NỘI DUNG BÀI VIẾT
Tại sao We live in time, chuyển sang Tiếng Việt khi chiếu tại Việt Nam lại là “Ngày ta đã yêu” nhỉ? Đây không phải một bộ phim lãng mạn. Thật sự với mình nó chẳng lãng mạn một chút nào luôn, vì hai anh chị cãi nhau, chửi nhau còn nhiều hơn ở hôn nhau. Đó cũng chẳng phải một bản hùng ca hoành tráng về vượt qua nghịch cảnh đạt tới ước mơ. Bối cảnh phim và những cảnh quay cũng không có gì mãn nhã cả. We live in time đơn giản chỉ là những khoảnh khắc, những ký ức ghép nối trong cuộc đời của hai nhân vật chính, từ khi họ gặp nhau đến khi không thể ở bên nhau nữa. Và họ là những con người bình thường với một cuộc đời có những vui buồn, ngọt ngào, cay đắng, mặn nồng và cãi vã, và một thời gian sống hữu hạn.
Nội dung phim
Phim kể về câu chuyện tình yêu giữa Almut (Florence Pugh) và Tobias (Andrew Garfield). Nếu bạn còn xa lạ với 2 diễn viên này thì phim mình ấn tượng nhất của họ này là Florence Pugh từng đóng chị thứ 3 trong phim Little Women (2019) và Andrew Garfield từng đóng Amazing Spiderman với Emma Stonne. Almut là một đầu bếp với nhiều giải thưởng, còn Tobias là người đàn ông từng li dị vợ, anh làm việc trong một công ty IT lớn. Hai người gặp nhau sau một vụ tai nạn, từ đó nảy sinh tình cảm, và chung sống rồi có con với nhau. Đến một ngày, Almut phát hiện ra mình bị ung thư. Cô nói với Tobias rằng “Em muốn chúng ta có 6 tháng tuyệt vời, phi thường và chủ động thay vì 12 tháng vô cùng tồi tệ và bị động”. Khi đó, Almut cũng đứng trước thử thách lớn đó là tham gia cuộc thi đầu bếp uy tín mà mọi đầu bếp đều mong muốn tham gia hay dành toàn bộ quãng thời gian ý nghĩa còn lại cho gia đình.
Sự bình thường của cuộc sống
Nếu bạn kỳ vọng một bộ phim giải trí, lãng mạn, ngọt ngào thì có lẽ bạn sẽ ngủ ở phút thứ 29. Những cảnh quay đầu tiên còn cho mình cảm giác khó chịu bởi nó chậm rãi quá mức cùng những từ đệm không cần thiết. Trong suốt bộ phim cả hai nhân vật rất hay ậm ừ, nói 1 câu phải vai ba lần “Erm…” và cãi nhau lúc nào cũng vài lần “F*ck”. Phải đến lần cãi nhau cuối cùng, khi dần hiểu ra những thông điệp của phim, mình mới bắt dầu cảm động.
Chẳng hiểu sao khi xem We live in time, mình lại nhớ đến bài viết “The wonders of an ordinary life” trên School of life. Trong đó có câu khiến mình rất ám ảnh
“Chúng ta đang sống trong một thời đại ngưỡng mộ quá mức những cuộc đời phi thường, những cuộc đời mà hầu hết chúng ta chẳng bao giờ hướng đến. Các người hùng của chúng ta đã làm nên những vận may ngoại cỡ, xuất hiện trên những màn ảnh khổng lồ và chứng minh cho những phẩm hạnh và tài năng độc đáo. Thành tựu của họ vừa khiến ta lóa mắt vừa không ngừng khiến ta tự thấy hổ thẹn.”
Vậy nếu tôi không phải một trong số họ, thì có sao không?
Trong We live in time, không có một chuyện tình đẹp như trong cổ tích hay ngôn tình, không có người đàn ông yêu vợ đến nỗi bỏ qua tất cả những vấn đề của cô, và dù Almut có là một đầu bếp tài năng nhưng cô cũng chẳng đưa phim vào motif anh hùng đi đến thành công vượt qua nghịch cảnh hay một thông điệp nữ quyền nào đó. Ban đầu, mình cũng không thích tạo hình của Florence Pugh trong phim bởi quá sơ sài. Hollywood có nhiều diễn viên xinh đẹp ngất ngây nhưng vai diễn này dành cho Florence Pugh bởi vẻ bề ngoài “bình thường” ấy. Bạn sẽ thấy trong phim những buổi sáng chạy bộ của Almut, ngôi nhà với hành lang hẹp kiểu Anh, hai vợ chồng ngồi đợi kết quả thử thai trong nhà vệ sinh, âm thanh hổn hển của bà bầu ngày thai kỳ, và thậm chí cảnh sinh con nữa. Tất cả tái hiện một cuộc sống gia đình mà nhiều người có thể thấy bản thân mình trong đó mà không cần tô hồng, không cần lý tưởng hóa.
Những khoảnh khắc rời rạc
Phim không kể theo một trình tự thời gian của nhân vật từ lúc họ gặp nhau, yêu nhau và tiến tới gia đình. Đạo diễn phim chia sẻ rằng, ngay từ kịch bản ban đầu, họ có một cấu trúc phim hoàn chỉnh với phần mở đầu, giữa phim và kết theo trình tự thời gian, nhưng đến khi hậu kỳ, chỉnh sửa các thước phim, họ đã quyết định thay đổi. Phim là những khoảnh khắc rời rạc, mở đầu từ cảnh cuộc sống gia đình ở miền quê, rồi chuyển sang Almut bị bệnh, rồi quay lại lúc họ mới gặp nhau, và những khoảng khắc cứ xáo trộn như vậy. Những vui buồn trong quá khứ cứ bất chợt hiện lên xen kẽ, ngụ ý về sự vô thường, biến đổi của thời gian.
Kỹ thuật hoán đổi thời gian, lối kể phi tuyến tính không hiếm gặp trong điện ảnh. Ví dụ bộ phim Little Women (2019) mà Florence Pugh tham gia cũng dùng kỹ thuật này, và nó làm cho phim khác với phiên bản 1994. Tuy nhiên, đạo diễn của Little Women dụng ý so sánh sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Còn trong We live in time, sự xáo trộn này tạo cảm giác giống như mình đang đi vào ký ức của nhân vật, bởi những ký ức nào có tuyến tình bao giờ, mà nó cứ lóe lên trong đầu bất chợt vậy thôi. Những ký ức cũng là một phần lý do cho những quyết định của nhân vật ở hiện tại. Ví dụ như cảnh Tobias cầu hôn Almut, ngay trước đó là quá khứ khi họ cãi nhau chỉ vì cô không thích sự ràng buộc. Chính bởi sự kiện quá khứ trước đó, với những vấn đề của cuộc sống gia đình họ đã và đang đối mặt mới khiến lời cầu hôn lãng mạn và ý nghĩa đến vậy.
Tình yêu của người trưởng thành
Nói đi nói lại phim cũng vấn xoay quanh chủ đề tình yêu, nhưng đó không phải chuyện ngôn tình, hay những câu chuyện ngọt ngào, ngây thơ của hai người trẻ, mà là chuyện nghiêm túc của hai người trưởng thành. Almut khi gặp Tobias đã 34 tuổi, còn Tobias đã vừa trải qua đổ vỡ hôn nhân. Trong We live in time không chỉ là lúc mới yêu ngượng ngùng, ngọt ngào cháy bỏng, trêu đùa nhau, mà còn xen kẽ những bất đồng, căn bệnh của Almut, Almut đi làm quên đón con, nỗi đau của Tobias… Đó là một tình yêu đầy thực tế.
Về nhân vật Tobias, nếu có thể, mình muốn một người chồng như vậy, người mà cãi nhau xong sẽ quay lại để xin lỗi rằng anh đã chỉ nhìn vào những cái xấu và giận giữ mà quên đi sự thấu hiểu, người ngồi ở cửa nhà vệ sinh đợi kết quả thử thai cùng Almut, người tôn trọng và ủng hộ bạn đời, và sau cùng là người chăm sóc cho con gái khi mẹ nó không còn nữa. Tobias không phải mẫu đàn ông phi thường giải quyết được mọi việc như tổng tài hay Mr. Darcy. Trong phim không nói nhiều tới công việc của anh mà chỉ nói về tài năng và sự tham vọng của Almut. Có rất nhiều phim tái hiện nhân vật nam phàn nàn khi bạn đời của mình quá tham vọng, nhưng ngay cả trận cãi nhau to nhất giữa họ, dù cùng một thông điệp tại sao cô phải tham vọng đến vậy, nhưng Tobias không hề khiến khán giả nữ khó chịu (Ví dụ trong Devil wear Prada là mình muốn nhân vật nữ bỏ người yêu lắm luôn).
Từ đầu đến cuối phim Tobias thống nhất với quan điểm anh coi trọng gia đình, có trẻ nhỏ và anh chỉ cần có vậy. Còn Almut không muốn sự ràng buộc, ban đầu cô không muốn có con. Nhưng không phải vì thế mà có thể nói anh không tôn trọng hoài bão, cuộc sống cá nhân, sự nghiệp của Almut. Tobias là người quay lại xin lỗi cô sau cuộc cãi vã bởi chuyện ràng buộc, và ở bên cô dù họ chưa kết hôn. Dù đối mặt với vấn đề sức khỏe, cuối cùng Almut cũng lựa chọn việc có con và cô ấy trở thành người phụ nữ cùng úc gồng gánh sự nghiệp, gia đình, con cái và vấn đề sức khỏe, một áp lực của nhiều phụ nữ hiện đại. Hơi ngoài lề, quyết định của Almut khiến mình nhớ đến nỗi sợ của những cô gái về chuyện hôn nhân. Nhưng mình nghĩ, khi gặp đùng người, cô ấy sẽ quyết liệt tiến tới thay vì sợ hãi, chỉ cần một người khiến cô ấy sẵn sàng.
Với nỗi đau sẽ mất đi Almut, anh còn đối mặt với sự thất vọng rằng cô sẽ tham dự cuộc thi nấu ăn vào ngày họ đã định tổ chức đám cưới. Cảnh đầu tiên khiến mình khóc là cảnh Tobias tự tay bỏ vào thùng rác những tấm thiệp mời cưới để Almut thực hiện ước mơ tham gia cuộc thi nấu ăn của cô. Lúc đấy anh khóc mà mình cũng khóc luôn. Tobias không hề nhu nhược, và tất nhiên không một chút gì gia trưởng. Ở Tobias có một dự điểm tĩnh như một điểm tựa vững chắc. Nếu như Almut dễ nổi nóng, và nếu Tobias cũng theo bản năng mà tạo ra những mâu thuẫn liệu họ có bắt đầu được gia đình và đi cùng với nhau. Anh đã qua một cuộc hôn nhân đỗ vỡ trước đó và anh cũng hiểu lý do của sự đổ vỡ đó là gì. Cuộc sống không phải lúc nào cũng cho ta những điều ta muốn nhưng trong tất cả những khoảnh khắc và ký ức anh muốn lưu giữ cho anh và con gái mình, thay vì một đám cưới, anh chọn thấy vợ mình đạt được ước mơ.
Chúng ta sẽ để lại những gì
Tình yêu, sự nghiệp, sinh ly tử biệt nhưng câu hỏi lớn nhất của bộ phim đặt ra đó là ý nghĩa của cuộc sống. Liệu khi ta không còn nữa, ta muốn để lại ký ức nào cho người ở lại. Quyết định đi thi của Almut những ngày cuối cùng, không phải vì cô tham vọng, phim không hề mang ý nghĩa chiến thắng nghịch cảnh đi tới thành công. Điều cô sợ hãi là con gái cô sau này lớn lên chỉ nhớ được duy nhất 1 điều rằng “Mẹ đã mất vì ung thư”, bởi cô cố gắng lưu lại những khoảnh khắc tỏa sáng nhất. Cuối cùng, khi cô tiến về phía bố con sau khi hoàn thành cuộc thi mà không cần đợi kết quả, lúc này cô hiểu rằng hào quang này đã đủ và cô cần tạo ra những khoảnh khắc khác.
Một hình ảnh rất đẹp trong phim khác là hình ảnh sân băng. Cô từng rất thích trượt băng nhưng đó chỉ tạo ra cho cô ký ức buồn khi cha không ở đó nữa. Nhưng đến cuối phim, cô đã dũng cảm đối mặt với nỗi đau đó, và cùng cả gia đình đến sân băng. Hình ảnh cô chào hai bố con, rồi tự tin lao về phía trước như một lời chia xa rất yên bình, rằng có thể cô đang tiến về phía cha mình, và yên tâm vì hai bố con Tobias vẫn sẽ hạnh phúc.
Phim kết lại, không rõ liệu Almut có còn ở đó hay không. Cấu trúc đối xứng, Tobias và con gái ra chuồng gà nhặt trứng rồi vào bếp như hành động của Almut ở dầu phim. Anh dạy con cách đập trứng mà đầu bếp Almut đã chỉ cho anh. Almut vẫn còn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, qua những thói quen và qua những ký ức. Nhìn vào ngôi nhà, khu vườn, căn bếp nhỏ ở cuối phim, mình hiểu rằng vẻ đẹp của cuộc sống không nằm ở những điều hoành tráng, những thành tựu, một tình yêu hoàn hảo, mà nằm ở sự bình dị của cuộc sống hàng ngày dù có cả những niềm vui và nỗi buồn đan xen, tất cả đều là những khoảnh khắc đáng sống.
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com