
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Ở Anh, Easter hay còn gọi là lễ Phục sinh, là một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm, cả về mặt tôn giáo lẫn đời sống thường nhật. Với nhiều người theo đạo Thiên Chúa, đây là thời điểm tưởng niệm sự hi sinh và phục sinh của Chúa. Tuần Thánh (Holy week) bắt đầu từ chủ nhật ngày 13/4/2025 đến chủ nhật tiếp theo 20/4/2025. Còn kỳ nghỉ lễ Easter sẽ bắt đầu từ thứ 6 ngày 18/4 đến thứ 2 ngày 21/4/2025 được gọi là Easter Monday, ngày Bank Holiday đầu tiên của năm.
Nhưng ngay cả với những ai không kỷ niệm Easter vì ý nghĩa tôn giáo (như mình), Easter vẫn là một kỳ nghỉ. Đó là khi mùa xuân thực sự bắt đầu. Trời bớt lạnh, bầu trời xanh và nắng vàng hơn, hoa bắt đầu nở, những bông hoa trắng, vàng nhỏ li ti bắt đầu rở rộ trên những thảm cỏ xanh ngắt. Cảm giác như mọi thứ bừng tỉnh và sống lại sau mùa đông dài, đúng như tinh thần phục sinh. Siêu thị bắt đầu bán những quả trứng và con thỏ Socola. Và đó cũng là lúc những điểm tham quan ở ngoại ô mở cửa trở lại (mộ số điểm tham quan thường đóng cửa vào mùa đông), những công viên bắt đầu có những nhóm ngồi trò chuyện, nhà nhà rục rịch đi du lịch, và cao điểm du lịch kéo dài cho đến tận mùa hè tháng 8, đầu tháng 9.
Chọn lựa một điểm tham quan vừa phải trong 3 ngày, phù hợp để đi phương tiện công cộng, nhìn lại wish list dày đặc, mình chọn cụm những thị trấn phía Nam nước Anh – Hastings, Battles và lâu đài Bodiam. Chúng mình đi tàu từ Nottingham đến London, rồi từ London đi tàu đến Ashford International, rồi sau đó bắt tàu đến Hastings. Chúng mình thuê 1 ngôi nhà ở Hastings, rồi từ Hastings có thể đi tàu đến Batlles và đi xe bus tới Bodiam Castle.
Mình cũng dự định sẽ tổng hợp những điểm du lịch ở Anh đi du lịch bằng tàu và xe bus và sắp xếp lại phần Blog du lịch lộn xộn của mình, cũng để các bạn dễ tìm kiếm hơn khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ.
Lịch sử Hastings, Battle
Lần đầu tiên mình biết tới Hastings là khi đi thực tập, mọi người nói có một văn phòng ở đó. Bởi thế, mình nghĩ hẳn Hastings là một thành phố lớn ở khu vực phía Nam, một nơi có lẽ sẽ rất lý tưởng để sống bởi đó là thành phố biển, chỉ cách London 1 tiếng đi tàu (dù hôm chúng mình đi không có tàu thẳng), và còn có văn phòng của những tổ chức lớn nữa. Nhưng khi đến, Hastings nhỏ hơn mình nghĩ. Nó giống như một thị trấn nghỉ dưỡng (resort town), với bãi biển sỏi trải dài, và dày nhà sơn tưởng mùa trắng hướng ra biển.
Điều nổi bật nhất của 3 điểm đến Hastings, Battles và lâu đài Bodiam Castle là về lịch sử, một phần lịch sử quan trọng của nước Anh, gắn liền với vua William the Conquer và trận chiến Hastings lịch sử năm 1066, thời điểm mở đầu cho thời kỳ Trung Cổ nước Anh (Medival) mà mình từng nhắc tới trong bài viết về Hadon Hall.
Trấn chiến Hastings – Hastings Battle
Năm 1066, vua Edward the Confessor của Anh qua đời mà không để lại người thừa kế rõ ràng. Ba nhân vật quyền lực đều tuyên bố mình có quyền lên ngôi gồm có: Harold Godwinson, một quý tộc người Anglo-Saxon, được bầu làm vua bởi hội đồng Witan; William, Công tước xứ Normandy tuyên bố rằng Edward từng hứa truyền ngôi cho ông và Harald Hardrada, vua Na Uy, cũng cho rằng mình có quyền thừa kế.
Người Anglo-Saxon
Một chút về bối cảnh lịch sử thời vua Edward, khi nước Anh thuộc quyền kiểm soát của người Anglo-Saxon. Trước năm 1066, nước Anh không phải là một vương quốc “toàn quyền” kiểu phong kiến Pháp, mà là một hệ thống chính trị do người Anglo-Saxon xây dựng, tương đối dân chủ. Người Anglo-Saxon là hậu duệ của các bộ tộc Germanic (Anglo, Saxon và Jute), đến từ vùng ngày nay là Đức, Đan Mạch và Hà Lan, di cư sang Anh sau khi Đế chế La Mã suy tàn. Họ định cư, lập nên các vương quốc nhỏ, rồi dần thống nhất thành Vương quốc Anh (England).
Điều dân chủ của thời kỳ này là việc chọn vua không phải cứ ai là con trai của vua trước thì sẽ được lên ngôi. Ở Anh thời đó, các quý tộc quyền lực và giám mục trong Hội đồng Witan (Witenagemot) sẽ họp lại để chọn ra người mà họ cho là xứng đáng nhất để làm vua, thường là quý tộc có ảnh hưởng, tài giỏi, và quan trọng nhất là đủ năng lực để bảo vệ đất nước.
Sau khi vua Edward the Confessor mất, Harold Godwinson được Hội đồng Witan bầu làm vua. Harold là người Anglo-Saxon, rất quyền lực, thống lĩnh miền Nam nước Anh, và được xem là người có khả năng giữ ổn định quốc gia. Việc đưa Harold lên làm vua vừa có ý nghĩa xác định chủ quyền dân tộc, Harold được chọn bởi người Anh, cho người Anhm một cách để bảo vệ truyền thống tự trị và lựa chọn lãnh đạo theo cách của họ và Harold cũng là người tài trí để bảo về đất nước khỏi giặc ngoại bang. Ngoại bang ở đây chính là quân của Willam từ Normandy, Pháp và vua Nauy. Nói cách khác, người thừa kế ngai vàng ở thời điểm này là “ngã ba đường” quyết định mô hình của nước Anh thời kỳ đó. Một bên là truyền thống Anglo-Saxon, chọn vua theo sự đồng thuận của tầng lớp tinh hoa trong nước. Bên kia là mô hình phong kiến kiểu châu Âu lục địa, nơi “ngai vàng là quyền thừa kế của máu mủ”.
Willam xứ Normandy
Lịch sử đã lựa chọn William xứ Normandy là nhân vật chính với một cốt truyện đầy kịch tính: xuất thân khắc nghiệt, tham vọng không giới hạn, và kết thúc bằng một cuộc lật đổ cả một vương triều.
William sinh khoảng năm 1028 tại Normandy (miền Bắc nước Pháp ngày nay), là con ngoài giá thú của Công tước Robert I và một cô gái thường dân tên Herleva. Vì thế, ông thường bị gọi là William the Bastard, một biệt danh chẳng dễ chịu gì. Nhưng có lẽ chính vì cái gốc “không danh chính ngôn thuận” đó mà William quyết tâm vươn lên, xây dựng quyền lực và giữ chặt nó bằng bất cứ giá nào. Willam trải qua hàng loạt các sự kiện đảo chính, mưu sát, tranh giành ngôi vị để giữ vững trị ví công tước xứ Normandy và kiểm soát cả vùng đất này. Ông cũng cưới Mathilda của Flanders để liên minh với một trong những gia đình quyền lực nhất châu Âu lúc bấy giờ.
Bước ngoặt lịch sử nước Anh từ một lời hứa
William xứ Normandy không phải người Anh, nhưng ông khẳng định rằng Edward từng hứa truyền ngôi cho mình, và Harold từng thề trung thành với ông. Với William, việc Harold được bầu làm vua không chỉ là vi phạm lời hứa, mà còn là xúc phạm danh dự.
William kéo quân sang Anh, đổ bộ gần Hastings. Harold, vừa thắng một trận lớn ở phía Bắc chống lại vua Na Uy, lại phải hành quân suốt mấy trăm cây số về phương Nam để đối đầu. Ngày 14 tháng 10 năm 1066, Willam gặp Harold. Cả ngày chiến đấu, Harold bị giết, truyền thuyết nói rằng ông trúng tên vào mắt. William chiến thắng và trở thành William the Conqueror, vua Anh đầu tiên xuất thân từ Normandy.
Năm 1066, William được trao vương miện trong lễ đăng quang tại Westminster Abbey, chính thức trở thành Vua William I của Anh. Sau khi lên ngôi, William tước bỏ quyền lực của gần như toàn bộ quý tộc Anglo-Saxon, những người từng chọn Harold làm vua. Thay vào đó, ông chia đất đai cho các hiệp sĩ và quý tộc Norman, những người đã theo ông từ Pháp sang, và hoàn toàn trung thành với ông. Chỉ trong vài năm, nước Anh từ một vương quốc Anglo-Saxon đã trở thành một xã hội Norman từ trên xuống dưới và nước Anh bắt đầu chương mới – hòa trộn giữa Anglo-Saxon và văn hóa Norman. Bởi vậy, trận Hastings không chỉ là một trận chiến, nó là bước ngoặt khiến văn hóa, luật pháp, kiến trúc và ngôn ngữ Anh thay đổi sâu sắc. Từ đây, Tiếng Norman (một dạng cổ của tiếng Pháp) trở thành ngôn ngữ của hoàng gia, tòa án, và giới quý tộc. Trong khi đó, dân thường vẫn nói Old English (tiếng Anh cổ). Kết quả là một nước Anh với hai tầng ngôn ngữ, và theo thời gian, chúng hòa trộn lại, tạo ra tiếng Anh trung đại, rồi trở thành tiếng Anh hiện đại ngày nay.
Bởi vậy, nếu lịch sử chọn Harold làm vua nước Anh thì thế giới đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. và ngày nay chúng ta sẽ học một kiểu Tiếng Anh khác, nghe nói là nó ít từ vựng kiểu cách sang chảnh kiểu Pháp hơn.
Nhưng trận chiến Hastings không diễn ra ở thị trấn tên là Hastings
Sự thực là, trận chiến Hastings diễn ra ở một thị trấn nhỏ, cách biển Hastings chỉ vài cây số. Thị trấn ven biển được đặt tên là Hastings, lấy tên của thị trấn lịch sử. Nhưng nơi thực sự diễn ra trận chiến, lấy tên là Battle, một chiến trường thực sự.
Battle Abbey được xây dựng theo lệnh của William the Conqueror, ngay sau chiến thắng tại trận Hastings năm 1066, như một lời tạ ơn với Chúa và một lời nhắc nhở với người dân rằng ngay tại đây, ông đã giành được vương miện nước Anh.
Người ta kể rằng bàn thờ của nhà thờ tu viện ban đầu được đặt chính xác tại nơi Harold, vị vua Anglo-Saxon cuối cùng ngã xuống, nhưng phần lớn nhữn gì còn sót lại ở Battle Abbey chỉ còn là tàn tích. Bởi thế mình cũng tự hỏi, trong câu chuyện lịch sử được kể lại bao nhiêu là sự thật, bao nhiêu là truyền thuyết.
Hastings Castle – Nơi thời gian ăn mòn đá và lịch sử thì thầm trong gió biển
Khi William xứ Normandy đổ bộ vào Anh vào tháng 9 năm 1066, ông chọn Hastings làm nơi hạ trại đầu tiên. Ngay sau khi đến, ông ra lệnh xây dựng một lâu đài bằng gỗ trên đỉnh đồi để phòng thủ, thứ mà ngày nay ta gọi là motte-and-bailey castle, kiểu lâu đài tạm bằng gỗ trên gò đất cao. Sau khi thắng trận Hastings, William cho xây lại Hastings Castle bằng đá, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên lâu đài đá ở Anh. Lâu đài này giờ chỉ còn tàn tích, thời gian, chiến tranh, và xói mòn biển đã lấy đi phần lớn cấu trúc. Lâu đài nằm trên đỉnh đồi, đường lên lâu đài cao và dốc, nhưng từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh thị trấn Hastings, biển, rất yên bình và nên thơ.
Lâu đài Bodiam
Một câu chuyện lãng mạn, nhẹ nhàng hơn, không phải về nhà vua mà về một người hiệp sĩ. Lâu đài Bodiam đẹp như một lâu đài từ tranh vẽ, bao quanh là hào nước trong veo, tường thành nguyên vẹn, tháp tròn cân đối giữa một cánh đồng hoang tàn rộng lớn.
Bodiam Castle được xây năm 1385, tức là khoảng 300 năm sau Trận Hastings, bởi một hiệp sĩ tên là Sir Edward Dalyngrigge. Lúc đó, người Anh lo ngại cuộc xâm lược từ Pháp trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Trăm Năm. Lâu đài có đầy đủ: cầu rút, tháp canh, tường thành, lối đi tuần.
Xét về diện tích, lâu đài Bodiam không to lắm. Nét đặc trưng của lâu đài kiểu Anh, không giống lâu đài Disney một chút nào cả. Nếu nói về diện tích đất, mình thấy khu vực được hào nước bao quanh cũng chỉ bằng một nhà biệt thự ngoại ô Việt Nam. Đo dặc điểm của thời đại không mấy yên ổn, hầu hết lâu đài ở Anh ban đầu được xây với mục đích quân sự: phòng thủ trước giặc ngoại xâm. Nhưng theo thời gian, khi chiến tranh ít đi, lâu đài dần trở thành biểu tượng của địa vị và sự giàu có. Một số đặc điểm đặc trưng là đá xám, tháp canh tròn, và cầu rút bắt qua hào nước, bức tường dày tới 3 mét, cửa sổ nhỏ xíu (để tránh tên bắn), và tháp canh vững chãi cùng với màu đá xám khiến chúng nhìn vừa uy nghi vừa lạnh lùng. Vào phía bên trong, các căn phòng mình nghĩ sẽ rất tối, và nhỏ. Và ở trong các lâu đài cổ, đôi lúc đi vào bên trong còn có cả dơi nữa, đúng chất phim kinh dị.
Bởi thế, càng ở Anh lâu, mình lại càng thấy nhiều điều rất khác với tưởng tượng mình đã từng có. Lâu đài nguy nga, hoàng tử cưỡi ngựa trắng. Không, những điều đó hoàn toàn không hề xuất hiện ở Anh.
Nhưng người ta cũng hoàn toàn có thể kể câu chuyện về Bodiam Castle theo một cách lãng mạn hơn. Edward Dalyngrigge không sinh ra đã là người quyền quý. Ông là một hiệp sĩ trẻ tuổi, xuất thân từ tầng lớp thấp hơn giới quý tộc giàu có. Nhưng bằng tài năng và lòng trung thành, ông đã phục vụ trong Chiến tranh Trăm Năm ở Pháp và tích góp được không chỉ kinh nghiệm, mà cả danh tiếng lẫn của cải. Trở về từ chiến trận, ông cưới Elizabeth Wardedieu, con gái của một gia đình quý tộc có đất đai tại Sussex. Mối hôn sự này không chỉ là chiến thắng về mặt xã hội, mà còn là kết quả của một mối tình kéo dài trong âm thầm khi ông còn trẻ và vô danh. Vùng đất xây dựng lâu đài cũng là thừa kế của Elizabeth. Năm 1385, vua Richard II cấp phép cho Edward xây một lâu đài để bảo vệ vùng Sussex khỏi nguy cơ bị Pháp tấn công qua đường biển. Từ đó, Edward xây xựng Bodiam Castle ra đời, nhưng đó không chỉ là một pháo đài phòng thủ mà là ngôi nhà để bảo vệ gia đình của mình. Khi mình xem đoạn phim lịch sử lâu đài Bodiam trong phòng triển lãm, điều mình nhớ nhất chỉ là cảnh 2 vợ chồng nắm tay nhau đi giữa miền quê yên bình. Và cơ bản thì, từ bốn tháp canh, người ta hoàn toàn có thể nhìn ngắm cảnh đẹp của miền quên Sussex, cả bình minh lẫn hoàng hôn.
Những ngày ở Hastings
Những ngày nghỉ ở Hastings của chúng mình cũng khá lặng lẽ. Chỉ có mình là đứa quan tâm chút ít đến lịch sử nên các bạn cũng không hứng thú với lâu đài, tu viện, bảo tàng lắm. Chiều nào mấy đứa cũng đi dạo quanh khu phố old town với những ngôi nhà mái gỗ cổ kính, ra biển ngồi. Có chiều, còn mua 1 kg kem Gelato ra biển ngồi ăn và nằm đó nhìn bầu trời cho đến khi mặt trời lặn. Thời thiết tháng 4 vẫn rất lạnh, nằm bên ngoài bờ biển một lúc mà mình cũng tư hỏi “tôi bị dở hơi kiểu gì thế này?”.
Nhưng mình tự hỏi liệu mình sẽ nhớ điều gì nhất sau chuyến đi này, bởi Hastings chẳng phải một điểm đến mình cực kỳ ao ước như kiểu lâu đài Pembroke có trong bộ phim Me before You như hồi mình đến Wales, Hastings cũng không đẹp một cách cực kỳ Wow như những thành phố nước Anh khác, và dù Battle có thể nói là nơi bắt đầu của của tiến trình lịch sử Anh, nơi ấy cũng chưa bao giờ trở thành một thị trấn Anh Quốc kiểu mẫu. Bỏ qua tất cả những điều có thể khiến người ta thấy cuốn hút, mình thấy mình hiểu nước Anh hơn một chút. Mình nghĩ mình sẽ không thể ở một nơi quá lâu mà chẳng hiểu gì về lịch sử, văn hóa, tập quán, hay cách nơi đó từng phát triển và đổi thay. Và càng đào sâu lại, càng cố tìm hiểu để trả lời câu hỏi của mấy đứa bạn rằng Hastings có gì quan trọng mà phải đến đây, mình lại như vượt qua một bài kiểm tra miệng. Và đôi khi cái cảm giác thấy mình hiểu biết thêm một chút cũng là một điều tuyệt vời.
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Wanderlust
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 Youtube: https://www.youtube.com/@phuonganhviolet3617
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com
- 📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/