Chúng tôi đến Cambridge vào một ngày nắng tháng 5, hai ngày sau chuyến Cantebury. Không chỉ nối tiếng với trường đại học Cambridge danh giá, Cambride là thị trấn quan trọng từ thời La Mã nơi có con sông Cam chảy qua.
Ngày 12/5/2019
Bến tàu Cambridge nằm khá xa trung tâm, chúng tôi phải đi bộ khoảng 20 phút. Chúng tôi bước vào khu phố thơ mộng uống cong dưới những ngôi nhà nhỏ màu nâu nhạt hoài cổ, nằm xen kẽ giữa những khu học xá của trường đại học Cambridge.
Nơi đầu tiên chúng tôi gặp trên phố là chiếc đồng hồ không lồ Corpus Clock ngay trước mặt tiền của thư viện Taylor của Corpus Christi College. Ở Anh, tôi đã nhìn thấy không biết bao nhiêu là đồng hồ nhưng có lẽ đây là chiếc đồng hồ hiện đại và khác lạ nhất tôi từng thấy. Mặt đồng hồ mạ vàng sáng lóa nhưng đồng hồ lại không có kim, thay vào đó là LED. Corpus Clock không nằm trên một tòa tháp cao như những chiếc đồng hồ lớn tôi thường thấy ở các thành phố khác. Chiếc đồng hồ được đặt phía sau một bức kính lớn ngay góc ngã ba đường tấp nập, thu hút mọi ánh nhìn của người qua lại. Mặt chiếc đồng hồ mô phỏng vụ nổ Big Bang, sự khởi nguồn của thời gian và vũ trụ bằng những gợn sóng lan ra từ trung tâm.
Ngồi trên chiếc đồng hồ là con quái vật mang tên Chronophage. Con quái vật này là một con châu chấu tiến hóa, nó sẽ nuốt chửng thời gian từng phút một khi nó lướt qua. Chronophage có nghĩa là “Thời gian ăn chơi”. Chiếc đồng hồ Corpus Clock nhắc nhở người ta về ý nghĩa của thời gian, để mọi người biết quý trọng, không để thời gian trôi đi uổng phí. Có lẽ các sinh viên đại học Cambridge ngày ngày đi qua đây phải chăm chỉ lắm.
Từ ngã ba đặt chiếc đồng hồ Corpus Clock, chúng tôi rẽ vào tham quan Corpus Christ College. Những đoàn khách du lịch tập trung khá đông ở khu vực này, phần lớn là người Trung Quốc. Đi vào cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố, tôi còn thấy những món đồ in bài thơ Từ Chí Ma, một cựu sinh viên trường Cambridge người Trung Quốc. Bài thơ tên là “On leaving Cambridge”, đã được khắc trên phiến đá “Chinese Stone” nằm bên bờ sông, thuộc khuông viên của King’s College, nơi tác giả từng theo học và phải lòng những áng thơ lãng mạn của John Keats và Percy Bysshe Shelley.
Nhiều học giả vẫn đưa ra những giả thiết rằng, nỗi buồn Từ Chí Ma viết trong thơ dành là dành cho Cambridge hay dành cho người yêu mà ông có duyên nhưng không có phận.
Softly I am leaving,
“On leaving Cambridge” _ Từ Chí Ma
Just as softly as I came;
I softly wave goodbye
To the clouds in the western sky.
Đi du lịch ở đâu, bạn cũng dễ gặp người Trung Quốc, nghe thấy tiếng Trung Quốc, đi qua những nhà hàng Trung Quốc hay thậm chí cả những ấn phẩm bằng tiếng Trung bán trong những quầy hàng lưu niệm. Sinh viên Trung Quốc cũng là số đông trong phần lớn các trường đại học (nhưng lớp tôi lại chẳng có bạn Trung Quốc nào). Tuy vậy, ở đâu đó mà thấy người châu Á tóc đen da vàng, tôi thấy đỡ lạc lõng.
Có một kinh nghiệm chúng tôi chia sẻ với nhau mỗi lần đi du lịch. Đó là nếu nhờ ai đó chụp ảnh, hãy nhờ người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc vì khả năng để có được bức ảnh đẹp sẽ cao hơn, cho dù người bạn hỏi là một cặp đôi trung niên hay một đôi bạn trẻ ăn mặc sành điệu. Tôi nhờ hai bác trung niên người Trung Quốc chụp ảnh, bác còn chỉnh cho tôi đủ các tư thế. Gặp cặp đôi Trung Quốc trẻ tuổi, thậm chí họ còn biết chỉnh cả thông số trong máy ảnh DSLR của tôi. Sản phẩm thì miễn chê, hơn cả mong đợi. Người Châu Á chụp ảnh đầu tư hơn. Còn nếu nhờ người châu Âu hãy tìm những anh cầm máy ảnh ống kính càng to càng tốt. Chất lượng bộ ảnh góp phần đến sự thành công của chuyến đi, và vẻ đẹp không nằm trên đôi má hồng của thiếu nữ mà nằm trên ống kính của người chụp ảnh có tâm.
Chúng tôi tiếp tục ngang qua khu chợ ngoài trời. Không kìm lòng được bởi món Waffle phủ kem và hoa quả béo ngậy, chúng tôi quyết định ngồi lại để thưởng thức một bữa trưa sớm sau đó vào trung tâm du lịch của thành phố mua vé đi thuyền gỗ trên sông – Punting. Những hiệu sách cũ nhỏ xinh nàm yên tĩnh trong góc phố. ĐI được vào bước, khung cảnh nên thơ lại nhường chỗ cho con phố mua sắm khá sầm uất, hiện đại với những nhãn hiệu nổi tiếng, những nhà hàng, quán rượu.
Khách du lịch tập trung rất đông ở bến thuyền, những người bán vé tour Punting nhiệt tình giới thiệu, mời khách. Tôi không đếm hết được có bao nhiêu công ty cung cấp dịch vụ ở đây nhưng để chắc chắn chúng tôi đã mua vé ở trong trung tâm du lịch của thành phố. Chúng tôi đi học bờ sông, đợi đến giờ thuyền rời bến. Những con thuyền được xếp ngay ngắn bên bờ sông đầy cỏ xanh mượt.
Một thuyền thường có 6 người và một bạn chèo thuyền. Bạn nam chèo thuyền người dong dỏng cao, mặc một chiếc áo gi lê và đội mũ phớt đứng ở cuối thuyền. Ngoài mua vé lên thuyền có người chờ đi, chúng tôi còn có thể tự thuê một con thuê và tự chèo. Tôi nhìn các nhóm bạn chèo thuyền rất chuyên nghiệp, còn hai chúng tôi thì có lẽ không đủ sức.
Chiếc mái chèo bằng gỗ rất dài, người điều khiển thuyền gỗ cắm sâu mái chèo xuống lòng sông rồi đầy thuyền tiến về phía trước. Tôi cũng thấy có vài người chèo thuyền trượt tay để mái chèo ở lại còn con thuyền cứ tiếp tục theo dòng nước trôi đi. Mấy bạn chèo thuyền sau phải trợ giúp. Tôi cũng hỏi bạn dẫn tour rằng có bao nhiêu mái chèo gỗ đang ở dưới lòng sông. Cậu bạn cười bảo nhiều lắm chẳng đếm được.
Cuộc sống nên thơ của Cambridge nhẹ nhàng lướt qua chậm rãi bên mạn thuyền. Đó là những con phố sầm uất, người người ra đường tận hưởng không khí màu xuân; các nhóm sinh viên đang tu tập nướng BBQ ở bãi cỏ sau nhà; những khung cửa tĩnh mịch trên cao khuất sau những tán cây rủ xuống yêu kiều; cây cầu Than thở bắc qua sông nối liền các tòa nhà của đại học St John với nhau. Những tòa nhà của trường đại học Cambridge màu vàng với những chóp nhọn trên mái nhà rất đặc trưng.
Thuyền đi qua nhà nguyện King’s College, khung cảnh biểu thượng nhất mà tôi vẫn thường nhìn thấy khi đọc các bài báo giới thiệu vè Cambridge. Nhà nguyện là công trình tiêu biểu cho kiến trúc Gothic ở Anh với chóp nhọn trên mái, họa tiết mô phỏng gân lá cây. Ngoài đời thực và trong ảnh, Cambridge chẳng có gì khác nhau cả. Trên những bãi cỏ bên bờ sông, có bạn sinh viên đang ngồi trên ghế gỗ lặng lẽ đọc sách, một cảnh chẳng thể nên thơ hơn. Giá như thuyền dừng lại cho tôi lên bãi cỏ trên kia đi dạo một lát, hay ứớc gì có bạn ở Cambridge dẫn chúng tôi vào hẳn bên trong trường tham quan thì tốt biết mấy.
Tour kết thúc ở chỗ cây cầu toán học bằng gỗ rồi quay đầu lại về bến. Chúng tôi lên phố, vào khu công viên ở ven sông rồi đến Bảo tàng Fitzwilliam. Đây là tên nhân vật yêu thích của tôi trong truyện Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen nhưng mà Fitzwilliam ở đây không liên quan gì đến ngài Dacy trong truyện cả.
Nhiều người thường so sánh Cambridge đẹp hơn hay Oxford đẹp hơn? Những người bạn của tôi trong chuyến du lịch ngắn ngày đến Anh cũng thường chỉ chọn một trong hai. Tuy vậy, không phải vì hai thành phố này đều nổi tiếng bởi hai trường đại học danh giá mà nó có vẻ đẹp giống nhau.
Cambridge và Oxford thực sự rất khác biệt. Nghĩ về Oxford, tôi nghĩ đến những ngõ nhỏ nằm uốn mình dưới những tòa nhà chop nhọn cổ kính, còn về Cambridge tôi sẽ nhớ về dòng sông Cam xanh thẳm hiền hòa lặng lẽ chảy qua những công trình diễm lệ. Chẳng hiểu sao, trong tưởng tượng về màu sắc của mình, tôi thấy Oxford có màu vàng sẫm hơi ngả đỏ, còn Cambridge lại màu vàng nhạt hòa với màu xanh lá cây. Hay bởi về tôi đến Oxford vào mùa thu còn Cambridge giờ đã cuối xuân đầu hạ. Mãi sau này, đến khi nói chuyện với người bạn học kiến trúc, tôi mới hiểu ra một vấn đề mang tính chất chuyên môn một chút. Những tòa nhà ở Oxford mang hơi hướng kiến trúc Roman, còn Cambridge là kiến trúc Gothic. Vậy nên, ai đó hỏi nên đi Cambridge hay đi Oxford tôi thường nói rằng nếu thích những con phố thì đến Oxford, còn thích những dòng sông thì đến Cambridge. Và tôi cũng chẳng biết mình thích Cambridge hay thích Oxford hơn.
…
Chúng tôi quay lại London tầm giữa buổi chiều. Đi ngoài nắng cả ngày, hai đứa ngủ mê mệt trên tàu cho đến khi tỉnh lại trên toa tàu đã chẳng còn ai. Cũng may mà tàu còn chưa lăn bánh đến một thành phố khác.
Những câu chuyện khác về nước Anh: Nhật ký 444 ngày tại UK
Ảnh mình chụp ở Cambridge: Flicrk Phuong Anh Violet
Cám ơn bạn đã ghé qua Blog. Hãy nhấn Subscribe để không bỏ lỡ những bài viết mới nhé