Năm 2018, mình viết chuỗi bài “Tự học Piano” gồm 4 phần để chia sẻ kinh nghiệm tự học Piano của mình tới mọi người. Mỗi lần bạn bè có nhu cầu hỏi phương pháp học Piano, mình đều chia sẻ lại chuỗi bài viết này. Dù đã chuyển sang Blog mới, nhưng mình vẫn giữ chuỗi bài này ở Blog cũ, bởi mình cũng chưa biết nên viết lại thế nào cho rõ ràng hơn.

Mình thích Piano từ nhỏ, nhưng không có điều kiện đi học. Đến giờ, sau 8 năm tự học, Mình vẫn học thêm các kỹ thuật nâng cao hơn, mình vẫn luyện tay, học giữ nhịp, nhưng có một niềm vui là mình có thể chơi được các bản nhạc mà mình thích hay giai điệu quen thuộc. Kỹ năng âm nhạc của mình khi bắt đầu gần như một trang giấy trắng, may ra chỉ có một vài kiến thức học ở trường cấp 2.

Mình đăng ký 10 buổi học Piano ở trung tâm, nhưng học phí 200.000 VNĐ/ buổi khi ấy với sinh viên cũng khá cao. Bên cạnh đó, mình thấy phương pháp học từng nốt ở trung tâm chỉ hợp với trẻ em, mình theo thấy nản. Vậy nên, mình quyết định ở nhà tự học. Mình cũng coi đây là một niềm tự hào bé bé, mình có thể chơi đàn dù chẳng được đi học, gia đình chẳng có ai biết chơi. Nhưng quá trình 8 năm, ngoài việc biết chơi đàn một cách nghiệp dư, đầu tư mua đàn cũng tốn kha khá mà chẳng kiếm lại được đồng nào. Nhiều người bảo đó là cái sở thích tốn tiền, tốn thời gian nhưng mình đã nhận lại được rất nhiều những giá trị vô hình khác.

Bài viết này, mình sẽ không nói về việc học đàn piano thế nào, và cũng chẳng nói đến lợi ích của việc chơi nhạc cụ đến phát triển trí não, kỹ năng gì cả.  Mình sẽ nói về những điều mình nhận ra trong suốt quá trình tự học Piano của mình.

Nếu bạn thích bạn tìm cách, không thích bạn tìm lý do

Hồi lớp 11, mình đã khóc cả đêm đến sưng cả mắt vì xin mẹ lấy tiền thưởng học sinh giỏi để mua cây đàn organ, nhưng mẹ mình phản đối. Với phụ huynh, học cấp 3, đỗ đại học là điều quan trọng nhất, và bạn chỉ cần học thôi. Có một điều mình không đồng ý với quan điểm của mẹ mình. Đó là mẹ mình phản đối việc mình đọc sách và chơi đàn. Theo mẹ, học hành căng thẳng thì làm việc nhà để giải trí, còn đọc sách làm gì cho cận mắt, chơi đàn thì lại càng chẳng có lợi ích gì. Mình không tranh luận. Suy cho cùng, mình là một người cực kỳ may mắn bởi có một cuộc sống đủ đầy, được đi học. Còn lại, những sở thích cá nhân, mình không có quyền đòi hỏi thêm mà mình phải tự cố gắng nếu thích.

Sáng hôm sau, nhìn đôi mắt sưng húp và khuôn mặt mếu máo của mình, bố quyết định dẫn mình đi mua đàn, cây đàn organ rẻ nhất ở cửa hàng, với giá hơn 1 triệu. Mình rút hết đống tiền trong con lợn nhựa để trả nhưng bố từ chối. Và mình bắt đầu tự mày mò từ đó. Không ai tin mình có thể tự học được cả. Uhm thì năng  khiếu gì đâu, gia đình mấy đời có ai chơi nhạc, sao chơi được bằng đứa học từ bé… Nhưng mình đã rất vui với cây đàn ấy, dù mãi mình chẳng biết chơi.

Lên đại học, bắt đầu nghe những bản nhạc phức tạp hơn, biết sự khác nhau giữa đàn Organ và Piano, cây đàn Organ cũ không có đủ quãng để chơi, nên mình quyết định mua cây đàn mới. Mình nhớ mình đã cất kỹ 4 tháng lương đi làm thêm hồi sinh viên để mua chiếc đàn piano điện đầu tiên. Sau đó, lúc đi làm, mình đổi sang cây đàn cơ Yamaha U2G đang dùng đến hiện tại. Mình đã phải chắt chiu nửa năm trời từ đồng lương của một chuyên viên mới để mua.

Mình không giàu, nhưng mình đã không mua quần áo mới, không ăn uống ngoài, không mua rất nhiều thứ mình thích khác để đủ tiền mua đàn. Thậm chí, cả 3 lần đi mua đàn, mình đều không có kiến thức xem kỹ đàn có vấn đề kỹ thuật gì không. Mình đến cửa hàng, chọn một cây đàn mình thấy ưng và trả tiền. Nhưng may mắn thay, mình đều hài lòng với cây đàn mình đã mua.

Mình kể câu chuyện này ra để nhìn lại bản thân mình đã cố gắng thế nào khi  bắt đầu thực hiện điều mình mong muốn từ lâu. Nhưng đây cũng chỉ là bước đầu thôi. Có một cây đàn chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là mình đã tập đàn ra sao.

Thử thách sự kiên trì và điều gọi là “đam mê”

Đam mê là một từ nói ra cũng thất mỹ miều. Nhưng đam mê có nghĩa gì khi ta chẳng bao giờ bắt tay vào thực hiện hay vượt qua những khó khăn để đạt được.

Ước mơ của bạn cũng cần một cái deadline

‘Đam mê” đáng giá bao nhiêu? Đam mê âm nhạc của mình định giá chắc khoảng 50 triệu tiền mua cây đàn piano. Con số này có lẽ cũng không phải lớn với nhiều người về mặt tài chính. Tiền bạc là một chuyện, còn thời gian nữa. Nhưng điều mình muốn nói ở đây, đam mê có phải là cái xứng đáng để mình đầu tư thời gian, công sức dù không có một lợi ích hữu hình, dù thực lòng mình không hề giàu có về cả thời gian và tiền bạc, và chẳng có năng khiếu.

Mình cũng rất bận. Mình cũng phải đi làm, 7h tối về đến nhà coi là về sớm. Có dạo còn đi học thêm ngoại ngữ, rồi về viết hồ sơ nộp  học bổng đi du học. Mình nhớ một cô bạn mình từng nói rằng “Có một anh chàng lúc nào cũng kêu bận, nghĩa là anh ấy quá bận để yêu cô ấy”. Học đàn cũng vậy, quá bận để tập cũng đồng nghĩa ta chẳng đam mê gì bởi như đã nói ở trên ‘nếu thích người ta tìm cách, không thích lại tìm lý do”. Bận là lý do rất phổ biến cho mọi việc và đó là một lý do rất hợp lý.

Mình học khá chậm, mình chơi cũng không hay lắm. Mình phải thường xuyên chuyển nhạc xuống giọng Đô Trưởng hoặc La Thứ (giọng chỉ bấm phím trắng) để chơi. Nhiều lần mình post video chơi nhạc lên mạng bị mọi người vào chê te tue: tay mình tư thế không đúng, mình chơi sai nhịp, suốt ngày chuyển giọng bài hát… Lẽ ra mình đã chấp nhận một sự thật, mình chẳng có năng khiếu hay tài năng gì, thôi thì đã thử rồi, đến lúc bỏ để tập trung sang việc khác mà mình làm tốt hơn. Nhưng mình đã không bỏ.

IMG_1175-01

Có một điều cố gắng vì bản thân mình, vì mình thích chứ không phải lý do nào khác

Lý do mình vẫn tiếp tục chơi đàn dù mình chơi không giỏi là mình nhận ra mình chơi vì bản thân mình. Có một niềm vui nhỏ bé khị bạn cố gắng làm một điều mà không cần phải giỏi bằng hoặc giỏi hơn người khác, không cần được chấm điểm cao, không phải để kiếm tiền, không để tranh giành bất cứ điều gì cả, mà chỉ cố gắng vì mình thích. Thích là đủ rồi. Mình vẫn tin những áp lực là đòn bẩy để chúng ta làm tốt hơn nhưng có một điều kỳ diệu khi bạn làm với một trái tim không lắng lo và toan tính.

Từ nhỏ đến lớn, gần như cả cuộc đời, chúng ta có mấy khi được làm những điều mà mình thực sự thích trong một tâm thế hoàn toàn tự do. Bài thơ này có khi chẳng thấy hay nhưng bạn vẫn dành cho nó những lời khen mỹ miều nhất để được điểm cao môn văn. Đôi lúc thấy chán nản trong công việc nhưng ta vẫn phải cố vì cơm áo gạo tiền. Lựa chọn cuộc sống thế này đôi khi chẳng phải điều ta thực sự muốn nhưng ta chọn vì người khác, để được xã hội công nhận là người chuẩn mực. Có những việc chúng ta làm rất tốt không phải vì chúng ta thích mà vì chúng ta phải làm. Có một lần mình đọc một bài viết trên Facebook, khi còn bé, chúng ta thường chẳng hiểu sao bố mẹ có thể dậy sớm như vậy, nhưng rồi khi đi làm kiếm tiền, dưới áp lực cuộc sống, chúng ta sẽ hiểu, không phải bố mẹ thích dậy sớm mà là vì cuộc sống và vì trách nhiệm. Nhưng liệu việc chúng ta muốn làm thì sao?

Mình biết, nghệ sĩ dương cầm họ có áp lực của riêng họ, áp lực phải có khán giả trong show diễn, áp lực phải được giới chuyên môn công nhận, áp lực vì đó là cần kiếm cơm của họ. Nhưng mình hoàn toàn không có áp lực gì cả. Khi ngồi xuống đàn, là lúc mình thả trôi hết mọi lo lâu. Nhiều người hỏi, thế làm mà không kiếm ra tiền, chẳng được ai công nhận thì làm để làm gì. Đơn giản làm vì mình thích và không để mình của ngày hôm qua phải thất vọng.

Cũng có rất nhiều bạn tự học đàn và chơi đàn rất giỏi, như nhạc sĩ Yanni chẳng hạn. Nhưng mình cũng chẳng mất thời gian so sánh và tự dằn vặt mình phải chơi hay như họ đâu, mình dành năng lượng để đối mặt với những áp lực khác. Mình chơi đàn để giải trí mà, áp lực để làm gì và nếu đã áp lực thì nó không còn là một niềm vui chân phương thuần túy nữa.

Giá trị của sự tập trung

Khi đã gạt những lo lắng thường nhật sang một bên là lúc mình thấy mình thoải mái nhất. Càng tập trung, không suy nghĩ điều gì khác mình các chơi trôi chảy. Vì mình chơi không theo bản nhạc nữa, nên chỉ cần lơ là một chút, tự nhiên quên hết cần phải bấm phím nào. Mình thỉnh thoảng mình vẫn quay video để post Instagram. Có một vấn đề là, lúc mình chơi không có máy quay rất trôi chảy, nhưng lúc có máy quay thì luôn luôn có lỗi. Lý do vì, mình đã không còn tập trung 100% vào việc chơi đàn nữa mà một phần tâm trí đang dành cho việc diễn. Càng chơi dở thì lại càng ngưỡng mộ tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn khi họ có thể chơi trước sự “soi mói” của hàng ngàn ánh mắt.

Cảm nhận thay vì học thuộc

Kể lại chuyện sau khi chán nản từ bỏ lớp học trung tâm vừa đắt thầy còn bắt đọc từng nốt nhạc một để chơi bài “Một Con Vịt”. Nếu đi học mà thấy cũng chỉ cho bản nhạc bảo chơi theo đến khi nào nhuần nhuyễn thì mình có thể tự học. Mình mất mấy năm mò mẫm, để rồi “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” với công thức Hợp âm và cảm nhận. Giờ đưa cho mình bản nhạc mình biết đọc nhưng khó mà chơi theo được, nhưng cho mình một bài hát, mình nghe quen quen giai điệu rồi sẽ chơi lại được. Nhiều người viết bản nhạc từ bài hát cho trước từ khả năng cảm âm của họ để bán. Chúng ta mua lại mất tiền, chi bằng chúng ta tự phát triển khả năng cảm âm của bản thân.

Mình nhận ra học nhạc hay học bất cứ điều gì, nó sẽ xuất phát từ việc hiểu bản chất. Nếu chỉ chăm chăm nhìn theo bản nhạc, chúng ta chỉ chơi theo công thức cho trước. Âm nhạc nó cũng như Toán vậy, nó luôn có nguyên tắc, tay phải bấm phìm này thì tay trái sẽ bấm phìm gì để giai điệu vang lên hòa hợp. Và từ đó, điều mình học được không phải là làm sao  điều khiển hai tay bấm phím cho nhịp nhàng mà là cảm nhận từ đôi tai, liệu giai điệu như thế đã êm chưa.

Từ đó mình nhận ra đôi tai rất kỳ diệu. Nó không chỉ để nghe âm thanh mà còn cảm nhận được tình cảm trong đó nữa. Nhiều bài hát remix, lời thì buồn nhưng nhạc thì vui nghe thật khập khiễng, hay người chơi đàn, ca sĩ hát không thấy có cảm xúc thì bài biểu diễn sẽ chán hẳn.

Động lực để mình có thể tự học bất cứ điều gì mình muốn

Và cuối cùng sau tất cả những đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức, ngẩng cao đầu sau những lời chê bai, tiếp tục cố gắng khi biết khả năng của bản thân có hạn nhưng với sự kiên trì đã được mài giũa qua năm tháng, mình tin mình có thể tự học được tất cả những gì mình muốn. Cứ mỗi lần gặp một vấn đề, một thứ phải học, mình lại tự nói với bản thân “Đến chơi đàn ai cũng bảo phải có năng khiếu, phải mua cái đàn mấy chục triệu từ đồng lương còm cõi, thế mà mình đã làm được từ nhiều năm trước thì có gì làm khó được mình?”. Nếu thích thì tìm cách thôi.  Tương tự như việc tự học piano, thay vì học thuộc, bắt chước, mình bắt đầu từ việc hiểu bản chất, gốc rễ từ đó sẽ phát triển lên.

Chúng ta thường thích nhiều thứ. Chúng ta không thể know-it-all nhưng luôn có thể learn-it-all. Từ những việc học thêm những điều mới mẻ ấy là cách chúng ta trưởng thành và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Chắc chắn, bạn của ngày hôm qua sẽ tự hào về phiên bản của bạn ngày hôm nay.

Photo by Geert Pieters on Unsplash

Cám ơn bạn đã ghé chơi. Mời bạn nhấn subcribe để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]