Tháng 2, khi những cơn gió lạnh buốt của mùa đông còn chần chừ chưa muốn rời đi thì những cánh hoa anh đào hồng rực đã trở mình, e ấp bên góc sân nhỏ. Tháng 2 ngắn ngủi mà nặng nề. Cái thời tiết chuyển mùa ẩm ương, lúc lạnh căm, lúc lại hửng nắng vàng chói khiến đứa ít khi ốm vặt như tôi cũng phải đau đầu, hắt hơi, sổ mũi. Có tuần, tôi thầy đầu mình như sắp nổ tung mà nghĩ lại chả có nhiều deadline phải chạy. Một hôm, đang ngồi học, cô bạn cùng lớp bảo về sớm có việc, tôi hỏi ra biết cô ấy đi gặp bác sĩ tâm lý. Tôi mới gọi điện cho người bạn khác cùng lớp, bảo cậu ấy làm gì nói chuyện an ủi cô bạn kia. Cuối cùng thì tôi biết cậu ấy cũng đang stress. Tất cả mọi người đều stress không chỉ mình tôi. Lần đầu tiên chúng tôi thấy đuối vì áp lực của PhD. Cậu bạn bảo, có lẽ chúng mình chỉ cần những ngày gặp nhau và cùng nhau khóc. Sau những ngày ủ rũ, tôi cố gắng dọn hết tàn dư của những điều khiến mình mệt mỏi, và quyết đinh cho mình một chuyến đi. Tôi tới Lincoln.
Lincoln – thành phố tôi từng nghe rất nhiều người bảo rằng nó rất đẹp. Bởi vậy mà dù Lincoln không cách xa Notitngham lắm, chỉ gần 1 giờ đi tàu, rất phù hợp cho chuyến đi 1 ngày, tôi vẫn để dành thành phố này cho một dịp đặc biệt. Tôi đợi khi mình đã mua máy ảnh mới, đợi một ngày nắng đẹp. Vậy mà, dù có chuẩn bị kỹ càng thế nào, tôi cũng chẳng thể hiểu hết thời tiết ở nước Anh. Dù tôi chọn một ngày nắng nhưng Lincoln chào đón tôi bằng con mưa rào và chào tạm biệt tôi bằng một đợt cảm lạnh dài ngày. Lincoln vẫn đặc biệt, nhưng đặc biệt theo một cách tôi chẳng thể đoán trước.
Ngày 25/2/2023
Tôi bắt chuyến tàu lúc 7 rưỡi sáng. Vừa hớt hải chạy lên tàu, tìm được ghế thì tàu chạy. Tàu đến nơi là 8 rưỡi sáng. Không có hạt nắng nào đánh thức thành phố còn đang im lìm trong cơn mộng mị. Tôi bước đi giữa con phố vắng lặng, hướng về phía nhà thờ. Một vài người nông dân đang dọn sạp bán hoa quả ở quảng trường trung tâm. Trung tâm Lincoln có vẻ còn rộng hơn cả trung tâm Nottingham nơi tôi sống. Lincoln là thủ phủ của hạt Lincolnshire. Cậu bạn tôi bảo, nơi nào có Catheral thì nơi đó là một thành phố lớn và quan trọng.
Bước qua cổng Stonebow, cửa ngõ để bước vào lịch sử Lincoln, tôi đi vào con phố High Street với những thương hiệu nổi tiếng hiện đại. Sau đó, bước qua cánh cổng The Strait tôi như bước vào một thế giới hoàn toàn khác, cổ kính, xưa cũ và rất porch nơi con phố nổi tiếng Steep Hill. Steep Hill, theo đúng tên gọi của nó là một con phố “cheo leo” với độ dốc lên tới 16%. Khác với những cửa hàng ở High street hiện đại, Steep Hill nổi tiếng với những cửa hàng, hiệu đồ cổ quán cà phê, và nhà hàng địa phương bằng gỗ hoặc bằng đá ong, kiến trúc Gothic. Những cửa hàng có gỗ sơ màu đỏ hoặc navi đậm chất quý tộc. Ở đó có cừa hàng kẹo ngọt, cheese và socola truyền thống, khi bước vào cảm giác như quay ngược thời gian, hay bước vào một bộ phim period drama. Tôi thấy con phố này porch khi tình cờ bước vào 1 cửa hàng đồ da, làm mũ, áo dạ ở đây, và lạnh người khi chạm vào một chiếc cốc giá hơn 3 ngàn bảng. Cửa hàng giới thiệu, có khá nhiều thành viên hoàng gia làm mũ ở đây.
Mỗi ngôi nhà ở đây như kể một câu chuyện lịch sử. Jew’s House – ngôi nhà bằng đá ong vàng ươm được xây dựng từ thế kỷ 12, được cho là một trong những ngôi nhà cổ nhất ở nước Anh vẫn còn được sử dụng cho đến ngày này. Giờ đây, đây là một nhà hàng đồ ăn kiểu Anh. Những chiếc lò sưởi, khung gỗ từ thời trung cổ vẫn được bảo trì và sử dụng cho đến ngày nay. Đối diện nhà hàng là một hiệu sách cổ với cửa vào bé xíu.
Một vài tia nắng vắng le lói đón bình mình, một vài người dân địa phương ra phố. Đi trên con phố này, người ta phải rất cẩn thận vì nó rất dốc. Tôi bắt gặp ánh mắt, và nụ cười từ những người xa lạ. Con dốc này khiến tôi nhớ về những ngày còn bé, khi mẹ đi làm thường gửi tôi ở nhà bá, nằm ven đồi. Khu nhà bá cũng là những ngôi nhà chênh vênh bên sườn đồi, những khu vườn nhỏ bên những bậc thang dốc. Một ký ức xa xăm của tuổi thơ được dào xới lên, một cảm giác vừa lạ vừa quen, khiến tôi nhớ đã bao lâu rồi mình không quay lại nơi đó, không biết bá còn ở ngôi nhà đó không, một ngôi nhà rất đẹp. Rồi tôi lại nhận ra, mình đã đi xa như thế chỉ để nhớ lại những điều quen thuộc.
Đến Lincoln nổi tiếng nhất là Lincoln Catheral. Trước khi đến đây, bạn tôi bảo, nơi đây từng là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới khi nó mới được xây dựng. Nhưng mãi đến 10 giờ nhà thờ mới mở cửa nên tôi đành quay lại High Street tìm một nhà hàng để dành cho mình một bữa sáng nóng hổi. Tôi chọn một nhà hàng địa phương ăn full breakfast với bánh Waffle và cà phê kiểu Việt Nam. Cô bạn phục vụ hỏi tôi, đã bao giờ dùng cà phê kiểu Việt Nam chưa. Tôi cười, và món cà phê này không Việt Nam lắm vì cà phê Americano hơi loãng. Full breakfast là món ăn sáng truyền thống kiểu Anh, có trứng ốp lòng đào, thịt xông khói chiên, xúc xích, baked bean, cà chua nước và nấm, Phần tinh bột thường dùng với bánh mỳ hoặc hash browns (khiểu khoai tây nghiền, nặn thành bánh hình tam giác và chiên giòn), nhưng nhà hàng này dùng với bánh Waffle. Với đúng tên gọi của nó, bữa sáng này giúp bạn no đến chiều.
Trời mưa và lạnh, tôi quay lại Steep Hill và chạy ngay vào nhà thờ. Nhà thờ đánh chuông buổi sáng réo rắt. Nhà thờ Lincoln là một trong những nhà thờ lớn nhất Châu Âu với kiến trúc Gothic cổ kính và lịch sử lâu đời. Thường thì đến các thành phố ở Anh, các nhà thờ có kiến trúc khá giống nhau. Ở Cantebury cũng có một Catheral rất đồ sộ. Những điểm khác nhau ở các các nhà thờ là ở câu chuyện lịch sử, tầm vóc của công trình và cả những thông điệp được kể qua những ô cửa kính đầy màu sắc.
Nhà thờ Lincoln ban đầu được xây dựng vào năm 1072, nhưng nó đã bị phá hủy phần lớn bởi trận hỏa hoạn vào năm 1141. Nó được xây dựng lại trong nhiều thế kỷ tiếp theo, với nhiều bổ sung và cải tiến cho cấu trúc. Tháp trung tâm cao 83 mét, là một trong những tháp cao nhất ở châu Âu. Ngay phần tháp chính, nhìn lên trên sẽ thấy những “Angel Choir” được xây dựng vào thế kỷ 13 và được trang trí với các tượng thiên thần được điêu khắc tỉ mỉ và tinh tế. Tên gọi “Angel Choir” xuất phát từ các tượng thiên thần đó và được coi là một phần của đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Gothic. Ngoài ra, nhà thờ còn có những ô cửa sổ kính lớn The Dean’s Eye, The Bishop Eye trang trí đầy màu sắc nhìn về phía thành phố. Ở cừa hàng lưu niệm của nhà thờ cũng bán những vật trang trí như Bishop Eye mini cho khách tham quan mang về trang trí nhà cửa.
Kết thúc tour nhà thờ, tôi định qua Lincoln Castle ngay bên cạnh để tham quan thì trời lại mưa ào ạt, mà lâu đài Lincoln đặc trưng nhất là tour đi dọc tường thành. Tôi trú mưa ở cửa lâu đài một lúc rồi quay lại khu Steep Hill, vào bảo tàng và khu trưng bày nghệ thuật. Con phố im lìm ban sáng giờ đông nghẹt khách tham quan và người dân địa phương. Thật may mắn là tôi đi sớm để có thể tận hưởng không khí yên bình sáng nay. Bước qua The Strait lại cảm giác như vừa bước từ thời Trung cổ về thế giới hiện đại. Sau đó, tôi đi dọc bờ sông Witham, ghé qua những cửa hàng ở High Street rồi bắt tàu về Notitngham.
Về đến “quê”, tôi được tin tram không chạy. Tôi đi bộ vòng vèo, rồi lại bắt xe bus hơn 2 tiếng mới về đến nhà. Sáng chủ nhật, nắng chói chang ghé qua cửa phòng còn tôi thấy mình đau họng, đau mũi, sốt. Vậy là ngày mưa thì tôi đi chơi, còn ngày nắng thì tôi nằm bẹp. Kỷ niệm về Lincoln đặc biệt vậy đấy, nhưng với tôi Lincoln rất đẹp, vẻ đẹp sáng ngang với những nơi đẹp nhất mà trước đó tôi từng đi: York, Chester, Rye, Lavenham.
Cám ơn bạn đã ghé qua và ủng hộ Blog. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.
Album ảnh mình chụp ở Lincoln: Flickr Phuong Anh Violet
Video mình quay 1 ngày ở Lincoln
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Violet in The UK
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://anchor.fm/smallstepseveryday
- 📽 Movie review: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: phuong.anh.violet@outlook.com
- 📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/