Lâu lắm mới lại nói về học bổng. Có một vài điều sau nhiều năm làm mentor, và kinh nghiệm cá nhân mà mình rút ra được. Có lẽ nói hoài qua một vài lần call hay những tin nhắn ngắn ngủi cũng chẳng thể đủ hết ý. Có thể đây là một nội dung khá dài, nhưng mình hi vọng nó diễn tả nhiều nhất về những điều chúng ta cần có thể làm để dành học bổng đi du học. Thời nay, chúng ta cũng đã quen với những nội dung nhanh và ngắn, nhưng đôi khi sự ngắn gọn đó chỉ đủ cho một nửa sự thật. Học bổng là để đi học, khi đi học, chuyện phải đọc bài nghiên cứu và cuốn sách cả trăm trang không thể tránh khỏi. Vậy nên, chúng mình cũng cần làm quen với nội dung “không ngắn” trước khi đi du học nhé.

Vì mình cũng chỉ chia sẻ những điều mình biết nên mình chỉ chia sẻ về học bổng toàn phần (bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt) để khi đi du học bạn sẽ chẳng cần phải suy nghĩ đắn đo về tình hình kinh tế của bản thân và gia đình. Tất cả những chia sẻ này đều từ kinh nghiệm cá nhân, đôi khi lời khuyên chỉ đúng với người đi khuyên. Do vậy, nội dung chỉ mang tính tham khảo, mong giúp bạn được gì đó.

Học bổng có phải dành cho tất cả mọi người?

Đó là điều mình đã suy nghĩ khá nhiều. Là một người khi dành học bổng Chevening, profile cũng chẳng có gì quá xuất sắc, chỉ là vừa đủ điều kiện nên thử sức. Bao năm tháng viết Blog và chia sẻ cho các bạn, mình đã luôn cố gắng truyền đi thông điệp rằng, hãy thử sức đi, dù bạn không có kết quả học tập hạng top, dù bạn chưa thấy tự tin, dù bạn xuất thân như thế nào bạn vẫn có cơ hội. Một đứa như mình còn làm được, thì ai cũng có thể làm được.

Đến bây giờ, mình vẫn thấy những điều đó đúng, nhưng không đầy đủ. Mình cảm thấy mình đã vô tình truyền đi một sự tích cực không thực tế và nó khiến cho thông điệp bị hiểu nhầm rằng “Mình chỉ cần thế này thôi là được rồi”. Do đó, chúng ta dành ít thời gian và nỗ lực cho mục tiêu mình muốn. Cùng với đó, nhiều người sẽ nghĩ “không biết làm gì, đi làm chán quá thôi thì đi du học”.

Nếu chỉ là biết thông tin, nộp hồ sơ thì miễn là bạn đủ các yêu cầu cơ bản, biết sử dụng máy tính và internet thì sẽ nộp được. Nhưng để có thể dành học bổng, đến thời điểm này mình có thể đi đến kết luận là “Học bổng không dành cho tất cả mọi người“. Điều này cũng dễ hiểu thôi, nếu nó dành cho tất cả mọi người thì ai apply cũng có thể đỗ được. Vì số lượng có hạn nên cơ hội không thể dành cho tất cả mọi người. Ví dụ, tỉ lệ chọn của học bổng chính phủ Anh Chevening là khoảng 2-3%. Nói cách khác gần 98% số lượng người nộp đơn đã không được chọn.

Có một câu nói khác mà mình cũng đã không nói nữa, bởi nó lại truyền đi một thông điệp sai lầm đó là “Mình đã MAY MẮN dành học bổng”. Khi nói về may mắn, chúng ta không hạ thấp nỗ lực của người đạt được thành tựu đó. Nhưng cần phải định nghĩ lại, may mắn là khi sự chuẩn bị gặp câu hỏi chứ không phải chúng ta cầu nguyện cho phép màu sẽ xảy ra.

Một điều cần phải nói là đôi khi bạn cũng không cần phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Đi làm, làm giàu, khởi nghiệp, đi du học ngay dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình và cá nhân, hoàn toàn rất ổn. Chúng ta luôn có những lựa chọn cuộc sống khác nhau, miễn là chúng ta thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Tóm lại, học bổng không dành cho tất cả mọi người và cũng không phải điều mà ai cũng cần phải có. Nếu bạn không quan tâm đến học bổng du học, thì chúng ta cũng không cần phải quan tâm đến những điều này làm gì. Còn nếu bạn vẫn đang muốn đi du học với học bổng toàn phẩn thì chúng ta đọc tiếp nha.

Khi ta đã tự loại mình ra khỏi cuộc đua giành học bổng toàn phần đi du học

a) Khi mình không bắt đầu chuẩn bị và nộp hồ sơ

Nói đi nói lại, thì cơ bản chúng mình phải nộp hồ sơ thì mới biết là đỗ hay trượt. Khi chúng ta muốn mà có quá nhiều thứ chần chừ, hết năm nay qua năm khác, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang chuẩn bị, nhưng có thể đó chỉ là sự đắn đo. Và khi ta còn đang đắn đo như vậy, deadline vẫn đến, hết lứa học giả này đến học giả khác đi rồi lại về. Có một câu nói mà người ta nói là của Mark Twain là “Bạn sẽ hối tiếc về những điều mình không làm hơn là đã làm“. Chuẩn bị hồ sơ và nộp, chúng ta sẽ mất chút thời gian, một khoản tiền cho mấy thủ tục, giấy tờ, thi chứng chỉ Tiếng Anh thậm chí là tiền cà phê những ngày ra quán ngồi cho có cảm hứng viết, nhưng đổi lại bạn cho mình cơ hội để đạt được điều mình muốn. Còn sự chần chừ, đắn đo, mà không hành động cụ thể để hướng tới mục tiêu, chúng ta chẳng có gì cả. Thậm chí, chúng ta nhận về sự tiếc nuối, và mình tin tiếc nuối không phải một cảm giác dễ chịu.

Điều mình nhấn mạnh ở đây là hành động hướng tới mục tiêu chứ không phải là lập kế hoạch, ngồi đọc hết kinh nghiệm của người này người kia, làm vision board và nghĩ về giấc mơ của mình. Mà đó phải là một hành động thực tế để nộp một hồ sơ chuẩn chỉnh nhất có thể trước deadline cơ. Ai cũng có ước mơ, nhưng ước mơ không phải điều mà chúng ta thấy khi đi ngủ, mà nó là điều có khi khiến ta mất ăn mất ngủ mấy tháng luôn.

Có một điều cũng không mấy vui vẻ với mình, một người mong muốn giúp các bạn đạt dành được cơ hội xứng đáng, chia sẻ tất cả những gì mình biết, có bao nhiêu mình cũng viết lên Blog. Thậm chí trước đây mình sẵn sàng gặp mặt, call, chat và đọc bài luận cho các bạn hoàn toàn miễn phí. Nhưng một lý do khiến mình dừng việc gặp, call trực tiếp và sửa bài luận đó là mình sau rất nhiều thời gian, tâm huyết, có những cuộc trò chuyện kéo dài cả tiếng đồng hồ, vã bọt mép, và cuối cùng nhiều bạn không nộp hồ sơ. Nói cách khác là bỏ cuộc. Mình rất thất vọng, cảm giác như thời gian công sức của mình bỏ ra chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu đó là việc nguy hiểm đến thân thế, hay phải đi xa, tốn kém tiền bạc, khó khăn ra sao thì không làm cũng chẳng sao. Nhưng mà việc bấm nút submit mình không nghĩ khó khăn đến vậy. Sau tất cả những sự thất vọng trên, giờ mình dành thời gian cho những người thực sự cần. thực sự quyết tâm và những điều mình thấy ý nghĩa hơn.

b) Khi mình không cố gắng vượt qua những khó khăn

Nếu như ta có một trong những trải nghiệm sau:

  • Không thể chủ động tìm kiếm thông tin về học bổng.
  • Ngại đọc huớng dẫn bằng tiếng Anh và các văn bản dài.
  • Đọc tài liệu bằng Tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ yêu cầu của học bổng) không hiểu
  • Ngại tìm thông tin về khoá học, lĩnh vực mình muốn theo đuổi

Chưa nói đến có được học bổng hay không, khi đi du học thì việc phải đọc nhiều tài liệu, tự tìm tòi, nghiên cứu và viết luận bằng Tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ chính thức của chương trình) là điều bắt buộc. Để có thể tiếp tục trong cuộc đua này, khả năng ngoại ngữ đủ dùng và sự chủ động trong tiếp cận thông tin là điều mà chúng ta cần trau dồi và cố gắng.

Tóm lại, cách nhanh nhất để bạn tự loại mình ra khỏi cuộc đua này đó là bạn đã không làm gì để hướng tới mục tiêu, không cố gắng vượt qua khó khăn trên hành trình và không đi đến cùng.

Có một câu nói rằng, con đuờng đi đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, vậy đâu thể nói cơ hội này dành cho tất cả mọi nguời. Nhưng luôn có cơ hội dành cho những người dám đi và biết nỗ lực.

Làm thề nào để xây dựng hồ sơ học bổng ấn tượng?

Nhìn nhận đúng về apply học bổng

Có một câu hỏi mình rất hay nghe đó là “Thành tích của em rất bình thường, làm thế nào để bài luận gây ấn tượng với ban giám khảo?”

Có hai ý trong câu hỏi này mà chúng ta cần suy nghĩ khi bắt đầu nhen nhóm ý định thử sức.

Thứ nhất, “bình thường” là thế nào?

Nếu chúng ta nhìn nhận bản thân không có giá trị nào nổi trội thì tại sao người ta phải cho mình đống tiền để mình thực hiện được điều mình muốn? Thay vì tập trung vào cái “bình thường” đó, hãy nghĩ tiếp chúng ta đang có giá trị nào, nếu chưa có thì chúng ta nên làm gì để bản thân trở nên giá trị: học thêm kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm hay làm sao để đạt được yêu cầu mà học bổng đề ra. Ít nhất, dù không nhận được lời động viên, khích lệ nào từ mọi người xung quanh, thì chính bản thân mình phải tin là mình xứng đáng trước đã. Chúng ta không thể đòi hỏi rằng tôi chỉ có thế này thôi, xin thượng đế hãy lắng nghe lời cầu nguyện này mà làm cho cuộc đua này bớt cạnh tranh đi. Thay vào đó, chúng ta cần tiến lên để dành lấy điều chúng ta muốn, không dành thì người khác dành mất.

Thứ 2, làm sao để có một bài luận ấn tượng?

Bài luận là một thành phần quan trọng trong bộ hồ sơ, nhưng những thành phần khác như CV, thư giới thiệu khi đã yêu cầu không phải chỉ nộp cho có. Bởi vậy, bên cạnh bài luận, chúng ta cần quan tâm tới cả bộ hồ sơ. Chúng ta không chỉ cần bài luận ấn tượng, mà cần một bộ hồ sơ ấn tượng.

Để có một bộ hồ sơ ấn tượng, thì điều cần thiết là bản thân người nộp bộ hồ sơ đó phải có những điều ấn tượng mà thể hiện ra. Ứng tuyển học bổng không phải cuộc thi văn học cũng không phải cuộc thi ngôn ngữ. Kỹ năng viết là một kỹ năng quan trọng nhưng nếu những câu từ là tiêu chí tuyển chọn chính thì ai mà so được các nhà văn, nhà báo, giáo viên ngoại ngữ. Và nếu có cơ hội nhìn vào profile những người từng dành học bổng, bao nhiêu người là nhà văn (Mình cũng tò mò về con số này đây). Viết đúng ngữ pháp, đúng chính tả là cái cơ bản rồi. Chúng ta không thể đi du học mà không thể nghe, nói, đọc viết thành tạo được. Không cần IELTS 8.0, hay bộ từ vựng tầm cỡ Shakespeare mới dùng được, nhưng ít nhất là cần đủ điều kiện nhập học tại trường đã. Khi chương trình yêu cầu điểm tiếng Anh là bao nhiêu, chúng ta chỉ cần đủ từng đó thôi. Giờ học bổng chính phủ Anh Chevening còn bỏ cả tiêu chí điểm IELTS rồi, ai còn nói để được học bổng phải có IELTS cao vút nữa.

Tập trung vào nội dung hồ sơ không phải hình thức

Nếu chúng ta cho đây là cuộc thi viết vì chúng ta thể hiện bản thân qua ngôn ngữ viết, thì điều gì tạo nên một “tác phẩm” khiến người ta chú ý. Dù là tiểu thuyết văn chương hay bài báo thì cuối cùng người đọc cũng tìm nội dung và cảm xúc nội dung đó để lại. Suy cho cùng người ta ngồi đó, đọc hồ sơ để xem liệu người này có những đặc điểm phù hợp với chương trình. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, dẫu biết tốt được cả 2 thì vẫn là tốt hơn nhưng trước khi đầu tư hình thức, hãy đầu tư vào nội dung.

Và nội dung này lấy từ đâu?

Từ trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế.

Nếu một ai đó chỉ đọc bài luận, chữa cho bạn vài lỗi chính tả, ngữ pháp thì khi bạn được học bổng, không phải do công của họ đâu. Do bạn năng lực của bạn sẵn rồi. Grammarly miễn phí có thể giúp bạn làm việc check lỗi, thêm công cụ Sysnonym giúp bạn đa dạng từ vựng sử dụng. Nhiều bạn tìm đến mentor học bổng với mong muốn đánh bóng hồ sơ, nhưng thực sự mentor không thể biến bạn trở thành con người khác. Điều mentor chân chính có thể làm là giúp mentee khai thác những thế mạnh của họ, lựa chọn những luận điểm và câu chuyện phù hợp nhất cho học bổng. Với các chương trình coaching dài hạn, thì bạn được khuyến khích trải nghiệm và tích luỹ thêm những kinh nghiệm phù hợp. Còn khi đã bắt đầu làm hồ sơ để nộp trong một vài tháng tới, nhiệm vụ chính của bạn và mentor nhặt ra những nguyên liệu tốt nhất mà bạn có và thể hiện một cách phù hợp. Bởi vậy, khi không có “nguyên liệu” quá trình mentoring rất vất vả. Do đó, khi bắt đầu quá trình apply, bạn cũng cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm phù hợp, giống như khi bạn nấu ăn, ngoài kỹ năng nấu ăn ra, bạn cần có nguyên liệu.

Một điều khác, mentoring không phải là dịch vụ chữa bài luận. Như đã nói ở trên, hồ sơ apply không chỉ có mỗi bài luận. Nếu chỉ đọc bài luận và nhận xét, người đọc chỉ có thể nhận xét nó hay, không hay ở chỗ nào. Còn việc xây dựng nội dung, cần một quá trình trao đổi, soi chiếu, như việc chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn bạn muốn nấu mới thực sự mất thời gian.

Đừng cố gắng “showing” mà hãy thực sự “being”.

Tiêu chí của học bổng chính phủ, người ta hay nói đến leadership. Chúng ta cũng hay nói đến đam mê với lĩnh vực, định hướng tương lai rõ ràng.

Người ta có thể rất dễ dàng nói rằng “đam mê của tôi lớn lắm” nhưng đôi khi không phải ai cũng định nghĩa được đam mê là gì. Có lần phỏng vấn, ban giám khảo hỏi “Nếu được học bổng em sẽ làm gì?”. Người ta dễ dàng trả lời, em đi học về đóng góp trong ngành này. Đến lúc bất thình lình hỏi “Nếu giờ có 100 ngàn USD em làm gì?”, người đó lại “Em sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới”. Vậy đam mê đó lớn bằng đâu, chắc bằng một tờ vé số vừa nửa bàn tay.

Để đạt được những gì mình chưa có, thì phải làm những gì mình chưa làm. Đôi khi chúng ta cũng cần có một chút đánh đổi. Ai cũng bận cả, công việc, cuộc sống, bao mối lo khác nhưng khi thích người ta tìm cách, không thích thì tìm lý do. Chúng ta sẽ lại tự hỏi, liệu mục tiêu này có đủ lớn để chúng ta ưu tiên thời gian và đầu tư cho nó hay không?

Đam mê liệu có phải là khi chúng ta thấy lười không muốn đọc và nghiên cứu thêm những thông tin liên quan với vấn đề mình quan tâm? Leadership liệu có phải chỉ là kỹ năng được thể hiện trong bài luận hay không, hay là cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, ví dụ những áp lực khi làm hồ sơ, hay quản lý công việc của mình để dành thêm thời gian cho việc này. Định hướng tương lai rõ ràng cũng không phải là đi đâu cũng được, học gì cũng được miễn là đi nước ngoài.

Khi apply học bổng người ta hay khuyên Be yourself, nhưng chúng ta cũng cần phải định nghĩa “Yourself” là sao đấy. Mình vẫn tin, nếu những kiến thức, kỹ năng, câu chuyện, nhiết huyết, ước mơ, hoài bão trong bạn là thật, thì khi bạn bình tĩnh, dù nói hay viết, hay ra ngồi vỉa hè chém gió cũng vẫn là bạn thôi. Cách thể hiện bản thân cũng là điều chúng ta nên mài giũa, không phải đánh bóng. Không hình thức, câu từ, hay lớp filter nào có thể biến bạn thành con người khác. Đừng nghĩ người đọc không nhận ra, tại sao cứ nói học bổng này là danh giá mà lại nghĩ hội đồng giám khảo dễ bị qua mặt bởi hình thức vậy nhỉ?

Vậy mình có thể dành học bổng toàn phần không?

Viết từ nãy đến giờ cũng nhiều áp lực rồi đấy. Mình cũng ngần ngại khi viết ra những điều này vì sợ khi đọc bạn sẽ mất tự tin. Nhưng quanh đi quẩn lại, chỉ có mấy ý rằng chúng ta cần hành động và nỗ lực phát triển bản thân. Mình nghĩ tư duy đúng đắn không phải làm ai cũng có thể làm được mà là hiểu hiện tại tôi có gì, hiểu mục tiêu tôi cần đến ở đâu và có bao nhiêu nỗ lực tôi cần bỏ ra để đi đến đó. Mỗi học bổng có một tiêu chí, nên hãy đọc kỹ tiêu chí của học bổng để xem mình có phù hợp hay không và mình cần phát triển bản thân theo hướng nào để phù hợp. Con đường nào thì cũng dài, cũng có thử thách, và con người nào thì cũng có lúc lười lúc mệt. Thử thách đó để xem nhiệt huyết của mình lớn bằng đâu. Chỉ cần chúng ta tìm ra, xây dựng và tin tưởng vào mục tiêu tốt đẹp và năng lực của bản thân để đạt mục tiêu đó, để mục tiêu đó dẫn lối ta đi trên con đường phù hợp, chúng ta sẽ đi tới đích mà chúng ta mong muốn thôi.

Có một vấn đề là chúng ta hay dán nhãn, tự tạo ra những hình mẫu rằng người thành công phải như thế này rồi chúng ta nhụt chí khi thấy bản thân mình không có cái nhãn đó và khác với hình mẫu đó. Không ai sinh ra đã giỏi giang, không ai ngồi một chỗ và tự nhiên cả tỉ đồng rơi xuống, nhưng chúng ta đều có cơ hội để cố gắng. Năng lực được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, mỗi ngành nghề đề có vai trò nhất định trong xã hội. Không phải người điểm cao với là giỏi. Khi học bổng yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, người ta mong bạn thể hiện bạn đã dùng những kiến thức đã học ra sao. Tương tự, không phải cứ là Sếp của trăm người mới là có kỹ năng leadership, không phải đi phát trăm danh thiếp trong hội thảo mới là có kỹ năng networking.

Có một điều mà mình nhận thấy là học bổng chính phủ thường hướng đến tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong xã hội, ở nhiều khía cạnh khác nhau. Vậy nên, chúng ta không “xin” học bổng cho mình mà đang kêu gọi đầu tư vào một dự án chúng ta sẽ làm để tạo ra sự thay đổi tích cực đó. Điều này có thể dẫn đến một câu hỏi trừu tượng hơn rằng liệu đâu mới là sự nghiệp có ý nghĩa, và cuối cùng giá trị chúng ta đang theo đuổi là gì? Và mình cũng đang đi tìm giá trị đó đây.

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog

Photo by Siora Photography on Unsplash