notebook, planner

Mua một cuốn sổ cá nhân mới là việc mình luôn làm để chuẩn bị cho năm mới. Mình mới thực sự dùng Planner từ năm 2017, còn trước đó mình dùng Sổ Tay và Nhật Ký. Qua từng đó phiên bản sổ tay, cuối cùng mình cũng tìm ra được cuốn sổ phù hợp nhất với mình.

Nhật ký – Những điều thầm kín của một đứa trẻ

Mình bắt đầu viết Nhật ký từ lớp 3. Không biết bạn đã từng xem bộ phim Mexico Nhật Ký của Daniela không? Mình bị ảnh hưởng bởi bộ phim đó. Năm ấy, mẹ mình đi du lịch Lạng Sơn và mua cho mình vài cuốn Nhật Ký bé bé có khóa. Những cuốn sổ đó rất đẹp, màu hồng, xanh lam và xanh lá cây, trong đó cuốn màu xanh lá cây mình thích nhất vì chỉ có duy nhất 1 cuốn thôi. Mẹ mình bảo để mỗi dịp sinh nhật bạn bè, mình đỡ phải đi mua quà, nhưng mình đã viết hết chỗ sổ Nhật Ký đó từ năm lớp 3 đến hết tiểu học.

Mình viết tất cả mọi chuyện diễn ra trong ngày, có ngày viết mấy lần. Hôm nay đi học làm gì, bạn nào bắt nạt mình, mình thích bạn nào, ai làm gì mình, hôm nay Crush có biểu hiện gì… Viết nhật ký trở thành 1  thói quen của mình cho đến hết năm cấp 3. Và cũng dễ hiểu tại sao mình nhớ rõ những chuyện quá khứ từng xảy ra với mình đến vậy. Có sự cố “hi hữu” là có lần anh họ mình đọc nhật ký của mình, và biết mình thích 1 bạn cùng lớp, và mình bị bêu rếu suốt một thời gian dài. Nhưng cũng không sao cả, vì lên cấp 2 cũng vì một sự cố hi hữu mà mình ghét “Crush cũ” như *.

Khi lên đại học, trước khi lên Hà Nội, mình đốt toàn bộ những cuốn Nhật Ký mình đã viết, chỉ giữ lại 1 cuốn gọi là để làm kỷ niệm.

P/S: Sao ngày đấy chữ mình viết nhật ký xấu thế không biết

Sổ tay – Cuộc sống của một đứa mới lớn

Lên đại học mình chuyển sang dùng sổ tay. Khi đó Facebook bắt đầu xuất hiện, và dường như cuộc sống không còn là những điều thầm kín trong cuốn sổ nhật ký nữa. Cái gì cũng có thể viết lên Facebook: Hôm nay anh bảo vệ trông xe cố gắng trả đủ 499K khi mình đưa tờ 500K duy nhất trong ví? Hôm nay cô giáo cho nghỉ? Hai vợ chồng nhà hàng xóm đang cãi nhau…. Và mỗi tháng mình cũng làm một cái post dài để tổng kết tháng đó làm gì. Nhưng tất nhiên là mình không post lên Facebook chuyện Crush ai.

Sổ tay và hộp bút mình luôn để trong cặp được dùng trong những cuộc họp Câu lạc Bộ, bất chợt có ý tưởng gì đó, lịch làm việc, To-do list, theo dõi chi tiêu, địa chỉ của ai đó cần liên lạc. Hoàn cảnh hồi đại học mình dùng điện thoại Nokia 2800 chỉ có chức năng nghe gọi nên Sổ tay là thứ không thể thiếu…

Mở đầu cuốn sổ tay luôn là “Những việc mình mong muốn trong năm mới”. Năm đầu đại học, mình đặt ra 10 mục tiêu. Cuối cùng mình chỉ làm được 1, nhưng đó lại là mục tiêu khó nhất trong 10 mục tiêu đề ra, và là cái lúc viết xuống mình cũng nghĩ mình chẳng thể làm được. Cũng từ đó mà mình hiểu, việc hoàn thành một mục tiêu hay không, sẽ phụ thuộc phần lớn vào công sức mình dành cho nó. Mình cũng chép lại một số câu quotes truyền cảm hứng để đọc lại. So với Nhật ký, sổ tay khá “khô”, không có cảm xúc, và so với một cuốn sổ kế hoạch, mình viết rất ngẫu hứng, không có bố cục, hết trang này lại sang trang khác.

Boullet Journal – Sự sắp xếp sáng tạo

Mình dùng sổ tay cho đến khi đi làm và khi mình nhận ra “cuộc đời mình cần sang trang mới”. Năm 2016, mình tình cờ đọc những bài viết về Boullet journal và nhận ra mình có thể cải tiến cách ghi sổ của mình. Thực ra ban đầu mình toàn thích xem những video vẽ trang trí sổ cầu kỳ trên youtube và muốn làm theo. Có lần mình cũng học theo, trang trí vẽ vời, dán sticker các kiểu… Nhưng được 1 tháng mình chán vì việc kẻ vẽ đó rất mất thời gian và mình vẽ xấu. Mình ghi chép theo kiểu boullet journal một thời gian và thấy layout sổ cũng chưa thực sự hợp với mình lắm vì ngoài công việc hàng ngày, mình thích lập kế hoạch xa, hay cần chỗ ghi lại những cuộc hẹn đột xuất. Hoặc là có những ngày chẳng có gì để ghi.

Planner – Điều phù hợp để khám phá chính bản thân mình

Cuối cùng mình thấy một cái phù hợp hơn với mình đó là Planner. Planner cũng giống như Nhật ký vì mình ghi lại tất cả những gì xảy ra trong ngày. Nó cũng giống như cuốn sổ tay của mình vì mình cũng ghi lại tất cả lịch làm việc, việc cần làm, đồ cần mua, deadline sắp đến.

Đến năm thứ 2, mình cảm thấy layout của cuốn sổ mua sẵn không hợp với nhu cầu riêng của mình lắm, nên mình chuyển sang mua 1 kiểu cover bằng da. Đó là năm 2018, mình khá hài lòng với cuốn số đó. Với cover da màu tím, mình có thể dùng lại và chỉ cần thay ruột sổ hàng năm. Đến cuối năm 2018, mình đi du học, cửa hàng chưa kịp ra ruột sổ in sẵn nên mình mua lõi trắng về tự kẻ layout. Công nhận là rất mất thời gian. Hồi ở London, mình thấy sổ kế hoạch cũng những món đồ trang trí, phụ kiện sổ được bán rất nhiều ở những cửa hàng như The Work, Paperchase với giá chỉ bằng 1 cái bánh sandwhich. Sổ ở Việt Nam cũng bán nhiều nhưng giá phải bàng 4 cái bánh mỳ đầy thịt. Mình từng đùa với bạn mình, hay bọn mình Franchise Paperchase về Việt Nam.

Cuối năm 2019, mình về Hà Nội, quay lại cửa hàng cũ mua lại ruột sổ cho bìa da. Nhưng phía cửa hàng đã khiến mình khá “thất vọng” vì mãi đến ngày 28/12 mới có planner cho năm mới, và so với sự hài lòng mình có năm 2018 thì chất lượng mẫu layout in sẵn năm 2020 khiến mình rất buồn, phần layout calendar không hợp lý, và chất lượng in dòng/dot bị mờ. Nhưng khi đó gần hết năm rồi, mình lại phải mua lõi trắng về tự kẻ. Một nhược điểm khác của loại sổ cover da và 3-4 lõi sổ nhỏ bên trong là khi mình mở ra để ghi, khá khó kê tay để viết, nên chữ mình xấu thậm tệ, hoặc mình phải gỡ hẳn lõi sổ ra để ghi rồi gắn lại. Tuy vậy, ưu điểm là mình có thể chia nội dung ra nhiều cuốn sổ nhỏ, gắn thêm nhiều phụ kiện khác như business card, stickenote…

Năm nay, mình quay lại với 1 cuốn sổ bìa cứng, layout in sẵn. Dù chưa thực sự hài lòng, nhưng về cơ bản thì cuốn sổ này đáp ứng các như cầu của mình (phần lịch và ghi chú tự do).

Sổ mình dùng hiện tại

20200922_164330-01

Tại sao mình thích dùng planner

Với cuốn sổ Planner, mình nhận ra mình trưởng thành hơn, hiểu bản thân mình hơn, suy nghĩ nhiều hơn, và làm được nhiều việc hơn. Mình ghi vào đó tất cả những ý tưởng xuất hiện trong đầu, và buộc bản thân phải thực hiện những ý tưởng đó. Học một kỹ năng mới. Mở một tiệm bánh Online. Học Violin. Apply học bổng… Mình đã làm, và dù có thất bại, ít nhất mình cũng không hối hận vì mình đã cho bản thân một cơ hội để thử.

Mình ghi vào đó những thất bại, không phải để trách móc bản thân mà để không quên những điều đã học. Và mình đọc lại, để mỉm cười vì thấy mình đã đi được những con đường rất xa. Bạn bè cũng hỏi mình, chắc mình rảnh lắm nên mới có thời gian làm bánh, chơi đàn, đọc sách… Hồi trước, mình cũng rất ghen tị với những người bạn luôn nói “Dạo này bận lắm”, “Bao nhiêu dự án”, và cảm giác như mình là đứa chẳng đâu cần đến. Cho đến một ngày, mình cũng không ngờ với những kết quả mình làm được, rảnh nhưng vui vẻ và có những điều mình muốn.

Từ khi dùng Planner tần suất post Facebook của mình cũng giảm hẳn. Mình tập trung nhiều hơn vào bản thân, đỡ được phần nào sự GATO với cuộc sống của người khác.

Mình hay theo dõi các Facebook/Instagram về notebook của các bạn nước ngoài, nhìn mê ly lắm luôn, và nó cho mình cảm giác bay bổng, sáng tạo.

Trong cuốn sổ Planner của mình có gì?

Phần mở đầu: Những mục tiêu lớn

  • Trang đầu tiên không thể thiếu đó là “Mục tiêu cho năm mới”. Mình viết mọi điều mình mong muốn, những kế hoạch lớn, đi được bao nhiêu nơi, đạt được thành tích gì, tiết kiệm được bao nhiêu tiền, giảm còn bao nhiêu cân…
  • Trang tiếp theo, danh sách những điều muốn học: Danh sách những khóa học Online, Những kỹ năng mới, vẽ vời, âm nhạc…. Bất cứ khi nào có một mong muốn nảy sinh trong đầu mình đều viết, thêm vào danh sách này. Khi nào rảnh mình sẽ ngồi review lại, suy nghĩ thật kỹ, có thể bắt đầu được hay không. Và nếu hoàn thành mình sẽ tô màu highlight vào dòng ý tưởng đó.
  • Những cuốn sách muốn đọc – Reading list. Có lẽ mình không cần phải nói về tác dụng của việc đọc sách nữa. Phần này mình chia thành các cột (Tên sách/ tác giả/ Thể loại / Đã mua/ Đã đọc? Đã review trên Blog hoặc Instagram @vitamin.books).
  • Một vài bộ phim muốn xem – Thực ra mình là đứa rất lười xem phim, một năm mình chỉ xem được cùng lằm 5 bộ phim là rất nhiều, nhưng có rất nhiều phim bạn bè giới thiệu mình muốn xem.
  • Ý tưởng mới cho nội dung Blog
  • Những ý tưởng trong đầu, Một dreaming list – Những ý tưởng, kế hoạch không tên, đơn giản và để ghi lại, khi nào rảnh đọc lại biết đâu có lúc sẽ cần.
  • Các bản nhạc Piano và Violin muốn tập.
  • Đồ cần mua: Mình mua sắm không nhiều. Thường thì một năm mình sẽ mua 1 món giá trị (máy ảnh, điện thoại, laptop, đàn piano, đồ điện tử- mỗi năm 1 món tùy nhu cầu). Sau đó đến Mỹ phẩm, và thỉnh thoảng mua quần áo giày dép. Mình ghi đồ cần mua vào trang này, rồi thời gian sau suy nghĩ xem có thực sự cần đến nó nữa hay không, rồi mới quyết định mua.

Lịch làm việc: Cụ thể hóa kế hoạch hành động

  • Đây là phần quan trọng nhất của Planner:
    • Đầu mỗi tháng mình có danh sách những việc quan trọng cần làm trong tháng.
    • Sau đó, đầu mỗi tuần mình ghi việc cần làm trong tuần.
    • Tiếp đến là các habit Tracker. Phần này để theo dõi thói quen của mình hàng hàng, ví dụ dậy sớm, tập thể dục, đọc sách, đi ngủ đúng giờ, tập đàn, luyện Calligraphy  
    • Tiếp đến mục lớn nhất là calendar, ghi lại toàn bộ việc cần làm trong từng ngày, các lịch hẹn, deadline. Rồi đánh dấu vào đầu công việc tùy theo mức độ Hoàn thành bao gồm: v Hoàn thành; x Hủy bỏ/ không làm nữa; –> Chuyển sang ngày hôm sau

Những điều cần nhớ

  • Mình có những khoảng để Note tự do, ví dụ du như là hôm nay nhiều cảm xúc muốn viết Nhật Ký dài hơn.
  • Một danh sách thú vị nào đó, danh sách những nguồn tài liệu bổ ích có thể đọc sau.
  • Nhưng webiste, kênh có nội dung hay, Podcast hay ghé qua ghe
  • Những thất bại của năm và bài học: Không phải ý tưởng nào mình cũng thực hiện được, và không phải lúc nào mình cũng thành công, thường trang này mình ghi rất nhiều. Ngày hôm nay, nhận được “tin buồn”, trượt học bổng chẳng hạn, ngồi nghĩ nguyên nhân tại sao. Nhưng như mình đã nói, ghi lại không phải đề trách móc bản thân mà để rút kinh nghiệm từ những thất bại.
  • Những điều cần phải ghi nhớ. Mục này mình thường để ở trang cuối cùng và ghi chữ đỏ dành cho những điều mình buộc bản thân phải sửa đổi: Ví dụ: sau 2 ngày phải gội đầu vì tóc bết nhìn rất xấu/ Không cố gắng tranh luận trong những cuộc hội thoại không có giá trị/ Không mặc kết hợp cái áo này với cái váy này vì nó làm cho mình trông béo và xấu tệ… Nhìn chung đây là danh sách những sai lầm không được phép mắc lại.

Và đó là cách mình ghi lại cuộc sống của mình. Việc mang theo và đọc lại Planner mỗi ngày giúp mình nhìn lại những kỳ vọng của bản thân ngày hôm qua và xem ngày hôm nay mình đã đạt được bao nhiêu phần của những kỳ vọng đó.

Mình không cần phải làm hài lòng tất cả mọi người nhưng người mà mình không bao giờ muốn làm thất vọng đó là chính mình của ngày hôm qua.

Những cuốn sổ khác

Ngoài cuốn sổ Planner này, mình còn một vài cuốn sổ khác như là sổ ghi chép trong quá trình học, sổ Nhật ký học tập, Sổ luyện viết chữ…

Tùy vào mục đích, cá tính và nhu cầu, mỗi người sẽ có cách dùng sổ khác nhau. Nhưng dù công nghệ, máy tính, các thiết bị điện tử ngày nay có hiện đại đến thế nào, mình vẫn tin những cuốn sổ giấy vẫn còn nguyên giá trị của nó. Bởi khác với những thiết bị số, mở cuốn sổ ra, nghe tiếng ngòi bút đi trên giấy ngả vàng, đó là khi mình chìm đắm trong thế giới nội tâm của riêng mình mà thôi.

Những bài viết khác về hành trình trưởng thành của mình: Growing

Bạn có thể tham khảo một số layout planner tại đây:

Mẫu lịch tuần Download and print

Đừng quên theo dõi dự án Instagram Blog mới của mình và cô bạn thân để hàn thuyên về những điều tích cực nhé @_smallstepseveryday_