Giáng sinh có lẽ là thời gian tôi thích nhất trong suốt thời gian ở Anh, bởi khắp đường phố đều đẹp lung linh. Mọi người trên phố ai cùng đáng yêu và bởi tinh thần của ngày giáng sinh đầy những yêu thương được trao tặng. Nếu miêu tả giáng sinh bằng 6 giác quan, tôi sẽ nói rằng giáng sinh là ánh đèn lấp lánh trên phố, trong những hội chợ giáng sinh; là hương quế hồi nồng nàn của rượu mulled wine đỏ lịm; là vị ngọt của bánh mince pie; là tiếng nhạc du dương trong trong những Christmas Carol Service hay tiếng nổ vui tại của Cracker; là sự háo hức khi tay tôi chạm vào những bốt bưu điện  đỏ chót trên phố London để gửi những tấm thiệp kim tuyến óng ảnh, cả niềm vui khi nhận về một tấm thiệp trong hộp thư của mình; và là cảm giác khi gió lạnh mơn trớn trên má được hít hà gió mùa đông nhưng lòng vẫn thấy thật ấm áp bởi những yêu thương.

Dù không được ở bên gia đình như truyền thống của ngày giáng sinh, chúng tôi cũng có những bữa tiệc giáng sinh đầm ấm.

Ngày 23/12/2018

Chuỗi tiệc giáng sinh của chúng tôi bắt đầu khi tôi với Thư làm host một bữa tiệc giáng sinh nhỏ với các bạn trong nhóm Chevening. Chúng tôi tổ chức một bữa theo kiểu potluck, mỗi người sẽ mang một món ăn đến theo chủ đề giáng sinh. Như vậy mỗi người đều có phần việc cần làm, mà chủ nhà không cần chuẩn bị quá nhiều. Chúng tôi chỉ mua một phần sườn nướng, người sẽ làm salad, người mang xúc xích, bánh ngọt và không thể thiếu rượu mulled wine và món đồ uống ưa thích nhất chúng tôi thường uống mỗi dịp tụ tập là cider vị berry.

Lần nào cũng vậy, cứ gặp nhau là chúng tôi lại có hàng tá chuyện để kể, chuyện ở trường, chuyện về những chuyến đi, về những kế hoạch. Có người đã tranh thủ dạo chơi một vòng châu Âu từ đầu kỳ nghĩ lễ, có người lúc nào cũng ngập chìm trong bài vở. Những câu chuyện cứ thế kéo dài từ trưa đến chiều. Đến 4h, trời đã bắt đầu tối, chúng tôi kịp trao cho nhau những món quà giáng sinh, rồi kéo nhau ra Winter Wonderland.

Winter Wonderland là hội chợ giáng sinh lớn nhất ở London được tổ chức ở công viên Hyde park. Ở đây không chỉ có những cửa hàng đồ ăn với bánh ngọt, hotdog, socola nóng, bia, mà còn có cả một khu vực rộng lớn các trò chơi bao gồm rất nhiều các trò cảm giác mạnh. Qua khu vực cửa vào Hyde park Corner đông nghẹt người, chúng tôi định rủ nhau chơi một trò, ví dụ như là trò đu quay dây văng chẳng hạn. Nhưng chưa kịp chơi, đứng dưới nhìn người khác chơi thôi mà tôi đã la hét. Tim tôi như sắp nhảy ra ngoài. Suy đi tính lại, chúng tôi tất cả đồng ý bỏ cuộc với trò cảm giác mạnh. Khu hội chợ khá ồn ào, thấy không còn gì nữa, chúng tôi ra ngoài, qua khu Harrods, rồi vào một quán cà phê nhỏ ở đó ngồi nói chuyện. Có lẽ tôi hợp với những không gian trầm lắng, với những chia sẻ tâm tình hơn là những cuộc vui huyên náo. Tối hôm đó, giờ học lịch sử của chúng tôi bắt đầu.

Tôi sẽ kể về Giang, cậu em nhỏ tuổi nhất trong nhóm đi học năm của chúng tôi. Cứ mỗi lần đọc những chia sẻ của Giang trên facebook, hay những câu chuyện lịch sử Giang kể, tôi lại than phục và từ hỏi “Từ bé mình đã học những gì vậy?”. Giang đọc rất nhiều sách, và cảm giác như đọc đến đâu nhớ đến đó. Chúng tôi bắt đầu hỏi về lịch sử của ngày giáng sinh, rồi lân la sang chuyện lịch sử các nền văn minh, các tôn giáo, rồi quay lại về lịch sử nước Anh, và lại sang tình hình chính trị thế giới.

Cậu có thể nhớ đến từng năm dù sự kiện xa lắc xa lơ. Nhưng có điều thú vị nhất, trong những câu chuyện lịch sử Giang đó là sự liên kết. Em biết cách liên kết sự việc tại một quốc gia ở mốc thời gian này sẽ tương ứng ứng với sự kiện nào ở quốc gia khác. Rồi từ đó, lịch sử thế giới hiện lên không phải là những cột mốc, những dấu ấn trên một đường chỉ xuyên suốt thời gian mà là một bức tranh toàn cảnh, đa chiều và nhiều màu sắc. Giang có một chuyên mục là “Kể chuyện Disney”, nơi cậu chia sẻ sự liên quan giữa lịch sử và truyện Disney. Xét về mốc thời gian, bối cảnh được miêu tả trong truyện thì hoàng tử chồng cô bé Lọ Lem hay chồng của công chúa ngủ trong rừng là hoàng tử nào, rồi từ đó phân tích các sự kiện có liên quan.

Hồi đi học, môn lịch sử không phải môn tôi thích bởi với tôi đó giống như môn luyện kỹ năng học thuộc. Tuy vậy, nhờ học lịch sử từ hồi tiểu học đến phổ thông, tôi cũng nhớ được các sự kiện lớn như chiến tranh thế giớ thứ nhất, thế giới thư hai. Có lần đi bảo tàng Chiến tranh (Imperial War Museum) tôi cũng có chút kiến thức tường thuật lại sự kiện, ý nghĩa lịch sử cho hai cô bạn cùng lớp thạc sĩ, khiến hai người trầm trồ. Còn để có thể yêu thích, có hứng thú để tìm hiểu lịch sử thì môn học hồi phổ thông chưa làm tôi thấy thỏa mãn. Chúng tôi bảo Giang, cậu ấy hợp để làm thầy giáo bởi cậu ấy có thể biến những câu chuyện tưởng khô khan nó trở nên màu sắc. Chúng khiến chúng tôi tò mò, thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi, và Giang sẽ cùng chúng tôi đi tìm những đáp án từ gốc rễ, chứ không bằng những ngọn cây đầu cành hời hợt.

Tôi thích những dịp cả nhóm được tụ tập, nói chuyện như thế. Dù độ tuổi, cũng như học tập và làm việc trong nhiều khác nhau nhưng chúng tôi rất hợp nhau. Cứ mỗi lần có cơ hội trò chuyện với các anh chị tôi lại cảm giác như được tiếp thêm động lực cho những dự định và ước mơ của mình. Thực lòng tôi ngưỡng mộ họ, không phải vì những điều họ đã đạt được, mà bởi cách họ nói về những con đường và những ngã rẽ. Hay cái cách họ nói về những thất bại, những lựa chọn dù khó khăn hơn nhưng học được nhiều hơn. Điều đó khiến tốt tự tin hơn, và luôn tràn đầy hi vọng rằng những khó khăn ngày hôm nay chỉ là những thử thách giúp tôi trường thành , như cách các anh chị lớn tuổi hơn đã trả qua. Và vì chúng tôi không thích những con đường bằng phẳng, không chịu một cuộc sống quá an nhàn và ổn định, nên chúng tôi chọn sự dấn thân.

Giang sinh

Ngày 24/12/2018

Đêm Giáng sinh 24/12, mọi chuyến tàu, cửa hàng sẽ đóng hết. Buổi sáng chúng tôi tranh thủ đi mua đồ rồi về nhà nấu ăn. Ngày lễ giáng sinh, các bạn Mỹ, Châu Âu về với gia đình, chỉ còn bốn người Châu Á ở lại trong tầng có một bữa tiệc nhỏ.

Chúng tôi cũng tầm tuổi nhau nên nói chuyện cũng hợp. Trong tầng, hai chúng tôi thân nhất với cậu bạn người Trung Quốc cao, gầy, học làm phim. Cậu thường kể những câu chuyện mang đậm chất điện ảnh. Chúng tôi còn rất ít khi thấy cậu ở phòng ăn sáng. Có lần vừa xuống dưới phòng ăn, chúng tôi thấy cậu đã chuẩn bị cất đĩa để đi lên, ngạc nhiên hỏi:

  • Ôi, sao hôm nay cậu dậy sớm vậy?
  • Để tao kể cho nghe, đêm qua tao đâu có ngủ.

Chúng tôi tò mò không biết sau này cậu sẽ làm đạo diễn, nhà sản xuất hay vài trò gì trong bộ phim, nhưng chắc chắn không phải diễn viên, chỉ hi vọng nào đó thấy cậu trên tivi, hay trên thảm đỏ nào đó, tôi có thể tự hào mà nói “Bạn tôi kìa”. Cậu bạn Trung Quốc ít khi nấu ăn, nhưng nấu thì rất ngon. Có lần gặp cậu trong bếp, cả tôi với cậu đều nấu cùng một món bắp cải xào, nhưng món bắp cải cùa cậu có nhiều gia vị như đầu hào, ớt khô, các loại hạt và phức tạp hơn là món bắp cải xèo xèo trên dầu ăn nóng của tôi.

Tối nay, trước khi vào món chính, cậu nấu cho chúng tôi món tang yuan của Trung Quốc để cảm ơn vì tấm thiệp giáng sinh tôi gửi. Hôm liên hoan trong tầng, tôi làm món tráng miệng là bánh trôi tàu, cậu bảo nhìn món đố rất giống tang yuan. Có lẽ món này bắt nguồn từ Trung Quốc nên người ta mới gọi là “bánh trôi tàu”. Tôi cố gắng chỉ ra sự khác nhau, đó là bánh trôi tàu của Việt Nam nấu với nước gừng chứ không chỉ nước đường, vì ăn vào mùa đông, gừng sẽ giúp làm ấm cơ thể, ăn kèm với lạc và dừa bùi bùi, béo béo. Cậu bạn nghe xong gật gù:

  • Một sự cải biên hợp lý.

Có điều hơi sơ suất là món bánh trôi của tôi hôm ấy làm hơi vội, luộc chưa kỹ, nên đúng cái cậu bạn Trung Quốc ăn tôi nhìn còn hơi sống. Tôi tự hỏi không biết cậu ấy khen ngon thật hay cố gắng để làm tôi vui. Và cứ mỗi lần tôi làm bánh, mời cậu ăn cậu lại nhắc lại:

  • Cậu nấu ăn thật giỏi, tớ vẫn nhớ món bánh trôi rất ngon lần trước.

(Còn tôi thì nghĩ thầm: “Tớ biết lỗi của mình rồi, cậu làm ơn hãy quên món đó đi!!!”)

Bữa giáng sinh này tôi làm nem lụi. Lúc chúng tôi còn đang loay hoay chuẩn bị rán, cậu bạn bảo chúng tôi nghỉ tay để ăn thử tang yuan Trung Quốc. Cậu bỏ bánh vào bát, thêm cái thìa, rồi bê trước mặt tôi bảo tôi ăn luôn cho nóng, rồi đứng đó, đợi tôi ăn xong để hỏi kết quả. Viên bột nhỏ, mềm, nóng với mè đen nhuyễn ngọt dịu, còn phần nước thì đơn giản hơn chỉ có nước đường chứ không phải nước gừng thêm dừa, vừng như bánh trôi tàu hay sủi gìn.

Cô bạn Hàn Quốc một lúc sau mời về, để chuẩn bị làm món cơm cà ri. Cô ấy bằng tuổi tôi, dáng người cao, da trắng, rất xinh. Đôi lúc, cô ấy khiến chúng tôi phát điên lên vì sự bất cần, đồ đạc lung tung trong nhà bếp hay nhà tắm. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng bất cẩn như vậy. Những người trẻ, lần đầu xa nhà, tự chăm sóc cho bản thân, tôi cũng là lần đầu tiên sống trong môi trường tập thể với nhiều người xa lạ, mà mỗi người một tính. Chúng tôi luôn cố gắng giữ thái độ “dĩ hòa vi quý” nhất có thể trong phòng để không xảy ra xích mích.

Bốn đứa ngồi ăn đến muộn. Tôi chắc chắn một điều rằng những người Châu Á luôn dễ gần, dễ thân hơn, chẳng chỉ vì chúng tôi cùng màu da, màu tóc, mà văn hóa, nếp sống ngay cả một phần tư duy cũng nhiều điểm chung. Thanh niên Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc đều trải qua một quảng đời phổ thông vất vả và kỳ thi đại học căng thẳng. Môn chúng tôi học nhiều nhất đều là toán. Chúng tôi đều từ những gia đình mà phụ huynh có nhiều quyết định lên cuộc đời và sự lựa chọn của con cái và ngay cả có nhiều bộ phim mà tất cả chúng tôi đều từng xem.

Đêm giáng sinh, mọi người quây quần bên gia đình, ăn Gà tây, uống rượu mulled wine. Bữa giáng sinh của chúng tôi hôm ấy đậm chất Châu Á với cơm, thịt gà, nem lụi, bánh tráng trong nhạc nền playlist “Dinner with friend” trên Sportity.

Ngày 25/12/2018

Sáng nay, gia đình tôi sẽ dự một bữa trưa tại Internationl Student House (ISH), ngôi nhà sinh viên khác đối diện công viên Regent Park. Khoảng 10h sáng, các bạn trong nhà tôi tập trung ở dưới sảnh rồi cùng nhau đi bộ sang ISH. Tiệc ở ISH có cả sự tham dự của các bạn sinh viên từ các nơi khác nước, nên chúng tôi cũng sẽ làm quen được với nhiều bạn mới. Đó là một bữa tiệc thịnh soạn.  

ISH

Christmas pudding là món tráng miệng truyền thống không thể thiếu của người Anh. Vào thời xa xưa, mùa đông thường không còn nhiều sửa bò hoặc kem tươi nên bánh giáng sinh theo truyền thống chỉ có bột, đường, các loại hạt (hạt thông, hạt dẻ…) cùng với các loại hoa quả khô như nho, táo. Các gia đình khá giả có kho trữ bơ thì sẽ làm thêm sốt chanh ăn kèm gồm bơ, trứng, đường, và chanh. Vì không có bơ và sữa nên bánh giữ được rất lâu trong mùa lạnh, có thể được làm trước giáng sinh tận 6 tháng. Mỗi ngày thợ làm bánh bỏ lên đó một chút rượu rum vừa giúp bánh không bị mốc lại vừa cho bánh có mùi rượu nồng. Cho đến giáng sinh, bánh Pudding sẽ trở nên mềm ẩm, thơm ngom, đậm mùi rượu lên men quyện với trái cây khô.

Trước khi dùng bữa, chúng tôi được phát mỗi người một cái Cracker nhỏ là một chiếc hộp giấy được gói như hình chiếc kẹo. Chúng tôi sẽ đan chéo tay nhau, mỗi người cầm một đầu của chiếc kẹo và đếm 1 – 2 – 3, sau đó kéo thật mạnh. Cả không gian tràn ngập chiếc nổ vui tai. Trong chiếc hộp của tôi có một chiếc vươn miệng bằng giấy, một câu đồ vui và một món đồ chơi nhỏ.

Menu

Đến 15h, mọi người ngồi trước màn hình tivi nghe lời chúc giáng sinh tư nữ hoàng Elizaberth. Đó là truyền thống của ngày giáng sinh. Nếu như chúng có gia đình ở Anh, chúng tôi sẽ quầy quần bên gia đình cả ngày, mọi phương tiện công cộng, mọi cửa hàng đều đóng cửa.

Ngày 26/12/2018

Chúng tôi còn một bữa tiệc giáng sinh khác tại nhà anh Alex và chị Dao. Anh Alex làm việc trong Commonwealth Office, từng phụ trách chương trình học bổng Chevening, chị Dao là người Việt nên hội Chevening Việt Nam chúng tôi sang đây đều được anh chị tiếp đón nhiệt tình. Để anh chị không phải chuẩn bị nhiều, chúng tôi mua Pizza, tôi rán thêm một ít chả nem mang tới vì chắc chắn mọi người lâu không ăn món này.

Nhà anh chị ở khá xa trung tâm. Tôi với Thư tìm đường đi xe 2 chuyến xe bus. Chúng tôi còn tính, nếu quẹt thẻ Oyster trong vòng 1 giờ thì vẫn chỉ mất 1.6 bảng (tiền 1 chuyến đi). Mùa đông, cảnh vật ở công viên khá đìu hiu, một mùa đông thật lạnh giá nhưng cỏ cây vẫn đang hi vọng về một mùa xuân với ánh nắng, nguồn sinh khí mới, sự khởi đầu mới với sắc hoa rực rỡ. Bầu trời vẫn âm u, ủ dột, không mưa nhưng không có nắng, đặc trưng thời tiết nước Anh.

Ăn xong, chúng tôi đi dạo một vòng quanh công việc rồi quay lại nhà, uống trà nóng, và lại bắt đầu chơi trò chơi cracker giáng sinh. Anh Alex hướng dẫn chúng tôi kỹ hơn về cracker. Christmas cracker là trò chơi giáng sinh của người Anh. Nó được sản xuất đầu tiên khoảng những năm 1845 – 1850 bởi một người sản xuất kẹo ở London tên là Tom Smith. Sau chuyến công tác ở Paris, từ chiếc kẹo Bon Bon hạnh nhân được gói trong những tờ giấy màu sắc của Pháp, Tom nảy ra ý tưởng làm nhưng thanh kẹo có trong giấy gói mang những thông điệp ý nghĩa. Tom tiếp tục phát triển ý tưởng của mình thành một món đồ chơi khi mọi người cùng nhau mở gói đồ chơi và tạo ra những tiếng nổ vui tai như pháo hoa và đặt tên nó là ‘Cracker”. Sau này, những chiếc vương miện bằng giấy được thêm vào trong Cracker, và những bài thơ, những thông điệp dần được thay bằng những câu đố vui.

Chúng tôi cùng nhau đan tay và kéo Cracker của mình, và tiếng nổ “bộp bộp”, chiếc vương miện, những món đồ chơi và câu đố trong hộp cracker rơi tung tóe khắp phòng. Trong hộp cracker của mình, tôi nhận được một bộ Bowling tí hon, còn Thư nhận được bộ bộ bài mini. Anh Alex tập hợp những câu đố vui của Cracker lại để chúng tôi cùng chơi đố vui.

Giáng sinh là để về nhà, về nhà với sự háo hức như người đàn ông trong bài hát “Driving home for Christmas”. Còn với những du học sinh, giáng sinh ở một nơi xa với đầy sự lạ lẫm, tò mò nhưng tôi luôn thấy háo hức. Tôi không còn cảm thấy cô đơn, tủi thân như hôm ngồi trong lớp nghe các bạn nói về kế hoạch về nhà giáng sinh nữa. Giáng sinh này thật ấm áp, cảm nhận không khí sum họp và thấy mình được yêu thương.

***

Những bài viết khác về nước Anh của mình Nhật ký 444 ngày ở UK

Cám ơn bạn đã ghé quá, hãy ấn Subscribe để nhận tin khi có bài viết mới

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]