Hôm nay đọc trên báo, có bài viết về Câu hỏi: 1 thập kỷ vừa qua, bạn đã làm được những gì? Sắp sang năm 2020 rồi. Tôi chợt nhận ra 10 năm trôi qua là cả một quãng thanh xuân, tuổi trẻ với nhiều bài học đầu đời. Mười năm từ khi tôi còn học trung học, vắt ngang qua 4 năm đại học, rồi tốt nghiệp, đi làm và đến ngày hôm nay. Cứ mỗi cuối năm, tôi lại có thói quen ngồi nhìn lại năm cũ của mình, rồi lên kế hoạch, viết những mục tiêu cho năm mới, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn lại quãng thời gian dài như thế. Tôi không có thói quen viết về những thành tích mình đã đạt được trong năm qua, bởi mỗi lần đọc cái danh sách thành tích của bạn bè, tôi thấy “tự ti” ghê gớm. Hôm trước, đi cà phê với cậu bạn, cậu nói một câu mà tôi thấy đúng

Cuộc đời con người không giống như một cái ống, đầu đời chui vào và cuối đời chui ra. Nó giống như những chấm tròn, và người ta sẽ nối những chấm tròn đó, thành những đường dích dắc, không thẳng nhưng liền mạch”. 

Tôi vừa đọc những điều mình ghi trong cái lọ điều ước – một món quà những cô bạn tôi hồi cấp 2, cấp 3 hay tặng nhau. Tôi có nhiều ước mơ không thành hiện thực, và làm một công việc khác và trở thành một người khác so với suy nghĩ của tôi hồi trung học. Nhưng có những sự kiện xảy ra, khiến người ta rẽ hướng, tôi đã chọn chấm tròn bên cạnh chứ không phải cái chấm tròn phía trước để đi thẳng. Giờ tôi sẽ lọc lại tất cả những cái ghi chú, những bức ảnh trên facebook, những cuốn sổ nhật ký để viết một “lời hồi đáp” cho thanh xuân của mình. Và nhân tiện, tôi sẽ làm một playlist với những bản nhạc tôi thường nghe trong năm ấy. 

2010: Bài hát cho em – M4U (Bài hát chúng tôi thường nghe hồi học Trung học)

Giữa những năm học cấp 3, khi ấy tôi bắt đầu vào guồng quay chuẩn bị cho kỳ ôn thi đại học. Tôi chưa biết mình thích ngành gì, muốn học gì, và đa số những đứa học sinh chúng tôi khi ấy, đều chọn học 1 trường chỉ vì bố mẹ bảo vậy, vì anh chị đi trước học đó, và vì ty tỷ cái lý do không xuất phát từ trong chính bản thân mình, để rồi chúng tôi chẳng chuẩn bị cho sự vỡ mộng khi lên đại học sau này. 

Điều tôi thích nhất của những năm trung học là mẹ mắc internet. Với tôi, internet mở ra một chân trời rộng lớn. Tôi lập trang blog 360 của mình, đăng ký học trực tuyến, đọc vô số những tài liệu hay và bắt đầu tìm hiểu về những chương trình đi du học. Tôi nhớ năm ấy, tôi tham gia một cuộc thi viết luận về ước mơ du học, dù không được giải nhưng bài của tôi cũng được chọn để in vào sách kỷ yếu của cuộc thi. Nhờ vậy, mà tôi quen một vài người bạn ở xa tít tắp, chưa gặp bao giờ nhưng giờ vẫn nói chuyện. 

2011: Fool again – Westlife (Bài hát tôi nghe đi nghe lại và khi ấy tôi thường khóc)

Tốt nghiệp cấp 3, đỗ đại học, lên Hà Nội với tôi đó là khi một cánh cổng rộng lớn mở ra. Nhưng rồi, tôi phải học cách chấp nhận cuộc đời không có gì hoàn hảo, và đôi khi tôi không thể quyết định được chuyện gì xảy ra với mình.

Đó là lần đầu tiên tôi có bạn trai. Tôi từng ngây thơ đến nỗi thường tuyên bố với những đứa bạn của mình rằng, tôi sẽ chỉ yêu một người, rồi cưới người ấy. Lũ bạn nghe xong nói tôi viển vông, nhưng tôi chẳng bận tâm. Và đúng ngày sinh nhật lần thứ 18 của tôi, khi tôi vừa kết thúc ngày đầu tiên đến trường đại học, bạn trai tôi gọi điện và nói chúng tôi chia tay. Hàng ngàn lần tôi suy nghĩ, tại sao người ta phải tặng cho tôi một “món quà sinh nhật” ý nghĩa thế. Rồi tôi cũng chẳng nghĩ nữa, một tuần sau người ta có bạn gái mới. Tôi không thể đếm được bao nhiêu lần tôi khóc vì chuyện đó. Cứ mỗi lần nghe một bản nhạc, đọc một bài viết trên trạng, nhìn thấy ai đó ngoài phố… và chẳng vì lý do gì tôi cũng khóc, và một khi đã không có tình cảm thì người ta quan tâm gì tôi buồn hay vui. Tôi không đủ xinh đẹp, không đủ thông minh để giữ được người yêu. Tôi chấp nhận rằng, tôi của ngày ấy chẳng có gì ngoài sự ngây thơ và mơ mộng. 

2012: Lá cờ – Tạ Quang Thắng (Bài hát chúng tôi thường nghe khi học quân sự trên Xuân Hòa)

Con gái sau khi trải qua một chuyện buồn thường cắt tóc. Năm mới, tôi cắt phăng đi mái tóc dài tôi tôi đã nuôi nhiều năm, cắt đến tận cằm, từ sau ấy trở đi, tôi chẳng nuôi tóc dài nữa. Nỗi buồn ấy như đám mây đen kịt che phủ cuộc sống của tôi. Cho đến mùa hè năm nhất đại học, chúng tôi lên xuân hòa học quân sự. Cuộc sống học quân sự dù không quá kỷ luật gắt gao như trong quân ngũ thực sự, nhưng khoảng thời gian không internet, tôi còn dùng mỗi cái điện thoại Nokia chỉ nghe gọi, phòng 16 đứa đông nghẹt lúc nào cũng đủ chuyện, tôi không còn phải khóc một mình, và dần dần tôi quên.

Năm 2012 là năm đầu tiên tôi được đi nước ngoài, gia đình tôi đi Thái Lan đúng ngày sinh nhật tôi khi vừa bắt đầu được nghỉ hè kết thúc năm nhất đại học. Lần đầu tiên cầm cuốn hộ chiếu, tôi háo hức lắm, bởi cái ước mơ được đi ra thế giới vẫn luôn ở trong tôi từ khi còn rất nhỏ.  Tôi cũng bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động sinh viên và có thành tích đầu tiên ở trường đại học. Năm ấy, tôi nhận ra tuổi trẻ của tôi khi ấy mới thực sự bắt đầu.

2013: Those years – You are apple of my eyes ost (Bài hát của bộ phim tôi thích nhất)

20 tuổi, đó là năm tôi nghĩ cuộc sống của mình khi đó khá “hoàn hảo”. Tôi tham gia rất nhiều các hoạt động, các dự án, và học thêm nhiều kỹ năng, kiến thức mới. Đó là năm đầu tiên tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ công việc làm thêm của mình. Năm ấy tôi cũng có bạn trai, nhưng rồi hơn một năm chúng tôi cũng chia tay. Chẳng phải lỗi tại người ta, mà có lẽ vì tôi quá tham lam, tôi có quá nhiều mục tiêu, có quá nhiều việc muốn làm. Chuyện cũ đã qua, nhưng nó để lại cho tôi một vết thương tôi nghĩ sẽ chẳng thể lành, rằng tôi sợ một ngày nào đó chuyện lại kết thúc chỉ bằng một câu. Còn những gì tôi học được, đạt được sẽ không thể rời bỏ tôi được. Có lần anh ấy nói với tôi rằng “Anh cảm giác như một khi em đã đặt cái gì lên là số 1, thì những cái khác nó không phải là số 2 mà nó chẳng là cái gì cả?”. Rồi chuyện kết thúc như thế, khi còn trẻ người ta sẽ chẳng thể có tất cả, và khi tuổi trẻ còn phơi phới, còn quá nhiều ước mơ, còn quá nhiều điều muốn làm, sao tôi có thể đặt tình yêu lên đầu tiên. Liệu có ai đó yêu tôi và yêu cả ước mơ của tôi nữa”. 

2014: Let it go – Frozen ost 

Bên cạnh việc tiếp tục làm công việc part-time từ năm hai, tôi bắt đầu đi thực tập, một công việc tôi rất thích và mong muốn được theo đuổi trong tương lai. Lần đầu tiên tôi dùng tiền của mình kiếm được để mua những món đồ giá trị: Điện thoại mới và một cây đàn Piano điện để tự chơi nhạc và chiếc máy ảnh Canon 60D để chụp ảnh. Tôi bắt đầu học chơi từng nốt nhạc đầu tiên và tập những bản nhạc mà tôi yêu thích. Chơi đàn là điều tôi muốn học từ khi còn nhỏ, nhưng vì điều kiện nên tôi không học được. Khi ấy tôi đã nghĩ rằng, lớn lên là lúc tôi thực hiện những ước mơ từ khi còn nhỏ. Năm 2014 cũng là lần đầu tiên tôi được vào Sài Gòn tham gia cuộc thi và nhận được tài trợ cho một dự án cộng đồng mà tôi và cậu bạn lên ý tưởng, cậu ấy thiết kế còn tôi thực thi dự án. Năm ấy, tôi có nhiều hoạt động cần làm, nhiều điều muốn học nhưng cũng tôi vẫn chưa biết mình thực sự muốn gì, thích gì và hợp với điều gì và cách duy nhất để biết những điều mình chưa biết đó là học và thử. 

2015: Fight song – Rachel Platten (Bài hát tôi thường nghe mỗi khi thấy chán nản)

Đầu năm 2015, tôi bắt tay vào thực hiện dự án cộng đồng của mình. Chúng tôi xây dựng một công trình thu nước mưa ở đảo Cát Bà. Đó là điều tôi tự hào nhất về những năm tháng đại học của mình, bởi lần đầu tiên, những ý tưởng của tôi không còn trên giấy tờ nữa, nó trở thành những “bông hoa khổng lồ” giữa sân trường tiểu học mà cứ mỗi lần ra đảo, tôi đều ghé qua nhìn lại một lần. Dự án ấy, giúp tôi học được rất nhiều. Nó giúp tôi nhận ra mình kém cỏi và đầy những khuyết điểm. Sau ánh đèn sân khấu lấp lánh lúc nhận giải, những bài báo viết về công trình, tôi có những buổi sáng sớm một mình bắt tàu ra đảo, những lần cãi nhau với tên bạn cùng nhóm ức đến chảy nước mắt, những ngày làm việc với nhà tài trợ mà bế tắc chẳng tìm ra được tiếng nói chung, những buổi làm việc với đội thợ khi mình chẳng biết gì về vật liệu và xây dựng. Để rồi tôi nhận ra mình chỉ là một con bé nóng nảy với những ước mơ trên trời, lo nghĩ quá nhiều và tự mình làm mọi thứ rối tung lên. Có lẽ mọi chuyện đã suôn sẻ hơn, ít những cãi vã hơn nếu tôi bớt lo lắng đi một chút, bớt nóng nảy đi một chút và lắng nghe nhiều hơn.

Năm ấy tôi cũng tốt nghiệp đại học. Tôi tự gọi bản thân mình là vô sản: không trường lớp, không việc làm, không nhan sắc, không tiền… chẳng có gì trong tay. Tôi nghỉ công việc part-time và cả công việc thực tập trước đây, chỉ vì nghĩ rằng, đó không phải điều mình thực sự muốn. Ngày ấy, kết quả học tập không cao, tôi còn định không đến trường dự lễ tốt nghiệp, nhưng nghĩ lại dù sao cũng chỉ có một lần, tôi trang điểm lộng lẫy đến chụp ảnh với áo cử nhân, khi thầy cô bạn bè hỏi đi làm ở đâu rồi, tôi chỉ cười. Tôi rất sợ mỗi lần người quen, hàng xóm hỏi “Đi làm chưa?”, tôi thậm chí không dám về quê. Tôi nhớ cảm giác mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi nhìn lên trần nhà tối om và tự hỏi không biết ngày mai thế nào? 

Đến cuối năm, tháng 12 tôi bắt đầu chính thức đi làm. Nếu được quay lại khoảng thời gian “hoang mang” ấy, có lẽ tôi sẽ nghe theo lời chị gái tôi, sống thoải mái hơn, ít lo lắng hơn, lấy tiền đi du lịch. Tôi cũng có thể dành thời gian sau tốt nghiệp mà chưa đi làm ấy học thêm ngoại ngữ, thi bằng lái xe, học làm bánh, học đàn, viết lách… nhưng tôi đã không làm vậy, tôi đã dành những tháng ngày chỉ để lo lắng và sợ hãi khi nghĩ tới tương lai. 

2016: Salute – D’amour (Bài hát khiến tôi muốn đi học Violin)

Tôi bắt đầu đi làm, và thực sự tôi rất thích công việc của mình bởi mỗi ngày tôi lại học thêm được một điều mới. Những chuỗi ngày yên ả chẳng kéo dài lâu. Lại đúng ngày sinh nhật tôi, tôi biết tin mình “bị chuyển phòng”. Khi ấy tôi cảm giác như mình vừa bị cho ra rìa, rằng mình làm mọi thứ không tốt, nhưng đó là cơ hồi cho sự thay đổi. 

Vì mọi người nói, sang phòng mới sẽ không bận như trước nữa, tôi tưởng thật rồi đi đăng ký học 1 tuần 3 buổi tối học tiếng Pháp và 1 buổi học Violin. Tôi bắt đầu rơi vào những ngày “quá tải”, và bắt đầu suy nghĩ đến việc sắp xếp lại cuộc sống. Tôi bắt đầu dùng sổ Planner thay cho sổ tay bình thường, ghi vào đó tất cả những việc mình muốn làm và tự hứa sẽ thực hiện tất cả những điều đó. Và tôi sắp xếp lại cuộc sống của mình.

2017: Europe Skies (Bài hát tôi vẫn nghe để lấy động lực khi viết hồ sơ)

Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Châu Âu trong chuyến công tác ở Barcelona. Châu Âu rất đẹp, mọi thứ lung linh như trong giấc mơ tôi vẫn hàng mơ từ khi còn nhỏ. Có một người bạn, từng hỏi tôi rằng “Liệu cậu yêu công việc hiện tại đến như vậy, cậu còn muốn đi du học nữa không?”. Tôi suy nghĩ rất nhiều, và dù công việc bận rộn, cuộc sống có quá nhiều việc cần phải làm, tôi vẫn đi học vào buổi tối, vẫn chơi đàn, còn làm bánh, vẫn muốn đọc sách mỗi ngày, và tôi vẫn quyết định cho ước mơ của mình một cơ hội, dành thời gian để chuẩn bị hồ sơ apply học bổng đi du học. Năm ấy tôi thất bại học bổng đầu tiên, và khi hoàn thành xong bộ hồ sơ học bổng nữa, tôi nộp mà chẳng dám hi vọng gì. Đơn giản tôi nộp chỉ vì người ta sẽ hối hận về những điều mình đã không làm hơn là đã làm.  

2018: Street of London – Ralph McTell (Bài hát về London tôi thích nhất, tôi đã nghe hàng trăm lần mỗi sáng đi bộ đi học)

Một năm với tôi không mấy suôn sẻ. Tôi gặp rất nhiều chuyện không vui. Có lẽ chỉ vì tôi chỉ post những hình ảnh đẹp, những chuyện vui vẻ lên mạng xã hội, bạn bè, người thân đều nghĩ tôi ổn. Nhưng tôi không ổn. Có những ngày đi làm về muộn, tôi lại cố đi vòng vèo qua bờ hờ, qua những con phố chỉ vì không muốn về nhà. Tôi thấy mình mệt mỏi, nhưng về nhà cũng không thấy được thoải mái. Có những ngày mưa, đi trên đường tôi để nước mắt hòa vào nước mưa, rồi về nhà tất cả kịp khô. Chẳng ai biết tôi gặp những chuyện gì, chẳng ai hiểu rằng tôi thấy mình rất không ổn. Tâm lý đúng là một điều gì đó đáng sợ, nó khiến tôi trở lên cáu gắt, mình mọi thứ xung quanh với con mắt nghi ngờ và khó chịu. Chơi đàn, đọc sách có thể giúp tôi thư giãn, nhưng đó không phải cách giải quyết vấn đề, bởi khi gấp sách lại, khi tiếng đàn ngừng ngân nga, tôi lại trở về với những  bộn bề của cuộc sống như một mớ rối ren mà tôi không thể nào gỡ được. 

Tôi muốn đi thật xa khỏi thành phố ồn ào, muốn đi xa khỏi những rối ren ấy, và chưa bao giờ tôi mong được đi đến như vậy. 

Giữa một ngày tháng 6, tôi nhận được tin mình đỗ học bổng đi du học. Tôi đã không cười, không hét lên như tôi đã nghĩ, mà ngồi khóc một mình, khóc cả đêm, nhưng tôi biết mình không buồn, không còn buồn chút nào cả. Tôi vẫn nhớ câu nói cô giáo tôi từng nói với tôi rằng “Sau này, em sẽ thấy giá trị của những vất vả ngày hôm nay”. Với những gì đã trải qua và đã cố gắng, tôi biết mình luôn xứng đáng với những điều tốt đẹp. 

2019: Speechless – Naomi Scott (I won’t go speechless)

Có lẽ đó là năm đẹp nhất trong đời tôi từng có, khi ước mơ từ hồi nhỏ xíu được thực hiện. Đi ra thế giới rộng lớn, gặp nhiều người, học hỏi nhiều điều tôi càng thấy mình nhỏ bé. Điều giá trị nhất tôi học được những tháng ngày đi du học không phải là kiến thức mà là học về bản thân mình. Tôi học cách tự chăm sóc bản thân, học cách nói không với những điều mình không thích thay vì im lặng và chấp nhận, tôi hiểu mình là ai, thích gì và cần gì và không ngừng khám phá bản thân mình. Ngay cả những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, tôi hiểu mình hợp với những bộ quần áo nào, mình cần có những gì trong tủ đồ để không còn chạy theo mốt, không mua sắm về rồi chẳng dùng đến. Cuộc sống của tôi đơn giản hơn, tôi không còn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, tôi không có quá nhiều bạn bè nhưng bạn bè tôi đều là những người rất tốt, họ luôn giúp đỡ tôi những khi tôi cần, luôn ở cạnh tôi và cho tôi thêm niềm tin vào bản thân mình. Tôi thẳng thắn hơn, mạnh dạn hơn, tôi thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn và hạnh phúc hơn. 

IMG_4880

Mười năm, tưởng dài nhưng viết lại chỉ như lật qua một trang giấy. Mười năm với vô số những trải nghiệm đầu tiên, thất bại, thành công, niềm vui và nỗi buồn đủ cả. Tôi không muốn nói nhiều đến thành quả, bởi nói mãi về những thành quả khác nào ăn mày quá khứ, và chuyện ngày hôm qua tôi sẽ bỏ lại để hướng tới tương lai. Tôi sẽ chỉ giữ lại và luôn nhắc nhở mình những bài học cuộc đời mà tôi tích lũy được trong 10 năm ấy.

  1. Đôi khi những chuyện xảy ra ngoài ý muốn, dù hôm nay khiến mình không vui nhưng ngày mai sẽ trở thành sự may mắn.
  2. Người ta thường hối hận về những điều mình không làm hơn là đã làm, vậy nên nếu thích thì bắt tay vào làm thôi.
  3. Có quá nhiều điều chúng ta làm trong đời chỉ vì người khác làm vậy chứ không phải vì chúng ta thực sự muốn. Vì mỗi người là khác biệt và người ta chỉ sống một lần, thời gian cũng hữu hạn nên tôi sẽ chỉ làm những điều mà mình thấy thực sự hạnh phúc.
  4. Thay đổi không phải vì mình không đủ tốt, mà tôi chỉ muốn mình tốt hơn. Điều đáng sợ nhất của tuổi trẻ không phải là thất tình hay thất nghiệp mà là thất vọng khi để bản thân mình bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn, nhàm chán từ ngày này qua ngày khác.  
  5. Tôi không cần mình phải giống một ai đó, tôi chỉ cần tốt hơn chính mình ngày hôm qua và trở thành ai đó mà chính tôi của 10 năm trước sẽ ngưỡng mộ. 
  6. Để hạnh phúc, hãy đi cùng những người khiến mình hạnh phúc và sở hữu những đồ vật khiến mình vui vẻ. Nếu những mối quan hệ hay những đồ vật không khiến mình vui vẻ nữa thì không gì là không thể buông bỏ. 
  7. Thời gian là hữu hạn, chỉ dành thời gian, công sức, mồ hôi và nước mắt cho những điều thực sự xứng đáng. 
  8. Hiểu bản thân mình là điều quan trọng nhất và đầu tư cho bản thân luôn là đầu tư có lãi. 
  9. Đơn giản hóa mọi thứ, bớt lo lắng, bớt cáu gắt, tránh xa chuyện bao đồng, không tranh cãi chuyện không đáng và luôn nhìn về phía tích cực.
  10. Chấp nhận bản thân mình không hoàn hảo và học hỏi không bao giờ là thừa bởi thế giới rộng lớn và có vô vàn những điều cần học . 

Bài viết này khá ngẫu hứng, tôi không có ý định viết những dòng này cho đến sáng nay. Có rất nhiều cách để người ta nhìn lại 10 năm ấy. Một số bạn gợi những những câu hỏi như: Điều gì khiến bạn vui nhất? Thành quả mà bạn tự hào nhất? Tuyên ngôn sống khiến bạn tâm đắc nhất? … Tùy theo cách bạn muốn nhìn lại nó thế nào. Nghĩ lại từng năm trong chuỗi 10 năm, tôi thấy mình thay đổi, tôi thay đổi cả mục tiêu, cả ước mơ, thậm chí cả tính cách, cách sống… Nhưng phải công nhận rằng mọi chuyện xảy ra đều có ý nghĩa của nó và nó khiến mọi thứ trong cuộc sống của tôi thay đổi. Đến ngày hôm nay, tôi hài lòng vì những chuyện đã xảy ra cả những chuyện từng khiến tôi rất buồn vì nó khiến tôi trở thành tôi ngày hôm nay. Suy cho cùng, những nỗi buồn, khó khăn, những vấp ngã, bế tắc trong cuộc sống cũng chỉ là một bài kiểm tra để ta trưởng thành hơn và bộc lộ được những tiềm năng trong con người mình. 

Bây giờ trước khi kết thúc năm cũ, thập kỷ cũ, tôi sẽ nghĩ về những điều mình muốn làm. Từ năm sau, tôi sẽ dành một phần trong cuốn nhật ký để viết về những điều mình học được mỗi ngày, để 10 năm sau tổng kết tôi không còn vất vả ngồi nghĩ lại nhiều thế này nữa.

Và 10 năm sau chắc chắn tôi sẽ cố gắng để trở thành một người mà tôi của ngày hôm nay cũng sẽ ngưỡng mộ.