Sau khi chia sẻ về kinh nghiệm apply PhD của mình ở bài trước, bài viết này mình sẽ chia sẻ về một phần quan trọng trong quá trình apply đó là tìm supervisor và chuẩn bị phỏng vấn. Kinh nghiệm của mình phù hợp với các chương trình studentship ở UK.

Thực ra tìm trường và tìm supervisor luôn gắn liền với nhau. Mình apply ở PhD UK, tìm được supervisor phù hợp mà trường không có học bổng thì cũng không được, mà trường dù có học bổng mà không tìm được supervisor phù hợp thì chắc chắn chẳng qua được vòng gửi xe. Ở các dự án, thầy là người quyết định chọn nghiên cứu sinh, dự án phù hợp nhưng thầy không thích mình thì cũng lại chẳng được. Quá trình tìm trường, tìm supervisor cũng không dễ dàng.

1.    Tại sao liên hệ với supervisor lại cần thiết

Chọn thầy cực kỳ quan trọng, vì hồ sơ của bạn phải được ít nhất 1 thầy cô nhận hướng dẫn, bạn mới được offer admission. Sau đó, bạn mới mới được xét học bổng. Ngoài ra, supervisor cũng là người quyết định những năm tháng cuộc đời nghiên cứu sinh của bạn ra sao nên phải chọn cẩn thận.

Một số chương trình nói không bắt buộc liên hệ với giáo viên hướng dẫn nhưng mình khuyên rằng đối với các chương trình yêu cầu research proposal trong hồ sơ ứng tuyển, bạn nên tìm và liên hệ với giáo viên hướng dẫn bạn thấy tiềm năng trước. Những điều supervisor có thể giúp bạn bao gồm:

  • Xem xét sự phù hợp, supervisor bạn thấy tiềm năng còn có slot để nhận thêm sinh viên không?
  • Xem hồ sơ của bạn có phù hợp với chương trình PhD hay không?
  • Phỏng vấn, trao đổi trước xem bạn và thầy có khả năng hợp tác hay không?
  • Nói cho bạn về khả năng funding của khoa/trường.
  • Sửa research proposal cho bạn.
  • Nếu trường không có funding thì thầy xem xét tìm nguồn ngoài cho bạn.

Việc liên hệ trước với giáo sư không chỉ giúp bạn chắc chắn hồ sơ của mình được 1 người đọc và xem xét mà thầy có sửa hồ sơ chuẩn chỉnh, phù hợp với hướng nghiên cứu của trường hơn. Lúc viết xong research proposal bản đầu tiên mình cũng thấy ổn lắm, nhưng sau trăm lần bị dập lên dập xuống thì đọc lại thấy mình thật ngô nghê. Do đó, tìm được một người có thể hướng dẫn cho bạn thì con đường đi rõ ràng và tươi sáng hơn rất nhiều.

2.    Cách mình tìm trường và tìm supervisor

Lựa chọn đầu tiên, bạn có thể nghĩ đến là xem trường/khoa bạn học Master có học bổng PhD hay không? Nếu có, hãy liên hệ và tiếp tục trao đổi với course leader hoặc supervisor khi học master của bạn. Nếu trường cũ của bạn không có Funding hay Research Position để bạn tiếp tục học lên PhD (như trường hợp của mình) thì bạn có thể tìm giáo sư theo các cách sau:

  • Cách 1: Tìm các cơ hội học bổng, Studentship, Project trên các trang web. Mình thường tìm trên FindaPhd.com. Nhớ subscribe để nhận cơ hội mới liên tục. Khi thấy trường có học bổng, research area có lĩnh vực mà bạn quan tâm, thì hãy lướt qua danh sách các academic members trong khoa để chọn người phù hợp. Trong trường hợp, nếu project có sẵn thầy chủ nhiệm rồi thì bạn chỉ cần đọc profile của thầy đó thôi.  
  • Cách 2: Đọc lại các giáo trình xem tác giả tâm đắc nhất của bạn là ai, họ dạy ở đâu, nghiên cứu profile của thầy xem thầy còn nghiên cứu, giảng dạy tại trường không, các project nghiên cứu mới nhất của thầy thế nào. Chúng ta cũng thường có một cuốn sách gối đầu giường, với một “thần tượng” đợi ngày được xin chữ kỹ nhỉ? Tuy vậy, cách này chưa chắc đảm bảo về funding và thầy chưa chắc đã thích bạn, nhưng mình nghĩ nên thử. Đây là cách mình làm khi tìm 2 thầy ở Mỹ, 1 ở Bỉ và 1 thầy ở UK.
  • Cách 3: Gần giống cách 2, search từ khóa chủ đề nghiên cứu của bạn lên google scholar để đọc các bài báo mới nhất trong lĩnh vực bạn quan tâm. Sau đó, xem profile tác giả, thực hiện các bước như cách 2.

Ngay cả khi thầy và trường chưa có funding tại thời điểm này thì hãy follow LinkedIn, Twitter, Website của thầy vì cơ hội có thể đến bất ngờ. Mình đã tìm thấy 1 cơ hội ở Bỉ trong một ngày rất đẹp trời vừa mở LinkedIn ra như vậy. Ngoài ra, mình còn cập nhật được các nghiên cứu mới của họ cũng hỗ trợ quá trình nghiên cứu của mình.

Còn một cách khác phù hợp với những ngành hẹp ít lựa chọn. Ngoài việc hỏi thầy giáo trường mình học Master xem có project nào không, thì mình cũng gửi mail cho các course leader của các chương trình tương tự của các trường khác, hỏi về các project, hoặc cơ hội Teaching / Research Assistant. Thực ra ở UK, cơ hội này không nhiều nhưng hãy thử.

Chuyện tìm chương trình phù hợp của mình cũng khá dài, mình sẽ chia sẻ trong bài viết sau. Nhưng dù có mò kim đáy bể thế nào, nếu kiên trì, bạn sẽ tìm được những điều bạn tìm kiếm thôi.

“Nếu như bạn thật sự mong muốn có điều gì thì vũ trụ sẽ giúp bạn có được nó. Nếu bạn thực sự mong muốn làm PhD thì Findaphd.com, Google hay một người thầy phù hợp sẽ giúp bạn đạt được điều đó.”

3.    Liên hệ giáo sự với tỷ lệ response 100%

Mình có liên hệ với rất nhiều potential superviosr tại Mỹ, UK, Bỉ, và Thụy Sĩ, nhưng chủ yếu là UK. Ngay cả đối với các funded project, mình đều liên hệ trước và gửi reserch proposal để thầy đọc trước khi nộp. Tất các giáo sư đều trả lời email của mình trong vòng 1 tuần. Mình không nghĩ là việc liên hệ giáo sự là điều khó khăn nhưng sau khi mọi người nói về chuyện gửi email cho giáo sư mãi không phản hồi, mình mới biết mình may mắn đến thế nào. Khi mình tập phỏng vấn và nói với bạn mình là “Đây là buổi phỏng vấn thứ 6 của em trong 6 tháng qua”, bạn mình bảo “Em hãy vui mừng vì thành tích đó, bạn anh liên hệ 10 thầy mà chả ai reply”.

 Nhưng dù khó thế nào thì cũng cứ gửi mail đi đừng sợ! Bạn hãy nghĩ việc liên hệ với giáo sự một cách đơn giản. Tại sao chúng ta sợ? Người ở trong email đâu có làm gì được mình? Nếu được phản hồi thì vui. Nếu thầy đọc nhưng không trả lời thì ít nhất có thêm 1 người biết đến bạn và những gì bạn đang làm. Cuộc đời này rộng lớn, khả năng gặp lại cũng không nhiều nên cũng không phải xấu hổ.  Còn nếu bạn không gửi thì bạn chẳng nhận lại gì cả.

Sau khi bạn đã tìm hiểu thầy, cảm thấy phù hợp, bạn hãy viết 1 email trình bày lý do tại sao liên lạc, và bày tỏ mong muốn được làm việc với thầy. Năm đầu tiên apply, mình có danh sách các thầy mình muốn nghiên cứu cùng. Người đầu tiên mình gửi email là 1 thầy khoa hàng không vũ trụ, đại học MIT. Thầy rất có danh tiếng trong ngành hàng không, tác giả cuốn sách hàng không mình yêu thích. MIT là đại học đứng đầu. Mình hi vọng thầy sẽ trả lời mình trong 1 tháng nhưng thầy trả lời mình trong 5 ngày. Điều quan trọng mình tự tin hơn rằng, người nổi tiếng ở đại học danh giá vậy còn reply email của mình trong 5 ngày, nên mình cứ tự tin liên hệ thầy khác thôi.

Thật lòng mà nói, tất cả các giáo sư mình liên hệ, mình đều thấy họ rất nice, không chỉ reply mà họ còn chỉ ra những vấn đề sâu hơn để giúp mình cải thiện research proposal. Vì đẳng cấp của giáo sư (full professor) có thể nhìn thấy những điều bạn không thấy. Đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời mở mang tầm mắt rõ rệt. Thậm chí vòng apply scholarship, có supervisor còn chữa cho mình những lỗi rất nhỏ. Ngay cả khi thầy nói trường không hết Fund, nhưng vẫn conference call với mình để trao đổi giúp mình sửa research proposal để đợi cơ hội khác. Một người bạn khác của mình, khi anh ấy gửi email cho giáo sư, mặc dù chương trình không có funding nhưng cô còn giới thiệu anh cho một giáo sư khác. Bởi vậy, hãy gửi đi, đừng sợ, cuộc đời bạn sẽ thay đổi sẽ khi bấm nút send.

4.    Mình chuẩn bị gì trước khi liên hệ potential supervisor?

Bước 1: Xác định vấn đề nghiên cứu của mình, viết CV, sơ lược research proposal.

Bước 2: Sau khi xác định được potential supervisor, nghiên cứu profile của thầy, xem research interest có phù hợp với mình không. Đọc những nghiên cứu của thầy gần đây có gì mới, đọc quyển sách best seller của thầy (nếu có), các bài phỏng vấn insights/articles trên báo, và nếu có thể hãy đọc PhD Thesis của thầy dù nó rất cũ rồi. Đọc qua PhD Thesis của sinh viên gần đây thầy hướng dẫn. 

Bước 3: Chỉnh lại research proposal một chút, thêm reference của thầy vào. Thực ra, nếu hướng nghiên cứu của 2 người hợp nhau thì bạn không cần sửa research proposal nhiều, vì bạn tìm thầy hợp với mình chứ đâu thay đổi mình để hợp với thầy.

Bước 4: Gửi email giới thiệu bản thân cùng những mong muốn của mình kèm CV (lưu ý chỉ cần CV, không cần research proposal trong email đầu tiên). Nếu thầy quan tâm đến bạn, hẹn phỏng vấn hoặc đồng ý xem research proposal thì email sau hãng gửi.

Những điều bạn có thể viết trong email:

  • Giới thiệu bản thân (1-2 câu)
  • Lý do liên hệ với thầy? Tại sao?
  • Giới thiệu vấn đề mình muốn nghiên cứu.
  • Đề xuất trao đổi với thấy về các cơ hội nghiên cứu trong tương lai…

Lưu ý: Đừng dài dòng phần giới thiệu bản thân, vì bạn biết đấy, khi mình gửi mail cho các giáo sư ở trường danh tiếng thì thầy cũng chẳng wow khi thấy profile của mình đâu. Hãy dành thời lượng miêu tả về vấn dề nghiên cứu bạn quan tâm. Hãy thể hiện mình là người đã nghiên cứu kỹ vấn đề, giải thích tại sao gửi mail cho thầy, vì sao muốn thầy làm supervisor của mình, và tất nhiên là thể hiện mong muốn học hỏi, cùng thầy phát triển. Giới thiệu bản thân thì ở CV có hết rồi.

Một người anh của mình học PhD ở Đức, cho mình một bí quyết cực ưu việt nhưng đòi hỏi bạn phải đầu tư suy nghĩ hơn một chút. Đó là tìm ra điểm có thể cải thiện, hoặc một hướng đi mới trong nghiên cứu hiện nay của thầy, trình bày ý tưởng và kết thúc mail bằng câu hỏi “Thầy nghĩ sao về điều này?”. Khả năng thầy hẹn Video Call sang tuần là rất cao. Làm được điều này vừa thể hiện sự tìm tỏi, critical thinking, cũng như sự chân thành “em quan tâm thầy thật lòng”.

Không phải trường nào mình cũng làm được điều trên vì mình apply có trường cũng khá vội. Quy trình của mình thường theo các bước: Mình gửi email, nếu thầy vui vẻ nhận lời thì gửi research proposal, sau đó thầy hẹn Video Call bàn luận thêm, hoặc góp ý trược tiếp qua mail và mình submit, hẹn gặp lại thầy tại hôm phỏng vấn chính thức với đại diện Research Office của Khoa.

Nhìn chung mình thấy khi tìm được người phù hợp (chân ái) thì những bước sau sẽ xuôi hơn và việc sửa research proposal cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Lưu ý:

  • Mỗi thầy viết 1 email khác nhau chứ đừng dùng template rải mail giống nhau. Nếu bạn làm vậy với các thầy thì cũng đâu trách được thầy reply bạn bằng email tự động, hoặc cho bạn vào Spam.
  • Có thể sửa CV, ít nhất là phần research interest để phù hợp với thầy và chương trình.
  • Hãy chọn thầy hợp với mình, đừng cố thay đổi bản thân để hợp với thầy và chỉ chăm chẳm vào học bổng.
  • Hãy thể hiện sự cầu tiến, và đam mê của bạn thể hiện qua từng câu chữ bạn viết, đừng nói “em rất quan tâm đến thầy” mà không biết nghiên cứu gần nhất của thầy thế nào.
  • Hãy nghiên cứu thật kỹ profile và các nghiên cứu của thầy, các thầy đánh giá cao điều đó.
  • Quan trọng nhất HÃY LÀ CHÍNH MÌNH, đừng biến mình thành người khác để lấy lòng một người xa lạ.

Bạn có thể tham khảo thêm trong blog này: https://www.findaphd.com/guides/contacting-phd-supervisors

Mục 5, 6 dưới đây là những câu chuyện về những người thầy của mình. Phần này hơi cá nhân, và cũng dài nữa nhưng mình muốn ghi lại vì bản thân mình không muốn quên. Bạn có thể xem luôn xuống phần kinh nghiệm phỏng vấn ở bên dưới.

5.    Chuyện tìm supervisor của mình – Đúng người, đúng thời điểm.

Khi gửi email đầu tiên, mình cũng tim đập tay run, đọc đi đọc lại email mới dám bấm send. Mình gửi 2 email đến 2 thầy ở 2 trường cùng ngày. Tất nhiên là gửi riêng và custominzed từng thầy.  

Trường S ở UK, thầy đầu tiên mình liên hệ là course leader của  chương trình quản trị hàng không cũng từng làm việc với thầy trường mình học Master. Thầy trả lời thư sớm, thể hiện rõ là thầy rất thích profile của mình – “Your CV is so amazing”, rồi phỏng vấn riêng mình một lượt. Tuy vậy, khi ấy, mình chưa viết xong research proposal để gửi ngay. Mình chuẩn bị hồ sơ đợt cuối năm nghỉ lễ, thầy chưa kịp sửa Research proposal cho mình thì mình phải nộp cho kịp deadline 31/12. Mình vào vòng phỏng vấn nhưng không bảo vệ được Research proposal. Trường đầu tiên mình nộp, được phỏng vấn và trượt.  Bài học kinh nghiệm của mình ở đây, hãy draft trước research proposal và liên hệ potential supervisor càng sớm càng tốt. Deadline nộp hồ sơ cho kỳ mùa thu thường rơi từ tháng 12 đến tháng 3, nên tầm tháng 6-7 bắt đầu thì bạn sẽ nhiều thời gian chuẩn bị..

Thầy thứ 2 là thầy ở MIT, thầy trả lời là đề tài của thầy hết funding cho PhD Candidate vì ngành hàng không đang gặp khủng hoảng do dịch Covid-19 và khuyên mình gửi email sang giáo sư thuộc nhóm đề tài khác. Mình biết CV của mình cũng không ấn tượng với thầy. Mình không tìm được giáo viên khác cùng khoa nhưng vẫn nộp hồ sơ và điền tên thầy mình đã liên hệ vào SOP. Mình trượt ngay từ vòng gửi xe.  Cũng dễ hiểu. That’s MIT.

Một thầy khác cũng có các nghiên cứu về hàng không ở 1 Business School – UK, thầy trả lời là cần sinh viên có background tốt về Social Scinece. Cuối cùng, mình không làm hồ sơ nữa. Mỗi bộ hồ sơ đó không chỉ là công sức, thời gian của mình mà còn thời gian của thầy viết thư giới thiệu nữa, vì các trường thường yêu cầu referees gửi/upload LORs trực tiếp cho trường.  

Đến trường A, mình nộp hồ sơ khi không tìm được supervisor phù hợp và không liên lạc trước với thầy cô nào mà chỉ hú họa điền tên 1 academic staff mà mình thấy hơi hơi liên quan vào form proposed supervisor. Và mình không bao giờ nhận được phản hồi sau bộ hồ sơ đã gửi đó. 

Trường B, mình tìm thấy supervisor phù hợp và sửa research proposal của mình cho hợp với nghiên cứu của cô và điền tên cô vào form proposed supervisor. Tuy nhiên, mình nộp sát deadline nên mình không kịp liên hệ trước. Mình được gọi phỏng vấn, nhưng 2 người phỏng vấn mình đều không phải người mình đề xuất. Lý do cô giáo phỏng vấn mình nói là supervisor mình đề xuất hết slot hướng dẫn, còn 2 thầy cô khác nhận ra tiềm năng của mình. Mình trượt phỏng vấn nhưng không tiếc nuối vì mình thấy rõ ràng rằng mình và người phỏng vấn không có tiếng nói chung. Tuy vậy, mình rất biết ơn cô ấy đã dành thời gian cho mình. Khi cô hỏi, tại sao mình chọn chương trình này. Mình bị hỏi sâu và cuối cùng thì mình không trả lời được nên cô chuyển sang câu khác. Thực tế ở thời điểm đó, mình apply trường đó chỉ vì có available schoilarship thôi. Mình nghĩ cô ấy hiểu. Suốt buổi phỏng vấn, mình cũng tự hỏi, tại sao mình lại ở đây?  Và quay lại câu hỏi “Tại sao???”, bạn bạn thực sự đã thích chương trình này bạn sẽ trả lời được câu hỏi phỏng vấn này rất dễ dàng chứ chẳng phải loay hoay như mình. Tới đây phải nhấn mạnh, sự phù hợp với supervisor là vô cùng quan trọng.  

Đến tháng 3/2021, mình thấy có thông tin trên web trường, và tìm được 1 giáo sư mình thấy phù hợp. Thầy hẹn conference call cũng giúp đỡ mình viết research proposal. Tuy nhiên thầy nói, hiện tại funding cho kỳ nhập học mùa thu cùng năm đã allocate hết, năm sau cũng chưa biết thế nào vì funding nghiên cứu bị cắt khá nhiều sau Brexit, và ảnh hưởng dịch bệnh. Funding cho business school ngành marketing lại càng ít. Và giấc mơ dang dở nhưng mình có một câu chuyện dài hơi ở phía sau.

Tìm thầy cũng cần đúng người, đúng thời điểm.

6.    Những người thầy của mình

Có 2 supervisor team ở 2 trường mà mình nhớ nhất. Là sinh viên quốc tế với profile chẳng có gì xuất sắc, không tốt nghiệp trường top hay không có publications, và người ta vẫn hay nói về Asia hate, hay người Anh chảnh lắm, minh cũng chẳng dám hi vọng nhiều. Nhưng các thầy mình gặp luôn khiến mình phải tự hỏi “Sao thầy tốt với em thế nhỉ?”.

a.    Người hướng dẫn cho mình từ những điều nhỏ nhất

Mình apply Cardiff 2 năm liền và đều nhận được offer nhưng không có học bổng. Lần ấy, sau khi đọc profile của cô giáo, mình thích luôn. Cũng vì hạn nộp đến gần, mình sửa research proposal, và nộp cho kịp deadline. Sau đó mình mới gửi mail cho cô. Một tháng sau, mình nhận được interview invitation. Trong buổi phỏng vấn, mình gặp 3 người trong supervisor team. Sau 1 tiếng phỏng vấn, các cô gửi mail đồng ý nhận hướng dẫn mình và feedback để giúp mình sửa research proposal để nộp học bổng trường. Phải nói là các cô sửa rất kỹ. Mình cảm giác như hồi năm nhất đại học lần đầu tiên làm nghiên cứu, cô giáo sửa te tua. Giờ cũng vậy và mới thấy, kinh nghiệm bao năm làm nghiên cứu quá nhỏ nhoi để qua cửa ải này.  

Mình nhớ chiều tháng 3 năm 2021, nhận kết quả ở Cardiff, mình vừa cầm điện thoại lên thấy email mới bắt đầu bằng dòng “Thanh you for…”. Kinh nghiệm apply học bổng của mình cho biết, email bắt đầu bằng dòng này có nghĩa mình đã trượt. Mình ngồi khóc cả buổi chiều. Mình khóc vì đó là cơ hội cuối cùng mình còn lại cho kỳ nhập học mùa thu 2021. Vậy là mình đã không còn cơ hội nào cả. Ngồi khóc chán chế, mình quyết định đi ra ngoài để quên đi.

Tối về, mình viết mail cho 3 cô giáo hướng dẫn, cám ơn vì cô đã nhận lời hướng dẫn mình, nhưng mình không thể đi học. Điều bất ngờ là cả ba cô viết lại cho mình những email rất dài, an ủi, khiến mình rất cảm động và còn thấy tội lỗi “Các cô thật tốt với em, và em xin lỗi vì mình không đủ tốt”. Các cô đồng ý giữ liên lạc để giúp mình nộp hồ sơ vào năm sau, đồng thời cho mình lời khuyên.

“Yes…..its very disappointing. But the main thing is to remember that you learnt a few things as part of the process which will help you going forward.”

Các cô khiến mình nhớ lại hồi mình làm nghiên cứu ở trường đại học, mình cũng có cô giáo hướng dẫn “dìu dắt” mình hết mực. Và cô cũng từng nói với mình

“Giữ vững ước mơ của mình nhé, sau này em sẽ thấy ý nghĩa của những vất vả ngày hôm nay”.

Nếu không có những lời động viên này, không chắc mình còn đủ dũng cảm để bước sang năm thứ 2 tiếp tục apply. Sang năm 2022, mình liên hệ lại với cô để tiếp tục apply học bổng trường, nhưng supervisor team giờ chỉ còn 2 người là cô Carmela và Denitsa. Cô Carmela cũng từng đi học Master và PhD bằng học bổng trường, nên cô dường như hiểu mọi tâm tư của mình. Rút kinh nghiệm năm trước, các cô trao đổi với mình về định hướng nghiên cứu của trường, làm sao để tăng cơ hội học bổng và gửi cho mình rất nhiều tài liệu. Thường giáo sư rất bận, nhưng cô luôn bảo mình “Có việc gấp cứ gửi mail, cô có thể trả lời ngay”. Không chỉ research proposal, cô còn sửa cho mình cả personal statement nữa.

Sau 3 tháng nôp, đợi mãi không thấy email của trường, cố Denitsa gửi email cho mình email rất dài bảo, cô vừa hỏi Doctoral office, đã có kết quả rồi và bảo mình đừng buồn, cô không chắc nhưng sẽ tiếp tục tìm funding. Lần này mình cũng không buồn vì mình đã đỗ 2 học bổng khác, nhưng đọc những điều trao đổi với cô, mình thấy biết ơn vô cùng.

Mình rất tự hào vì đã nhận được offer từ Cardiff Business School, một ngôi trường danh giá, nhưng có lẽ duyên đển Wales chưa tới, hẹn cô ở UK một dịp khác.

b.    Cứ yên tâm, thầy lo”

Sau khi nhận kết quả lần 1 ở Cardiff cuối tháng 3/2021, mình thấy cơ hội ở Henley Business school – Reading. Lúc tìm đọc các bài nghiên cứu trong khoa, mình đọc được một bài insight về hành vi du lịch hàng không sau Covid và mình phải thốt lên rằng “Đây chính là người bấy lâu nay mình tìm kiếm”. Đến bây giờ, mình vẫn tin vào chữ duyên này.

Thầy là trưởng khoa và đã xuất bản nhiều sách nổi tiếng. Mình gửi email cho thầy như đúng các bước, thầy hồi âm, hẹn conference call. Thực ra, mỗi lần nói chuyện với thầy mình đều dùng Transcribe vì dù giọng thấy rất ấm, chuẩn British nhưng mình nghe không rõ. Qua trao đổi email với thầy mình cũng học khá nhiều từ mới. Thầy nói thời điểm đó, trường đã allocate hết funding cho nghiên cứu, nhưng thầy vẫn nhận lời giúp mình sửa research proposal. Đồng thời, hai thầy trò cùng tìm funding, dù không có gì hứa hẹn trước. Mình biết việc chờ đợi funding thật mông lung, nhưng chính sự mung lung ấy cho mình nhận ra mình thích nghiên cứu thực sự, và việc được một giáo sự dìu dắt, nó mở ra “một chân trời bao la của những điều mình chưa từng nghĩ đến”.

Mình làm việc liên tục, sửa research proposal gần 1 năm. Mình gửi updated research proposal cho thầy, rồi thầy hẹn conference call để trao đổi mỗi tháng 1 lần. Khi đọc lại bản đầu tiên mình gửi cho thầy với bản cuối cùng mình nộp cho trường, cảm giác như được viết bởi 2 người khác nhau. Từ research interest của mình ban đầu, còn khá mơ hồ, thấy dẫn mình tìm hiểu sâu hơn vấn đề, đào sâu hơn về theory, xây dựng research framework. Chính đề tài nghiên cứu này đã giúp mình tìm được 1 từ tiếng Anh bắt đầu bằng chữ A (chữ cái đầu tiên trong tên của mình – Anh), phù hợp để miêu tả bản thân mình và là điều mình hướng tới – Authentic. Cũng chính những tháng ngày miệt mài đọc và viết, những cuốn sách hay khai sáng mindset của mình được gợi ý liên tục. Mình cảm thấy một niềm vui thực sự là được nghiên cứu và được hướng dẫn.

Thế rồi, hơn nửa năm sau, mình tìm thấy cơ hội học bổng để học ở Reading – SeNSS (South East Network for Social Sciences). Đây là học bổng của nhóm các trường vùng Đông Nam UK dành cho các nghiên cứu xã hội, và mình có thể học ở Henley, Reading. Lúc ấy, mình vui lắm, gửi email thông báo ngay “cuối cùng em cũng đã thấy một cơ hội”. Thầy cũng sắp xếp một conference call luôn. Trong suốt buổi hôm đó, thầy không giấu nối sự vui mừng cũng như lo lắng vì “học bổng này rất cạnh tranh, và cả khoa chưa từng có ai đạt được” nhưng mình thấy có cơ hội để cố gắng là vui rồi.

Từ đây, thầy tìm giúp mình supervisor thứ 2. Ngay trong lần conference call đầu tiên, cô cũng nói cô đã hỏi khắp các đồng nghiệp và ai cũng nói học bổng này cạnh tranh lắm, có cách nào để supervisor apply fund rồi chọn sinh viên vào cho dự án thì dễ hơn cho mình. Nghe câu đó mình cũng hiểu mình được support thế nào. Khác với thầy gợi mở nhiều về theory, cô tập trung hướng dẫn mình về phương pháp nghiên cứu và trình bày research proposal. Sau 3 thàng miệt mài, hồ sơ cho SeNSS cuối cùng cũng xong.

Chuyện apply cũng không suôn sẻ. Đến đúng ngày mùng 3 Tết, mình nhận được email của trường nói mình bị từ chối admission lý do không tìm được supervisor phù hợp. Mình kỳ kèo với admission team một lúc không hiệu quả, thấy chuyện này sai quá sai. Mình đành gửi email cho thầy, lo lắm nhưng chẳng làm được gì chỉ còn cách đi ngủ. Sáng hôm sau ngủ dậy, mở email thấy thầy nhắn “Mọi chuyện thầy lo đâu vào đó rồi” và mình lại có thể ăn tết ngon lành.

Rồi mình qua vòng formal interview của khoa, nhận admission, từng bước qua các vòng của SeNSS. Cứ mỗi lần qua 1 vòng, mình lại gửi email cập nhật với thầy cô, và thầy đều chúc mừng. Qua vòng chuyên môn, nhưng đến vòng cuối cùng mình phải dừng lại. Sáng hôm ấy, mình như rớt xuống. Ở vòng cuối, sau khi ban chuyên môn đánh giá research proposal, hội đồng mới quyết định, ngành này có bao nhiêu suất, bao nhiêu suất cho home student, bao nhiêu cho international student. Có những điều bạn sẽ không thể kiểm soát được. Mình hiểu, Home Student luôn được ưu tiên hơn bởi học phí của International student cao gấp đôi sẽ tốn hơn cho học bổng. Người ta chẳng thể nào thay đổi màu da và dòng máu, và mình cũng chẳng hề muốn thay đổi. Mình đã cố gắng hết sức cho những điều mình có thể làm được. Qua vòng chuyên môn, mình đã mãn nguyện lắm rồi, bởi nó cho thấy research proposal của mình không tệ.

Lần này mình lại cập nhật một tin không vui, thầy nhắn lại sẽ forward hồ sơ của mình sang xét học bổng trường. Nhiều tháng sau, một phép màu nữa lại đến, mình nhận học bổng trường. Mình nghĩ nếu không nhớ thầy, mình không nhận được học bổng trường đâu. Nhưng do mình đã có lựa chọn riêng, mình suy nghĩ rất nhiều, cũng khóc rất nhiều nữa, cuối cùng mình vẫn quyết định từ chối cơ hội mà mình đã cố gắng và chờ đợi cả một năm trời. Đó điều mình thấy tiếc nuối và tội lỗi cho đến bây giờ. Mình biết mình làm thấy thất vọng. Bao nhiêu lời cảm ơn hay xin lỗi cũng không đủ.

Được sự hướng dẫn và ưu ái từ thầy đến vậy là điều mình chưa bao giờ dám kỳ vọng, nhưng phép màu vẫn đến với mình bất ngờ như thế. Người ta nói, mọi chuyện xảy ra đều có ý nghĩa. Một năm không quá dài, nhưng thầy đã dạy mình rất nhiều điều về nghiên cứu và tư duy.  Mình sẽ giữ cho mình một niềm tự hào nhỏ rằng mình được dìu dắt bới một giáo sư giỏi và tận tụy. Mình vẫn hi vọng có thể được nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy trong tương lai.

Mình đã nhận được sự giúp đỡ của những người thầy tốt bụng đến vậy đấy. Mình hi vọng bạn sẽ có thể giữ cho mình một hi vọng, rằng trên con đường bạn đi, sẽ có luôn có những những người sẵn sàng chỉ dẫn. Nếu bạn có ý định apply PhD vào Business school thì nhớ xem Cardiff Business School và Henley Business school nhé. Chương trình học bổng hàng năm để bạn chuẩn bị mình sẽ tổng hợp trong bài viết sau.

7.    Kinh nghiệm phỏng vấn  

Tất cả các buổi phỏng vấn của mình đều diễn ra online. Mình đưa phần phỏng vấn vào chung bài liên hệ với giáo sư hướng dẫn vì các giáo sư hướng dẫn là người sẽ phỏng vấn bạn là chính. Ngoài ra, hội đồng cũng cũng có thể có thêm trưởng khoa, Head of Postgrad research.

a.    Một số câu hỏi bạn có thể được hỏi trong quá trình phỏng vấn.  

  • Introduce yourself / Tell me about yourself (câu này 100% được hỏi nhé, còn các câu khác hên xui).  
  • What made you choose to do a PhD? Why now? 
  • Why have you chosen to study a PhD at this university/ this program? 
  • What do you plan to do after you complete your PhD? What is your goals and plans after the PhD? What is your future career plans? 
  • What are your strengths and weaknesses as a researcher? 
  • What difficulties do you expect to encounter during this project? How will you overcome it?  
  • Are there any training needs you can identify ahead of your PhD? 
  • Describe your project (objectives, questions, methodologies) 
  • Contribution to the research group / What can you bring to this research group? 
  • What makes you the right candidate for this PhD? 
  • How will you fund this project? 
  • What can you bring to this university/project. 
  • Do you have any question?  

Tham khảo cách xử lý các câu hỏi tại đây

https://www.findaphd.com/guides/phd-interview-questions

Chuyện phỏng vấn thì cơ bản có gì nói vậy, hoàn toàn trung thực. Mình chỉ có câu chuyện về một câu hỏi tương đối “phụ” ở cuối.

b.    Chuyện về câu “Do you have any question?”

Câu hỏi “Do you have any question?” nghe có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng nó lại cực kỳ quan trọng để thể hiện bản thân. Ít nhất, nó đã cứu mình 3 lần. Vì phần lớn mình đã trao đổi với giáo viên hướng dẫn của mình khá nhiều lần trước đó nên vòng phỏng vấn chính thức mình chỉ lo lắng về giảm khảo còn lại, thường là Head of Postgrad research của trường và đó là người quyết định có đầu tư cho bạn hay không.

Ở trường S, sau tất cả những câu hỏi mà mình đã không trả lời được vì bản thân mình không thuyết phục được tầm quan trọng của đề tài, mình thấy hội đồng, cả thầy supervisor từng cho mình những lời khen có cánh cũng tỏ rõ khuôn mặt chán nản. Đến câu cuối, em có câu hỏi gì nữa không, sau khi mình hỏi thì không khí buổi phỏng vấn khác hẳn. Cả ba thầy bỗng lại tươi cười và gật gù “You are really smart”. Được khen cũng vui vui nhưng kết quả là điều mình cũng dễ dàng đoán được, thư từ chối học bổng PhD đầu tiên trong sự nghiệp Apply.

Sang đến năm 2, lại một buổi phỏng với nhiều điều bất ngờ ở Reading. Sau pha thót tim ngày mùng 3 Tết, mình nhận được thư mời phỏng vấn. Thầy hướng dẫn của mình (thầy A) là trưởng khoa và mình đã xây dựng research proposal cùng thầy cả một năm nên thầy cũng nói với mình qua email là đó chỉ là một buổi phỏng vấn formal để đủ cơ sở offer PhD Admission. Nhưng thầy M bất ngờ xuất hiện. Mình nhận ra thầy M cũng là một giáo sư mình từng phân vân lúc tìm supervisor trong khoa. Thầy M có research interest khá hợp với mình nhưng nghĩ đi nghĩ lại mình quyết định chọn thầy A. Khi thầy M mới vừa vào màn hình phỏng vấn, thầy nói “Để tôi giải thích tại sao tôi xuất hiện ở đây vì tôi biết em đã có đủ team hướng dẫn rồi. Tôi thích research proposal của em và muốn đặt cho em một vài câu hỏi”. Trái với sư kỳ vọng của thầy, mình lại thất bại khi trả lời những câu hỏi mang tính định nghĩa cơ bản. Hai giáo sư hướng dẫn của mình cũng thở dài. Mình cứ phải cố lòng vòng lòng vòng nhưng mãi không giải quyết được câu hỏi.

Đến câu cuối “Do you have any question?”, sau khi mình đặt câu hỏi, thầy M cười bảo “Tôi nhận thấy em rất trung thực và sự thể hiện của em đúng với tất cả những gì em viết trong personal statement và điều tôi đã hình dung trước đó. Đọc hồ sơ của em, cách phát triển research proposal, việc em cố gắng xử lý câu hỏi và đến câu hỏi em đặt ra, tôi thấy sự tò mò về tri thức trong em và biết em có đủ tố chất để làm PhD thành công. Tất cả các vấn đề về funding em trao đổi thêm với 2 giáo sư hướng dẫn của mình. Tôi biết SeNSS rất cạnh tranh, nhưng dành được học bổng đó, thì sự nghiệp nghiên cứu sau này em không cần lo lắng gì nữa. Chúc em may mắn”. Vậy là cuối cùng buổi phỏng vấn mình thấy bản thân thật thất bại, mình vẫn nhận được Admission và sau đó là học bổng của trường.

Buổi phỏng vấn cuối cùng, cũng là buổi phỏng vấn quyết định cho sự học PhD của mình, diễn ra trong vòng 20 phút. Trong đó, ngay sau câu “Introduce yourself” mình được hỏi câu ‘Do you have any question?”. Mình nghĩ đây chính là cơ hội để mình có thể trao đổi, và thể hiện quan điểm của mình về đề tài, cũng như sự quan tâm đến chương trình tới đâu. Mình nhận học bổng ngay phỏng vấn.

Tóm lại, bạn đừng đánh giá thấp câu hỏi này mà hãy chuẩn bị nó thật kỹ vì câu hỏi này có thể “đảo ngược cuộc chơi”. Thực ra, cũng có một số hướng dẫn để trả lời câu hỏi này, nhưng mình nghĩ đặt câu hỏi gì tùy thuộc vào nội dung trao đổi trong buổi phỏng vấn và bạn thực sự tò mò điều gì. Do đó mình xin phép giữ lại bộ câu hỏi để hỏi lại ban giảm khảo mà mình luôn chuẩn bị sẵn trước mỗi cuộc phỏng vấn. Bạn nên có chuẩn bị một bộ câu hỏi riêng cho mình nhé.

8.    Lời kết

Làm việc với các supervisors là điều khiến mình được khai sáng nhiều nhất trong suốt quá trình apply PhD. Đó thực sự là hành trình với nhiều cảm xúc, sự trưởng thành và những điều đáng trân trọng.

Những người thầy dù bận rộn đến đâu nhưng vẫn luôn chào đón một sinh viên cầu tiến. Họ sẵn sàng mài giũa những viên ngọc thô, thiếu kinh nghiệm, đầy những khuyết điểm thành một viên ngọc sáng, một người nhìn thấy tiềm năng của bạn và hướng dẫn bạn để phát huy hết những tiềm năng đó vào việc có ích, người dạy cho bạn những điều hay để có thể tiến bộ hơn. Mình nghĩ đó mới là ý nghĩa thực sự của giáo dục và khiến một người thầy trở nên đáng quý.

Mình cũng nghe nhiều drama về supervisor, nhưng mình hi vọng những chia sẻ trên cho bạn một cái nhìn thoáng hơn và tự tin hơn. Như điều mình đã chia sẻ trong Phần 1 về những điều mình học được sau thời gian dài kiên trì apply “Cho đi chân thành, bạn sẽ nhận lại chân thành”. Chỉ cần bạn dũng cảm bước qua cánh cửa của những lo âu, sợ hãi và những định kiến, sẽ có một người sẵn sàng giúp bạn.

Chúc bạn may mắn.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Bạn có thể ủng hộ Blog qua nhiều hình thức tại Donation

Photo by vadim kaipov on Unsplash