Rất nhiều người hỏi mình tại sao mình học lên PhD trong khi mình đang làm công việc văn phòng không phải giảng dạy. Mình vẫn thường trả lời rằng “Vì mình thích nghiên cứu”. Đó là một câu trả lời có vẻ mơ hồ nhưng là một câu trả lời rất thật lòng. Với mình, từ khi bắt đầu làm nghiên cứu ở năm nhất đại học đến giờ, làm nghiên cứu đã cho mình rất nhiều cơ hội, trải nghiệm quý báu, rất nhiều người thầy mà mình luôn kính trọng  đã giúp đỡ mình. Hơn cả, nghiên cứu không chỉ cho mình thỏa mãn sự tò mò về thế giới mà nó cũng giúp mình khám phá những khía cạnh khác nhau của bản thân.

Hiện tại nội dung này đã có trên podcast. Mời bạn lắng nghe

Tiến sĩ thì làm gì cho đời?

Nhiều người nghĩ rằng, nghiên cứu là việc chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy trong trường đại học, hoặc làm trong các viện nghiên cứu. Bằng Tiến sĩ chỉ là tấm giấy chứng nhận cho một số người muốn thăng tiến trong môi trường làm việc đặc thù. Đây là quan niệm không sai nhưng mình thấy nó bị đặt trong một góc nhìn khá trật trội. Chúng ta chỉ được nghe những câu chuyện về Bill Gate, Mark Zuckerberg bỏ học và trở thành người giàu nhất thế giới, còn những ông Tiến sĩ ở các viện nghiên cứu nhận lương dăm bảy triệu. Thế người ta học nhiều để làm gì?

Có những bộ phim hoạt hình đã cùng mình lớn lên, và có một người đã thay đổi nền điện ảnh thế giới. Đó chính là nhà nghiên cứu khoa học máy tính, nhà sáng lập Pixar và cũng là cựu chủ tịch của xưởng phim hoạt hình Disney – Edwin Catmull. Ông bắt đầu nghiên cứu khoa học máy tính, tập trung vào kỹ thuật xử lý đồ họa từ năm 1965 và lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính năm 1974 khi ông 29 tuổi. Trước nghiên cứu của Edwin, kỹ thuật làm phim của Disney là các họa sĩ ngồi vẽ tay các bức tranh và đặt chúng liên tiếp để tạo ra chuyển động. Phim Disney rất hay, cũng không có quá nhiều điều chúng ta phải phàn nàn về hình ảnh của nàng tiên cá tóc đỏ hay đôi giày lấp lánh của Lọ Lem. Nhưng khi xem phim Pixar, từ bộ phim đầu tiên là Câu chuyện trò chơi (năm 1994), chúng ta sẽ thấy một hình ảnh hoàn toàn khác. Các nhân vật 3D vô cùng sống động và những bộ phim hoạt hình được xử lý hoàn toàn trên máy tính đánh dấu cuộc cách mạng sản xuất phim thời kỳ đó. Người ta thường nhắc đến sự thành công của Pixar là nhờ sự sáng tạo của đội ngũ biên kịch cho ra những câu chuyện chạm tới trái tim của hàng triệu khán giả. Tuy vậy, điều khiến Pixar thực sự bùng nổ lại phải kể đến kỹ thuật làm phim, một phát minh dựa trên sự nghiên cứu hàng thập kỷ. Bạn có thể đọc câu chuyện về Pixar qua cuốn sách “Vương Quốc sáng tạo” của tác giả Edwin Catmull.

20210519_203535-01

Mình cũng thấy lạ là trong xã hội ngày này, “thần tượng” của giới trẻ thường là doanh nhân, diễn viên, ca sĩ, hay các tiktoker, nhưng chúng ta quên mất rằng những người đứng sau tạo ra các sản phẩm chúng ta dùng trong cuộc sống hàng ngày là các nhà khoa học. Từ cái điện thoại, máy tính, ti vi, xe cộ đến cái bông gạc, gạo, hoa quả, đều là sản phẩm của khoa học. Khi mình bắt đầu đi học Tiến sĩ, mình được tiếp xúc rất nhiều với những người tạo ra các sản phẩm quen thuộc như ti vi màn hình phẳng, những chú robot tự động phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện suốt thời gian dịch bệnh, máy bay không người lái. Mình còn thấy những nghiên cứu cho ra các sản phẩm mà mình nghĩ nó chỉ trong phim giả tưởng, ví dụ việc điều khiển cánh tay robot bằng não (cái này giống một phần trong phim Người nhện).

Làm nghiên cứu là làm gì?

Thực ra việc làm nghiên cứu với việc có lấy bằng Tiến sĩ rất gần với nhau nhưng không phải là một. Làm Tiến sĩ là học làm nghiên cứu khoa học một cách chuyên sâu. Nhưng chúng ta có thể nghiên cứu ở mọi nơi, không chỉ trong trường học, mà còn trong đời sống. Bởi thế chúng ta có rất nhiều sáng chế được tạo ra bởi những người nông dân.

Theo khái niệm của nhà xã hội học người Mỹ Earl Robert Babbie (1986), “ Nghiên cứu là quá trình thu thập dữ liệu và phân tích thông tin một cách hệ thống nhằm tăng cường sự hiểu biết về một hiện tượng.” Như vậy, nghiên cứu là việc chúng ta vẫn làm trong cuộc sống, công việc chứ nó không hề xa vời hay phức tạp. Ví dụ bạn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, tìm hiểu về cách trồng cây sao cho mau ra hoa kết trái, hay nghiên cứu thị trường tìm hiểu hành vi khách hàng để cung ứng những sản phẩm phù hợp. Chúng ta chạm ngõ nghiên cứu từ những bài toán trong cuộc sống hàng ngày và từ sự tò mò của bản thân. Nghiên cứu khoa học thì phức tạp hơn, thậm chí yêu cầu các thiết bị đặc thù nên người ta cần đến những cơ sở nghiên cứu chuyên nghiệp như trường đại học, viện nghiên cứu.

Con đường nghiên cứu của mình

Từ cuộc thi Sinh viên nghiên cứu hoa học

Mình tham gia cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” từ năm nhất đại học. Năm ấy mình được giải, dù chỉ là giải khuyến khích thôi nhưng cũng là điều bất ngờ. Mình còn được ban tổ chức mời đến làm diễn giả cho tọa đàm phát động cuộc thi năm sau, bởi vì lần đầu tiên có sinh viên năm nhất, còn làm đề tài nghiên cứu một mình và được giải. Khi được hỏi “Tại sao bạn làm nghiên cứu khoa học từ năm nhất”. Lúc ấy mình trả lời kiểu “hoa hậu” là vì mình có niềm đam mê khoa học. Câu trả lời thật lòng không thể nói ra chỗ đó được. Nếu bạn hay đọc Blog của mình, chắc bạn cũng đoán ra lý do thực sự là sau khi thất tình, xong rồi đi thi vào câu lạc bộ chẳng đỗ chỗ nào, nên mình chán đời và rảnh quá, không biết làm gì đành đăng ký đi thi. Vậy nên, mình mới nghĩ, trong cuộc sống này đôi khi những việc không vừa ý lại dẫn chúng ta đến những điều tuyệt vời hơn. Những điều tuyệt vời mình nhận được ngay sau cái quyết định khá “nông nổi” ấy nhiều không kể hết.

Cô giáo hướng dẫn dầu tiên, người ươm mầm

Mình vẫn nhớ ngày đầu tiên gặp cô giáo hướng dẫn của mình. Năm nhất mình làm đề tài về “Sở hữu trí tuệ”, như kiểu mình không được học Luật nhưng vẫn muốn dính dáng đến nó một chút. Hôm đó các bạn cùng làm đề tài ngành Luật gặp mặt để nghe hướng dẫn. Cô giáo mình chủ trì buổi hôm đó. Sau khi nghe mình giới thiệu là sinh viên năm nhất, chưa học môn chuyên ngành nên cũng không biết thầy cô nào thì cô đã nhận hướng dẫn cho mình. Rồi từ đó, mình bắt đầu một hành trình với những đặc quyền khi được cô dành hết cho mọi sự ưu ái. Dù cô không dạy mình môn nào trong 4 năm đại học, nhưng cô là người dạy mình nhiều nhất từ chuyên môn, đến phương pháp nghiên cứu, cách làm việc, và cách đối nhân xử thế.

Bạn đầu, mình rất sợ cô vì cô rất khó tính. Tất cả các sinh viên và cả các giáo viên khác trong trường mình gặp đều công nhận sự khó tính ấy. Mỗi lần lên gặp cô để đưa bản thảo, mình phải ngồi ở cái cầu thang trước cửa phòng cô một lúc, rồi hít một hơi thật sâu trước khi gõ cửa. Mình bị mắng rất nhiều, vì lỗi cẩu thả. Đến bây giờ mình vẫn còn hay viết sai lỗi chính tả. Bạn đọc blog của mình chắc cũng thấy điều đó. Cô nhắc mình rất nhiều lần và đôi khi còn đập bản thảo xuống bàn. Nhưng cô cũng có lúc cô rất hiền và luôn bảo vệ mình. Có một lần, mình đến gặp cô vào cuối giờ làm việc. Cô lấy bút đỏ gạch chân vào lỗi trên bản thảo của mình và bảo “Phương Anh à, cô đã có rất nhiều bài học đau đớn về sự cẩu thả của mình rồi, cô không muốn em đi lại vào vết xe đổ đó”.

Năm 2 đại học, lúc ấy mình cũng định thôi không tham gia Nghiên cứu khoa học nữa vì làm rất mệt. Cả kỳ nghỉ Tết, hay lúc nào rảnh mình đều phải thu thập số liệu và viết. Đến hôm gặp cô trong thang máy, cô hỏi mình “Phương Anh năm nay làm nghiên cứu khoa học nữa không?”. Mình sợ cô như thế thì tất nhiên chẳng dám nói không, rồi cô hẹn mình cuối giờ lên gặp. Cô gợi ý cho mình đề tài nghiên cứu về “Kinh tế xanh”. Cứ thế, mình làm nghiên cứu đến hết 4 năm đại học, từ những đề tài tham gia Sinh viên nghiên cứu khoa học, đến làm nghiên cứu cùng cô tham gia các hội thảo quốc tế.

Mình đi thi Sinh viên nghiên cứu khoa học 3 năm cũng đều chỉ được giải khuyến khích, nên mình không nghĩ bản thân mình giỏi làm nghiên cứu. Năm 3 đại học, sau khi nhận kết quả cuộc thi, mình khóc rất nhiều rồi viết email cho cô “Em xin lỗi vì 3 năm qua em không thấy mình lớn lên”. Cô đã trả lời mình, và đến giờ mình vẫn nhớ lời động viên ấy như nhớ về phương hướng của ngôi sao bắc đẩu “Cô đã thấy em trưởng thành trong suốt thời gian qua. Giữ ước mơ của mình nhé, sau này em sẽ thấy giá trị của những vất vả ngày hôm nay”.

Nếu bạn tò mò người thầy tuyệt vời ấy là ai, thì đó là PGS.TS Hồ Thúy Ngọc, đại học Ngoại Thương.

Những cơ hội khác

Ngoài nghiên cứu, cô cũng dành cho mình nhiều “đặc quyền” khác. Năm 2 đại học, một ngày lười đang ngủ ở nhà, cô gọi điện hỏi mình “Em có muốn đi làm thêm dịch thuật không?” Mình khi ấy cũng không sẵn sàng vì Tiếng Anh của mình còn kém. Mình trả lời “Dạ em cũng muốn đi làm nhưng em không tự tin và em sợ tập trung làm nghiên cứu không có thời gian”. Cô bảo mình “Tại sao muốn mà lại lấy lý do để không làm?” Như bao lần, mình không bao giờ nói “Không” với giáo viên hướng dẫn. Và theo cách ấy, cô dạy mình cách nói có với những cơ hội dù bản thân chưa sẵn sàng, và luôn nói với mình rằng mình xứng đáng với những điều lớn lao. Mình bắt đầu công việc làm thêm đầu tiền trong đời. Lần đầu tiên ký hợp đồng lao động mình không khỏi xúc động (và lo sợ nhưng kiểu mình vừa bán thân). Công việc hết sức nhẹ nhàng là dịch các bài báo trên web của công ty từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Mỗi tuần mình tự giác dịch 5 bài, một buổi tối là xong, và lương mình là 2 triệu/ tháng, một khoản tốt với sinh viên khi ấy so với việc bạn đi làm gia sư hay bồi bàn. Công việc đầu tiên ấy giúp mình mua một chiếc đàn Piano điện để bắt đầu tự học Piano.

Mỗi lần cần xin thư giới thiệu hay việc gì cần dấu nhà trường, đều có cô ở đó. Vì cô là trưởng khoa nên với chữ ký của cô mang xuống văn thư trường, mình có thể xin dấu đỏ của trường. Khi cần thư giới thiệu apply học bổng, nhiều bạn hỏi mình làm sao có thể xin được thư giới thiệu của giáo viên khi đã tốt nghiệp mấy năm rồi, hay nhiều trường còn yêu cầu xin thư giới thiệu từ trưởng khoa thì làm thế nào. Điều đó không làm khó mình vì mình đã “hiểu giá trị của những vất vả ngày hôm qua”.

Từ khi được cô gợi ý đề tài về Kinh tế xanh, mình rất hứng thú và cũng ấp ủ ước mơ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ (NGO) về phát triển bền vững hay thậm chí là Liên hợp quốc. Từ năm 3 đại học, mình tham gia một số cuộc thi về môi trường. Nhờ dành giải nhất trong 1 cuộc thi về Ý tưởng kinh tế xanh, mình được nhận vào làm thực tập tại nhóm nghiên cứu của một NGO. Thực ra cơ hội đến với mình không quá hoành tráng như kiểu phải được nhận bằng khen của chủ tịch nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh. Mình trưởng thành và đi xa từ những bước chân nhỏ. Đến giờ dù mình không làm việc liên quan đến môi trường nữa nhưng những kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm, những bài học vẫn theo mình đến tận bây giờ, và trở thành một phần con người mình. Ngay cả khi làm việc trong doanh nghiệp, kỹ năng nghiên cứu bao gồm tổng hợp, phân thích, viết và trình bày thông tin cũng là một phần quan trọng khi mình đối mặt với những dự án lớn.

Nghiên cứu giúp mình được là chính mình và thêm hiểu chính mình

Tự tin hơn và được làm điều mình thích.

Cái cảm giác thất tình và thất bại trong việc đi thi câu lạc bộ năm nhất, ở thời điểm ấy nếu nói không buồn thì chắc chắn là nói dối. Thậm chí khi ấy mình còn tự ti kinh khủng. Mình đã vượt qua sự tự ti ấy bằng cách chọn con đường ít người đi nhưng thực sự hợp với mình. Nghiên cứu giúp tự tin hơn nhờ những thành tựu nhỏ, nhờ việc tiến bộ hơn mỗi ngày, và nhờ những cơ hội được trải nghiệm. Giống như triết lý Ikigai của người Nhật bao gồm: Điều bạn yêu thích, Điều bạn làm giỏi, Điều giúp bạn kiếm ra tiền, Điều thế giới cần. Làm nghiên cứu cho mình cảm nhận về Ikigai. Điều mình thích khi làm nghiên cứu là được dành hàng giờ để đọc, viết, tìm ra một điều thú vị mà trước đây mình chưa biết hay sướng rên khi làm được một kỹ năng mà trước đây mình không làm được. Còn gì vui hơn khi mình được làm việc mình thích mà nó còn mang lại giá trị.

Hiểu mình và không ngừng khám phá chính mình

Trong tác phẩm “Tôi tự học” – Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã viết

Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan, và đi sâu vào con đường quan sát nội giới. Cái học cần thiết cho con người là cái học về bản thân”. Tất cả những cái học khác đều là phụ thuộc, đểu để mà phụng sự nó, không được quyền cướp phần ưu tiên. Một nhà hiền triết Phương Đông nói “Tri nhân giả trí, tự nhân giả minh – Biết người là trí, biết mình là sáng…. Cuối thế kỷ 18, Goethe khuyên ta: “Cái học về con người là cái học hứng vị nhất đối với chúng ta, và có lẽ là mục đích quan trọng nhất mà ta nên chú trọng. Tất cả chung quanh ta chỉ là cái khung cảnh để chúng ta sinh hoạt, hoặc dùng làm công cụ cho ta mà thôi. Nếu chúng ta quá quan trọng và chú ý đến những hoàn cảnh bên ngoài ấy, đó là ta làm giảm mất nơi ta cái chân giá trị con người ta và của xã hội nữa.  

Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Mình rất tâm đắc với quan điểm này. Khi làm nghiên cứu, một đặc thù là bạn phải tìm kiếm và đọc rất nhiều. Cái hay ở chỗ là từ một đầu mỗi, bạn tiếp tục đào sâu rồi bỗng dưng mình đọc được những điều khiến mình ồ à.

Authenticity

Hồi năm 2021, khi đang viết hồ sơ apply PhD vào một trường ở UK. Từ nghiên cứu về hành vi du lịch trong thời đại số, rồi giáo sư hướng dẫn của mình khi ấy lại gợi ý mình sửa bài. Sửa đi sửa lại chẳng biết sao mình lại nghiên cứu về khái niệm Authenticy.

Authenticity là khái niệm cực kỳ hay. Về khía cạnh con người, đó là việc bạn thể hiện con người thật và cảm xúc thật của mình thay vì một khía cạnh cụ thể mà bạn muốn người khác thấy. Nó cũng nói về cách bạn nhìn thế giới. Điều kỳ lạ là “Thực và ảo” là khái niệm hết sức chủ quan. Càng đọc tài liệu, mình càng thấy mơ hồ liệu thế giới này đâu là thật đâu là ảo, đâu là con người thực sự của mình, và đâu là phiên bản qua sự nhào nặn của xã hội. Vì đây là phạm trù triết học khá phức tạp nên mình sẽ dành để viết về nó trong một post khác.

Năm 2021 ấy dù thất bại nhiều, nhưng mình cũng thấy rất thoả mãn, như mình vừa được khơi sáng và nó giúp mình trả lời một câu hỏi mình thắc mắc từ lâu. Có lần trong lớp học thêm tiếng Anh, cô giáo hỏi chúng mình nói 1 tính từ miêu tả bản thân nhưng nó phải bắt đầu bằng chữ cái đầu tiên của tên mình. Tên mình là Anh. Với vốn từ vựng ít ỏi, mình nghĩ mãi rồi trong đầu mình có 1 từ duy nhất – Attractive. Cũng tạm. Dù thực lòng mình thấy nó không hợp với mình lắm.

Phim Eat Pray and love có cảnh Liz ngồi với những người bạn trong quán ăn ở Venice. Họ bàn luận rằng, mỗi thành phố có 1 từ của riêng nó. Rome là “sex” Vatican là “power,” and New York là “achieve.” Và mỗi người chúng ta cũng có 1 từ như thế. Liz suy nghĩ về từ của cô nhưng mỗi từ cô nói ra dường như chỉ là một chức danh, một cái nhãn mà xã hội dành cho cô. Mình đọc đoạn cuối cuốn Ăn, cầu nguyện và yêu lúc đang đợi Boarding lên máy bay mùa hè năm 2018. Tiếng gọi lên tàu bay khiến tôi cũng chẳng để ý cuối cùng Liz chọn cho mình từ nào.

Sinh nhật năm 2021, ngồi lướt Netflix, nghĩ ngợi xem phim gì cho tuổi mới. Tự nhiên gương mặt xinh đẹp của Julia Robert lại hiện ra. Mình mất 3 tiếng ngồi xem lại phim, và 3 tiếng nữa để gõ lại tất cả những gì trong đầu. Giờ thì mình đã ko còn tiếc về những cuốn sách, bộ phim mà mình ước lẽ ra mình phải xem sớm hơn nữa, vì đơn giản, mình của những ngày thơ ngây ấy, đã xem cũng ko hiểu hết. Hóa ra chẳng cần sớm hay muộn mà là đúng lúc, mọi chuyện xảy ra đều có ý nghĩa của nó. Giờ mình đã biết từ của Liz là “antevasin – one who lives at the border.” Nhưng mình lại nghĩ về từ dành cho riêng mình. Hóa ra, hành trình tìm hiểu bản thân là hành trình dài nhất mình từng đi và phải đi. Đó là lý do, tôi biết ơn năm 2021 và hành trình dích dắc. Từ bắt đầu bằng chữ A. Không phải Attractive dù nhan sắc mình cũng không đến nỗi, nhưng mình nghĩ từ đó là Authentic. Mình vẫn luôn là chính mình.

Human Factor

Lúc nhập học PhD mình mới biết mình sẽ được phân vào khoa Engineering, nhóm nghiên cứu về Human Factors. Đó cũng là lần đầu tiên mình nghe thấy từ này luôn. Mình cũng mấy lần hoảng hốt hỏi supervisor của mình là mình background kinh tế, kinh doanh, giờ nghiên cứu kỹ thuật thế liệu có thể sống sót. Thầy mình trấn an, Human Factor là nghiên cứu về con người. Càng học, càng nghiên cứu mình lại càng thích môn này. Human Factor nghiên cứu về tương tác giữa con người và hệ thống. Tất cả những thiết kế máy móc, đồ đạc, như cái nắm đấm cửa sao cho đẹp cho tiện cũng là nghiên cứu về Human Factors. Thỉnh thoảng chúng ta hay thấy bán “ghế công thái học”, đó cũng là sản phẩm của nghiên cứu Human Factors/ Ergonomics. Bộ môn này còn nghiên cứu về nhận thức con người, cách họ nhận biết và phản ứng với thế giới, cách họ ra quyết định. Tuần vừa rồi mình đang tìm sách về System thinking, chưa tìm được ở đâu, vào trong bài học của thầy gửi thấy ngay tài liệu trên ổ mạng. Càng đọc mình cũng càng hiểu về những phản ứng, quyết định của bản thân dựa trên những nguyên lý nào. Bênh nghề nghiệp đi đâu mình cũng nhận xét đồ vật nào thiết kế thông minh, đồ vật nào thiết kế dở hơi, và rồi mình còn biết sắp xếp lại vật dụng xung quanh sao cho tiện lợi nhất với bản thân.

Những cơ hội khác

Với mình, làm nghiên cứu cũng giúp mình có cơ hội được đi du học, được đi nhiều nơi, được khám phá. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường ở một nơi “chẳng mấy khi được xuất hiện trên TV”, với mình dành học bổng toàn phần là cách duy nhất mình để có thể đi du học. Mình nghĩ mình không thể thực hiện được mong muốn này nếu thiếu đi chặng đường nghiên cứu từ năm nhất.

Càng đọc nhiều, càng hiểu nhiều, càng trải nghiệm nhiều, mình càng trưởng thành hơn, tự tin hơn và thấy mình hạnh phúc hơn. Bởi vậy, những nghiên cứu không chỉ cho mình hiểu về thế giới mà còn cho mình khám phá chính mình.

Nguyên lý “Đèn cảm ứng”

Hôm trước đọc tin trên Cafebiz, mình đọc được một nguyên lý gọi là “nguyên tắc lối đi đèn cảm ứng”. Bạn có thấy đèn cảm ứng ở các lối đi thường tắt và sẽ chỉ chiếu sáng con đường phía trước khi có ai đó bước đến đứng ở một khoảng cách nhất định. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Đôi khi tưởng chừng như phía trước thật mù mịt, chúng ta chẳng biết đi đâu, nhưng khi bạn bước đến một vị trí đủ gần, tự nhiên ánh đèn sẽ vì bạn mà phát sáng. Nó sáng bất ngờ mà người ta hay nói thời đến cản không kịp.

Thầy hướng dẫn của mình thường nói, đừng mất thời gian lo lắng nữa, có thời gian thì đọc tài liệu còn bế tắc ở đâu thì nói với thầy. Khi mình phải viết đề cương nghiên cứu, mình cũng thấy hoang mang chả biết viết gì. Nhưng phải bắt tay vào đọc, tìm tài liệu, từ khóa này dẫn đến từ khóa khác, từ tài liệu này dẫn đến tài liệu khác, càng đọc mình càng hiểu, khi ấy việc đọc và viết lại càng trở nên cuốn hút. Tất cả mọi việc trong cuộc sống cũng vậy, đứng trước một thử thách chúng ta thường hay chần chừ, lo lắng, hoang mang. Nhưng phải bắt tay vào làm, bước một bước chân đầu tiên, ngã ở đâu đứng dậy ở đó thì việc mới hoàn thành được.

Cơ hội nằm sau những điều mơ hồ ở tương lai. Tất cả những cơ hội đến với mình hết sức ngẫu nhiên. Mình thấy bản thân mình trôi dạt như viên bi trong game Space Cadet 3D Pinball ở Window 95 ngày xưa. Quả bóng gặp bất cứ vật cản nào đều bị bắn đi chỗ khác. Sự nghiệp của mình không thẳng như cái ống mà thay đổi luôn diễn ra. Nhưng trên con dường dích dặc, mình học được rất nhiều triết lý sống, mình hiểu về con người mình ngay trong những ngiên cứu mình làm.

Mình viết bài này không phải để khuyến khích bạn làm nghiên cứu hay là đi học PhD. Thực ra, nếu như đi học Tiến sĩ chỉ vì bạn thấy chán cuộc sống hiện tại thì chúng ta chỉ bước từ cái máng lợn này sang cái máng lợn khác. Trên kia mình chỉ nói những điều mình được thôi, còn cô giáo mình đã nhắc mình về “giá trị của những vất vả”. Mình muốn gửi tới bạn những hi vọng, dũng cảm đi về phía trước, dù bạn có thấy mơ hồ và không rõ đích đến, dù bạn đang rất mệt mỏi trên hành trình với nhiều khó khăn, chỉ cần một vài bước nữa thôi, biết đâu “chiếc đèn cảm ứng” của bạn sẽ bừng sáng lên. Hàng trăm năm nay các nhà nghiên cứu dày công tạo ra những phát minh phục vụ nhân loại mà họ cũng không hề biết trước đích đến. Chỉ cần ước mơ của bạn làm hướng đến những điều tốt đẹp, bạn cũng có thể mang lại ánh sáng cho người khác và biết đâu đấy, cả bầu trời đầu sao, nhờ có bạn mà lấp lánh.

Cover Photo : Thư viện Manchester

Phần nội dung “nguyên tắc lối đi” tham khảo tại: cafebiz


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email bằng cách điền vào ô dưới đây (và xác nhận qua thư được gửi tới email của bạn) để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]