Đây không phải một bài review tiểu thuyết lãng mạn, không phải một blog du ký về Paris. Mà đúng như tên gọi của nó, tôi viết về hành trình đến với Paris, hành trình tôi lớn lên cùng những câu chuyện tình.

Note: Đây là một bài hát rất Paris, bạn vừa nghe vừa đọc tiếp nhé.

Tôi vẫn nhớ hồi ôn thi vào lớp 10, tôi ra hiệu sách định mua quyển sách ôn văn hoặc toán gì đó về học, nhưng rồi thật lạ, tôi chẳng mua được cuốn sách học tập nào. Thay vào đó, đập ngay vào mắt là quyển truyện “Nếu em không phải một giấc mơ” của Marc Levy. Rồi thì chẳng sách ôn thi gì nữa, tôi vét cạn túi tiền mua quyển truyện đó. Tôi còn đạp xe về nhà lấy thêm 5 ngàn vì thiếu tiền. Đó là quyển truyện lãng mạn đầu tiên tôi mua và đọc, sự khởi đầu cho bộ sưu tập thập kỷ về sau, và sự khởi đầu của một đứa mọt sách chính hiệu.

Tôi trở thành gương mặt thân quen ở hiệu sách ấy, tôi đọc đủ các thể loại lãng mạn Anh Pháp Mỹ Úc Nhật Trung Hàn. Có lần tôi vào hiệu sách nhiều quá, chị bán hàng ngạc nhiên nhìn tôi bảo “Đã đọc xong quyền hôm qua mua rồi á?”. Tôi ngại quá đánh giấu diếm trả lời “À em mua tặng bạn em”, nhưng đúng là tối qua tôi đã dành cả tối đọc truyện. Ba năm cấp 3 của tôi trôi qua như vậy. Suốt thời gian học trung học, có thể món ngon vật lạ, thiên đường ẩm thực, tụ điểm ăn chơi ở Hải Phòng tôi không biết, nhưng khi bạn bè hỏi “Có truyện gì hay” tôi có thể cho nó cả list kèm theo review, cộng thêm tư vấn truyện phù hợp với tâm trạng.

IMG_7068-01

Tôi thích truyện của Marc Levy và Guillaume Musso, thích nước Pháp cũng chỉ vì đọc truyệnh. Paris luôn lấp lánh trong tưởng tượng, qua những câu văn đầy cảm xúc trên bìa mấy cuốn sổ tay có bìa có hình biểu tượng các thành phố và ty tỷ cái sticker Paris mình dán khắp sổ sách, bàn tủ.

Tôi có một tên bạn thân, đi du học ở Pháp. Ngày hắn chuẩn bị lên đường đi du học, hắn bảo “Mấy bà ở lớp nhìn nước Pháp chỉ có nước hoa và mỹ phẩm”. Tôi nhe răng cười, từng ấy năm bạn bè, hắn đủ hiểu mình nghĩ gì dù không cần nói nhiều. Một ngày hắn đưa cho mình cuốn “Si c’était vrai – Marc Levy” nguyên bản tiếng Pháp. Đứng giữa sân trường, mình cũng lại chẳng nói gì, chỉ hét vì vui quá. Tôi còn có một ước mơ đó là xin chữ ký Marc Levy.

IMG_6921-01
IMG_7110-01

Rồi tôi học tiếng Pháp cũng chẳng vì một lý do gì cao cả. Có một lần cô giáo tiếng Pháp hỏi cả lớp, em học Tiếng Pháp để làm gì. Tôi nói vì em thích, cô vẫn hỏi lại “Để phục vụ công việc, hay để đi du học”. Tôi vẫn trả lời “Vì em thích học Tiếng Pháp, và văn học Pháp”. Cô giáo đến phát cáu với câu trả lời của tôi. Thật mà, tại sao người luôn làm một điều gì đó với một lý do thật… thực dụng. Thích chưa đủ là một lý do sao?.

Mẹ hay phàn nàn tôi suốt ngày đọc truyện. Nhiều người nói mình toàn đọc linh tinh hay nhét đủ thứ mơ mộng vào đầu..bla bla. Tôi không biết liệu ngày hôm đó, nếu không mua quyển truyện ấy, không đọc tiểu thuyết lãng mạn thì liệu mình có học giỏi hơn, mắt đỡ cận, giàu hơn vì tiết kiệm được tiền mua truyện hay dành thời gian cho những thú vui khác, hoặc theo ngôn ngữ của ai đó là “sống thực tế hơn”. Mà nói chuyện “Nếu như” làm gì nhỉ. Tôi đâu có quay lại được thời gian ấy.

IMG_7431

“Si c’était vrai – If Only It Were True – Nếu em không phải một giấc mơ” của Marc Levy là tác phẩm đầu tiên tôi đọc. Uhm thì là giấc mơ cũng được nhưng tôi vẫn luôn cố gắng để biến những giấc mơ của mình thành hiện thực.

Một buổi sáng, giữa ngày Valentine năm 2018, mặt trời lên rực rỡ xua tan màn mây mùa đông xám xịt, tôi thấy một niềm vui nhỏ bé mà tôi đã chờ đợi từ rất lâu, hơn 10 năm từ ngày tôi vét cạn túi mua quyển truyện. Đó là được ngồi đọc truyện Marc Levy dưới bầu trời Paris xanh thật xanh.

FB_IMG_1602077941284
IMG_7346-01
IMG_7501-01
IMG_7359-01
IMG_6880-01
IMG_20201007_211706_672
IMG_6857-01
IMG_7504-01
IMG_7096-01

Tôi từng nghe rất nhiều lời “coi thường” khi tôi nói thôi thích đọc văn học lãng mạn. Tôi nhớ hồi đại học. Có một nhóm review sách. Các thành viên trong nhóm sẽ chia sẻ bài review và 1 bạn admin sẽ post lên trang của nhóm. Tôi thấy bài của tôi cũng không tệ, mà tôi còn là người thứ 2 gửi bài, nhưng bài review cuốn sách “Tình yêu chân chính” của Danny Scheinmann không được đăng lên trang. Rồi dần dần tôi nhận ra, trên trang về sách của nhóm không hề có một bài review nào về văn học lãng mạn. Khi ấy tôi “bức xúc” lắm, cái tính hiếu thắng khiến tôi tự thấy mình bị hắt hủi và những tác phẩm văn học bị coi thường. Tôi lặng lẽ ra khỏi nhóm, và lập blog riêng để thoải mái post những gì tôi thích, tiền thân của trang mà bạn đang đọc ngày hôm nay.

Tôi vẫn tin rằng, mỗi cuốn sách có một giá trị riêng. Tại sao người ta có thể buông lời chê bai khi không đủ kiên nhẫn để đọc, và không đủ chân tình để cảm nhận và thấu hiểu. Bạn có tin rằng, những người đọc sách non-fic sẽ thành công hơn những người từng bị hắt hủi như tôi “những đứa đọc ngôn tình ba xu” không? Tôi không tin điều đó. Nhiều người vẫn nói tôi khờ khạo, mơ mộng và viển vông quá nhưng có sao, tôi vẫn là tôi, tôi hạnh phúc với giấc mơ ấy.

IMG_7756-01
IMG_7783-01

Có lẽ nhiều người sẽ không thích Marc Levy. Tôi cũng không dám bình phẩm hay tranh luận. Chúng ta khác nhau, và guu thẩm mỹ cũng khác nhau. Có một lần tham gia một tọa đàm về văn học pháp ở L’espace. Giữa buổi chương trình, có một khán giả cao tuổi, đứng lên và phê phán văn học Pháp hiện đại, những tác phẩm được đánh giá là “nhẹ tênh” và không còn giá trị như những tác phẩm thời kỳ trước. Tôi lại nhớ chi tiết trong phim the Midnight in Paris, Gil sống trong thế kỷ 20, luôn mơ tưởng về thế kỷ 19, thời kỳ của Hemingway. Nàng thơ của Gil – Adriana sống ở thế kỷ 19, luôn mơ về thời hoàng kim của Paris ở thế kỷ 18. Còn những thi sĩ sống ở thế kỷ 18 luôn mơ mộng về thời phục hưng. Nghệ thuật phải chăng như một bình rượu càng lâu càng đắt giá? Tôi nhớ buổi hôm ấy có một câu bạn, chắc chỉ chạp tuổi tôi đứng lên và phát biểu về giá trị, cái tình trong thi ca qua từng thời đại, rất thuyết phục. Lần đầu tiên tôi nghe thấy một người nói “thấu tình đạt lý” đến vậy. Chúng ta tôn trọng văn chương, tôn trọng nghệ thuật, tôn trọng cái sự lựa chọn của mỗi người, và đón nhận cái đẹp với sự chân thành và rộng mở.

IMG_7704-01

Tôi rất thích bộ phim Midnight in Paris. Không chỉ vì Paris ở trong đó quá đẹp, và tôi thấy nhân vật chính Gil trong tác phẩm đó giống tôi. Anh thích văn chương và sống với tình yêu văn chương dù ở giữa những con người thực tại. Tình yêu và những xúc cảm chân thành đã đưa anh về thời đại anh cho là huy hoàng nhất ở Paris, thời của Hemingway, của Picaso. Nhưng cũng nhờ những xúc cảm chân thành thấy, anh cảm nhận được hết cái đẹp, cái hay, cái lãng mạn, những dấu ấn của thời đại được thể hiện qua từng tác phẩm, chứ không phải những bài phân thích được học thuộc và kể lại bởi những con người tỏ vẻ uyên thâm. Xúc cảm nghệ thuật cho anh được sống trọn vẹn, được là chính mình.

Điều tôi thích nhất ở Paris, thích một cách kỳ lạ, đó là đi dọc bờ sông Seine. Tôi chỉ ở Paris 2 đêm. Chúng tôi mượn được 1 căn nhà nhờ người quen ở góc phố dưới chân đồi Montmart. Và 2 ngày ở đó, chúng tôi di bộ dọc bờ sông Seine đến 3 lần. Một lần từ Musée du Louvre ra nhà thờ Đức Bà. Rồi chiều tối, từ nhà thờ đến tháp Eiffel, sáng hôm sau lại từ tháp Eiffel đi bộ lại nhà thờ nơi bạn tôi hẹn ăn trưa. Paris đẹp đến mê mẩn mà khó có ngôn từ nào có thể diễn tả được. Chúng tôi đi vòng quanh tháp Eiffel mất 2 buổi mà chụp ảnh mãi không chán. Paris vẫn đẹp long lanh như trong trí tưởng tượng bấy lâu, như trong những cuốn sách tôi đã đọc, những bộ phim tôi đã xem, vẫn thơm lừng mùi cà phê, ngọt ngào vị bánh Macaron và nồng nàn hương tình yêu trong gió.

IMG_6986-01

Shakespeare and Company là một hiệu sách tiếng Anh nhỏ nằm bên bờ sông Seine, Paris (Pháp). Nơi đây là một trong những địa điểm ưa thích của các văn hào nổi tiếng như Ernest Hemingway, James Joyce, Ezra Pound và Ford Madox Ford. Hiệu sách cũng đã từng đi vào bộ phim bom tấn Midnight in Paris của đạo diễn lừng danh Woody Allen… Câu chuyện về hiệu sách bên bờ sông Seine rất dài từ năm 1919. Giữa trung tâm thành phố Paris hoa lệ, dưới chân nhà thờ Đức Bà, hiệu sách vẫn giữ nguyên nét cổ kính, mộc mạc qua thời gian. Shakespeare and Company mới trở thành một điểm hẹn văn hóa của rất nhiều nhà văn nổi danh trong thời kì này như Allen Ginsberg, Gregory Corso, William S.Buroughs… Hiệu sách còn được vinh danh trên hàng loạt tờ báo với những danh hiệu “Một trong những tiệm sách đẹp nhất thế giới”, “Hiệu sách được chụp ảnh nhiều nhất thế giới”..

IMG_6891-01
Lang thang
IMG_7687-02

Đến bây giờ tôi đọc nhiều tác phẩm hơn, tôi thích Jane Austen và Charles Dickens. Tôi cố gắng tìm về những tác phẩm kinh điển và cũng ố à với sự độc đáo, những tư tưởng vượt thời đại trong tác phẩm mà cũng chính tôi của hồi cấp 3 chưa đủ sâu, chưa đủ kiên nhẫn để hiểu. Tuy vậy, cuốn sách nào của Marc Levy tôi cũng đọc. Thực ra một năm một cuốn cũng chẳng hiểu. Tôi đọc với sự biết ơn và cảm nhận nét trong trẻo của tình yêu qua từng con chữ đã theo tôi trưởng thành. Những tác phẩm của Marc Levy mà tôi thích nhất: Kiếp sau, Chân trời đảo ngược, Cô gái như em. Dù thế nào, dù ai nói gì, Marc Levy với tôi vẫn là một thần tượng, bởi nhờ cuốn sách của ông tôi mới bắt đầu thích đọc sách, học được sự kiên nhẫn qua trang sách, học được sự yêu thương và cái đẹp thuần khiết và cố gắng vì ước mơ của mình. Tôi đã được đến Paris, đó chẳng phải một điều tuyệt vời sao?

“Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man.”

Hemingway
IMG_7001-01
IMG_7731-01
IMG_6899-01
Hiệu sách ven sông

Đi dạo dọc bờ sông Seine từ phía Musee du Louvre đến nhà thờ Đức Bà, tôi bị quyến rũ bởi vẻ đẹp tráng lệ của những cây cầu bắc qua sống như Pont Neuf, Alexandre Đệ Tam, và những tòa nhà cổ kính nhuộm vàng ánh hoàng hôn lấp lánh. Sông Seine kiều diễm là vậy nhưng cũng thật bình dị bởi màu xanh úa màu thời gian của 250 quầy sách nhỏ ven sông. Đây được coi là khu hiệu sách ngoài trời lớn nhất trên toàn thế giới. Ở tả ngạn, các quầy sách cũ tập trung từ kè Tournel tới kè Voltaire. Ở hữu ngạn sông Seine, các quầy sách lại nằm rải rác từ cầu Marie tới kè Louvre. Về lịch sử, các quầy sách cũ xuất hiện cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thế kỷ 17, dưới thời trị vì của vua Henri IV. Những quầy sách này bày bán vô vàn cuốn sách cổ, tạp chí, bản đồ, bưu thiếp, áp phích quảng cáo phim ảnh, tem thư cổ, quý hiếm hay đơn giản chỉ là những cuốn sách cũ …

Những quầy sách cũ dọc bờ sông Seine còn được người dân Paris gọi bằng một cái tên khác là “các tiệm sách sông Seine”. Nhìn đơn sơ, khiêm nhường là vậy, nhưng những “tiệm sách sông Seine”, nhỏ nhắn đó, cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1991. Thi sĩ Anatole France từng viết những người bán sách cũ dọc bờ sông Seine là “những người bán tri thức, tâm hồn và niềm hạnh phúc”, tạo nên môt vẻ đẹp rất mộc mạc giữa kinh đô ánh sáng tráng lệ.

Uống một tách cà phê thơm lừng bên chiếc bánh Croisant ở quán cà phê nơi con phố tấp nập người qua. Thưởng thức món “lẩu phomai” fontdu béo ngậy. Đi dọc bờ sông Seine chỉ để hít thở cái vị “yêu” của Paris. Ghé qua hiệu sách nổi tiếng Shakespeare anhd the Company, nơi những nhà văn từng ghé qua. Đắm mình trong thế giới nghệ thuật ở Musee du Lourve. Dạo quanh những con phố nhỏ xinh từng vài lần xuất hiện trên những tác phảm điện ảnh. Còn có một điều hơi tiếc chưa làm được, đó là tôi muốn mua cuốn sách nào của Hemingway ở những hiệu sách ven sông. Giờ tôi cũng hiểu tại sao nhân vật Gil lại quyết định bỏ cuộc sống hào nhoáng, thành công ở Hollywood để bắt đầu lại ở Paris. Không phải vì một vẻ đẹp thơ mộng, hào nhoáng của kinh đô ánh sáng mà Paris cho Gil cảm giác được sống trong thế giới văn chương đích thực mà anh vẫn hoài tìm kiếm.

Còn nếu bạn muốn nghe tôi kể về những cuốn sách, những bộ phim  hãy ghé qua Instagram @vitamin.books hoặc mục Book&Movie Review trên Blog nhé.

Những bức hình ở Paris: Phuong Anh Violet Flickr

Theo dõi Blog để không bỏ lỡ những bài viết mới.

[jetpack_subscription_form subscribe_placeholder=”Email Address” show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]
Paris