Vậy là năm 2022 cũng sắp khép lại rồi. Chẳng hiểu sao, cứ những ngày này mình luôn có cảm giác tiếc nuối, vội vã xen lẫn háo hức. Thực ra, mình không thích cái cảm giác chiều cuối năm, bởi trong mình khoảnh khắc ấy luôn là một bức tranh màu nâu nhạt. Nó có cái mùi rất đặc trưng của gió đông, dù ở Anh hay ở Việt Nam. Và rồi ai ai cũng vội vã, lòng mình cũng hối hả như để hít thở nốt chút không khí còn sót lại của một năm cũ. Ở Anh, mùa đông 4h trời đã tối, người ta thường về nhà nghỉ lễ cùng gia đình từ giáng sinh. Những cửa hàng đóng cửa sớm, thành phố lại càng thêm vắng vẻ, khiến xung quanh lại càng trở nên có gì đó lạnh lẽo, âm u.

Lại 365 ngày trôi qua, cái điều mà mỗi cuối năm chúng ta lại thường tự hỏi là liệu một năm qua đã làm được điều gì. Năm 2022 với mình là một năm rất ý nghĩa. Nó cho mình cái cảm giác nhẹ nhõm, và thỏa mãn sau khi có thể bước qua những tháng ngày khó khăn, bất ổn của 2 năm 2020, 2021. Bởi thế mà mình được củng cố thêm về niềm tin vào bản thân và hi vọng về những phước lành ẩn sau những cơn sóng gió. Mình cảm giác như được bừng tỉnh sau cơn mộng mị lâu năm và càng ngày mình càng tin vào vũ trụ và vận mệnh.

Kết thúc

Với bản thân mình, năm 2022 cũng là năm kết thúc của một hành trình. Mình không thích cái cảm giác “chiều cuối năm”. Tuy vậy, chẳng ai có thể tránh được vòng quay của vũ trụ. Cuộc vui nào cũng đến lúc phải tàn.

Mình có cái cảm giác “chiều cuối năm” rất nhiều lần trong năm nay. Nhiều thay đổi diễn ra và có kết thúc nhiều thứ. Điều buồn nhất với mình là sự mất đi một người thân trong gia đình. Từ ấy mình luôn cảm giác những ngày tháng bình yên của tuổi thơ, khi mình được là một đứa trẻ bên gia đình lớn chẳng còn nữa. Cũng kỳ lạ là rất nhiều món đồ đã theo mình lâu năm, đồng loạt bị hỏng. Rồi cả chuyện nghe loáng thoáng về luân chuyển công tác ở công ty, đến quyết định đi học khép lại cuộc đời công sở mình gắn bó gần 7 năm. Ước mơ lớn nhất từ khi còn đi học cũng hoàn thành. Cảm giác như một chương của cuộc đời, từ năm mình 18 tuổi lên Hà Nội cho đến giờ là năm cuối cùng của tuổi 20 khép lại, mình rời Hà Nội. Hẳn đây là năm đầu tiên từ bé đến giờ mình không cần cầu nguyện đỗ học bổng đi du học nữa. Mình thấy rất nhẹ lòng. Vậy nên mình sẽ để lời cầu nguyện cho một điều ước khác, cho một hành trình mới đang bắt đầu.

Trong năm 2022 và cả trong suốt một phần cuộc đời vừa qua, mình học được bài học lớn.

Bài học về tính kỷ luật

Năm nay có lẽ mình hiểu rõ hơn giá trị của sự kỷ luật. Có thể nói mình là đứa có nhiều nguyên tắc. Mình tự tin là mình là đứa “ngoan” và sống vô cùng lành mạnh. Đôi khi, mình cũng nghĩ, sao mình phải bó buộc bản thân như vậy. Mình có nên dễ tính với bản thân mình hơn không? Làm “gái hư” có hay ho hơn không? Vậy mà có một buổi sáng, tình cờ xem một video rất ngẫu nhiên trên Youtube. Có một câu vào tai mình rất đúng lúc

 Người nào không chịu được cái khổ của việc tự kỷ luật thì rồi cũng sẽ khổ sở vì những thất bại, và những điều không vừa ý.

Chính lúc ấy những trải nghiệm xảy ra trong cuộc đời từ nhỏ, đến khi học đại học, đi làm, những thành công và vô số thất bại, tua nhanh lại như một thước phim. Mình cũng nhận ra, tất cả những điều mình đạt được và mình thấy tự hào nhất về bản thân ngày hôm nay, không phải tự nhiên mà có. Ngay cả chuyện có thể nhìn vào gương và hài lòng với vẻ bề ngoài của mình, cũng chẳng phải tự nhiên. Không ăn nhiều, không bơ sữa, không đường, không dầu mỡ, và tất nhiên là trà sữa cũng xa xỉ. Ăn uống cũng phải rất kỷ luật.

Có rất nhiều lần mình nghĩ về chuyện thế nào là yêu bản thân.  Là bạn yêu vẻ tự nhiên vốn có của mình hay cố gắng sửa sang, tô vẽ để trở thành một con người khác, rồi nhìn vào bức ảnh đã chỉnh qua 7749 cái apps rồi trầm trồ “Ồ, đẹp quá”. Ngược lại, liệu yêu bản thân là không cần chải tóc, không cần dưỡng da, mặt mũi bơ phờ, không cần chỉn chu khi ra đường và tự nhủ “mình đẹp” hoặc “xấu khác biệt còn hơn đẹp giống người ta”. Là bạn lúc nào cũng ném mình vào những cuộc vui sớm tối vì biết ta chỉ sống một lần hay dành thời gian riêng cho bản thân. Là cho phép mình ăn gì thì ăn, làm gì thì làm, chơi với ai thì chơi hay tự biết dừng lại khi hiểu mọi điều đều có giới hạn. Nếu vậy thì phiên bản nào mới đáng được yêu.

Điều rất phức tạp là ta cần đi tìm điểm cân bằng cho cuộc sống. Bởi đôi khi ta chẳng thể khẳng định thế nào là đúng thế nào là sai, giải pháp này đúng với người khác nhưng chẳng đúng với mình. Nếu chúng ta thử đặt mình vào vai của một người khác, có thể hiểu liệu yêu một người là như thế nào, và từ đó để biết mình nên yêu bản thân mình ra sao. Liệu bạn có bao giờ muốn đi chơi với một đứa đầu bù tóc rồi, hay thấy người mình yêu thay đổi chẳng còn nhận ra bản gốc. Liệu có muốn người đó đi sớm về khuya, hay lúc nào cũng quần quật mà chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Liệu bạn có muốn thấy người đó ăn uống vô tổ chức, hút chích rượu chè các kiểu, hay ở bên người không tốt. Vậy sao yêu người khác như thế mà lại yêu bản thân theo một kiểu khác. Phải yêu nhiều hơn chứ sao lại kém vì phải yêu bản thân trước mới đủ sức yêu người ta.

Có lần nói chuyện với đứa em. Em bảo, đôi khi thấy thật bất công vì dường như những đứa ích kỷ, thảo mai, xấu tính, thích nịnh nọt lại sống dễ dàng hơn mình. Có những lần đến nhà bạn liên hoan, mình quần quật trong bếp nhưng có đứa ngồi chơi chẳng làm gì còn nói vọng vào phải làm kiểu này kiểu kia, rồi đồ ăn lên nó còn chê ỏng chê eo. Mình cũng rất ghét cái kiểu đó và cũng gặp sự đời này không ít. Bố mẹ đã rèn cho mình những lễ nghi rất kỹ, tuy nhiên có vẻ không phải ai cũng được học cách đối nhân xử thế. Bực mình là vậy, tuy nhiên mình thấy có một niềm vui khi bạn có thể ngẩng cao đầu để khặng định “ta là người tử tế”, khi ta có thể chỉ trích những cái xấu mà không hề xấu hổ khi nhìn lại bản. Chúng ta cố gắng trở nên cao quý, chứ sao phải hạ mình đi xuống. Từ bé đã học bài “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. Để được là một bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cũng cần nhiều kỷ luật.

Điều này cũng tương tự nhưng bài học về sự cam kết mà mình đã viết trong bài “Từ kế hoạch đến hành động”. Muốn làm bất cứ điều gì chúng ta cần bỏ công, bỏ sức, bỏ thời gian, thậm chí hi sinh những niềm vui khác. Việc bạn có thể dậy sớm hơn mỗi ngày để có thêm thời gian rèn giũa bản thân, việc bạn có thể tập trung toàn bộ tâm trí khi làm việc, rèn luyện thể chất, ăn uống lành mạnh mỗi ngày, và thậm chí không biến bản thân mình thành đứa xấu tính, tất cả đều phải có kỷ luật. Chắc chắn, sự kỷ luật ấy sẽ mang lại kết quả.

Big rewards come with commitment.

Về chuyện đi làm, có nhiều bạn nói với mình rằng, vì công ty trả cho mình có vậy nên mình cống hiến cũng vừa đủ thôi. Thực ra mình không đồng ý với quan điểm này. Vì với mình, khi làm gì mình luôn làm hết sức. Ngày trước, lúc là chuyên viên mới, mình cũng nhận thấy sự bất công khi không được đối đãi tốt như người khác. Lúc đó, mình đã luôn nói với bản thân rằng “Phương Anh à, cố gắng đi đã, giỏi giang đi đã rồi hãng đòi hỏi”. Sau 7 năm gắn bó với công việc văn phòng, mình chẳng cần phải đòi hỏi, tự nhiên mọi điều thay đổi. Chúng ta luôn nhận được những gì mà chúng ta tạo nên. Vậy nên, mình tin cuộc đời không phụ lòng những người tốt và biết cố gắng.

Hôm trước cũng nhờ cô em họ xem thần số học năm sau thế nào. Nó đọc sách một hồi rồi bảo, một trong những bài học chị cần phải học trong kiếp sống này là sự kỷ luật. Và thế rồi sau đó mình lại nghĩ, thực ra khi đã quen với nguyên tắc, kỷ luật thì nó cũng như một phần của bản thân. Ví dụ bạn thấy người ăn chay, nghĩ họ khổ vì không được ăn thịt nhưng họ ăn thịt lại không thấy ngon. Dù sao thì cái “khổ” khi buộc mình vào những kỹ luật cũng chẳng khổ bằng khi phải trải qua sự thất bại, thất vọng và không được là chính mình. Điều đáng sợ nhất của tuổi trẻ không phải thất tình hay thất nghiệp mà là thất vọng về bản thân. Có một niềm vui mang tên sự thỏa mãn khi thấy mình tốt lên mỗi ngày. Thôi thì năm sau, mình cũng sẽ vẫn nhủ bản thân sẽ sống kỷ luật hơn.

So sánh và lựa chọn

Cuộc đời của mỗi con người được tạo nên không chỉ bởi xuất thân, tài năng thiên bẩm, và nỗ lực, mà điều mang tính quyết định là mỗi lựa chọn mà chúng ta đưa ra ở mỗi độ tuổi nhất định, và trước mỗi ngã rẽ. Mỗi người chúng ta là một bản thể riêng biệt, mang một sản sắc riêng. Cái bản sắc cá nhân ấy tới từ sự chấp nhận và công nhận từ bên trong mình, và sự kỳ vọng của bản thân chúng ta muốn trở thành người ra sao. Và từ đó, nó quyết định những hành vi ứng xử hàng ngày, trở thành tính cách. Số phận con người phụ thuộc và tính cách đó. Khi bạn đứng nấu ăn trong bếp và bị cái đứa xấu tính nó mỉa mấy câu rồi lại nghĩ “ước gì mình xấu tính như nó, đỡ phải làm”. Tuy nhiên, bạn muốn lười nhưng lòng bạn chẳng yên.

Gia đình, sự nghiệp, tình cảm, niềm vui cá nhân… tất cả đều phải trên bàn cân. Lựa chọn xong rồi, sự nỗ lực ở phía sau sẽ quyết định chúng ta có thể đi được bao xa với lựa chọn ấy. Chọn kỷ luật hay buông thả, chọn cố gắng đi tiếp hay bỏ cuộc cũng là lựa chọn. Chúng ta không có khả năng như Evelyn trong Everthing, Everywhere All at once để nhìn thấu đa vũ trụ xem lựa chọn nào là tốt nhất. Tuy vậy, sự khổ đau của chúng ta đến từ việc chúng ta ở trong vũ trụ này nhưng lại thường nghĩ về mình nếu ở trong vũ trụ khác. Chính bản thân mình đầy những tiếc nuối, và mơ về những vũ trụ nơi mà mình đã có thể làm khác đi. Đôi mình mình cũng nghĩ ước gì mình cũng có thể “hồn nhiên” như người ta”, và cũng thường nghĩ về những tiếc nuối. Chẳng vũ trụ nào là hoàn hảo. Nhưng chỉ cần mình thực sự hài lòng với mỗi lựa chọn hàng ngày, dù nhỏ nhặt hay trọng đại, thì vũ trụ hiện tại là nơi phù hợp nhất dành cho mình rồi. Nghĩ đi nghĩ lại, dù đôi lúc có mệt mỏi nhưng cuối cùng chúng ta vẫn chọn là chính mình.

…và bắt đầu

Khi nhìn lại bản thân mình, dù nhìn số tuổi 29+ và theo cách nói của mẹ mình là vẫn lông bông, thực lòng, mình cũng sợ sợ. Còn sợ hơn nữa khi so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Cái đó gọi là peer pressure ấy. Tuy vậy, mình tin rằng đây là phiên bản tốt nhất của mình từ trước đến nay. Không chỉ là những bài học đã thấm nhuần để có thể trở thành tính cách và lối sống, mà ngay cả ngoại hình. Chưa bao giờ mình nhìn vào trong gương và thấy da mình mịn như bây giờ. Vậy là phiên bản này tự tin về bản thân mình là điều kiện tốt hơn năm 18 tuổi đầy những hoài nghi về bản thân.

Xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Sự kết thúc là điều cần thiết cho một khởi đầu mới. Với tất cả những bài học, những nền tảng đã gây dựng trong những năm “trẻ trâu” vừa qua, mình thấy đầy lạc quan với chặng đường ở phía trước. Mình sẽ viết tiếp cuộc đời của chính mình.

A fresh start. A new chapter in life is waiting to be written. New questions to be asked, embraced, and loved. Answers to be discovered and then lived in this transformative year of delight and self-discovery.

Sarah Ban Breathnach

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi Blog qua Email