NỘI DUNG BÀI VIẾT
Bài viết này mình viết trên nhóm Chevening Việt Nam – Học Bổng Chính phủ Vương Quốc Anh. Mình lại thấy một vài câu hỏi về việc đi làm và apply ngành thạc sĩ khác với chuyên môn đã học đại học thì có sao không? Câu trả lời ngắn gọn là không sao cả, miễn là bạn giải thích được quá trình phát triển sự nghiệp của mình. Còn dài dòng thì là câu chuyện của mình, mình học Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ nhìn tên chương trình cũng khác nhau lắm. Bạn có thể tham khảo về chuyện học hành của mình tại các bài viết dưới đây của mình. Mình hi vọng những chia sẻ dưới đây sẽ khiến bạn tự tin hơn, không còn lo lắng liệu hồ sơ của mình có yếu đi nếu bạn từng chuyển ngành, và cũng có một vài quan điểm với việc học và làm trái ngành.
- Chuyện apply học bổng PhD của mình (Phần 1): Những bài học
- Kể chuyện năm đầu học PhD của mình
- Chuyện apply học bổng Chevening 2018/2019 của mình
- Chuyện học Thạc sĩ của mình
Sự tự tin khi viết hồ sơ apply học bổng
Trước hết, chúng ta phải làm rõ về mặt “tư tưởng”. Nếu bạn viết trong tâm trạng “lo lắng liệu quá khứ của tôi thế này, liệu đã đủ tốt chưa” thì bài viết sẽ mang tinh thần “bao biện và lấp liếm”. Còn khi bạn tự tin vào hành trình của mình, bài luận của bạn cũng sẽ sâu sắc và hấp dẫn hơn. Rất nhiều bạn hỏi “Hồ sơ của em thề này có ổn không?, “mình thấy mình bất lợi thế này có sao không”. Mình nghĩ thế này, học bổng rất cạnh tranh, mà nếu mình nghĩ là profile của mình bình thường. Uhm bình thường thế thì sao người ta cho mình cả tỉ để đi học. Bước đầu tiên, chúng ta cần phải củng cố sự tự tin của bản thân, phải nghĩ là mình xứng đáng (hoặc là cố gắng nhiều hơn để trở nên ưu tú hơn để xứng đáng). Thế rồi sau đó thể hiện ra ở bài luận và phỏng vấn là xứng đáng thế nào. Bạn hãy tự tin chia sẻ về hành trình của mình, những điều bạn đã học được trên hành trình đó. Bạn nghĩ nó là điểm yếu nhưng mình tin bạn có thể biến chúng thành điểm mạnh. Ngày xưa xem phim Dương Quý Phi có vết sẹo trên trán, nhưng thay vì che mặt lại bà đã vẽ một bông hoa sen từ vết sẹo đó, thế rổi còn trở nên xinh đẹp hơn. Mình nghĩ điều quan trọng là chúng ta đối diện với những điều không vừa ý, và học từ quá khứ để tiến về tương lai như thế nào chứ đâu ai cũng có thể xóa đi làm lại.
Thế giới thay đổi rất nhanh và chúng ta theo dòng thay đổi đó
Đôi khi mình cũng nghĩ liệu nếu đại học, đi làm, đi học cao học mình chỉ tập trung vào 1 ngành thì liệu mình có đi nhanh hơn, giỏi hơn và quan trọng có hạnh phúc hơn. Hồi chọn trường thi đại học, thực ra bản thân mình cũng chẳng biết ngành nào khác ngoài Luật, Kinh tế, Kinh doanh, con gái thì mình cũng không nghĩ mình thích học kỹ thuật. Nếu cuộc đời “theo đường thẳng” thì có lẽ giờ mình nên làm “Tiến sĩ kinh tế”. Thực ra cảm giác “không đạt được ước mơ” cũng không tệ lắm bởi vì ước mơ thì cũng chỉ nằm trong tầm hiểu biết của chúng ta tại thời điểm nhất định thôi.
Chúng mình lớn lên trong một xã hội phát triển rất nhanh, tri thức mới cùng ngành nghề mới, công việc mới xuất hiện liên tục. Thời điểm đấy, ở quê như chỗ mình, thì đâu ai biết thế nào là Trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính. Mà đã không biết thì sao thể mơ, rồi đặt mục tiêu, thì biết đâu mà thi đại học. Bản thân mình trước 20 tuổi khác với bây giờ (cái đó gọi là trưởng thành), trước đây non xanh thấy việc này nhàm chán nhưng sau này nghĩ lại thấy thích. Mọi thứ đến cho đúng người vào đúng thời điểm.
Mình nghĩ ngay cả khi bạn được hướng nghiệp một cách rõ ràng, bài bản đi chăng nữa, thì cũng không thể đoán thấu tương lai chuyện gì sẽ xảy ra. 18 tuổi còn quá trẻ để chúng mình biết mình thích gì, hợp với gì. Vậy nên, nếu cứ ép bản thân phải đi theo 1 con đường đã chọn khi hết cấp 3 mới là tốt thì lẽ nào mình đang giới hạn bản thân trong tư duy và góc nhìn của một cô bé 18 tuổi. Chúng ta thay đổi mỗi ngày từ những điều chúng thấy ở thế giới xung quanh và những cơ hội được trải nghiệm. Học đại học có 4 năm, nhưng chúng ta có sự nghiệp kéo dài tận 40 năm. Liệu mình có để 4 năm ấy khóa lại những cơ hội khác trên cả hành trình dài phía sau.
Hành trình nào cũng đáng tự hào. Không có con đường nào là sai lầm, không có tháng năm nào là hoài phí
Mà nếu thấy sai thật thì chúng mình cũng phải đi tiếp hành trình mình chọn thôi chứ đâu thể ngồi yên và ước mình được quay lại thời gian làm lại từ đầu. Mình thực sự không thích quan điểm “Đằng nào ra trường cũng học trái ngành, bằng đại học vô dụng…”. Với mình tầm bằng đại học dù chỉ loại Khá thôi, đã giúp mình có được việc làm và đi du học, khám phá thế giới, học hỏi thêm nhiều điều, những điều mà chắc chắn mình sẽ không thể làm được nếu không có bằng đại học.
Hôm trước, vừa đọc 1 bài ông anh nào viết bài lại đi chê mấy đứa học Kinh tế đối ngoại Ngoại Thương (trong đó có mình ). Đọc cũng thấy cay. Thực ra mình cũng từng có chút “hối hận” khi học FTU, đúng là chúng mình học rất nhiều và không sâu, và giờ thì mình cũng chẳng theo ngành này. Nhưng học kinh tế cho mình hiểu về sự vận hành của thế giới, những mắt xích trong hệ thống và sự liên kết của chúng, để mình có thể nhìn vấn đề một cách bao quát có hệ thống hơn, những kiến thức này rất quan trọng khi mình đi làm và nghiên cứu. Trong cuộc sống hàng ngày, những bài học Tài chính, đầu tư (dù mình học mấy môn này kém lắm) cũng cho mình chút kiến thức để quản lý tài chính cá nhân, hiểu về hệ thống ngân hàng, lãi suất, đầu tư… Ở môi trường học Kinh doanh, khi ai cũng muốn làm giàu, ai mà chẳng một lần nghe qua mấy cuốn self-help được viết bởi những doanh nhân thành đạt. Dù không quá thần tượng sách self-help (mình là fan tiểu thuyết lãng mạn Marc Levy), nhưng ít nhiều lứa chúng mình cũng rèn luyện được một vài tư duy, kỹ năng, và thói quen “triệu phú” để sống lành mạnh và hạnh phúc. Đó cũng là môi trường để mình được quen, được học hỏi từ bạn bè xung quanh, từ anh chị đi trước, cho mình cơ hội được trải nghiệm, khám phá bản thân. Bởi thế, dù đi học điểm lẹt đẹt khiến mình mất tự tin rất lâu (như đã nói ở post trước), dù chuyển ngành, (dù dăm ba ngày lên mạng lại thấy đá xoáy mấy đứa KTĐN FTU
Nói thế không phải là mình quảng cáo trường cũ đâu. Ý mình là dù bạn chưa thấy bằng đại học có vai trò cho công việc của bạn hiện tại, dù chữ trên đó ghi gì nó cũng quan trọng lắm đấy. Mỗi trải nghiệm đã qua, đều đem đến cho chúng ta những bài học (mà hơi khó là bài học thì thường vô hình nên mình khó nhìn thấy). Chúng tạo nên những bước ngoặt trong cuộc sống. Bạn phải trải qua điều A thì mới dẫn đến B, đến C. Mình nghĩ ngay cả quyết định chọn lựa công viêc hiện tại cũng từ những trải nghiệm của bạn trong 4 năm đại học. Mình thấy việc được trải nghiệm những lĩnh vực khác nhau cũng giúp giúp mình đỡ “đứng núi này trông núi nọ”, để mỗi ngày mình không phải “dằn vặt”mỗi đêm “Sao bạn kia làm Tài chính giàu thế, còn tôi nghèo thế này”. Khi ấy mình có thể tự tin rằng “Đây là con đường mình chọn, và mình tự hào về hành trình đã đi qua”. Bạn mình nói với mình rằng, cuộc đời con người không phải một đường thẳng tuột mà là nhữnh đường dích dắc, giống như chúng ta nối những chấm tròn cạnh nhau, không phải lúc nào cũng vẽ thẳng, nhưng cái giây phút chọn chấm tròn tiếp theo để nối tiếp, chúng ta luôn có lý do.
Nói dài dòng vậy rồi thì điều này có ích gì khi apply học bổng, đi làm và ngay cả trong cuộc sống nhỉ?
Mình nghĩ những đường dích dắc kia cũng là một câu chuyện thú vị, tạo nên sự đặc biệt của cá nhân. Đường dích dắc của bạn sẽ khác với đường dích dắc của mình. Như mình đã nói ở bài trước, sự khác biệt tạo nên sự nổi bật. Nhưng dù bạn có kể câu chuyện đó ra hay không, quan trọng là “thần thái”, khi bạn thấy tự tin vào hành trình của mình, bạn sẽ thể hiện tốt hơn. Mình có xem một video của các cán bộ đọc hồ sơ của các ứng viên apply vào các trường đại học Top đầu ở UK, họ nói rằng câu họ ghét nhất khi đọc hồ sơ là “When I was a child…” bởi quá nhiều người viết như vậy nhưng họ không quan tâm hồi nhỏ bạn ra sao, họ chỉ quan tâm đến con người của bạn thế nào. Bởi vậy, bạn không theo lĩnh vực bạn chọn “từ bé” đó không hẳn là bất lợi. Bạn không thể thay đổi được xuất phát điểm, nhưng bạn hoàn toàn điều khiển cách mình đi. Đừng để mỗi lần “bẻ lái” mà không có lý do, hay vì ai đó xui mà không cần suy nghĩ. Mình nghĩ bước ra khỏi những điều quen thuộc để học một chuyên môn mới và tiếp tục theo đuổi nó là điều dũng cảm, đừng tự ti vì điều đó.
Có một khía cạnh khác của leadership mà nhiều người không để ý đó là self-leadership. Tự nhận thức, khám phá những điều phù hợp với mình, dẫn dắt bản thân mình vượt qua những khó khăn, cũng là leadership. Khi mình còn chẳng dẫn dắt được bản thân mình để đi con đường mình muốn thì mình “chỉ đạo” người khác ai nghe.
Chẳng phải qua học tập và đi làm, thay vì hiểu biết 1 lĩnh vực, nay bạn hiểu 2, chẳng phải như vậy bạn có network ở cả 2 lĩnh vực hay sao. Chúng ta đều có nhiều tài nguyên để sử dụng. Đừng nhỉ mọi việc chỉ ở bề mặt. Không có vàng hay kim cương nào lộ thiên trên mặt đất cả, nếu lộ thì nó thuộc về người khác rồi. Bởi thế mỗi lần mentor cho ai đó, mình luôn nói với các bạn hãy ngẫm nghĩ về hành trình của mình. Nếu bạn thực sự chấp nhận mọi thứ xảy đến trên hành trình của mình là một gợi ý, mỗi người bạn gặp trên hành trình là một người thầy, mỗi khó khăn bạn trải qua là một bài học, trên hết bạn sẵn sàng đối mặt và tha thứ cho những điều chưa hoàn hảo của bản thân, bạn sẽ thấy kim cương trong mình thôi.
Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com