Sau chuyến đi Cornwall, Thư về ở với Linh Ngư một vài ngày trước khi về Việt Nam. Tôi về nhà bạn ngủ một đêm trước khi chuyển sang căn nhà mới ở gần sông Lea, khu Hackney, phía Đông London. Tôi có một tháng ở tại căn nhà Airbnb ở khu Hackney. Tôi sẽ kể câu chuyện của hơn 1 tháng ấy trong những dòng viết tản mạn dưới đây.

Tháng 10/2019

Ngày đàu tiên của tháng cũng là nhận nhà mới, tôi ra khỏi nhà sớm vì bạn tôi phải đi làm. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cuộc sống ở London thật khác. Đó cuộc sống của những người dân lao động hối hả và sáng sớm. Hồi ở Bloombury, chúng tôi bảo nhau đó là khu vực của sinh viên, các nhà văn nhà thơ nên cảm giác thật hiền hòa nhưng hóa ra cuộc sống ở London thực ra xô bồ hơn rất nhiều.

Tôi bắt tàu underground Northern line từ Elephan and Castle đến bến Algel, từ đó đi tiếp xe bus 56. Mặt trời vẫn chưa lên hẳn, tôi đứng đợi xe bus một mình. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đến khu vực phía Đông, cách xa cuộc sống náo nhiệt ở trung tâm. Tôi thường đùa với các bạn rằng, tôi sẽ dành hai tháng về quê để tập trung viết tiểu thuyết. Thực ra tôi đợi lễ tốt nghiệp tranh thủ đi thêm mấy thành phố, học thêm một vài kỹ năng và thực sự suy nghĩ về những điều mình muốn làm. 

Vừa bước xuống tàu, tôi thấy hơi sợ khi bắt gặp ánh mắt của người đàn ông có bộ râu đen nhìn mình. Không phải, chỉ là tôi thần hồn nát thần tính thôi. Tại sao người đàn ông đó cứ quay lại nhìn tôi. Tôi cố gắng giữ một khoảng cách nhất định và đi ra chỗ có nhiều người nhất có thể. Ra khỏi ga Angel, mặt trời vẫn còn chưa lên. Dù có cố gắng tìm chỗ đông người nhưng trước mặt tôi vẫn chỉ là con phố vắng hoe. Tôi đứng ở bến xe một mình và chỉ thầm ước có cô cậu sinh viên nào đó đứng đợi cùng. Rồi thật may, xe bus của tôi cũng đến.

Xe bus số 56 dừng ở bến Lea Valley Ice Center khoảng 7h hơn. Lúc này trời đã sáng hẳn. Tôi nhìn bản đồ Google qua một khu đường đất rất vắng, hai bên là hai bụi cây. Tôi đứng một lúc ngơ ngác không biết có nên đi tiếp. Nhìn phía xa có bóng người đang chạy bộ thể dục, tôi mới yên tâm nghĩ “Giống London rồi đấy” và tiếp tục đi tiếp, qua cây cầu bắc qua sông, men theo con đường ven sông Lea và vào đến nhà. Cô bạn chủ nhà người Anh ra mở cửa đón tôi, giới thiệu cho tôi ngôi nhà rồi cô quay lại phòng chuẩn bị đi làm. Tôi chìm vào giấc ngủ sau một chuyến đi dài kéo hành lý nặng và đêm trước trằn trọc không ngủ. Hôm nay, tôi bắt đầu một cuộc sống mới.

IMG_0361
Bức ảnh đầu tiên tôi chụp trên đường vào nhà mới.

Tôi ở cùng chị Huyền và cô chủ nhà người Anh tên là Ella tại khu vực thung lũng sông Lea. Đây là khu vực tuyệt vời cho các hoạt động ngoài trời. Ngôi nhà của chúng tôi nằm ở một khu dân cư gồm những trung cư mini. Mỗi “tòa nhà” chỉ cao tối đa ba tầng và mỗi tầng gồm 3 – 4 căn hộ. Gia đình ở tầng 1 thì sẽ có vườn trước nhà. Phía bên kia bờ sông là khu bảo tồn thiên nhiên, trung tâm trượt băng đã từng là nơi tổ chức thế vận hội mùa đông London 2012, và trung tâm dạy cưỡi ngựa. Khu dân cư được bao bọc bởi những công viên xanh ngắt cách trung tâm London 1 tiếng đi xe bus và khoảng 20 phút đi tàu overground.

Ella là cô nàng người Anh kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp. Người ta nói rằng người Anh không thể thiếu bình siêu tốc để pha trà và máy nướng bánh mỳ để ăn sandwich vào buổi sáng, nhưng ngôi nhà của Ella thì không có cả hai thứ đó dù cô là cô gái London chính hiệu. Mỗi sáng, cô vào bếp, đặt một cái xoong nhỏ đổ đầy nước lên bếp, đợi nước sôi rồi thả túi trà vào nồi. Đợi nước sôi hơi lâu, chúng tôi thường đùa nhau:

“Thanh xuân này để pha trà,

Chưa sôi ấm nước hết nửa thanh xuân”

Ella rất quan tâm đến môi trường, cô ăn chay từ nhỏ nhưng cô rất thích nấu ăn và thường xuyên xem cái show ẩm thực trên Netflix. Cô cũng có một chiếc ô tô nhưng chẳng mấy khi dùng tới vì không thân thiện với môi trường. Cô vui vẻ với những món ăn toàn rau củ, thích tự muối kim chi. Sống cùng Ella lâu lâu, tôi cũng ngại ăn thịt. Tôi bắt đầu làm quen với bữa sáng với cháo yến mạch cùng chuối tươi và dừa khô. Vì ở ILSC, mỗi sáng thức dậy có các cô chuẩn bị đồ ăn sáng, nên giờ phải tự làm, lâu lâu tôi mới biết cho bao nhiêu yến mạch, bao nhiêu nước cho vừa. Thỉnh thoảng tôi làm một bữa thịnh soạn hơn để cả ba chúng tôi cùng ăn nhưng không được có thịt ví dụ như món nem rán chay, bún bò chay, và xôi thịt kho tàu nhưng tôi và chị Huyền ăn thịt còn Ella ăn củ cải.

IMG_0559
Hóa ra tôi đã thực sự ở xứ sở sương mù. 7h sáng mùa đông nước Anh

Cuộc sống trong ngôi nhà ở thung lũng sông Lea khiến tôi có cảm giác như mình được tham gia HostUK một lần nữa, trải nghiệm cuộc sống của người trẻ London. Tôi đã tửng rất sợ trước khi đến đây. Hơn một năm ở ILSC, ngôi nhà ngay trung tâm London, khu vực an ninh bởi toàn sinh viên, các nhà thơ nhà văn, xung quanh nhiều siêu thị, cửa hàng và tôi có thể đi bộ tới những địa điểm mình thích. Còn nhà của Ella thì nằm ở Zone 3, quận Hackney, nhìn bản đồ vào trung tâm tôi thấy xa tít tắt. Khi tôi nói tôi mới chuyển về khu Hackney, cô bạn cùng lớp tôi ngạc nhiên hỏi:

  • Khu đó rất nguy hiểm đúng không?

Nhiều người cũng nói Hackney là khu vực không an toàn. Lần tôi bị hỏng điện thoại, cậu bạn bảo tôi qua trung tâm Hackney mua điện thoại cũ dùng tạm, đảm bảo rẻ nhất London. Tôi tò mò hỏi lại:

  • Thế có khả năng vừa mang điện thoại mới mua ra khỏi cửa hàng đã bị giật luôn không?
  • Thì đúng quá còn gì nữa. Trung tâm Hackney là nơi tập trung những anh liều nhất London.

Tôi nghe xong sợ luôn. Bởi vậy, trước khi chuyển nhà tôi cũng thấy hơi sợ. Nhưng ở lâu thành quen, tôi đã quen với chuyến xe 55 thẳng từ nhà đến Oxford Circus, hay chuyến 56 đưa tôi đến St Paul. Chiều tối về nhà, trên xe bus toàn những người da màu, nói ngôn ngữ mà tôi không thể hiểu. 

IMG_0502
Hoàng hôn nhìn từ nhà bếp

Tuần cuối cùng của tháng 10, châu Âu bắt đầu chuyển giờ. Ngày dường như ngắn hơn, 4h30 mặt trời đã lặn. Mỗi lần về nhà trời đã sẩm tối, đi qua con sông thấy lạnh lạnh. Ven bờ sông có rất nhiều những ngôi nhà thuyền neo đậu. Có những người họ sống ngay trên thuyền, tôi không biết có bao giờ những con thuyền ấy chạy đi chỗ khác. Đường đi bộ từ bến xe bus về nhà thường rất vắng. Có lần chị Huyền xem phim trên Netflix bảo tôi:

  • Hôm qua chị xem phim về một vụ giết người ở bên bờ sông Lea, đúng con sông cạnh nhà mình luôn.

Tôi nghe xong lại càng sợ, chẳng bao giờ dám về muộn. Nhiều lần tôi chạy như bay về nhà chỉ vì tôi thấy sợ chứ chẳng có ai đuổi theo. Nhiều lần chị Huyền nhắc tôi:

  • Em sợ cái gì? Sống chết có số cả rồi. Hôm nọ chị còn thấy một con sói đi giữa đường. Khu này gần khu bảo tồn thiên nhiên. Động vật chạy nhảy tự do cả. Chị không sợ người, vì có cướp thì mình cũng toàn mạng chứ con sói nó cắn cho một cái thì vào viện.
IMG_0402
Khu công viên cạnh nhà

Phần lớn thời gian tôi chỉ ở London, chọn những ngày nắng để lang thang, những ngày mưa lên thư viện học hoặc ngồi nhà viết sách. Dù có muốn tập trung học thêm mấy kỹ năng hay hoàn thành cuốn sách trước khi về Việt Nam, nhưng ở Anh mỗi sáng nhìn thấy nắng vàng ghé qua cửa sổ rạng ngời một góc trời màu xanh thẳm mà chỉ ngồi trong nhà không ra ngoài tận hưởng tiết trời thu thì thật có lỗi với thời tiết. Tôi cứ lang thang một mình khắp các công viên, các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, loanh quanh khu trung tâm, các khu chợ ngoài trời ở London, thỉnh thoảng đặt một vé tàu đi một ngày đến thành phố khác. Thấy tôi thích đi các bảo tàng và triển lãm, Ella đưa tôi thẻ thành viên của Tate Modern, một khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại nằm bên bờ sông Thame, nối liền với nhà thời St Paul bằng câu cầu mang tên Thiên Niên Kỷ. Tôi tranh thủ dùng thẻ để xem tất cả các phòng trưng bày mà bình thường phải mua vé. Con đường đi bộ từ nhà thờ St Paul, qua cầu Thiên Niên Kỷ, đến Tate Modern, rồi đi dọc bờ sông ra đến cầu Tháp Tower Bridge cũng là con đường đi bộ tôi thích nhất ở London, nhất là vào buổi chiều hoàng hôn vàng ruộm. Cuộc sống lang thang như vậy có lẽ nhiều người cho rằng nhạt nhẽo, nhưng tôi thích cái cảm giác tự do ấy, và tôi yêu London cũng bởi những điều bình dị vốn có ở London.

IMG_4448 edited 23
Tower Bridge. Nhiều người nhầm cây cầu nổi tiếng này là London Bridge. Nhưng London Brdige là cây cầu bên cạnh. Còn đây là Tower Brdige.

Tôi cũng nhiều thời gian rảnh nên có bạn bè đến chơi London tôi đều gặp. Giữa tháng 10, cậu bạn cùng lớp đại học đến London công tác. Cậu nhờ tôi dẫn cậu đi loanh quanh một số địa điểm trong thành phố:

  • Tớ thích những ngôi nhà cổ.

Đó là dữ liệu cậu gợi ý cho tôi để tìm ra khu phố phù hợp. Sáng thứ 6, trời nắng rực rỡ, cậu bạn sướng mê vì vừa trải qua mấy ngày mưa gió âm u đặc trưng ở xứ sở sương mù.  Do tắc nghẽn đường tàu, tôi rốt rít nhắn tin cho cậu bạn xin lỗi đến muộn, cậu cũng nhắn lại cho tôi là cũng đang ở trên đường, rồi hóa ra chúng tôi đang ở trên cùng chuyến tàu đến Notting Hills chỉ khác mỗi toa tàu. Tôi dẫn cậu dạo quanh khu Notting Hills, Kengsington, Hyde park, rồi lên xe bus 2 tầng qua Picadilly… Không cổ lắm, nhưng đó là khu phố rất sang chảnh đậm nét London.

20190825_110239-02

Đến trưa, đói bụng chúng tôi chọn chỗ ăn trưa. Tôi định bụng vào Tesco mua Meal Deal với giá 3 bảng gồm 1 sandwich, 1 nước và một snack hoặc hoa quả rồi ra Green Park ăn trưa, vừa no vừa tiết kiệm. Đó là bữa trưa cực kỳ phổ biến ở nước Anh mà tôi ấn tượng ngay ngày đầu nhập học và ngày Chevening Orientation. Cậu bạn nghe kế hoạch của tôi gạt ngay:

  • Thôi lạnh lắm, tớ mới từ Hà Nội ấm áp qua, chưa kịp thích nghi với xứ lạnh.

Tôi chỉ sang bên đường bảo:

  • Thế một loạt cửa hàng bên kia đường. Toàn bữa trưa quốc dân ở London cả, cậu chọn 1 quán đi.

Cậu bạn nhìn qua nhìn lại, rồi chọn Pret a Manger. Tôi gọi những chuỗi ăn nhanh ở Anh như Pret, Itsu hay Meal Deal trong siêu thị Tesco, Sainbury là bữa trưa quốc dân ở Anh bởi lẽ, cứ đến giờ Anh trưa thì ngoài phố tràn ngập nhưng chàng trai cô gái trong bộ suit văn phòng hối hả ngược xuôi cầm túi giấy Pret màu đỏ mận hoặc Itsu màu hồng. Tôi còn là người Việt Nam, tự hào với ẩm thực quê hương ngon nức tiếng. Bạn bè quốc tế ai từng qua Việt Nam cũng khen đồ ăn Việt Nam nức nở. Tôi cũng không mấy mặn mà gì với bánh sandwich vì nó hơi nhạt nhẽo. Tôi vẫn hay kỳ thị tại sao người ta có thể dành cả cuộc đời gắn bó với bánh sandwich. Hồi đi học, tôi thường tự nấu bữa trưa từ tối hôm trước và mang theo hộp cơm trưa đến trường mỗi ngày. Nhưng lần này, nhờ cậu bạn sang, lần đầu tiên tôi vào Pret A Manger ăn trưa, đồ ăn ở đây phải đắt gấp đôi bữa trưa ở Tesco. Tôi chọn một bánh kẹp Tuna, hành tím và chese mềm, nướng giòn tan nóng hổi và một chai nước chanh gừng. Nhìn bao bì, tôi biết món bánh kẹp là món mới ra của chuỗi, một bạn đầu bếp đã làm ra món bánh này khi thi tuyển vào cửa hàng. Còn cậu bạn tôi chọn 2 hộp sandwich để có thể trụ đến tối, một hộp rau salad và cà phê nóng. Chúng tôi chọn bàn ngoài phố, vừa ăn vừa ngắm người qua lại. Cậu bạn tôi cắn một miếng bánh suýt xoa:

  • Sao có thể ngon đến vậy? Bánh của cậu nhìn cũng có vể ngon và nóng đúng không?

Tôi tròn mắt hỏi cậu bạn đang ngấu nghiến thưởng thức hộp sandwich kẹp pho mai, rau xà lách và thịt gà của mình.

  • Gì thế, cậu có đúng là từ Hà Nội qua đây không vậy? Sandwich quá nhạt nhẽo so với bánh mỳ Việt Nam, tớ đang thèm bánh mỳ thịt xiên, bún chả, phở, nói chung là đồ Việt đến héo mòn.
  • Tớ bắt đầu thích nước Anh rồi đấy, tớ có thể sống cả đời với sandwich, pizza. Nói chung, tớ thích đồ Âu và không phải là tín đồ của ẩm thực châu Á. Ở Hà Nội mọi người hay khen đồ Nhật, còn tớ thấy tạm tạm thôi. Món của cậu cũng có vẻ ngon đấy. Bánh nóng đúng không? Quán này có phổ biến không, chiều về tớ sẽ thử một loại bánh khác mới được.
  • Pret A Manger khắp đường khắp phố luôn, đảm bảo từ giờ đến lúc về nhà cậu thấy chục quán là ít.

Tôi trả lời câu hỏi của cậu bạn rồi căn miếng bánh còn nóng hổi, vỏ bánh mỳ giòn nướng thơm, vị Tuna mặn quyện với hành tím nướng ngọt mềm và pho mai chảy béo ngậy. Đúng là cũng không tệ cho một ngày gió lạnh và đi bộ cả buổi sáng. Bánh ngon hơn tôi vẫ nghĩ, và tính ra, trong cả một tủ đồ ăn trưa ở cửa hàng, tha hồ chọn, chắc cũng đủ 7 ngày cho 7 món khác nhau. Dân công sở bận rộn, trưa nào cũng ghé qua đây chọn một món mang đi, ngày qua ngày, cũng ổn, và đó thành một văn hóa. Có lẽ tôi không nên áp đặt khẩu vị của tôi lên người khác, không nên đánh giá khi mà chưa vào đây bao giờ. Cậu bạn tôi người Hà Thành chính hiệu, nhà gần phố cổ chắc cũng chẳng xa lạ gì với những món ăn tinh túy, cao lương mỹ vị thủ đô, nhưng cậu vẫn suýt xoa với bánh mỳ, sandwich, pizza. Đến người Việt Nam còn khẩu vị khác, huống chi người nước ngoài. Ở đâu quen đấy.

Sau bữa trưa, tôi dẫn cậu qua nhà thờ St Paul rồi qua tòa tháp One New Change, nơi tôi ngắm hoàng hôm lý tưởng nhất ở London và có thể chụp bức hình tuyệt vời với nhà thờ St paul. Trước khi tôi về, tôi để lại cho cậu một danh sách các bảo tàng và giờ đóng cửa để cậu có thể dạo qua đến tối kèm theo danh sách các quán ăn chuỗi tương tự Pret A Manger để cậu ấy cố gắng thử trong những ngày ở Anh. Sau đó, tôi phải bắt chuyến xe bus về nhà vì tôi không muốn về muộn.

IMG_1573

Tôi bắt xe 56 thẳng từ nhà thờ St Paul về nhà, xe dừng ở bến trên phố Chatword. Xuống xe, tôi đi bộ qua công viên và con đường ven sông để về nhà. Thời tiết se lạnh đầu thu làm tôi nhớ cảm giác đầu mùa đông ở Hà Nội khi tôi vẫn đi bộ dọc đường Đinh Tiên Hoàng, quanh bờ hồ vào chiều tối. Tôi vẫn luôn thích cái tiết trời lạnh thế này, lạnh vừa đủ để tôi có thể xúng xính trong giày bốt cao cổ, khăn ấm và găng tay, đủ thấy thích thú cảm nhận gió lạnh lướt qua má và hít thật sâu để cảm nhận trọn vẹn hương vị mà tôi vẫn gọi là “mùi của mùa đông”. Có lẽ câu chữ của tôi chẳng đủ để miêu tả một hương vị và một cảm giác, chỉ biết rằng tôi luôn nâng niu cái hương vị ấy suốt 7 năm ở Hà Nội và hơn 1 năm ở London.

Thời gian này, ở Hà Nội người ta đang nói nhiều về ô nhiễm không khí. Tôi lại tự hỏi, liệu tôi còn có thể đi dạo trên những con phố nhỏ của Hà Nội, hít một hơi thật sâu để cảm nhận trọn vẹn cái cảm giác mát lành của những ngày cuối thu, đầu đông mà tôi vẫn hằng nâng niu ấy. Rồi cứ nghĩ vẩn vơ như thế, tôi lại thấy buồn vì thời gian ở London chỉ còn đếm bằng ngày. London rộng lớn lắm, London đông đúc và xô bồ lắm, London một siêu đô thị, một trung tâm tài chính nhưng người ta vẫn luôn giữ một London rất xanh với những khoảng không gian rất bình yên và trong lành.


Hơn một tháng ở nhà Ella trôi đi thật nhanh.  Đến tuần chủ nhật cuối cùng, trước khi tôi chuyển đi, chị Huyền về nước, Ella dành cả buổi sáng để làm Sunday Roast. Sunday Roast, hay còn là bữa trưa truyền thống vào ngày chủ nhật của người Anh bắt nguồn từ thế kỷ 15. Món Sunday Roast truyền thống thường có thịt bò nướng mềm, khoai tây, rau củ bỏ lò, rau xanh, Yorkshire Pudding và rất nhiều nước sốt Gravi đậm đà. Tuy vậy, vì Ella là người ăn chay, nên từ sáng cô nàng đã chuẩn bị rất nhiều rau củ và làm cho chúng tôi món thịt nướng từ bột. Không có thịt nhưng bữa ăn vẫn đậm đà, đặc biệt là món sốt nước sốt rau củ.  

IMG_0616-01

Tối chủ nhật, khi vẫn no nê sau bữa trưa Sunday Roast siêu to, chúng tôi ra ngoài xem bắn pháo hoa Bon Fire ở Victoria Park. Năm ngoái, khi còn ở Bloomsbury, buổi tối thỉnh thoảng chúng tôi cũng nghe thấy tiếng pháo hoa của một số bạn tự đốt ngoài đường. Một số công viên gần nhà cũng tổ chức bắn pháo hóa, nhưng tôi với Thư lại sợ ra ngoài buổi tối nên không đi xem. Năm nay đi cùng Ella và chị Huyền, tôi mới được tận mắt thấy pháo hoa rực rỡ cùng âm nhạc tạo nên một bữa tiệc ánh sáng sối động.

Dòng người xem pháo hoa vây kín đường vào công viên Victoria. Xem xong pháo hoa, chúng tôi ghé lại quán rượu mới dựng bên công viên để uống Mulled wine. Vậy là London đã phảng phất hương vị của giáng sinh, nồng nàn, say mê, thơm lừng và ấp áp. Tôi tự hỏi tại sao mình lại đặt vé về cuối tháng 11 mà không ở lại đến hết năm để tận hưởng không khí giáng sinh một lần nữa. Chúng tôi về nhà khi đã muộn và tôi cũng ngà say.

Sau buổi tối hôm ấy, chị Huyền chuẩn bị về nước, tôi tạm biệt Ella để chuyển sang một căn nhà mới ở phía Nam London ở một mình. Những kỷ niệm ở London với chúng tôi có lẽ sẽ như pháo hoa rực rỡ được bắn lên bầu trời, vỡ tung để tỏa sáng rồi biến mất trong không gian, cuộc vui nào cũng có lúc tàn, nhưng những điều tuyệt vời sẽ qua đi nhưng dư âm sẽ còn mãi, như hình ảnh của pháo hoa trong tâm trí của tôi vậy.


Cô bạn Ella vừa lọt vào danh sách “15 social entrepreneuers to watch 2021” với dự án TOPUP STRUCK, chiếc xe điện đi khắp những khu dân cư ở London để giúp mọi người refil, topup những đồ cần thiết cho sinh hoạt như ngũ cốc, dầu rửa bát, dầu gội đầu. Và cô bạn cũng đã huy động vốn thành công để phát triển doanh nghiệp xã hội của mình. Ella vẫn luôn cháy hết mình cho công cuộc hướng tới “zero watse” của cô ấy.

Những bài viết khác về trải nghiệm tại nước Anh của mình: Nhật ký 444 ngày ở UK