Oxford

Thẻ Railcard là một khoản đầu tư 30 bảng. Đó là con số cũng không nhỏ đối với chúng tôi khi nó bằng gần một tháng tiền đi chợ . Nhưng xét về quyền lợi mà nó đem lại thì đó là một khoản đầu tư xứng đáng. Có thẻ Railcard, chúng tôi được giảm 1/3 giá vé khi đi tàu trong nước Anh. Ngoài ra, khi liên kết thẻ Railcard với thẻ Oyster, chúng tôi lại được giảm 1/3 giá vé Underground các giờ thấp điểm. Hôm đấy, tôi với Thư ra ga King Cross, điền thông tin để mua thẻ dành cho người từ 16 đến 25 tuổi. Cầm thẻ trên tay, đựng trong cardholder đỏ chót của Virgin Train, chúng tôi nhìn nhau cười và tự nhủ phải đi chơi nhiều cho bõ. Đảm bảo 4 chuyến là hoàn vốn. Chuyến đi Oxford là lần đầu tiên tôi được đi ra thành phố ngoài London, và là lần đầu tiên tôi được đi tàu Railway ở Anh.

Ngày 29/9/2018

Cuối tháng 9, trời bắt đầu trở lạnh. Những tia nắng cuối thu nhọc nhằn xuyên qua những dải mây trắng như lụa đang che phủ bầu trời xanh thẳm, yếu ớt rọi xuống thành phố. Những chuyến đi thường có tôi, Thư và chị Nhã. Ba chị em cùng ở London, đi đâu cũng rủ nhau, lập thành team đi chơi khá hợp. Chúng tôi đi tàu từ ga London Paddington từ 7h52. Tên nhà ga thật đáng yêu, giống tên chú gấu Paddington trong bộ phim cùng tên. Chúng tôi chọn chuyến sớm, bởi đó là một trong những chuyến rẻ nhất, mà chỉ đi trong ngày nên muốn có nhiều thời gian lang thang. Tàu đi mất đúng 1 tiếng. Đến 8h52 chúng tôi đã đặt chân xuống Oxford, khi thành phố còn im lìm, chưa tỉnh giấc.

Oxford in the morning

Tôi nhìn lại kế hoạch, danh sách các điểm đến tôi đã chuẩn bị từ tối qua trong cuốn “Cẩm nang du lịch Anh” mà tôi mang theo. Cuốn sách rất dày, và nặng, toàn trang ảnh màu, chi chít bản đồ và thông tin điểm đến. Tối hôm sắp đồ chuẩn bị đi, mẹ tôi bảo để hết sách vở, truyện ở nhà, không cầm đi cho nặng. Đợi lúc bố mẹ đi ngủ, tôi phải lén bỏ cuốn đó vào trong hành lý xách tay. Đúng là rất nặng, nhưng mang đi cũng bỏ công.

Chắc hẳn hồi cấp 2, đứa con gái nào mà chẳng một lần mơ mộng đến một câu chuyện tình như của Kim trong truyện “Oxford thương yêu” của Dương Thụy. Nhưng vì chuyện của tôi suốt một năm ở Anh, chẳng giống của Kim một tẹo nào nên tôi mới viết những bài du ký này. Tuy vậy, không cần một câu chuyện tình, Oxford vốn đã nên thơ, yêu kiều và lãng mạn rồi.

Chúng tôi bắt đầu đi bộ từ bền tàu, đi qua Broad Street qua Bảo tàng lịch sử Khoa học Ashmolean để vào con phố trung tâm. Giờ vẫn còn quá sớm, cả bảo tàng và các cửa hàng trên phố vẫn còn chưa mở cửa nhưng đó lại là một điều may mắn bởi mấy khi đi du lịch tôi lại chụp được những bức ảnh không có người, mà chỉ có vẻ đẹp nguyên sơ của thành phố. Trước mắt tôi bắt đầu hiện ra những tòa nhà nâu vàng nhuộm màu thời gian có tháp cao mà trong sách vẫn thường miêu tả là “chóp nhọn mơ màng”. Chúng tôi đi qua những khu nhà của trường đại học Oxford, Trinity College, nhà hát Sheldonian.

Những toà nhà, khu học xá, thư viện của trường đại học Oxford không nằm tập trung một khu riêng mà nằm rải rác khắp các ngõ ngách của thành phố. Tôi cảm thấy như từng hơi thở của thành phố này đều đậm mùi thơm của sách vở, hàn lâm.

Oxford bridge
Cầu than thở
IMG_4498-01
IMG_4619-01

Đi loanh quanh, đến 10h, những đoàn khách du lịch đến ngày một đông. Chúng tôi đi vào từng điểm đến trong check-list. Đầu tiên chúng tôi đi vào đại học Balliol. Đó là một trường đại học nhỏ của đại học Oxford được thành lập từ năm 1263 nằm ngay trên phố Broad Street. Vé vào cửa chỉ có 1 đồng dành cho sinh viên. Chúng tôi được tham quan khu giảng đường, vườn trường. Những tòa nhà vẫn còn vẹn nguyên vẻ cổ điển nhưng không hề cũ kỹ mà rất sang trọng, quý phái của nơi dành cho các quý tộc từ thế kỷ 13. Trong trường còn có cả nhà thờ với những ô cửa sổ kính đầy màu sắc. Nhưng ấn tượng nhất là phòng ăn với những dãy bàn như trong phim Harry Potter, đã được bày đủ bộ dao dĩa, cốc thủy tinh trong veo và khăn ăn trắng tinh.

IMG_4658-01
IMG_4661-01

Chúng tôi cố gắng chụp thêm vài kiểu ảnh như kiểu Alice vào xử sở thần tiên rồi tiếp tục đi về phía tòa nhà Radcliffe Camera. Đây công trình đặc trưng nhất của Oxford mà chắc chắn khi bạn tìm hình ảnh của Oxford trên Google, đó sẽ là hình ảnh hiện ra đầu tiên. Rồi cứ thế, tôi để mình lạc vào những ngõ nhỏ, đi đến cầu Than thở, vườn thực vật, bảo tàng lịch sử tự nhiên Oxford, rồi quay lại trung tâm, phía nhà hát Sheldonian. Lại vì một ký do nào đấy, hôm nay nhà hát Sheldonian đóng cửa, chúng tôi đành ngồi trước cửa tòa nhà, để ngằm nhìn thành phố và nghĩ chỗ ăn trưa nhìn trung tâm thành phố nhộn nhịp.

IMG_4523-01
IMG_4500
Tòa nhà Radcliffe Camera

Ngồi được một lúc, cánh cổng sắt của nhà hát Sheldonian mở ra, rồi một đoàn sinh viên mặc áo choàng đen, khoác trên vai tâm gown sáng màu, và mặc bên trong áo sơ mi trắng, đội mũ cử nhân từ cổng bước ra, đi ngang qua chỗ chúng tôi. Hóa ra hôm nay nhà hát đóng cửa để tổ chức lễ tốt nghiệp. Những gương mặt hớn hở, không giấu nỗi sự tự hào. Một giấc mơ đẹp như trong phim lại thoáng qua trong đầu tôi.

Chẳng phải hồi bé tôi đã từng mơ ước mặc cái áo này, ngày ngày vùi mình trong những thư viện mái vòm cổ kính chưa đầy sách, thả mình trên những bãi cỏ, hay đạp xe qua những con phố nhỏ xinh, hay thậm chí là cầm đũa thần, đọc thần chú làm phép như Harry Potter sao. Và rồi giấc mơ vội tan biến, bởi khi chọn London, tôi đã chọn bước vào một thế giới khác, dù ai cũng tham lam nhưng mà người ta không thể một lúc có tất cả những điều mình muốn. Tôi cũng sẽ mặc áo Gown vào lễ tốt nghiệp của tôi vào năm sau. Mà lúc này tôi còn mới nhập học, nên tôi cũng chưa nghĩ gì đến lễ tốt nghiệp.

IMG_4486-01
IMG_4684-01

Chúng tôi dùng bữa trưa ở một quán pub địa Phương có tên là Kings Arms. Lần đầu tiên tôi ăn trong pub, chúng tôi cố gắng gọi những món khác nhau để mỗi người được thử một chút. Tôi gọi một suất có bít tết, phủ chese chảy mềm, rau và khoai tây chiên. Thiên hạ có câu “Đầu bếp dưới địa ngục là người Anh”, chắc có lẽ cũng để nhắc tôi rằng, đừng quá hi vọng ở ẩm thực đất nước này. Món ăn chỉ vừa miệng, chứ không phải ngon một cách xuất sắc.

IMG_4680-01

Chúng tôi quay lại bảo tàng nghệ thuật và khảo cổ Ashmolean mà ban sáng chưa mở cửa. Bảo tàng được xây dựng năm 1678, nay là một phần của đại học Oxford. Mỗi lần đến bảo tàng, tôi lại phải trầm trồ với cách người Anh giữ gìn văn hóa và những “kho báu” của họ. Những bộ sưu tập đồ cổ được trưng bày rất đa dạng, có cả xác ướp Ai Cập, bộ sưu tập điêu khắc và đồ gốm, tranh của Trung Quốc và cả các nước phương Tây. Tôi thích nhất khi bước vào căn phòng trưng bày những cây vĩ cầm cổ. Nó làm tôi nhớ cây Violin ở nhà của mình, mà mỗi lần tôi kéo đàn cả nhà phải đóng chặt cửa bởi chị gái tôi bảo nghe rất giống còi tàu hỏa.

IMG_4705-01

Đến ba giờ chiều, chúng tôi ghé qua một tiệm trà bánh để thưởng thức trà chiều, một “đặc sản” của người Anh tôi đã nghe qua mà chưa có dịp thưởng thức. Hôm đến nhà anh bạn đã ở UK lâu năm, anh cũng giới thiệu trà chiều với bánh scone như một món ăn xuất sắc không thể bỏ qua, làm tôi tò mò. Nhưng cũng lạ lùng, tôi nhìn một cửa hàng tường màu xanh bạc hà, ghi trước cửa tiệm “Tiệm trà đầu tiên ở Oxford”, rồi nhìn sang bên đường, một cửa hàng khác màu xanh da trời nhạt ghi là “Tiệm trà đầu tiên ở nước Anh”. Chẳng biết đâu là thật, chúng tôi chọn cửa hàng màu xanh da trời – The Grand Café.

Phải đứng đợi ngoài cửa gần 30 phút, cô bạn phục vụ mới đưa chúng tôi vào bàn dành cho 3 người bởi cửa hàng quá đông và khách xếp hàng ngoài cửa đợi càng lúc càng dài. Chúng tôi gọi 1 suất Cream tea rồi lại tiếp tục đợi 15 phút nữa để đồ được đem ra. Tôi không biết dịch từ Cream tea ra tiếng Việt thế nào cho đúng, chứ nếu dịch từng từ là Trà kem thì có lẽ không phải. Suất Cream tea gồm có bánh Scone cùng với mứt dâu, clotted cream và trà nóng. Chúng tôi gọi một ấm trà bá tước truyền thống và một trà vị oải hương. Tôi bẻ đôi chiếc bánh, phết kem trước vì kem dẻo hơn, rồi mới đến mứt dâu mềm.

20181007_111810
Scone

Cảm giác khi đưa miếng bánh lên miệng. Tuyệt vời, tôi sẽ rút lại ngay ý nghĩ đồ ăn ở Anh dở tệ vì món này. Rất bõ công chúng tôi chờ đợi gần tiếng đồng hồ để được thưởng thức. Cốt bánh mềm, ẩm, thơm mùi bơ và sữa. Bánh không bông mềm như bông lan, nhưng lại không quá khô và cứng cookies. Kem mềm, thơm ngậy tan êm trong miệng, kèm theo vị chua rất thanh của mứt dâu khiến món bánh không bị béo quá. Thưởng thức cùng với trà thì không gì có thể phàn nàn.

Scone là món khiến người ta mê mẩn ngay từ lần chạm đầu tiên. Bánh Scone đầu tiên được làm bởi người Scotland từ đầu thế kỷ 16. Ban đầu, người ta làm bánh Scone từ yến mạch, nhưng sau này, với sự phát triển của lò nướng cùng với sự cải tiến trong công thức, bánh Scone được làm từ bột mỳ, đường, bột nở hoặc baking soda, bơ, sữa và trứng, có thêm một hoa quả khô hoặc pho mai. Còn Clotted cream, món kem mịn như nhung có nguồn gốc từ vùng Devon, Cornwall, phía tây nam nước Anh. Clotted cream có đến 55% chất béo, hơi đặc nhưng mịn, màu trắng ngà, phần phía trên hơi ngả vàng vì váng sữa.

Sau này, chúng tôi ăn bánh Scone rất nhiều lần, ở rất nhiều thành phố khác nhau. Chúng tôi cũng mua bánh Scone trong siêu thị, mua Clotted Cream Devon, và mứt dâu với giá rất rẻ, chưa đến 5 bảng cho một bữa trà chiều no nê và sang chảnh. Có lần, tôi tự làm bánh Scone, còn Thư mất cả đêm ngồi canh lò nướng nhiệt độ thấp để làm Clotted cream, mứt dâu thì rẻ quá, hai chị em cũng không mất công tự làm. Nhưng có điều, không ở đâu cho tôi cái cảm giác mịn màng, nhẹ tan êm trong miệng như miếng bánh ở Oxford. Phải chăng ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng sâu sắc và khó quên.


Tham khảo: Thẻ Railcard 16-25 dành cho sinh viên tại UK.

Các bài viết khác về nước Anh

Subscribe để không bỏ lỡ những bài viết mới

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]

Những hình ảnh khác ở Oxford

20181007_111738
Oxford
Oxford 2
IMG_4636-01
IMG_4566-01
IMG_4528-01
IMG_4502-01
IMG_4499-01
20181007_111925
IMG_4478-01
20181007_111628