Thật ra, có một điều rất tệ mà người ta hay nói với một người đang buồn. Đó là “Vui lên!”. Chúng ta có hiểu rõ về sự lạc quan?

Nội dung Blog hiện đã có trên Podcast Spoprtify, mời bạn theo dõi.

Câu chuyện buồn và sự an ủi

Mình rất sợ cái cảm giác mỗi lần có chuyện buồn, lúc chia sẻ với bạn bè và nhận được những câu kiểu này:

  • Sao cậu cứ bận tâm cái chuyện cỏn con đó nhỉ.
  • Ôi dào ơi, chuyện đó đã là gì. Bao người ngoài kia còn khổ hơn.
  • Nghĩ tích cực lên, thử đi tập Gym, tập Yoga xem, sẽ thấy tốt hơn.

Và sau mỗi lần như thế, thực lòng, mình lại thấy càng tệ hơn chứ chẳng thể lạc quan nổi. Dần dần, mình khép cửa trái tim mình lại, không còn chia sẻ những điều “con cỏn” với người khác nữa. Cứ thế bạn bè thật sự, ý mình là người mà mình có thể gọi mỗi lúc cần được chia sẻ và để mình có thể thấy nhẹ nhõm hơn sau buổi trò chuyện, ngày càng ít. Rồi đến một ngày, thay vì gặp bạn bè, mình gặp bác sĩ tâm lý.

Mình không biết các bạn đã trải qua cảm giác này chưa, hay đã từng nghe thấy những lời khuyên kiểu như trên chưa. Chính bản thân mình, sau khi nghe những câu ấy mình luôn có câu trả lời:

  • Đó là vấn đề khiến mình quan tâm, và không phải chuyện cỏn con.
  • Uhm, có lẽ nào chuyện của mình không đáng được quan tâm so với chuyện của người khác. Bạn đang bác bỏ cảm xúc của mình.
  • Thử hỏi một người khỏe mạnh bình thường, mấy ai tập gym đều đặn hàng ngày mà lại khuyên một đứa đang chả muốn làm gì bỏ thêm nỗ lực (và tiền bạc) để đi làm việc đó. Bạn đang che đậy cảm xúc thật.

Sự thấu hiểu

Mình cũng tự hỏi, có bao giờ, ở một tình huống tương tự, mình là người nói ra câu “ngược lại với sự an ủi” đó không?. Mình hi vọng là không vì mình thực lòng không muốn làm tổn thương người khác. Với người nghe, câu nói ấy cũng như xát thêm muối cục vào vết thương vậy. Mình hiểu sự chín chắn và tỉnh táo của người ngoài cuộc, nhưng hãy một lần hiểu tâm trạng của người đang trải qua nỗi buồn và sự tổn thương.

Bạn sẽ thắc mắc vậy lúc ấy phải nói gì? Mình nghĩ mình cũng chẳng có EQ cao để biến buồn thành vui. Nhưng mình nghĩ khi nói ra, người nói chẳng một ông bụt hiện lên phẩy cây phất trần để thế giới này thay đổi. Họ nói với bạn chỉ là cần được giải tỏa, cần được lắng nghe. Không an ủi cũng được, chỉ cần im lặng và lắng nghe thôi. Khi đó, nỗi buồn sẽ tự nguôi ngoai, bởi biết mình vẫn có những an yên ở lại.

Bạn không cần lắng nghe để đưa ra lời khuyên. Bạn chỉ cần lắng nghe và thấu hiểu. 

Sự lạc quan độc hại

Thuật ngữ tiếng anh gốc là “Toxic Positivity”. Các nhà tâm lý học cho biết: Đẩy đi những cảm xúc khó khăn, chẳng hạn như buồn bã hoặc sợ hãi, và ép bản thân hoặc những người khác trở nên tích cực có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ của chúng ta. Điều này là do việc thực hành sự vui vẻ giả tạo – mà họ gọi là “sự lạc quan độc hại” – ngăn chúng ta giải quyết các vấn đề cảm xúc thật của mình và cảm xúc của người khác.

Sự lạc quan độc hại là “niềm tin rằng bất kể hoàn cảnh có khắc nghiệt, khó khăn thế nào, người ta vẫn nên giữ cho được một tinh thần lạc quan” tô hồng mọi việc, và chỉ giữ lại những điều tốt đẹp, dùng suy nghĩ để loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc khó chịu khác; kiên quyết lạc quan, kể cả khi biết cái lạc quan ấy là giả tạo và bất khả thi.

Trau dồi một tư duy tích cực, sống lạc quan là một cơ chế đối phó mạnh mẽ, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn. Nhưng sự lạc quan cần phải bắt nguồn từ thực tế thì nó mới đúng đắn và hữu ích.

“Sự tích cực trở nên độc hại khi nó được đưa ra sai cách, giống như thuốc sai liều lượng và sai thời điểm.”

David Kessler.

Từ khi còn nhỏ, các sách Self-help, truyền thông, và cả những người nào đó lạ hoắc đều nói với chúng ta cách xua đuổi nỗi buồn, tránh những cảm xúc tồi tệ, và ngừng phàn nàn. Hay nói cách khác đó là “nghĩa vụ phải hạnh phúc” mặc kệ cái vấn đề mà bạn đang được báo hiệu cần giải quyết. Nếu không cố gắng có vẻ bề ngoài lạc quan, vui vẻ mà để lộ ra cảm xúc thật là chúng ta đang buồn, chúng ta sẽ bị đánh giá là yếu đuối, là một người không đạt chuẩn “tích cực”. Nhưng thực ra, vẻ bề ngoài đó là lớp vỏ bọc của sự trốn tránh, không muốn chấp nhận thực tại và không muốn giải quyết vấn đề cốt lõi. Điều giống như khi bạn thấy bức tường bị nứt nhưng bạn dùng sơn để che đi vết nứt. Hay bạn thấy một vết bẩn ở bàn nhưng không lấy cải giẻ lau đi mà lấy cái lọ hoa che lại.

Nghiên cứu cho thấy rằng cố gắng kìm nén những cảm xúc khó khăn khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn vì bạn không bao giờ dám đối phó với chúng. Thêm vào đó, qua thời gian, trong cuộc sống hàng ngày những vấn đề này cứ lặp đi lặp lại. Chúng ta không thể để rác trong nhà mãi được, tại sao lại để những nỗi buồn ở trong chính tâm hồn mình.

Vì thế, hãy đối diện với cảm xúc thật của chính mình. Đừng che đậy.

IMG_7068-01

Không ai ép buộc được cảm xúc

Trạng thái hạnh phúc, sự hân hoan không diễn ra theo mệnh lệnh và không có sẵn. Nếu chúng ta cứ cố ép mình vào hạnh phúc một cách giả tạo, lúc nào cũng ép mình phải tỏ ra rộng lượng, vui vẻ thì trên gương mặt chúng ta sẽ là một nụ cười gượng ép, thiếu tự nhiên, kỳ quặc, chẳng che giấu nổi sự hằn học, sầu não. Nụ cười giả tạo kia sẽ chẳng đánh lừa được bất kỳ ai.

Hãy để tình cảm chúng ta được tự nhiên. Nếu chúng ta cảm thấy bực bội hãy cứ bực bội, hãy để cho sự bực bội trôi qua một cách tự do. Chỉ cần như thế, đừng cố gắng kiểm soát. Đừng giữ cảm xúc nặng nề quá lâu, hãy thả lỏng, đợi khi bạn tỉnh táo và bình tĩnh nhất để giải quyết triệt để nó. Rác để lâu ngày bốc mùi khắp nhà, thì nếu cứ cố gắng che đậy sự bực tức, bạn sẽ hướng nó đi vào từng tế bào cơ thể mình.

Đừng phủ nhận cảm xúc thật của mình. Cảm xúc của bạn không xấu. Nỗi buồn không có lỗi, bởi nó là điều tự nhiên nhất mà tạo hóa cho chúng ta. Cảm xúc là biểu hiện con người nhất mà máy móc không thể bắt chước được. Kẻ thù thực sự bạn phải chiến đấu lại là vấn đề khiến bạn có cảm xúc đó. Chỉ có ai có lòng dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận điều đó mới có thể thực sự vượt qua. Chỉ khi thừa nhận thẳng thắn ngay lúc này rằng trong tâm hồn mình đang chứa những nỗi tức giận , chỉ khi nhìn nhận một cách trực diện vào kẻ thù, bạn mới có cơ hội chiến thắng nó.

Sự lạc quan độc hại khiến mọi việc trầm trọng

Khi cảm thấy đau khổ, buồn bã, người ta cần được thấu hiểu và nhận được tình yêu thương bởi người thân, bạn bè. Bởi cảm xúc không thể điều khiển bằng cái công tác bật tắt, nói “Vui lên” chẳng thể vui luôn. Khi nhận được những câu nói “Ngoài kia còn nhiều người còn khổ hơn” hoặc “Quên nó đi, nghĩ sang chuyện khác vui hơn” thì nó cũng đồng nghĩa với câu “Chuyện thế mà cũng kêu”.  Đó là hình thức phủ nhận và né tránh cảm xúc. Điều này sẽ khiến nỗi buồn trở nên đáng xấu hổ và phiền phức với những người xung quanh. Sau đó, từ nỗi buồn, người ta lại thêm cảm giác xấu hổ và tội lỗi. Cảm giác xấu hổ và tội lỗi chỉ vì mình buồn dẫn đến sự kìm nén.

Chúng ta không thể né tránh. Chúng ta phải đổ rác hàng ngày. Nếu như bạn không muốn đối diện với sự thật đó, bạn “né tránh” bằng cách lau nhà, nấu cơm, rửa bát để quên đống rác đi thì đống rác đó vẫn ở đó, và càng để lâu càng bốc mùi. Sự lạc quan độc hại này còn ngăn cản sự phát triển bản thân, khi bài toán khó nhưng bạn không tìm cách giải quyết. Vì thế bạn sẽ không học được bài học mà mình cần phải học.

Vỏ bọc lạc quan đôi khi cũng như một bức tường lạnh lẽo ngăn cản giữa bạn và những người thực sự quan tâm đến bạn. Bởi vì bạn không thể hiện, không nói thì đâu phải ai cũng nhận ra. Ngoài ra, phủ nhận cảm xúc, bạn còn cho phép người không tốt làm tổn thương mình nữa. Nếu ai đó khiến bạn bị tổn thương, nhưng bạn cố gắng phủ nhận và huyễn hoặc bản thân rằng “họ làm vậy cũng được, không sao”. Thế rồi người kia cứ tiếp túc làm bạn tổn thương, còn bạn cứ phải kìm nén. Có lẽ nào bạn nghĩ bản thân mình không xứng đáng được đối xử tốt hơn. Hãy thẳng thắn, nói với người kia về cảm xúc của bạn. Còn nếu họ không hiểu, mình nghĩ chúng ta luôn có thể dành thời gian cho những điều tốt đẹp hơn.

Đối mặt với cảm xúc thật

Bạn có nhớ bộ phim hoạt hình Inside Out (2015). Joy (đại diện cho niềm vui) cố gắng không để Sadness (nỗi buồn) được động vào bảng điều khiển cảm xúc của Riley bởi Joy cho rằng Sadness không có giá trị nào trong quá trình hoàn thiện nhân cách của Riley. Với Joy, mọi hoàn cảnh chỉ cần lạc quan và vui vẻ thì có thể vượt qua. Nhưng đến cuối phim, chúng ta học được rằng nỗi buồn là một phần quan trọng của cảm xúc. Không phải Joy mà chính Sadness mới có thể giải quyết được vấn đề của Riley.

Chúng ta không cần vui vẻ mọi lúc. Chúng ta vẫn ổn khi cuộc đời này cho chúng ta rất nhiều nỗi buồn, mất mát. Vượt qua nỗi buồn, vượt qua những khó khăn là cách chúng ta trưởng thành. Ví thế, xin đừng đánh giá bản thân hoặc phán xét người khác khi bị rơi vào những cảm xúc buồn bã, sợ hãi, lo lắng.

Đối với bản thân

Hãy từ bi với cảm xúc của chính mình. Hãy nói với bản thân rằng: “Tôi đang cảm thấy thực sự buồn /cô đơn /lo lắng và đó là cảm xúc bình thường của một con người bình thường.”

Sau đó hãy cho mình thời gian để hồi phục, bình tĩnh xem liệu vấn đề là gì. Hãy tự hỏi bản thân vì sao điều này lại xảy ra, điều gì đã gây ra nó. Đừng đánh giá, đừng phán xét, đừng che đậy, đừng phủ nhận và đừng giấu giếm. Rồi sau đó, cho bản thân sự dũng cảm để giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Đối mặt với kẻ thù thực sự. Hãy giải quyết nỗi buồn ấy như cách bạn đi đổ rác mỗi ngày vậy.

Tự hỏi bản thân xem mình có thể học được gì từ cảm xúc này không. Cảm xúc cũng giống như biển chỉ dẫn đến những điều mà chúng ta cần quan tâm. Ví dụ sự cô đơn báo hiệu rằng chúng ta cần thêm những kết nối và hãy hành động. Một câu nói từ ai đó khiến bạn tổn thương báo hiệu những vấn đề trong một mối quan hệ.

Hãy thử thay đổi góc nhìn. Cuộc sống xứng đáng được biết ơn, kể cả khi chúng ta thấy dường như nó có thật nhiều thử thách. Bạn có nhớ hồi đi học, bài khó để phân loại học sinh giỏi. Nếu cuộc sống mang cho bạn nhiều bài khó, hãy nhớ rằng vũ trụ này đánh giá cao bạn hơn bạn nghĩ. Khó khăn này sẽ dạy bạn một bài học lớn. Khi nhận được bài học đích thực, thay vì những ảo tưởng và vỏ bọc tầm thường, chúng ta trưởng thành hơn, và những khó khăn về sau sẽ không làm khó được chúng ta nữa. Bạn sẽ đủ khả năng để làm những bài toàn khó hơn. Hãy đối mặt và giải quyết vấn đề để hạnh phúc trọn vẹn từ trong tâm thay vì một lớp vỏ.

Bởi người nào có khả năng nhìn thấy hạnh phúc trong sự đau khổ và nhận thức được kinh nghiệm tuyệt vời trong những cơn sóng gió mới là người hạnh phúc.

Nishi Katsuzo

Đối với người khác

Từ những trải nghiệm của bản thân, bạn cũng sẽ hiểu khi buồn người kia cần gì. Hãy nhớ rằng nhiệm vụ của bạn không phải là giải quyết vấn đề của người khác và họ cũng không muốn bạn làm vậy. Họ chỉ cần một người lắng nghe. Hãy học cách lắng nghe tích cực. Bạn cũng có thể hỏi xem họ có cần bạn giúp gì không. Có những bài học cuộc sống chúng ta phải tự học. Đề thi ở nhân gian phải tự mình giải quyết. Mỗi người đều phải làm bài thi của riêng mình.

Đừng đánh giá lựa chọn của người khác khi bạn chưa thực sự hiểu hoàn cảnh của họ.

Kết luận

Thực ra đây là vấn đề mình đã muốn viết từ rất lâu nhưng mình luôn cảm thấy bản thân chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ từ ngữ đề nói về những cảm xúc một cách rõ ràng. Từ lâu, mình bắt đầu nhận thấy những nỗi buồn, những thất bại, những lo lắng cần được vồ về, quan tâm nhiều hơn thay vì chúng ta cứ chạy theo những thành tựu và những điều hào nhoáng. Người ta luôn nói về “Làm thế nào để thành công”, “Là thế nào để vui vẻ” nhưng chữa lành nhưng tổn thương không được nhiều người để ý đến. Mình đã thử viết bài blog đầu tiên về cảm xúc, để hi vọng ai đó sẽ tìm thấy sự đồng cảm. Sau này, mình muốn viết nhiều hơn về chủ đề chữa lành.

Mình không cổ súy sự tiêu cực và hay bảo mọi người cứ buồn đi. Mình chỉ cố gắng tìm lại sự cân bằng về cảm xúc, giải quyết sự việc từ gốc rễ thay vì chỉ ở bề mặt để chúng ta có thể hạnh phúc một cách trọn vẹn. Cảm xúc tiêu cực khác với suy nghĩ tiêu cực. Như đã nói cảm xúc tiêu cực không xấu. Nỗi buồn là điều rất tự nhiên. Quan trọng hơn, hiểu được vấn đề này không chỉ giúp chính bản thân mà còn giúp chúng ta tránh vô tình nói điều gì đó khiến người khác tổn thương.

Tâm lý là một lĩnh vực phức tạp. Bởi mỗi người là khác nhau, mỗi người một cảnh nên sẽ không có con đường mòn để giúp chúng ta thấu hiểu về chính mình. Mình rất tiếc bởi bài viết này có thể không cho bạn được một cách giải quyết rõ ràng, chi tiết hơn. Điều quan trọng nhất mà mình học được là hãy lắng nghe chủ động, lắng nghe cảm xúc của chính bạn và lắng nghe để thấu hiểu vấn đề của người khác.

Và sau cùng, trên hành trinh trưởng thành có nhiều lúc hoang mang mình thường dựa vào những cuốn sách và những bộ phim như một cách bám víu để tìm sự đồng cảm. Có rất nhiều cuốn sách, bộ phim có thể giúp ta cảm thấy được chữa lành. Trong đó, đừng bỏ qua bộ phim Inside Out (2015) của Pixar nhé. Mình xin kết lại bài này bằng câu nói của tác giả Murakami Haruki .

Bất kể mọi người trên thế giới có nói gì, tôi luôn cho rằng cảm xúc của mình mới là điều đúng đắn nhất. Bất kể người khác nhìn nhận ra sao, tôi cũng sẽ không tùy tiện làm loạn tiết tấu của mình. Thích, tự nhiên sẽ có thể kiên trì, còn nếu đã không thích, dù thế nào cũng sẽ chẳng thể dài lâu.

 Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ | Haruki Murakami

Chúc bạn nhiều an yên trên hành trình trưởng thành của chính mình.


Nguồn cảm hứng cho bài viết này:

Cám ơn bạn đã đã đọc đến.

Theo dõi Blog để nhận thông tin bài viết mới qua email.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]