Tháng 8 năm ngoái, tôi đang bù đầu gấp rút để hoàn thành luận văn thạc sĩ. Có lẽ với một đứa tiếng Anh chỉ đủ dùng qua ngày và chấp nhận chọn đề tài và phương pháp mình chưa làm bao giờ để học thêm một cái mới thì tôi đành phải ngậm ngùi nhìn các bạn cùng lớp tung tăng tận hưởng biển xanh, cát vàng, nắng ấm mùa hè ở trời Âu, còn mình dành phần lớn thời gian mùa hè trong thư viện. Đôi khi thư viện chỉ có mình tôi vì sinh viên đại học đã về nghỉ hè hết, sinh viên cao học bắt đầu trả ký túc xá và không còn tiết học nên họ có thể ở nhà viết luận văn.

Cho cho đến tận bây giờ, lại một tháng 8 nữa, việc học của tôi vẫn chưa kết thúc, mà cảm giác như tôi mới chỉ bắt đầu những bước đi chập chững. Cái cảm giác vượt qua từng “chướng ngại vật” để có thể hiểu được những vấn đề từ cơ bản đến nâng cao, thực sự khiến tôi thỏa mãn.

Disseration
Thực đơn cuối tuần đến trường viết luận văn

Tháng 8/2019

Mười lăm nghìn từ cho bài luận văn tốt nghiệp có vẻ hơi nặng đối với tôi. Mấy tháng hè, ngoài một vài ngày tranh thủ đi chơi, tôi đã quen với thời gian biểu cố định. Mỗi sáng tôi thức dậy, ăn sáng, chuẩn bị đồ lên thư viện tập trung đọc tài liệu, làm phân tích số liệu và viết. Tôi ở trường cho đến khi thấy hoa mắt chóng mặt rồi lại về nhà nấu cơm, ăn tối, học bài rồi đi ngủ. Ngày nào tôi cũng đến phòng học dành cho sinh viên cao học của khoa để viết bài vì thư viện mở cửa khá muộn và 5 giờ lại đóng nên tôi không muốn di chuyển. Tôi học cả cuối tuần và cũng quen với cảm giác một mình ở phòng học. Những ngày làm việc trong tuần, cậu bạn người Châu Phi học cùng lớp cứ 5 giờ chiều lại xuất hiện ở phòng học. Cậu luôn hỏi tôi câu hỏi quen thuộc:

  • How are you? (Câu hỏi kinh điển của người Anh mà dường như người ta chẳng cần nghe bạn trả lời thế nào)

Tôi được người hỏi thăm, than vãn một đoạn dài:

  • Năm ngàn trong tổng số 15 ngàn từ cần phải viết, và thực sự là tớ đang rất lo là tớ không thể hoàn thiện được luận văn. Thực sự là tớ thấy rất ghen thị vì các bạn cùng lớp đang có thể thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ mùa hè.
  • Cậu sẽ ổn.

Và mỗi ngày khi cậu hỏi câu hỏi mở màn đó, tôi đọc số lượng từ của tôi đã viết được thay vì nói “I’m fine, thank you”.

Mùa hè ở London trời tắt nắng rất muộn. Hạ chí là ngày có thời gian mặt trời chiếu sáng dài nhất cũng phải 9 giờ 30 mới bắt đầu tối. Cứ mỗi ngày về nhà nấu cơm trong bếp, nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy trời chưa tối hẳn, tôi lại thấy “tội lỗi với thời tiết”. Mùa hè đẹp vậy mà tôi lại đang ở trong nhà, nhưng tôi vẫn còn quá nhiều việc cần làm, và ngày mai lại tiếp tục công viên nghiên cứu và viết. Các bạn cùng nhà với tôi cũng chia sẻ cùng sự vất vả trong mùa luận văn, nhìn đứa nào tối vào bếp cũng bơ phờ, mệt mỏi.

Một buổi sáng, xuống ăn sáng, cô Sarah ngồi ăn sáng với chúng tôi và vẫn bắt đầu ngày mới bằng câu hỏi quen thuộc. Tôi không thích trả lời bằng câu “I’m fine, Thank you” (Tôi ổn) một chút nào cả. Người ta nói, nghe “I’am fine, thank you” là biết ngay sinh viên Việt Nam. Tôi trả lời một cách thật thà:

  • Em cảm thấy rất tệ, rất lo lắng và áp lực.

Đến buổi chiều, khi trở về nhà thì một điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi mở hòm thư, thấy 1 món quà nhỏ cho tôi và một món quà cho Thư. Món quà cho tôi có 2 chiếc kẹo sô cô la hạt phỉ và một lời nhắn “Nếu những kỳ thi và deadline khiến bạn nản chí, hãy luôn nhớ rằng bạn luôn có sự động viên, yêu thương từ những người xung quanh. Bạn rất thông minh. Cố gắng lên”. Tôi đọc lời nhắn, chẳng biết mình đang cười hay đang khóc, nhưng thực sự tôi rất vui. Tôi nhắn Thư xuống hòm thư lấy quà, rồi chạy lên bếp khoe với mấy đứa bạn cùng tầng. Đứa nào mặt cũng hớn hở, vui vẻ như một đứa trẻ. Người ta hay bảo người Anh lạnh lùng, xa xách, nhưng có lẽ điều đó không đúng với cô Sarah và những cô quản lý khác trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi. Ở đây, chúng tôi dù là những người xa quê hương để học cao học, hay thậm chí đang làm nghiên cứu sinh cũng trở thành những đứa trẻ được chăm sóc, được yêu thương và thấy vui mừng vì những món quà nhỏ bé mà ý nghĩa.

ILSC

Ngày 9/8/2019

Ở trường, ngoài các bạn cùng lớp, tôi cũng hay đi chơi với các bạn học giả Chevening từ những nước khác. Chúng tôi đến từ những quốc gia khác nhau, học ngành khác nhau, thi thoảng hẹn nhau đi ăn hoặc ra Regent Park ngồi uống bia. Những con người từng xa lạ nhưng rồi trở thành thân quen. Có một hôm, tôi hẹn Rayan, cô bạn người Sudan đến trường để cùng học. Rayan lại gọi cho Mai, cô bạn người Ai Cập tới. Ba chúng tôi học ở 3 campus khác nhau nên cũng chỉ thỉnh thoảng có hẹn mới gặp nhau một lần. Tôi với Rayan ăn trưa rồi lên phòng học trước, rồi đến chiều Mai mới đến. Khi vừa thấy tôi, Mai đã chạy ra ôm tôi thật chặt:

  • Phương*, lần cuối cùng chúng ta gặp nhau là giáng sinh, tớ nhớ cậu quá? Xin lỗi vì tớ đến muộn, tớ ở Harrow đi đến đây mất 2 tiếng.

(* Các bạn gọi tôi bằng tên đệm vì họ chỉ gọi từ đầu tiên xuất hiện trong cái tên khá dài của tôi Phương Anh)

Cũng khá lâu chúng tôi chưa gặp nhau và cô bạn tôi đã mất 2 tiếng đi đến Marylebone campus chỉ để gặp tôi vì cô ấy sợ khi xong luận văn, chúng tôi sẽ không còn cơ hội gặp lại nữa. Mai hỏi tôi tại sao gần đây tôi không đăng nhiều ảnh lên facebook như trước. Nhóm chat của Chevening tại Westminster cũng ít hoạt động. Không có nhiều thông tin từ tôi, cô ấy nghĩ tôi gặp vấn đề gì. Tôi ngạc nhiên và thấy mình được quan tâm một cách chẳng thể nào ngờ tới. Tôi nói tôi vẫn ổn, chỉ là đang rất đau đầu với luận văn. Ba chúng tôi ngồi ở trường đến tận 8h tối, vừa làm bài vừa nói chuyện. Mai cũng đang gặp một số vấn đề khó khăn về việc học và về chỗ ở. Tôi ngưỡng mộ sự lạc quan, mạnh mẽ của cô ấy, và cô ấy còn lo lắng cho tôi. Tôi lại thấy sự chán nản, áp lực của mình giờ chỉ bé xíu so với những gì cô ấy phải trải qua. Những mối quan hệ chân thành hóa ra là như vậy. Nếu ai đó thực sự quan tâm đến mình thì mình đâu cần phải mất công gây sự chú ý của họ. Nếu họ thực sự yêu thương mình, họ sẽ luôn muốn nhìn thấy mình trong những điều kiện tốt nhất. Như cô bạn Mai của tôi thích nhìn ảnh tôi đăng lên Facebook để biết tôi vẫn đi chơi, vẫn vui vẻ. Nhờ có những người bạn như thế, tôi thấy mình được yêu thương thật nhiều.

Chevener Westminster
Những người bạn nước ngoài đầu tiên tôi “hẹn hò” của London. Mai là cô bạn mặc áo xanh. Bức ảnh này không có Ryan.

Đến một ngày, cậu bạn người châu Phi hỏi “How are you”, tôi sung sướng reo lên:

  • Mười sáu ngàn từ.

Và tôi cười đắc ý. Cậu bạn gật đầu đáp lại:

  • Biết mà, đã bảo rồi mà cứ lo.

Ngày nộp luận văn cũng dần đến. Trước 1 tuần, thầy hướng dẫn đã trả lại bản nháp cho tôi, giúp tôi sửa từ ngữ, cách viết, bởi vì dù sao tôi cũng là người Việt Nam, không thể bằng người Anh – Ireland trong khoản viết Tiếng Anh được. Tôi đã đọc luận văn của mình đến hàng trăm lần, nên đến cuối tháng tám tôi chán, gặp thầy xong, nghe thấy nói ổn rồi, tôi ngồi lại phòng học thêm một chút, sửa lại bảng biểu, rồi gọi điện về nhà. Dù thế nào thì tôi đã cố gắng hết sức, dù có nhận được mấy điểm thì tôi cũng hài lòng vì những gì mình đã học được.

Điều khiến tôi vui nhất là tôi đã thành thạo mấy kỹ năng mà trước đây tôi thấy sợ và né tránh. Khi bắt đầu đầu làm luận văn, tôi mới học lại về toán, thống kê và học sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu. Cứ mỗi lần ngồi trong thư viện, chìm trong sách vở, hay ngồi hàng giờ học những khóa học online, tôi mới thấy hối hận. Lẽ ra hồi học đại học tôi nên học hành cẩn thận hơn. Tôi nhớ có lần đón anh bạn từ Nice, Pháp đến London chơi, chúng tôi học cùng trường Ngoại Thương, quen nhau trong câu lạc bộ sinh viên. Ngồi trong pub uống cốc bia mát lạnh vị UK, anh mới than thở:

  • Công nhận hồi ở Ngoại Thương anh em học bã quá. Đến khi đi làm rồi lúc đi làm mới thấm, mình cần xem lại rất nhiều kiến thức. Giờ học cao học, tinh thần học tập lên cao hẳn.

Ví dụ như cái phần về toán thống kê, chắc tôi cũng học đến 4 lần hồi đại học, nhưng cũng chỉ đủ để qua môn và rồi chữ lại bay về hết trong sách vở sau mỗi bài kiểm tra. Lần làm luận văn này, tôi tự hứa với mình là mình phải thành thạo nó và không bao giờ quên nữa. và rồi tôi mới nhận ra rằng những kiến thức ấy không hề khó như tôi nghĩ. Có lẽ vì hồi học đại học tôi quá lười, vì Ngoại Thương luôn có vô vàn những hoạt động hấp dẫn, hay vì tôi đã học với mục đích duy nhất là chỉ để qua môn. Còn đến giờ, tôi phải tự học lại nhưng tôi học với một mục tiêu cụ thể, học để trả lời câu hỏi tôi đưa ra trong bài luận văn, để tìm hiểu nghiên cứu sâu về vấn đề mà tôi thực sự quan tâm nên tôi thấy rất hào hứng. Thay vì như trước đây, tôi học hết quyển sách, cũng có học các case-study nhưng rồi chẳng biết những kiến thức này có vai trò gì trong cuộc đời tôi vì dù case-study là thực tiễn như so với cuộc sống của tôi, nó vẫn quá xa lạ.

Lộ trình học trước đây là (Lý thuyết –> Tìm cách ứng dụng) còn giờ đây, tôi tiếp cận vấn đề theo hướng ngược lại. (Vấn đề –> Tìm công cụ –> Học lý thuyết để sử dụng công cụ). Tôi biết những vấn đề của mình cần giải quyết, biết những câu hỏi tôi cần phải trả lời, tôi tìm những công cụ có thể giúp tôi giải quyết vấn đề của mình và sau đó mới học cách sử dụng công cụ đó. Nhờ vậy mà sau vài tuần tôi đã thành thạo, ít nhất là những công cụ được tôi sử dụng trong bài luận văn của mình. Thật vui sướng tôi bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ lập trình. Nó giống như bạn được học một ngôn ngữ mới. Cảm giác gõ xong câu code rồi cả mô hình và những hình minh họa đẹp đẽ hiện ra, ngồi trong thư viện tôi chỉ muốn hét lên nhưng phải kiềm chế vì sợ ai đó nhìn thấy lại kỳ thị. Tôi kết luận là hóa ra hồi đại học mình kém môn này vì học không có mục đích chân chính và cả vì tôi lười học.

Môi trường học ở Anh khá thoải mái, bạn có thể không cần học nhiều, chỉ cần lên lớp nghe giảng, về đọc qua bài giảng được giảng viên đăng trên hệ thống tài liệu, và bạn vẫn có thể qua môn. Trái lại, bạn có thể cày hàng ngày, hàng giờ trong thư viện, lên gặp giảng viên hoặc cố vấn học tập mỗi tuần, và thậm chí còn có thể học cả những môn của ngành khác nữa. Điều quan trong nhất của việc học là mình phải biết “học để làm gì?” Mục tiêu cũng giống như một ngọn đèn soi sáng để bạn không ngừng tiến về phía trước. Và càng hiểu ra “chân lý đó” tôi lại hối hận và tự hỏi có phải 4 năm đại học tôi đã chưa sống hết mình. Nhưng thôi kệ, muộn màng còn hơn không.


 Ngày 30/8/2019.

Tôi hẹn Mikka ở thư viện in luận văn. Chúng tôi vẫn còn hạn mức in trong thư viện nên dùng cho hết, sau đó hai đứa mang ra tiệm đóng bìa cứng. Luận văn làm bìa cứng, chữ mạ vàng ở London đúng là siêu đắt, khoản này tiêu tốn của tôi đến 60 bảng. Đã vậy, để có được bìa màu đỏ giống như thầy trưởng khoa yêu cầu, hai chúng tôi lặn lội ra tận cửa hàng in ở khu Southbank vì nếu may mắn luận văn của chúng tôi được lưu trong thư viện, thì cả khóa sẽ có một màu đỏ đồng bộ đẹp đẽ. Đúng truyền thống giờ làm việc ở London, cứ 5 giờ các cửa hàng đóng cửa, nên chúng tôi vừa đi vừa chạy. Chúng tôi có thể nhận lại được cuốn luận văn với bìa cứng đỏ tươi và chữ mạ vàng lấp lánh vào chiều hôm sau để kịp mang đi nộp. Xong việc, hai đứa nhìn nhau, bụng cồn cào vì ở trường từ sáng, chạy qua mấy nhà in không kịp ăn trưa. Thấy quán chuỗi đồ ăn Nhật Itsu màu hồng trên đường ra bến tàu, chúng tôi vào gọi mỗi đứa một bát mỳ. Bát mỳ vừa mang ra, tôi nhìn quanh thấy nhân viên cửa hàng bắt đầu treo biển giảm giá 50% mọi đồ ăn nóng từ 17h00. Chúng tôi đã thanh toán đồ ăn của mình từ 16h57 phút. Quả là một ngày… “may mắn”. Tôi ăn hết bát mỳ ramen có vị gừng và rất nhiều đậu bi xanh và thầm tiếc.


Ngày 31/8/2019

Mikka đến Southwark lấy luận văn rồi chúng tôi hẹn nhau ở thư viện. Tới cửa thư viện, tôi gặp Vicky, cô gái người Đức gốc Trung tôi quen đầu tiên khi mới nhập học. Vicky hớt hải, khệ nệ bê đống tài liệu đã mượn về nhà cả mùa hè để làm luận văn, cười với tôi:

  • Cuối cùng thì tớ cũng trút được cái gánh nặng này. Tối nay tớ sẽ về Đức. Chúc mừng!!! Chúng ta đã làm được. Hẹn cậu tại lễ tốt nghiệp.

Chúng tôi ôm nhau và cười, san sẻ sự đồng cảm. Cái cảm giác đó vừa háo hức, có một chút tự hào, vui mừng nhưng trong lòng tôi cũng còn chút bộn bề lo lắng. Tôi gặp Mikka và Candy trên phòng máy tính. Tôi nhờ Mikka chụp cho tôi bức ảnh cùng “siêu phẩm” của mình trước khi mang lên khoa để nộp. Người trực ở khoa hôm ấy là thầy hướng dẫn của tôi. Thấy tôi đứng trước cửa, thầy cười:

  • Chúc mừng nhé.

Tôi đưa cuốn luận văn màu đỏ cho thầy, cảm giác như vừa rời xa một người bạn. Vậy là tôi sẽ chẳng còn có những ngày ngủ gục trên chiếc ghế sô pha mềm của thư viện, không còn được quẹt chiếc thẻ sinh viên với bức ảnh thẻ chụp ưng ý nhất của tôi từ trước đến giờ vào máy điểm danh. Tôi cũng không cần phải căng tai ra nghe để cố hiểu bài giảng của các giảng viên với nhiều kiểu nói Tiếng Anh, không còn phải cố gắng để viết đủ 15 ngàn từ nữa. Tôi không còn phải lo lắng về những kỳ thi, những bài kiểm tra, những bài luận phải hoàn thành… Tôi trân trọng những trải nghiệm ấy biết nhường nào. Dù tôi còn chưa biết mình sẽ làm gì vào ngày mai, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, tôi sẽ nhớ những kỷ niệm ấy, nhớ ngôi trường này nhiều hơn cả những gì tôi đã cố gắng để có thể tới đây. Bạn biết không, tôi đã từng nộp học bổng của trường từ khi mới tốt nghiệp đại học đến hai lần và đều trượt, và để được học bổng Chevening, tôi hiểu rõ mình đã trải qua những gì. Càng khó khăn, người ta càng trân trọng thành quả mình có được, và càng trân trọng khi phải rời xa tôi lại càng buồn.

Ba chúng tôi rời khỏi trường, Candy rủ đi uống sau vì chúng tôi đã hoàn thành tất cả. Cứ sau mỗi môn học, tụ tập ở quán Pub gần trường là truyền thống của lớp tôi. Tôi không hiểu sao người Anh lại thích uống bia, rượu đến vậy. Pub là viết tắt của “public house”, lịch sử từ thế kỷ 18, 19 khi những quán trọ phục vụ bia và đồ uống có cồn được mở ra phục vụ khách lữ hành ghé qua. Các quán pub ngày nay kế thừa từ truyền thống đó và phục vụ cả đồ ăn. Mỗi lần đến pub, bạn phục vụ hỏi tôi uống loại bia nào, tôi lại thấy hoang mang giữa một dãy các loại bia khác nhau, và lần nào tôi cũng chọn một loại bất kỳ mà tôi nghe tên lạ nhất. Bia ở Anh có những loại khá nhẹ và ngọt. Nhiều quan pub được trang trí cổ kính và đẹp mắt. Tôi thích nhất là pub The Holly Bush ở khu Hampstead phía bắc London. Quán có tường màu trắng, nằm lặng lẽ bên một góc phố nhỏ cong cong và treo những giỏ hoa ngoài cửa rất dễ thương. Thầy giáo phụ trách khóa học của tôi còn là một người rất thích các loại rượu. Khóa học của tôi có một hoạt động đặc biệt là pub tour vào mỗi tối thứ 4 các tuần có lớp. Mỗi tuần tour sẽ đi qua từ 3 đến 4 pub khác nhau tại 1 khu vực nhất ở London để ăn tối và uống. Thầy giáo của tôi còn kỳ công chuẩn bị một bài diễn giải lịch sử của quán, thông tin về những người nổi tiếng nào thường ghé qua đây. Nhưng giờ tôi vẫn thấy tiếc là kết thúc khóa học rồi, tôi chưa từng tham gia pub tour của thầy một lần nào vì tour thường kết thúc khá muộn, và tôi sợ về muộn.

Trước khi đi đến pub, tôi rủ hai cô bạn đi mua sổ số, bởi hôm nay là một ngày đặc biệt. Tôi còn vừa hỏng điện thoại xong cùng một chuỗi xui xẻo liên hoàn từ đầu tuần. Tôi nghĩ tôi là người tốt bụng thế này, sau những xui xẻo liên tiếp, chắc chắn sẽ có may mắn. Mikka với Candy bảo nếu trúng sổ số, chúng tôi có thể có một bữa tôi sang chảnh trên nóc tòa nhà The Shard, hai đứa sẽ kết thúc nỗi lo kiếm việc làm hiện tại mà hiên ngang trở thành một nhà đầu tư. Hai cô bạn đang rất căng thẳng và lo lắng vì chuyện tìm việc ở lại London. Tôi thì khác vì dù sao tôi cũng sẽ về Việt Nam. Tôi bảo hai đứa:

  • Đôi khi tớ ước gì mình cũng được lo một nỗi lo giống của các cậu.

Tháng 8 với tôi luôn là một tháng đặc biệt. Cuối tháng tám nhiều năm về trước, tôi được sinh ra. Cuối tháng 8/2016, tôi chuyển sang một vị trí công tác mới ở công ty, bắt đầu cho những thay đổi lớn mà tôi thực hiện. Cuối tháng 8/2018, tôi tạm dừng công việc ở công ty để đi học. Và cuối tháng 8 này, tôi hoàn thành chương trình học thạc sĩ của mình. Tháng 8 với tôi luôn là một ngã rẽ, biết đâu sáng mai thức dậy, tôi thấy mình trúng 10 triệu bảng thì đó quả là một ngã rẽ quá lớn. Biết đâu đấy.

Chúng tôi vào quán All Bar One, đúng Happy Hour – giờ khuyến mại, mua 1 tặng 1. Và đó là lý do tại sao tôi phải uống tận 2 ly cocktail. Chúng tôi nói về những dự đinh, thôi tạm quên đi những muộn phiền bởi cả tháng qua chúng tôi đã đều vất vả. Hai ly cocktail khiến tôi choáng váng. Lần thứ 3 tôi say từ khi sang Anh, một lần hồi đón tết ở Leeds, một lần chơi Drinking game cùng hội Chevening hôm Farewell và bây giờ. Thư nhắn tôi về sớm vì ở nhà hôm nay có tiệc chia tay một số bạn về nước. Tôi đành phải gọi lại cho Thư:

  • Chị đang thấy choáng choáng, vì hình như chị uống say, chắc chị về muộn tầm 30 phút.

Thư dặn tôi bắt tàu về nhà, đừng đi bộ kẻo ngất giữa đường. Biết tính tôi dễ lạc, hai cô bạn chỉ cho tôi đường về phố Baker. Tôi vào trường ngồi nghỉ một lát rồi mới về. Đèn vẫn sáng và trời đã bắt đầu tối. Hôm nay sinh viên cũng đã bắt đầu nộp luận văn, sảnh tầng một giờ này đã chẳng còn ai, những dãy bàn ngày thường trật kín, giờ đã trống trơn. Tôi ngồi một lúc nhìn lại không gian thân thuộc ấy. Tôi không thích sự vắng lặng này, nó khiến tôi hơi buồn. Thấy người ổn hơn, tôi quyết định đi bộ về. Dù sao thì, tôi vẫn thích cảm giác được đi bộ trên con đường từ trường về nhà thân quen, trở về căn nhà ấm áp. Tôi vẫn kịp giờ tham gia bữa tiệc chia tay. Thực ra tôi ghét cái cảm giác lúc này, cái cảm giác của sự kết thúc, chuẩn bị chia xa và tôi phải nói quá nhiều lời tạm biệt. Cảm giác như giấc mơ của Lọ Lem sẽ hoàn toàn biến mất sau 12 giờ, còn tôi thực sự chưa muốn ra khỏi giấc mơ này. Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến.

Pub after dissertation

Ngày đầu tiên của tháng 9, tôi xem kết quả số số và cả ba chúng tôi không có cơ hội được mặc những bộ váy sanh chảnh để ăn tối trên nóc tòa nhà The Shard rồi.


Và đây là món quà nhỏ của thầy giáo tôi, dành cho một trong ba luận văn xuất sắc nhất khóa. Tôi lại có thêm chút niềm tin vào bản thân, mình học hành cũng không tệ, chỉ cần cố gắng và đi đúng đường.

Những bài viết khác về UK: Nhật ký 444 ngày ở UK

Graduation