person writing on a notebook beside macbook

Các phần trước mình đã giới thiệu về hành trình apply học bổng của mình, cách liên hệ với giáo sư hướng dẫn tiềm năng và phỏng vấn, cách tìm chương trình phù hợp và các nguồn tìm thông tin học bổng. Phần này mình sẽ nói về phần cần đầu tư nhiều nhất trong bộ hồ sợ apply học bổng đó là research proposal và bài luận cá nhân (personal statement).

Tùy vào yêu cầu hồ sơ của chương trình, bạn cần xây dựng research proposal chi tiết hoặc sơ lược. Một số chương trình PhD và các chương trình học thạc sĩ không yêu cầu viết research proposal mà chỉ cần personal statement hoặc statement of purpose.

RESEARCH PROPOSAL

Tại sao mình “thích” viết research proposal?

Thực ra không phải là thích mà mình thấy với các chương trình yêu cầu research proposal thì mình có cơ hội cao hơn. Nguyên nhân là như đã nói ở Phần 1, hồ sơ của mình không mấy ấn tượng, GPA ở mức sàn, mình cũng không có publication hay kinh nghiệm giảng dạy gì. Mình không thể quay lại quá khứ để học hành chăm chỉ hơn nên với mình research proposal là yếu tố duy nhất mình có thể cố gắng và gỡ gạc cho bộ hồ sơ của mình.

Research proposal thể hiện rất nhiều điều về ứng viên: Kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng viết, kế hoạch nghiên cứu, tiềm năng và những đóng góp của nghiên cứu trong tương lai. Bởi vậy, khi hồ sơ yêu cầu research proposal thì personal statement cũng chỉ là phụ, vì hội đồng sẽ chấm proposal là chính. Tất cả các kỹ năng cần thiết, niềm đam mê, nhiệt huyết của bạn đã ở trong research proposal hết cả rồi. Reserch proposal tốt thì tất cả những điểm trừ khác (từ GPA thấp, không có kinh nghiệm, thậm chí là chưa có bằng Master…) sẽ lu mờ.

Quá trình xây dựng research proposal cũng là khoảng thời gian mình được trực tiếp làm việc với giáo sư hướng dẫn mình đã liên hệ được, xem mình với thầy làm việc chung có phù hợp hay không. Mình khuyên chân thành là để có một research proposal tốt, bạn cần phải có giáo sư hướng dẫn. Bạn có thể có mentor, nhưng giáo sư hướng dẫn làm việc trực tiếp trong trường bạn xin học bổng sẽ hiểu về ưu tiên, định hướng nghiên cứu của trường hơn. Ngoài ra, đôi khi thầy còn có tiếng nói trong hội đồng xét tuyển nữa.

Như rất nhiều người apply học bổng đi trước đã nói, học bổng không chọn người giỏi nhất mà chọn người phù hợp nhất. Đến Albert Einstein còn bị từ chối đến bao lần. Ngay cả khi bạn có một nghiên cứu tiềm năng đạt giải Nobel đi chẳng nữa mà không phù hợp với định hướng nghiên cứu của khoa thì cũng khó được chọn. Giáo sư hướng dẫn sẽ là người cho bạn biết định hướng nghiên cứu của khoa như thế nào.

Tóm lại, ngoại trừ việc bạn tự tin với profile của bản thân và chắc chắc mình tỏa sáng lu mờ tất cả những ứng viên khác, thì hãy chăm chút cho research proposal nếu hồ sơ yêu cầu.  Đây là phần quan trọng nhất, quyết định số phận bộ hồ sơ của bạn nên hãy chăm sóc nó trong từng hơi thở.

Cách mình viết research proposal

Sau nhiều bản hướng dẫn viết research proposal đã đọc thì mình thấy hướng dẫn của University Of Edinburgh là rõ ràng và inspiring nhất.  

Bạn có thể tham khảo ở link sau: https://www.ed.ac.uk/studying/postgraduate/applying/your-application/research-proposals

Còn hướng dẫn xây dựng research proposal khoa học và chi tiết nhất thì là bài báo này 

Essential Ingredients of a Good Research Proposal for Undergraduate and Postgraduate Students in the Social Sciences 

Độ dài của Research proposal tầm 10 trang (3500 từ), tùy chương trình yêu cầu research proposal sơ lược hay chi tiết. Thông thường, research proposal gồm các phần: 

  • Introduction 
  • Literature review + Research Gap discussion 
  • Research objectives, research questions 
  • Methodologies 
  • The potential impact, research contribution and significance 
  • Reference   

Nội dung thì tùy ngành và tùy ý tưởng của bạn nên mình cũng không biết chia sẻ như thế nào. Chỉ có vài kinh nghiệm.

PhD thiên về học thuật nên hãy cố gắng nhấn mạnh academic contribution hơn là management implications. Đó là lỗi mình thường gặp lúc mới apply vì mình làm cho doanh nghiệp, và mục đích nghiên cứu của mình cũng là giải quyết vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, PhD sẽ phải phát triển knowledge, nên mình cần nhấn mạnh, nghiên cứu của mình sẽ tiềm năng đóng góp cho khung lý thuyết nào.

Đọc kỹ phần Research impact, Research Strategy của trường, của khoa để định hướng nghiên cứu cho phù hợp, nghiên cứu của bạn đóng góp cho nghiên cứu chung của Khoa/ Research Group như thế nào?

Hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, vì xây dựng research proposal có thể mất hàng năm. Lúc lên ý tưởng đến lúc viết thật khác nhau rất nhiều. Cứ mỗi lần đọc lại bạn sẽ lại thấy có có gì đó không ổn. Mình viết đi viết lại với vô số lần sửa bởi thấy câu hỏi nghiên cứu chưa rõ ràng, hay phương pháp chưa hợp lý hoặc đơn giản là Introduction đọc lại thấy quá dở hơi. 

Để làm literature review, mình phải đọc rất nhiều, và càng đọc càng thấy có ý tưởng. Một điều thiệt thòi khi bạn bạn apply PhD từ Việt Nam mà chưa từng học ở nước ngoài là khó đọc được các nguồn tạp chí khoa học chính thống. Hồi học đại học ở Việt Nam (mình học Ngoại Thương), mình tham gia rất nhiều lớp phương pháp nghiên cứu khoa học, được nghe “cần lấy thông tin từ tạp chí khoa học, phải tìm trên Google Scholar, không được được google thường hay wiki” nhưng mãi đến lúc đi du học mình mới biết tạp chí khoa học quốc tế để đọc. Các trường đại học nước ngoài sẽ có nguồn thư viện mở cho sinh viên, còn ở Việt Nam do nguồn quỹ hạn chế nên không phải trường nào cũng có nguồn tài liệu này.

Sau khi mình tốt nghiệp 18 tháng thì Account sinh viên ở Westminster của mình bị cắt. Mình phải đi mượn account của bạn bè, hoặc đưa link các bài báo để thầy mình download về hộ. Do đó, để có các tài liệu tham khảo, bạn hãy vận dụng tất cả mạng lưới, sự giúp đỡ, kỹ năng tìm kiếm của bản thân nhé.

Ngoài supervisor, bạn cần một người có kinh nghiệm đọc bài hộ. Mình có nhờ thầy mentor của mình ở Westminster và anh bạn vừa được nhận PhD đọc hộ. Nếu họ cùng ngành với bạn thì tốt nhưng nếu không thì họ sẽ cho bạn biết chỗ nào bất hợp lý, thiếu logic. Hay ít nhất, họ biết bạn có theo đúng format của research proposal hay không.

Ngoài ra trong quá trình viết, mình sử dụng Grammarly để kiểm tra ngữ pháp và Quilbot để diễn đạt câu cho đa dạng hơn. Mình rất hài lòng vào chất lượng của 2 sản phẩm này và ước gì mình biết dùng sớm hơn từ hồi học Master thì viết bài thấy tự tin hơn hẳn.

BÀI LUẬN CÁ NHÂN

Đầu tiên, bạn cần xem kỹ hồ sơ yêu cầu Personal Statement hay Statement of Purpose. Có rất nhiều bài nói về sự khác nhau giữa Personal Statement và Statement of Purpose rồi nên mình sẽ không viết lại nữa. Mình sẽ tập trung nói về kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân của mình.

Trải nghiệm của mình với bài luận cá nhân

Thực lòng mà nói, mình rất sợ viết bài luận cá nhân. Nó giống như kiểu bạn phải rút hết ruột gan ra để trưng bày ra ngoài vậy. Cũng chính bởi tính cá nhân ấy mà mình nghĩ không ai có thể giúp bạn sửa được bài luận cá nhân của bạn cả. Họ có thể nhận xét, có thể đặt câu hỏi, có thể nói cho bạn chỗ này có vấn để ở đâu, nhưng chẳng ai có thể nói cho bạn viết về bản thân mình thế nào, đam mê ra sao. Tất cả những điều đó nằm ở bên trong bạn, ở những gì bạn đã trải nghiệm trong cuộc sống. Có lần cũng có bạn hỏi mình là “Câu chuyện đưa ra trong bài đã hấp dẫn chưa, nếu chưa được thì sửa thế nào?”. Mình trả lời được vế đầu nhưng vế sau thì cảm thấy bất lực vì mình đâu để sửa được quá khứ của bạn ấy. Mình cũng đâu biết được bạn đã trải qua những kinh nghiệm gì để bảo bạn kể câu chuyện nào.

Có một kinh nghiệm mà những người bạn của mình chia sẻ với nhau là khi viết bài luận cá nhân, thay vì đưa cho “một dịch vụ mà bạn mới biết mấy hôm”, hãy đưa nó cho một người mà bạn nghĩ họ hiểu mình nhất và hỏi rằng “Liệu họ có thấy con người bạn trong những gì đã viết không?”. Nếu bạn không tự tin mình viết đã mượt hay đúng ngữ pháp chưa thì hãy dùng Grammarly và Quilbot.

Tất nhiên, việc tìm hiểu xem chương trình yêu cầu gì, tìm kiếm những yếu tố thế nào và bạn đưa luận điểm, ví dụ ra để thể hiện mình xứng đáng là việc của bạn. Mình nghĩ đó là việc cần đầu tư suy nghĩ, và được sửa sang phù hợp cho từng học bổng. Có một sai lầm của mình khi tốt nghiệp đại học. Khi ấy mình chưa biết mình sẽ apply học bổng nào nên mình đã theo lời quảng cáo thử dịch vụ “sửa hồ sơ du học”. Mình sẽ không nhắc tới dịch vụ đó của ai, nhưng đến giờ nhìn lại thì mình có thể nói là dịch vụ khá “tệ”. Khi viết personal statement, thầy có một list câu hỏi, bao gồm liệt kê thành tích của mình từ hồi cấp 3. Xong mình nói là “Em nghĩ cái này không cần thiết”, thì thầy vẫn bảo phải liệt kê hết ra, và đến lúc đọc lại bản hoàn chỉnh đến bản thân mình còn thấy chán. Mình nghĩ đó là sai lầm của mình, như mình đã đi một con đường mà chẳng biết đích đến là đâu, rồi bị dắt đi lòng vòng, ép vào trong cái template để rồi vừa mất tiền vừa mất thời gian.

Trước khi viết luận hãy đọc kỹ xem câu hỏi yêu cầu gì đã. Nếu bạn chưa biết apply học bổng nào thì việc đầu tiên là đi tìm thông tin học bổng mình có thể apply được trước khi bắt tay vào viết. Một số nguồn thông tin tìm học bổng mình đã viết trong post trước.

Những lỗi mình thường thấy khi viết Personal Statement/ Statement of Purpose

Có lần, 1 bạn nhờ mình đọc hộ bài luận apply học bổng Chevening. Khi mình mở ra thấy một bài dài 3 trang. Nếu đã tìm hiểu học bổng Chevening các bạn sẽ biết là bài luận của Chevening hỏi 4 câu hỏi, mỗi câu không quá 500 từ. Do đó, lúc mở file bạn ấy gửi ra mình cũng thấy hơi “mất bình tĩnh”. Sau đó, mình đã cố gắng đọc nội dung bài luận bạn ấy gửi, để sắp xếp vào 4 câu hỏi của Chevening nhưng thất bại. Khi mình nhắn lại thì bạn ấy bảo “cứ viết một bài thế để mình đọc trước, sau này apply học bổng nào cũng được”. Mình cạn lời luôn. Từ nhỏ có câu chúng ta được nghe đi nghe lại, mình nghĩ nó rất đúng “ĐỌC KỸ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TRƯỚC KHI DÙNG”.

Các bài luận bạn từng viết hãy lưu lại, bởi nó sẽ có sự kế thừa. Hay thậm chí, bạn có viết nhật ký, khi bạn đọc lại bạn cũng sẽ có thêm ý tưởng để trình bày vào bài luận. Tuy nhiên, bạn không thể dùng 1 bài luận cho tất cả học bổng.

Mỗi khi đọc bài luận cho các bạn, mình thường tìm kiếm sự khác biệt. Mình thích những ví dụ cụ thể và những câu chuyện đậm chất riêng. Có rất nhiều lần mình nhận xét là “bài luận này thay tên người khác vào chắc cũng đúng” bởi nó quá chung chung. Thậm chí, có những ý mà gần như bài luận nào mình cũng thấy. “Từ nhỏ có ước mơ đi du học, nhưng nhà không có điều kiện, lớn lên chăm chỉ học hành để thực hiện ước mơ của mình”. Mình cũng từng viết câu này và tên bạn của mình cho câu nhận xét khiến mình khá “đau” là: “Đừng xin lòng thương của người khác, đây không phải tổ chức từ thiện”. Xét một cách thực tế, người ta không cho bạn mấy tỷ để bạn thực hiện hóa ước mơ của mình đâu, họ cũng không quan tâm bạn yêu đất nước của họ thế nào cả. Điều duy học bổng tìm kiếm ở ứng viên là những tiêu chí được nếu rất rõ ràng trong bài giới thiệu họ đã công bố, và quan trọng là bạn làm được gì cho họ. Hơn nữa, ý này rất nhiều người viết, cũng không phải một nội dung hay để bài luận thêm ấn tượng. Hãy dành số từ ít ỏi cho những gì khiến bạn nổi bật.

Một lỗi hay gặp khác là các bạn liệt kê rất nhiều thành tích hoạt động ngoại khóa nhưng không liên quan đến ngành bạn muốn xin học bổng. Ví dụ, apply học bổng Chevening sẽ có 1 bài luận về leadership. Ở đây, các bạn thường kể là mình là chủ tịch câu lạc bộ sinh viên, một đội nhóm về môi trường, bình đẳng… trong khi bạn apply ngành Tài chính. Bạn thường thấy trên Kênh 14 thỉnh thoảng có bài báo tít là “Nữ sinh giành học bổng tiền tỉ nhờ bài luận về…” và vào đọc thấy thành tích ngoại khóa rất nhiều. Tuy vậy, đó thường là các bạn apply đại học, khi chưa học các môn chuyên ngành thì hoạt động ngoại khóa để đánh giá tính cách, tiềm năng. Với bậc học Thạc sĩ và đến Tiến sĩ thì đòi hỏi bạn thể hiện trình độ học vấn và tiềm năng phát triển trong ngành bạn muốn theo đuổi. Mình nhớ khi ở vòng phỏng vấn Chevening, các câu hỏi mình đươc hỏi cũng lặp lại 4 câu bài luận thôi nên mình phỏng vấn chỉ trong 35 phút. Tuy nhiên ban giám khảo hỏi kỹ về “Bạn thể thiện leadership trong công việc thế nào? networking có vai trò thế nào trong công việc của bạn?”.

Hoạt động ngoại khóa ở đại học quan trọng nhưng vai trò như thế nào, mình đã viết rất chi tiết trong bài dưới đây.

Mình cũng xem một vài video của các thầy cô đọc hồ sơ của các trường đại học và họ cũng nói về các lỗi sinh viên thường gặp khi viết bài luận. Trong đó, có một lỗi là “When I was a child…”. Các thầy khẳng định, tôi không quan tâm đến từ nhỏ bạn thế nào, tôi quan tâm đến bạn của hiện tại ra sao.

Chẳng ai khẳng định rằng bạn mơ ước từ nhỏ đến giờ thì bạn sẽ làm giỏi hơn một người vừa mới tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình ngày hôm qua. Thay vì “kêu nghèo kể khổ”, nói chuyện xa xăm hãy viết những điều mà người đọc cảm thấy bạn là người tích cực, thực tế và làm được việc và tập trung vào hiện tại. Cũng đừng loay hoay giải thích điểm yếu trong hồ sơ của bạn mà tập trung làm nổi bật điểm mạnh.

Bạn có thể tham khảo video dưới đây. Trong này là ý kiến của hội đồng đọc hồ sơ chứ không phải của blogger nào đã từng làm thí sinh đâu nhé.

Bài viết về các lỗi trong bài luận Chevening do Reading Committee đưa ra, bạn cũng có thể tham khảo:

Where did I go wrong? Reading Committee feedback for applicants

Trên đây là kinh nghiệm làm và viết hồ sơ của mình. Có một kinh nghiệm rất quan trọng đó là Practice make perfect. Hãy bắt tay vào gõ những dòng đầu tiên bạn nghĩ đến dù bạn thấy nó có nham nhở hay tầm thường. Tuy vậy, mỗi hành trình lớn đều bắt đầu từ bước chân nhỏ bé. Chúc bạn may mắn.


Cám ơn bạn đã đọc tới đây. Đừng quên theo dõi Blog qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Nếu thấy Blog hữu ích bạn có thể ủng hộ Blog bằng nhiều hình thức tại phần Donation

Những bài viết khác cùng chủ đề Du học – Học bổng