa mỹ.
  • Làm giàu những trải nghiệm của bản thân, đừng ngại học hỏi từ người khác. Có những chuyện người ta nói làm chỉ tốn thời gian, nhưng thực ra những trải nghiệm rất có giá trị với mình. Mọi người sẽ hỏi mình làm lắm thứ linh tinh để làm gì? Để một ngày có cơ hội sẽ dùng đến thôi. Hôm trước xem Sharktank, Shark Linh nói một câu nghe trí lý.

“May mắn là khi sự chuẩn bị gặp câu hỏi”

Nếu bạn trải nghiệm đủ nhiều, chuẩn bị đủ kỹ, khi câu hỏi đến có cái lôi ra dùng. Đó là khi bạn gặp may mắn. Một trong những cuốn sách mình thích nhất là “Triệu phú khu ổ chuột”. Bạn có biết tại sao một cậu bé lớn lên trong khu ổ chuột Ấn Độ không được đi học lại người đầu tiên trả lời hết các câu hỏi trong “Ai là triệu phú”?. Ngoài ra, mình còn nghĩ, càng nhiều trải nghiệm, bạn càng trở nên thú vị hơn.

Hôm đi du lịch, đứa bạn mình bị 1 con khỉ trên đảo giật mất chai nước. Nghe ngốc nghếch nhỉ, nhưng nó bảo sau này nó sẽ có chuyện kể với con cháu. Tất nhiên chuyện đó hay ho hơn chuyện “hồi trẻ bà suốt ngày ngồi nhà, chưa gặp khỉ bao giờ”. Và những điều viết trong hồ sơ xin học bổng cũng đều là viết về bản thân mình. Bài luận hay được viết bởi một con người thú vị.

Có một từ tiếng anh mình rất thích đó là “Credo”. Hiểu nôm na đó là từ dùng để nói lên bạn là ai nếu không kể các chức danh, tài sản … Bạn tự hỏi khả năng lãnh đạo ở đâu khi chỉ là nhân viên mới trẻ nhất công ty? bạn tự hỏi khả năng networking (mở rộng mạng lưới) thế nào khi mình mình chẳng phải người quảng giao? Công việc văn phòng không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Bỏ đi những  chức danh hào nhoáng, mình nghĩ đó là điều bạn nên thể hiện trong bài luận 500 từ – CREDO.

Bạn có thể kể ra hàng ngàn thành tích, điểm cao, bằng cấp để thể hiện rằng mình giỏi thế nào. Thực ra, thế giới này rộng lớn (Việt Nam cũng rộng lắm mà), người giỏi thì đầy. Nhưng mà người đặc biệt chỉ có duy nhất mà thôi.

Và bạn phải biết mình đặc biệt ở chỗ nào.

Hiểu bản thân mình và biết mình muốn gì, cần gì là điều quan trọng hơn cả.

d) Xin thư giới thiệu

Để apply hồ sơ, có thể bạn phải chuẩn bị ít nhất 2 người viết thư giới thiệu (LOR) cho mình (thường sẽ là thầy cô giáo và sếp), 2 thư giới thiệu để gửi Chevening trước vòng phỏng vấn và 1-2 thư giới thiệu gửi cho trường để xin admission.

Mình xin thư giới thiệu của 2 thầy cô giáo ở trường và anh trưởng phòng ở công ty.

Có thể bạn nghĩ cần viết bởi một người có chức vị cao sẽ tốt hơn, nhưng mình nghĩ xin LOR từ những người mình có cơ hội làm việc cùng và biết rõ những gì mình đã làm thì sẽ tốt hơn, và mình vô cùng tự hào và trân trọng những lá thư giới thiệu mình nhận được.

Đầu tiên, mình gửi mail và xin thư giới thiệu của một thầy giáo. Hồi đại học, nhóm mình có nhờ thầy tư vấn đề án để tham gia 1 cuộc thi khởi nghiệp, thầy còn siêu đáng yêu nên mình tin là thầy không từ chối. Có vấn đề là, thầy còn trẻ, chưa có học vị Tiến sĩ, nên thầy cũng rất tốt bụng nói là sẽ nhờ một thầy giáo khác là bạn của thầy và đã là Tiến sĩ để viết thư giúp mình. Tuy nhiên, mình kiên quyết rằng “Em muốn có lá thư giới thiệu của người đã hướng dẫn em” nên thầy cũng đồng ý. Lúc gặp thầy để nhận thư, thầy chỉ nhắn nhủ “Đi thì nhắn thầy”, hơn một năm sau lần gặp ấy mình mới thông báo mình chuẩn bị đi.

Người thứ 2, là người không thể thiếu mỗi lần mình cần có LOR là cô giáo hướng dẫn NCKH từ khi là đứa sinh viên năm nhất. Hồi đại học, mình rất sợ cô, mỗi lần lên văn phòng nộp bản thảo mình lại ngồi ở cái góc cầu thang tầng 10 FTU đọc lại một lượt rồi hít thật sâu trước khi gõ cửa =)). Có lần nhận kết quả SVNCKH, mình không được giải cao, mình đã rất buồn, thực sự rất buồn. Cô đã nói với mình rằng “Sau này em sẽ thấy giá trị của những vất vả ngày hôm nay”. Mình đã ghi lời động viên ấy vào đầu cuốn sổ tay, cứ mỗi lần thấy “bầu trời sụp xuống” mình lại mở ra và hi vọng.

Và người thứ 3 mình xin thư giới thiệu là trưởng phòng mình. Mình chọn lúc cuối giờ chiều, gửi xong một cái tắt máy về thẳng, sợ sếp không cho, về nhà thấy mail với từ khóa “Fully support”, sếp còn luôn tận tình hỏi han sau mỗi giai đoạn apply (vì thời gian apply Học bổng Chevening dài quá) và sếp cũng giúp mình giữ bí mật đến phút chót.

Mình nghĩ khi xin LOR của ai đó thì đừng ngại. Mình cần sự giúp đỡ của họ để có cơ hội được học hỏi thêm, và chẳng ai lỡ ghét và từ chối một người cầu tiến cả. Nếu người đó có từ chối, thì chỉ là họ nhận thấy mình chưa đủ hiểu bạn để viết thư giới thiệu. Nếu như hội đồng học bổng gọi điện cho người viết thư để hỏi về bạn, mà sau 5 giây mà người viết LOR  chưa nhớ bạn là ai, thì mình nghĩ chuyện đó sẽ rất tai hại. Vậy nên, mình nghĩ thầy cô giáo trực tiếp hướng dẫn và sếp quản lý trực tiếp là sự lựa chọn đúng đắn và an toàn. Và chắc chắn đừng gọi điện tới xin thư giới thiệu của ai đó mà bạn chưa từng làm việc trực tiếp. Dù thầy cô luôn nhiệt tình giúp đỡ học sinh nhưng trong giới học thuật họ sẽ không thể giới thiệu một người họ không biết là ai. Điều đó có thể rủi ro cho uy tín của họ.  

Kết quả như mong muốn đó không phải cố gắng của ngày một ngày hai. Nó là cả một quá trình cố gắng phấn đấu, tạo dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ.

Và …

Hãy kiên nhẫn, vì 1 tháng sẽ dài tựa thiên thu. Huống chi bạn sẽ đợi từ tháng 8 năm này sang tháng 8 năm sau. (Có thể sử dụng thuốc trợ tim, nếu cần 😀 ).

Bạn sẽ làm được. Vấn đề là bạn có thực sự muốn hay không thôi.

Cập nhật: Và sau nhiều năm tự đi tìm con đường phù hợp cho bản thân, thử mọi công thức để apply Thạc sĩ và Tiến sĩ và nhận thấy bản thân có thể chia sẻ những đã biết để giúp mọi người tìm hướng đi phù hợp cho mình, mình cùng team lập một project mentor giúp ứng viên khám phá tiềm năng của bản thân, định hướng rõ ràng hơn con đường phía trước và apply học bổng du học. Hiện team mình mới chạy, chưa có website chính thức, mình sẽ cập nhật sớm. Bạn có thể liên hệ với mình qua email hoặc social media để biết thêm về dự án.

9. Bonus: Một số cuốn sách truyền cảm hứng cho mình suốt mùa học bổng Chevening 2018/2019 🙂

  • Tìm đường tuổi 20 _ Trần Thu Trang

Cuốn sách này mình đọc lúc viết hồ sơ. Thực sự mình rất ngưỡng mộ chị Trang. Trong cuốn sách này, chị ấy đã kể về cách chị ấy vượt qua sự tự ti để vươn lên, dành được những thành tựu như thế nào. Đọc xong cuốn sách này, mình vào Facebook chị ấy và biết chị ấy nhận học bổng Fulbright. Mình thấm thía 1 điều rằng, tất cả các Hero đều bắt đầu từ Zero cả.

  • Im lặng – Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới nói không ngừng – Susan Cain

Là một người hướng nội, cuốn sách này cho biết cách khai thác những tiềm năng vốn có của bản thân. Điều đó đã hỗ trợ mình rất nhiều trong phần thể hiện leadership và networking skill. Nhưng mình cũng khá tiếc vì mãi đến lúc chuẩn bị phỏng vấn mình mới đọc cuốn sách này. Mình cứ nghĩ ít nói như mình, không thích chỗ đông người như mình thì networking kém lắm, nhưng cuốn sách này đã cho mình hiểu rằng

Một mối quan hệ chân tình đáng giá hơn một chồng danh thiếp”.

  • Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh – Minh Thi

Cuốn sách này mình đọc lúc chuẩn bị phỏng vấn. Tác giả cũng là học giả Chevening viết về cuộc sống ở London, văn hóa Anh. Chính vì thế mà khi đọc xong mình đã hứa mình nhất định phải ở London.

  • Leadership experience- Richard Daft

Cuốn này nộp xong hồ sơ mình mới biết, nhưng mình ước giá như mình đọc sớm hơn thì đã không mất công vò đầu bứt tai, dằn vặt bản thân. Trong đó bạn sẽ tìm thấy phong cách lãnh đạo của chính bản thân mình.

Một số bài viết hay trên trang Life Hack khiến mình thay đổi cách suy nghĩ.

This Is What Happens When You Move Out Of Your Comfort Zone

What Is Procrastination (And the Complete Guide to Stop Procrastinating)

Đọc bài viết này, lần đầu tiên mình nghĩ mình cần thay đổi để trải nghiệm nhiều hơn. Kể từ đó, bất cứ điều gì mình muốn làm mà xuất hiện trong đầu, mình đều note vào sổ tay và bắt đầu thực hiện nó.

Đây là bài viết về sự trì hoãn. Ở đó mà mình học được “ước mơ cũng cần có deadline”. Mình thậm chí còn tìm hiểu rất kỹ các chương trình A-level ở Anh. Rồi hết cấp 2, cấp 3, lại lên đại học, rồi đi làm 2 năm. Mình nghĩ với mình đây là thời điểm phù hợp để lên đường. Khi đã có đủ kinh nghiệm để biết mình sẽ làm gì nhưng sự nghiệp cũng chưa quá cao để tiếc nuối đứt đoạn đường công danh. Khi kinh nghiệm sống vừa đủ để bớt lơ ngơ, khi chưa bị vướng bận bởi những nỗi lo gia đình con cái, khi mình chưa quá lười để ngại sách vở và những kỳ thi, khi trong lòng vẫn đầy háo hức được khám phá những điều mới mẻ. Không phải bây giờ thì là bao giờ?

Đó là câu chuyện của mình. Hi vọng bạn sẽ thấy thêm động lực và thêm tự tin vào bản thân đẻ thử sức với những cơ hội mới.

Kinh nghiệm của mình có vậy. Công thức cho thành quả này là một thìa may mắn, hai thìa tự tin, có bao nhiêu nỗ lực bạn đổ hết vào, đun sôi dưới ngọn lửa của lòng quyết tâm. Món ăn ngon hay dở cũng là do bạn nấu.   

Chúc các bạn may mắn, luôn vững tin và không ngừng cố gắng :D.

Cám ơn vì bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết rất dài này. Apply học bổng Chevening cần những người kiên nhẫn như bạn đấy 🙂

Nếu quan tâm đến học bổng Chevening bạn có thể tham khảo tại www.chevening.org . Bạn có thể comment bên dưới nếu bạn cần thêm sự hỗ trợ.  Mình có thể giúp bạn trong khả năng của mình.

Mình hi vọng khi đọc xong chia sẻ của mình, bạn sẽ thấy có thêm động lực.

Nếu bạn không giỏi hay không có điều kiện bằng ai đấy, hãy chắc chắn rằng bạn cố gắng nhiều hơn họ.

Nếu em nào đã tốt nghiệp đại học mà điểm không tốt lắm, hãy cố gắng trong 2 năm đi làm.

Nếu em vẫn còn học đại học, thì hãy cố gắng học cho cẩn thận, đừng như chị.  🙂 

Và hiện giờ mình đã về nhà, cũng đã hơn 2 năm kể từ ngày mình nhận được tin đỗ học bổng. Nếu bạn muốn biết, sau khi được học bổng Chevening, chuyện đi học của mình và trải nghiệm ở UK thế nào thì hãy theo dõi tiếp những bài dưới đây nhé.

Chuyện học Thạc sĩ của mình

Nhật ký những ngày ở UK

Những điều mình học được từ Chevening và nước Anh

Cập nhật 19/6/2020:

Nếu bạn tình cờ ghé qua blog của mình khi đang tìm thông tin học bổng thì mình vừa đọc được 1 nguồn tài liệu tổng hợp về học bổng không thể đầy đủ hơn. Bạn có thể tham khảo link sau https://bit.ly/scholarshipsinfovn . Tài liệu này của QS Top Universities không phải mình viết đâu nha, bản free nên mình subcribe để download thôi). Chúc các bạn may mắn trên con đường chinh phục học bổng.

Cập nhật ngày 23/8/2020:

Thời gian vừa qua mình nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn về học bổng Chevening. Tại vì mình không muốn viết thêm một bài blog khác làm thông tin bị rải rác nên mình sẽ update một số thông tin mình nghĩ là sẽ hữu ích cho các bạn đang và sẽ apply học bổng Chevening ở đây từ một số câu hỏi mình hay được hỏi. Các bạn có thể click vào link mình để trực tiếp tại đây.

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên blog:

Theo dõi

Chevening Scholar có gì vui? Một số bài viết có sự tham gia của mình trên Chevening Sholar Blog

Chevening Scholar blog
Bức ảnh ưng ý nhất của mình trong thời gian đi học 😀

Trang Blog chính thức của Cộng đồng học giả Chevening Việt Nam http://mindthegap.vn/

Nhật ký 444 ngày ở UK của mình

Vì mình viết theo thời gian từ khi chuẩn bị đi đến khi về nên khi đọc bạn hãy đọc từ bài cũ nhất đến bài mới nhất. Mình cám ơn

Nhật ký 444 ngày ở UK