Kungfu panda có lẽ là tác phẩm hoạt hình trọn vẹn nhất mà mình từng xem. Cứ sau mỗi phần phim, và không biết bao lần xem lại những trích đoạn của phim trên Youtube, dù có lúc Po khiến mình ôm bụng cười, nhưng rồi lại khóc vì một bài học mới mà hành trình của Po giúp mình học được và khắc sâu thêm.  Hôm nay, mình sẽ mượn câu chuyện của Po trong 3 phần phim Kungfu Panda để nói về ba giai đoạn trưởng thành trong đời người.

Kungfu Panda 1 – Trở thành Chiến binh Rồng 

Mở đầu phần 1 là giấc mơ của giấu trúc Po. Po mơ thấy mình là một anh hùng giỏi võ nghệ cùng nhóm ngũ đại đánh bại những kẻ xấu. Giấc mơ của Po nhanh chóng kết thúc bởi tiếng gọi của cha ngỗng. Cha ngỗng hỏi Po đã mơ thấy điều gì, và Po trả lời đã mơ thấy mì. Po không dám nói thật với cha về giấc mơ thực sự của mình, một giấc mơ bề ngoài bất khả với một chú gấu trúc béo ú.

Việc được chọn làm Chiến binh Rồng tưởng như một sự ăn may khi cậu rơi xuống võ đài đúng lúc sư phụ Oogway chỉ tay lựa chọn. Po phải chịu sự khinh thường và chối bỏ của sư phụ Shifu và những người huynh đệ trong nhóm ngũ đại. Nguy hiểm thì vẫn đang cận kề, khi Tai Long với sức mạnh vượt trội đang quay lại điện ngọc trả mối thù năm xưa. 

Kết thúc phần 1, Po từ một chú gấu trúc phụ giúp cha bán mì, lột xác, tận dụng được mọi khả năng và tiềm năng của bản thân trở thành Chiến binh rồng đích thực, bảo vệ người dân, được người người kính nể. Đây dường như là một cốt truyện phim anh hùng vượt khó quen thuộc. Từ con số không tròn trĩnh, vượt qua gian nan thử thách, nhân vật chính trở thành anh hùng. Nhân vật đã hoàn thành được giấc mơ của mình, chẳng phải nội dung như vậy là đã trọn vẹn sao?

Tuy nhiên, nếu kết thúc tại đây, Kungfu Panda của Dreamwork chỉ là một bộ phim cho trẻ con không hơn không kém. Ngỡ rằng Kungfu panda 2 và 3 chỉ là phần ăn theo sau thành công rực rỡ của phần 1. Nhưng không, triết lý Á Đông không thể đơn giản và bề nổi như vậy. Kungfu Panda ẩn chứa những nội hàm, thông điệp uyên thâm về tu luyện, Phật và Đạo.

Đến phần 3, khi sư phụ Shifu hỏi Po “Liệu con nghĩ Chiến binh rồng làm gì?”, câu trả lời của Po là “Để đi xung quanh đá đá, đấm đấm”. Chúng ta có thể thấy, Po vẫn chưa thực sự hiểu “Mình ở đây để làm gì?”. Vậy hành trinh của Po chưa thể kết thúc. Phải xem đủ 3 phần mới biết đây là một siêu phẩm đẳng cấp không chỉ về nội dung, hình ảnh đồ họa mà còn đầy triết lý. KungFu Panda cần đến 3 phần, bởi phải 3 phần mới qua hết được 3 giai đoạn trưởng thành của một đời người. 

Kung-Fu-Panda-3

Ba giai đoạn của cuộc đời 

Để hiểu được triết lý ẩn sau 3 phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các quan điểm 3 giai đoạn của cuộc đời. Khi nói về những giai đoạn trưởng thành, người ta thường nói đến tuổi thơ ấu (childhood), tuổi trưởng thành (adulthood) và tuổi gìa (old-age), hoặc đi học, đi làm và về hưu. Theo mình, đó là cách chia giai đoạn chưa hoàn thiện khi người ta tính sự trưởng thành dựa trên tuổi tác. Có những người qua năm tháng vẫn chỉ là một đứa trẻ trong hình hài người lớn, khi thế giới quan của họ không được mở rộng và nhận thức về cuộc sống vẫn còn hạn chế.  

Các nhà nghiên cứu triết học, tâm linh và phân tâm học đánh giá sự trưởng thành dựa trên trải nghiệm vật chất và cả tinh thần.  

  • Giai đoạn 1: Cơ thể vật lý phát triển, trải nghiệm thế giới vật chất bằng 5 giác quan. 
  • Giai đoạn 2: Tìm về giá trị bên trong, bắt đầu phát triển trực giác, giác ngộ tâm linh để cảm nhận thế giới bằng 6 giác quan 
  • Giai đoạn 3: Hiểu về bản thân và thế giới một cách toàn diện và mình triết, có thể kết nối ta trực tiếp với năng lượng sức sống của vũ trụ.  

Nếu được sống trọn vẹn để trải qua sinh lão bệnh tử, một cuộc đời khoảng 80 năm, phần lớn chúng ta đều trải qua thời thơ ấu, tuổi trưởng thành và tuổi già. Tuy nhiên, không phải ai cũng trải qua đủ 3 giai đoạn trải nghiệm vật chất lẫn tinh thần.  

Tất cả những gì mình viết dưới đây đều dựa trên đọc và cảm nhận. Tất nhiên là mình cũng chưa đi hết được 3 giai đoạn trên nên mình không thể nói kỹ “một con người được kết nối trực tiếp với năng lượng sức sống của vũ trụ thì sẽ cảm thấy thế nào?”. Có thể những điều sau đây bạn sẽ thấy hơi trừu tượng, nhưng hãy mở lòng và chiêm nghiệm nhé.  

tumblr_n5fta9Auct1tbbq5ro1_1280

Ba thể của con người và ba giai đoạn của cuộc đời theo Thần số học Pythago 

Ba thể của con người 

Trong cuốn sách The Complete Book of Numerology, tác giả David A. Phillips nói về 3 thể cùng tồn tại trong 1 con người bao gồm: Basic Self, Conscious Self, và High Self. Ba thể này cũng gần giống với 3 thể trong thuyết vật linh. Trong đó ghi rõ cơ thể con người gồm 3 thể thống nhất: thể xác, thể vía và thể hồn. 

Basic Self

Mức độ cơ bản nhất là Basic Self, đó chính là cơ thể vật lý. Ở mức độ này, con người cảm nhận thế giới qua 5 giác quan cơ bản (nhìn, nghe, sờ, nếm và ngửi). Từ đó, con người làm chủ được các hoạt động thể chất và phản ứng với môi trường xung quanh bằng hành vi bản năng. Sự bất an, mong muốn kiểm soát, sự phô trường, sự sợ hãi, sự tham lam, mong cầu tình cảm… tất cả đều là biểu hiện của basic self.

Những người ở mức độ này, thường bị kiểm soát bởi cái tôi và những mong cầu thường làm họ quên đi những điều mình thực sự cần. Nói cách khác, tác giả David A. Phillips cho rằng, con người, khi dừng lại ở Basic Self, họ chỉ là nô lệ của bản ngã mà không thực sự kiểm soát được chính mình.  

Conscious Self

Conscious Self là nơi trực giác, tình yêu và trí tuệ được phát triển, là lãnh địa của trí nhớ, sự sáng tạo và những lý tưởng. Consicous self cũng là cầu nối để con người đạt đến sự giác ngộ trong High Self, nơi họ có thể kiểm soát được toàn bộ bản ngã cũng như sức mạnh tinh thần, nơi mà kiến thức, lòng từ bi và trí tuệ được chuyển thành hành động tích cực. 

High self

High self bao gồm các phẩm chất đạo đức, các giá trị tinh thần và sự mình triết, là sự biểu đạt cao nhất của con người. Điều kiện tốt nhất để đạt đến High Self là thông qua sự phát triển trực giác (từ Conscious self), dẫn đến chiều sâu của tự do cá nhân. Khi ấy con người cảm nhận được sự đủ đầy và lòng trắc ẩn, có thể sống hạnh phúc trọn vẹn mà không mong cầu, không tham sân si.  

kung-fu-panda-2

Ba giai đoạn của cuộc đời 

Để đạt được 3 thể này, quá trình trưởng thành của con người đi qua 3 giai đoạn: thanh xuân – adolescence, trưởng thành – maturity và hoàn thiện – fulfilment.  

Giai đoạn đầu tiên, bắt đầu từ khi sinh ra đến khi cơ thể cơ thể vật lý phát triển. Ở giai đoạn này, con người chủ yếu quan tâm đến những trải nghiệm vật chất. Thông qua năm giác quan, con người hòa nhập vào cuộc sống với những quy tắc nhất định, tương tác trong những mối quan hệ, và có những thước đo về giá trị của bản thân. Ví dụ, chúng ta cần kiếm tiền, cần có tài sản, cần đạt thành tựu trong sự nghiệp.  

Quá trình chuyển giao từ thanh xuân sang giai đoạn trưởng thành thường được đánh dấu bằng những xung đột không mấy vui vẻ. Những trải nghiệm này khiến con người quan tâm đến cảm xúc hơn khi thấy thế giới vật chất không còn quá hấp dẫn. Vì thế, con người tìm về thế giới nội tâm. Khám phá bên trong bản thân mang đến một chiều sâu ý nghĩa hoàn toàn mới khi con người bước vào thế giới đáng kinh ngạc của nhận thức tâm linh, một trải nghiêm của sự trưởng thành và giác ngộ. Trực giác, lòng trắc ẩn, biểu hiện cảm xúc, trí tuệ và mối quan hệ gần gũi hơn với “Đấng sáng tạo” sẽ phát triển không có điểm dừng, và tiên đến sự hoàn thiện, đạt đến thể cao nhất – High Self. 

Ở giai đoạn hoàn thiện, con người tập trung nhiều hơn vào thế giới tâm linh để đạt được món quà đáng quý nhất – sự hạnh phúc và an lạc một cách trọn vẹn từ trong nội tâm. Tuy vậy, dù ở thể nào, trải nghiệm giai đoạn như thế nào đều là quyền lựa chọn. Liệu chúng ta có muốn đi đến cuối hành trình này hay không?  

“The only thing that matters is what you choose to be now” 

Po-Kungfu Panda 2 

Tham khảo: Sách: Thay đổi cuộc sống với nhân số học, David A. Phillips https://shorten.asia/pCgC2xKB 

download

Ba giai đoạn của đời người qua bộ bài Waite-Smith Tarot 

Bộ bài Waite-Smith Tarot cũng chỉ ra ba gia đoạn trong cuộc đời với nhiều điểm tương đồng với thần số học.  

Nhiều người cho rằng, sự ra đời của bộ bài Tarot bắt nguồn từ Ý vào thế kỷ 15 như một trò chơi giải trí. Những thế kỷ sau và có thể cả bây giờ, nhiều người nhắc đến Tarot như một công cụ bói toán. Tuy vậy, một cách sâu sắc, Tarot như một cầu nối, một cách thức để giúp chúng ta kết nối với higher-self, phát triển bản thân thông qua việc thấu hiểu chính mình và thấu hiểu cuộc sống. Trong bộ bài Tarot Waite-Smith được sử dụng phổ biến, 22 lá ẩn chính miêu tả trọn vẹn giai đoạn trưởng thành của một con người từ số The Fool đến The World.  

Bộ bài Tarot bắt đầu với lá số 0, the Fool. Số 0 có thể không là gì mà cũng là vô hạn. Lá The Fool miêu tả sự khởi đầu của một hành trình với hình ảnh một chàng trai khoác trên vai hành lý, cùng chú chó nhỏ như một người bạn đồng hành. Chàng chuẩn bị bước ra khỏi thế giới để sẵn sàng học hỏi và khám phá. Đặt the Fool lên đầu tiên, sau đó xếp 21 lá còn lại thành 3 hàng, mỗi hàng 7 lá, chúng ta sẽ thấy 3 mức độ trải nghiệm cuộc sống qua những lá bài.  

Hàng đầu tiên miêu tả hành trình đi tìm ý thức (consciousness), mối quan tâm bên ngoài thế giới vật chất và xã hội. Hàng thứ 2 như một sự rút lui vào thế giới bên trong để đi tìm tiềm thức (subconscious). Hàng cuối cùng, như sự quay trở lại trong sự thức tỉnh tâm linh, để trở thành một con người mới, tự do, hướng đến siêu thức (superconscious).  

Ý thức (consciousness)

Ở tầng ý thức, con người tập trung vào những vấn đề vật chật khi đặt mình giữa thế giới bên ngoài, đối mặt với những vấn đề của xã hội như học tập, sự nghiệp, tình yêu, vật chất và quyền lực, những giá trị thuộc về thế giới bên ngoài. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể thấy rằng, thực tế, rất nhiều người cả cuộc đời cũng không thể đạt được sự thỏa mãn trong hành trình này. 

Tiềm thức (subconscious)

Để đi tìm tiềm thức, vượt qua những khủng hoảng căn tính để trải lời cho câu hỏi “Tôi thực sự là ai? Tôi đến đây để làm gì?”, con người bắt đầu rút lui vào bên trong để học những bài học trong sự tình lặng. Mình thích nhất bài học của lá số 9 The Hermit, 12 The Hangedman và 13 Death. Ở đây, mình thấy được sự thức tỉnh của nhận thức, đào bới những vấn đề mang tính bản chất, dù nó không hề thoải mái. Con người phải đối mặt với khổ đau, sự kết thúc và đối diện với những mặt trái dù tối tăm của chính bản thân.

Một người bạn của mình thường nói, mỗi biến cố cho chúng ta một bài học, và sự kết thúc, tận cùng nỗi đau hay cái chết là dấu hiệu của sự tái sinh và hành trình mới. Để rồi, kết thúc hành trình có phần đơn độc và lặng lẽ này, ta thấy mình độc lập, tự do để không còn đi tìm kiếm sự công nhận, chạy theo giá trị của thế giới vật chất quay cuồng nữa.  

Siêu thức (superconscious)

Cuối cùng, khi đã trải qua 2 hành trình để thu lượm tri thức và hiểu về chính mình, chàng trai quay lại thế giới bên ngoài, tiếp tục đương đầu để đi tìm bản ngã thực sự của con người, sự tự do, hướng tới sự siêu thức. Siêu thức là một trạng thái hạnh phúc, trong đó một cá nhân có thể nhận thức được bản thân và tất cả sự tồn tại bằng một nhận thức thuần túy, trực quan và toàn diện. Những ảo tưởng của tâm trí thông thường có ý thức sẽ biến mất, để lộ ra tiềm năng tâm linh bên trong.

Siêu thức kết nối ta trực tiếp với năng lượng sức sống của vũ trụ.  Từ đó, siêu thức tạo ra những biểu hiện khác nhau mang một giá trị cao hơn những biểu hiện của ý thức bình thường, mà ý thức bình thường không thể tạo ra dù có muốn đi nữa.  

Tham khảo: 78 độ minh triết – Rachel Pollack https://shorten.asia/cr89aaqz 

images-of-the-22-card-major-arcana-Unity-traot
The Journey of the Fool

Hành trình phát triển của Po trong Kung Fu Panda 

Kungfu Panda 2 – Inner Peace 

Phần 2, hình dáng của tiềm thức được thể hiện rất rõ. Po bắt đầu trải qua một cuộc khủng khoảng danh tính – Identity crisis. Những hình ảnh mờ ảo quẩn quanh trong tâm trí mà Po không rõ nó xuất phát từ đâu. Lần đầu tiên, Po hỏi cha mình – một chú ngỗng “Con được sinh ra thế nào?”, và tò mò về gốc gác của mình khi thấy bản thân khác biệt với tất cả mọi người xung quanh. Từ đó, bên cạnh sứ mệnh bảo vệ ngôi làng, bảo vệ KungFu, Po đi tìm gốc gác của mình, tìm về những ký ức bị lãng quên và những sức mạnh tiềm ẩn bên trong.  

Tất cả các võ sư hàng đầu của Thần Châu đều đã đầu hàng trước súng thần công của Shen, điều này thể hiện sự tới hạn của ý thức. Bài học mà Po học được sau khi trò chuyện với Soothsayer (một chú cừu) giúp Po chống lại pháo thần công chính là Inner Piece. Inner Peace được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong phim như một tiếng thì thầm đầy ám ảnh. Lấy tĩnh chế động, lấy chậm chế nhanh, dùng nhu khắc cương, và rồi là bốn lạng bạt nghìn cân. Inner peace, nghĩa là bình yên của tâm trí và tinh thần, xuất phát từ bên trong.

Theo lời của Master Shifu, đó là khả năng “khai thác dòng chảy của vũ trụ”, cho phép một người làm được điều tưởng chừng như không thể. Tĩnh tâm, lòng lắng xuống, không xao nhãng để sức mạnh tối thượng được tỏa sáng. Với sự khuyến khích của Soothsayer, thay vì chạy trốn, đờ đẫn và suy tư, Po cho phép bản thân trải qua những ký ức đã ngủ quên, chấp nhận nỗi đau trong quá khứ và bước tiếp, và đối mặt với xung đột nội tâm của mình.  

“ Nhân tâm cũng như mặt hồ vậy. Khi bị khuấy động nó sẽ trở nên khó quan sát. Nhưng nếu con tĩnh lăng, câu trả lời sẽ rất rõ ràng”. 

“Your mind is like this water, my friend. When it is agitated, it becomes difficult to see. But if you allow it to settle, the answer becomes clear.”  

Oogway – Kungfu Panda 3

Và kết quả của trải nghiệm ấy như thế nào, bạn hãy xem đoạn trích dưới đây nhé.  

Kungfu Panda 3- Chi 

Đến phần 3, Po vẫn tiếp tục trải qua một cuộc khủng hoảng căn tính kiểu khác. Lúc này cậu gặp cha ruột của mình và trở về ngôi làng gấu trúc, nơi có những người bề ngoài giống cậu. Tuy vậy, từ đây Po lại bắt đầu thấy khó khăn khi cố gắng để trở thành một chú gấu trúc thực sự và hi vọng cha sẽ dạy mình về chi – khí.

Sau tất cả, Po nhận ra rằng trở thành gấu trúc không có nghĩa là tuân theo một tập hợp và hành vi chung, mà có nghĩa là làm nổi bật tính cá nhân thông qua lăng kính của một số giá trị nhất định. Po vẫn là một phần của gia đình gấu trúc, không phải bằng cách hy sinh con người trước đây của mình, không phải quên đi những bài học ở điện ngọc để tìm kiếm sự an toàn, mà bằng cách đối mặt và chấp nhận bản thân.  

Thử thách mà Po phải đối mặt lần này lại tiếp tục khó khăn hơn khi sư phụ Oogway, Shifu và các sư huynh đã bị thu phục. Sức mạnh mà Po tìm thấy trong phần cuối này là “Qi”.  

Qi hay Nguyên khí là một khái niệm trừu trượng trong triết học Á Đông. Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, qi 氣 (còn được đánh vần là: chi), trong tiếng Nhật, nó được gọi là ki, và trong tiếng Hàn là gi. Khi đề cập đến các sinh vật, chẳng hạn như thực vật, động vật và con người, khí có thể được coi là tổng thể của tất cả các hoạt động sinh lý chịu trách nhiệm cho sự sống của sinh vật.

Qi thường được dịch là “dòng chảy của năng lượng”, “năng lượng sống” hoặc “sinh lực”. Đây là nguyên tắc cơ bản trung tâm trong y học cổ truyền Trung Quốc và võ thuật. Ngoài ra, nó cũng có nghĩa là hơi thở. Người Trung Quốc coi khí là một dạng năng lượng lan tỏa khắp vũ trụ, và không chỉ giới hạn trong các sinh vật sống. 

Tham khảo: Oriental Culture Has Has the Concept of Qi, Chi Or Ki Energy for Thousands of Years- But What Is Qi? 

Ở Kungfu Panda, có một điểm khá thú vị, đó là đối thủ của Po tên là Kai. Trong tiếng Anh, chi đọc là Kai. Như vậy, nếu ở phần 2, Shen còn ngơ ngác trước Inner Peace để rồi chết dưới sức nặng của súng thần công do chính mình tạo ra, thì ở phần 3, Po phải đối đầu với kẻ đã tiếp nhận mọi sức mạnh và Qi của các bậc thầy Kungfu nhiều đời. Hắn hiểu tất cả những chiêu thức trong KungFu, nên Po sẽ chẳng còn mánh nào mới mẻ. Câu trả lời dành cho Po không gì khác đó là “trở thành bậc thầy về Qi” nhờ sự giúp đỡ của những người yêu thương cậu.  

Ở phần 1, bài học cậu học được khi nhìn vào bí kíp võ công bí mật chỉ Chiến binh Rồng mới được động tới đó là sự tin tưởng vào bản thân. Phần 2 Po học về Inner Peace. Bằng cách thành thạo võ công Kungfu (ý thức), thực hành inner peace (tiềm thức) và điều khiển dòng chảy năng lượng – Qi của chính mình, đến cuối phần 3, Po mới trả lời được câu hỏi “Who are you?” một cách rõ ràng và tự tin. 

“Ta đã tự hỏi câu này từ rất lâu. Ta là con của một ông bố gấu trúc, con của cha ngỗng, một môn đệ, một võ sư. Là tất cả. Ta là Chiến binh Rồng”.  

I’ve been asking myself that question. Am I the son of a panda? The son of a goose? A student? A teacher? I’m all of those things. I am the Dragon Warrior!

Po – Kungfu Panda 3

Sự khác biệt giữa Kai và Po ở chỗ, Kai có Qi của tất cả các võ sư mà hắn đã lấy, nhưng hắn chỉ có thể thu nạp, cho đến khi cơ thể hắn bị quá tải rồi tự hủy diệt. Còn Po có thể điều kiển thu nạp và thoát ra theo ý mình. Từ đó biến nó thành sức mạnh tối cao.  

Po đạt đến trạng thái siêu thức thể hiện ở chỗ, cậu bước vào thế giới linh hồn, nhẹ nhàng, thư thái, có thể trò chuyện với sư phụ Oogway, trực tiếp kết nối với tầng năng lượng của vũ trụ. Và quan trọng là Po có thể quay lại thế giới thực tại bất cứ khi nào cậu muốn.  

Từ phần 1 đến phần 3, người lợi hại nhất vẫn luôn là sư phụ Oogway. Đến cuối phần 3, sư phụ Oogway mới nói cho Po lý do tại sao cậu được chọn là Chiến binh Rồng. Chầm chậm, thư thái, luôn mỉm cười và hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Sư phụ Oogway hiểu Po sẽ cần học những bài học gì, và nhìn thấy cả kết quả mà Kai sẽ phải nhận. Kẻ nhận ra bản chất của vạn vật, hiểu luật chơi, thả lỏng để sống thuận theo dòng chảy tự nhiên là kẻ mạnh nhất.  

“Look at this tree. I cannot make it blossom when it suits me, nor make it bear fruit before its time… No matter what you do, that seed will grow to be a peach tree. You may wish for an apple or an orange, but you will get a peach. 

Nhìn cái cây này đi. Tôi không thể làm nó ra hoa kết trái trước khi nó đến lúc . Ta có làm gì đi chăng nữa thì hạt đào cũng sẽ vẫn mọc lên thành cây đào. Dù ta có ước được một quả táo hay cam thì ta cũng chỉ được quả đào mà thôi 

Oogway – Kungfu Panda 1

Chiến binh Rồng suy cho cùng không phải là một cái danh để người người ca tụng. Phần 1, Tai Long với lòng tham, cả cuộc đời tranh giành danh hiệu Chiến binh Rồng để dành bí kíp bí mật nhưng chỉ nhận được tờ giấy trắng. Po không thể sống với cái danh Võ sõ Rồng khi vẫn là một người học trò đi loanh quanh đấm đá. Po trở thành một võ sư thực thụ, truyền dạy võ công và giúp mọi người thực hành Qi. Đó là khi hành trình mà Po đi qua đã trọn vẹn. 

1063008

Kết 

Trên đây là những hiểu biết và suy nghĩ của mình về ba giai đoạn cuộc đời qua Kungfu Panda. Còn rất nhiều bài học khác qua các câu thoại và ẩn ý trong phim mà mình sẽ hẹn các bạn ở một bài review khác có thể trên callmeviolet.com nếu bài viết thiên nhiều về hành trình phát triển bản thân, hay trên phuonganhviolet.com nếu đó chỉ là một bài review phim thông thường.  

Mình tin rằng mỗi con người có mặt trên thế giới này đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả và đẹp đẽ. Giống như Po, hành trình khám phá bản thân để tìm ra những sức mạnh tối thượng là một hành trình gian nan nhưng cuối con đường luôn là ánh sáng và sự mình triết. Chúc bạn nhiều bình an trên hành trình trưởng thành của mình.  

Cám ơn bạn đã đọc đến cuối bài viết rất dài này. Bạn nghĩ gì về Kungfu Panda và về ba giai đoạn của đời người? Hãy để lại ý kiến bình luận bên dưới nhé. 


Một số cuốn sách khác về tâm linh mà mình nghĩ mọi người nên đọc 

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog

Review sách: