Hồi ở London, cứ sống hết mình mỗi ngày, cố gắng làm mọi điều tôi chưa từng làm và thử hết những món ăn dù bị người đời cho là dở, tôi những tưởng mình đã hiểu nhiều về nước Anh. Nhưng khi quay lại Anh, đến giờ tôi vẫn “ồ, à” trước những điều mới lạ. Hóa ra, hơn 1 năm ở London, tôi mới chỉ hiểu một phần của cuộc sống đô thị. Còn nước Anh thì rộng lớn lắm. Nhờ một người bạn chuẩn Anh, tôi được trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống ở miền quê, một trải nghiệm rất Jane Austen và Emily Bronte. Cuối năm, cậu bạn hỏi tôi có muốn lái xe đi ra ngoài Nottingham không. Sau khi cậu ấy lần mò trong những địa danh phù hợp để lái xe, một nơi “very British” cho tôi khám phá thì cậu ấy chọn Belton House, Lincolnshire.   

Ngày 1/1/2023

Buổi sáng, cậu bạn trên đường đến đón mua cho tôi một cốc Starbuck Moca và chúng tôi hướng về phía Lincolnshire. Lincoln cũng là một địa danh tôi đã cho vào wish-list để đợi ngày đẹp trời sẽ đi của tôi. Nhưng nơi tôi định đi là trung tâm thành phố Lincoln, còn Lincolnshire là một hạt rộng lớn gần 7 ngàn cây số vuông và hơn 1 triệu dân sinh sống. Nơi chúng tôi đến ở vùng ven ô. Trên xe, cậu bạn cũng giải thích cho tôi thế nào là -shire (kiểu Nottinghamshire, Lincolnshire, Yorkshire), thế nào là -ham (Nottingham, Birmingham), và thế nào là -ford (Stamford, Oxford).

DSCF0190-01

DSCF0199-01

Ở UK, một Shire tương ứng với một County. Trên google dịch County là một quận, nhưng quận này không phải chỉ bằng quận Hoàn Kiếm, mà nó gồm nhiều thành phố, thị trấn, rừng, cánh đồng. Trong lịch sử, mỗi County hay Shire là một phân khu của quốc gia cho các mục đích chính trị, hành chính, tư pháp và văn hóa. Người đứng đầu mỗi County được gọi là Duke cùng vợ là Duchess. Duke thường có dòng dõi trong gia đình hoàng gia, hoặc được ban tước sau những đóng góp lớn cho hoàng gia. Ở Anh có tất cả 27 Counties và một số Counties không có -shire phía sau là Essex, Kent, Dorset, Somerset. Những địa danh có -ham ở phía sau thường là một thành phố, thị trấn (city/town). Theo tiếng Anh cổ, “ham” có nghĩa là làng mạc, nhà cửa, trang viên, một nơi để sống. Còn, -ford có nghĩa là “vùng đất có con sông chảy qua”. Tiếng Anh cũng có nhiều cái thật lạ.

DSCF0214-01

DSCF0212-01

Sau hơn một giờ lái xe, chúng mình đến Belton House. Belton House là nơi tôi chưa từng đọc đến trong bất kỳ một tài liệu hướng dẫn du lịch nào. Belton House không có một câu chuyện lịch sử ly kỳ phía sau. Nó được xây từ những năm 1600s bởi Sir John Brownlow theo phong cách Carolean. Nhìn chung đây là kiểu nhà khá phố biến, thịnh hành ở nước Anh từ thế kỷ 17. Kiến trúc đặc trưng bởi các họa tiết trên tường và nội thất. Nhìn qua Belton House khá vuông vắn giống với Chatsworth House. Ngôi nhà cũng bao gồm một khu vườn nhiều hoa, nhà kính  và khu công viên rộng khoảng 4 cây số vuông. Chủ nhân của nó đã hiến đất và nhà cho chính phủ phục vụ cho chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai. Đến nay toàn bộ ngôi nhà và phần lớn bộ sưu tập nghệ thuật bên trong thuộc sở hữu của National Trust, mở cửa khách tham quan. Belton House cũng tổ chức Spitfire Prom hàng năm, với sự tham dự của dàn nhạc Royal Philharmonic Concert Orchestra và biểu diễn máy bay của Royal Air Force.

DSCF0221-01

DSCF0217-01

Tôi rất ấn tượng với phòng đọc sách của ngôi nhà. Belton House sở hữu thư viện lớn thứ hai của National Trust với 11.000 đầu sách. Trong số đó, 5.500 được in trước năm 1801, bao gồm sách thuộc nhiều lĩnh vực, như âm nhạc, nghệ thuật và sách của lục địa sơ khai. Các bức chân dung trong nhà phần lớn là của các thành viên trong gia đình từ thế kỷ 16 đến 20, cùng nhiều đồ dùng nội thất chạm khắc tinh xảo bằng gỗ lim từ thế kỷ 17. Có điều tôi không dám nói với bạn mình là ở quê tôi, nói đến “người nhà quê”, nghe có vẻ rất “xúc phạm, chê bai”, còn ở quê này người ta ở trong biệt phủ, ăn bằng đĩa bạc, ngắm tranh, đọc sách Shakespeare, đất rộng tính bằng cây số vuông, dắt chó đi dạo quanh sân cũng hết cả buổi. Tôi thấy rằng, giới thượng lưu ở Anh, rất coi trọng nghệ thuật và lịch sử. Mỗi lần đến các bảo tàng, phòng tranh tôi lại thấy mình thật “phàm phu tục tử”, không thể hiểu hết cái đẹp và giá trị của nghệ thuật.

DSCF0236-01

DSCF0242-01

Sau khi ra khỏi ngôi nhà chúng tôi đi dạo trong vườn và khu công viên xung quanh. Nếu đất này là của mẹ tôii, thì nó đã biến thành một khu vườn sum suê cây trái (hoặc đã được chia để bán), nhưng đất đai ở đây đúng nghĩa là một công viên, thảm cỏ xanh mượt. Hôm nay thời tiết thuận lợi cho chuyến đi đầu năm sau những ngày mua dầm ủ dột. Được đi dạo trong công viên, không khí trong lành thật là thích. Người dân đến tham quan ngôi nhà khá đông. Họ thường mang cả gia đình đến tham quan, cho trẻ con nghe giới thiệu về nghệ thuật và có các hoạt động ngoài trời.

DSCF0285-01

DSCF0270-01

DSCF0312 (1)-01

Rời khỏi Belton House, chúng tôi tìm chỗ ăn trưa. Tôi muốn thử một bữa đặc trưng kiểu Anh dù người ta có chê đồ ăn ở Anh dở thế nào. Đi được nửa đường, chúng tôi ngang qua Stamford, tôi thấy thị trấn quá đẹp, nên bảo bạn có thể dừng lại xuống đi dạo một lát.

DSCF0334-01

DSCF0316-01

DSCF0319-01

Stamford là một trong những thị trấn bằng đá đẹp nhất nước Anh, từng xuất hiện trong Pride & Prejudice (2005), Middlemarch, The Da Vinci Code, Golden Bowl, và gần đây là The Crown. Sau khi đến đây tôi mới biết điều này. Không có gì lạ vì tôi phải lòng thị trấn này ngay cái nhìn đầu tiên. Ở đây có những ngôi nhà màu vàng xây bằng đá đặc trưng, và một cây cầu bắt ngang qua sông. Như đã giải thích ở trên, vì có con sông nên thị trấn này được gọi là Stam-ford. Tôi cứ đi quanh thị trần và góc nào cũng muốn chụp. Khi ấy ảnh ảnh của tôi đã hết pin, tôi lại lấy điện thoại chụp tiếp. Chỗ gần cây cầu và nhà thờ có một cửa hàng bán nhạc cụ và hiệu sách hiếm. Tôi nhìn qua cửa kính với bộ sư tập bản in đầu tiên của Pride and Prejudice, thậm chí khi ấy Jane Austen còn dùng tên khác. Giá của cuốn sách là trên 1000 bảng (tôi không nhìn nhầm). Còn có bản hiếm của cuốn Little Women của Louisa May Scott. Tôi thực sư muốn có một ngôi nhà (không cần to như Belton House) nhưng có phòng đọc sách rộng để có thể có một bộ sưu tập :’(

DSCF0317-01

20230101_143005-01

Chúng tôi cứ đi mấy vòng quanh thị trấn đến 3 rưỡi chiều mà không ăn trưa. Nước Anh mùa đông tối muộn, chúng tôi quay lại nhà hàng chỗ để xe rồi vào dùng bữa. Cậu bạn tôi đã từng đến đây rất nhiều lần nên khá quen thuộc với nơi này. Một món rất Anh không gì khác là Scone, trà bá tước. Tôi nhìn quanh không gian nhỏ, cổ kính, những người khách nói giọng porch nhỏ nhẹ và mặc những chiếc áo dạ cắt may tinh tế. Tôi chợt nhận ra chỉ mình tôi là người châu Á, và từ sáng đến giờ tôi cũng chưa gặp người nào tóc đen da vàng. Có lẽ nơi này vẫn còn giữ nguyên nét nguyên bản của một nước Anh, rất Anh mà chưa bị làm nhiễu bởi những đoàn khách du lịch châu Á kéo đến ồ ạt. Bạn tôi bảo “Tao hi vọng nơi này mãi vằng vẻ thế này”.

20230101_143319-01

20230101_143923-01

IMG-20230101-WA0004-01

Bánh Scone ở đây rất ngon, rất mềm. Tôi lại để ý sự khác biệt khi bạn tôi cho scream lên trước mứt còn tôi thì làm ngược lại. Thực ra chẳng có đâu đúng đâu sai khi tôi đã hỏi một vòng người Anh cũng chẳng ai thống nhất, cho mứt và kem thế nào chỉ là thói quen. Chúng tôi nói chuyện đến tối, rồi quay lại Nottingham. Cậu bạn tôi bảo “Giờ quay lại đồ ăn kiểu Mỹ cho bữa tối, cái phong cách UK này không thể fill-up được cái dạ dày” và chúng tôi dừng ở một nhà hàng burger ven đường.

DSCF0330-01

20230101_144021-01

Từng ngày ở đây tôi lại nhận ra có một nước Anh không hề hào nhoàng, sang chảnh như những con phố lấp lánh ở London. Trên đường về chúng tôi đi qua những ngôi làng tối om, nhưng tôi để ý nhà nào cũng rất lớn. Có một nơi rất British, không hề xa hoa, mà bao quanh bởi những trang viên, đồng cỏ rộng lớn, nhưng vẫn đậm chất “quý tộc”, một vùng đất đậm chất văn chương Jane Austen và Emily Bronte gọi là làng quê nước Anh. Bạn tôi cũng gợi ý cho tôi đọc Shakespeare. Đó là lần đầu tiên tôi đọc Shakespeare bản gốc, không phải bài Romeo và Juliet được học trong ngữ văn phổ thông. Tôi tìm thấy một áng văn với ngôn ngữ rất đẹp, đầy ảo mộng. Tôi nghĩ càng ở đây lâu, càng khám phá sâu về thế giới xung quanh, cả văn chương rồi nghệ thuật, có lẽ những ấn tượng về nước Anh trong tôi sẽ thay đổi, không chỉ là một góc đô thị phồn hoa trong 444 ngày ở London nữa.


Những bài viết khác về nước Anh.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]