Isle trong tiếng Scotland chính là đảo. Đảo Skye, hay Isle of Skye, là đảo rộng nhất trong nhóm Nội Hebrides của Scotland. Skye gồm nhiều bán đảo vươn ra từ khu vực núi non trập trùng. Chúng tôi đến Isles of skye chớp nhoáng giữa thời gian bận rộn làm luận văn để thưởng thức “thức uống của cuộc đời – Water of life”.
Thừ 5 ngày 8/8/2019
Sáng thứ 5 tôi gặp thầy hướng dẫn để báo cáo về phần số liệu đã hoàn thành cho bài luận văn. Thầy hướng dẫn của tôi là người Ireland, cặp mắt sâu và lông mày rậm, hơi bạc. Hồi mới bắt đầu làm việc cùng, tôi phải chú ý và cố gắng lắm để hiểu mỗi khi nói chuyện để theo kịp giọng tiếng Anh hơi trầm, lạ tai và đôi khi lên xuống để nói những câu nói đùa vui tính của thầy. Làm luận văn, tôi tự chuẩn bị ý tưởng, tự viết đề cương và tất nhiên thầy để tôi tự làm mọi thứ mình muốn nhưng không phải tôi bị thả ra bơi một mình mà cứ qua từng bước, thầy lại kiểm tra, đọc, sửa và không quên đưa cho tôi những thử thách mới.
Tôi đến văn phòng thầy vào đầu giờ sáng, thầy đã xem qua phần chuẩn bị của tôi, động viên tôi đang đi đúng tiến độ, nói cho tôi thêm mấy việc cần làm và dặn:
- Thầy về Ireland 1 tuần, chỗ đó làng quê, không có internet. Thầy cũng không muốn làm việc trong thời gian ở nhà nên cố gắng có gì thì hỏi luôn bây giờ. Trò ở London cố gắng sống sót qua thời gian nóng nhất giữa mùa hè ở London và giữ gìn sức khỏe để làm tiếp luận văn vì thời gian không còn nhiều.
Chính xác là ngày 1/9 tôi phải nộp luận văn, mất 1 ngày để in và tất nhiên cần gửi bản nháp nữa để thầy đọc, sửa lại, chưa kể khả năng viết tiếng Anh của tôi cũng không thể chủ quan được. Tôi còn 21 ngày để hoàn thành và thực trạng là tôi chưa viết một chữ nào trong 15 ngàn từ tối thiểu cần viết do thời gian qua tôi chỉ tập trung làm số liệu. Tôi có lo, nhưng thầy an ủi không sao, cố gắng thêm nữa là tốt rồi. Tôi với thầy cười khi nói thêm về những chuyện có lẽ khá “dở hơi” trong việc làm nghiên cứu, về cuộc sống ở Anh rồi thầy đứng dậy cầm chiếc cốc sức trên giá sách thở dài:
- Ngày bận rộn. Vậy là từ sáng đến giờ, thầy chưa uống cốc trà nào.
Tôi để thầy ở lại với việc không thể thiếu của người Anh – “uống trà”, chào thầy rồi quay lại với góc bàn quen thuộc để làm tiếp. “Thử thách” là trong 21 ngày của tôi là tôi còn một kế hoạch khác. Theo kế hoạch, thứ 7 thầy mới về Ireland còn ngày mai thứ 6 tôi đã ở Scotland. Tôi phải gật gù ngẫm nghĩ hai câu thơ trong bài “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu:
“Nói làm chi rằng xuân cứ tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”
Tôi cùng còn nhiều thời gian ở Anh nữa đâu. Tôi và Thư đã mua tour, đã đặt vé tàu và đến giờ lên tàu thôi.
Thừ 6 ngày 9/8/2019
Vì đặt vé cũng khá gấp, tôi không đặt được vé tàu Caledonian sleeper đi qua đêm như hồi đi Fort William leo núi, vé từ London đi Edinburgh lại đắt, và chúng tôi tìm cách tiết kiệm chi phí là mua vé London – Glasgow và Glasgow – Edinburgh, tiết kiệm được chục bảng. Tàu từ London trật kín người. Hai chúng tôi cũng mang máy tính theo để trên tàu ngồi làm việc, nhưng ổ cắm và wifi trên tàu có vấn đề, thêm vào đó nhìn liên tục vào màn hình khi tàu di chuyển nhanh rất khó chịu. Cuối cùng thì tôi chỉ ngồi nghe nhạc và nhìn cảnh vật bên ngoài cửa sổ, việc mà tôi vẫn thường làm không biết bao nhiêu lần mỗi khi đi tàu ở Anh nhưng chưa bao giờ thấy chán. Tôi thích và trân trọng cảm giác ấy.
Lần thứ 3 và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi lên Scotland trong trong đợt đi học này, lần nào đến Scotland với tôi cũng có một kỷ niệm khó quên. Đó là một Scotland rực rỡ ánh đèn giáng sinh và trắng xóa màu tuyết, còn lần này chúng tôi sẽ theo dấu chân điệp viên 007 để đi trên cung đường của Skyfall. London đang giữa mùa hè hơn 30 độ, còn vừa đến Glasgow tôi phải mặc ngay áo len. Thư vội vàng mua vé tàu qua apps, tại chẳng hiểu sao giá trên apps lại rẻ hơn hẳn giá trên máy ở ga, chúng tôi chạy qua cửa kiểm soát 5 phút trước khi tàu đóng cửa và vừa kịp lên tàu.
Chúng tôi lại ở nhờ nhà chị Yến một đêm. Chị yến vừa nộp luận văn, đang trong thời gian vô cùng thư giãn và nhà nhã tận hưởng mùa hè Scotland và giờ đang đúng dịp lễ hội âm nhạc đường phố Fringe sôi động khắp các con phố của Edinburgh cổ kính. Chúng tôi mượn được chiếc đệm hơi từ cô bạn của chi Yến. Tôi bơm mãi đệm hơi mới căng phồng, nằm êm ái, dễ ngủ, nhưng sáng hôm sau tôi lại thấy mình nằm trên một tấm bạt xẹp lép đã hết hơi.
…
Ngày 10/8/2019
Tôi với Thư dậy sớm, chuẩn bị đồ mang đi rồi ra điểm hẹn của Tour tại cổng trường đại học Edinburgh. Tour phần lớn là những người châu Á. Xe từ Edinburgh đến Glasgow để đón thêm các hành khách khác rồi tiến thẳng về vùng cao nguyên Scotland kỳ vĩ. Tour của chúng tôi kéo dài hai ngày. Tranh thủ lúc trên xe, bạn hướng dẫn viên giới thiệu cho chúng tôi một một số từ ngữ địa phương của Scotland, bao gồm từ “loch” có nghĩa là “hồ”.
Nhắc đến Scotland người ta sẽ nghĩ đến quái vật hồ Loch Ness, hay còn gọi là Nessie. Tôi chưa nhìn thấy quái vật thật bao giờ. Nghe đồn, đó là một con thủy quái sống dưới hồ, một loài xà cảnh long cá chình khổng lồ, vừa giống rồng, vừa giống rắn, lại vừa giống cá. Dù đã nhiều lần thăm dò, trục vớt nhưng ngày nay chẳng ai nhìn thấy Nessie lần nữa. Người ta cũng chẳng thể khẳng định Nessie có thật hay chỉ là một ảo giác khi người ta uống “water of life – rượu Whisky” quá chén. Tuy vậy, tôi chỉ biết Nessie màu xanh lá cây, nhìn rất dễ thương trên những món đồ lưu niệm của xứ Scot.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Loch Lomond, hồ nước ngọt lớn nhất Scotland. Hôm nay trời đẹp, mặt hồ phẳng lặng như gương lấp lánh nắng. Khách tham quan hôm nay cũng rất đông, chúng tôi phải đợi mãi mới có thể chụp một tấm ảnh. Bạn hướng dẫn viên đưa cho tôi lá cờ Scotland màu xanh để tôi cầm, tung bay trong gió.
Sau đó, chúng tôi đến Loch Tuna, một hồ nuôi cá hồi lớn ở Scotland nằm giữa vùng đất rộng lớn thuộc sở hữu của gia đình nhà văn Ian Flemming, tác giả của bộ truyện lừng danh James Bond – Điệp viên 007. Tôi nhận ra, viết văn ở Anh cũng có thể trở nên giàu có. Nhìn gia tài của Ian Flemming và nhìn sang JK Rowling, tôi lại càng có thêm động lực xuất bản một cuốn tiểu thuyết.
Rời Loch Tuna, xe chúng tôi đi thẳng trên con đường của James Bond đã đi trong Skyfall. Tôi với Thư ngồi ngay hàng ghế đầu, nhìn rõ cung đường quanh co dưới những ngọn núi trùng trùng điệp điệp. Bạn hướng dẫn tour tinh ý, bật nhạc bài Skyfall khiến trái tim tôi rạo rực. Sau đó, cả đoàn dừng chân ở cao nguyên Glencoe. Hóa ra đây là nơi tôi từng lỡ hẹn hồi đi leo núi Fort William vì chân quá đau không thể đi nổi. Glencoe xưa kia là một ngọn núi lửa. Giữa những ngọn núi cao vúi là một khoảng thung lũng rộng tạo thành một đường cong rộng miên man, hút mắt. Dãy núi hùng vĩ này cũng từng chứng kiến cuộc thảm sát 38 người từ gia đình nhà Macdonald theo lệnh của vua William. Giữa một nơi thơ mộng, hung vĩ đến thế này, nghe được câu chuyện đẩm máu khiến tôi thấy rợn rợn.
Chúng tôi tiếp tục tiến về phía bắc, qua những con đường ven hồ lớn, rồi tôi nhận ra một khung cảnh thân quen. Chúng tôi dừng chân ở Fort William để ăn trưa. Hôm nay có nắng lên ở Fort William, con phố chính tạnh ráo không còn là ngày mưa ảm đạm như tôi từng đến. Tôi với Thư lại chọn một quán pub để ăn món Fish & Chips thân thuộc, dạo một vòng quanh con phố nhỏ rồi quay lại xe.
Chiều về, trước khi đến khu nhà ở Skye nghỉ ngơi, chúng tôi dừng qua một vùng cao nguyên, ngắm nhìn lâu đài Eilean từ xa và đến một khoảng cáo nguyên rộng lớn. Tôi gặp lại Ben Nevis. Hôm nay, giữa mùa hè, cỏ cây xanh mướt, mây mù che phủ đỉnh núi, Ben Nevis nhìn hiền hòa hơn, khác hẳn với tháng ba vừa rồi bảo tuyết trắng xóa.
Buổi tối, chúng tôi nghỉ tại thị trấn Kyleakin, nằm bên bờ biển phía đông của Isle of Skye. Chúng tôi nhận phòng, ở chung phòng với 2 cô bạn người Trung Quốc cùng đoàn tour. Hai đứa ra ngoài, gió từ biển thổi vào mạnh dữ dội.
Chúng tôi ăn tối tại quán Castle Moil, và tôi thử món đặc sản Scotland – Haggis với “water of life” – rượu Whisky. Lúc ở trên xe, bạn hướng dẫn viên cũng giới thiệu về những con cừu ở Scotland, phục vụ cho ngành công nghiệp len và cũng mang tới món ăn đặc sản nơi đây. Tuy vậy, cô bạn không nói kỹ Haggis là món ăn thế nào, vì sợ nói ra tôi không dám ăn. Tôi tò mò, quyết định phải từ bằng được. Đến khi nhận đĩa thức ăn của mình có kèm rượu Whisky và 3 chiếc bánh quy ngọt, tôi mới hiểu tại sao cô bạn hướng dẫn viên không miêu tả kỹ món này với tôi. Haggis là món ăn làm từ nội tạng loài cừu, băm nhỏ với hành tây, bột yến mạch, mỡ ở thận cừu, gia vị, muối, trộn với nhau. Sau đó tất cả được nhồi vào trong dạ dày của cừu và luộc trong khoảng ba tiếng đồng hồ. Đây là món ăn đậm chất Scotland nhất. Nó cũng giống như lòng dồi ở Việt Nam vậy, nhưng khô hơn. Vị món ăn rất ngon, nhưng sau khi đọc thành phần thì đúng là tôi phải uống cạn ly Whisky mới yên tâm dùng bữa.
…
Ngày 11/8/2019
Chúng tôi xuống nhà ăn sáng với bánh mỳ nướng cùng socola nóng, rồi bắt đầu chuyến hành trình khám phá Isle of Skye. Isle theo tiếng Scotland có nghĩa là “đảo”. Isle of Skye là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Inner Hebrides. Đảo Skye nổi tiếng với đường bờ biển giữa một không gian núi non kỳ vĩ. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé qua là cầu Sligachan Bridge and Cuillins. Cây cầu nhỏ được xây bằng đá rêu phong vắt ngang qua một bờ suối. Điểm đến này sẽ chẳng có gì là thú vị nếu thiếu đi truyền thuyết của nó. Truyền thuyết kể rằng, nếu bạn ngâm mặt mình xuống dòng nước trong vòng 7 giây, bạn sẽ có một vẻ đẹp vĩnh hằng. Điều thú vị là chỉ các bạn nam trong đoàn là những người yêu vẻ đẹp vĩnh hằng mới xuống thử. Cứ mỗi lần một người nằm sấp xuống để ngâm mặt mình xuống nước, cả đoàn lại cùng nhau đếm ngược từ 7 đến 1. Tôi cũng thích mình xinh đẹp nhưng cũng hơi ái ngại vì bờ suối đá gập gềnh. Tôi cũng chẳng biết nên nằm xuống ở tư thế nào, nên tôi thử vận may của mình với một truyền thuyết khác. Truyền thuyết kể rằng, nếu bạn nhặt một viên đá ở dưới sông lên và cầu nguyện thì điều ước của bạn sẽ thành hiện thực. Tôi nhặt một viên đá nhỏ và bắt đầu ước. Thư quay sang nhìn tôi:
- Chị nói tiếng Việt thế thì thần ở đây sao hiểu.
Thế là tôi lại bắt đầu đọc lại điều ước bằng tiếng Anh.
Tạm biệt những truyền thuyết của cầu Sligachan Bridge and Cuillins, chúng tôi đến Old Man of Storr & Trotternish Peninsula, điểm đến đặc trưng nhất cảu Isle of Skye, mà chắc mà khi bạn gõ từ khóa Isle of Skye lên Google sẽ nhìn thấy đầu tiên. Địa danh này gồm một nhóm các hòn đá cổ xưa của Scotland được cho là phần mộ của một người khổng lồ trong truyền thuyết. Đoạn đường đi lên những tảng đá đá khá dốc và trơn. Hôm nay trời lại mưa, lên đỉnh núi cao, mây mù kèm theo một bầu trời âm u xám xịt khiến khung cảnh lại càng trở nên kỳ bí, huyền ảo.
Chúng tôi tiến về bờ biển phía đông, nơi có dòng thác đổ qua vách núi Kilt Rock dựng đứng. Dòng nước từ thác được nuôi dưỡng từ hồ Mealt Loch gần đó, thấm qua lòng đất rồi đổ xuống bờ biển gập ghềnh những hòn đá đen.
Đoàn nghỉ trưa ở thành phố Potree, thủ phủ của Isle of Skye. Potree có nghĩa là “bến cảng của đức vua”. Dãy nhà chỗ bến cảng được sơn màu rực rỡ. Theo gợi ý của bạn hướng dẫn tour, chúng tôi vào quán Fish&Chips ngon nhất Scotland để ăn trưa. Thư ăn Fish & chips truyền thống còn tôi đổi món ăn tôm viên và khoai tây chiên. Hai đứa mang hai hộp đồ ăn ra cảng ngồi để vừa ăn vừa nhìn sóng vỗ. Lẽ ra, đoạn này sẽ rát nên thơ, vì ngồi trên cầu cảng ngắm biển xanh sóng vỗ thì còn gì bằng. Bỗng nhiên, một đàn chim hải âu bay tới tấn công. Hai chúng tôi sợ quá giữ chặt hộp khoai tây vừa hét vừa chạy. Đàn hải âu cũng kịp cướp mất của Thư nửa phần cá.
Trên đường quay lại Edinburgh, bạn hướng dẫn viên mở phim Skyfall, có nhiều cảnh quay trên cung đường chúng tôi đi. Tôi nhớ là mình đã xem phim này ở rạp nhưng tôi không có một chút khái niệm nào về nội dung. Có lẽ cũng bởi thể loại hành động trinh thám không phải sở trường của tôi. Hôm nay xem lại, tôi mới nhận ra một điều rằng những bộ phim của Anh thường có một màu phim hơi tối. Ngày trước tôi cứ tưởng đó là hiệu ứng trong rạp phim, nhưng không phải. Màu xám ấy đúng với màu bầu trời những ngày thường thấy ở Anh, nhiều mây và xám hơi bạc. Cũng vì thế mà người Anh luôn có chuyện để nói với nhau. Không biết nói gì thì nhìn lên trời và nói về thời tiết.
Trên đường về, xe nghỉ tại một trạm dừng chân. Nhóm anh chị Chevening đã đi tour Isle of Skye lần trước nói chúng tôi sẽ được qua một chỗ có bán kem vị rượu Whisky, nhưng đoàn chúng tôi lại đi con đường khác. Chúng tôi đành vào siêu thị, mua một hộp 8 que kem bọc socola nhỏ. Hôm nay cũng là một ngày cần kỷ niệm và lần kỷ niệm nào hai chúng tôi cũng ăn kem.
Edinburgh chiều về mưa tầm tã và lạnh. Hai đứa đi men theo những cửa hàng trên phố trung tâm để về nhà chị Yến. Đó là lần cuối cùng tôi đến Edinburgh. Vậy là cũng đủ cái cảm giác của mùa đông, mùa hè, của ngày mưa, ngày nắng, ngày tuyết rơi, và cũng được dịp nhìn thấy ánh đèn giáng sinh lấp lánh và hòa mình vào lễ hội âm nhạc đường phố Fringe. Có điều hơi tiếc nuối rằng, vùng đất của nghệ thuật, nơi ra đời của những tác phẩm nổi tiếng như Harry Porter hay quê hương của điệp viên 007 cũng chưa giúp tôi cho ra đời tác phẩm nào của riêng mình, dù đến giớ tôi vẫn hoài cô gắng.
Những bài viết khác về nước Anh của mình: Nhật ký 444 ngày ở UK
Book tour tham quan Isle of Skye nếu bạn không có cơ hội tự mình thực hiện một Road trip: Tour tham quan trên viator
Album ảnh Isle of Skye của mình : Phuong Anh Violet Flickr
1 Comment