Trong Newsletter tháng 8, mình đã dự định tháng 9, tháng 10 không viết thêm bài Blog nào để tập trung học một lớp Nghiên cứu phim. Mình cũng review phim từ rất lâu, nhưng rồi mình cảm thấy mình bị kẹt ở cái trình độ “làng nhàng”, chỉ biết diễn giải nội dung, còn bao thủ pháp điện ảnh mình bỏ qua, để phí, không thưởng thức trọn vẹn trải nghiệm điện ảnh.

Lần đầu tiên mình biết đến biên kịch, vai trò đạo diễn, là hồi học ở UK, cùng nhà với cậu bạn học Phim người Trung Quốc. Mình chẳng biết cậu học cái gì mà suốt ngày hút thuốc xong bảo cần có ý tưởng để viết. Đến khi quen Linh Ngư, cô bạn cùng học bổng đi năm sau, cô bạn mới nói cho mình về điện ảnh. Chính Linh Ngư là người giới thiệu cho mình lớp Film Studies.

Mình học ở Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh TPD. Lớp học Online kéo dài 13 tuổi, mỗi buổi 3 tiếng. Nội dung học rất nhiều kiến thức từ Lịch sử điện ảnh, ngôn ngữ điện ảnh, những đặc trưng của nền điện ảnh các dân tộc, vai trò của thể loại, hướng dẫn review, giới thiệu, phê bình phim… Viết cũng giống như chúng ta tập thể dục vậy. Nó cần sự kiên trì, rèn luyện mỗi ngày, nên sau 13 buổi học mình chưa thể thành một nhà nghiên cứu phê bình phim nổi tiếng như Roger Ebert được. Nhưng sau những tuần “cày” theo đúng nghĩa, vì Nghiên cứu phim là cả một chuyên ngành học 4 năm đại học, mình học được những điều sau:

Thưởng thức điện ảnh một cách nghệ thuật

Điện ảnh là một  ngành có lý luận. Đúng vậy, có lý luận nghĩa là có cả một hệ thống kiến thức sâu rộng được phát triển qua nhiều năm ở phía sau. Suy cho cùng thì nghiên cứu phim cũng như nghiên cứu mọi thứ khác, kỹ năng cũng tựa tựa nhau chỉ là đối tượng khác. Đôi khi bạn tự hỏi “Sao phim xem chả ra gì mà được giải này giải kia?” Vậy lẽ nào các bác ở viện Hàn Lâm điện ảnh đều dở hơi và không biết thưởng thức. Nhìn chung nghệ thuật là một cái gì đó trừu tượng, nghĩ là ta không thể đếm cái đẹp như đếm tiền, không thể đong chất nghệ như đong gạo.

Những buổi học chúng mình được làm quen với một số tác phẩm vừa được giải Oscar trong những mùa gần đây như Nomadland (Chloé Zhao, 2020), Minari (Lee Isaac Chung, 2020), Parasite (Bong Joon-ho, 2019)… Rồi chúng mình học về ngôn ngữ điện ảnh, tại sao lại là góc máy đó, tại sao nhân vậy lại đứng trước đứng sau kiểu đó, tại sao chỉ quay mắt không quay cả mặt… kể ra thì nhiều lắm. Có những cảnh xem lướt qua có 2 giây mà nó cũng mang 1 ý nghĩa đủ để nghiệm và viết lại trên cả trang giấy. Vậy nên đến một buổi, cô giáo bảo “Thầy của cô từng nói, nếu xem phim mà không thấy hay, trước hết hãy xem lại mình”.  

Sự bình tĩnh trước những làn sóng khen chê để nhìn sự việc một cách đa chiều

Bởi vì điện ảnh có lý luận nên khen hay chê cũng phải dựa trên luận điểm, dẫn chứng. Lớp mình học đúng dạo tranh cãi về sửa Luật Điện Ảnh, và đúng khi phim Vị (Lê Bảo, 2020) bị cấm chiếu, và các diễn đàn, các nhà báo, dân cư mạng bình luận sôi nổi. Nhưng vấn đề là, tại sao người ta chê khi còn chưa được xem phim, chưa biết phim thế nào. Và bởi đó là nghệ thuật, chúng ta nên nhìn vào ngôn ngữ nghệ thuật thuần khiết, không phải cái bóng bẩy được tô vẽ bởi kỹ nghệ truyền thông bởi phấn son và những bộ quần áo màu mè.  

Mình học được rằng, mỗi vấn đề, mỗi bộ phim, mỗi sự kiểm duyệt dều được dựa trên những đánh giá, ảnh hưởng tới mọi mặt. Có những điều đi vào trong cuộc sống một cách vô thức, và nó trở thành lối sống, khát khao. Chẳng phải bọn trẻ con xem nhiều phim siêu nhân, chắc bạn cũng chẳng còn lạ gì cảnh mấy đứa quàng khăn nhảy từ trên giường xuống đất. Đó là siêu nhân cứu thế giới, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bọn trẻ học theo một nhân vật không phải anh hùng cưới người mà là trộm cắp, đơn giản chỉ vì nhân vật quá ngầu.

Mở lòng để đón nhận một tác phẩm

Thay đổi dành cho riêng mình là sự dũng cảm và sự mở lòng. Dũng cảm xem những phim trước đây mình không dám xem, và mở lòng để xem hết những bộ phim mình mặc định là dở (bởi đó là phim được giao về nhà).

Mình không phải người yêu phim nồng nhiệt. Với mình đọc một cuốn sách còn dễ hơn xem 1 bộ phim. Mình cũng không “dũng cảm” để xem những phim mới bởi sợ xem lại mất 2 tiếng mà không thấy phim hay. Bởi thế, mình thường xem lại những bộ phim cũ mình từng xem và một năm mình chỉ ra rạp 1 lần. Một cách chân thực, mình không thích phim Việt, bởi phim hài mình thấy khá nhảm, mà tính mình thì lại “khô” đến nỗi xem phim hài mặt không biến sắc. Còn phim chính kịch thì nội dung “nông choẹt”, lắm drama. Khi mà kinh đô điện ảnh Hollywood hào nhoáng vậy còn chả kéo nỗi mình ngồi yên 2 tiếng, thì điện ảnh nước nhà, hotgirl đóng phim thì sao thuyết phục được mình. Còn tất nhiên là mấy phim từ thời đen trắng mình lại càng không xem.

Vậy mà, lần đầu tiên mình ngồi xem Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Nhật Minh, 1995), chưa xét phim hay dở thế nào, mình chỉ thấy như vừa bước qua một cánh cửa mình đã đóng chặt từ lâu. Mình không nói là giờ mình thấy phim Việt thật hay, mà là giờ mình có chê thì mình sẽ xem phim trước, chê thì cũng phải chê bằng lý luận.

Người Việt hiểu văn hóa Việt Nam

Hôm đó viết một bài về phim Rom-com, thầy nói rằng “Cái thế hệ của các em thật lạ, ở nước ngoài cái gì cũng biết, nhưng về dân tộc mình lại chẳng hiểu bao nhiêu”. Câu nói đó khiến mình giật mình. Mình đi UK về, mình có thể nói người Anh trà chiều thế này, giáng sinh thế này, lịch sử, kiến trúc, văn học phát triển ra sao, ngay cả đồ ăn ở UK mà người người chê chán mình vẫn lôi được ra những món ngon mê mẩn. Nhưng khi nhìn lại, mình sẽ nói gì về Việt Nam, mình sẽ giải thích thế nào khi người ta luôn nhầm mình là người Trung Quốc. Điều đó khiến mình suy nghĩ rất nhiều, phong tục Việt đặc trưng thế nào, điều gì là cái đẹp thuần Việt không phải được du nhập từ Trung Quốc, màu sắc Việt Nam là gì, văn hóa, ngôn ngữ người Việt giàu đẹp ra sao. Gần như suốt hơn 20 năm cuộc đời, mình ở giữa đất nước mà chưa thực sự hiểu về nó, để rồi bị thỏa hiệp với những lai căng, bóp méo.

Bài cuối khóa, lúc đầu mình định viết về một phong cách đạo diễn Tây nào đó, nhưng sau khi được “giác ngộ”, mình chuyển hướng từ viết về văn hóa Việt trong phim Việt. Đó không chỉ là cơ hội để mình xem một số bộ phim Việt trong thời gian ngắn, mà còn đọc thêm về trang phuc, kiến trục, nghệ thuật thi ca, phong tục tập quán của người Việt xưa. Không phải phim nào cũng hay, tất nhiên, nếu phim hay thì điện ảnh Việt Nam đã có thể sánh ngang với anh hàng xóm. Và khi xem những bộ phim nghệ thuật nước ngoài cùng thể loại, tìm hiểu về văn hóa dân tộc qua ngôn ngữ điện ảnh để so sánh, mình hiểu thêm về lý do tại sao mình loại có thể yêu có thể ghét một tác phẩm. Điện ảnh không chỉ là hình ảnh chuyển động và âm thanh, nó còn là tổng hóa của nhiều kiến thức văn hóa xã hội khác.

Mình vẫn tiếp tục đọc thêm về văn hóa Việt, thôi thì muộn màng còn hơn không. Khi đọc cuốn Việt Nam Phong Tục của tác giả Phan Kế Bính, mình mới ồ à nhận ra, có những hoạt động sinh hoạt như cưới xin, ma chay rất cổ hù người ta làm ngày nay nhưng chẳng phải phong tục, truyền thống từ xưa, mà sinh ra ở đâu đâu. Vậy nên, hiểu biết cũng là cơ sở để người ta làm cho cho đúng, không suy diễn, không bóp méo.

Một niềm vui cho riêng mình

Lịch học khá dày, cả hơn một tháng phải đặt những thói quen khác (viết Blog chẳng hạn) sang một bên để dành hơn 6h/tuần nghe giảng và nhiều tiếng khác xem phim, viết ghi chú phim, làm bài tập. Mình cũng phục mình vì đã đi học và làm bài đập đầy đủ. Cõ lé sau khóa này kinh nghiệm “nhồi nhét thời khóa biểu” của mình cũng lên tầm cao mới. Động lực để học lớp cũng chẳng phải kiếm tiền, đổi nghề, hay tình yêu cao cả với điện ảnh. Mình thích viết và muốn thoát ra khỏi cái lối viết tầm thường, quá phụ thuộc vào cảm xúc và cảm hứng.

Thầy cũng bảo, lớp đông thế này cũng bất ngờ vì cái nghề này chẳng có tiền. Sau khi đầu tư vào nghệ thuật cũng chẳng ít, mình nhận ra rằng, trong cuộc sống này có cho mình một sở thích, không phải để bon chen, không áp lực phải giỏi, không cần suộm màu kim tiền, nó khiến mình rất thoải mái. Mình thích thì mình làm thôi. Đến cuối khóa, thầy tặng cho các bạn nữ một câu mà thấy cái quyết định bồng bột này cũng không uổng. Là con gái được học một điều mình thích đã là một cơ hội may mắn, vì thường thì có cá tính mạnh mẽ đến mấy thì sau này người ta cũng sẽ đầu hàng trước “số phận”.  

Cũng có lúc, nghĩ lẽ ra mình nên đi học sớm hơn, nhưng mình cũng chẳng muốn đâm đầu vào cái mộng tưởng đó quá lâu. Mỗi điều học thêm là một lần mình khám phá chính bản thân mình và một lần mình hiểu thêm về thế giới xung quanh. Dù chẳng thành nhà phê bình điện ảnh, nhà báo nổi tiếng, lên thảm đỏ phỏng vấn các minh tinh, nhưng ít nhất đời sống tinh thần thêm lành mạnh, mình biết “thưởng thức nghệ thuật điện ảnh”, biết tìm cái hay trong những bộ phim “khó nhằn”, và có những niềm vui cho riêng mình.

Mình sẽ làm gì sau lớp này?

Đi học cũng là tiền của mình nên mình sẽ không thể để đó là một khoản đầu tư uổng phí và những kiến thức trôi tuột đi. Mình đã chuyển  toàn bộ nội dung Review phim sang Blog mới www.phuonganhviolet.com để dành một khoảng trời riêng cho “những phép ẩn dụ”. Còn lại Blog cá nhân này là câu chuyện cá nhân của mình.

Mình muốn  giới thiệu đến mọi người những bộ phim hay và có tính nghệ thuật, ghi lại những điều mình học được từ những bộ phim đó. Mình biết những người làm nghệ thuật cũng đã rất nỗ lực để mang nghệ thuật đến với công chúng. Tuy nhiên, mình không đồng tình với cách làm của họ. Như đã nói ở trên, nghệ thuật là một cái trừu tượng, phụ thuộc vào cảm quan và thẩm mỹ của người thưởng thức. Ở Việt Nam, điều này khá xa xỉ, cũng dễ hiểu vì đi làm cả ngày đã đau đầu, hơi đâu mà đi giải mã những điều được thể hiện ở một ngôn ngữ khác.

Tuy nhiên, điện ảnh sinh ra để phục vụ khán giả, bởi thế mà ngày khai sinh ra điện ảnh không phải ngày phát minh ra máy chiếu phim mà là ngày phim được chiếu có thu tiền. Vậy nên, phim hay phải được khán giả công nhận. Phim hay là phim có nhiều tầng nghĩa, mà một khán giả bình thường, có nhận thức, đủ tỉnh táo khi ra rạp mà còn không hiểu tầng nghĩa 1 thì có lẽ là do ngôn ngữ thể hiện của phim thiếu thực tế. Còn việc khán giả có thể hiểu được tầng nghĩa sâu hơn, tầng 2 đến tầng 10 phụ thuộc vào nhận thức và thế giới quan của mỗi người. Nhưng nhận thức là điều có thể thay đổi một cách từ từ.  Ví dụ, người A đang ở level 1, mà tự nhiên cho người ta xem phim ở level 10, thì anh ấy chê phim dở cũng có gì sai, anh ấy trả tiền để xem mà. Nhất là thờ đại Netflix này thì điều gì khiến chọn phim giữa một bàn tiệc đủ đầy. Việc cần làm, theo mình là để người A xem những phim level 2 trước, hiểu chúng rồi từ từ lên dần, mọi chuyện sẽ khác. Đó là một câu chuyện dài.

Mình không phải người thích nói những thức khó hiểu, mình cũng không thích phim mà cứ kể nghèo kể khổ. Xem phim là để giải trí và thấy cuộc đời tươi sáng hơn. Đâu phải nghệ thuật là phải tăm tối, đâu phải cứ phải nude mới thấy hết con người. Có rất nhiều phim đạt giải Oscar, Cannes nhưng rất dễ xem, và chất thơ thì miễn bàn. Mình nghĩ mình sẽ tập trung giới thiệu những bộ phim nghệ thuật nhưng dễ hiểu trước để gợi ý phim hay cuối tuần cho các bạn, thêm những bài học sâu sắc trong cuộc sống được thể hiện qua ngôn ngữ diện ảnh, và ủng hộ nghệ thuật điện ảnh, cái đẹp đích thực.

Đó là ý tưởng của mình, không biết sẽ thực hiện đến đâu, nhưng dù sao thì mình vẫn duy trì 2 blog độc lập, trong đó 1 blog chỉ dành cho Điện ảnh và Văn học. Hi vọng là tương lai mình có cơ hội hợp tác với báo chí hay tự tin nhận mình là “Nhà phê bình phim” chẳng hạn. 😀 Nhưng hiện tại mình vẫn là “một người thích viết” thôi.

Lớp mình học xong có bài tốt nghiệp phê bình điện ảnh, tập hợp vào 1 tạp chí phim, bạn có thể đọc tạp chí tại đây. Tạp chí cuối khóa của lớp Film Studies

(Nhưng không hiểu sao các bạn không rõ mình học gì đều auto nghĩ mình học báo chí. Tôi cũng rất đang suy nghĩ mình có duyên với nghề báo không?) 🙂

Thông tin về lớp Nghiên Cứu phim: Film Studies

Cover Photo by Samuel Regan-Asante on Unsplash

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Subcribe để không bỏ lỡ bài viết mới trên Blog

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]