Hồi còn nhỏ, mỗi lần nghe các tác phẩm nhạc cổ điển, mình thường nói với bố là “Con chả hiểu tại sao người ta có thể nói về nội dung bản nhạc này dù chả có một ngôn từ nào”. Nghệ thuật đúng là thật trừu tượng. Khi ấy bố mình chỉ nói “Con không cần hiểu, chỉ cần lắng nghe và tự cảm nhận có thấy thích hay không thôi?”. Rồi dần dần, mình cũng có thể cảm nhận tiếng chim hót, tiếng sấm sét, giông bão, thấy tim mình đập nhanh, hay thậm chí rơi nước mắt khi nghe một bản nhạc. Bố mình rất thích đọc sách. Hồi đó, mình vẫn thấp bé, còn những cuốn tiểu thuyết ngoại văn mà bố đọc để mãi trên tầng cao. Đó là những áng văn của văn hào John Steinbeck, như Chùm nho uất hận, phía đông Eden. Mình lớn lên, với hi vọng một ngày nào đó sẽ đủ cao và học ngoại ngữ có thể lấy và đọc được những cuốn sách ấy.

Hiện nội dung này đã có trên Podcast Small Step everday. Mời bạn lắng nghe.

Có thể nói, dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng thưởng thức nghệ thuật đã sớm là một phần trong cuộc sống của mình. Gia đình mình có cuộc sống bình dân, bố mẹ làm văn phòng, thậm chỉ chả ai biết chơi đàn, chả ai có năng khiếu vẽ vời, hát hò. Mình cũng không được tham gia vào lớp học vẽ, học đàn, hay năng khiếu gì từ nhỏ, sau này mình biết chơi Piano là do mình tự học. Thế nên mình mới nghĩ, tiếp xúc với nghệ thuật không cần những đòi hỏi vật chất quá cao siêu, cũng chẳng phải người đi ngắm tranh, nghe opera đều là người sang trọng, mà nghệ thuật ở xung quanh chúng ta, rất bình dị. Từ khi còn là sinh viên ở Hà Nội, mình có một nhóm bạn 3 người gọi là Art-mate. Chúng mình thường hay cùng nhau đi nghe hòa nhạc, các triển lãm tranh, hay đơn giản là ghé qua bảo tàng Mỹ thuật rồi lượn qua hiệu sách Cá Chép xem có tác phẩm nào mới không? Những điều bình dị này lại mang cho cuộc sống của mình một ý nghĩa rất lớn.

Leicester

Nghệ thuật cho mình tìm thấy động lực sống và những đam mê

Hàng tuần mình thường đọc truyện, nghe audio book, xem phim, đi bảo tàng, vào hiệu sách hoặc là lên Youtube xem các video về phân tích nghệ thuật. Chẳng ai có thể phủ nhận những thất bại, khó khăn, vất vả, buồn đau trong cuộc sống. Trong những rối ren và bộn bề ấy, nghệ thuật giúp xoa dịu nỗi đau, đem đến cho mình những hi vọng về những điều tốt đẹp. Khi xem một bộ phim, đọc một tiểu thuyết về một nhân vật với nhiều biến cố cuộc đời, nhìn cách họ cố gắng, và cách họ nổi bật, tỏa sáng, mình lại đối chiếu, suy nghĩ về bản thân mình. Liệu mình đã dám sống như một nhân vật chính đích thực trong cuộc đời mình hay chưa. Những nhân vật chính trong phim thường có cuộc đời không mấy dễ dàng, họ có cá tính thể hiện qua cách họ ăn mặc, nói chuyện, họ có ước mơ, đặc biệt những điều họ làm luôn hướng thiện, họ luôn có gắng rồi phép màu sẽ xuất hiện. Vậy nên, trước mỗi tình huống trong cuộc sống, mình đều nghĩ, mình không muốn đóng vai phụ nhạt nhòa, và lại càng không muốn đóng vai phụ phản diện.

Có một lần, hội Art-mate của mình đi xem phim Soul, và mình nhớ lúc kết thúc phim, nhìn những dòng chữ chạy trên màn hình giữa giai điệu của bài hát “It’s all right”, mình với cô bạn nắm chặt tay nhau, tay còn lại để lau nước mắt. Có những lúc thất vọng bủa vây có những bộ phim, hay chỉ một bài hát cũng có thể kéo mình ra khỏi vũng đầm lầy đặc quánh. Có những lúc mình cảm thấy rất tuyệt vọng, cô đơn vì chẳng ai ủng hộ mình cả, thì mình xem một bộ phim, mình đọc một câu chuyện, hay những tiểu sử về cuộc đời nghê sĩ, có một ánh sáng nào ấy lóe lên, để mình không còn cảm thấy cô đơn, bởi vì mình biết rằng trên thế giới này cũng có người đã trải qua cảm giác này, và họ cũng đều vượt qua, rồi mình cũng sẽ vượt qua thôi.  Chính bằng cách ấy, nghệ thuật giúp mình có thêm động lực, và lý do để sống.

2023_0108_15291100-01

Nghệ thuật cho mình sự thấu hiểu, biết trân trọng cái đẹp và những điều nhân văn

Hôm trước mình mới nghe lại tác phẩm “Hoàng tử bé” của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Hồi đại học mình đã đọc qua “Hoàng tử bé” nhưng không hiểu, mình cũng chẳng hiểu tại sao nhiều người ta lại khen tác phẩm này đến vậy. Phải đến 10 năm từ lần đọc đầu tiên mình mới nghe lại tác phẩm này trên Hẻm Radio, và lúc này mình mới hiểu những bài học trong cuốn sách này. Vì thế mà mình càng thấm thía về giá trị của những trải nghiệm, sự trưởng thành về tư tưởng. Nghệ thuật giúp mình trải nghiệm một thế giới khác, nhưng chính những trải nghiệm ở thế giới thực, từ cuộc sống xung quanh cũng giúp những trải nghiệm nghệ thuật của mình trở nên sâu sắc hơn. Cảm giác như bản thân mình đã đủ lớn để có thể ngồi “trò chuyện” cũng với tác giả. Nghệ thuật và nhân sinh không phải hai khái niệm tách rời mà luôn gắn liền với nhau. Vậy nên, những kẻ nói nghệ thuật là điều hoang đường và nghệ sĩ là những kẻ hâm thì người đó đã để lỡ một phần cao đẹp trong cuộc sống.

Hiểu được cái hay, hiểu được cái đẹp trong tác phẩm, khiến mình càng thêm trân quý sự sáng tạo, những giá trị nhân văn và cống hiến của nghệ sĩ. Không phải sự lãng du nào cũng khiến người ta trở nên phi thực tế, chỉ là những người nghệ sĩ có thể dùng sự lãng du đó để biến những mảnh đất khô cằn của cuộc sống thực dụng thành một khu vườn đầy hoa chạm tới cảm xúc và tâm hồn. Một tác phẩm nghệ thuật dù dưới bất kỳ hình thức nào, hội họa, thơ ca, phim ảnh, bài trí, tất cả đều bắt đầu từ tinh hoa đã được người nghệ sĩ tôi luyện. Khi mình học đàn Piano, và Violin, từ những tiếng kẽo kẹt và những ngày đau vai mỏi cổ, ngón tay đỏ ửng, mình mới hiểu để chơi được tác phẩm hay, nghệ sĩ phải dày công khổ luyện, vất vả, thậm chi đau đớn ra sao. Sự thấu hiểu ấy, giúp mình kiềm chế lại trước khi buông lời mỉa mai một ai đó khi họ còn chưa đủ tốt bởi vì mình hỏi lại bản thân mình liệu mình đã làm tốt được như họ chưa. Từ ấy mình học được về sự rộng lượng và cởi mở hơn trước những điều tốt đẹp, nhân văn, ngay cả chúng ẩn sau những vẻ ngoài không hoàn hảo.

“Động lực sống mà chúng ta có được từ nghệ thuật chính là khi bạn biết yêu và biết trân trọng từng khoảnh khắc, từng nỗ lực để tạo ra cái đẹp. Từ đó bạn làm đẹp cho chính cuộc đời mình”.

Nghệ thuật giúp người ta thư giãn, chữa lành và hạnh phúc hơn

Mình từng đọc câu chuyện về đại tướng Võ Nguyên Giáp và cây đàn piano. Trên cương vị một vị tướng cầm quân, một Tổng tư lệnh quân đội, hay một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phải góp phần quyết định những vấn đề lớn của chiến tranh, tiếng đàn có lẽ đã tạo nên cho đồng chí Võ Nguyên Giáp những giây phút thư thái, bình lặng trong những ngày căng thẳng, bề bộn của bao việc nước, việc quân.

Nghệ thuật giúp mình hiểu được giá trị của những đam mê. Có rất nhiều quãng đời chúng ta bỗng dưng thấy lạc lỗi và mất động lực, nhưng chúng ta đều sẽ nhận ra điều gì khiến mình vui. Bạn có muốn mình vui nhiều hơn, vui lâu hơn không khi dám dấn thân để biến đều đó thành đam mê thực sự và sống hết mình vì đam mê đó. Sự hạnh phúc và chữa lành này đơn giản chỉ là khi chúng ta tìm thấy đam mê của cuộc đời mình, bởi vì chúng ta hiểu rằng sống mà không có đam mê với điều mình muốn làm thì cuộc đời này vô nghĩa biết bao.

Leicester

Không phải nghệ sĩ nào cũng giàu có khi họ còn sống. Mình rất thích xem bộ phim Dear Vincent. Phim kể về anh chàng Armand Roulin, theo lời cha mình chuyển bức thư cuối cùng của Vincent Van Goh đến tay em trai ông là Theo Van Goh. Suốt hành trình từ Paris đến Auvers, Roulin bị cuốn theo hành trình tìm hiểu cái chết của Vincent. Phim được tạo nên bởi hơn 100 họa sĩ chuyên nghiệp được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới đã thực hiện 65.000 bức tranh sơn dầu tuân thủ chặt chẽ thủ pháp của Van Gogh. Từ đây các nhà làm phim đã dựng lại cuộc đời một con người vốn dĩ chỉ còn lại 800 manh mối là tranh và khoảng vài chục lá thư gửi cho người em trai. Cảm xúc của nhân vật, những vui buồn, thăng hoa, sự cô đơn, sự bế tắc được thể hiện qua những mảng màu biến hóa nhưng rất hài hòa, tươi mới, rõ nét. Từng cung bậc trong lời thoại, hay cả những tiếng thở dài của nhân vật cũng rất chân thực, cảm giác như mình đang ngồi cạnh nhân vật, nghe họ giãi bày, suy tư, trải lòng về những gì họ biết về người nghệ sĩ.

Người yêu tranh của Van Goh không chỉ yêu những tác phẩm, phong cách nghệ thuật của ông mà còn trân trọng cả tình yêu của ông với cuộc sống và nghệ thuật. Vincent Van Goh từng viết trong lá thứ gửi em trai mình rằng

“Anh là ai trong mắt hầu hết mọi người chứ? Một kẻ tầm thường, vô danh tiểu tốt, một tên khó ưa. Một kẻ không có và sẽ không bao giờ có địa vị trong xã hội. Nói tóm lại, một kẻ ở tận cùng xã hội. Uh thì cứ cho rằng tất cả điều đó đều là đúng đi. Thì một ngày nào đó bằng những tác phẩm của mình, anh sẽ cho họ thấy có gì trong trái tim kẻ tầm thường vô danh tiểu tốt này. Trong cuộc đời người họa sĩ, cái chết chưa hẳn là điều khó khăn nhất. Với anh, anh xin nhận rằng anh chẳng biết gì về nó. Nhưng ngắm nhìn những ngôi sao luôn khiến anh mộng mơ, anh tự hỏi chính mình tại sao những chấm sáng trên bầu trời ấy lại khó với tới đến vậy? Có lẽ cái chết sẽ đưa ta đến một vì sao, và cái chết thanh thản khi tuổi già giống như đi bộ tới đó”.

Tác dụng chữa lành của nghệ thuật đến từ 2 chiều: thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Thưởng thức nghệ thuật khiến mình được chìm đắm trong những điều tốt đẹp. Còn sáng tạo nghệ thuật, như Van Goh, dù đến với hội họa muộn màng, dù những khó khăn bủa vây cuộc đời, vẽ để bộc lộ hết tâm hồn, cảm xúc của mình là điều khiến Van Goh hạnh phúc những ngày cuối đời. Cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng dù chỉ một lần được sống hết mình với đam mê chẳng phải đã đáng trân quý rồi sao. Với trải nghiệm cá nhân của mình, một người không làm nghệ thuật chuyên nghiệp, khi mình có thể dành 30 phút để chơi một bản nhạc, hay viết Calligraphy, đó là lúc mình cho bản thân mình quên đi những mệt mỏi và áp lực trong công việc.

Leicester

Nghệ thuật giúp sáng tạo và rèn luyện những kỹ năng mà không trường lớp nào dạy

Nghệ thuật vốn dĩ đã là sự sáng tạo. Chúng ta có thể học về sáng tạo qua những người nghệ sĩ. Và khi đã thấy bản thân mình luôn tràn đầy những ý tưởng, chúng ta lại trở nên siêng năng, nhiệt huyết và làm việc càng hăng say. Mình để ý rằng, người yêu nghệ thuật thường là những người sâu sắc, bởi họ đã quen khám phá cái đẹp trong những phần thể hiện trừu tượng. Đó không phải những kẻ miệng nói triết lý nhưng sống tội lỗi, không phải tiểu tốt đội lốt đại gia, không phải những người mang vật chất ra thị uy thiên hạ. Cái đẹp thực sự giản dị và cao quý hơn nhiều mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy bằng mắt. Việc phân tích, và cảm nhận cái hay phía sau một âm thanh, một nét vẽ hay ngôn từ là một kỹ năng, sự sâu sắc và tinh tế được mài giũa sau thời gian dài khám phá nghệ thuật. Sự sâu sắc, tinh tế này giúp người ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp từ những điều bình dị xung quanh, như một chiếc lá rơi, một giọt sương, tiếng gió, rồi từ đó được gơi khợi những ý tưởng mới. Những bài học cuộc sống luôn ẩn chứa trong những điều nhỏ bé lướt qua cuộc sống hàng ngày, từ những điều vốn có trong tự nhiên, nếu chúng ta biết để ý, quan sát, như cách chúng ta ngắm nghía 1 bức tranh, lắng nghe một bản nhạc, chúng ta sẽ học được 1 bài học và không uổng phí từng thời khắc đẹp trong cuộc sống.

Sự sáng tạo, những ý tưởng mới là sự kết nối từ những chiêm nghiệm chúng ta đã trải qua. Có những định luật quan trọng trên thế giới này được tạo ra bởi những “điểm chạm” rất nhẹ trong cuộc sống hàng ngày. Người ta vẫn kể lại câu chuyện nổi tiếng về nhà bác học Newton bị quả táo rơi trúng đầu, từ đó nảy ra thuyết “Vạn vật hấp dẫn”. Có lẽ nào, trước Newton không ai thấy táo rụng hay sao. Trong thư gửi người bạn thân John Locke, Newton đã viết: “Những gì tôi muốn trong cuộc đời mình là chú tâm đến khoa học và nghệ thuật, và không bị ám ảnh bởi chính trị hoặc kinh doanh”, đủ để thấy dù không phải là nghệ sĩ, nghệ thuật cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của nhà khoa học lỗi lạc.

Khi chúng ta xem một bộ phim hay, mình luôn tự hỏi tại sao biên kịch và đạo diễn có thể nghĩ ra được nội dung, từng câu thoại này và đưa nó lên màn ảnh, tinh tế từ những chi tiết nhỏ nhất. Đó chẳng phải xuất phát từ những điều họ để ý từ cuộc sống thực hay sao. Nếu nó không thực thì sao khán giả có thể nhận ra chính bản thân mình trong nhân vật.

Leicester

Những điều giống nghệ thuật nhưng không phải nghệ thuật

Có 7 loại hình nghệ thuật là hội họa, điều khắc, văn chương, kiến trúc, điện ảnh, âm nhạc và sân khấu. Nhưng trong xã hội ngày này không phải tác phẩm nào cũng là nghệ thuật khi người ta đặt tính giật gân, câu view lên hàng đầu, thậm chí còn truyền bá những điều độc hại. Có những điều mình nhìn thấy rất khó chịu, và thậm chí còn vi phạm đạo đức vẫn diễn ra hàng ngày, còn được đưa vào âm nhạc và phim ảnh. Mình kịch liệt phản đối. Có một lần mình tranh luận với người bạn, người bạn ấy hỏi mình thế nào là đẹp, khi đẹp xấu chỉ là một cảm nhận rất chủ quan. Tuy vậy, mình nghĩ không phải vì thế mà chúng ta có thể đánh đồng cái thiện và cái ác. Nghệ thuật đích thực sẽ đưa người ta đến cái thiện, sự thấu cảm, chữa lành, giá trị nhân văn, tình yêu và ánh sáng, còn nếu những điều chỉ mang lại cho con người sự thù hận, sợ hãi, ghen tị, và xúi giục những hành động xấu thì chúng cần bị lên án và loại bỏ.

Tâm hồn, suy nghĩ của chúng ta được tạo nên bởi chính những điều chúng ta đọc, và xem. Nếu bạn ăn phải thực phẩm không tốt, bạn có thể bị ngộ độc, hay nhẹ thì ốm, mệt mỏi. Nếu thông tin bạn tiếp thu độc hại thì tâm trí bạn cũng sẽ đầy những điều tiêu cực, và thường xuyên bị bủa vậy bởi những suy nghĩ độc hại ấy dẫn đến những hành động sai lầm. Vì thế, nếu muốn sống cuộc đời đầy những hân hoan, niềm vui và hi vọng, chúng ta phải chọn lọc những điều chúng ta tiếp thu. Mình muốn viết một bài về ảnh hưởng của âm nhạc đến tâm trí nhưng bài này dài quá rồi, hẹn bạn lần sau.

Kết luận

Trong cuộc sống này người ta thường bỏ qua những điều mà họ không nhìn thấy lợi ích trước mắt. Thế nên, mới có lắm kẻ hay buông lời chê bai, mà không hiểu được giá trị đích thực của nghệ thuật mang lại cho cuộc sống. Yêu nghệ thuật, không khiến người ta đánh mất lý trí, phi thực tế hay trở nên yếu đuối, mà giúp chúng ta trở nên thông tuệ, tự tin và dũng cảm. Dám sống cuộc đời của riêng mình như một nhân vật chính trong tiểu thuyết bạn yêu chẳng phải là sự dũng cảm hay sao. Hỏi trong cuộc đời này mấy ai đã sống được như vậy.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ nhưng bài viết mới trên blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Một bài chia sẻ hay về Tận dụng nghệ thuật, thay đổi cuộc đời mà mình tham khảo.