Ngày 26/4/2022, vẫn còn lo lắng sau cuộc phỏng vấn hồi chiều, rồi cuối cùng mình cũng nhận được cái email mà mình đã mong ngóng “suốt cả tuổi thanh xuân”, học bổng PhD đầu tiên trong đời. Hơn hai năm, kể từ khi hoàn thành luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, 2 năm may mắn khi trở về Việt Nam được an toàn khi nhà nước kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt. Nhưng 2 năm đó cũng là 2 năm để mình có thể tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân minh: Liệu mình thực sự muốn trở thành ai? Khi được học bổng Chevening rồi, mình lại tự hỏi mình, “Uhm, sau đó rồi thì sao nữa?”. Khi chính thức trở thành Chevening Alumni, mình hiểu rằng mình sẽ không thể mặc chiếc áo Chevening mãi được”. Thế liệu sau đó mình có thể làm gì?

1. Chuyện lúc viết hồ sơ

Hai năm 2020, 2021 với mình là những năm đầy những bất ổn nhưng nhiều bài học. Mình cũng đã nói đến điều này qua một vài bài viết trên blog rồi.

Nhưng chính trong lúc “đầy bất ổn” người là mới nghĩ nhiều. Uhm thì dịch mà, trưởng thành mà, trách nhiệm mà. Bản thân mình hiểu, tiến lên phía trước không phải là trốn tránh thực tại mà mình phải vượt qua tất cả những khó khăn cùng một lúc. Ở cái tuổi này bảo đi học tận 3-4 năm, nhiều người cũng bảo “dở hơi”. Mình hiểu rõ sự trật trội trong khuôn mẫu cả xã hội và gia đình áp đặt cho một đứa con gái “cập kê”. Tuy vậy, mình tin mọi người sinh ra đều có quyền tự do, trong đó có quyền tự do lựa chọn cuộc đời mình mong muốn.

Mình không muốn tự drama hóa câu chuyện riêng mình, cũng không muốn lãng mạn hóa 2 chữ “ước mơ”. Sau những ngày tự suy xét, sau những bài học, những lúc buồn, vui, mình cũng hiểu “bài kiểm tra khó là để dành cho học sinh giỏi”, khó khăn để giúp chúng ta trưởng thành, và 2 chữ “ước mơ” cũng chẳng nhiệm màu như mình tưởng. Mình chia sẻ kinh nghiệm apply học bổng PhD của mình, một phần để ghi lại hành trình của bản thân như một kỷ niệm để nhớ và cũng để chia sẻ với bạn một hi vọng.

Trong 2 năm 2020, 2021 đến đầu năm 2022, mình làm hồ sơ apply tổng cộng 14 lần (trong đó có trường apply 2 lần), mình liên hệ với 12 giáo sư của các trường khác nhau, trên 10 cuộc phỏng vấn và nhiều lần call meeting với thầy. Mình có kinh nghiệm apply học bổng Thạc sĩ, nhưng khó khăn cho lần apply PhD này cũng đã lên tầm cao mới. Sự khó khăn hơn cũng rất dễ hiểu, vì đây không chỉ là bậc học cao hơn mà số tiền bạn nhận được cũng nhiều hơn đến 3-4 lần học Thạc sĩ.

Qua 2 năm, mình có đủ các trải nghiệm: giáo sư không nhận; giáo sư nhận trường không nhận, giáo sư mình thích không nhận nhưng thầy khác lại quan tâm đến mình, vào phỏng vấn, trượt thẳng cẳng không được phỏng vấn, được offer, vào shortlist học bổng, và …. Kết quả cuối cùng, mình nhận được 3 admissions và 2 học bổng toàn phần đều ở UK. Nhưng cuộc đời lại thử thách mình thêm một lần nữa bởi đỗ 2 trường thì cũng chỉ được học một. Thầy giáo mình bảo “Người Anh có một câu, khi ta ngồi đợi miết mải ở bến xe như cả thế kỷ, rồi thì 2 cái xe bus lại đến cùng lúc. Nhưng chỉ có thể lên một cái mà thôi”. Cái cảm giác viết email từ chối học bổng nó còn đau hơn là lúc đọc email bị trượt. Mình dành cả tuần suy nghĩ và cũng khóc mấy ngày, như thể dành bao công sức cho một đứa con tình thần nhưng rồi phải tự mình quyết định dừng lại.

Mình sẽ chia sẻ tất cả những điều mình học được và những kinh nghiệm mình thu lượm trong suốt 2 năm qua. Hi vọng rằng, những chia sẻ này sẽ giúp được bạn trong hành trình đi tìm kiếm con chữ. Kinh nghiệm của mình có lẽ sẽ hợp hơn với những bạn apply đi UK vì hai trường mình nhận được học bổng đều ở UK.

Vì chuyện 2 năm sẽ hơi dài và mang nhiều tính cá nhân, nên mình sẽ chia thành 6 phần để bạn có thể dễ dàng tìm được nội dung mình quan tâm. Tuy vậy, dù những lời này có dài dòng mình vẫn hi vọng bạn sẽ đọc hết bởi vì thấy được bức tranh toàn cảnh luôn tốt hơn là chỉ thấy một khía cạnh của vấn đề:

  • Phần 1 (Bài viết bạn đang đọc): Mình học được gì sau khi trượt hơn chục trường
  • Phần 2: Chọn ngành, chọn trường, chọn con đường mình đi
  • Phần 3: Liên hệ với giáo sư
  • Phần 4: Viết Research Proposal và personal statement
  • Phần 5: Các kênh tìm học bổng và một số chương trình mở thường niên để bạn có thể theo dõi, chuẩn bị từ sớm.
  • Phần 6: Về chương trình mình quyết định theo học

2. Giới thiệu bản thân

Mình nghĩ là mình có một profile khá bình thường, nên nếu bạn có xuất phát điểm không cao (như mình) chúng ta luôn có quyền hi vọng.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 từ một ngôi trường nhỏ bé ở Hải Phòng (mình không học trường chuyên), mình thi đại học khối A – Toán Lý Hóa – vào đại học Ngoại Thương, Hà Nội – FTU với số điểm vừa đủ đỗ. Sau đó, mình đăng ký vào lớp CLC Kinh tế đối ngoại, học bằng Tiếng Anh. Tiếng Anh hồi đại học của mình cũng không tốt, đầu vào sàn sàn 600 TOEIC. Cộng thêm với việc hồi đại học mình hơi “mơ màng” nên mình chỉ tốt nghiệp đại học loại Khá. Ở FTU người ta bảo, tốt nghiệp loại Khá hiếm lắm, vì toàn giỏi với xuất sắc đến 80%. Mình vẫn tự an ủi bản thân mình thôi thì mình “đặc biệt”. Tuy vậy, thích đi du học đến mấy nhưng với cái bảng điểm như vậy thì cũng rất khó để có học bổng. Tốt nghiệp đại học, mình tìm việc đi làm. Sau 6 tháng thất nghiệp, rải 60 bộ hồ sơ từ Bắc vào Nam, rải cả ở Sing,  Malaysia, Thái Lan, cuối cùng mình cũng có việc.

Sau 2 năm đi làm mình muốn thử sức apply học bổng đi du học. Lúc mình bảo bạn bè mình apply đi UK, học bổng Chevening, cũng có bạn bảo “Đỗ sao được”. Thì ai cũng biết học bổng cạnh tranh thế nào nhưng cuộc đời này hay ở chỗ, càng ít hi vọng thì lại càng ít thất vọng và càng ít mong cầu thì mọi sự lại cứ thế mà đến. Vậy là, tháng 9/2018 mình lên đường đến London học ngành “Quản trị Hàng không” trường đại học Westminster, với học bổng Chevening.

Kinh nghiệm apply Chevening thế nào thì mình đã chia sẻ rất rất kỹ ở bài blog mình đăng tối đầu tiên ngồi trong nhà trọ ở London. Mình nghĩ là nhiều bạn biết tới mình cũng từ bài viết này. Thực lòng, mình biết ơn những gì Chevening đem đến cho mình nhưng mình luôn muốn mọi người nhớ tới mình nhờ đặc điểm khác không chỉ vì “Danh hiệu Chevening”. Mình đã là Chevening Alumni lâu rồi, mình không thể “ăn bám” quá khứ mãi được.

Sau khi sang UK, vì sự hối hận với bảng điểm đại học lẹt đẹt, mình đã học hành chăm chỉ hơn. Bên cạnh đó, đi làm cũng giúp mình biết cần học gì, học để làm gì, nên mình học hành có động lực và mục tiêu. Mình đọc Reading lists, hỏi giáo viên feedback từng bài kiểm tra, đọc các bài phân tích và học thêm các kiến thức đang cần trong ngành. Khi làm luận văn, mình dành cả mùa hè chỉ có sáng đến trường, tắt nắng về nấu cơm, tôi xem lại bài và đi ngủ, hôm sau lại lên trường. Sau khóa học, luận văn mình đứng thứ 2 toàn khóa, điểm trung bình cả năm cũng vừa đủ Distinction (70%). Tất tần tật về quá trình học Thạc sĩ của mình cũng ở trong Blog này:

Ngoài bảng điểm đẹp ra, mình muốn gây ấn tượng với giáo viên. Khi đó mình chưa nghĩ đến việc xin thư giới thiệu để học PhD gì cả, mình chỉ nghĩ nhỡ đâu có lúc cần nhờ sự giúp đỡ. Thế mà chuyện được thầy yêu bạn mến cũng mang lại giá trị to lớn thật.

Tóm lại, mình có một profile thế này:

  • Học đại học ở Việt Nam ngành Kinh tế, tốt nghiệp loại Khá
  • Bằng Master Distinction ngành Hàng không rồi về nước nước hơn 2 năm.
  • Tổng kinh nghiệm đi làm 6 năm trong doanh nghiệp
  • Kinh nghiệm nghiên cứu có chút chút từ hồi đại học tham gia cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, làm nghiên cứu với cô giáo, đi thực tập tại NGO.
  • Kinh nghiệm giảng dạy: Không
  • Articles publications: Không
  • IELTS 7.0 và
  •  Mình thấy mình không có khả năng thi GMAT và GRE được điểm cao nên mình không thi.

Việc học tập, nghiên cứu của mình khá “đứt đoạn” và thậm chí các ngành học của mình còn khác nhau. Đại học Kinh tế, thạc sĩ hàng không, làm trong doanh nghiệp, có kinh nghiệm nghiên cứ về môi trường. Điều này ảnh hưởng đến việc tìm cơ hội học PhD của mình thế nào, mình sẽ nói ở phần sau. Mình giới thiệu về mình ở đây để bạn thấy rằng, profile của mình có lẽ không bằng rất nhiều bạn. Do đó, nếu bạn muốn apply học bổng, hãy tự tin lên.

3. Hiểu điểm mạnh điểm yếu của bản thân

Thực ra, mình cũng từng rất tự ti vì thấy bản thân bị mắc kẹt trong một cái “vòng luẩn quẩn”. Có một sự thật là đôi khi ước mơ của mình chỉ là xuất phát điểm của người khác. Nếu bạn từng đọc cuốn sách “Sapiens – Lược sử Loài người” của Yuval Noah Harari bạn sẽ hiểu vòng luần quẩn này xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử. Tất nhiên những bài viết về kinh nghiệm xin học bổng hoàn toàn vô nghĩa nếu bố bạn bảo “Đi Tây đi, bố chi”, hoặc ngày mai bạn trúng Vietllot. Mình không phàn nàn bố mẹ mình rằng họ không đủ giàu. Họ đã cố gắng hết sức để cho mình cuộc sống tốt nhất và quan trọng hơn, bố mẹ dạy mình biết cố gắng để có những điều mình muốn. Biết là trong cùng một cuộc thi nhưng chúng ta có những xuất phát điểm và những bệ đỡ khác nhau nên chúng ta cố gắng đến đâu thì cố. Mơ càng cao thì công sức bỏ ra phải càng nhiều.

Nếu bạn cũng có những “sự không hoàn hảo” như mình, mình tin luôn có cách để bù đắp. Mình biết chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Đôi khi mình cũng ước, giá như mình đủ giỏi để học cấp 3 trường chuyên, giá như mình giỏi Tiếng Anh hơn, giá như hồi đại học mình học chăm chỉ hơn thì con đường xin học bổng của mình cũng đỡ lòng vòng (và các bạn sẽ không phải đọc một cái blog dài lê thê thế này). Giá như đi học ngay sau khi tốt nghiệp đại học, học thẳng lên PhD luôn thì giờ đã làm xong rồi.

Tuy vậy, tiếc nuối quá khứ chỉ là việc làm mất thời gian. Mình tin chuyện gì xảy ra cũng có ý nghĩa của nó. Mình đã cứ lang thang hoài giữa đi làm, đi học, rồi lại đi làm, rồi lại đi học. Có phải phí hoài hay không? Trên con đường lòng vòng này, cũng có những cái hay. Thực ra cũng chẳng thể nói là phí hoài, bởi những năm tháng qua có nhiều niềm vui, nhiều bài học. Và quan trọng hơn cả, phải trải qua rồi mới biết mình thích hay không. Mình sẽ không phải đứng núi này trông núi nọ. Kiểu như đang đi học ngập đầu bài vở rồi nghĩ “Biết thế ở nhà đi làm giờ đã có nhà cao cửa rộng, xe hơi lái vèo vèo”. Thay vào đó, mình có thể kiêu hãnh rằng “Mình đã từ bỏ để chọn cái mình muốn”. Tất cả mọi điều xảy ra đều có lý do và xảy ra đúng thời điểm. Tất cả đưa mình đến ngày hôm nay, và nhận được những điều mà mình xứng đáng.

Vì rằng nuối tiếc quá khứ chẳng để làm gì nên việc chúng ta có thể làm chỉ là cứ tiến về phía trước, thế thôi. Thay vì nhìn vào những cái mình thiếu, hãy nhìn vào những điểm mạnh của bản thân, và học thêm những điều có thể học thêm được. Hãy thể hiện những điểm mạnh của mình và điểm mạnh đó giúp người có thể cho bạn funding để nghiên cứu ra sao.

Về ưu điểm mà mình nghĩ có thể là điểm sáng để apply PhD, 6 năm kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp là điều mà không phải PhD nào cũng có vì nhiều người học thẳng từ tiểu học lên PhD và tham gia giảng dạy, nghiên cứu luôn. Vậy nên khi phỏng vấn và viết Personal statement mình nhấn mạnh điểm này. Đây có thể là nhược điểm của mình vì academic background của mình không mạnh, tốt nghiệp lâu có thể quên. Tuy vậy, kinh nghiệm làm việc cho mình cái nhìn thực tế và các kỹ năng xử lý công việc mà mình nghĩ sẽ giúp ích cho quá trình làm PhD.

Hơn nữa, với cá nhân mình trong hành trình trưởng thành, mình thấy khi đã trải qua nhiều môi trường làm việc, trải qua nhiều khó khăn, mình mới có cái nhìn khách quan  về điều mình thực sự muốn. Mình luôn nhớ câu an ủi của thầy supervisor của mình ở Westminster mỗi lần mình thông báo “em lại trượt”, thầy nói rằng:

 Hãy nhớ rằng kiến thức có thể đọc trong sách, nhưng kinh nghiệm không thể dễ dàng có được.

Mình cũng có kinh nghiệm làm nghiên cứu khi tham gia Sinh viên nghiên cứu khoa học từ năm nhất, sau đó mình làm trợ lý nghiên cứu cho cô giáo ở FTU và làm research intern cho một NGO về năng lượng bền vững nên mình có một số bài trong hội thảo dù chẳng liên quan gì đến ngành mình apply. Ngoài ra, làm luận văn Master đứng thứ hạng cao trong lớp cũng là một kinh nghiệm nghiên cứu. Với những tháng ngày miệt mài trong thư viện để viết đề tài từ năm nhất đại học, mình tự nhận thấy cái câu mình viết trong Personal Statement là “em rất đam mê nghiên cứu” cũng đỡ …ngượng.

Ngoài ra, cách mình cải thiện hồ sơ là dành thời gian để học phân tích dữ liệu và phương pháp nghiên cứu qua các khóa Online trên Coursera và Future Learn. Mình đầu tư kha khá thời gian học Toán, Statistic, Machine Learning và các công cụ lập trình như R, Python vì mình nghĩ chúng cần thiết khi mình học lên cao. Kinh nghiệm học Online của mình được ghi lại ở bài Blog này:

Mình cũng lập một blog về kiến thức chuyên ngành, viết các bài phân tích, literature review bằng tiếng Anh. Phần này mình nghĩ sẽ thể hiện được kỹ năng viết phân tích nếu như hồ sơ không yêu cầu research proposal hoặc bạn muốn thể hiện thêm. Nhìn vào số lượt view tại các điểm sau khi gửi hồ sơ, mình biết hội đồng có đọc các bài viết của mình.

Khi phỏng vấn, hội đồng hỏi em có thể tham gia giảng dạy không. Dù không có kinh nghiệm giảng dạy nhưng mình nghĩ mình có những kỹ năng để truyền đạt lại cho sinh viên. Thứ nhất, phần lớn sinh viên tốt nghiệp rối sẽ đi làm trong doanh nghiệp. Với kinh nghiệm phát triển từ junior đến senior trong một doanh nghiệp lớn, mình biết một sinh viên cần những kỹ năng và kiến thức gì để sẵn sàng bước vào môi trường làm việc. Thứ 2, nhìn bảng điểm của mình, thầy sẽ thấy mình đã cải thiện bản thân từ một sinh viên Top dưới lên thành sinh viên top đầu, nên mình biết cách tiến bộ. Điều thứ 3, và cũng là điều mình tự hào nhất về bản thân, đó là khả năng tự học. Mình nghĩ những kinh nghiệm này có thể chia sẻ đến các sinh viên. Hội đồng nghe cũng gật gù.

Về chuyện tự học của mình, bạn cũng có thể tham khảo thêm một chia sẻ ở blog sau:

4. Những chương trình mình apply

Mình chủ yếu nộp PhD studentship và một số funded project. Thành thích rải hồ sơ của mình cơ bản thế này.

STTTrườngQuốc giaĐã liên hệ giáo sưKết quả
  Năm apply số 1   
1MITUSxTrượt từ hồ sơ
2University of SurreyUKxPhỏng vấn
3Hongkong PolitechniqueHKHọc bổng dual với Surrey, mình trượt Surrey nên trượt luôn
4University of LeedsUKxPhỏng vấn
5University of EdinburghUKTrượt từ hồ sơ
6University of Warwick (funded project)UKTrượt từ hồ sơ
7University of CardiffUKxOffer admission but no studentship
8Sheffield Hallam University (funded project)UKxPhỏng vấn
9University of Antwerp – ProjectBelgiumTrượt từ hồ sơ
10Oslo Metropolitan UniversityNorwayTrượt từ hồ sơ
11University of CologneĐứcTrượt từ hồ sơ
  Các chương trình cân nhắc nhưng không apply tiếp   
University of LoughboroughUKxKhông nộp do không tìm được chương trình phù hợp
Glasgow Calendonian (Funded project)UKxKhông nộp do đề tài không phù hợp
University of Warwick (PhD in Business Program)UKxGiáo sư nói Profile không phù hợp, Social Science background yếu
University of Antwerp (PhD program)BỉxTrường yêu cầu học 1 khóa Master (no scholarship) của trường trước khi đăng ký PhD Scholarship
Học bổng chính phủ Thụy SĩThụy SĩxKhông nộp do không tìm được giáo sư phù hợp
  Năm apply số 2   
12University of ReadingUKxTrượt học bổng SeNSS
Nhận Full Studentship của trường (Full tuition fee + stipend cho 3 năm)
13University of Nottinging (Horizon CDT)UKFull International Studentship (Full tuition fee + stipend 4 năm)
14University of CardiffUKxAdmission và không đỗ học bổng

Và đây là lần thở phào đầu tiên sau hai năm miệt mài…

5. Một số kiểu chương trình PhD

Các chương trình mình apply có thể chia thành các nhóm sau đây:

–  Apply ở Mỹ – Vào lab của thầy

Mình apply khoa Hàng không vũ trụ của MIT, mảng Airlines. Các bạn có thể cười mình là không biết người biết ta vì MIT là trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng ai mà chẳng có Dream school và đâu ai đánh thuế ước mơ. Chính câu chuyện ở MIT cũng đưa mình đến những suy nghĩ  về chọn ngành mà mình sẽ nói về sau. Ngoài ra, School of Engineering của MIT cũng đã bỏ yêu cầu GRE, nên nếu ai nghĩ chỉ trường thiếu sinh viên, rank thấp mới nới lỏng GRE/GMAT thì không phải.

Hệ thống apply ở MIT cũng là hệ thống mình thấy “smart” nhất trong các trường mình nộp. Trường ở US không yêu cầu research proposal, trường cũng không nói đến học phí. Trước khi apply, mình gửi email cho thầy giáo mình thấy phù hợp trước. Thầy giải thích là hồ sơ của mình sẽ được tất cả các giáo viên trong khoa nghiên cứu. Nếu giáo sư nào thích hồ sơ của mình thì mình sẽ được nhận vào lab của thầy cô để học và nghiên cứu PhD. Trường có lộ trình  5 năm rất rõ ràng. Trang web của trường có hướng dẫn check list chi tiết, nếu được nhận trong từng mốc thời gian mình cần làm gì cho đến khi chính thức đạt PhD.

Vào các trường ở Mỹ, bạn sẽ “đi làm nghiên cứu” và lấy lương để nuôi sống bản thân. Nhưng mình đã trượt MIT rồi nên mình không thể review trải nghiệm làm PhD ở MIT cho các bạn được. Buồn quá!

–  Apply PhD Studentship ở UK – Sự học kéo dài

PhD ở UK là đi học nghiên cứu lấy Research degree (không phải đi làm). Một số trường ở Châu Âu, như trường ở Nauy mình apply cũng theo dạng “đi học” này. Trên trang web của trường sẽ cụ thể học phí mỗi năm làm PhD là bao nhiêu. Thậm chí, lúc phỏng vấn, mình hỏi là mình có thể làm TA, RA để nuôi sống bản thân không thì thầy cũng nói việc đó thì PhD Candidate nào cũng làm, nhưng để lấy kinh nghiệm, không phải lấy lương. Nếu được học bổng thì việc chính mình cần làm là tập trung vào đề tài của bạn, còn dự án của thầy, mình có thể tham gia thì tùy.

Học bổng PhD ở UK gọi là Studentship. Tùy vào điều kiện, có trường trả học phí (International fee hoặc Home Fee). Có trường sẽ yêu cầu bạn đi dạy 3h mỗi tuần. Có trường không yêu cầu gì cả, ngoài học phí, bạn sẽ nhận stipend cho sinh hoạt hàng tháng (tầm 16 ngàn bảng/năm) và chỉ cần đi học, rồi nộp thesis đúng ngày. Mình đi học theo Studentship như thế này.

Apply studentship rất cạnh tranh vì ở UK thường các trường sẽ có quỹ nghiên cứu phân bổ cho từng school (VD: business school, law school, STEM…). Sau đó, hội đồng của mỗi school sẽ xét phân bổ cho từng khoa hoặc research group (ví dụ Business school thì có Marketng, Finance, Strategy…). Bởi vậy, khi apply studentship của trường, bạn (cùng supervisor của bạn) sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều các hồ sơ từ rất nhiều ngành khác nhau.

–   Apply vào dự án nghiên cứu

Mình apply một PhD position ở UK, Đức, Bỉ theo diện làm dự án với đề tài cho trước. Có trường yêu cầu research proposal rồi phỏng vấn xem có phù hợp với nhóm nghiên cứu hay không. Một kiểu dự án khác mà mình apply ở Warwick, Bỉ, Đức, họ có funding cho các PhD Candidate nhưng không cần một  research proposal hoàn chỉnh, mình chỉ cần personal statement, điền form và CVs, motivation letter, như đi xin việc, đi làm có lương…

Kiểu dự án này thường supervisor là người quyết định chọn sinh viên nào. Do đó, nếu supervisor ưng bạn, coi như hoàn thành chặng đường.

6. Có cần publication để apply PhD không?

Mình thấy rất nhiều bạn hỏi câu này và đôi khi có những câu trả lời  không đúng lắm nên mình để một mục riêng. Khi appky PhD, mình không có published articles nào cả. Mình nghĩ, việc có publication để thể hiện với hội đồng là bạn có khả năng nghiên cứu, viết báo khoa học, hoàn thành chương trình PhD hay không. Tuy nhiên, khả năng này có thể được thể hiện ngay trong chính research proposal của bạn. Nếu mình viết research proposal mà cả khoa chả ai thấy hợp thì publications cũng không có ý nghĩa gì cả.

Vậy nên, mình nghĩ có Publications là một điểm cộng, nhưng không có thì cũng không sao. Thay vì mải mê đi viết một cái published article cho đủ, hãy tập trung vào những gì được yêu cầu như personal statement hoặc research proposal. Một research proposal tốt thể hiện kỹ năng viết và kỹ năng nghiên cứu tài liệu, đặt câu hỏi, tiếp cận vấn đề, hay còn gọi là kỹ năng nghiên cứu. Một research proposal tiến bộ lên sau mỗi lần thảo luận với giáo sư thể hiện “một viên ngọc đang được mãi giũa và sẽ sáng lên trong thời gian tới”. Cái này gọi là tiềm năng nghiên cứu. Bởi thế, đừng đặt nặng publications khi chúng ta mới đang là “ngọc thô”.

Mình thấy chúng ta hay “đoạn già đoán non”, tự sáng tạo ra những “định kiến” mà không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, rồi lại chần chừ bảo “thôi khó lắm, không được đâu”. Thế là chúng ta tự bỏ lỡ cơ hội của mình. Từ hồi mình apply Chevening, mình luôn tin rằng, chỉ cần đọc xem học bổng yêu cầu gì, mình có đáp ứng được không? Ví dụ, những trường yêu cầu bắt buộc GRE/ GMAT, thì mình thôi không apply vì mình biết khả năng của mình thi điểm không cao được. Còn nếu trường ghi là “GRE/GMAT (optional)” thì mình vẫn thử sức. Một người bạn của mình đi Mỹ học PhD năm nay, cũng không thi GRE/GMAT vì trường ghi đó chỉ là optional. Nếu trường nào ghi yêu cầu hồ sơ là “ứng viên phải có publications” mà bạn vẫn muốn apply vào trường đó thì hoặc là cố viết publications hoặc là không apply nữa. Nhưng nếu mình có đủ những giấy tờ được yêu cầu thì cứ mạnh dạn tạo account và nộp hồ sơ thôi.

Đừng đoán nữa. Khi bạn đang “gia cát dự” thì nhiều người đã đi được đoạn xa xa rồi. 

7. Hồ sơ cần chuẩn bị để apply PhD

Hồ sơ apply PhD mình chuẩn bị theo yêu cầu của trường ở UK gồm:

  • Research proposal (Một số chương trình không cần chi tiết, nhưng bạn nên biết chủ đề và ý tưởng mình muốn nghiên cứu)
  • Personal Statement (Hơn 800 từ)
  • Bằng và bảng điểm Master. Nhiều trường không yêu cầu Master nhưng cũng có một số trường UK khuyến khích thí sinh có Master with Distinction hoặc tối thiểu 65%.
  • Bằng và bảng điểm đại học
  • 2 Academic reference letters (Sẽ có email tự động gửi về đề referees tự upload lên hệ thống nên bạn dặn thầy viết trước, khi nhận email thì thầy làm theo hướng dẫn).
  • CV/ Resume.
  • IELTS 7.0 (Vì mình có master từ 1 trường ở UK, nên khi apply ở UK một số trưởng miễn cho mình IELTS). Một lần nữa, hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, xin đừng chạy theo trào lưu thần thánh hóa và lạm phát điểm IELTS ở VN. Điểm IELTS chỉ cần đủ, thấp hơn thì không được xét duyệt, còn cao hơn thì cũng không được điểm cộng đâu.

8. Cảm giác khi đọc email kết quả

Thực sự là lúc apply mãi không đỗ, xong thấy nhiều cơ hội mà mình không apply được, rồi thấy mọi người thành công, mình cũng áp lực và xuống tinh thần lắm. Không phải lúc nào mình cũng có thể nói với bản thân là “cố lên, cố gắng tiếp lần sau”. Thậm chí khi viết bộ hồ sơ apply PhD số 14 , nghĩ đến viết bộ nữa, liên hệ với thầy lại cũng nản lắm.

Có rất nhiều email thông báo trượt khi apply PhD nhưng dưới đây là email reject mà mình đọc đi đọc lại nhiều lần nhất.

Screenshot_20220618-122950_Outlook

Đó là kết quả cuối cùng mình nhận được cho mùa apply 2021, và mình đã khóc rất nhiều. Có lẽ khóc là cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất để bạn có thể giải tỏa được những điều trong lòng. Mình cũng tự hỏi liệu con đường mình đi có sai không, sao đi mãi chẳng thấy ánh sáng. Kèm với đó mình lại thấy tội lỗi khi bao người giúp đỡ nhưng mình không đủ tốt. Thế rồi mình viết email cho thầy mentor ở Westminster, một phần để thầy yên tâm, một phần cũng để tự trấn an bản thân mình. Mình viết cho thầy rằng “Lần này, em vào được short-list rồi, còn một chút nữa thôi, nhất định lần tới em sẽ dành được học bổng”.

9.  Những điều mình học được

Nếu bạn đang đau đầu, mệt mỏi, chán nản vì apply rồi thất bại, thì điều quan trọng nhất mình học được trong suốt quá trình apply của mình là:

Thành công là khi nhận được cái email trượt đến trường thứ 10, bạn vẫn còn đủ sức để ngồi dậy viết bộ hồ sơ thứ 11, 12, và 13.

–  Hiểu rõ mục đích của mình

Tại sao bạn muốn làm nghiên cứu? Làm nghiên cứu để làm gì?

Làm PhD với mình là câu chuyện dài. Nó không phải vì sau khi xem Big Bang Theory. Không phải vì đi làm chán quá quay lại đi học bởi mình có một công việc cũng khá “fancy” trong mắt nhiều người. Hơn tất cả mình luôn cảm thấy “đói”, thấy thèm khát cần được học hỏi.

Giờ thì mình đã hiểu tại sao hồ sơ luôn yêu cầu viết personal statement. Nó giúp người đọc hiểu về ứng viên và cũng giúp người viết nhìn lại chính mình. Có những bài luận viết xong thì thấy “OK lắm” nhưng đến lúc đọc lại thấy nó thật “Dở hơi”. Có những ngày gửi cho tên bạn đọc, hắn trả lại 1 câu thấy phũ “Tôi đọc mà cảm giác như uống nước bị nghẹn” vì nó rời rạc, chắp nối. Đến khi có thể viết ra 3 cái gạch đầu dông rõ ràng tại sao bạn muốn đi học PhD, thì mỗi lần phỏng vấn được hỏi câu đó, mình cũng vui như ôn thi trúng tủ.

Thực ra mình không khuyên bạn là “Hãy apply đi, trượt mãi rồi đến ngày sẽ đỗ ”. Với mình, mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng, họ được trao những ưu điểm của riêng và họ có những đam mê của riêng mình. Một con cá bơi rất giỏi, nhưng nếu bắt con cá phải leo cây thì cả đời nó sẽ sống trong suy nghĩ mình là kẻ ngu dốt. Mình mong, mỗi người chúng ta tìm ra được con đường mà mình thực sự mong muốn. Để rồi, dù kết quả có ra sao, bạn đều có thể hài lòng và tự hào rằng mình đã cố hết sức và mình luôn chọn điều tốt nhất, phù hợp nhất cho chính mình. Nếu bạn định dừng việc tìm kiếm cơ hội thì hãy có một lý do hợp lý. Ví dụ, bạn đã có cơ hội tốt hơn, bạn không muốn đi học nữa. Đừng dừng lại bởi bạn nghĩ không ai cho bạn cơ hội, chỉ là bạn không đủ kiên nhẫn mà thôi.

– Sự kiên trì

Có lần, mình nhờ anh bạn mình đang làm PhD ở Oxford chia sẻ ít kinh nghiệm trước khi phỏng vấn, anh ấy hỏi lại mình là “Vẫn còn apply cơ à?” Lúc ấy, mình cũng đã nhờn mỗi lần đọc email kết quả rồi. Thực ra, sự kiên trì không chỉ là cứ tiếp tục apply cho đến khi nào đỗ đâu, mà còn là sự bình tĩnh để chở đợi hàng loạt thủ tục cần giải quyết.  Good things take time. Mình gần như “thấm nhuần” cái quá trình mỗi ngày một ít một. Suốt thời gian ấy, mình cũng trồng 1 cái cây. Chỉ cần tưới nước mỗi ngày, chỉ cần tiếp tục gieo hạt sau mỗi ngày con chuột đào hết cả gốc lên và chỉ cần tâm lý vững vàng để vượt qua cám dỗ khi mọi người nói rằng “Gieo hạt không lên đâu, mua cây cho lành”, cây hoa của mình đã ra hoa thật.

“Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”

Với bản thân mình, niềm vui cũng là khi thấy kỹ năng viết của mình tiến bộ lên mỗi ngày, chầm chậm thấy những vấn đề trước đây mình rất sợ phải học (Statistic chẳng hạn) nhưng giờ mình đã không còn sợ nữa.

–  Trân trọng những thất bại

Chúng ta trưởng thành từ thất bại và trở nên bền bỉ hơn sau mỗi lần vấp ngã. Mình từng hỏi những người phỏng vấn của mình rằng “làm PhD cần những khả năng gì? Câu trả lời  mình nhớ nhất đó là “Resilience”. Ban đầu mình cũng chẳng biết như thế nào gọi là Resilience. Đến khi mình viết personal statement trong bộ hồ sơ gửi trường Cardiff lần 2, supervisor của mình đọc để sửa bài cho mình và comment rằng “ I am impressed with your resilience”. Khi đọc email của cô, mình mới có thể cười tươi rằng, những thất bại trao cho mình khả năng đó. Sẽ chẳng có cuốn sách hay lớp học kỹ năng mềm nào đào tạo kỹ năng này cả.

Xem Youtube bài phát biểu của JK Rowling về giá trị của thất bại có một câu thế này:

It is impossible to live without failing at something unless you live so cautiously that you might as well not have lived at all – in which case, you fail by default.

JK Rowling

Người ta hay chia sẻ về những thành công, nhưng trên blog này, mình luôn muốn chia sẻ về giá trị của thất bại, bởi mình tự nhận thấy thành công của mình cũng ít ít thôi, còn kinh nghiệm thất bại mình thấm nhuần hơn. Kinh nghiệm giành được học bổng của mình là những điều rút ra sau những trải nghiệm cá nhân. Mình không chắc là nó sẽ đúng với trường hợp của bạn. Lý do vì ngành học khác nhau, thời điểm khác nhau, các thầy cô khác nhau, mỗi người một tính cách và chúng ta đi trên những con đường khác nhau nữa. Số phận của chúng ta khác nhau, duyên khác nhau và nhận được những may mắn khác nhau. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng chúng ta học được từ thất bại nhiều hơn là thành công. Mình hi vọng bạn có thể tránh được những sai lầm mình từng mắc phải để chúng ta có thể đối diện với sự không vừa ý một cách nhẹ nhàng hơn, đừng tạo áp lực cho bản thân. Và có một câu này mình thấy cũng đúng:

The later comes is always the better one. At least it come with a better us.

–  Không trì hoãn

Nếu bạn có dự định đi du học thì sau khi đọc không biết bao nhiêu bài “Kinh nghiệm apply học bổng”, bạn hãy bắt tay vào thực hiện ngay. Làm việc 12h còn hơn 12 tháng ngồi suy nghĩ và 12 năm ước ao. Đọc một bài báo khoa học, Google một trường, một giáo sư, một dự án. Sai lầm của mình trong lần apply này là thay vì bắt tay vào viết ngay hôm nay, ngay lúc này minh đã dành khá nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch và lo lắng, để rồi đến lúc sát deadline rồi thì chạy không ăn không ngủ, nghỉ làm để viết. Rồi thì cũng xong, nhưng nếu dành nhiều thời gian hơn mình đã có thể đọc kỹ lại, ít lỗi sai hơn, đọc nhiều tài liệu tham khảo hơn. 

Việc post profile lên các diễn đàn để hỏi “Thế này có cơ hội nhận được học bổng không?”, mình thấy cũng chẳng có tác dụng gì, bởi người có thể cho bạn học bổng không ở trong diễn đàn kiểu đó đâu. Thay vào đó, bạn gửi thẳng CV cho 1 giáo sư bạn thấy tiềm năng thì họ còn có thể cho nhận xét. Ngoài ra, mình thấy khi đọc kinh nghiệm của người khác, những bài truyền động lực, hay thậm chí thuê một dịch vụ sửa hồ sơ chuyên nghiệp đến mấy cũng không thể biến bạn thành một con người khác và không ai đảm bảo sự thành công cho bạn được được đâu. Khi bạn còn đang lo lắng và cân nhắc hết việc này đến việc kia thì thời gian cứ trôi và deadline vẫn cứ ngày càng gần. Khi thử bạn chỉ mất thời gian thôi nhưng bạn sẽ nhận lại kinh nghiệm, còn không thử thì bạn mất cơ hội.

–  Cố gắng thực sự chứ không phải là giả vờ cố gắng

Mình không muốn lãng mạn hóa hai chữ “giấc mơ”, bởi vì hai chữ đó mà mình thấy đôi lúc thật vất vả. Có lẽ hơi “lý thuyết” khi mình nói rằng “Trên con đường đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Câu này đúng, mặc dù cũng có vế ngược lại, đôi khi bạn rất chăm chỉ nhưng đó là chưa đủ. Liệu chúng ta có đang thực sự làm việc hay vẫn dừng lại phải lướt tiktok một chút? Liệu chúng ta đang nghiên cứu tài liệu hay chỉ sưu tầm tài liệu?

Hai năm qua với mình là một khoảng thời gian luôn bận rộn. Mỗi buổi tối đi làm về cũng phải đọc đọc viết viết. Mình có những buổi Video call lệch múi giờ mà mình thường thực hiện ở quán cà phê sau giờ làm. Có những buổi phỏng vấn lúc 10h-11h tối, và có cả những cuộc phỏng vấn vào 1h sáng. Mình có những ngày tan làm lại chạy vào quán cà phê ngồi viết hồ sơ vì sợ về nhà hết việc này việc nọ cũng hết tối, lại lười, lại mệt không làm được gì nữa. Có những ngày xin nghỉ phép mà làm việc tập trung hơn cả đi làm, ngồi từ sáng đến tối với gói bánh và cốc trà, khi đứng dậy đã thấy thế giới xung quanh quay cuồng. Còn có những hôm về nhà đã muộn, không đủ tỉnh táo mình đâm luôn vào xe rác. Có những đêm ngủ gục trên đống tài liệu rải khắp phòng, rồi giật mình ngồi dậy vẽ tiếp conceptual framework. Mình còn gặp cả ánh mắt tò mò của anh chủ cửa hàng photocopy “Em tốt nghiệp 5 năm rồi mà vẫn chăm học nhỉ?”.

Một phần số tài liệu mình phải đọc để viết research proposal.

Những bài nghiên cứu phải in và còn nhiều bài không in nữa.

Mình từng đọc ở đâu đó, hay trong một bộ phim có một câu thế này:

“Giấc mơ không phải điều bạn nhìn thấy khi đi ngủ, mà đó là điều kéo bạn thức dậy mỗi ngày”.

Cũng có một câu nói thế này:

‘Sự tự hào đến từ thành tựu nhưng sự mãn nguyện đến từ hành trình đạt đến thành công đó”.

Câu này với mình quá chuẩn luôn, bởi mình kể lại hành trình trên mà lòng thấy rất hãnh diễn, rằng mình đã từng quyết tâm và cố gắng thế nào. Khó là thế thì lúc đạt được ta mới có thể vươn vai để một lần nói rằng “Mình phục mình quá”. Nhưng tin mình đi, như lời cô giáo hướng dẫn đầu tiên của mình nói “Sau này, em sẽ thấy giá trị của những vất vả ngày hôm nay”. Sau này khi bạn nhìn lại khoảng thời gian của những bận rộn, khó khăn, áp lực, lo âu, bạn sẽ nhớ chúng nhiều đấy. Và hơn ai hết, bạn hiểu chúng đáng giá thế nào để đưa bạn đến ngày hôm nay.

–  Đừng tham lam và đừng nghĩ quá nhiều

Tiếp tục câu chuyện về việc đoán già đoán non mình nói ở trên, đừng nghĩ quá nhiều và đừng muốn có tất cả mọi thứ cùng lúc. Có những tháng mình bị stressed đến nỗi có phải đi tham vấn tâm lý vì mình suy nghĩ quá nhiều. Khi nhiều bạn bè hỏi mình những câu ở thì tương lai xa kiểu làm việc với giáo sư nhiều drama thì thế nào, giáo sư bóc lột thì sao, học xong ở lại không, không kiếm được việc ở lại thì sao. Mình sẽ trả lời là có học bổng để đi học trước đã rồi mình mới nghĩ mấy chuyện xa xôi đó. Khi chưa có học bổng thì nghĩ chuyện sau khi học xong làm gì. Mình còn chẳng biết sáng mai ăn gì chứ đừng nói mấy năm sau.

Mình cũng không muốn nghĩ về tương lai với “kịch bản xấu”. Mình cũng đọc khá nhiều chuyện drama không mấy vui vẻ về đi học PhD. Tuy vậy, tất cả các giáo sư mình gặp đều vô cùng tốt với mình. Mình sẽ kể về họ trong bài sau. Suốt cả năm học ở UK ai mình gặp cũng tốt với mình cả. Người ta nói, thế giới bên ngoài phản ánh thế giới bên trong bạn. Bạn cho đi cái gì thì bạn sẽ nhận lại phản lực tương ứng. Cho đi những chân thành, bạn sẽ nhận lại những chân thành. Vậy nên, với sự chân thành và niềm hãnh diện của một người tử tế, mình tin rằng mình luôn xứng đáng với những điều tốt đẹp. Vậy thì sao phải sợ drama?

Chưa kể, với sự ưu tiên cho việc mình nghĩ là quan trọng, mình không thể chu toàn tất cả mọi việc. Và với khả năng của mình, khi mình dành phần lớn thời gian để đọc và viết research proposal nên gần như những chuyện riêng khác mình không thể làm gì. Mình cũng chẳng biết trả lời thế nào khi mỗi lần ai đó hỏi “Tại sao không làm cái này, tại sao không có cái kia?”. Mọi sự tùy duyên. Hoặc là viết research proposal không có thời gian làm việc khác. Hoặc là việc gì dễ hơn và cần hơn thì làm trước. Hoặc vì trời cho gì nhận vậy. Hoặc cũng có thể là vì đôi khi người ta chỉ có thể chọn một mà thôi. Ngay cả việc đi làm, mình chỉ hoàn thành công việc ở mức hoàn thành chứ không thể đầu tư thêm được. Mình thấy nếu vừa muốn  tập trung phát triển sự nghiệp, vừa muốn đi du lịch, chu toàn việc gia đình, vừa muốn xem hết bộ phim này series kia, vừa muốn bắt trend trên tiktok, vừa muốn apply học PhD thì nằm ngoài khả năng của bản thân. Tại một thời điểm, mình chỉ có thể tập trung vào 1 việc, nghĩ về 1 việc mà thôi. Chuyện gì đến sẽ đến, cho đúng người đúng thời điểm.

–  Sống cho hiện tại

Đến giờ thì mọi việc cần phải làm đã xong. Coi như giấc mơ cả tuổi thanh xuân thành hiện thực. Mình tự tặng cho mình cái giác “hạnh phúc vô ưu” mà mình đã mong mỏi từ rất rất lâu rồi. Cho mình một ngày đi ngủ thật sâu mà chẳng cần phải lo gì cả. Không còn cái báo cáo nào phải viết, không còn hồ sơ nào phải submit, không còn cuộc phỏng vấn nào phải chuẩn bị, và không còn cuộc đua nào phải chạy. Mình đã từng một lúc gánh tất cả những lo âu thì giờ mình cũng có thể hạ tất cả xuống cùng một lúc. Mặc dù sự thật là mình còn nhiều cái để lo đấy, mình cũng sợ hãi đủ điều: Liệu có học nổi không? Liệu học xong có làm được việc gì không? Liệu mình có thiếu thốn nghèo đói không? (và cả “Liệu có lấy được chồng không?” nữa). Mình hiểu, đây chẳng phải đỉnh cao mà mỗi thanh công chỉ là cột mốc cho sự khởi đầu của hành trình mới.

Trước khi có thể trả lời được câu hỏi “Học PhD xong thì làm được gì cho đời?” và trước khi quay lại guồng của những sự việc nằm ở thì tương lại, mình sống ở hiện tại này đã. Mình sẽ không nuối tiếc quá khứ, sẽ không lo lắng về tương lai và cũng không muốn đánh bóng hiện tại. Mình chỉ ở đây và tận hưởng thực tại thôi. Ở giây phút này mọi sự với mình đủ đầy. Đó là hạnh phúc thật sự rồi.

–  Làm việc với sự đam mê và một trái tim chân thành

Đôi khi việc được học bổng không phải do bản thân mình giỏi hơn các ứng viên khác mà chỉ là hội đồng thấy “quý” bạn hơn, nhưng mình nghĩ để một người hoàn toàn xa lạ “quý” mình, giúp đỡ và cho mình từng đấy tiền thì cũng là một năng lực. Với mình thì điều đó đến từ sự chân thành.

Ngoài bằng cấp ra bạn sẽ không cần nộp một chứng nhận nào cho những gì bạn viết trong CV hay personal statement cả. Vậy điều gì khiến họ tin những điều bạn nói là sự thật? Mỗi chúng ta sẽ có một cách khác nhau.

Về câu chuyện của mình, lần đầu tiên mình liên hệ với giáo sư, thầy nói khoa hết tiền còn thông tin học bổng trên web chỉ là không update thường xuyên nên thông tin học bổng vẫn ở đó thôi. Tuy vậy, thầy đồng ý hướng dẫn cho mình, và cùng mình viết research proposal. Và mình đã dành cả năm trời sửa đi sửa lại research proposal dưới sự hướng dẫn và những yêu cầu của thầy. Chính cái lúc cứ nghiên cứu dù chẳng biết có funding hay không giúp mình nhận ra niềm vui là được một người hướng dẫn để làm nghiên cứu còn funding thì mình chẳng nghĩ nhiều nữa. Hơn 1 năm sau, khoa thông báo offer cho mình học bổng, mà thậm chí khoa không có publish thông tin học bổng mới nào trên website cả.

Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó – Nhưng mà phải thực sự muốn thì mới được nhé.

Nhà giả kim

Mình kể câu chuyện này bởi đôi khi cuộc sống này chỉ thử xem bạn có thực sự đam mê không, xem bạn có thực sự muốn làm nghiên cứu với thầy không hay thầy nói không có tiền thì mình cũng biến mất luôn. Mình biết là chúng ta không thể thay đổi trái tim để nó trở nên “chân thành”, đó là tính cách và bản chất con người. Có những điều không cần giấy chứng nhận nhưng với mình nó thực sự quan trọng.

Nếu bạn hiểu bản thân mình muốn đi học với một mục đích chân chính, muốn đóng góp cho khoa học, đóng góp cho xã hội thì ở đâu đó sẽ luôn có người dẫn đường cho bạn. Chỉ là mình phải tự hỏi liệu đam mê của mình lớn bằng đâu. Người ta nói “Nếu thích bạn tìm cách, nếu không thích bạn tìm lý do”. Trên con đường đi tìm cách ấy, bạn sẽ thấy những “phép màu” đầy bất ngờ như mình từng thấy.

–   Phép màu có thật

 Đã rất nhiều lần, khi ai đó nói với mình “Làm cái đó bằng niềm tin à?” và mình bào “Uhm”.

Và khi mình tưởng chừng như đã hết hi vọng cho năm 2021, thì với một niềm tin, một sức mạnh thần kỳ nào đấy, một ngày đẹp trời mình mở Linkedin, tin tuyển PhD Candidate rất hợp hiện ngay trước mặt. Với mình thời điểm ấy, niềm vui chỉ là vẫn còn học bổng chưa đến deadline, nghĩa là vẫn còn cơ hội. Và niềm tin ấy đã mang nhiều phép màu đến với mình, mang đến cho mình những người hướng dẫn tận tụy mà mình luôn muốn hỏi “Tại sao thầy cô lại tốt với em thế?”. Mình sẽ viết về quá trình mình liên hệ và làm việc với các thầy cô hướng dẫn trong bài đăng sau.

Chính  sự đam mê, sự kiên trì, sự chân thành, và mong muốn được cống hiến, chúng ta có thể tự tạo ra những phép màu cho chính mình. Mình tin phép màu là có thật. Còn bạn? Bạn có tin vào phép màu không?

10. Một lời kết

Nhìn chung, mình đã sống 29 năm cuộc đời và luôn tin tưởng vào những bài học mình đọc trong truyện và xem trong phim. Mình cũng đã viết về những lợi ích mà việc đọc truyện mang đến cho mình

Dù mọi người nhìn vào mình thấy một đứa rảnh hơi suốt ngày đi đọc ngôn tình, xem phim hoạt hình, nhưng mình tin những điều mình học được là đúng đắn. Ngay cả việc ước mơ đi du học, hồi đó còn thích học Luật cũng sơ khai khởi nguồn từ việc mình xem Legally Blonde (2003). Nhưng năm tháng chứng minh rằng đó không phải là mộng tưởng nhất thời, nếu là nhất thời mình đã không cố gắng nhiều và lâu như thế.

Mình đọc trong một vài bài viết của các anh chị, có ý thế này.

Nếu bạn nói bạn yêu một công việc nào đó vì giây phút thành công của nó, bạn không yêu nó đủ nhiều như bản nghĩ. Bạn chỉ thực sự yêu một công việc, khi bạn có thể yêu cả những giât phút đắng cay, vất vả trên quá trình đi đến thành công.

Nếu bạn yêu một người vì những khoảnh khắc hào nhoáng, những giây phút ngọt ngào nhất thì bạn cũng không yêu người đó đủ nhiều. Đừng đặt người ấy lên trên lưng bạch mã, đứng trước lâu đài hay núi non hùng vĩ (như ở Thụy Sĩ) hay đào bay hồng rực (như ở Nhật Bản), mà thử đặt anh ấy đứng cạnh bãi rác gần nhà, trong căn bếp đầy dầu mỡ để xem lúc đi đổ rác hay rửa bát với nhau có còn thấy vui.

Nếu bạn nói đến ước mơ đi du học chỉ vì những tấm ảnh bạn bè post trên facebook, vì phép nhiệm màu của Harry Porter, rồi bạn sẽ thất vọng tràn trề vì cuộc sống du học sinh không lãng mạn như tiểu thuyết ngôn tình diễm lệ, “Oxford thương yêu” hay phim “Chuyện tình Harvard”. Bạn sẽ trải qua những bài kiểm tra, những bài làm nhóm mà mình như người vô hình, những cuốn sách đọc hoa cả mắt, những đêm thức trắng để viết bài cho kịp deadline. Bạn sẽ ăn những món ăn không ngon, những lúc thấy mình như cô bé bán diêm chỉ biết nhìn món đồ mình thích qua tủ kính lấp lánh mà chả có tiền mua, và tệ nhất là lúc nhớ nhà, muốn về nhà nhưng chả có cánh cửa Doremon nào xuất hiện để bạn bước qua. Và học PhD nghe nói còn nhiều kiểu vất vả khác.

Nhưng nếu bạn có thể nâng niu được tất cả những đắng cay ngọt bùi, cả những đẹp đẽ và xấu xí, cả những hào hoáng và thô ráp thì khi ấy, bạn sẽ hiểu thế nào là YÊU. “And you? What would you do for love?”.

Mình nhớ bài học trong bộ phim Kung Fu Panda (2008), khi tất cả các võ sĩ mải miết đi tìm bí kíp võ công tuyệt đỉnh để trở thành Võ sĩ rồng nhưng cuối cùng chỉ nhận lại một tấm chiếu trống trơn. Sau đó, bố của Po nói cho cậu biết bí mật về công thức nấu nước lèo gia truyền của tiệm mỳ gia đình, đó là

“Không có một công thức bí mật nào cả, khi con muốn làm điều gì đặc biệt con chỉ cần tin rằng điều đó đặc biệt mà thôi.”

Kung Fu Panda 1

Khi làm bất cứ việc gì bạn cần bắt đầu vào việc tin vào chính mình và cố gắng để giữ niềm tin đó cho đến khi nào thấy có thể sẵn sàng buông ra. Mình nghĩ là chẳng có bí kíp dành học bổng nào cả.

Lại có một câu đại loại thế này “Hành trình của chúng ta là hành trình đại bàng, không để lại dấu vết”. Có vấn đề là khi càng biết nhiều, chúng ta lại càng cố chấp. Chúng ta luôn cho rằng thầy mình nói là đúng, kinh nghiệm của mình là chân lý để áp dụng cho những lần sau. Nhưng thực ra không phải. Cuộc đời vô thường và mọi chuyện luôn thay đổi. Mỗi bước chân đều là sự khởi đầu của hành trình mới. Những bài học mình nói trên có thể mình thấy đúng lúc này nhưng sau này khi trưởng thành hơn có thể mình sẽ nghĩ khác và cuộc sống sẽ dạy mình những điều khác.

Mình chỉ muốn nói rằng, khi chúng ta chấp nhận sự nhỏ bé của bản thân và hạ cái tôi xuống, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận những bài học mới và hăng say đi tìm những kiến thức mới. Đừng để tư duy của mình bị bó hẹp trong quá khứ, trong những cuốn sách hay bất cứ không thời gian hạn hẹp nào. Vũ trụ bao la lắm. Làm PhD hay làm gì cũng là một hành trình học hỏi và trưởng thành.

Lời kết hơi dài. Tóm lại, chúc bạn may mắn và an yên trên con đường mình lựa chọn.

Gửi những yêu thương và phép màu luôn bên bạn trên hành trình bạn đi.

P/S: Mình không biết phải viết những điều này vào đâu cho hợp. Có lẽ mình là người may mắn khi có những bạn luôn ở bên và cho mình những bài học ý nghĩa, điều may mắn và quý giá nhất mình từng có được sau những tháng năm “trẻ trâu”. Cám ơn vì đã luôn tin tưởng tớ vô điều kiện, đã luôn là “bình sạc năng lượng ”, đã luôn nói với tớ rằng “Chắc chắn tớ sẽ làm được thôi” và để tớ sống trọn vẹn với cái niềm tin của mình, không nghi ngờ, không chùn bước.

Sơ lược chuyện apply học bổng PhD của mình là vậy. Mời bạn đón đọc những bài viết sau trên Blog.


Ảnh bìa: Nottingham – Nơi mình sẽ quay lại để học PhD

Và sau nhiều năm tự đi tìm con đường phù hợp cho bản thân, và nhận thấy bản thân có thể chia sẻ những đã biết để giúp mọi người tìm hướng đi phù hợp cho mình, mình cùng team lập một project mentor giúp ứng viên khám phá tiềm năng của bản thân, định hướng rõ ràng hơn con đường phía trước và apply học bổng du học. Hiện team mình mới chạy, chưa có website chính thức, mình sẽ cập nhật sớm. Bạn có thể liên hệ với mình qua email hoặc social media để biết thêm về dự án.

Cám ơn bạn đã kiên nhẫn đọc đến tận dòng này. Đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ qua những bài viết mới trên Blog (Sẽ có 1 email xác nhận gửi vào email bạn, bạn sẽ đăng ký theo dõi thành công sau khi bấm xác nhận qua email).

Theo dõi