Mình xem Yêu nữ mặc đồ Prada trên ti vi từ hồi còn học cấp 2. Cho đến nay, đây vẫn là bộ phim với những đoạn trích mình xem đi xem lại nhiều nhất trên Youtube. Càng xem mình lại càng thích, bởi phim không chỉ đẹp mà còn nhân văn nữa.

Thực ra mình chỉ tình cờ bật TV lên đúng lúc phim đang chiếu và ngồi xem thôi, chứ bình thường nếu thấy tên “Yêu nữ mặc đồ Prada” thì mình chẳng bao giờ chủ động xem vì theo guu cá nhân, mình thấy các nhân vật chính trong các phim shopping hơi đỏng đảnh và xàm xí. Nhưng Andy do Anne Hathaway thủ vai chính chiếm trọn trái tim mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cô ấy không chỉ đẹp mà còn thông minh và không ngại dấn thân. Bộ phim cho mình những bài học về phát triển bản thân, về sự cố gắng trong công việc. Nhân tiện, hôm trước viết bài về Chuyện đi làm – Những điều mình học được ở chốn công sở, mình muốn review lại bộ phim này luôn.

5885874g

Yêu nữ mặc đồ Prada (tên tiếng Anh là  Devil wears Prada), dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lauren Weisberger phát hành năm 2003. Tác phẩm điện ảnh ra mắt năm 2006 với sự tham gia của hai nữ diễn viên chính: Anne Hathaway (trong vai Andrea Sachs – Andy) và Meryl Streep (trong vai Miranda Priestly). Nội dung bộ phim xoay quanh Andy, một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp đại học và ước mơ trở thành nhà báo. Sau khi \”rải\” CV hàng loạt, cô được nhận làm trợ lý của Miranda, tổng biên tập tạp chí thời trang hàng đầu – Runway tại New York. Từ một cô nàng \”mọt sách\”, Andy bắt đầu thay mình thành một cô gái sành điệu, khoác những bộ cánh thời thượng. Nhưng đến cuối cùng, cô nhận ra mình không phù hợp với cuộc sống hào nhoáng của giới thời trang xa xỉ. Andy quay trở lại với con đường làm nhà báo như mình từng mơ ước.
So sánh giữa phim và truyện, mình thích phim hơn. Phim làm tốt hơn trong truyện rất nhiều. Nhân vật Andy trong phim cũng dễ cảm thông hơn rất nhiều. Trong phim, Andy là cô gái rất nỗ lực trong công việc và chủ động cầu tiến. Còn trong truyện, mình lại có cảm giác Andy rất đỏng đảnh, nói xấu Sếp và bỏ bê bản thân, ai nói gì làm nấy, thậm chí còn hay kêu ca. Nếu trong phim, Andy chủ động nhờ Nigel giúp mình thay đổi phong cách, thì trong truyện Nigel là người ấn vào tay cô những bộ quần áo còn cô thì vẫn ngơ ngác như kiểu \”Sao phải thế?\” rồi chê đôi giày cao gót này đau chân, chiếc nào này khó chịu….

Màn lột xác của Andy cũng là cảnh mình vẫn xem đi xem lại trên Youtube. Sau nhiều ngày bị bị sếp khó tính cho ăn hành, Andy nức nở đến gặp Nigel, giám đốc sáng tạo và than thở “Tại sao khi tôi làm tốt bà ấy không có một lời khen, còn khi tôi mắc lỗi thì bị mắng thậm tệ”. Nhưng thay vi an ủi Anne như một cô gái đáng thương, Nigel chỉ nói 1 từ “So, Quit”, bởi có hàng triệu cô gái, thực sự mong muốn vị trí này sẵn sàng thay thế vị trí của cô trong 5 phút. Nigel nhắc Andy rằng, cô đang không thực sự cố gắng, cô chỉ đang rên rỉ và đổ lỗi. Hàng ngàn con người đã bỏ công bỏ sức, dành trọn cuộc đời cho niềm đam mê của họ để tạo nên Runway, còn cô sống giữa những điều còn trên cả nghệ thuật ấy mà thậm chí còn chẳng quan tâm đến thời trang. Cô còn hi vọng sếp hôn lên trán cô và cho cô một phiếu bé ngoan sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Andy à, hãy tỉnh giấc đi. Và sau đó suốt hơn 2 phút của bộ phim là sự lột xác của Andy trong những bộ đồ thời trang, và cả sự cố gắng hoàn thành công việc khiến sếp không còn lời nào phàn nàn. Và để nhận được sự công nhận chúng ta buộc phải bỏ công sức vào đó, thậm chí là đánh đổi cuộc sống cá nhân.

Có một điều, mình xem bộ phim này rất nhiều lần, và lần nào mình xem mình cũng chẳng hiểu tại sao bạn bè lại trách móc Andy khi cô ấy tập trung vào công việc. Nhiều người bảo Andy bị cuốn vào vòng xoáy và đánh mất chính mình, nhưng mình lại không nghĩ vậy. Có gì sai khi cô ấy trở nên xinh đẹp hơn, ăn mặc sành điệu hơn, thành công trong công việc hơn và gặp những người có máu mặt hơn. Andy đã cố gắng, nỗ lực để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình ngày hôm qua. Bộ phim cho thấy sự thực không hề bị thổi phổng môi trường làm việc đầy áp lực. Andy ở vị trí mà có hàng triệu cô gái muốn, nhưng để đứng ở vị trí này cô phải làm những điều mà người khác không làm được. Và chính khi ấy, khiến cô ấy phải chọn giữa cuộc sống riêng tư và công việc. Có gì sai khi cô ấy cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình? Và nếu trong tình huống của Andy, bạn làm gì? Mình không nghĩ ra được một giải pháp nào khác. Nếu Andy có sai, mình nghĩ chỉ vì cô ấy còn quá non nớt trong việc “Cân bằng cuộc sống”.

5885874ak

Cô ấy vẫn cố gắng về để dự sinh nhật bạn trai, vẫn đến dự tiệc khai trương cửa hàng của cô bạn thân. Và cô ấy bị trách móc vì dành thời gian cho họ ít hơn trước. Xét về phương diện nào đó, mình thấy Andy đáng thương hơn là đáng trách. Trong truyện, cô ấy còn thẳng thắn nói rằng \”Mọi người đang ghen tị với mình\”, còn Andy trong phim chỉ biết ngậm ngùi nhận sự trách móc. Mình nghĩ, vấn đề ở đây là những người bạn của Andy và cả bạn trai cô đã không còn cùng nhịp phát triển với cô nữa. Andy rồi cũng sa vào lưới tình giữa thành phố Paris hoa lệ, có quan hệ với anh Biên tập viên nổi tiếng, nhưng đó là sau khi cô đã chia tay bạn trai nên cũng chẳng thể trách cô ấy thay lòng đổi dạ. Trong một tình huống thực tế, bạn nghĩ gì khi lúc đi làm bạn toàn gặp những người nổi tiếng, giàu có, ăn mặc đẹp đẽ, thậm chí có người còn tỏ rõ sự quan tâm tới mình, còn về nhà thì gặp bạn trai cằn nhằn thậm chí công việc còn chưa ổn định. Bạn sẽ yêu một người thành đạt, có vị trí trong xã hội hay một người trách móc bạn vì bạn tiến nhanh trong công việc hơn người ta? Trong khi cô cố gắng hết mình để vươn lên thì anh như cố kéo cô xuống “Em nên làm cô mọt sách, không mấy xinh đẹp như ngày xưa”.

Bộ phim cũng cho mình những suy nghĩ về người phụ nữ. Nhân vật Miranda Priestly, người phụ nữ thành công trong sự nghiệp, mạnh mẽ và gai góc, không kiêng nể ai nhưng sau những bộ đồ đắt tiền, sau cặp kính đen sang chảnh, bà vẫn là người phụ nữ yếu đuối cố che đi sự xấu hổ, cô đơn sau những đổ vỡ trong tình yêu. Nhìn sang chuyện của Andy với bạn trai, lẽ nào giữa tình yêu và sự nghiệp phụ nữ chỉ được chọn một. Thực ra, trong cuộc sống này, những lựa chọn sẽ quyết định bạn là ai? Miranda đã không chọn gia đình, mà nếu bà ấy chọn gia đình và với người chồng vậy thì có hạnh phúc không? Cảnh Andy đứng cạnh đài phun nước, ném đi chiếc điện thoại mà trước cô chưa bao giờ không nhấc máy, cũng là một lựa chọn. Đó là một quyết định quan trọng, một lựa chọn Andy đưa ra với sự chủ động chứ không phải “dòng đời xô đẩy” như trước nữa.

5885874au

Cuối cùng thì Andy vẫn rời xa cuộc sống “khắc nghiệt ở Runway”, để đi về nơi cô thực sự thuộc về – tòa soạn báo, cô quay lại với bạn trai cũ. Trong truyện, phần kết Andy trở thành nhà văn, và cô với bạn trai chỉ quay lại làm bạn. Mình thích cái kết trong truyện hơn, vì mình xem mãi cũng không thích anh bạn trai này lắm, vì cảm giác anh ấy không xứng với cô ấy.

Bản chất con người ở đây không phải thể hiện qua những bộ thời trang, mà qua cách họ phản ứng trước những tình huống trong cuộc sống. Andy đã không khóc lóc và bỏ việc, mà cô tiếp tục dấn thân. Andy đã không tiếp tục theo đuổi con đường đang được Miranda vạch ra với tương lai rộng mở và bước đi trên con đường mà cô cho là đúng đắn. Vậy nên, Andy vẫn là cô ấy. Cô ấy không hề đánh mất bản thân, mà chỉ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Bộ phim cũng dành được đề cử Oscar cho thiết kế trang phục. Trang phục trong phim đẹp, không phải vì nó là hàng hiệu mà nó đúng hoàn cảnh, nó thể hiện rõ cá tính của nhân vật. Mình thích bộ trang phục Andy mặc ở cuối phim, nó không “lồng lộn” như những bộ cánh khi cô mặc ở Runway, cô giản dị nhưng cũng không xuề xòa như cô ở những phút đầu phim. Chiếc áo da  màu nâu và mái tóc dài buộc gọn toát lên khí chất của cô nhà báo. Những bước đi của cô vững chãi thể hiện cô biết mình là ai dù cô không còn khắc trên mình những bộ đồ hàng hiệu nữa. Andy rời Runway nhưng những điều cô học được từ đó vẫn ở bên cô. Nếu so sánh cảnh Andy đi xin việc ở đầu và cuối phim, bạn sẽ nhận thấy sự trưởng thành nhờ những điều mà Runway đã dạy cô. Điều vô hình nhưng quan trọng là Andy nhận được sự tôn trọng từ Miranda và từ Emily. Miranda, người phụ nữ mà ai cũng phải cúi đầu, và bà cũng chẳng coi những cô thư ký, cấp dưới hay thậm chí là đồng nghiệp ra gì, cuối cùng cũng phải dành cho Andy cái gật đầu và lời khẳng đính “Chúng ta cùng đẳng cấp”.


Tóm lại,  đây là bộ phim xuất sắc, hình ảnh phim thì lung linh và nhiều bài học sâu sắc không thể bỏ qua.

Một năm mới lại đến rồi, liệu bạn có muốn Makeover bản thân như Andy không?


Cám ơn bạn đã đọc đến đây, đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi