Ngày 25 tháng 11 năm 2019, tôi dự lễ tốt nghiệp ở Royal Festival Hall tại Southbank Centre, khu vực gần London Eye. Trước ngày diễn ra, tôi với Mikka đến trường để nhận lại luận văn của mình. Tôi tranh thủ vào chào thầy hướng dẫn của tôi. Nếu so sánh với câu chuyện làm việc với giáo viên hướng dẫn của các bạn khác, tôi thấy mình thật may mắn, bởi thầy rất nhiệt tình, thầy luôn ở trường mỗi khi tôi gặp vấn đề, và thậm chí còn đọc và sửa bài viết của tôi từng chữ một. Lúc đưa cho tôi cuốn luận văn đã chấm xong, cô giáo phụ trách khóa cho chúng tôi xem ảnh chụp lễ tốt nghiệp của các năm nước và còn hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị mặc áo gown sao cho đẹp. Sau khi ở trường trở về, tôi và Mikka đi dọc Oxford Street để tìm một bộ váy cho ngày tốt nghiệp.
Buổi sáng lễ tốt nghiệp, tôi dậy sớm, rồi đi bộ ra bến xe bus trước cửa khu nhà. London hôm nay mưa nhẹ và bầu trời vẫn màu xám bạc thân quen như màu phim Skyfall. Tôi không muốn đi tàu tại tàu buổi sáng rất đông, nhưng tôi không lường trước được rằng xe bus buổi sáng tắc đường đến vậy. Tôi đến trước khi buổi dễ diễn ra chỉ 20 phút, vừa kịp vào lấy vé cho tôi và vé của bạn đi cùng, lấy bộ áo tốt nghiệp đã thuê. Đúng 10h30, cánh cửa khán phòng khép lại, trên sân khấu có một dàn nhạc chơi kèm đồng và các giáo sư, giảng viên của chúng tôi lần lượt bước lên sân khấu. Không khí căn phòng trở nên im lặng và trang nghiêm. Chúng tôi được xem lại những gì đã diễn ra ở Westminster trong suốt một năm qua và những gì người ta nghĩ về trường của chúng tôi trong một đoạn phim chiếu qua màn hình lớn. Phút giây đó, thực sự xúc động, tôi lại nhớ đến lời phê của thầy giáo hướng dẫn trong cuốn luận văn của tôi “Chúc mừng em đã hoàn thành một chặng đường rất dài”.
Nhiều người hỏi tại sao tôi chọn Westminster. Chắc cũng phải nói đến chữ duyên, bởi vì đến gần ngày nộp hồ sơ học bổng Chevening, University of Westminster không nằm trong danh 3 trường mà tôi chọn, nhưng trước khi nhấn nút nộp hồ sơ, tôi đã đổi ý. Lúc xem lại những bản nháp hồ sơ, tôi nộp ngày 3/11 thì đến version ngày 30/10 của tôi vẫn không hề đặt Westminster vào đó. Tôi thầm cảm ơn chính bản thân mình vì đã thay đổi quyết định trong phút chót. Nếu như được chọn lại, tôi sẽ vẫn làm vậy, thậm chí để Westminster lên Option 1 bởi nếu không có quyết định ngày hôm ấy, tôi sẽ không ở London, không có những trải nghiệm tuyệt vời và mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhiều. Tôi vẫn nói với cô bạn cùng phòng một cách hãnh diện “Sống ‘cheap’ vậy thôi nhưng chúng ta là những cô gái Zone 1 đấy”. Tôi thực sự thích trải nghiệm của mình ở trường, thích những điều tôi được học và biết ơn những gì các giáo viên đã dành cho tôi nhiều hơn những gì tôi từng kỳ vọng.
Học thạc sĩ ở Anh có 1 năm, tôi cảm giác như thời gian trên lớp chỉ đủ để các giáo viên giới thiệu sơ lược rằng thế giới đang tồn tại một điều gì đó và việc của chúng tôi là về nhà tìm hiểu xem điều đó là gì. Điều tôi thích là tôi luôn thấy hứng thú để tìm tòi, tự nghiên cứu, để lên thư viện hàng ngày từ 9 giờ sáng đến chiều muộn. Tôi nhớ lúc nộp xong bài luận đầu tiên, thầy giáo phục trách môn dặn tôi đi học bổ túc Tiếng Anh vì ngôn ngữ viết của tôi còn kém. Tôi nhớ cái từ “wobbly” thầy nhận xét về Tiếng Anh của tôi đến là buồn cười. Ở trường có rất nhiều khóa học các kỹ năng bổ trợ mà chúng tôi có thể đăng ký không phải đóng thêm học phí. Lớp học viết Academic Writing do một cô giáo ở khoa ngôn ngữ phụ trách. Thực sự tôi thích lớp học ấy, vì chúng tôi được học về tư duy phản biện, cách đọc và phản biện một bài nghiên cứu và viết review về một bài báo khoa học. Hôm đầu tiên đến lớp làm quen với mọi người, cô giáo hỏi tôi:
- Tại sao em lại quyết định đi học Thạc sĩ.
Tôi trả lời một cách thật lòng:
- Em muốn có 1 năm Gap year sau 2 năm đi làm, có thêm thời gian cho bản thân và học thêm điều mới.
Cô giáo cười:
- Khi nói đến Gap year, tôi nghĩ đến việc người ta đi du lịch vòng quanh thế giới, còn Gap year của em để đến đây ngồi nghe giảng, để thức đêm ôn thi và chạy deadline. Tôi thấy khái niệm “Gap year” của em rất thú vị đấy.
Rồi đến mùa hè, tôi đến trường viết luận văn, cô đi qua chỗ tự học, thấy tôi cô lại cười:
- Đây là kỳ nghỉ hè, em không cần nghỉ ngơi sao? Gap year của em đây sao?
Tôi trình bày vấn đề về luận văn của mình rồi cô bảo tôi có thể gặp cô trên khoa nếu tôi cần hỗ trợ.
Không chỉ về những giảng viên ở trường, tôi thích những người bạn cùng lớp mình. Mikka thường hay lấy bánh quy gừng ở bàn tea break giúp tôi những ngày tôi lười chả muốn ra khỏi phòng học. Sunmi hay nhắn tin nhắc tôi nhớ mặc ấm mỗi khi trời trở lạnh. Candy mỗi lần đi chơi cùng nhau trước khi về lại dặn thật kỹ tôi phải lên chuyến tàu nào, dừng ở đâu bởi biết tôi chuyên gia đi lạc, hay bắt nhầm tàu. Tôi cũng sớm hòa nhập vào một lớp mà tôi là sinh viên châu Á ít ỏi trong lớp, còn lại toàn các bạn từ Châu Âu, Mỹ. Tôi dẫn quen với những buổi tranh luận, những lần làm việc nhóm có khi tới tận khuya mới từ trường về nhà, quen với những buổi tụ tập sau khi kết thúc môn học và sau kỳ thi. Hơn tất cả, tôi thích cuộc sống ở London, chưa một ngày nào tôi thấy chán.
Hôm nay, chị Trang dự lễ tốt nghiệp cùng tôi. Chính cô gái ấy, cô gái nhà người ta, người người ngưỡng mộ. Lúc mới sang UK, chị ấy là người đầu tiên tôi hỏi cho tôi ở nhờ nhà mấy ngày, là người dẫn tôi đi loanh quanh Convent Garden, dù trước đó hai chị em chưa bao giờ gặp nhau. Khi tôi viết 1 cái story lên Facebook rằng, tôi thực sự muốn có gia đình đến vào ngày tốt nghiệp, nhưng bố mẹ tôi bận lo việc nhà không sang được, chị Trang là người ngồi trên hàng ghế khán đài, và trao cho tôi bó hoa vàng tươi. Mikka thấy tôi buồn vì không có gia đình sang, bảo với chồng cô ấy liệu có thể dẫn tôi đi chơi cùng mọi người chúc mừng ngày tốt nghiệp. Chồng Mikka rất vui tính và dễ gần.
Kết thúc những bài phát biểu, chúng tôi lần lượt lên sân khấu. Tôi nghe thấy tên mình được vang lên, rồi tôi bước lên sân khấu trong tiếng hò reo của mọi người. Trong cuốn kỷ yếu tốt nghiệp của Colledge of Design, Creative and Digital Industries, tôi nhận ra hôm nay chỉ có tôi là sinh viên người Việt Nam, tính cả sinh viên thạc sĩ và cử nhân. Dù những người xa lạ, chưa biết tên, cứ nghe thấy tên ai được xướng lên, chúng tôi lại hò reo. Ngày hôm nay, chúng tôi chúc mừng chính mình, và có thể tự hào về chính mình. Đến lúc tôi xuống, chồng Mikka bảo tôi:
- Phương Anh có nghe thấy tôi gọi đi chậm lại không mà chạy nhanh vậy? Chưa kịp quay video.
Hơi tiếc thật, nhưng khi về nhà, trường có gửi cho chúng tôi một video riêng hình ảnh của tôi trong ngày lễ tốt nghiệp, quà của trường dành cho các Alumni. Công nhận tôi đi nhanh thật và nhìn tôi như chim cánh cụt vậy.
Sau buổi lễ, lớp chúng tôi tập trung ở sảnh ngoài, qua London Eye chụp ảnh rồi đi ăn trưa. Trời vẫn mưa, các bạn đã bỏ áo gown và mũ ra, còn tôi vẫn mặc đi khắp ngoài đường, vào quán ăn, cho đến lúc quay lại Royal Festival Hall để trả. Bộ áo này, chúng tôi phải thuê cũng mất gần 100 bảng, mà còn cơ hội nào mặc tiếp, nên tôi phải mặc cho bõ. Hôm nay cả khóa có 2 anh chị tốt nghiệp tiến sĩ khoác trên mình chiếc áo choàng màu đỏ rực, đứng giữa sân khâu nhìn thật là rạng rỡ ngời rời, cả hội trường vỗ tay rào rào. Tôi thấy thật ngưỡng mộ, và tự hỏi bản thân liệu mình còn duyên với con đường học hành nữa. Học là việc cả đời, thôi tôi cứ để mình mơ ước bởi đâu ai đánh thuế ước mơ.
Trước khi về nhà, Candy vẫn theo thói quen dặn tôi:
- Giờ đi sang bên đường, cứ đi thẳng, bên trái sẽ thấy ga Waterloo. Cậu bắt Jubilee line đi về.
Hơn một năm ở London rồi, cô ấy vẫn sợ tôi sẽ lạc đường, hoặc là tại như sáng tay, mãi tôi mới đến được nơi. Thay vì bắt tàu đi về, tôi lại bắt xe bus. Tôi chọn chiếc ghế đầu tiên trên tầng 2 của xe bus để có thể ngắm nhìn thành phố. Trời lại mưa nặng hạt. Tôi ôm bó hoa vàng rực rỡ chị Trang sáng nay phải dậy sớm để mua cho tôi, cả hộp quà nhỏ phần thưởng của khoa dành cho top 3 luận văn xuất sắc nhất năm, tự nhiên lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc hỗn độn: vừa vui vừa buồn, vừa háo hức vừa tiếc nuối. Vậy là hành trình học thạc sĩ của tôi kết thúc một cách trọn vẹn, đẹp đẽ, đẹp đến nỗi bỏ công tôi đã mơ ước từ những ngày còn bé. Tôi đã nuôi dưỡng, nâng niu ước mơ ấy, để rồi được sống, được trải qua những cảm xúc cả vui buồn, cả thất vọng rồi lại hi vọng. Và rồi giấc mơ ấy đã ở đây, hiện hữu, chân thực, sống động hơn những gì tôi đã từng tưởng tượng. Những hạt mưa li ti vương trên kính xe mờ đục, vương vào khóe mắt tôi tự bao giờ.
Toàn bộ nhật ký 444 ngày ở UK : UK diary