Dạo gần đây, mình hay nghe nhắc đến Fear of Missing Out (FOMO). Cũng trong chính lúc này, mình cũng đang có nỗi sợ đó thật. Hôm qua, mình có cuộc họp với thầy hướng dẫn trước khi nghỉ lễ giáng sinh và năm mới. Thầy hỏi mình, sau một học kỳ cảm thấy thế nào. Với mình thì mọi thứ xung quanh đều ổn, mọi việc đều suôn sẻ, nhưng trong mình vẫn có chút áp lực đồng trang lứa và cảm giác FOMO. Khi các bạn cùng lớp đã bắt đầu xuất bản những bài báo nghiên cứu, và tham gia các hội thảo cả ở UK lẫn ở EU, mình vẫn chỉ đang ngồi hoàn thành những coursework của môn học kiến thức nền. Khi mình hoàn thành bài coursework cuối cùng vào tuần trước, nhắn lên WhatsApp’s của khóa, các bạn nói vẫn còn những deadline khác, và có bạn còn khoe đang chuẩn bị cho chuyến hành trình đến Ý để trình bày nghiên cứu tại hội thảo khoa học ngay trước thềm giáng sinh. Khi ấy mình đã nghĩ “Liệu mình có nghỉ ngơi sớm quá không? Liệu mình có cần làm thêm cái gì không?’.Thậm chí, mình còn có nỗi sợ khá vô duyên khác đó là “sợ người khác cũng học ở châu Âu mà học đi du lịch được nhiều hơn mình”.

Thầy mình chỉ cười và nói “Thầy đã làm hướng dẫn cho sinh viên trong chương trình này hơn 12 năm, và sinh viên nào cũng nói về cảm giác này. Thầy biết là để làm được điều này rất khó, nhưng em hãy tập trung vào hành trình của mình. Đây là một cuộc Marathon dài hơi và đừng so sánh mình với người khác. Em đã làm rất tốt, và sự nghỉ ngơi lúc này là quan trọng, đường còn dài”. Có lẽ vượt qua FOMO sẽ là mục tiêu lớn của mình trong năm tới.

Hiện nội dung này đã có trên Podcast Small Steps Everyday. Mời bạn lắng nghe.

Fear of Missing Out – FOMO là gì?

FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ) là một thuật ngữ tâm lý được giới thiệu vào năm 2004 và được sử dụng rộng rãi từ năm 2010, ra đời với sự phổ biến của các trang mạng xã hội. FOMO gắn liền với hàng loạt các trải nghiệm và cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống như cô đơn, lo lắng, bị bỏ rơi, căng thẳng, thậm chí thấy mình thấp kém hơn người khác.

FOMO bao gồm 2 quá trình. Đầu tiên là việc người ta cảm thấy mình bị bỏ lỡ các cuộc vui, các mối quan hệ xã hội. Chúng ta bị choáng ngợp bởi hàng loạt những điều tuyệt vời, hay ho trong cuộc sống, thấy người khác có những trải nghiệm bổ ích mà mình đã vắng mặt hoặc không có cách nào tham gia. Tiếp đến, vì cái cảm giác không mấy vui vẻ ấy mà người ta cố gắng duy trì các hoạt động, các liên kết xã hội, hoặc liên tục theo dõi xem người khác đang làm gì.

Tại sao Missing Out trở nên đáng sợ?

Trong sâu thẳm, chúng ta luôn mong muốn được yêu thương, được thuộc về một cộng đồng, được kết nối, được công nhận, cũng như được trải nghiệm những niềm vui. Và trái lại, chúng ta sợ cảm giác mất mát, cô đơn, hay thất bại.

Mình có cảm giác FOMO rõ nhất là từ hồi đại học. Hồi đấy mình vào trường gần như không quen ai. Trường cấp 3 của mình chỉ có 4 người vào Ngoại Thương Hà Nội, nhưng các bạn ấy học khoa khác, nên mới đi học mình thấy khá lạc lõng. Mình rất muốn làm quen bạn mới. Hồi ấy Facebook có một group là K50FTU, hội năm nhất mới vào hay chat với nhau trên đó. Một hôm vào thang máy, một bạn gọi tên bạn đứng cạnh mình cũng học cùng lớp mình bằng tên trên Facebook rồi hai bạn nói chuyện với nhau rất thân thiết. Lúc ấy mình cảm giác khá “ghen tị” vì bạn ấy cũng mới vào mà đã có nhiều bạn.

Từ lúc đó mình nghĩ mình phải lên Facebook nhiều hơn để làm quen với mọi người. Thực ra lên Facebook cũng hiệu quả thật, nhưng sau khi Facebook bắt người dùng phải sử dụng tên thật và mình cũng có nhiều mối quan hệ khác thì mình quên rất nhiều bạn, không hiểu tại sao ngày trước lại add friend với họ. Mình đã lướt facebook một cách cần mẫn chỉ vì mình sợ, tò mò liệu mọi người đang làm gì, chơi gì, còn mình thui thủi một mình.

Mình cũng rất sợ cảm giác thấy các bạn trong nhóm rủ nhau đi chơi, đến nhà nhau ăn mà không có mình. Có lần mình tham gia một trường hè, nhóm mình được phân làm việc nhóm và chơi với nhau khá thân. Nhưng sau khi về lại Hà Nội, đến một hôm thấy anh chị trong nhóm rủ nhau đi chơi nhưng không có mình, mình thấy rất buồn. Thậm chí mình còn nhắn tin cho chị cùng nhóm “Anh chị cho em tham gia với”. Giờ nghĩ lại thấy mình thật đáng thương. Sau này, mình mới hiểu chỉ vì các anh chị ấy cùng tuổi, nói chuyện với nhau hợp hơn còn mình trẻ trâu, tham gia vào cũng không hợp.

Mình cũng hay có cảm giác khá “sân si” khi thấy các bạn tham gia hết hoạt động này hoạt đông kia, chơi hết hội này hội kia. Thậm chí, mình còn “ghen tị” mỗi lần các bạn post Facebook bảo “dạo này bận quá”. Nhất đến lúc cuối năm, đọc các bài tổng kết mình lại tự hỏi “Năm qua tôi đã làm gì cho đời”.

IMG_1354-01

Ảnh hưởng của FOMO đến cuộc sống

Hồi đại học, mình cũng chưa biết đến sự độc lập về cảm xúc, hay tìm ra một con đường phù hợp với chính mình. Bởi vậy, mình từng chạy theo “cuộc đua”của những hoạt động ngoại khóa, để được tham gia các hội nhóm, và thường xuyên có mặt trên Facebook để không bỏ lỡ bất cứ thông tin gì.  Rồi thì thành tích “chạy đua” hồi đại học của mình không tệ chút nào. Dù mình cũng làm được khá nhiều, thậm chí mình còn tạo FOMO và peer pressure cho người khác, nhưng bản thân mình vẫn thấy không bằng “con nhà người ta”. Thực ra, bố mẹ mình không so sánh mình với con nhà người ta, chỉ mình tự áp lực cho mình.

Đến lúc mình nhận ra cuộc chạy đua đó thật viển vông và vô nghĩa. Vì nỗi sợ ấy mà mình cũng từng bỏ thời gian vào những việc không thực sự cần thiết. Chưa kể, mình có những thói quen hàng ngày rất độc hại như mất quá nhiều thời gian lướt Facebook, mất tập trung khi làm việc. Mình cũng mất thời gian, công sức để duy trì nhiều mối quan hệ không cần thiết hay thậm chí mình còn đi ô bế những người mà mình từng ngưỡng mộ vì nghĩ họ không bỏ lỡ gì cả.

FOMO cũng có nhiều kiểu. FOMO không chỉ khiến bản thân phải hóng hết chuyện này đến chuyện kia khiến chúng ta bị quá tải thông tin, tham gia hết hội này đến hội khác khiến người ta bị chìm trong những cuộc “nhậu nhẹt”, mà thậm chí cũng liên quan đến việc đưa ra những quyết định lớn nhỏ trong cuộc sống, rằng chúng ta phải làm cho bằng bạn bằng bè.

Chúng ta sợ bỏ lỡ cơ hội mua hàng giá rẻ trên Shopee mặc dù tháng nào trên đó cũng sale và cũng chẳng cần nghĩ mình có thực sự cần món đồ đó hay không. Chúng ta sợ vắng mặt trong những cuộc vui mà nhỡ đâu có ai nói gì đó mà mình không biết. Chúng ta sợ bạn bè đang làm cái gì đó hay hay, kiếm nhiều tiền và thấy bất an về bản thân. Thậm chí, có người còn vội vàng trong mối quan hệ tình cảm vì người ta có đôi có cặp hết rồi và ta sợ bỏ lỡ “tuổi đẹp”.

Tuy vậy, chúng ta làm rất nhiều việc vì nỗi sợ bỏ lỡ nhưng cũng chẳng nhận ra vì nỗi sợ đó mà chúng ta đã và sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều còn đáng giá hơn trong cuộc sống.

Vượt qua nỗi sợ để lựa chọn những điều thực sự phù hợp với bản thân

“Chúng ta luôn nghĩ rằng có nhiều lựa chọn là một điều tốt, nhưng sẽ đến lúc có quá nhiều thứ để lựa chọn. Học cách lựa chọn rất khó. Học cách lựa chọn tốt còn khó hơn. Và học cách lựa chọn tốt trong một thế giới của những khả năng không giới hạn còn khó hơn gấp bội, có thể nói là quá khó.”

Nhà tâm lý học Barry Schwartz

Năm 2020, mình quyết tâm xoá apps Facebook ở điện thoại. Thậm chí mình còn dùng apps BlockSite để chặn không cho mình vào Facebook và mấy trang showbiz kiểu Kenh14 bằng trình duyệt. Lý do chỉ vì sau một lần mình có những cảm xúc tiêu cực khi đọc chia sẻ của ai đó. Thực ra mình biết đó cũng là khoe khoang, chém gió thôi nhưng mình có cảm giác không ổn. Mỗi lần như vậy tim mình thường đập rất nhanh. Ai trong chúng ta cũng có tính xấu bên trong mà bản thân muốn chối bỏ. Với mình, có lẽ là sự so sánh và hay đánh giá.

Khi sự tiêu cực đó bắt đầu nhen nhóm để dẫn mình tới những quyết định, ham hố không cần thiết, mình nghĩ mình cần dừng lại. Do đó, khi chưa thể làm chủ cảm xúc mình thì mình chọn cách tránh xa. Năm 2020, 2021 cũng có khá nhiều khó khăn và thất bại, mình cũng nản và nghĩ “Mình chán chạy đua rồi”. Ấy thế mà, cái cảm giác “bị chán, bất cần” ấy lại chuyển hóa khá tích cực khi mình có thể bước vào năm 2022 rất nhẹ nhàng, thoải mái, không áp lực, không sợ hãi, và vui vẻ với hành trình của mình.

Từng có một bạn hỏi mình “chắc dạo này cuộc sống của mình tẻ nhạt lắm nên chẳng có gì fancy để post lên Facebook nhiều như trước”. Thực ra trước đây mình post hàng ngày, sau đó thì hãn hữu lắm mình mới lên Facebook, và chỉ duy trì Messenger để chat. Mình nghĩ nếu là bạn bè thực sự thì sẽ không chỉ nhìn và đánh giá nhau qua timeline Facebook. Hồi đi học MBA, mình nói chuyện với anh bạn cùng lớp, đang làm quản lý của một công ty phần mềm, quản lý khoảng 500 người. Anh ấy không dùng Facebook. Mình đã rất tò mò hỏi “Anh giữ mối quan hệ với bạn bè thế nào?”. Anh ấy cười bảo “Thiếu gì cách. Anh muốn nói chuyện với ai thì anh gọi điện, hẹn gặp nghe giọng nói trực tiếp chẳng hay hơn là nhìn mấy con chữ máy tính anh đã phải nhìn suốt ngày”. Đến giờ mình mới hiểu, hóa ra không cần Facebook người ta cũng vẫn được kết nối, vẫn có bạn bè. Mạng xã hội khiến người ta cảm giác được kết nối với những người ở xa và đẩy ra xa những người ở gần.

Không lên Facebook mình cũng bỏ lỡ khá nhiều thông tin, mình cũng chẳng biết nhiều người đang làm gì, nhưng thực sự ít nhất mình đã bớt những lần tim đập nhanh bởi cảm giác FOMO. Mình vẫn đang học cách kiềm chế cái cảm giác này. Mình cũng có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những dự án cá nhân và học thêm những điều mà mình thích. Có rất nhiều bạn hỏi mình có thể làm nhiều việc, công thức đơn giản chỉ là khi mọi người lướt Facebook, thì mình làm việc.

IMG_2398-01

Kết luận

Đến bây giờ, khi nhìn lại những năm tháng sinh viên bị chìm ngập trong FOMO, mình chợt nhận ra, có rất nhiều hoạt động mình không được tham gia, có rất nhiều hội nhóm mình không thể có mặt, nhưng mình vẫn ổn, vẫn vui vẻ với những gì mình đạt được ngày hôm nay. Nói một cách hơi “tự cao tự đại” chút, nhiều người mà trước đây mình từng rất ngưỡng mộ vì bạn ấy có mặt và tham gia các hoạt động và hội nhóm mà mình mình muốn nhưng không thể, đến giờ mình không còn ngưỡng mộ hay ghen tị nữa. Thậm chí, ngày hôm nay, mình cũng có thể nói rằng xét về một khía cạnh nào đó thì mình còn có nhiều thành tựu hơn họ. Bởi vì cuộc sống là một đường dài, không phải ai cũng có thể giữ được ngọn lửa nhiệt huyết cho đến cuối con đường. Suy nghĩ của mình cũng thay đổi, giờ mình không còn ngưỡng mộ những người hay kêu bận nữa, mà ai hay than bận mình chỉ nghĩ họ nên học cách quản lý thời gian hiệu quả hơn. Quản lý thời gian cũng bao gồm việc bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên các hoạt động trong cuộc sống.

 Hóa ra mình không cần phải có tất cả những cái mình muốn để đạt được những điều mình cần và mình cũng không cần phải chạy theo người khác nữa. Chúng ta luôn có một cuộc hành trình dài cần phải đi, nên đừng sợ bỏ lỡ một cuộc vui nhất thời. Tại sao mình phải hóng người khác làm gì khi mình còn cả một danh sách những việc cần làm phải dành thời gian. Mình chỉ cần tập trung vào con đường của mình thôi.


Cám ơn bạn đã đọc hết Blog ngày hôm nay. Một năm nữa lại sắp đến rồi, hi vọng bạn có thể buông đi những lo lắng, sợ hãi và những cảm xúc tiêu cực để có một năm mới nhiều an yên trên hành trình của riêng mình. Mình vẫn ở đây chia sẻ và lắng nghe những tâm sự của bạn.

Đừng quên theo dõi qua bằng cách nhập email vào ô dưới đây để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]