NỘI DUNG BÀI VIẾT
“I will honor Christmas in my heart, and try to keep it all the year. I will live in the Past, the Present, and the Future. The Spirits of all Three shall strive within me. I will not shut out the lessons that they teach!” – Charles Dickens, A Christmas Carol .
Tháng 10, Hà Nội bắt đầu trở gió. Hương vị mùa thu lạnh, thơm ngát len lỏi trên từng con phố. Sáng nay, cô bạn ở Anh báo tin vừa đặt được chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Vậy là cô ấy cũng đã kết thúc 1 năm trải nghiệm ở UK, một năm hành trình với Chevening. Tôi cũng vừa đi mua một cây nến thơm để đốt trong nhà. Cửa hàng mới về một loạt nến mới cho mùa cuối năm với nhiều mùi hương rất ngọt. Khi mở nắp hộp nến thơm mang tên BE MERRY, mùi hương của quế nồng nàn pha chút dịu ngọt của táo khiến tôi lại nhớ đến không khí giáng sinh ở Anh. Đó là giáng sinh đầu tiên tôi từng trải qua, một giáng sinh lấp lánh và ấm áp.
Năm 2018
Không khí giáng sinh ngập tràn
Từ tháng 10, trời đã bắt đầu lạnh hơn, nhà chúng tôi cũng bắt đầu bật lò sưởi. Tôi rất thích cái cảm giác mỗi tối ngồi trong nhà bếp ăn cơm. Tôi thường mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài hít hà mùi của gió, quyện với hương bánh socola thơm lừng cô bạn người Mỹ đang nướng trong lò. Bao trùm không gian là giai điệu vui nhộn của ca khúc “Driving home for Christmas” được thể hiện bởi giọng ca rất trầm ấm, ngọt ngào của Chris Rea. Cái cảm giác ấm áp đến xao lòng. Tôi cứ chiếm trọn cái vị trí ngồi cạnh cửa sổ nhà bếp ấy bao buổi tối. Giáng sinh lấp lánh của tôi bắt đầu như vậy.
Không khí giáng sinh lúc này cũng đã rộn ràng khắp các cửa hiệu, phố xá London. Khắp nơi bắt đầu trang trí cây thông. Trường tôi cũng có một cây thông màu trắng. Một vài chiếc kẹo socola giấu trong kẽ lá.
Những tấm thiệp óng ánh
Kể ra người Anh cũng lạ. Ở một nơi công nghệ chẳng thiếu, điện thoại, internet quá phổ biến, người ta chỉ mất vài giây để gửi một tin nhắn, gọi một cuộc điện thoại. Vậy mà người ta vẫn cứ thích gửi thiệp, gửi postcard, viết thư tay. Mỗi lần vào cửa hàng văn phòng phẩm Paperchase, tôi lại mất thời gian bị lạc trong một mê cung thiệp giấy. Ở đó có thiệp mừng sinh nhật, thiệp mừng đám cưới, mừng có em bé, mừng nhà mới, thiệp cám ơn, thiệp xin lỗi… Bên cạnh thiệp, còn có biết bao nhiêu loại bút viết Calligraphy (một kiểu thư pháp phương Tây), rồi còn nhiều loại phong bì, nến sáp để đóng dấu bì thư. Tất cả những yêu thương bình dị đời thường gói gọn trong những tấm thiệp mà người ta vẫn hay gửi cho nhau.
Cuộc sống hiện đại không thể khiến người ta quên đi những chân tình. Những hòm thư đỏ chót có lịch sử lâu đời cũng vì thế trở thành một biểu tượng của London. Đến nay vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống. Mấy đứa chúng tôi đi du lịch, cũng hay thích gửi postcard về nhà để lấy cái dấu bưu điện tròn ở góc Postcard làm kỷ niệm. Giáng sinh đến, Royal Mail bận rộn hơn để gửi những tấm thiệp đi khắp mọi nơi. Một vài hòm thư được sơn mới với hình bông tuyết trắng như một điều đặc biệt mùa lễ hội.
Tôi chuẩn bị những tấm thiệp giáng sinh và kẹo gậy, socola để gửi cho bạn bè. Thiệp giáng sinh tôi mua ở The Work hôm đi Belfast. Còn những thanh kẹo gậy đỏ trắng bé xíu tôi mua ở Poundland lúc chờ bạn ở bến tàu. Viết thiệp giáng sinh cũng khá lâu, vì đôi lúc chẳng biết viết gì ngoài câu “Giáng sinh vui vẻ”. Cho thiệp và kẹo vào phong thư, tôi ra bưu điện. Trước khi gửi, tôi nhìn đi nhìn lại xem mình đã ghi đúng địa chỉ của mọi người hay chưa. Cái cảm giác ấy khá hồi hộp. Những phong bì cuối cùng trượt khỏi tay, nằm yên phía trong hòm thư sắt màu đỏ chót bên phố. Từ hôm ấy, tôi lại đợi những tấm thiệp của các bạn gửi đến hòm thư của mình.
Lễ bật đèn giáng sinh
Đầu tháng 11, cô bạn cùng lớp rủ tôi qua Oxford Street xem lễ bật đèn giáng sinh. Không khí hôm ấy cũng giống như đón năm mới vậy. Mọi người đứng chật kín giao lộ Oxford, đoạn giao giữa Oxford Street và Regent Street để chờ những chùm đèn trang trí trên phố bật sáng rực rỡ. Con phố Regent là phố mua sắm nổi tiếng với những cửa tiệm bán những món đồ hàng hiệu xa xỉ và đắt đỏ. Hôm nay được trang hoàng bằng đèn hình thiên thần màu vàng kiêu sa như một biểu tượng, hy vọng về một giáng sinh tràn ngập phép màu. Còn phố Oxford dường như khiêm nhường hơn với chùm đèn mang thông điệp chào giáng sinh an lành.
Tôi hẹn chị Nhã và Mikka đợi ở Oxford circus từ 6h30 tối. Tôi cũng chỉ tò mò, không hiểu sự kiện “light swith-on” này có gì đặc biệt mà người người đến xem đông đến vậy. Ai cũng cầm trên tay điện thoại đang bật chế độ quay phim để không bỏ lỡ giây phút cả con phố bừng tỉnh bởi ảnh đèn. Gần đến giờ bật đèn, một đoàn biểu diễn đường phố đi ngang qua. Tôi nghe tiếng nhạc réo rắt, tò mò kiễng chân lên để cố gắng xem điều gì đang diễn ra trên phố qua hàng hàng lớp lớp những người đang đi trảy hội. Tất cả “Ồ” lên một tiếng, ánh đèn trên phố Oxford circus đã bật sáng từ bao giờ.
Cậu có về nhà ngày giáng sinh?
Lớp tôi học đến giữa tháng 12 trước khi được nghĩ lễ và ôn thi. Hôm làm bài tập nhóm, mấy đứa làm xong sớm quay ra bàn kế hoạch giáng sinh. Lớp tôi phần lớn các bạn là người châu Âu, chỉ có mỗi tôi, một cô bạn người Philipine và một cậu bạn người Ấn Độ đến từ châu Á, còn một vài người bạn từ các nước châu Phi. Phần lớn sau khi kết thúc buổi học cuối cùng, mọi người sẽ đều sẽ về nước đón giáng sinh cùng gia đình. Cậu bạn người Đức hào hứng tổ chức một bữa tiệc sau kỳ nghĩ lễ và sau khi chúng tôi kết thúc đợt thi học kỳ.
- Tớ nghĩ là sau ngày 8/1, thi xong môn Điều hành bay, chúng ta có thể làm một bữa tụ tập, vừa nhân dịp năm mới vừa xả hơi sau kỳ thi. Mỗi người mang một món đến. Tớ sẽ mang xúc xích và bia.
Cậu bạn người Tây Ban Nha hưởng ứng:
- Tapas Tây Ban Nha phục vụ mùa lễ hội.
Rồi lần lượt mọi người kể ra một món ăn đặc trưng của quốc gia mình.
- Thế Việt Nam định mang gì? – Mọi ánh nhìn đổ dồn về phía tôi để chờ một câu trả lời.
- Tớ không về nhà dịp giáng sinh này. Tớ về thì xa lắm.
Tôi trả lời rồi tránh ánh mắt của mọi người, và lần đầu tiên tôi thấy ghen tị với mấy đứa bạn cùng lớp, cảm giác thèm về nhà. Mọi người nhìn tôi rồi hiểu ra đất nước tôi cách đây gần nửa vòng trái đất.
Mà giáng sinh ở Việt Nam thì có gì nhỉ? Mỗi năm tôi đều tặng thiệp và làm bánh gói trong những túi nhỏ buộc nơ để tặng mọi người. Tôi thích cái cảm giác ngồi ở Paris Gateaux, uống trà ăn bánh ngọt, nhìn dòng người hối hả ngoài phố qua bức tường kính trong suốt dán hình bông tuyết trắng tinh và bên tai văng vẳng tiếng nhạc bài Last Christmas. Ký ức về giáng sinh với tôi chỉ có vậy, tôi dành nhiều thời gian cùng bạn bè và ở một mình hơn là cùng gia đình. Bố mẹ tôi rất truyền thống, giáng sinh là ngày lễ của phương Tây, bởi vậy với gia đình tôi đó không phải một dịp để kỷ niệm.
Nhưng thật lạ, nhìn các bạn háo hức được về nhà, sum họp gia đình trong những bữa tiệc giáng sinh, tôi lại thấy nhớ nhà, lần đầu tiên tôi xa nhà lâu đến thế và cũng là lần đầu tiên tôi thấy nhớ nhà thật nhiều sau khi đi du học.
Những bài viết khác về nước Anh: Nhật ký 444 ngày ở UK
Mình có dịp đến Yankee Candle village trong những tháng cuối thu đầu đông. Không khí giáng sinh lung linh và đặc biệt. Bài viết của bạn gợi lại ký ức ấy trong tâm trí mình.
Cám ơn bạn. Mình cũng vừa phải search Yankee Candle village ở đâu 🙂