Tuần vừa rồi mình có xem bộ phim “System Crasher” nằm trong nhóm tám phim được trình chiếu tại sự kiện do viện Goethe tổ chức. Phim tạm dịch là “Kẻ nổi loạn” với chủ đề về giáo dục trẻ em.
“Kẻ nổi loạn” là phim đoạt giải Gấu Bạc cho “Phim mở ra góc nhìn mới về nghệ thuật điện ảnh” tại LHP Quốc tế Berlin 2019. Tại giải thưởng phim Đức 2020, tác phẩm giành tám giải, trong đó có danh hiệu “Phim hay nhất” và “Đạo diễn xuất sắc”. Kẻ nổi loạn cũng đại diện Đức dự tranh Oscar 2020 ở hạng mục “Phim nước ngoài hay nhất”. Đây mới chỉ là tác phẩm phim dài đầu tay của nữ đạo diễn Nora Fingscheidt tạo bước ngoặt cho sự nghiệp của cô và dàn diễn viên trong phim. Giới thiệu sơ lược về thành tích của phim bạn cũng đủ thấy chất lượng phim thế nào.
Với mình, đây không phải bộ phim dễ xem. Và thậm chí khi ngồi trong rạp mình còn cảm thấy rất ức chế. Và tất cả hình ảnh, âm thanh của phim đều là chất xúc tác cho sự “ức chế” trên. Phim kể về cô bé ô bé Benni chín tuổi, có tính cách chống đối, và hay bực tức. Mở đầu phim là cảnh cô bé nằm trong bệnh viện và phải uống thuốc để tiết chế bản thân. Sau đó là cảnh Benni gây gổ, đánh nhau với các bạn trong trường.
Từ đầu đến cuối phim, Benni xuất hiện trong hình ảnh chiếc áo hồng, nhưng cuộc sống của cô bé lại không hề màu hồng như vậy. Benni không được sống cùng mẹ mà phải ở trong trung tâm giáo dục. Benni còn có một vấn đề tâm lý nặng nề là cô bé sẽ nổi cáu lên, hét lên, chống phá bất kỳ cứ động vào mặt bé. Bà Bafané – nhân viên trung tâm bảo vệ trẻ em phải tìm cho cô bé hết chỗ ở này đến chỗ ở khác bởi ở đâu, Benni cũng gây rắc rối và không còn nhà trẻ nào muốn nhận nuôi cô bé nữa. Người giúp đỡ Benni nhiều nhất và cũng là người cô bé tin tưởng nhất là huấn luyện viên Micha.
(Đoạn sau đây Spoil nội dung)
Từ đầu đến cuối phim, cuộc sống của Benni chỉ có những câu hỏi “Bao giờ mẹ sẽ đến”, những tiếng hét đến inh tai, cuộc bỏ trốn trung tâm giáo dục, và những bất lực trong phương pháp giáo dục.
Cuộc điều trị có ý nghĩa quan trọng nhất đối với tâm lý Benni là những tuần ở trang trại trong rừng cũng thầy giáo Micha ở một nơi không có điện, không có internet. Đó là nơi, Benni cảm thấy luôn vui vẻ, và phải thốt lên rằng “Đây là kỳ nghĩ tuyệt vời nhất, và nếu là một phương pháp điều trị thì đây là phương pháp tốt nhất”.
Mình thấy sự thay đổi trong cách ứng xử của Benni, vào một buổi sáng, khi Micha quên mất vấn đề trên mặt cô bé và ném chiếc khăn vào mặt Benni khi cô bé đang ngủ. Thay vì giữ, gọi cảnh sát đến trói và bắt cô bé vào viện, dùng thuốc như cách các trung tâm giáo dục vẫn làm, Micha cố gắng ôm cô bé vào lòng và xin lỗi. Đó là lần đầu tiên Benni lấy lại được bình tĩnh trong suốt cả phim.
Kỳ nghỉ trong rừng kết thúc, Micha đưa Benni quay lại trung tâm, và việc đầu tiên cô bé làm là hét lên, đập đầu vào cửa xe vì không muốn quay lại. Tại sao Benni ghét trung tâm giáo dục đến mức luôn bỏ trốn đến vậy? Bởi với cô bé đó là một nơi không hề có tình yêu thương. Các thầy cô giáo ở đó họ chỉ làm đúng bổn phận trông trẻ của mình, và những cô cậu bé khác cùng ở đó cũng không chơi với Benni, thậm chí còn chọc phá Benni. Cảnh phim khi Benni nới với Micha “Chú làm cha cháu được không?” đủ để thấy cô bé cần tình yêu thương gia định đến thế nào.
Những tưởng, phim sẽ có một cái kết đẹp khi mẹ của Benni nói rằng bà đã chia tay chồng (không phải bố của Benni), và có thể đón cô bé về ở cùng. Cô bé háo hức, chờ đợi, không còn gắt gỏng nữa mà luôn tươi cười hi vọng. Nhưng đến buổi sáng quyết định, mẹ cô bé đến Trung tâm và nói không thể đón bé về nữa, vì ngay cả mẹ cô bé cũng phải sợ sự nổi loạn của Benni. Bà sợ những đứa con khác sẽ bị ảnh hưởng theo.
Và mình cứ phải suy nghĩ mãi về câu hỏi, liệu Benni sẽ được về với mẹ khi cô bé không còn nổi loạn vậy nữa hay phải được về với mẹ thì cô bé mới có thể trở thành “đứa trẻ ngoan”. Đó là một đoạn phim mang lại sự bế tắc. Cô Bafané nói chuyện với mẹ Benni xong cũng bất lực và òa khóc. Nhưng lạ thay chính Benni lại trở thành người ngồi xuống an ủi cô, khi chính cô bé mới đang là người chịu nổi buồn nặng nề nhất.
Và hi vọng thứ 2, khi Benni trốn đến nhà thầy Micha vào đêm. Vợ của thầy Micha rất quý Benni. Mình cứ nghĩ rồi phim lại tốt đẹp khi họ nhận nuôi cô bé. Nhưng cho đến buổi sáng, khi Benning thức dậy nghe thấy tiếng khóc của cậu bé con đầu lòng của thầy Micha. Benni bế cấu bé xuống nhà, pha sữa, chơi với cậu. Và đó là lần đầu tiên cô bé để cho một người lạ sờ vào mặt mình. Nhưng đó chỉ là phút bình yên hiếm hoi trong phim. Khi vợ chồng Micha thức dậy, họ lo lắng và giành lại đứa bé từ tay Benni. Cô bé lại tiếp tục bị ảnh hưởng tâm lý và bỏ chạy.
Suy cho cùng thì dù có yêu quý Benni thế nào, với thầy Micha, Benni vẫn chỉ là một đứa trẻ cần được điều trị và không thể nào yêu thương cô bé bằng con ruột.
Phim kết lại bằng cái kết mở, khi Benni dang rộng cánh tay giữa bầu trời của tự do, với hi vọng thoát khỏi 4 bức tường của trung tâm giáo dục, những đợt điều trị. Và câu hỏi ta đặt ra sau bộ phim là liệu những đợt điều trị tâm lý, trung tâm giáo dục, uống thuốc, hay cả những phương pháp tại nước ngoài có hiệu quả bằng một cái ôm của mẹ.
Liên hoan phim Đức còn kéo dài cho đến tháng 10. Phim chiếu tại Trung tâm chiếu phim quốc gia với giá vé chỉ 35.000, và nhiều phim rất đáng xem. Nếu bạn yêu thích nghệ thuật thứ 7 hãy thử ghé qua nhé. Phim “Kẻ nổi loạn” sẽ còn một suất chiếu vào đầu tháng 10.
Đặt vé phim tại Ticketbox
Các Review phim khác của mình: Review phim
Nguồn ảnh: IMDB