Từ dạo còn ngồi vò đầu bứt tai để viết đủ 500 từ cho bài luận apply học bổng Chevening, khái niệm về Leadership cứ day đi day lại trong mình rất nhiều lần. Cũng nhiều lần mình phải nhìn lại bởi năm nào cũng có lứa apply mới, và không chỉ có Chevening mà còn nhiều học bổng khác cũng yêu cầu ứng viên thể hiện khả năng lãnh đạo – leadership.

Nội dung này đã có trên Podcast, bạn có thể nghe trên kênh:

Bài viết này mình sử dụng lẫn lộn tiếng Anh – Tiếng Việt hơi nhiều, nhưng do bản thân chưa tự tin khi dịch sang tiếng Việt liệu có làm mất sắc thái của từ tiếng Anh gốc hay không, nên mình quyết định không dịch. Mình rất xin lỗi, nếu điều đó khiến bạn khó chịu khi đọc.

Mình cũng vừa chợt nhận ra là mình là người sửa hồ sơ cũng không có (nhiều) tâm lắm, bởi bài viết nào mình cũng chỉ biết yêu cầu các bạn viết rõ luận điểm và sau đó là ví dụ cụ thể của câu chuyện của bản thân nhưng khái niệm về lãnh đạo là gì không phải ai cũng nắm rõ và ví thế người ta cũng chẳng biết đưa ra ví dụ ra sao. Có quá khó khăn không khi hỏi một người mới 2 năm đi làm phải có leadership? Người ta vẫn nghĩ thường nghĩ leadership phải làm “sếp” của hội nhóm này kia, phải làm giám đốc hay ít ra team leader đứng trên vài ba người. Nhưng nhìn lại mình thời điểm lúc còn apply, nếu chuyên viên công ty có 5 bậc thì mình ở bậc thứ 2 từ dưới lên. Đến bây giờ mình cũng chưa lên sếp. Và rất nhiều bạn bè trong hội Chevening của mình cũng chẳng biết cảm giác lên sếp ra làm sao, nhưng họ vẫn vượt qua bài luận ấy ngon lành để giành học bổng đi học.

Lãnh đạo không chức danh – Leader without tittle

Ngày trước mình cũng thấy yêu cầu “kỹ năng lãnh đạo” khó khăn lắm, nhưng cho đến một ngày, ở lớp MBA, cô giáo người Mỹ nói với mình rằng “Tôi sẽ cho em thấy khả năng lãnh đạo của mình khi mà em chẳng cần lên sếp”. Và môn học của cô cùng cuốn sách “Leadership experience” năm ấy đã đè bẹp nỗi sợ của mình, cho mình một định nghĩa khác về lãnh đạo. Mình cũng giới thiệu cuốn sách này trong những bài chia sẻ kinh nghiệm đạt học bổng Chevening của mình, nhưng mình cũng nhận ra là sách giáo trình thì chẳng mấy ai muốn đọc. Cứ thế, bao lần nghe những than thở “Em chỉ muốn làm việc không muốn làm lãnh đạo có được không?”, nhiều lúc mình cũng chán đến nỗi muốn thở ra một câu trả lời khá đau lòng “Được chứ, cũng như việc không được học bổng cũng chẳng sao cả”. (Nhưng mình đã không làm thế. Ví học bổng yêu cầu thế mà em không đáp ứng được thì phải chấp nhận thôi).

Trước đây mình nghĩ hình như leadership dịch sang tiếng Việt là “lãnh đạo” có vẻ sai sai, nhưng giờ đây mình nhận ra không phải dịch sai mà chúng ta hiểu nhầm từ “lãnh đạo” trong tiếng Việt. Hoặc, khi đọc đề bài luận chúng ta cũng vô tình bỏ lỡ qua một từ khóa khá quan trọng đó là “potential – tiềm năng”. Mình hi vọng những dòng này không theo kiểu phân tích và giải đáp “đề thi” mà chỉ là một góc nhìn khác của mình về leadership – kỹ năng lãnh đạo. Nó sẽ khác với những điều bạn học đọc trong các sách dạy kinh doanh, quản lý mà bạn hay thấy “hội bán hàng đa cấp” hay chia sẻ. Lãnh đạo  không đồng nghĩ với “làm sếp”. Ý niệm này là từ tất cả những gì mình đã từng trải nghiệm và từ những người mình ngưỡng mộ. Mình hi vọng mình có thể diễn giải nó một cách gãy gọn nhất để bạn dễ hiểu.

Leaders or influencers

Một trong những câu hỏi của học bổng Chevening như sau:

“Chevening is looking for individuals who will be future leaders or influencers in their home countries. Explain how you meet this requirement, using clear examples of your own leadership and influencing skills to support your answer.”

Mọi người thường hay tóm tắt câu hỏi này trong những cuộc trò chuyện là “Câu hỏi về kỹ năng lãnh đạo”. Nhưng đôi khi mình cũng tự hỏi tại sao đó không phải là “Câu hỏi về kỹ năng tạo ra ảnh hưởng?” bởi vì từ “leaders” và từ “influencers” đứng ngang hàng nhau trong câu hỏi này. Vậy nên, theo cách tiếp cận của mình, thay vì hỏi bản thân “Mình quản lý bao nhiều người?” hay “Mình làm trưởng nhóm bao nhiều dự án?”, mình sẽ hỏi bản thân rằng “Mình đã tạo ra ảnh hưởng tích cực nào?”.

Lắng nghe và tin tưởng

Nếu không có những giàng buộc địa vị, lấy uy quyền, và áp lực quyền lợi ra để bắt người khác làm theo ý bạn, thì điều gì bạn khiến người ta phải nghe theo một cách khâm phục khẩu phục? Khi mình hỏi lại bản thân mình, mình muốn được chỉ dẫn bởi một người thế nào? Mình nghĩ nó phải xuất phát từ sự tin tưởng và ngưỡng mộ. Bạn thường ngưỡng mộ một ai đó vì điều gì? Vì bộ suit họ mặc, vì cái đồng hồ Rolex họ đeo, vì chiếc xe sang trọng họ lái, hay vì cái chức danh họ có trên danh thiếp. Mình cũng từng “mờ mắt” bởi những điều lấp lánh như vậy, cho đến khi mình biết tới … những cái áp chỉnh ảnh. Những cái ứng dụng đó dạy mình về sự khác nhau giữa cái người ta khoe ra, cái chúng ta nhìn thấy và ….thực tế.

Cũng vẫn là cô giáo mà tôi đã kể trên, cô dạy mình về bản chất của con người, mình là ai ngoài những chức danh và địa vị. Những điều bên ngoài ấy đâu có gắn liền với bản thân mình. Mình đâu thể giới thiệu bản thân là “người mặc suit, chủ nhân đồng hồ Rolex và xe hơi sang trọng”, hay cái chức danh trên danh thiếp đâu phải đi đâu cũng giới thiệu được. Bởi thế, mình thường ngưỡng mộ ai đó bởi chính cái “thần thái” con người họ, về tính cách và bản chất cao quý xuất phát từ trong tâm. Những mọi hành vi, lời nói của con người đều xuất phát từ tư duy bên trong, bởi vậy, nếu như bản chất của họ là thật, giá trị trong con người họ cao quý, trí tuệ của họ uyên sâu, thì họ chẳng phải gồng mình lên (hay chỉnh sửa cầu kỳ), chúng ta cũng sẽ thấy được cái “thần thái” và “vẻ đẹp” đó, từ đó ta tin yêu, ngưỡng mộ, và thậm chí đi theo sự dẫn đường của họ.

Từ việc quan sát những người leader mà mình ngưỡng mộ, quay lại với kỹ năng leadership của bản thân, mình tự đặt ra câu hỏi cho bản thân mình, vậy để trở thành một leader hay một người có tầm ảnh hưởng tích cực, mình cần làm gì? Mình phải tu dưỡng cái “thần thái” của mình. Hay, đi sâu vào bản chất hơn, mình phải có tư duy, có tri thức và có tâm trước đã. Vậy, trước khi lãnh đạo người khác, mình phải tự lãnh đạo bản thân mình để có thể đạt đến mục tiêu cá nhân trước. Và đó là một ý niệm về leadership mà ít người nhắc đến “self-leadership”.

Self-leadership: Lãnh đạo bản thân mình trước khi lãnh đạo người khác

Nhìn lại bản thân, việc chúng ta tự bảo bản thân mình cần sống lành mạnh, làm việc chăm chỉ, bạn đã làm theo chưa? Nếu ta còn chẳng nghe theo lý tưởng của bản thân mình thì sao người khác phải nghe theo?

Việc có thể tự dẫn dắt bản thân vượt qua những khó khăn, trở ngại để trở thành một phiên bản tốt hơn là lãnh đạo bản thân. Và mình nghĩ đó là điều đầu tiên người ta cần nghĩ đến trước khi nghĩ đến việc dẫn dắt một tập thể. Lãnh đạo bản thân (self-leadership) gồm có 3 khía cạnh: Tự nhận thức (Self-awareness), tự học (self-learning), và tự điều chỉnh (self-regulation).  

Self-awareness

Self-awareness – Tự nhận thức là tập trung, suy ngẫm về các quá trình tâm lý và diễn biến nội tâm của bản thân qua việc bạn trải nghiệm, khám phá thế giới bên ngoài. Từ đó nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cũng như niềm đam mê thực sự của mình. Điều này thể hiện ở việc bạn biết mình hiện tại là ai và mình muốn trở thành người thế nào. Đây là không phải là viêc dễ dàng, nhưng khi bản thân không ngại thử thách, dám xông pha, luôn trải nghiệm thì rồi một ngày chúng ta sẽ hiểu bản thân mình hơn. Việc tự nhận thức bản thân có thể từ những việc rất vặt vãnh như bạn hợp với phong cách ăn mặc nào, bạn thấy mình đẹp và tự tin nhất với màu son, kiểu tóc nào… cho đến những điều trừu tượng và lớn lao hơn – Sứ mệnh của bạn trong cuộc đời này là gì?  

Self-regulation

Self-regulation – Tự điều chỉnh, là khả năng điều chỉnh và kiểm soát hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân một cách tự do và hiệu quả. Nó là một kỹ năng quan trọng để có thể sống độc lập, đáp ứng được các yêu cầu và thách thức trong cuộc sống, đồng thời tăng cường khả năng chịu đựng và giảm căng thẳng, đặc biệt với thế giới đầy cám dỗ như ngày nay. Ví dụ, khi nổi nóng, bạn biết kiềm chế lại để không có những hành động sai lầm hay nói nhiều điều khiến người khác tổn thương. Khi bạn học tập và làm việc trước những “cám dỗ” đầy hấp dẫn với bao thú vui ngoài kia, bạn biết cách “giữ mình” mà tập trung làm việc. Hoặc khi bạn biết làm sao để tự đứng dạy sau mỗi lần vấp ngã. Bởi vì bạn chính là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn. Chúng ta không phải cô Tấm cứ ngồi khóc rồi Bụt sẽ hiện lên. Chúng ta khóc xong, biết tự lau nước mắt và đứng dậy làm lại từ đầu.

Self-learning

 Self-learning – Tự học, một điều vô cùng quan trọng. Mình nhớ hồi ở nhà, từ khi mình còn mới vào lớp 1, sáng mùa đông trời rất lạnh, mẹ mình gọi dạy để đi học. Buổi sáng ở khu nhà mình có tiếng chim như sáo. Mình cũng chẳng biết đó là chim gì (hình như là chim tu hú), chỉ biết sáng nào nó cũng lặp lại tiếng kêu với nhịp điệu đều đều 10 tiếng hú, lặp đi lăp lại. Mẹ mình bảo “Con chim nó nói rằng – Tuổi trẻ cần phải học. Học, học nữa, học mãi”. Con chim còn ngắt đúng 2 câu, mỗi câu 5 tiếng như câu của mẹ mình luôn. Mình không rõ đó là điều mẹ mình nghĩ ra để kéo mình dậy đi học, hay chú chim ấy muốn nói với mình thật, nhưng đúng là 12 năm học phổ thông, sáng nào mình thức dậy cũng nghe thấy tiếng chim ấy. Ngay cả khi sau này, không còn đến trường nữa, và cũng không ở nhà nữa. nhưng tiếng chim ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí mình, và nhắc mình về việc học suốt đời.

Thực ra, mình nghĩ học ở trường không bao giờ đủ. Thế hệ mình lớn lên với những lớp học thêm và lò luyện thi đại học. Học trên lớp rồi về nhà vẫn phải làm bài tập về nhà. Kiến thức toán lý hóa văn sử địa ngoại ngữ, cũng chỉ là một phần cái chúng ta cần học. Chúng ta còn phải học về cách sống, về nhân sinh, về thế giới, về con người, thậm chí là học những điều “ngoài thế giới”. Cuộc đời mỗi người đều phải đối mặt với những bài toán của riêng mình, nơi chẳng có người thầy nào cho trước bài mẫu, chúng ta chỉ có cách tự học cách giải quyết mà thôi. Nói về tự học, mình giới thiệu cuốn “Tôi tự học” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần là đầy đủ nhất rồi. Viết nữa cũng chỉ thấy mình mình không sâu sắc bằng tác giả, mời bạn đọc sách mình đã để link.

Tập trung nâng cao tri trức không chỉ để bản thân trở thành người tài trí mà nhìn từ bên ngoài, người có trí thức thường có khí chất (hay còn gọi là thần thái). Dù họ là người không thích nói nhiều, thích quan sát, nhưng một khi đã nói thì đều có chất lượng. Tạo hóa cho chúng ta có đôi mắt, đôi tai nhưng chỉ có một cái miệng mà thôi, vậy nên phải nhìn thật kỹ, nghe thật tinh, và không cần nói nhiều. Vậy nên, thể hiện khả năng lãnh đạo không có nghĩa là phải nói nhiều, thể hiện quá lố, bởi từ thiên hạ đã hiểu rõ “Thùng rỗng kêu to”. Mình luôn thán phục những người có tài nhưng điềm đạm, khiêm tốn hơn là nói nhiều hay nổ nhưng chẳng làm gì.

Self-leadership, 3 khía cạnh, cái nào cũng khó và thử thách cả. Mình nghĩ rằng, điều đầu tiên chúng ta có thể thay đổi được đó là thay đổi bản thân mình trước khi khiến thế giới này thay đổi theo cách chúng ta muốn.

Thế leadership / lãnh đạo là làm sao?

Có lẽ bạn đã nghe câu “đời thay đổi khi ta thay đổi” đến ngàn lần rồi. Nghe nó có vẻ nhàm chán, nhưng nó đúng. Xây dựng gốc rễ từ bên trong bản thân mình rồi là lúc chúng ta hành động để tạo ra những điều tích cực cho thế giới bên ngoài. Bởi tri thức, ước mơ, lý tưởng, hoài bão, đam mê chỉ giữ cho riêng bạn thì cũng chẳng để làm gì. Với mình, quan điểm về leadership không phải là “chỉ bảo” người khác làm này làm kia. Mình không thích sự phân biệt tầng lớp, cấp trên cấp dưới mà mình thích gọi nhau là những người đồng hành. Lãnh đạo một tập thể là tạo nên cảm hứng để những người đồng hành cùng mình phát huy hết tiềm năng của họ, để chúng ta cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung.

Mình cũng học rất nhiều từ mẹ mình. Mình có một người bạn thân, khi nói chuyện với về gia đình, mẹ cậu ấy làm “sếp” rất to, còn mẹ mình thì không phải “sếp” của ai cả vì thay vì tập trung cho công việc, mẹ mình đã tập trung chăm lo cho gia đình. Nhưng sau lần nói chuyện với người bạn đó về những điều mẹ mình làm, tự nhiên mình thấy mẹ mình rất “ngầu” và mình cũng thấy hãnh diện hơn về những điều mình học được từ gia đình. Trong khi người ta thường nói về sự tranh đấu của bản thân để đạt được vị trí cao, mẹ mình vẫn nói với mình về việc giúp người khác đạt được vị trí mà họ xứng đáng. Và dù khi giúp người khác, chúng ta cũng chẳng mong cầu gì, nhưng những nhận lại rất ý nghĩa và bền vững. Đôi khi thấy người mình giúp đỡ trở nên thành đạt, sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với việc bạn một mình đứng trên đỉnh cao.

Quan điểm về lãnh đạo này không phải tự mình nghĩ ra, mà mình đã học được trong suốt 4 năm trưởng thành từ học bổng Chevening. Mình luôn ghi nhớ một câu nói của diễn giả trong buổi Chevening Orientation.

“To find the best in others; to leave the world a little bit better; to know that one life has breathed easier because you have lived. That is to have succeeded”

Vậy leader/ lãnh đạo theo mình là những người tạo ra ảnh hưởng tích cực, chỉ cần nhờ có bạn mà cuộc đời này tốt hơn một chút, một ai đó dễ thở hơn một chút, như cách mẹ mình đã hỗ trợ con đường phát triển của người khác, như cách một đóa hoa tỏa ngát hương thơm cho đời, như cách bao người vẫn âm thầm cống hiến chẳng cần chức danh hay chỉ tay quát lớn. Nếu bạn có thể trở thành một đóa hoa đẹp để tô điểm cho đời, nếu ai đó nhờ bạn mà vui vẻ hơn, ăn ngon hơn, nếu người khác có thể nhìn thấy hạnh phúc lớn lao từ sự tử tế và cao quý của bạn để học làm theo, đó chẳng phải là ảnh hưởng tích cực rồi sao?


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]