Hôm trước mình tình cờ xem được một cái real podcast nêu quan điểm rằng những cô gái càng xinh đẹp càng giỏi giang, càng được gia đình bao bọc lại càng dễ gặp trai hư, những chàng trai không tốt, có thể anh ta không chung thủy, có thể cô ấy còn phải làm trụ cột gia đình gánh vác cho anh ấy. Tự nhiên đang lướt thấy cái nội dung này mình thấy rất khó chịu. Chẳng biết vào comment phản đối có cãi nhau với con bot hay không, nên mình cũng chẳng nói gì. Thế chẳng nhẽ mình im lặng để điều đó tiếp tục làm mất niềm tin của người khác à? Mình từng nghe cũng không phải mỗi mình video đó nói những nội dung tương tự rằng cô gái càng tốt thì lại càng dễ gặp người không tốt. Mình thấy đây là quan điểm khá độc hại, và khi quá nhiều người nói, cả trong đời sống lẫn trong phương tiện truyền thông nó lại dễ bị người ta cho rằng đó là “chân lý”. Có lẽ mình cũng không nên im lặng.

Không biết đường tình duyên trắc trở thế nào nhưng mình chắc chắn mình cũng chẳng gặp trai hư. Thôi thì mình cũng chẳng dám nhận là xinh đẹp giỏi giang nhưng cũng học tiến sĩ, cao 1m70, “thân hình hoàn toàn bình thường”, và biết trang điểm nên cũng không đến nỗi không giỏi không xinh. Bên cạnh đó, là đứa được gia đình yêu thương bao bọc từ nhỏ, nên ở gần gần vị trí của những cô gái xinh đẹp giỏi giang được gia đình bao bọc (ngắn gọn là cô gái ngoan đi), liệu có dễ gặp phải chàng trai không tốt không? Nhưng mình là đứa FA, nói chuyện tình yêu, nghe cũng dở hơi nhỉ? Mình nghĩ, nếu nói là yêu một người mà chỉ vì người tốt thì chưa đủ, vì tốt là điều tối thiểu trong mối quan hệ bạn bè. Bạn bè mình ai chả tốt, đã không tốt thì còn chả vào vòng bạn bè của mình, chứ người yêu thì phải có cái gì đó hơn là “chỉ tốt” chứ. Khi bạn đặt ra một tiêu chuẩn nhất định cho mình, bạn tự nhiên tránh những điều dưới tiêu chuẩn. Và việc hiểu mình ở đâu, xứng đáng với điều gì là cách chúng ta bỏ qua những điều không xứng đáng.

Đặt câu hỏi cho những nội dung mình nghe

Hôm trước mình cũng tình cơ xem Vblog mới của JVevermind, nói rằng mạng xã hội dạo này không còn vui nữa, khi trên đó toàn flex, drama, lừa đảo để kiếm fame kiếm tiền. Nghe cũng đồng cảm ghê, mới 3 tháng đầu năm mà hít drama thối phổi. Tuy vậy, những drama, lừa đảo thì còn dễ nhận biết để tránh, nhưng có những nội dung được bọc một lớp đường ngọt ngào của những hình ảnh đẹp mắt, âm nhạc du dương, và giọng nói dễ nghe, nhưng lại truyền đi những thông điệp sai lầm về quan điểm sống thì mình thấy chúng rất độc hại.

Hiện tại, việc chia sẻ nội dung dưới mọi hình thức như Podcast, video ngắn, video dài, bài viết trở nên dễ dàng. Những nội dung không được kiểm duyệt nhưng người ta lại rất dễ tin, đặc biệt là khi thông tin gắn với hình ảnh người nổi tiếng. Hôm qua bạn mình bật một video ghi tiêu đề là của thầy Minh Niệm. Sau khi bạn mình bật video và thốt lên “Ủa không có hình ảnh của thầy hả”, mình mới sực nhớ ra là gần đây trên Instagram quảng cáo 1 cái apps đưa giọng của người dùng trình bày một bài hát nổi tiếng. Việc giả giọng giờ đây không có gì là khó khăn cả, nên mình không biết video kia có phải của thầy thật không, vì rõ ràng thầy đã có một kênh hơn 600K followers rồi, tại sao phải lập thêm kênh mới chỉ có giọng không có hình. Ngoài ra, vào kênh chính thức, không có cập nhật và giới thiệu kênh vệ tinh nào, mình lại càng đặt câu hỏi lớn về giọng nói phát trong video đó là người hay bot. Thực ra những nội dung của kênh cũng không có gì quá phức tạp, có rất nhiều người có thể nói được, nhưng gắn tên thầy và giọng thầy vào thì người ta dễ tin hơn, đó là sức mạnh của thương hiệu cá nhân. Nhưng khi chúng ta tin, nghe mà không chút đề phòng, đó là cách những điều tiêu cực  xâm chiếm vào thế giới quan của chúng ta.

Vì chúng ta không thể cấm những điều độc hại từ bên ngoài, nên chỉ còn cách tự bảo vệ bản thân mình, đó là lựa chọn và nghe “có đề phòng”. Đôi khi mình cảm thấy mình bị “bội thực đạo lý”, bởi đâu đâu cũng thấy người khuyên mình phải sống thế này thế kia, nhưng mình lại tự đặt câu hỏi, liệu nếu là “chữa lành”thực sự thì liệu mình có cảm thấy khó chịu. Mình có viết 2 bài với chủ đề liên quan về cách chúng ta tiếp cận với những nội dung trên mạng xã hội.

Tóm lại, hãy tìm hiểu rõ vấn đề và đặt câu hỏi cho bất cứ thông tin mà bạn tiếp cận được, ngay cả những thông tin bạn đang đọc trên trang của mình.

Gái ngoan dễ gặp trai hư? Người tốt dễ gặp chuyện xấu? – Tại sao những quan điểm này lại độc hại

Chưa nói đến cơ sở cho những quan điểm “người tốt hay gặp chuyện không tốt, không hạnh phúc” trên, nhưng mình thấy dường như họ đang bôi nhọ những điều vốn dĩ là tốt đẹp. Nói một cách gắn gọn, nó khiến người ta mất niềm tin vào cuộc sống. Trở thành một cô gái giỏi giang, xinh đẹp không phải điều tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình rèn luyện, nỗ lực và chăm sóc bản thân. Được gia đình yêu thương bao bọc là một phước lành, mình nghĩ tu mấy kiếp mới được đầu thai vào gia đình tốt. Trở thành người tốt cũng là cả một sự nỗ lực vượt qua cám dỗ. Vậy giờ nói những người tốt hay gặp chuyện xấu thì bạn định bảo tôi thôi không cần cố gắng làm gì nữa hả?

Đây không phải lần đầu tiên mình nghe thấy những chia sẻ, quan điểm kiểu này hay nghe người xung quanh “miệt thị cái tốt”. Mình vẫn nhớ hồi năm 2019, mình còn học Thạc sĩ ở London, có một bài viết trên một trong Fanpage có nhiều followers chia sẻ quan điểm đại loại rằng “Những đứa trẻ ngoan, luôn nghe lời bố mẹ thường sẽ không hạnh phúc, mất tự do và nhát không dám bày tỏ ý kiến”. Mình vẫn nhớ khi đó bạn mình tag mình vào bảo “Phản biện đi cưng”. Mình đọc xong, trả lời “Nói thật với các bạn là mấy tiêu chí miêu tả thế nào là đứa trẻ ngoan viết trong bài viết này không là gì so với độ ngoan của tôi”. Nói cách khác, mình thấy mình ngoan hơn nhưng mình tự do và hạnh phúc. Trong cuộc sống, rất nhiều lần gặp mấy ông bà nói “thỉnh thoảng thử trái pháp luật, hút chích, chơi bời một tí, hẹn hò cùng lúc nhiều người, cặp đại gia để đào mỏ” cho có trải nghiệm, chứ lúc nào cũng nguyên tắc thì nhạt nhẽo, không biết đòi hỏi thì thiệt thòi. Đến sống đúng luật, về nhà đi ngủ sớm, không bia rượu, yêu chung thủy cũng bị mỉa mai.  

Hồi nhỏ chúng ta đều học “Trong đầm gì đẹp bằng sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Một em bé tiểu học cũng hiểu chúng ta phải sống như hoa sen, dù ở giữa những hôi tanh, dù xung quanh nhiều xấu xí. Rèn luyện, nỗ lực và sống một cách cao quý cần rất nhiều nỗ lực, và tất nhiên buông thả, lười biếng thì dễ dàng hơn. Về bài chia sẻ hồi 2019 trên, mình hiểu các bạn đứng trên quan điểm tâm lý học để nói về mức độ hạnh phúc của đứa trẻ. Mình cũng công nhận là lúc nào cũng làm theo nguyên tắc, vâng lời thì đôi lúc cũng khó chịu thật, nhưng chúng ta không thể dựa vào cảm xúc nhất thời mà kết luận “trẻ ngoan thì không hạnh phúc” bởi vì sự nỗ lực mang lại kết quả lâu dài. Chẳng ai bắt bạn phải ngoan, đó là lựa chọn. Nói thật là làm bài tập về nhà khi thấy bạn bè được ra ngoài chơi cũng chẳng vui vẻ gì đâu, đi ra ngoài chơi vui hơi nhiều, nhưng mình chọn dành hàng tối để làm bài tập, và việc được thầy cô yêu quý, bảng điểm đẹp mang lại đến cho mình không chỉ những niềm vui lớn. Nếu người nào nói mình vì luôn nghe lời thầy cô, bố mẹ, được gia đình bao bọc nên thiếu hiểu biết, thiếu trải nghiệm, có chắc không? Và người đó liệu có hạnh phúc hơn mình không? 😀 Mình cảm thấy những quan điểm kiểu này có phần quy chụp và nó phủ nhận sự nổ lực trở thành một đứa trẻ ngoan, một con người tốt. Ngoan không có nghĩa là mù quáng và không có chứng kiến hay suy nghĩ, “ngoan” khác với “ngu”, đó là sự kiểm soát hành vi biết mình nên làm gì và không nên làm gì chứ không phải là robot được điều khiển ai bảo gì làm nấy.

Dường như chúng ta chẳng thể sống một lúc hai hoàn cảnh, một là vừa xinh đẹp, giỏi giang được gia đình bao bọc yêu thương, nhưng lại vừa có tất cả những đặc điểm ngược lại để xem liệu mình sống thế nào sẽ hạnh phúc hơn. Chúng ta cũng chẳng thể biết, gặp, và thực sự hiểu một số lượng đủ lớn những trường hợp để đưa đến kết luận. Vậy việc đưa ra những  quan điểm kiểu này này nhằm mục đích gì? Để bày tỏ bản thân hiểu biết ra sao? Để gây sự chú ý hay chúng ta chỉ thấy một góc nhỏ trong cuộc sống như thầy bói xem voi rồi vội vàng đưa ra kết luận. Việc mà không biết mình sai, nói như thể mình đúng cũng là một kiểu nguy hiểm.

Những cô gái, xinh đẹp, giỏi giang, gia đình tốt sẽ không chịu đựng những mối quan hệ độc hại

Mình luôn tin rằng khi chúng ta biết yêu thương bản thân mình, thì sẽ gặp một người yêu thương chúng ta. “Cân bằng là không để ai yêu em ít hơn em yêu chính bản thân mình”. Mây tầng nào gặp gió tầng đó, người giỏi sẽ thường gặp người giỏi, và người giỏi nhiều người tốt lắm. Nếu xung quanh bạn đều là những người giỏi giang, tốt bụng, liệu bạn có chọn lấy một người luôn làm tổn thương mình không? Khi được gia đình bao bọc, khi một cô gái luôn được bố mẹ nâng niu như công chúa, liệu khi ra khỏi gia đình, cô ấy có chấp nhận một người dành cho cô ấy thấp hơn tình yêu “tiêu chuẩn” cô ấy nhận được từ lúc nhỏ? Nếu có chắc là mù quáng hoặc là để thử cho biết. Mình chỉ thấy, mấy đứa bạn mình được gia đình chiều từ nhỏ, về nhà chồng cũng được chiều thế, chả phải động tay động chân gì. Nếu đã gọi là được gia đình yêu thương bao bọc, thì chắc chắn bố mẹ sẽ không bao giờ để con mình quan hệ với một người không tốt. Hồi đi học, khi thấy bạn về nhà với 1 vết bầm trên tay, bố mẹ bạn có lập tức gọi cô giáo, và ngày hôm sau gặp phụ huynh đứa đã vô tình làm bạn đau không? Bố mẹ mình từng như vậy đấy. Và khi đã bảo vệ đến như vậy, lập tức xử lý những người làm bạn đau, liệu bố mẹ có để yên khi con mình đi lại với một người không tốt? Nhân tiện về góc nhìn của bố mẹ, khi bố mẹ nói là người này tốt nhưng mình không thích thì gọi là không có duyên nên mình bỏ qua, nhưng người mà mình thích nhưng bố mẹ bảo không tốt thì nên cân nhắc thêm nhé, bố mẹ nhìn người cũng chuẩn lắm. Khi đó, để tránh mù quáng bởi sự ngọt ngào của tình yêu, hãy hỏi ý kiến những người đứng ngoài tình táo.

Có rất nhiều phân tích tâm lý tại sao chúng ta trở nên mù quáng, thao túng tâm lý trong tình yêu, những đứa trẻ không được bố mẹ yêu thương mới dễ rơi vào mối quan hệ độc hại. Ví dụ, khi gia đình bất hòa, chứng kiến cảnh bạo hành gia đình và chấp nhận nó như điều “bình thường” thì trong tình yêu, người ta dễ bị lôi cuốn bởi những vẻ ngoài ngọt ngào và từ đó bị thao túng. Hôm trước mình còn nghe một câu thấy cũng hài, khi người ta không còn tin vào sự tử tế nữa, bởi có quá nhiều “diễn viên tài ba”, người ta nói rằng “Thôi thì chọn người đẹp trai chứ đừng chọn người tử tế, vì tử tế diễn được còn đẹp trai thì không?”. Bộ phim dưới đây mình viết về bạo hành trong tình yêu và cách một cô gái “giỏi giang, xinh đẹp” yêu như thế nào.

Chúng ta cần trở thành một người tỉnh táo. Vì xinh đẹp là một khái niệm khả là cảm tính, nên mình bàn cái giỏi giang để trả lời liệu người ta có thoát được cái mù quáng không. Thế nào được gọi là giỏi giang? Bố mình luôn nói với mình, cuộc sống có nhiều khía cạnh, có thể con làm tốt chuyện học hành, công việc nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, và đó chưa là giỏi. Nếu không biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, bị người khác lợi dụng, bóc lột mà chưa nhận ra, không dám thoát ra thì mình nghĩ đó chưa gọi là giỏi. Mình nghĩ một người có thể tự lo được cuộc sống cho bản thân mình là giỏi giang. Nếu lo được cho bố mẹ thì càng giỏi giang nữa. Sự giỏi giang này chưa chắc đã cho bạn một người chồng mẫu mực, nhưng chắc chắn giúp bạn tự tin đưa ra quyết định trong những tình huống ngặt nghèo, ví dụ có dám rời khỏi mối quan hệ khiến bạn không hạnh phúc. Trong tình huống, bạn cảm thấy bạn trai không tốt với mình, khi bạn nhận ra khi thiếu đi một người mình vẫn sống tốt, mình xứng đáng với điều tốt đẹp và ngoài kia còn đấy người tốt hơn, bạn sẽ biết điều gì mình nên chọn. Trong tình huống chồng bạn không chung thủy, đôi lúc vũ phu, bạn không cảm thấy hạnh phúc, lại có thêm con nhỏ, nếu bạn luôn phụ thuộc kinh tế vào chồng, cộng thêm sự khuyên bảo của những người xung quanh “thôi chịu đi vì con”, quyết định của bạn sẽ khác khi bạn có đủ năng lực tự chủ tài chính để tự nuôi con mình, cộng thêm gia đình ngoại sẵn sàng hỗ trợ.

Kết luận

Chẳng cần biết có thật là con gái hơn nhau bởi tấm chồng không, nhưng chúng ta đâu thể kiểm soát những điều bên ngoài mà chỉ có thể cố gắng ở bản thân mình trước. Ngoài việc sinh ra trong gia đình thế nào không thể chọn được, cuộc sống cũng là một chuỗi của những sự lựa chọn, lựa chọn cố gắng nỗ lực, lựa chọn hôm nay tôi sẽ chăm sóc rèn luyện bản thân để trở nên giỏi giang, xinh đẹp, lựa chọn quen ai, yêu ai, gắn bó với ai. Cố gắng trở nên giỏi giang, xinh đẹp có thể cũng chẳng gặp ai cả nhưng mình nghĩ thà không gặp ai còn hơn gắn bó với 1 ca dở hơi. Bạn có thể thôi đừng xinh, đừng giỏi, thôi đừng để bố mẹ bao bọc để tăng xác suất gặp được tổng tài, soái ca ngôn tình (nếu bạn nghĩ vậy, nhưng nữ chính trong phim cũng xinh bỏ xừ ấy) nhưng mình chọn nỗ lực để trở nên tốt đẹp và giỏi giang và mình trân trọng sự yêu thương gia đình dành cho mình. Sự cố gắng, nỗ lực, chăm sóc bản thân ấy là vì bạn xứng đáng được trở thành người giỏi giang, xinh đẹp, bạn sinh ra xứng đáng được mọi người yêu thương chứ không bao giờ trở thành điều mà người ta phán xét hay đặt điều dưới bất kì hình thức nài. Mình nghĩ những thông điệp không mang ý nghĩa gì ngoài reo rắc những quan điểm sai lầm, làm ảnh hưởng tới niềm tin vào cuộc sống cần được thanh lọc, và độc giả cần tỉnh táo hơn khi tiếp cận thông tin.

Và cuối cùng có một quy luật cuộc sống mà mình luôn tin, đó là luật nhân quả. Mình tin những người tốt sẽ gặp những điều tốt.

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog