Thực ra mình không dám gọi mình là người theo chủ nghĩa tối giản, bởi vì …mình thấy nhiều người nhận họ theo chủ nghĩa tối giản nhưng cũng chẳng tối giản lắm. Và mình thỉnh thoảng hứng lên mình vẫn mua đồ linh tinh sticker, mấy đồ văn phòng phẩm, nhưng đã hơn 1 năm mình không mua quần áo, túi xách, giày dép mới.

Trong những cuốn sách về chủ nghĩa tối giản, mọi người thường chú ý nhiều hơn về việc vứt bỏ bớt đồ đạc. Theo mình, việc sống tối giản cần bắt đầu từ việc hạn chế mua đồ đạc không cần thiết. Bởi vì không mua thì bạn sẽ chẳng có lý do phải vứt bỏ đồ đạc đi. Lý do thứ 2, liên quan đến môi trường, vì rất ít rác thải có thể tái chế, mà giống như con người phần lớn cuộc đời của đồ dùng sẽ kết thúc bằng việc thiêu hoặc chôn dưới lòng đất. 

Theo công bố của diễn đàn kinh tế thế giới, ngành thời trang đóng góp 10% vào lượng khí thải carbon toàn cầu năm 2020, nhiều hơn cả hàng không và tàu thủy cộng lại. Bên cạnh đó, 85% vải phế thải không được tái chế, tái sử dụng mà sẽ chôn. Ngoài ra, việc giặt quần áo thải ra 500.000 tấn vi sợi vào đại dương mỗi năm – tương đương với 50 tỷ chai nhựa [Nguồn thông tin]

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số blog về Sustainable Fashion.

Và đó không phải lý do duy nhất để cả một năm qua mình không mua quần áo mới. 

Tại sao mình không mua quần áo mới trong 1 năm qua?

Không gian hạn chế

Mình không có một tủ quần áo thật to hay một căn phòng riêng chỉ để đựng quần áo. Mình nghĩ rất nhiều người cũng như mình, chỉ có một chiếc tủ 2 buồng để đựng tất cả quần áo từ đông sang hè, khăn, tất, túi xách. Phòng mình cũng không còn chỗ để mua thêm 1 cái tủ nữa. Bởi vậy, nếu có nhiều quần áo mình sẽ không có đủ chỗ để đựng. 

Không thích nhiều đồ đạc

Bạn có biết cái cảm giác khi bạn muốn tìm một món đồ, nhưng bạn phải lục tìm dưới rất nhiều đồ đạc. Mình thực sự không thích cảm giác đi làm về rất mệt rồi nhìn một đống đồ đạc ngồn ngộn lên. Và mỗi lần sắp xếp lại tủ quần áo, mình lại mất cả buổi. Mình thực sự không thích cái cảm giác đó cho lắm. 

Mua sắm với mình không phải một sở thích

Mình chưa bao giờ có cảm giác mua sắm để giảm stress, thậm chí nhiều lúc đi mua sắm mà không tìm thấy đồ mình cần mình còn dễ nổi cáu.Mình không phải đấu tranh quá nhiều “trước những cám dỗ quảng cáo mua sắm”, do bản thân không có nhu cầu hay biết rằng những món đồ đó không hợp với mình. 

Nhưng nếu là một món đồ mình thích thì kiểu gì mình sẽ mất thời gian ngắm nghía trên websites, rồi so sánh với món tương tự giữa các thương hiệu khác nhau, và đến cửa hàng để mua bằng được. 

Thu nhập hạn chế

Một lý do cũng dễ hiểu là thu nhập cá nhân của mình không đủ để mình trác táng. Trong khi đó có rất nhiều khoản cần phải chi tiêu và việc mua sắm quần áo không ở mức ưu tiên cao của mình. 

Mình đã từng viết về quản lý chi tiêu và mua sắm trong bài “[Sống đủ] Cách mình tối giản chi tiêu và tiết kiệm tiềm“.

Mình đã thanh lọc tủ quần áo như thế nào?

Trước đây, mình có thói quen mua đồ về chỉ vì thích nhất thời rồi lại cất trong tủ. Mình luôn có những chiếc váy dành cho những dịp đặc biệt, còn ngày thường thì mình mặc rất tuyền toàng. Hoặc là có những chiếc váy mà mình luôn tự nhủ là “khi nào gầy sẽ mặc được” nhưng ngày đó lại không bao giờ tới. 

Mình tiến hành thanh lọc tủ quần áo. Theo đúng công thức của Marie Kondo “Chỉ giữ lại những món đồ khiến mình thấy Wow”. 

  • Quần bò là thứ mình có đến hơn chục cái tích từ hồi đại học. Quần bò rất khó hỏng, bỏ đi thì tiếc, để trong tủ thì trật.  Cuối cùng mình chỉ giữ lại 2 chiếc ưng ý nhất. Mình bỏ đi quần thụng (dáng mình mặc quần bò thụng thực sự không đẹp chút nào), quần không co giãn, quần cạp trễ (khi đã mặc quần cạp cao mình đã tự hỏi tại sao mình có thể mặc những chiếc quần cạp trễ thế này), quần bị rộng hoặc trật, quần bạc màu (mình không thích quần bò bạc màu thôi). 
  • Áo phông: Một món đồ cũng tích trữ nhiều vì dễ mặc. Nhưng có một sự thật là khi mặc áo phông rộng, mình không có ý thức với cơ thể mình, vì mặc áo phông không lộ dáng, mình chả biết mình béo hay gầy. Vì từ khi đi làm, mình thích mặc váy liền, áo sơ mi hơn nên áo phông không dùng nhiều. Mình giữ lại những chiếc mát, thoải mái để mặc ở nhà, chiếc áo mới, basic để mặc đi chơi, còn lại bỏ. 
  • Váy liền: Mình bỏ đi những chiếc váy thụng (mặc như váy bầu ấy), váy bị ố (mà không có khả năng tẩy, làm mới), váy quá ngắn, trật. 

Tương tự với các món đồ khác. Trong tất cả các loại đồ, mình bỏ đi những món mà 2 năm nay mình không mặc lần nào. Thực ra do 1 năm mình đi du học, cuộc sống khác, chứ mình nghĩ nếu đồ mà 1 năm không mặc tức là 1 năm tới cũng chẳng dùng tới. 

Mình xử lý những món đồ cũ như thế nào?

Có 2 việc mình làm là sửa một số chiếc váy cũ, ví dụ, thêm phần đai eo cho chiếc váy thụng để thành váy mới có eo. Còn lại, những món không sửa để dùng tiếp được mình phải bỏ.

Thực lòng đây là việc vô cùng khó khăn. Đến giờ, mình vẫn còn nhiều quần áo chưa biết nên làm gì. Vì quần áo mình dù còn tốt nhưng không hẳn là mới và đồ hiệu để thanh lý. Không phải ai cũng nhận mà cho lại. Và cũng không phải đồ nào cũng có thể mang ra khu nhận đồ từ thiện. 

Mình thường soạn đồ thành các túi, rồi post lên nhóm tặng quần áo cũ để hỏi xem có bạn nào có nhu cầu nhận đồ về mặc hay nhóm từ thiện đang gom đồ để tặng lại. Còn lại những món quá cũ không thể cho mình sẽ dùng làm giẻ lau hoặc, đợi xem có cửa hàng quần áo nào nhận đồ cũ tái chế. Ví dụ HM, Levis, Uniqlo có lần kêu gọi nhận đồ để tái chế, mình mang đồ đến đổi và nhận voucher giảm giá 15% nhưng cũng không biết hãng có tái chế thật không hay chỉ là chiến dịch PR.

Vậy nên, mình không có một câu trả lời rõ ràng cho việc này nên mình càng hối hận vì ngày trước mua sắm hơi bừa bãi. 

Không mua quần áo mới, là không nữ tính, không yêu thương bản thân? 

Với các bạn nam thì mình nghĩ chuyện không mua quần áo mới có lẽ cũng đơn giản, nhưng với con gái thì là chuyện khác. Thậm chí, dù mình chưa bao giờ kêu thiếu đồ, nhưng mẹ mình thường xuyên nói về chuyện mua sắm như kiểu sợ các cửa hàng sẽ gặp rắc rối vì năm nay mình không có nhu cầu mua quần áo mới vậy.

Trong trường hợp của mình thì mình rất yêu bản thân. Thậm chí, mình còn luôn tự nhắc bản thân “luôn ra ngoài như thể đó là buổi hẹn hò đầu tiên” và bạn bè còn nhận xét mình mặc đẹp hơn trước. 

Tại sao?

Như đã nói ở trên, mình đã bỏ đi tất cả những món đồ mà mình thấy mình mặc không đẹp, và tủ đồ của mình chỉ còn toàn những món mình thích nhất. Những chiếc váy mình từng giữ gìn cho dịp đặc biệt (sinh nhật, đám cưới), hay những món đồ trước kia mình ngại mặc (vì sợ lồng lộn quá), mình cũng phải lôi ra làm quần áo mặc hàng ngày. Cuộc đời này quá ngắn ngủi, để cất một chiếc váy quá lâu. Vậy nên, bạn mình hay hỏi “Tại sao đi uống cà phê thôi mà phải mặc sang chảnh thế?” hay “Lát về còn đi đâu nữa sao mà mặc thế này?” (Như kiểu bạn bè thân thiết thì sẽ không kỳ vọng mình phải kiểu cách). 

Khi đó, mình mới nhận ra, việc chau chuốt, luôn ra ngoài với những bộ đẹp nhất mình có là cách mình tôn trọng bản thân mình, và cũng tôn trọng người đi cùng mình. Chứ mình thường, mình sẽ lấy đại một cái áo phông với một cái quần bò để ra đường thôi, giờ thì không có mà lấy đại nữa rồi. 

Và khi quen với việc “Lúc nào ra đường cũng phải như buổi hẹn hò đầu tiên”, thì tính mình cũng chau chuốt hơn, và không muốn nhìn mình trong bộ dạng đơn điệu nữa. 

Mình cũng đọc một số cuốn sách về phong cách, và nhận ra sự thanh lịch, và chau chuốt mang đến rất nhiều tốt. 

Một số cuốn sách có thể là gợi ý cho bạn

Mình đã học được điều gì?

Những món đồ dở dở ương ương, không tốt hẳn, cũng không dở hẳn, mặc vào thấy mình chẳng đẹp chẳng xấu, giá không quá đắt cũng chẳng phải rẻ, đó cũng là cái rất khó bỏ đi, cho lại chẳng ai lấy. Vậy nên, dù hiện tại, chưa thấy thiếu gì, nhưng nếu mua đồ mình sẽ mua những đồ thật tốt. 

Số lượng quần áo trong tủ, không ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của bản thân. Ít đồ nhưng chất lượng không những giúp mình tiết kiệm tiền, bớt khó chịu khi thấy đồ đạc ngồn ngộn, còn tiết kiệm thời gian chọn đồ đi làm buổi sáng vì mình có tầm 7 bộ cứ thế theo thứ tự để mặc.

Mình tự biết cách biến tấu quần áo cũ thành mới. Mình có 1 chiếc váy thụng, trước đây mặc ai cũng chê xấu thậm tệ luôn ấy vì nó khiến mình như đang mang bầu. Nhưng sau khi đầu tư thêm 1 chiếc thắt lưng ánh kim, 90K, nó trở thành chiếc váy mình mặc trong những bữa tiệc cần trang trọng. Thắt lưng đúng là món phụ kiện tuyệt vời.

Khi mặc đi mặc lại quần áo cũ, đặc biệt là những chiếc váy ôm, mình có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi cân nặng của mình. Váy hơi trật một chút có nghĩa là mình đang béo lên và lập tức có biện pháp xử lý. 

Cũng vì chỉ có hạn chế quần áo, nên mình phải học cách nâng niu, giữ gìn. Mình đã bắt đầu phải giặt tay với những món đồ yêu cầu giặt tay, hay giặt tay riêng đồ trắng. 

Kết luận

Mình nghĩ rằng mình đã bắt đầu lối sống tối quan từ việc ăn mặc. Điều đó không chỉ cho bản thân sự thoải mái trong tâm trí, yêu thương bản thân và yêu thương trái đất nữa. Có ít đồ đạc cũng khiến mình thấy “tự do”, bạn có nhớ hình ảnh trong bộ phim UP, bỏ bớt đồ đạc đi để ngôi nhà có thể tiếp tục bay lên. 


Photo by Cherie Birkner on Unsplash

Cùng mình chia sẻ những bài học về sự trưởng thành tại Blog Growing và Instagram @phuong.anh.violet

Theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]